- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

những kẻ mắc dịch- kỳ 2/2


DSCF2845


Kịch Một Màn- Ba Cảnh



Cảnh 2

Khi mở màn, sân khấu tối. Bốn người đứng xoay lưng về phía khán giả, nhìn ra cửa sổ lắp kiếng. Họ đang đứng lặng ngắm cảnh thành phố đang lên đèn bên ngoài. Bây giờ khán giả mới thấy phòng làm việc của họ nhìn ra các toà cao ốc nhấp nhô.

Ánh sáng chiếu từ phía sau, hắt bóng con vi khuẩn đứng ngoài cửa sổ, khoác áo choàng, đầu đội mũ gai tua tủa, tư thế như tượng Nữ Thần Tự Do.

Con vi khuẩn bắt đầu di chuyển giữa các toà nhà. Nó uốn mình theo theo điệu nhạc, tạo những mô thức trừu tượng theo kiểu múa đương đại. Bóng nó lớn dần lên, bao phủ và ngự trị thành phố.

 

Giai điệu bản giao hưởng Định Mệnh văng vẳng, bị nhiễu vì nhiều âm thanh khác, xen với tiếng thông báo: Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng chưa từng thấy. Vi khuẩn phát tán trong thủ phủ và gia tăng theo cấp số nhân. Bệnh viện quá tải. Thiếu giường bệnh, thiếu thuốc men, thiếu máy thở, thiếu bác sĩ, thiếu y tá, đội ngũ y tế đang ngã gục vì kiệt sức. Báo chí tuyên bố vỡ trận. Nhiều người mê sảng, nửa đêm mộng du đi xếp hàng mua thuốc, mua thực phẩm, mua giấy vệ sinh. Dân chúng hoảng loạn, tích trữ súng đạn… (âm thanh nhỏ dần).

Sân khấu sáng một nửa, đèn rọi xuống bốn người đang ngồi gục đầu trên bàn.

 

NA: (khóc) Sắp loạn rồi. Bây giờ làm sao? Tại sao bọn mình cứ phải ngồi ở đây? (la lên) Tại sao? Tại sao chứ?

: Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Không ai kịp trở tay.

NA: Lúc nãy Rus nói có cách giải quyết, là cách gì?

RUS: (nhìn Na) Giải quyết cái gì chứ?

VI: Rus nói đang nghĩ cách để không chịu thua…

RUS: A… (ngập ngừng)

(Đến cửa sổ, nhìn ra đường, đột ngột quay lại nhìn các bạn)

Mọi người không thấy sự phi lý này à? Tất cả tụ họp trên 5 người đều bị cấm. Bọn mình hơn 5 người. Mình có mặt ở đây là trái luật rồi.

NA: Bọn mình đúng 5 người mà! Nếu kể cả Cô.

: (nhìn Vi, nói nhỏ) Rus bị hoang tưởng?

VI: (lo lắng nhìn Rus) Rus muốn nói gì?

RUS: Tôi biêt trong này còn có một người nữa.

Mọi người: Ai?

RUS: Tôi cảm thấy nó.

Vi và Na rú lên.

Cô chạy vào. Rồi như chợt nhớ phải giữ khoảng cách, Cô lùi lại.

 

CÔ: Có chuyện gì thế?

NA: Rus nói có người lạ ở đây.

: (đảo mắt nhìn từng người) Ai? Người nào mới vào đây?


Rô, Na, Vi nhìn Rus. Rus nháy mắt, cả bọn hiểu ngầm.

 

VI: A…, có, có người. Tôi nghe có tiếng thở…

NA: Tiếng cửa mở.

: Tiếng huýt gió nữa…

: Thì chính là gió! Quý vị có nghe không? Gió đang nổi lên ngoài kia.
 

Tiếng gió gào luồn vào phòng. Bóng con vi khuẩn in lên cửa, áo choàng bay phần phật. Trong tiếng gió có người ho khan, tiếng thở dốc, tiếng khóc, tiếng truyền hình rõ dần: Tình hình khẩn cấp bậc 5. Lệnh mới nhất do Thống Đốc ban hành. Đóng cửa từng thành phố. Mọi người dân phải ở trong nhà. Cảnh sát đang dựng rào chắn ngăn các thành phố. Thống Đốc ký sắc lệnh tuyên bố không ai được ra đường. Bắt đầu từ tối nay, giới nghiêm toàn phần… 

VI, NA, RÔ: (hốt hoảng) Giới nghiêm?

