- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Dọn Nhà

 

Dọn Nhà

Buổi trưa trước hôm gia đình tôi đi, bà Ðồng Lợi có đến. Má tôi năn nỉ bà xem trong nhà có món nào vừa ý cứ lấy để trừ khấu bớt đi nhưng bà bĩu môi không thèm. Bà Ðồng Lợi là chủ một cửa hiệu bán đồ gỗ có nhiều kiểu mới lạ mắt. Trong khi những thứ bỏ lại của gia đình tôi đều được giữ kỹ từ thuở chúng tôi đương thời dư ăn dư mặc nên kiểu cọ đã quá thì. Có lẽ bà ta chê vì thế. Nhưng sáng hôm sau bẳn là bà hối hận lắm vì thế nào nhà tôi cũng bị niêm phong, rồi những món đồ sẽ được bán đấu giá như trường hợp bà phán Nhu mà tôi đã chứng kiến. Chưa chắc gì bà Ðồng Lợi có phần trong số tiền ít ỏi đó.

Cuộc ra đi lặng lẽ êm xuôi như dự đoán của ba má. Chúng tôi chất lên ba chiếc xích-lô khi trời đang nắng gắt. Bà Ngãi bên cạnh nhà hỏi đi đâu mà vui vẻ vậy. Má tôi thưa rằng trời nóng cho chúng nó đi biển. Trừ thằng Mộng, em kế tôi, những thằng nhóc còn lại đều tin tưởng buổi chiều hôm đó tụi nó đi tắm biển thật và những gói tụi nó được giao cho xách là cơm vắt với đồ kho mặn để tắm biển xong ăn. Cái thằng hay thắc mắc là thằng Ðặng cứ hỏi tôi: “Vậy sao mỗi đứa phải mặc tới ba bộ đồ vào người. Ai chớ Ðặng thì tắm khỏi cần mặc gì hết. Tắm xong rồi mặc lại bộ cũ cho tiện”. Tôi phải dọa bỏ nó ở lại nó mới hậm hực chui qua một cái quần đùi, một cái quần soọc và một cái quần dài.

Chúng tôi ra đi có vẻ sung sướng biết là bao nhiêu. Không một giọt nước mắt. Bọn nhóc thì cười ầm ĩ dọc đường. Chưa gì đã dành nhau chọn bãi bể mình thích. Má đã tiên liệu cắt ba người lớn nhất nhà phân tán ra ba xe để bịt miệng tụi nhỏ nếu tụi nó có la lối khi thấy xe quẹo sang ngã khác. Tôi ngoắc thằng Ðặng lên xe mình. Em cứng đầu cứng cổ nhưng cũng thông minh trội hơn những đứa cùng tuổi. Năm nay em đang học lớp cuối của Tiểu học. Thật là tội nếu vì chuyến đi này mà đến chỗ mới em không được được nhận vào trường trung học công lập. Thầy giáo em thường nói với cả lớp: “Ðặng có thể đỗ đầu kỳ thi, nếu nó muốn.” Lúc xe tách đường biển, hướng ra Quốc lộ, em nhổm dậy định kêu nhưng bắt gặp cái nhíu mặt, lắc đầu của tôi, nó ngồi xuống, giương mắt như một dấu hỏi nhìn.

Một ngôi nhà tranh thuộc vùng ngoại ô, tưởng chúng tôi là khách của họ nên khi xe ngừng tình cờ nơi cổng, mấy bà già mừng rỡ chạy ra đon đả hỏi thăm nhưng rồi tiu nghỉu quay vào. Chúng tôi phải đến đây đón xe dọc đường vì sợ có người nhận mặt phát giác nơi bến xe. Một người tài xế lắc đầu. Rồi hai, ba… Tôi hơi ngại những chuyến xe nghẹt khách này sẽ đẩy chúng tôi về nhà cũ, lỡ dở mọi xếp đặt toan tính thì chiếc xe thứ tư dừng lại. Chúng tôi kéo rốc lên cửa sau. Chen chúc ngồi giữa gà vịt kêu quang quác. Ðặng nói trước khi bước lên xe: “Em hiểu rồi! Nhưng sao dấu em?” Rồi nó chui vào một xó, khoanh tay trước ngực, ra dáng như người lớn nhưng từ hai khóe mắt em, ứa ra hai dòng nước.

