- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

NGHỆ THUẬT VỊ AI? Vị CÁI GÌ?

 

 

art_for_art

 

Tiếc là hầu hết comment đánh giá ban nhạc Rốc của nhạc sĩ trẻ Trần Lập đều ngả theo hướng “văn học phản kháng”. Rốc là âm nhạc, ngôn từ của lời hát chỉ là cái cớ thôi, bởi ngôn ngữ của Rốc là âm thanh. Hãy nghe Rốc không lời. Bất cứ bản nhạc Rốc nào cũng cho hưng phấn khát vọng tự do, khát vọng cái khác biệt .

Nếu cứ nệ vào ca từ thì không còn Rốc thuần khiết nữa. Bởi Rốc xuất hiện bằng nhịp điệu, bằng cường độ âm thanh. Bằng tinh thần tự do không vịn vào ca từ. Hơn nữa cách suy nghĩ cứ nghệ thuật là phải phản ánh xã hội và có tiếng nói bênh vực lẽ phải, phản đối cường quyền, thì theo tôi cách nghĩ này ngấm “virut tuyên huấn chính trị” mà không biết.

Nghệ thuật chỉ phản ảnh chính nó thôi, và nó là khoái cảm của nghệ sĩ thời đại. Và Rốc nó không chỉ là giải trí hiện đại mà còn khám phá tâm thức mới trong âm nhạc, không quan tâm các loại phản kháng hay phản ảnh xã hội. Tự thân nó tồn tại trong lịch sử âm nhạc.

Khi nói hoặc bàn về các loại hình nghệ thuật, không ít người bị phủ bóng bởi câu nói của chính khách: “nghệ thuật này phục vụ ai”. Hay lý sự hơn chút thì đặt vẫn đề “nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Theo tôi đó là cái bẫy tập hợp lực lượng của các chính trị gia. Và loại bẫy giả triết học này nó thuộc xã hội học mà các cao nhân chính trị đã cô đúc, mã hoá thành tư tưởng “nghệ thuật vị giai cấp nào đó”. Khẩu hiệu giả lý tưởng này đã lừa được rất nhiều các trí thức nghệ sĩ. Và là vũ khí cho những phần tử làm văn hóa mà có lòng cơ hội chính trị. “Khái niệm” nghệ thuật vị nhân sinh” đặc biệt lợi hại khi nó dựa vào quyền lực thể chế tạo ra các giải thưởng chính trị, gây thoả mãn danh vọng vốn là mơ ước cho nghệ sĩ.

Chuyện nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật đã xảy ra cuộc tranh luận từng được mệnh danh là giữa phái “nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều làm chủ soái và phái “nghệ thuật thuật vị nghệ thuật” do Hoài Thanh cầm đầu diễn ra trong các năm từ 1935 đến 1939; làm tổn hại biết bao giấy bút và hại não cả giới nghệ sĩ Việt Nam một thời gian dài. Lịch sử lý luận nghệ thuật đã ghi lại những sự kiện vô bổ vì cách hiểu thiên lệch quan niệm nhân văn của các nhà cai trị phương Đông cổ xưa “văn dĩ tải đạo”. Nghĩa là nghệ thuật luôn phải ngầm đính kèm yếu tố giáo dục nhân văn. Ý này có năng lực mạnh tới mức lấn át cái cốt lõi của nghệ thuật là phản ảnh chính cái nghệ thuật biểu hiện ở giai đoạn đó. Vì vậy, theo quan điểm này thì không bao giờ có nghệ thuật vị nghệ thuật, mà chỉ có duy nhất “nghệ thuật vì con người”.

Nhưng dù cho là nghệ thuật chỉ vì con người, thì bản chất sáng tạo của nghệ thuật không phải là sáng tác tập thể, mà là khởi đầu luôn từ một tác phẩm mới lạ nào đó của một tác giả cụ thể, nên nó rất cá nhân. Rồi từ đó tạo ra các trường phái khác nhau được lịch sử ghi nhận vinh danh cá nhân nghệ sĩ sáng tạo đầu tiên. Vinh dự đi vào lịch sử nghệ thuật là rất lớn mà nghệ sĩ nào cũng ao ước (trừ các nghệ sĩ Thiền). Nếu tất cả các nghệ sĩ theo đuổi mục tiêu tối cao là sáng tạo, cứ vi vút theo đuổi tâm tư kỳ bí rất riêng của họ trong quá trình sáng tạo thì sẽ tạo ra “tấm gương cá nhân” ảnh hưởng tới quá trình tập hợp lực lượng của tôn giáo hay chính trị.