Mọi người nhìn lên tường, đồng hồ đang chỉ 8:00 pm.

VI: Trời ơi!

NA: Tôi phải về.

: (nhìn Cô, định nói rồi thôi)

RUS: Vì sự an toàn của nhân viên, Thống Đốc nên cho tất cả làm ở nhà. Chúng ta ở đây trên 5 người là trái luật.

Mọi người vội vã thu xếp đồ đạc.

: (nói lớn) Mọi người tưởng tượng à? Chẳng có ai hết ngoài chúng ta. Thống Đốc đã yêu cầu tất cả chúng ta ở lại. Về lúc này tức là bỏ nhiệm sở.

Mọi người nhìn Cô. Im lặng.

: Nhưng còn giới nghiêm thì sao? Để về nhà, tôi phải băng qua nhiều biên giới giữa các thành phố.

: Biên giới đã đến sát tận cửa rồi. Quý vị ở đây là an toàn nhất.

Mọi người nhìn Rus.

RUS: (quyết định) Nếu về thì phải về hết. Ai ở lại là phản bội.

Mọi người cùng tiến ra cửa.

Sân khấu tối lại.

Một âm thanh mơ hồ từ ngoài vọng vào. Âm thanh lớn dần lên, dung lượng decibel tăng lên chầm chậm. Âm thanh cứ lan rộng, dãn dần. Một thứ âm thanh có sức tượng hình. Mọi người “thấy” được âm thanh này như một khối không khí đang từ từ bung ra. Toà nhà rung chuyển. Cửa kính rung chuyển.

Đèn rọi nhẹ giữa sân khấu thành một khối cầu màu hồng ngọc, xoay chuyển, biến dạng, thẫm lại, bành trướng dần. Khối cầu bao phủ hết mọi người.

Bản giao hưởng báo hiệu tiếng gõ cửa của định mệnh.

Cửa sổ đã mở toang. Gió thổi không khí lạnh lùa vào phòng.

Con vi khuẩn hiện ra giữa phòng.

Nó diễu quanh mọi người, như lựa chọn, rồi bắt đầu di chuyển chậm về phía Vi. Nó nhảy múa quanh Vi, một vũ điệu mê man, điên dại.

Vi ngỡ ngàng, rồi như bị thôi miên, bắt đầu giơ tay múa theo- thoạt tiên vụng về, như nhái theo, như sao chép- rồi dần dần điêu luyện, nhịp nhàng, ăn khớp, đồng bộ với chuyển động của con vi khuẩn.

Điệu vũ thể hiện một điều vô hình đang tăng trưởng. Tuy cả hai cùng làm những động tác như nhau, cách múa của con vi khuẩn thể hiện ý muốn thâm nhập, bằng một chuỗi những mô thức tuần tự theo thời gian; cách múa của Vi biểu lộ cảm giác của cơ thể, rõ nhất là sự đau đớn và bị trói buộc.

Âm thanh và ánh sáng dịu dần, rồi tắt hẳn. Sân khấu tối hoàn toàn.

Có tiếng kêu rên khẽ.

Đèn rọi vào một điểm giữa sân khấu

Vi ngồi trên sàn, đầu đội cái mũ hình cầu gai có gắn đá đỏ. Con vi khuẩn biến mất.

Rô, Vi, Rus đứng chung quanh Vi.

 

VI: (thở dồn dập) Tôi mệt quá!

NA: (rờ trán Vi, la lên) Vi sốt rồi!

VI: (ôm ngực) Tôi không thở được!

: (lùi lại) Trời ơi!

Vi kéo cổ lọ cao lên, che mũi và miệng, ho..

Rus xốc nách đỡ Vi đứng lên.
 

: Phải khử trùng toà nhà này ngay.

NA: (lo lắng) Mình phải cách ly ngay.


Na và Rô đi ra cửa.


RUS:
(nói lớn) Định đi đâu đó? Quả bom vi trùng vừa nổ. Bây giờ đi đâu cũng vậy thôi. Chỉ là sớm hay muộn…


Có tiếng Cô vọng vào: Bài dịch đã vào rồi. Dịch xong mọi người có quyền về.

Na và Rô khựng lại, rồi vội vã chạy về phía phòng Cô. Trong khi đó Rus mở điện thoại, nhấn số. 


: (gõ cửa) Cô, Cô, mở cửa ra!

: (nói vọng ra) Gì thế?

