- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Phóng sinh

 

1-

Thằng nhỏ cuốn lại dây câu, thu giun mồi vào chiếc hộp nhựa trong chiếc giỏ xách vai, rồi một tay cầm cần câu, một tay xách xô cá leo lên bờ dốc dọc con mương nhỏ. Tuy đã thức dậy từ lúc còn khuya lắc khuya lơ đi tìm mồi rồi câu cá, nó không thấy mệt chút nào. Trong xô nhựa lưng chừng nước là năm sáu con cá đang quẫy. Nó phải mau đến chợ bán hết lượt cá này, rồi trở lại câu tiếp. Hôm nay gần Tết, chợ họp lâu hơn, nhiều người mua muộn, may ra thì bắt bán được thêm mấy con nữa, có tiền mua chút gì cho má và lì xì cho em.

Gần đến mặt đường, thằng nhỏ khựng lại. Má dặn mấy hôm nay bắt được cá nhớ phóng sinh. Má nói phóng sinh là thả cá bắt được về mương, xem như là mình cứu mạng cho nó. Đó là làm việc thiện, tích đức con à. Mình nghèo chẳng biết sao cho hết nghèo, má hy vọng thiện đức giúp cho con sau này. Thấy má giảng giải ngọn ngành xuôi rót, thằng nhỏ chỉ còn biết gật đầu vâng dạ. Nhưng khi ngồi câu một mình, xoay trở trong đầu những câu của má, nó không chắc nó hiểu cho lắm. Đúng là bắt rồi thả tức là tha mạng cho con cá, nhưng cá vào nước lại có người khác bắt, hoặc con gì khác bắt, phần nhiều không giữ được mạng rồi. Thậm chí thả lại vào mương này thì mấy hôm sau nó lại câu được thôi. Gần như là việc thiện công toi, lại mất tiền bán cá nữa.

Thằng nhỏ dợm bước tiếp, rồi lại ngần ngừ. Nó nhìn vào xô cá, tính toán. Dưới hai ba con cá lớn bên trên, nó biết có một con cá khá nhỏ bên dưới. Nó sẽ bán mấy con cá lớn, phóng sinh cho con nhỏ nhất, vậy là nghe lời má rồi. Không hiểu sao, vừa nghĩ đến phóng sinh nó lại vừa nghĩ đến tiếng xèo xèo trong chảo chiên, và lớp vảy giòn rụm chấm nước mắm tỏi ớt là khỏi chê. Nó lắc lắc đầu để đuổi bức ảnh sống động ấy đi. Có lẽ nhờ vậy mà nó nghĩ ngay ra ý khác: nó sẽ bán con cá nhỏ cho mấy người mua để phóng sinh. Thường họ mua cá nhỏ hơn, rẻ hơn cho việc thiện đức này. Như vậy, nó chỉ mất ít tiền sai biệt, rồi biết đâu lại bắt được con cá đó mập lớn hơn bây giờ nữa.

Đã suy tính xong xuôi, thằng nhỏ hăng hái bước tiếp, miệng mủm mỉm cười. A, hóa ra làm việc thiện đức cũng không khó gì mấy!

 

2-

Thằng nhỏ ngồi bệt xuống một gốc cây, bó gối chờ mấy người lớn làm việc. Tưởng nó mệt mỏi vì phải phụ trông chừng và bê chuồng chim lúc sáng sớm, họ để mặc nó ngồi đó không sai bảo gì, tuy rằng nó cũng sắp đủ lớn để cùng họ giăng bẫy và bắt chim.

Thực ra thằng nhỏ không mệt, chỉ là nó bồn chồn quá, sợ không theo nổi nhịp làm việc của người lớn. Nhìn lên tàng lá bắt đầu rực lên màu nắng, nó tìm cách suy đoán xem giờ này bên chùa đã bắt đầu lễ cúng gì chưa. Thường phải có cúng, có tụng niệm nhang đèn xong rồi thì người ta mới lục đục đi phóng sinh. Hôm qua, mặt trời gần đỉnh mới thấy chim bắt đầu bay ngang.