Tôi nhìn lại, mắt má tôi cũng long lanh. Mắt ba tôi thì xệ xuống hai vòng thịt mệt mỏi. Còn mắt tôi, vắt ráo lúc này chắc cũng chẳng ra cái gì đâu. Quanh quất là những người lạ. Ðây là chuyến xe chạy suốt từ Ðà Nẵng vào Sàigòn nên ít có cơ hội gặp người cùng tỉnh. Má tôi đã chu đáo tính kỹ. Quá kỹ! Ngày mai là ngày rằm, thường mấy bà chủ nợ của má tôi cứ đòi nợ trong những ngày họ ăn chay. Những bà hung hăng nhất là những bà ăn chay một tháng tới tám ngày. Họ phân bua: “Miệng nào miệng ăn chay, miệng nào mình đào xới cho được.” Trăng và cái ánh trăng sáng rỡ mà bao vị nhà văn ca tụng kia, thường có công dụng nhắc nhở tôi đến kỳ hạn múc nước hầm. Hẻm chúng tôi không có ống cống thoát, nên nhà nào cũng lợi dụng cái ánh sáng trời cho kia vào những đêm trăng non để múc nước bẩn trút ra đường, khách đi đêm khuya còn có thể thấy lối khô mà bước. Tối hôm qua, tôi định làm lơ khối sình đen đó nhưng má tôi nhắc, biểu đừng tỏ vẻ gì khác thường khiến người khác ngờ.

Ðêm qua, như những đêm trăng tròn sáng trước, trong lúc tôi cắm cúi thòng cổ xuống sát đáy hầm để vét sình, cũng thằng lỏi Nhâm con ông Mực say láng giềng bên phải, đặt ghế sát hàng rào, nhoi cái mặt bụ bẫm của nó qua hàng rào bằng thân táo nhơn khô để nói chuyện với tôi. Nó bằng tuổi Ðặng và cũng khá thông minh nhưng hình như tụi nó không hạp nhau. Thằng này nói không chịu được thằng kia. Nhưng mà tôi yêu cả hai đứa nó hết. Có lẽ tôi dễ có cảm tình với những thứ gì sáng sủa, tròn trịa, linh hoạt và tươi tắn. Còn bà Ngãi, cái bà láng giềng bên trái cứ đòi gả thằng con trai thứ tư của bà cho tôi hoài dầu tôi chưa biết mặt mũi của nó ra sao hết. Dĩ nhiên, đây thuộc vào loại chuyện nói để cùng cười vì nghe nói thằng đó đang du học bên Bỉ trong lúc tôi chưa qua hết bậc trung học và chuyến này là một cái cớ tốt để tôi được tự bỏ học luôn cho rồi.

Mọi năm, từ lúc bằng bọn thằng Nhâm, thằng Ðặng, mùa hè tôi phải theo má theo những chuyến xe ngược xuôi đi bỏ hàng qua những nẻo đường xa, ghé ở qua đêm từng nhà lạ. Đôi lúc cũng phải ngủ tạm trong những hộp xe hôi nhớp thùng thình. Lúc mới bắt đầu, cuộn trong lưng quần tôi còn có những miếng giấy dặn dò giá cả nhưng lâu dần tôi quen thuộc rành rẽ đến độ dày dạn chai lì. Không thể phân tôi là người mang hai mặt nạ đổi thay theo thời tiết: là một con ranh sành sõi buôn bán, xoay sở mọi cách để có thêm đồng nào hay đồng nấy trong những thùng xe trôi nổi trong lửa hạ, và là một cô nữ sinh chăm chỉ học tập, nhu mì trong ba mùa còn lại. Trong lòng xe lắc lư, tôi cũng có thể rút ra mấy miếng bìa cứng tóm tắt bài để lẩm nhẩm học, cũng như trong giờ học tập tại lớp vẫn có những tên bạn viết giấy nhờ tôi làm trung gian mua giùm vài con số sẽ sổ vào trưa mai hay kiếm mua giùm chút thuốc khó kiếm…