NA: (nói như khóc) Vi bệnh rồi. Phải cách ly Vi ra.

: (nói vọng ra, hoảng hốt) Tôi phải báo ngay cho Thống Đốc.

NA: (la lớn) Cho chúng tôi vào phòng Cô lánh nạn đi!

: (nói vọng ra) Không được! Tôi cũng cần giữ khoảng cách an toàn.

NA: (đập cửa) Mở cửa cho chúng tôi! Chúng tôi cần được xét nghiệm!

: (nói vọng ra) Ai cũng sẽ được xét nghiệm hết! Thống Đốc đã hứa như vậy rồi. Cứ về phòng và ngồi cách xa nhau 12 feet. Rửa tay xà bông ngay lập tức. Nói Vi đeo khẩu trang vào.

(ngưng, nói thêm) Để tôi cập nhật tin tức cho Thống Đốc. Mọi người ráng dịch bài cuối này ngay đi nhé.


Na và Rô nhìn nhau, phẫn uất. Họ đứng ở ngưỡng cửa, nhìn vào phòng dịch. Na tháo khăn choàng cổ ra, quấn quanh đầu và mặt, chỉ để hở mắt, như phụ nữ Trung Đông. Rô lấy khăn tay chế thành khẩu trang, đeo lên.

 

VI: (thở ngắn, gấp) Tôi đã linh cảm rồi… đây là một bài dịch đáng sợ… (ngưng) Tôi không dịch được nữa. Tôi khó thở quá.

Na và Rô thì thầm với nhau, nhìn Vi, nhìn ra ngoài cửa sổ.


NA
: (nói với Rus) Phải đưa Vi đi bệnh viện.

: Xe của Rus lớn, để Vi ngồi phía sau được.

Mọi người nhìn lẫn nhau, dò xét.


RUS:
(cười nhạt) Rô muốn đẩy Vi ra đường phải không?

RÔ: Chúng tôi chỉ muốn khử trùng.

RUS: Vậy mà trước nay tôi cứ tưởng Rô…

NA: (ngắt lời) Tình thế đã thay đổi. Có những điều ngày xưa chúng ta làm được, thật bình thường, nhưng bây giờ lại trở thành điều cấm.

RÔ: Mỗi người chỉ có thể chịu trách nhiệm về chính mình.

Im lặng.

 

RUS: Tôi gọi 911 rồi. Họ nói nửa tiếng nữa sẽ đến.

NA: (thất thanh) Nửa tiếng?

RUS: Quá nhiều người bệnh, nhất là sau vụ phát tán vi trùng vừa rồi. Họ khuyên là nên điều trị tại đây thì tốt hơn. Bệnh viện bây giờ là địa ngục. 

 

Rô và Na nhìn nhau..

NA: Rus đưa Vi ra ngoài sân chờ xe cứu thương đi.

RUS: (lạnh lùng) Đừng có ra lệnh cho tôi.

VI: Để tôi ra một mình được rồi. Rus cứ ở đây. Tôi ra ngồi hành lang, họ sẽ thấy tôi.
(nói với Na và Rô) Đừng dịch nữa. Đó có thể là bài dịch cuối cùng. Hoặc không. Đằng nào cũng tai hoạ như nhau. Nhanh hay chậm mà thôi.


Vi ra cửa.
 


RUS:
(nói nhanh) Tôi cùng chờ với Vi. Bên ngoài loạn lắm. Người ta đang nổi điên vì hoảng loạn, vì bị nhốt trong nhà, vì túng quẫn, họ dễ trở nên hung bạo, nhất là với người châu Á.

VI: Rus sẽ bị lây tôi. Ở lại đây đi. Rus không có khẩu trang.


Rus ra bàn làm việc, tìm cây kéo, đưa lên cổ, cắt hẳn cái mũ trùm đầu, rồi xoay cái mũ úp lên mặt như khẩu trang, cột dây lại. Đi ra cửa.

Còn lại Na và Rô trong phòng, hai người lấy bình thuốc diệt trùng, xịt đầy chỗ Vi ngồi, xịt loạn khắp phòng. Hơi thuốc nồng nặc làm hai người phát ho sặc sụa.

Đèn tối dần.

Có tiếng khóc của Rô.

