Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Kịch đương đại Việt Nam & thế giới, Nghệ Thuật, Nghiên Cứu, Sân Khấu Email bài này

7. Sổ Tay: Kịch Mới- Tôi Xem Kịch Mới: Ai Là Thủ Phạm

0 bình luận ♦ 26.12.2019
image_thumb.png

 

(Trích trong “Rảo Bước Quanh Sân Khấu Kịch Tây Phương” Chương 7. Phát hành 2020.)

7. Sổ Tay: Kịch Mới.


165. So sánh kịch Hiện Đại và kịch Hậu Hiện Đại, có thể nhận thấy đặc trưng kịch Hiện Đại có tường thuật cốt truyện. Diễn tiến mở ra hợp lý, tuần tự theo luận lý. Các diễn viên đảm nhận vai trò của người sống thực tế, kể những câu chuyện dựa trên bi kịch, hài kịch, hoặc những xung đột hiện sinh. Thông thường, câu chuyện được trình bày theo thứ tự thời gian và có hành động cuối cùng để chấm dứt.

Trong khi mục tiêu của kịch Hậu Hiện Đại là xóa mờ hoặc tạo ra nghi vấn trong những nhận thức về thế giới và bản ngã đang được tin tưởng hoặc thuyết phục. Toàn bộ vở kịch thường được trình bày như sự kiện hoặc quá trình để tương tác với khán giả, cho họ cơ hội tự khám phá vở kịch, qua đó tự nhận thức sự thật và bản thân. Trọng tâm là ý thức, giảm bớt kinh nghiệm cảm tính (emotional experience), phê phán chính trị, và giải trí. Sân khấu có nhiệm vụ tái cấu trúc hiện thực, không phải để trình bày hiện thực. Kịch tác gia Sam Shephard nói rằng, những câu chuyện mà nhân vật của tôi kể lại là những chuyện dang dở, tưởng tượng, gợi lại những kinh nghiệm có nhãn quan nhất định, vì vậy, chúng là những mảnh rời, mảnh vỡ. Câu chuyện không giống như bản chất tự nhiên của nó. (Dr. Raymond Saner. saner@csend.org.)

166. Kỹ thuật mảnh rời chủ yếu không tuân theo diễn trình nhất quán. Ví dụ như lối viết của bài này. Chỉ cốt trình bày kiến thức và kinh nghiệm về kịch và nghệ thuật. Không theo thứ tự thời gian hoặc lý luận mạch lạc. Quá trình hiểu biết của con người trong thực tế là những ráp nối, cắt dán, ngẫu nhiên hoặc tùy giai đoạn. Kỹ thuật mảnh rời dựa trên khả năng liên tưởng, phối hợp, hoặc tái phối trí. Ví dụ như một vở kịch về lịch sử, khi ráp nối hoặc tái phối những mảnh rời, khán giả có cơ hội nhìn thấy lịch sử trong những ý nghĩa và diễn dịch khác nhau, chưa hẳn như lịch sử ghi chép đã trình bày. Bất kỳ một trang sử nào cũng có sự mù tối của sự kiện và định kiến của người viết. Tái cấu trúc lịch sử là một trong những mục tiêu của Hậu Hiện Đại. Chính sự vô lý hoặc thiếu mạch lạc là nguyên nhân thúc đẩy khả năng động não của người xem. Theo Dick Higgin, phân mảnh là để tìm thấy bản sắc một cách rộng lớn và sâu sắc hơn một mảnh lớn đã ấn định. Ngoài ra, sự phân mảnh cho phép truyền thông phát tán vào quần chúng dễ dàng và rộng rãi. Ví dụ, thay vì phải xem hết một chương trình nhạc dài cả cuốn video, họ phân mảnh những bài hát rời, đưa lên youtube, facebook… có hiệu quả đa chức năng và nhiều người xem hơn.

