- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Giả Như

a

i

Nghĩa lý gì khát vọng
những đòi hỏi cũ xưa
được thay đổi
chẳng đổi thay

và thay vào đó
bị đạp đổ
vì kêu gọi đổi thay.

Cách nào lời kêu gọi thay đổi lại là niềm xấu hổ,
là sám hối, là trừng phạt?

Làm thế nào để nói

giả-như

mà không mang trách móc? Gốc rễ

của sự trừng phạt là thanh lọc.
Điều đó bất khả — rằng
sự chối từ và không là

lời kêu gọi đến đổi thay?

ii

Giọng tôi mang niềm cam chịu khi tôi nói rằng
tôi cảm thấy mình chậm lại, như một cái máy,
đánh giá mức độ phản ứng từ tôi. Trong tôi vẫn ê chề,
tôi nghĩ không có cách nào khác hơn là giải thoát —

vì vậy tôi đặt câu hỏi theo cách tôi biết
trong cô đơn tôi chất vấn.
Những gì tĩnh lặng vẫn thật; thậm chí không một run rẩy
khi nó đã có mặt quá lâu đời.

Tôi có thể xây một thùng chứa để chở thân thể,
một thùng chứa để giữ tất cả, dù chúng tôi chưa bao giờ
nói về sự toàn tất; chúng tôi chưa bao giờ nguyên vẹn.

Trong những suy nghĩ của người, tôi đứng đây,
cũng rạn nứt, cũng không tên,
nói ra một câu – đây, tôi đây.
Như tôi đã biết người, như tôi sẽ không bao giờ biết người,

tôi đây. Những gì
đang nói đến, giả-như,
tôi ở đây đang chờ, đang đợi người

trong những giả-như, trong những câu hỏi,
trong những điều kiện,
trong những cưỡng bách — giả-như.

iii

Giả như trong bữa ăn, giả như trong chuyến đi dạo, giả như
trong làn sương mù lần lối, giả như giữa nỗi đợi chờ
đằng đẵng, giả như trong chuyến đi, trong những giả-như
mỗi ngày mang chúng ta vào mùa màng, giả như
trong sự kiên cường đổi mới, giả như trong cõi vô cùng,
giả như trong một đời trò chuyện, giả như
trong sáng suốt của ý thức, giả như không có gì thay đổi?

iv

Giả như người chịu trách nhiệm để cứu giúp hơn là thay đổi?

Giả như người là sự tàn hủy chảy ngầm bên dưới
ngôn ngữ cứu tinh? Có phải điều đó cũng không rối rắm?

Người nói, giả những người da trắng khác đã không … hoặc giả nó dường như
vẫn không đủ vào đâu … tôi có thể sẽ …

Giả như — bản điệp khúc của giả như — chỉ được xem là lặp đi lặp lại
khi giả-như rời khỏi môi tôi, khi giả-như được thốt ra
từ kẻ-không-được-nghe-đến, và giả như

giả-như là chất hàn gắn sự khẳng định
khi người cứ nhất định giả như
đây là.

v

Điều gì chúng ta mong muốn giữ trong ý thức, muốn luôn được biết đến, ngay cả khi chúng ta nói, theo từng cách riêng của mỗi người, tôi yêu quá tôi biết tôi chùn lại tôi hỏi tôi cũng tôi phản ứng tôi ngửi tôi cảm thấy tôi nghĩ tôi nghe nói tôi nhớ tôi thấy tôi đã không tôi đã nghĩ tôi đã cảm thấy tôi đã thất bại tôi nghi ngờ tôi đang làm tôi chắc chắn tôi đọc tôi đã cần tôi sẽ không tôi đã tôi đã nên tôi đã cảm nhận tôi đã có thể tôi không bao giờ tôi chắc chắn tôi hỏi …

Người nói và tôi nói nhưng chúng ta
đang nói gì, chúng ta

muốn biết điều gì ở đây?

vi

Giả như những gì tôi muốn từ người là mới, vừa được làm ra
một câu mới để trả lời tất cả những câu tôi hỏi,

một lệch hướng trong mối quan hệ của chúng ta và những chữ cưu mang,
sự quan tâm giúp chúng ta xử sự. Tôi đang đây, không một nhún vai,
đang cố gắng hiểu, làm cách nào để những gì tôi muốn
và những gì tôi muốn từ người
cùng sóng vai —

công lý và những cơ hội cho chúng ta.1

 

1 Câu cuối cùng nguyên tác tiếng Anh: ‘justice and the openings for just us’, dùng hai chữ ‘justice’ và ‘just us’, đọc lên gần giống nhau. Nghĩ rằng nhà thơ dùng chữ khéo, để có thể xem bài thơ này – bài đầu tiên trong ‘Just Us’ – là một khai từ dẫn vào phần tiếp của tập thơ/ảnh/tiểu-luận, một “mời gọi tìm ra những gì cần thiết để đối diện, phá tan sự im lặng, cảm giác tội lỗi và bạo lực sau những lên tiếng về sự phân biệt màu da.”

vi lãng dịch bài ‘What If’, trong tập ‘Just Us: An American Conversation’, tác giả Claudia Rankine, Graywolf Press, 2020.

bài đã đăng của Claudia Rankine