 

Cảnh cuối

Rus và Vi ngồi ngoài hành lang, cách nhau khoảng 6 feet. Họ chờ xe cứu thương đến chở Vi đi. Có tiếng lao xao ngoài xa, tiếng đám đông la hét, tiếng còi xe hụ, những nốt nhạc rời rạc theo mô thức Định Mệnh, chen với tiếng ho và thở gấp của Vi. 


VI
: (nói nhỏ, trong cổ áo) Cám ơn Rus.

RUS: Vi cố lên. Rồi sẽ qua thôi.

VI: Rus nghĩ vậy thật à?


Rus im lặng.


VI
:  Hôm trước Rus nói có cách… là cách gì?

RUS:  À… chỉ là cho riêng tôi thôi. Tôi từng là y tá. Tôi sẽ tình nguyện vào một bệnh viện đang thiếu người…


Im lặng.

VI: Nhưng… còn tôi? (lả người đi)


Tiếng còi hụ lớn dần. Xe cứu thương đến. Những nhân viên y tế mặc đồng phục từ ngoài bước vào. Họ khiêng những cái cáng, đi vòng vòng trên sân khấu.

Đèn rọi vào phòng dịch: Cô, Rô, Na đã ngồi yên vị vào bàn, trong nhiều tư thế. Họ nhìn những nhân viên y tế, rồi nhìn nhau. 


CÔ, RÔ, NA
: Lạ quá! Sao họ không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ y tế? Đã qua nạn dịch rồi sao?


Từ hậu trường vọng ra tiếng đàn phong cầm, giọng hát thánh ca, tiếng niệm kinh văng vẳng, tiếng chuông, xen với lời cầu nguyện rì rầm.

Một giọng đọc vang lên trên nền những âm thanh khác, rõ từng chữ, như giải thích- trả lời- trấn an- hứa hẹn:

Chúng tôi sắp xếp ghế bàn từ một mô hình phẳng
Mọi người sẽ đến và ngồi vào không dị nghị
Chúng tôi không cần lau chùi dọn dẹp
Đời sống này và thế giới bên kia

Tất cả đang bật sống
Từ giường bệnh, ghế đợi phòng khẩn cấp
Từ hành lang mùi thuốc tẩy
Chân cầu thang

Chúng tôi không cần mang face mask
Không còn phải rửa tay liên tục
Và nhất là
Không cần xe thùng lạnh xếp hàng dài

Chúng tôi sẽ niềm nở bắt tay không ngại
Không còn bọc plastic quanh người
Chúng tôi sẽ trườn khỏi phòng cô lập
Ra đường phố, công viên, bãi biển

Chúng tôi vừa sắp xếp cuộc đời từ một mô hình phẳng
Không người sống bên này và những kẻ bên kia
Không cuộc sống này và cuộc chết bên kia
Không đợi chết này và đời chết bên kia *



Đàn tối dần. Màn hạ.



 



*Đời sống này- thơ vi lãng https://damau.org/63564/doi-song-nay

 

 

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "những kẻ mắc dịch- kỳ 2/2"

#1 Comment By đinh từ bích thúy On 06/04/2020 @ 4:18 am

Kết thúc lơ lửng cho kịch “Những Người Mắc Dịch” của Đặng Thơ Thơ rất ý nhị, sâu sắc, làm người đọc nghĩ đến truyện ngắn “The Masque of Red Death” của Edgar Allan Poe và đoạn kết phim The Others của Alejandro Amenábar (2001), về những người trong ngôi nhà không biết là mình đã chết và tưởng người sống vừa dọn vào nhà mới là ma.

Trong kịch của Đặng Thơ Thơ, Cô, Rô, Na, vì ích kỷ, nên có lẽ đã chết vì bệnh dịch ở cuối kịch mà không biết, nên mới không hiểu tại sao các nhân viên y tế xuất hiện trước phút hạ màn không đeo khẩu trang hay mang dụng cụ khử trùng. Còn Vi và Rus thì thoát nạn vì họ biểu lộ tình thương, sự đùm bọc, cho người đồng cảnh. Bài thơ “Đời sống này” của nhà thơ Vi Lãng thay cho chorus ở đoạn cuối rất thích hợp, vì tùy cách đọc, bài thơ có thể mang thông điệp khả quan, hoặc ma quái, ghê sợ.

Đoạn “pas-de-deux” trong kịch giữa Vi và siêu vi COVID-19 cũng rất sáng tạo trong cách mô tả quá trình xâm nhập, sao chép gien, và phát tán của siêu vi.

Một vở kịch súc tích, sống động, nhiều nét thơ.