Trang chính » Chuyên Đề, Văn Chương Thiếu Nhi Email bài này

Nguyễn Lệ Uyên: Văn Chương Thiếu Nhi/Thiếu Niên

BachKhoa11_2

Mỗi khi nhìn thấy bà cụ già một mình băng qua đường đầy xe cộ, những đoạn clip học sinh đánh nhau và đánh thầy cô, phụ huynh nhiếc móc thượng cẳng tay hạ cẳng chân với người đang dạy dỗ con em mình, lòng tôi nhói đau và để chữa cho cái đau nhói đó, tôi bắt tôi phải nhớ đến cậu bé Enrico và các nhân vật trong Tâm Hồn Cao Thượng (bản dịch của Hà Mai Anh), để giảm bớt những thẫn thờ, phân vân, tiếc nuối!

Những nhân vật hư cấu của E. De Amicis trong từng câu chuyện là những bài học “vỡ lòng” về công ơn cha mẹ, thương người, yêu mến thầy cô, bạn bè, giúp đỡ những người hoạn nạn… Đó là quyển sách đầu tiên của sự đọc của tôi, từ hồi cuối năm học lớp Nhì niên khóa 1958-1959 (tương đương lớp Bốn). Quyển sách này là phần thưởng danh dự toàn trường của TT VNCH Ngô Đình Diệm trao tặng, kèm với cặp táp, mấy gam vở, bút máy, bút chì tô và có thêm hai quyển Vô Gia Đình, Bên Dòng Sông Trẹm cộng 9 cuốn tạp chí Thế giới Tự Do (Sở Thông Tin Hoa Kỳ), in rất đẹp. Mùa hè đó, 3 quyển sách như ba người bạn mới, mở ra cho tôi miền đất lạ bằng những cuộc viễn du tưởng tượng, từ tận bên trời tây bay qua dòng sông Trẹm đục lờ phù sa, có nhà máy xay, có cô thôn nữ áo bà ba có cậu chủ và mối tình đầy nước mắt, như nước mắt và quần áo rách nát, thiếu đói giữa mùa đông tuyết phủ của cậu bé Remi trong gánh xiếc rong. Cả ba ông Amicis, H. Malot và Dương Hà đã lấy khá nhiều nước mắt của thằng bé con là tôi lúc đó.

Còn trước khi được đọc 3 quyển này, gia đình tôi sống trong vùng có đến 3/4 diện tích do Việt Minh kiểm soát; lính Commando, lính quốc gia thỉnh thoảng mở những đợt càn quét nên dân làng luôn trong tư thế gồng gánh chạy giặc. Việc học bị gián đoạn liên tục. Đến trường học cũng không ra trường: Một căn nhà tranh, vách đất trống hoác, những mảnh ván ghép làm bàn ghế. Học sinh đủ các trình độ từ vỡ lòng đến biết làm toán đố, luận văn (tập làm văn) ngồi chung một phòng học gió lộng bốn bề, có thể nhìn mấy con bò ốm nhom gặm cỏ ngoài sân, bầy gà tục tục bên đống rơm… Thời gian học chỉ bằng phần tư thời gian chạy, chui xuống hầm trốn máy bay. Còn thầy giáo là các cô chú trong làng.

Hoàn cảnh ngắc ngứ đó thì làm gì có sách báo dành cho thiếu nhi hay người lớn như ở các vùng quốc gia phía bên kia đèo Cả? Sách là của hiếm. Chỉ có đánh trổng, u mọi và chạy… cho đến khi đình chiến.