Vì vậy, các nhà chính trị lỗi lạc phương Tây đã giăng bẫy tư tưởng: “nghệ thuật vị nhân sinh” để giảm bớt khuynh hướng cá nhân và để sử dụng nghệ thuật cho mục đích chính trị. Còn ở phương Đông cũng y hệt như thế nhưng ngôn từ mập mờ hơn ở chữ “đạo” trong “văn dĩ tải đạo”. Rồi mặc định ngầm là đạo đức phong kiến “trung quân ái quốc” của Khổng Tử, chứ không sổ thẳng ra “vì nhân sinh” như phương Tây. Mọi trí thức văn nghệ sĩ (người quân tử) nếu là chính nhân quân tử phải nêu cao (núp bóng) tư tưởng “văn dĩ tải đạo”.

Câu “văn dĩ tải đạo” bị các nhà cai trị xóa đi ý nghĩa đích thực của nó khi chữ “đạo” ở trường hợp nghệ thuật được minh triết rõ ràng là “đạo nghệ thuật”. Hiểu chữ “đạo” như thế sẽ tương đương như khái niệm mà hầu như tất cả các chính trị gia tẩy chay: “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Hiểm hóc hơn, để chắc cú về việc quản trị tâm hồn nghệ sĩ hơn, các cao nhân cai trị của Phương Đông còn kèm thêm cái khóa: “văn là người” nhằm ngăn cản khuynh hướng thể hiện cảm xúc và sự thật bất lợi cho cai trị. Với mặc cảm “văn là người” nhiều nghệ sĩ đành phải biểu hiện sao cho khi tác phẩm trình diễn trước công chúng, tác giả thoát khỏi nguy cơ bị đánh giá là: “tác giả này rất đen tối, rất phản hướng giáo dục của thể chế đang cai trị”. Những bất lợi sẽ lập tức ập đến tác giả từ tất cả các phía nhiễm tinh thần “văn là người”, và không hề thấy được giá trị của sự thật mà tác giả đưa vào tác phẩm.

Khái niệm văn là người chính là lưỡi kéo của các nhà chính trị, cai trị xã hội cài vào tâm tư nghệ sĩ để nghệ sĩ “tự kiểm duyệt” trước khi trình bầy tác phẩm.

Nhắc trở lại ý tưởng đã nói tới ở trên: nghệ thuật chỉ có một thứ duy nhất là “nghệ thuật vị con người”, cho dù con người (nhân sinh) đó là chính mỗi một mình nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Mặc nhiên dù cho tác giả bất cần thiên hạ, chỉ sáng tác cho riêng mình, thì nghệ thuật tự bản chất không bao giờ tồn tại chỉ cho một người. Mọi tác phẩm được dấu kín hay trưng bầy cũng đều tự nó chờ đợi đôi mắt người thưởng ngoạn

Bản thân nghệ sĩ là nhân sinh, nên cho dù cá nhân nghệ sĩ xử dụng phương tiện nghệ thuật khai phá nội giới anh ta, hay anh ta một mình đơn độc tưởng tượng ra một vũ trụ xa lạ nhân loại chưa hề biết tới, thì cũng là phục vụ con người, mà trước hết chính là anh ta. Bởi nghệ thuật chỉ vị nhân sinh khi trở thành văn hoá của nhân sinh. Vậy nên vẫn với một tác phẩm nghệ thuật khi đang ở giai đoạn hình thành thì nghệ thuật đó là chủ quan của tác giả, chưa có nhân sinh xã hội chấp nhận. Rồi với thời gian với nhiều người nhìn thấy, thưởng ngoạn, tác phẩm lan toả mỹ cảm trở thành vật phẩm văn hoá của xã hội. Và đến lúc đó thì nghệ thuật trở thành “nghệ thuật vì con người”.

Sự tinh vi của các nhà cai trị là chia tách mối quan hệ bộ ba “tác giả- tác phẩm-công chúng”, thành hai vế độc lập mâu thuẫn nhau.