Hôm nay là ngày cuối cùng, cậu nó nói vậy. Bắt lại xong bầy chim hôm nay, cậu sẽ dẫn nó đi ăn món gì ngon và lì xì cho nó, xem như đền bù công lao nó giúp cậu bán chim phóng sinh trong mấy ngày Tết. Năm ngoái, giờ này hình như nó cũng ngồi đâu đây, nôn nao tự hỏi cậu sẽ cho nó ăn món ngon gì và lì xì cho nó bao nhiêu. Năm nay, nó không nghĩ đến món ngon, nhưng còn tiền lì xì… không biết có đủ không nữa. Thằng nhỏ quay mắt nhìn về phía mấy người lớn. Cậu nó đang ở trên thang, nhón chân máng lưới vào cành cây. Dưới chiếc mũ vải mềm, da cậu đen sạm, nắng chưa gắt mà cổ cậu đã rịn mồ hôi. Nhớ năm ngoái, khi mới theo cậu đi bán chim, nó đã bị say nắng. Cậu thấy nó mặt đỏ gay, mồ hôi toát đầy người cũng hết hồn. Một trong mấy người lớn phải bỏ dở việc mang nó đi tìm nước uống và nghỉ ngơi. Nó còn nhớ mãi cậu dặn đi dặn lại người đó phải tìm chỗ “có máy lạnh.” Tối hôm đó, không dám mang nó về nhà sợ bị mẹ nó la, cậu viện cớ nó ham vui muốn ngủ lại nhà cậu, rồi lại mang nó đến một quán “có máy lạnh,” hai cậu cháu gà gục cho đến giờ quán đóng cửa mới về lại chỗ trọ không có máy lạnh của cậu.

Một vài con chim lác đác bay qua, sà xuống mấy tàng cây. Thằng nhỏ đứng bật dậy, đăm đăm nhìn lên. Mấy hôm liền bắt ra bắt vào, xóc xa xóc xách trong lồng, lũ chim phóng sinh chắc đã mệt lử, thấy chỗ đậu lại được là sà xuống ngay. Thằng nhỏ muốn chạy ùa lại phụ người lớn bắt chim, nhưng nó sợ không quen lại quẩn chân người lớn. Nhiều con chim đuối sức lả xuống mặt cỏ, không cẩn thận có thể đạp nhằm. Tuy vậy, thằng nhỏ dõi mắt ráng nhìn từng con chim, hy vọng nhìn thấy “nó.” Một con chim không hiểu sao thằng nhỏ chú ý nhiều hơn những con khác, đôi mắt rất ngơ ngác, tiếng chim chíp rất buồn, và một vệt đen trên cái mỏ vàng. Thằng nhỏ không dám xin con chim hàng buôn bán của cậu, nhưng định bụng sẽ xin nó làm quà lì xì ngày hôm nay. Thêm một cái lồng cũ nữa, trong khi nó dành dụm tiền quà mua lồng khác. Muốn biết chắc mình không bị lẫn lộn, thằng nhỏ đã buộc vào chân con chim một sợi chỉ màu nâu gần tiệp màu với lớp vảy chân chim, e rằng màu chỉ khác không chừng lại gây chú ý bất lợi.

Cậu thằng nhỏ đi lại gần chỗ nó đứng, tay xách mấy cái lồng chim. Tim đập thình thịch, thằng nhỏ ngồi sụp xuống nhìn vào mấy cái lồng. Không thấy con chim nó thích. Đến khi người lớn bắt đầu thu lưới sửa soạn đi về, thằng nhỏ vẫn chưa thấy con chim. Có thể ai khác đã bắt nó, hoặc nó còn lẩn quẩn trong sân chùa, hoặc nó bay qua hướng khác, hoặc nó kiệt sức chết mất rồi. Khi cậu nó gọi đi về, thằng nhỏ còn đứng nhìn quanh quất, hỏi cậu lỡ còn chim chưa đến thì sao. Cậu cầm tay nó, nó đã định giằng tay lại vì tưởng cậu sẽ kéo nó đi, nhưng cậu mắc vào mấy ngón tay nó một cái móc lồng chim. Giật mình, thằng nhỏ quay nhìn. Cái lồng nhẹ bỗng, nhỏ xíu, trong đó chỉ có một con chim sẻ. Thằng nhỏ giơ lồng lên nhìn, con chim dang cánh giữ thăng bằng, hai chân vẫn bấu chặt vào thanh ngang lồng, sợi chỉ nâu buộc vào một chân rung nhẹ. Thằng nhỏ ngước nhìn cậu. Cậu nó mỉm cười, nắm lấy tay kia của nó và kéo nó ra về.
 

1/2020

bài đã đăng của Tiểu Thư