Con đàn, thế nào cũng có ít nhất một một đứa hoang đàng chi địa. Gia đình tôi chưa phát hiện đứa con nào làm buồn lòng ba má. Nếu chúng tôi thuộc thành phần dư giả mọi thứ thì lãng học dành đi buôn với má, lãnh bánh bò bánh tiêu giò cháo quảy đi bán rong, quỳ lụy mấy tay anh chị để xin một chân lơ… có lẽ sẽ được xếp vào loại nghịch tử. Nhưng đó lại là những trò chơi buồn thảm cần được khuyến khích của chúng tôi. Và cũng con đàn, nhất là con đàn của một gia đình túng quẫn, khó lòng mà đẩy nổi từng ấy đứa vào cái máy ép mang tên học đường, để cuối cùng máy nhả từng đứa dính thêm vài mảnh bằng hầu sống thong dong như ba má bây giờ. “Bắt phong trần, phải phong trần.” Chẳng ai buộc tôi thay vì tròng đầu trong cái rọ-chữ-nghĩa-mệnh-danh lớp hè, lổn ngổn những bạn bè, lại phóng mình theo những vòng xe bươn chải. Cũng chẳng ai khoác lên cái thân thể đang sức lớn của thằng Mộng bộ quần áo mỡ dầu của gã lơ xe bé tí mỗi khi hè đến. Nhưng thế nào tôi cũng phải xung phong chạy ào hẳn ra phía ngoài phụ đẩy với ba má, cho trôi lẹ lũ chúng nó qua con đường thăm thẳm kia.

Tôi có thảy sáu thằng em trai. Nếu cái bào thai tám tháng trong bụng má tôi cũng lại là thằng nhóc thì có thể ví von một cách vui vẻ rằng tôi như con nhỏ Bạch Tuyết quay mòng mòng bởi bảy thằng cu bé tí. Hay nói theo cách nghĩ hài hước của ba tôi, tôi ở vị thế cái nhụy hoa có sáu cánh tỏa ra che chở. Chao ơi, có thật các chú mày che chở tao không hay bảy chúng ta chỉ là một thứ hoa ăn thịt sống mà ta lúc nào cũng ở vị thế sẵn sàng vươn chụp, bắt tóm lấy mồi ngon, nhai ngấu xay nhuyển nhừ sinh vật nào đó để biến hóa thành chất bổ, bồi dưỡng thêm cho mấy chú.

Thế là cái thằng cu thứ bảy (?) sẽ không được nằm trong cái nôi đã truyền qua bảy đời chị và anh nó. Thằng cu Tư gọi đó là “cái nôi truyền kiếp.” Nghe có vẻ như là một thứ quỷ ám. Ừ! Biết đâu vì chuyến đi này không thể đem nó theo mà đến xứ mới, gia đình tôi sẽ có một đời mới sáng sủa hơn. Ðiều tiếc rẻ là công trình cưng dưỡng nó của má tôi trong những lượt di chuyển trước và cái vẻ hậm hực của ba tôi khi lấy cước khâu lại những nơi nát lệch cọng mây. Nghe nói cái nôi là một món quà mừng đứa con đầu của một người bạn tặng ba má. Má tôi kể thêm hồi ăn thôi nôi người ta cho dầu thơm biết mấy, chất chật cả tủ bàn, thơm lừng lựng cả nhà. Về sau phân phát cho bạn bè một mớ, còn bao nhiêu cháy theo miếng bom trúng nhà.