Thời tiểu học, học ở ngôi trường quê cách thành phố 5 cây số. Ngoài giờ học, đa phần trẻ con chỉ biết phụ cha mẹ chận trâu bò cùng những việc lặt vặt trước khi cùng đồng bạn tìm một trò chơi nào đó. Tôi cũng chẳng biết thư viện là cái giống gì, ngoài mấy quyển sách Tập đọc, Toán đố, Luận văn (không phải học sinh nào cũng có đủ) cha mua cho tôi, rồi lôi 3 cuốn sách cũ mèm nói trên ra đọc đến te bìa, mòn chữ… Nhưng rồi cũng được cái may mắn là cha tôi làm ở Hiệp Hội Nông Dân quận, cứ hàng nửa tháng ông mang về tạp chí Ruộng Vàng của Nha Khuyến Nông VNCH (khổ to bằng tờ tuổi Trẻ CN, nhưng giấy hẩm khoảng 12 hay 16 trang gì đó), nội dung chính là bày cho nông dân cách nuôi gà, heo, trồng rau bầu bí lúa, giới thiệu các loại giống mới… thỉnh thoảng cuối trang báo lại có quảng cáo xà bông Cô Ba, dầu Nhị Thiên Đường, hộp diêm quẹt Blue Bird, phân Thần Nông… tất cả có kèm theo hình ảnh bắt mắt: chai dầu, con chim, con trâu …. Đặc biệt số nào cũng có truyện của ông Bình Nguyên Lộc, không phải tuyện ngắn mà là những chuyện ông kể về miền Lục tỉnh: đặt lọp bắt cua cá, un khói bắt rùa, rắn… chèo xuồng hái bông điên điển, mò bứt cọng súng mùa nước nổi… Đọc đến mê và nhớ mãi như nhớ nhân vật Remi, Enrico cùng chú dế mèn của Tô Hoài.

Thời gian này, cha tôi đặt mua bán nguyệt san Thời Nay (năm tôi học lớp Nhất), thỉnh thoảng có tờ Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ. Tôi lén vào phòng lấy ra đọc. Cả một thế giới rộng mở trước mắt, từ chuyện kim cổ đông tây đến khoa học, chế tạo máy móc, lịch sử các vùng đất xa lạ. Cái đầu tôi mở ra mà quên đi con diều, cây trổng…

Đậu vào Đệ Thất trường công Nguyễn Huệ, phần thưởng đầu tiên là chiếc xe đạp để làm phương tiện từ nhà đạp 5 cây số đến trường. Vì là học hai buổi nên sau poọc-ba-ga còn có mo cơm, mùa mưa có thêm chiếc áo tơi lá, gió bấc xốc tới, áo tơi lùng nhùng thiếu điều đẩy cả người và xe lăn ngược ra sau. Má tôi lo xa có sự cố xẹp lốp, đứt sên giữa đường, nên cho tôi 2 đồng cố định và 5 cắc uống nước ăn quà vặt. Hiếm khi tôi tiêu số tiền này, nhưng vẫn ăn chè chuối giờ ra chơi, tan học thỉnh thoảng vẫn được đãi que kem hay ly nước hột é xi rô đỏ lẫn trong đá bào. Nói đãi chứ thực sự là các bạn nữ trả công tôi cho chép bài giải toán, bài tập Pháp văn…

Tiền dành dụm, tôi mua báo. Tờ báo đầu tiên tự bỏ tiền mua, đọc là Tuổi Hoa, có truyện ngắn, thơ, ô chữ, đố vui… trong đó có truyện Chiếc Lá Thuộc Bài (quên tên tác giả) rất hay, tôi khoe và cho các bạn nữ mượn đọc. Sau khám phá ra trong tập vở,  bạn nào cũng ép một chiếc lá, có khi là một bông hoa khô đét, đổi màu, nhưng chè chuối và kem tôi vẫn được các bạn cho ăn đều đều! Hứng chí, tôi làm thơ và gửi đến tòa soạn, chờ đợi đến 2 số thấy trả lời trong hộp thư và trích hai câu trong bài thơ tôi gửi. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm tôi sướng lịm người, và dĩ nhiên là khoe ngay với các bạn… Tôi cũng đọc tờ Măng Non cốt xem truyện tranh nhưng không hấp dẫn mấy nên bỏ; rồi thêm mấy tờ báo dành cho thiếu nhi đọc ké bạn bè, lâu quá quên tên…