167. Về những kịch bản không kể chuyện, không dựa nhân vật, chỉ sử dụng cấu trúc, đã gây nhiều tranh luận về căn cước của kịch. Có khi những câu chuyện kể lưng chừng không chấm dứt. Có khi chuyện kể có nhiều chấm dứt, mỗi lần diễn, kết thúc khác nhau. Câu hỏi: Có phải đã đến lúc căn cước của nghệ thuật cần thay đổi? Có người trả lời: Căn cước của những gì mang tính miên viễn sẽ không thay đổi. Người khác trả lời, căn cước sẽ phải thay đổi theo đời sống. Sống là sự liên kết của những mảnh rời. Mỗi người sống trong sự phân mảnh của từng khoảng thời gian cộng hưởng không gian. Tuy nối tiếp vào nhau nhưng không nhất thiết tạo ra ý nghĩa. Ý nghĩa có hay không chỉ do mỗi người và xã hội đó tạo ra. Không hẳn đã có sự thật bên trong.

168. Trong tinh thần đa văn hóa và toàn cầu hóa, sân khấu khởi sự trình bày những kết hợp nghệ thuật kịch đa dân tộc. Diễn viên từ nhiều gốc bản xứ khác nhau trình bày những nhãn quan và cá tính dân tộc trên cùng một quan điểm, cho người xem một tầm nhìn rộng rãi về nhân loại. “Sân khấu toàn cầu” (global theater) là khuynh hướng kịch nghệ lớn bước sang thế kỷ 21.

169. Sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành của Kịch Hiện Đại và Kịch Hậu Hiện Đại được xem là quan niệm mâu thuẫn. Có vẻ đối nghịch nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn từ tầm viễn cảnh, cả hai bổ túc cho nhau và làm nền cho nhau, khiến nổi bật những đặc tính và ưu điểm nghệ thuật, văn hóa và nhịp sống con người trong thời đại của họ. Ví dụ, núi và sông nhìn gần, là sự mâu thuẫn, đối nghịch. Lên phi cơ bay cao, nhìn xuống, thấy gì đâu ngoài một cảnh đẹp.

170. “Dramatic drama”, kịch tạo ấn tượng là một nhánh kịch được quan tâm trong đầu thế kỷ 21, vì bản sắc của chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại (Metamodernism). Không đặt nặng nghệ thuật, chú trọng về nội dung. Khởi đầu một khuynh hướng mới cho sân khấu đương đại.

Khuynh hướng này đang thử nghiệm sự trở lại của kịch có luận lý, có động lực tâm lý, và tường thuật thẳng thắn, không sử dụng ẩn dụ hoặc tượng trưng. Phần lý thuyết này thuộc về chủ nghĩa Hiện Đại. Tuy nhiên, không phải chỉ đơn giản trở về. Kịch tạo ấn tượng tìm đến những người thật và những vấn đề thực tế của họ. Kịch không chỉ đề cập đến bản thân nhân vật, mà trong quá trình diễn lại cốt chuyện phải chủ yếu tạo ra hiệu quả ấn tượng đối với khán giả. Khán giả trở thành đối tượng của sân khấu. Không cho phép khán giả lơ là, lãnh đạm. Quan điểm, phương pháp và kỹ thuật lôi kéo khán giả tham gia đến từ chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Kịch tạo ấn tượng nỗ lực kết hợp khái niệm đạo lý trong những mảnh đời nhỏ, không biểu trưng cho “siêu văn bản” như chủ nghĩa Hiện Đại.

171. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong một mảnh rời, nói theo quan điểm của Stephen William Hawking, nếu nó nằm trong định luật tự nhiên (natural laws), sẽ trình bày những gì lớn lao, ý nghĩa mở rộng hơn. Nói một cách khác, cốt chuyện mảnh rời không chỉ đơn giản là bản sao, mà là mô hình đại diện cho một cấu trúc lớn đồng dạng đạo lý.