Dạo đó ba tôi cũng làm công chức như bây giờ, nhưng công chức thời còn Pháp được nể trọng ra gì. Chẳng bù với hôm nọ, trả giá bó rau lang, mụ bán hàng cười mỉa: “Thôi đi, đừng có trả lên từng đồng theo điệu mấy bà vợ công chức nữa cô ơi!” Một trong những chủ nợ của nhà tôi cũng thích lập đi lập lại câu: “Chồng chị dầu gì cũng đang làm việc cho nhà nước mà.” Rõ ràng là bà ta hớn hở khi nhấn mạnh câu đó. Thằng cu Ðàn cá một ăn mười là bà có mối thù truyền kiếp với một ông công chức nào đó. Rồi năm, sáu thằng nhóc ngồi tưởng tượng về những giai thoại ly kỳ và dĩ nhiên không thiếu phần tiếu lâm mà nhân vật chính trong đó là chủ nợ và anh công chức. Cái bọn nhỏ này thật dễ thương và dễ tức. Lúc nào tụi nó cũng diễu được.

Xóm nhà tôn của chúng tôi tụp hụp che mẹp nhĩu đằng sau lưng của dãy phố chính cao ngất như một biểu tượng đẹp đẽ về thiên đàng và địa ngục. Tình cờ mà họ đặt nhà bếp ở tầng thấp nhất, phía sau cùng. Mỗi lần lũ em trai háu đói của tôi tuôn chạy về hỏi thực đơn hôm nay, tôi cũng đùa với tụi nó bằng cách đưa vào những mùi thơm (và khét lẹt, đôi khi) đánh hơi được từ những cái đuôi nhà trước mặt để kể ra. Bấy giờ tôi hiểu vì sao những người giàu có được biết kỹ về sở thích, đời sống riêng tư. Bởi vì họ là thiểu số. Và chúng tôi thì muốn mua vui mà không phải tốn xu. Ðiều tôi chưa hiểu được là tại sao vẫn có báo đăng những đứa con tự tử vịn cớ để bớt miệng ăn cho gia đình vì thấy ba má họ nghèo quá không chịu nổi. Những người nọ, rõ ràng là thiếu máu hài hước tối cần để sống.

Cũng như Viện, cô láng giềng của tôi bỗng dưng xấu hổ khi biết tôi đã rõ chuyện má cô. Tôi quý yêu bà Ngãi không phải vì bà hứa gả thằng con đi Bỉ cho tôi. Nhưng tôi phục sự đởm lược, mưu mẹo của bà trong kế hoạch moi tiền ông Bang, chủ tiệm thuốc Bắc trước nhà chúng tôi. Tôi cũng phục sự hững hờ thản nhiên của chồng bà. Có gì đâu, sao không hãnh diện vì mình được đại diện một số người Việt nào đó đòi bớt số tiền ông ta đã lấy cắp công khai. Mặc dầu gia đình bà Ngãi và chúng tôi sống bằng hai lối ngược nhau nhưng không phải vì thích quý họ mà tôi không yêu thích ba má tôi. Má tôi, người lỡ vận, ba tôi, sao ở nơi nào cũng bị kẻ ghét, người ghen. Từ đó, sự có mặt của chúng tôi, kéo theo những món nợ còm cõi mang trả hoài không hết. Thôi đừng nghĩ gì nữa. Còn vài chục cây số nữa đến Sàigòn. Ðó là cái trạm. Nhưng cứ coi như đã thành công. Và nên mừng rỡ.

Nơi chúng tôi định đến là một tỉnh tân lập nằm lưng lửng đâu giữa cao nguyên và biên giới. Một anh Tây, đồng nghiệp cũ mời ba tôi lên làm thư ký cho đồn điền cao-su của hắn. Chuyến đi này chi phí do anh ta đài thọ. Nên ba tôi quyết định không ghé những ông anh, bà em giàu có ở Sàigòn. Chúng tôi sẽ thuê giường hay ghế bố đâu đó ở bến An Ðông để sáng mai lên đường sớm.