Sau đảo chánh TT Diệm, cha tôi không mua Thời Nay mà quay sang Bách Khoa, một tạp chí đối với lớp đệ Lục, đệ Ngũ nó quá khô khan.             Và đây cũng chính là lúc tôi hay vào hai tiệm sách lớn thị xã: Vạn Kim, Nhạn Đà đọc cọp đủ loại sách báo đến nỗi chị Trâm và ông chủ tiệm sách nhẵn mặt. Dẫu sao tôi cũng rất biết ơn các tiệm sách này đã cho tôi tiếp cận với đủ loại sách báo; từ nhật trình đến điện ảnh sang các loại văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Văn Học (dẫu sự “tiêu hóa” rất sồn sựt)… được biết tên các ông Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Võ Phiến, Phan Du, Đông Hồ, Mộng Tuyết… cạnh các ông Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng trong sách quốc văn và những quyển sách hồng của nhóm này.

Gần cuối năm 1964, tôi vào Vạn Kim đọc cọp như mọi lần và thấy có 1 tờ báo mới. Ngó bìa thấy ghi vỏn vẹn Văn. Cầm lên mới hay đó là số Văn ra mắt, lật vào trong, nơi trang bìa 2 có tiêu đề “Tạp chí của những người ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ” có vẻ như hạp với cái tạng bạ gì cũng đọc, nhét vào cho đầy “túi”, bèn lật vội, lướt qua và cuối cùng dừng lại ở Chim Hót Trong Lồng. Đọc một mạch 7,8 trang giấy, thấy có chút gì đó gần gũi với tuổi thơ của những em bé trong cô nhi viện Bằng Lăng trên đầu phố. Đặt từ báo xuống và lần túi nhưng không đủ tiền (giá bìa khoảng 15 hay 20$ gì đó). Tôi đạp xe ra nhà thằng bạn thân gần ga xe lửa mượn thêm rồi quành xuống mua ngay Văn bỏ vào cặp. Về nhà, toòng ten trên võng say sưa đọc. Cha tôi về, tôi khoe báo hay lắm, cha coi thử. Ông giữ hai ngày sau mới đưa lại và quyết định đặt thêm tờ Văn.

Với tôi, những tác phẩm gây ấn tượng nhất suốt thời niên thiếu vẫn là Tâm Hồn Cao Thượng, Chim Hót Trong Lồng và Vô Gia Đình. Cả ba thiên truyện đều toát lên tấm lòng nhân hậu, nhân văn. Tuy không được như Enrico,nhưng  Hạnh của Nhật Tiến là một cô bé bất hạnh, những lá thư của Hạnh khiến những ai đa cảm phải rớt thầm nước mắt từ sự ngây thơ khi nghe người khác nói mẹ mình làm điếm. Cô bé không hiểu điếm là nghề gì, và hỏi trong lá thư: “Má làm nghề điếm phải không má. Chú con Hằng nói chuyện với nó thế. Con hỏi điếm là nghề gì thì nó cũng không biết. Có thật thế không má? Sở điếm của má có to không? Má làm chức gì trong ấy? Mà sở điếm thì buôn gì hở má?” Hay thằng bé Remi bị ông lão Barberin bán cho gánh xiếc rong, bắt đầu cuộc đời mưu sinh bằng những bước chân lang thang cùng gánh xiếc khắp xứ, từ Anh qua Pháp, với những khốn khổ, đói khát trong tuyết lạnh, có khi suýt chết khi rơi xuống giếng hầm mỏ. Remi phải làm lụng cật lực để khiếm sống nhưng không vì thế mà bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa… vẫn luôn giữ tấm lòng thanh sạch!