Một vế là “tác giả & tác phẩm” vói uyển ngữ “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Vế hai là “tác phẩm & công chúng”, với uyển ngữ “nghệ thuật vị nhân sinh”. Hai vế thành hai khái niệm đối lập.

Những cụm từ “nghệ thuật vị nghệ  thuật” đối lập với “nghệ thuật vị nhân sinh” đã  tạo mâu thuẫn trong giới nghệ sĩ, dẫn đến việc chụp mũ lẫn nhau giữa các nghệ sĩ thiếu bản lĩnh độc lập. Và sau cùng là định đoạt hướng sáng tạo cho nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ lãng quên đi bản chất không thể chia tách của mối quan hệ “nghệ sĩ- tác phẩm- công chúng”. Mối quan hệ này không thể chia tách. Ngay cả khi tác giả đã qua đời thì tiểu sử và lịch sử sáng tạo của tác giả luôn đi cùng tác phẩm. Tất nhiên cũng luôn đi cùng công chúng.

Nhìn vào lịch sử nghệ thuật tạo hình và âm nhạc, các nghệ sĩ đã tận lực phục vụ tất cả các tôn giáo, các thể chế chính trị thù địch nhau. Xong nếu họ là những nghệ sĩ thực sự tài năng ở tầm cỡ sáng tạo ra những kiệt tác, thì dù cho tranh vẽ hay bản nhạc ca ngợi đạo Công Giáo hay đạo Phật, đều tồn tại với danh nghĩa đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc hay hội họa, chứ không phải danh nghĩa đỉnh cao tôn giáo hay đỉnh cao chính trị của nội dung tác phẩm.

Nghệ thuật xét cho cùng nó là một tôn giáo không giáo chủ, không tín điều.

Các tín đồ của nghệ thuật luôn sẵn sàng phục vụ từ cá nhân cho đến tất cả các tổ chức đảng phái tôn giáo của con người.

Mục đich tối thượng của các tín đồ nghệ thuật đôi khi đơn lẻ tới mức cô độc, đó chỉ là đi tìm “cái đẹp”.

Có thể nói cái đẹp là dấu vết của vị giáo chủ ẩn hình của “tôn giáo nghệ thuật”. Dấu vết của Ngài luôn xuất hiện ở tất cả các ngành nghề liên quan đến nghệ thuật.  Ngài Giáo chủ của “tôn giáo nghệ thuật” không thu nhận đệ tử. Tất cả các nghệ sĩ không ai là đệ tử của “cái đẹp” mà họ tình nguyện tham gia làm tín đồ. Tôn thờ và đi tìm “cái đẹp” chính là đi tìm dấu vết vị Giáo chủ của họ.

Bất kỳ nghệ thuật nào cũng là công cụ của con người dùng để khai phá nội giới con người và tìm hiểu xã hội, nhận thức thiên nhiên, ở giai đọạn tác phẩm ra đời.

Thực tế lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy “Tôn giáo nghệ thuật” mang cái đẹp phụng sự tình yêu, phụng sự tự do và tôn vinh tất cả các tôn giáo, và các tổ chức đảng phái khác nhau của mọi thời đại.

 

 

N H H. 10/10/2019

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "NGHỆ THUẬT VỊ AI? Vị CÁI GÌ?"

#1 Comment By black raccoon On 03/03/2020 @ 8:05 pm

Nếu nghệ thuật nhằm tôn vinh cái đẹp thì thành tố làm nên nghệ thuật cũng phải đẹp.

Nghệ sĩ, người sáng tác nghệ thuật, nên dành cho họ đời sống đẹp. Có thể cuộc sống của họ nghèo nàn, cuộc tình của họ trắc trở. Nhưng nó vẫn nên đẹp. Và cảnh đời, môi trường sống chung quanh cũng còn có nhiều vẻ đẹp. Biển trời sông nước gió trăng tự nhiên đã đẹp. Con người có thể bảo tồn làm cho đẹp thêm. Nhưng mà biển bị xả thải, sông bị hạ độc, rừng đầy cào xới toan tính thì chịu chết. Hồn thơ, sắc họa, nhạc thanh gì cũng sẽ cạn kiệt.