Xe ngang Hố Nai có ba anh em sồn sồn chận lại. Họ đứng lắc lư trước mặt chúng tôi. Thằng cu Ðàn cười thành tiếng khi thằng lơ đến đòi tiền xe, ba anh đều cho tay vào túi, đều dùng dằng dành nhau thôi bác để tôi nhưng rồi cả ba đều cất tiền vo lại hết. Rốt, anh đứng giữa đành phải lôi gói tiền ra lại, đếm, cự nự thằng lơ sao đập đổ dữ vậy rồi mới đưa.

Gần đến Thủ Ðức, những thằng bé ào tới mời mua mía ghim. Có cả một người đàn ông lóng ngóng bưng nước đến mời. Hình ảnh đó trông mới thảm làm sao. Ông ta đứng lớ ngớ giữa một đám đàn bà con nít, luốt mất giữa những lời rao dù bộ dáng ông ta thoạt đầu trông cũng xăn xái ra gì lắm. Hai anh trước mặt tôi và thằng Ðàn thúc người đứng giữa: “Mua bưởi ăn anh”. Có lẽ giận vì thấy lòng tốt của mình bị lạm dụng quá trớn, anh đứng giữa lôi trong giỏ một quả bắp luộc bẻ làm ba, xẳng giọng: “Không có bưởi gì hết. Sẵn bắp đây nè. Có ăn thì cầm”. Hai anh kia lẫy, không cầm. Ðể giả lả, anh chủ nhân của quả bắp vừa cạp bắp vừa nói chuyện tầm phào: “Hai bác biết tứ khoái trên đời này là gì không? Mấy cụ mình thường bảo thế này:

Hạn hán phùng cam vũ
Dự thí bảng đề danh
Ðộng phòng hoa chúc dạ
Tha hương ngộ cố tri.

Một trong những hành khách ở hàng trên, một anh chàng thanh niên mắt sáng tinh quái, mũi nhọn nham hiểm, miệng rộng tòa loa, ngoác ra, cười quay xuống: “Phải thêm như thế này mới khoái hơn nè bác:

Tam niên hạn hán phùng cam vũ
Ấu nhi dự thí bảng đề danh
Tu sĩ động phòng hoa chúc dạ
Vạn lý tha hương ngộ cố tri.

Những chuyện tung qua tung lại như trò chuyền banh trên những chuyến xe đò như thế này tôi đã được nghe no cả hai tai. Thường thì chúng đem lại thích thú, quên cả đường xa và thường được bày bởi những người không quen gì nhau trước đó. Tôi chờ một người thứ ba nữa lên tiếng… Nhưng những phút trôi qua. Người ta bắt qua chuyện khác. Và rồi xe đáp bến… Nhưng những câu thơ trên tôi biết còn cái màn thứ ba. Cái màn mà tứ khoái sẽ thành bốn khổ nạn mà gia đình tôi biết đâu lại chẳng thưởng thức trong khoảnh khắc nào đó của mai sau. Thử tưởng coi:

Diêm diền hạn hán phùng cam vũ
Hoàng tử dự thí bảng đề danh
Thái giám động phòng hoa chúc dạ
Ðào trái tha hương ngộ cố tri.

Ơi hỡi những người đang trở thành cố tri của chúng tôi, nào bà Ðồng Lợi, bà Mỹ Sinh, cô Năm Lucy, bà Chín Hồng Hoàng, bà Tân Tạo, bà Lục Nam… xin gởi lời chào buồn cùng mấy bà và chẳng mong gì tái ngộ nhưng sẽ chào rất vui, nếu tình cờ gặp lại.