Tôi không rõ những tác phẩm này có phải là “thịnh hành” hay không, nhưng Chim Hót… đã tái bản đến gần 20 lần cả trong và ngoài nước, cả Tâm Hồn Cao Thượng, Vô Gia Đình cũng vậy. Tôi tiếp cận với các tác phẩm đầu đời, một từ kết quả học tập và một từ sự ngẫu nhĩ tình cờ; nhưng tôi tin những ai “ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ” mà ông Trần Phong Giao đặt làm tiêu chí cho tạp chí Văn thuở nọ, hẳn sẽ đồng ý với tôi rằng ba tác phẩm nêu trên đã ít nhiều đọng lại trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả, góp phần nhỏ tạo nhân cách sống cho không ít thiếu niên thời bấy giờ?

Cách tiếp cận với sách báo, mỗi người mỗi khác, nhưng trước hết là sự “ham đọc” cộng với sự truyền lửa của các thầy dạy quốc văn thời đó, đã gắn kết sách báo với chúng tôi, những người cùng chung một đam mê. Tôi rất biết ơn các thầy dạy Quốc văn ở bậc trung học đệ nhất cấp, đã khơi gọi sức tưởng tượng qua từng đoạn văn, câu thơ; truyền thụ cái đẹp từ những câu chữ tưởng như vô tình… ví như bài Đêm Trăng Chơi Hồ Tây của Phan Kế hay Tôi Đi Học của Thanh Tịnh thầy bắt phải học thuộc lòng, đến nỗi, sau đó tôi khám phá ra Tôi Đi Học nó na ná, giống với La Rentrée của Anatole France trong Le Livre De Mon Ami và Ngày Khai trường của E. De Amicis trong Le Grand Coeur. Giờ học sau, trong vở soạn bài môn Quốc văn, tôi viết tràng giang đại hải về sự sự “na ná” của 3 bài văn vừa nêu rồi hỏi thầy Nguyễn Cửu Hỷ rằng có phải Thanh Tịnh “copy” ý của 2 nhà văn kia không?. Tôi nhớ thầy không dạy bài mới mà xoay quanh sự ảnh hưởng qua lại của các tác giả đi trước đi sau, trong nước, ngoài nước… dẫn cả bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư với bài L’automme của Ronsard.v.v.

Và, để làm được cái gì đó như nhiều người đã từng (thưở đó nhiều bút nhóm, thi văn đoàn nở rộ), chúng tôi cũng tập họp năm sáu bạn cùng sở thích, đập ổ bịp gom tiền mua giấy, làm tờ báo văn nghệ học trò, quay ronéo lem luốt, mang đi bán cho các lớp, các trường khác. Cả nhóm bổng dưng “nổi tiếng”; thằng tôi cũng được xóa đi hình ảnh một thằng bé nhà quê mang dép lốp xỏ quai cao su, tóc khét nắng, da thịt ám mùi phân bò! Tôi bắt đầu lân la làm quen với các “ông” nhà văn trong thị xã. Họ là những thầy giáo, công chức từ những nơi khác về công tác. Tên tuổi được khẳng định trên các báo văn nghệ Sài Gòn, được giải thưởng quốc gia… Trước khi làm việc ở Tòa Hành chánh tỉnh, đi dạy họ chỉ học chuyên môn ở trường Quốc gia Hành chánh, Sư phạm chứ không hề có ai dạy hay hướng dẫn họ viết văn, làm thơ như trường viết văn Nguyễn Du ngày nay, vậy mà hàng loạt tên tuổi đã làm nên diện mạo chói sáng của dòng văn học miền Nam trước 75. Tôi đọc Đỗ Tiến Đức, Y Uyên, Lôi Tam, Nguyễn Kim Phượng… đang làm việc, đánh giặc tại ngay quê tôi và học hỏi ở họ nhiều điều bổ ích từ những quan sát, suy nghĩ… lẫn phong cách diễn đạt.

Tuổi trẻ, chắc hẳn ai cũng có lắm mơ ước; nhưng với tôi, mơ ước để trở thành một người viết nổi tiếng thì giống như hình ảnh người nhà quê lần đầu vào cửa hiệu bán vải về đêm, đèn đuốc bật sáng choang. Mãi sau này, khi học lớp Đệ Nhất ban C trường Võ Tánh Nha Trang, thầy Cung Giũ Nguyên làm GS cố vấn, nghe thầy giảng bài (Pháp văn), kể chuyện bên Tây, chuyện được TT Ngô Đình Diệm mời làm Thủ tướng, được đọc những bài viết của thầy trên Bách Khoa, những tiểu thuyết thầy viết bằng tiếng Pháp. Thầy cũng kể sơ qua tại sao thầy viết văn, chọn đề tài, viết cái gì, cho ai?… đến nỗi cả năm thầy trích giảng vỏn vẹ có 4 bài trong quyển Cours De Langue et de Civilisation Francaises, Tome 4 ! mà thi TT2 ban C, bài Rédaction cọng với trả lời các câu hỏi trong bài texte chiếm hệ số cao nhất (hệ số 4, hay 6 gì đó), bằng với môn Triết!!!

Còn trước đó, cũng tại ngôi trường danh tiếng này, những Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hà Thượng Nhân… và nhiều cây bút, cây cọ cũng từng học tại đây, đã ít nhiều thôi thúc mình “thử bút”, và truyện ngắn đầu tiên Loài Chim Trời được Văn chọn đăng khi tôi tập trung thi Đệ nhị lục cá nguyệt, tạo đà để viết tiếp nhưng cũng làng nhàng, chẳng đâu vào đâu cũng chỉ là người viết chứ không là nhà văn (l’écrivain khác l’écrivaine).

 Tất nhiên, những gì từng đọc thời thơ ấu, thỉnh thoảng, từ một duyên cớ nào đó, lôi ra và đọc lại. Và mỗi lần đọc là một lần khám phá thêm những điều mới mẻ từ các nhân vật, lời thoại, câu văn, ý tưởng… mà nói như nhà phê bình Đặng Tiến “mỗi lần đọc là một lần khám phá mới như khám phá trinh tiết của người phụ nữ”.

Điều này, với tôi, khi đầu óc lớn hơn một chút, lần đầu đọc Tội Ác và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov của Dostoievski như đang bước trên cầu khỉ ướt nhẹp bùn đất, lần sau như đi trên cầu ván đóng đinh lắc lẻo gập gềnh và lần sau nữa thì như đi trên cầu bê tông. Cũng vậy với những F. Kafka nhất là với A la Recherche du temps Perdu của M. Proust.

Quay lại câu hỏi “tại sao” của Da Màu về sự nghĩ. Đơn giản, ví dụ như Dos. đã gây ấn tượng mạnh về cái style rất đặc trưng của riêng ông. Với lại, câu chuyện xoay quanh trong gia đình ông Fyodor ích kỷ, vô luân, nát rượu. Cả 3 nhân vật ông bố Fyodor, Dimitri và Alyosha… trong Anh Em Nhà Karamazov tạo nên bức tranh xã hội sống động mà bất kỳ nơi đâu cũng có thể bắt gặp. Khi mà tội ác phủ trùm lên thì thấp thoáng đâu đó vẫn chói lên sự thánh thiện dù nhỏ xíu như cọng cỏ chỉ. Sự tài tình của Dos. là với vỏ bọc gia đình, ông đã xé toạt lần hồi tính thô bỉ, bất lương của con người cùng sự thanh sạch cao đẹp ít ỏi ẩn nấp dưới tầng sâu, để có dịp bùng lên trong xã hội Nga La Tư thời đó.