Thằng cu Sáu hỏi khi tôi bước xuống xe: “Tối nay chị dắt tụi em tới nhà ai coi Ti Vi hả chị Hai.” Nó làm tôi nhớ cái Ti Vi nhà bà Ngãi, tới cái chức dâu hờ, tới cái hầm nước dơ hùng hục tát cạn đêm qua. Bốn tiếng đồng hồ, một chặng đường đã qua, chắc đã êm xuôi mọi sự chưa?

Mặc dầu đây là lần đào thoát đầu tiên của chúng tôi nhưng đã là lần di chuyển thứ mười mấy từ nơi này sang nơi khác. Chưa bao giờ chúng tôi ra đi nhẹ nhàng như vậy. Không nôi mây chất cột đầy vở sách, không giường gỗ long mộng tháo bỏ đùm đề. Không soong nồi chảo quánh xỏ xâu vun cao một giỏ cần xé. Không chén kiểu, tách cổ lót rơm nâng niu trên tay xách. Những người phụ bếp kèn cựa giá cả để vét đồ. Tôi bế thằng Sáu. Thằng Mộng nê thằng Út cho ba tôi bày cơm vắt và những món ăn mặn ra ở một góc chiếc giường mới thuê hôi mùi sầu riêng đã úng thối và khai nồng tanh tưởi mùi nước đái mèo. Má tôi mệt mỏi ngủ gà ngủ gật ngồi gần đó vì cái thai đã quá lớn, kề ngày.

Ðêm đó tôi thức trao tráo. Tâm chưa được an dù ruột gan tôi không còn ngứu điếng như mấy tháng trước đây, nửa khuya trở giấc nghe tiếng thở dài quá não của ba, tiếng lăn trở của má. Những thằng em thong dong thở đều trong những thế nằm khác nhau. Tôi vẩy quạt qua lại từ đứa này sang đứa kia. Âm lạch xạch của nó hòa trong trong tiếng rì rầm của hai vợ chồng trẻ kế bên góc phòng. Một trong những chiếc ghế bố có đôi mắt của một gã đàn ông hay thanh niên gì đó xổm dậy, nhấp nháy một bên với tôi. Tôi trừng mắt nhìn gã. Cho đến lúc mọi người trở dậy, đèn sáng rỡ trong những quán, những xe, khởi đầu một ngày chưa tỏ rạng lui ui điểm sao, tôi vẫn chưa chợp mắt được, dầu một chút.

Ðây cũng là lần đi chuyển thứ một trăm lẻ mấy của tôi nhưng chưa bao giờ tôi được thấy những cảnh sắc hai bên đường buồn thảm như thế. Những vách núi cùng vực thẳm. Những trúc dại cùng tre gai. Thò cọng khô vào khung xe. Quất rát. Cảnh trí cứ thế không đổi. Hun hút. Thẳm mù. Biền biệt như là chiếc xe tiến về một chỗ nào không có thực. Thằng Mộng nắm tay tôi: “Chắc những chủ nợ của mình chẳng ai thèm tới cái chỗ này đâu, há!” Âm hưởng hớp tớp, vui vẻ tố cáo bụng nó đang mừng khấp khởi. Mộng ơi, tao mà trúng số mày sẽ có một cái xe chạy suốt Ðà Nẵng – Sàigòn. Tôi liếc sang thằng Ðặng, mặt nó hiu hiu, xa vắng. Cưng ơi, chị chỉ ngại mỗi cưng. Sao cưng chẳng gắng, nếu không hồn nhiên thật được như anh Mộng và mấy thằng cu kia thì cũng giả bộ cười cợt mọi sự thử coi, như chị Hai đây nè.

Q.Ð. đón chúng tôi bằng một cơn mưa ì ầm, trút xối xả cái khối nước trữ đâu từ trời cho đến lúc tối mịt, tưởng như không bao giờ dứt. Vừa tới nơi, ba tôi đã hối hả đi tìm anh bạn người Pháp để nhận việc ngay sáng hôm sau. Xe bị chận dọc đường mất mấy tiếng đồng hồ. Có thể hắn tưởng chúng tôi không lên hay chờ không được nên ba tìm chẳng ra hắn trong những nhà vuông bán cà-phê, thức ăn quanh bến như đã hẹn. Chỉ có má và chúng tôi gọi xích-lô về căn nhà mà ba tôi đã thuê sẵn trong một chuyến lên trước. Trong lòng xe trùm, chỉ nghe tiếng mưa lộp bộp trên vải dầy, và cảm được dốc lên xuống khúc khuỷu quanh co.