Tiếp đó, nửa thập niên 1986, tôi đọc quyển Trăm Năm Cô Đơn của G. Marquez bản dịch của Nguyễn Trung Đức, NXB Văn học HN ấn hành (thời điểm nhà cầm quyền Hà Nội bắt đầu “hé cửa”), in trên giấy rơm, mực in nhòe nhoẹt, chữ đậm chữ mờ chen nhau cứ y như nội dung 7 thế hệ nối tiếp, chen chúc trong nỗi u hoài, rách nát và nỗi ám ảnh về tội loạn luân từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến họ dằn vặt, cô đơn đến tận đáy xã hội. Cái hiện thực huyền ảo của Marquez đã đưa ông lên đỉnh vinh quang (Nobel văn học 1982), nhưng sao mỗi lần nhớ tới những Ngài Đại Tá Chờ Thư, Mùa Thu của Trưởng Lão, Sinh Nhật Cô Gái Điếm Buồn… tôi lại liên tưởng con người Marquez là hiện thân từ các nhân vật của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… với hình ảnh ông cởi trần nằm cạnh F. Castro trên đảo “lãnh tụ” uống rượu đắc tiền, có gái gú hầu bên. Nước biển xanh trong, bãi cát vàng óng, những chai rượu, những kiều nữ áo hai mảnh…tách biệt hẳn với những người dân Cuba lam lũ khiến tôi nghĩ ngay đến câu đồng dao “thiên đường địa ngục hai bên”… rồi lại so sánh ông chẳng bằng với nhân vật A. Zorba của Nicos Kazantzakis, ăn chơi bạt mạng nhưng đã kiến giải được những vi diệu của cuộc sống, cũng gần đáo bỉ ngạn như lão chèo đò trong Câu Chuyện Của Dòng Sông của H. Hesse. Vậy đó, tôi ghét Marquez thậm tệ nhưng lại rất mê các tác phẩm của ông!!!

Nhân vụ “ầm ĩ” chung quanh nội dung biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm ông gs ts Nguyễn Minh Thuyết đang hồi éo le, gay cấn, tôi nghĩ tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên cũng vậy: nhất thiết không áp đặt cái nhìn, cách suy nghĩ của người lớn vào tác phẩm dành cho các em. Tâm sinh lý và nhận thức của lứa tuổi niên thiếu không giống như người lớn. Nhận thức của các em khác xa với nhận thức người lớn. Cho nên câu chuyện dành cho chúng, tôi nghĩ phải trong vắt như ánh mắt tuổi thơ của chúng, ở đó phải có đầy đủ ngôn ngữ trẻ thơ, suy nghĩ trẻ thơ, hành động trẻ con… nghĩa là người viết phải đặt mình đúng vị trí của chúng theo cách sắp đặt ngôn ngữ, hình ảnh, tình tiết… qua cái “tài” khơi gợi, dẫn dụ, giúp chúng vừa cảm thụ được văn bản, vừa nhận thức và so sánh sự chênh nhau giữa tốt và xấu, giữa tội lỗi và thánh thiện… nói chung là thông qua câu chuyện viết, tác giả có “trách nhiệm” xây dựng một con người hoàn chỉnh về phẩm chất và hành vi tốt đẹp để làm hành trang một mai khi trưởng thành.

Có rất nhiều tác giả viết về tuổi thơ đấy, nhưng xem lại hiếm người thành công. Tôi vẫn bảo lưu, 2 quyển Tâm Hồn Cao Thượng và Vô Gia Đình vẫn là hai quyển nên cho các em “gối đầu giường”. Và quyển thứ 3, theo tôi là Le Petit Prince của St. Exupéry một của trung niên thi sỹ Bùi Giáng chuyển ngữ rất “tới” Hoàng Tử Bé và bản dịch khác là của Vĩnh Lạc.

Vài hình ảnh quảng cáo hồi xưa trên bán nguyệt san BÁCH KHOA số 11 ngày 15/6/1957:

Nguyễn Lệ Uyên

 

bài đã đăng của Nguyễn Lệ Uyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)