Lúc tấm màn chắn trước xe được anh phu tháo ra, mưa trắng nhòa những lùm bụi hoang dã quanh nhà. Tỉnh mới lập, đường đất đỏ thênh thang nhão nhầy dưới mưa chực lôi chúng tôi ngã xuống. Láng giềng, có lẽ cũng xa, hú gọi chưa chắc nghe. Nhà mới thuê của chúng tôi vuông vức bốn thước, không gác, không bếp. Chủ nhà cũ có bán lại một cái bàn chữ nhật, chơ hơ giữa nhà trống rốc, không có thêm một chiếc ghế. Má tôi mới bước vào, ngắm nghía, đã dự định sẽ may một tấm màn chắn ngang nhà làm đôi. Phía ngoài tiếp khách, học hành. Phía trong là chỗ ngủ, chỗ nấu nướng, chỗ ăn. Thằng Mộng tình nguyện đi tìm chợ để mua đèn cầy và bánh mì ăn đỡ. Mà thực sự, bây giờ ngoài nó ra chẳng ai đủ khả năng băng mưa ào chạy úc này. Má ì ạch với cái thai đã mệt nhoài. Tôi thì bận xoa lưng thằng cu này, vỗ mông thằng nhóc kia để dỗ tụi nó im. Chúng tôi ngồi bệt trên nền nhà bụi bám, trong bóng tối mù đen và đợi chờ tiếng gõ cửa của hai người thân. Trong im lặng, thỉnh thoảng nổi lên tiếng khóc của bọn nhỏ. Tôi thay má ru từng đứa. Rồi tôi bỗng giựt mình khi cảm được âm điệu ảo não, thê lương của mình trong những khúc ầu ơ ví dầu đó…

Má ơi đừng đánh con đau
Ðể con bắt ốc hái rau má nhờ
Má ơi đừng đánh con khờ
Ðể con hát bội làm đào má coi
Ầu ơ… Một tiếng bỉ anh còn ngồi suy nghĩ
Hai tiếng bỉ anh đứng dậy ra đi
Con cá vàng vi chờ khi nước chảy
Tay anh cầm cần câu, cần câu gẫy
Anh ứ hự cần… ân… câu… âu…

Một chập sau, tụi nó nín khe. Tôi gọi nhỏ tên từng đứa xem tụi nó ngủ chưa thì chỉ có thằng Ðặng lên tiếng. Nó thì thào trong tiếng thở của mấy đứa em, hơn nữa, mái tôn trên đầu chúng tôi cũng đang khua oằn dưới nước trút nên tôi chỉ nghe loáng thoáng: “Chị Hai! Cuốn vở của em”. Ừ! Thì chị Hai cũng phải bỏ lại đó, những cuốn vở như em. Bọn bạn và thầy cô chắc cũng hơi lạ một chút nhưng rồi cũng quên dần và quên bẵng sự vắng mặt của chúng tôi. Bỗng như hiện rõ trước mặt tôi, cuốn vở của thằng cu Ðặng. Những buổi tối dò bài nó bao giờ tôi cũng thấy nó ghi hờ những chữ Thứ… ngày… tháng… năm 1971 cho buổi học hôm sau. Những khoảng trống sẽ không bao giờ được lấp đầy và sẽ lạc vào tay ai, người bán bánh mì, bán tỏi, bán đường nào sẽ xử dụng những cuốn vở vô thừa nhận đó.

Má tôi tính toán trong cái hơi ấm lan man khắp cái khối đen câm của bóng tối, rằng ngày mai việc đầu tiên là phải mua gạo và một cái lò, nếu trời không mưa dầm dề thì những gốc tre khô nằm hoang cả bãi sau nhà sẽ được việc lắm, phải sắm một cái thùng phuy và hai thùng gánh nước nhỏ để trữ nước mà dùng, tệ lắm cũng hai cái soong và một chục chén, hai chiếc chiếu nylon khổ lớn và vừa… Có những tiếng ồ ạt cuồng nộ của bầu trời và hình như bên ngoài có chớp nhoáng sáng. Bỗng quả tim tôi như rơi trong chân không… Tỉ như ba tôi lạc dấu người bạn Pháp. Tôi muốn kêu lên thôi má đừng tính nữa má. Dầu tôi biết những điều bà kể ra là cần thiết nhưng sao tôi sợ thế, cái vòng tròn lẩn quẩn, chạy mòn đời vẫn không thoát được, sẽ kéo chân chúng tôi đến những người chủ nợ mới.

“Ðào trái tha hương ngộ cố tri….” Cố tri không chỉ riêng những bà Ðồng Lợi, bà Tân Tạo, bà Chín Hồng Hoàng… lặn lội tìm kiếm. Có thể sẽ có những người mới, không mập núc như bà Ðồng Lợi, không đeo chùm chìa khóa rổn rẻng buộc bằng kim băng nơi lưng quần, khua rum theo bước đi như bà Bảy Phương, không giọng Huế lảnh lót như cô Năm Lucy… nhưng thế nào cũng phảng phất lờ mờ một dấu hiệu chung nào đó trên trán, cổ, mặt, miệng họ. Không lập thành hệ thống, không liên kết chặt chẽ, không đồng phục vũ trang, nhưng rất tình cờ, họ chăng lưới khắp nơi, sống thư thái và hạnh phúc. Tuy nhiên, thế nào họ cũng có những nét chung rất dễ nhận ra. Như những kẻ cố tình hay bị ép, chuyên nghiệp để mưu sinh hay có tính cách tài tử – phải giết người nhiều, dù muốn dù không cũng lãng đãng hằn trên mặt họ những cái bóng mà người ta vẫn gọi là cô hồn.

Có tiếng gõ cửa gấp, thằng Mộng ào bước vào. Mưa theo chân nó bén gót. Nó hỏi liên lia lịa: “Ba đã về chưa? Ba đã về chưa?…” Ngọn nến được vuốt khô tim, thắp lên. Những ổ bánh mì mềm nhũn. Chúng tôi ra đi đâu có chuẩn bị áo mưa. Thằng Ðặng cởi bớt cái quần dài của nó cho thằng Mộng lau mình mẩy. Không, tôi đang cố gắng lạc quan nghĩ rằng thằng Mộng mạnh như con trâu nước, con bò mộng này sẽ không hề hấn gì với cơn mưa thiêng dữ dằn của vùng đất mới khẩn nửa núi, nửa rừng, nửa đồng bằng, nửa cao nguyên gần biên giới xa lạ này. Cũng như tôi cố lạc quan nghĩ rằng ba tôi đang qua đêm ở nhà người bạn Pháp.

Ánh nến nhỏ nhoi không đủ ấm cho những người nằm nhà khô ran như chúng tôi huống hồ hong khô thằng Mộng, thấm thía vào đâu. Khi nhận được khúc bánh mì úng nước mưa trên tay nó, tôi quay qua xoay lưng lại với ánh nến, vì tôi chợt khám phá ra, lần đầu tiên – kể từ khi chúng tôi rời ngôi nhà cũ – nước mắt tôi lăn dài… và tôi cố hết sức cắn chặt khúc bánh mì, giữ hai vai đừng rung để má và các em đừng trông thấy…

Nguyễn Thị Minh Ngọc (bút hiệu Nguyễn thị Ngọc Minh)
1972

bài đã đăng của Nguyễn Thị Minh Ngọc