172. Kịch tạo ấn tượng không còn là kịch mở (không có kết thúc rõ ràng), mà nó có mục đích phục vụ như một không gian ảo nhưng gắn bó với thực tại. Kịch tạo ấn tượng không quay lưng với thế giới phức tạp, cũng không cố gắng tạo ra những nguyên tắc bao trùm đời sống, mà kịch ý thức được bản thân của kịch để trở thành một khả năng khám phá, trình bày và đối phó với các cấu trúc hoặc mô hình quyền lực tiềm ẩn trong đời sống và trong nội tâm.

173. Tôi Xem Kịch Mới:  Ai Là Thủ Phạm?

Mùa thu năm 2016 chúng tôi đi New York tham dự vở kịch Ai Là Thủ Phạm do đạo diễn và diễn viên địa phương thực hiện trong tinh thần kịch mới. Kịch nhiều kết luận. Mỗi lần diễn mỗi khác. Nhà hát là căn nhà cũ khá lớn trong khu vực Manhattan. Diễn tiến kịch bắt đầu từ buổi tiệc trong phòng ăn, qua phòng khách uống rượu, qua nhà bếp, qua phòng ngủ, ra ngoài sân tìm manh mối, rồi vào lại phòng khách tranh cãi. Kết thúc tại thư viện, bỏ phiếu đa số xem ai là thủ phạm giết người.

Các nhân vật là những quan khách được chủ nhân mời đến dự tiệc, bao gồm: 1- Nạn nhân là một thương gia trung niên, phong nhã, được các bà ưa thích. 2- Vợ của ông. 3- Tình nhân trẻ lẳng lơ của ông, bất ngờ hiện diện. 4- Người tình của cô gái trẻ. 5- Thám tử. 6- Thẩm phán chính. 7- Hai thẩm phán phụ. 8- Người hầu bàn nam. 9- Người hầu bàn nữ. 10- Một số vợ chồng quí tộc trong vai phụ.

Thành phần xem kịch bao gồm khán giả được tham dự bầu phiếu cho quyết định sau cùng và khán giả tham dự những vai trò trong kịch bản. Giá vé khác nhau tùy vào sự tham dự nhiều hay ít. Vì chúng tôi đi xem với ý định nghiên cứu kịch mới cho hý viện “Prohibition Theatre” ở Houston. (https://www.yelp. com/biz/ prohibition-theatre-houston) nên tôi mua vai thẩm phán phụ. Con gái tôi mua vai nữ hầu bàn. Con rể mua vai nam hầu bàn. Cả hai sẽ là nhân chứng. Đa số khán giả bầu phiếu thủ vai các quí tộc.

Kịch bản đã gửi đến chúng tôi trước 30 ngày. Chúng tôi phải học một số câu đối thoại đơn giản nhưng không bắt buộc phải thuộc lòng. Có thể biến chế theo ngẫu hứng. Có thể không nói. Nếu lúc đó chúng tôi không lên tiếng sẽ có nhân vật (cứu nguy) lên tiếng giùm. Kịch bản vẫn xảy ra trơn tru. Thậm chí, nếu khán giả tham dự bất đồng ý kiến với kịch bản, có thể trình bày ý riêng với các khán giả khác, có thể tranh cãi, và luôn luôn có nhân vật cứu nguy dàn xếp dẫn đưa về quan lộ. Không thể bị lệch lạc quá lâu. Con rễ và con gái tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên không có vấn đề khi đối thoại. Riêng tôi, chất giọng Anh ngữ vẫn còn đặc sản quê nhà, đôi khi tranh cãi hứng khởi, nhiều người không theo kịp, không hiểu ông thẩm phán Á Châu này đang hồ hởi chuyện gì. May thay, lúc nào bà chủ nhà cũng mở lời đúng lúc, khéo léo lập lại ý của tôi. Thật là một diễn viên tài tình và lão luyện.

Chúng tôi đến sớm hơn các khán giả thường để làm quen và trao đổi ý kiến với các diễn viên khác. Vì câu chuyện xảy ra trong thập niên 1920, nên tất cả những người tham dự, từ khách đến chủ đều phải ăn mặc thời trang trong thời kỳ đó. Tổng cộng vào khoảng 70 người. Nhìn chung, quang cảnh thời xưa, rất thú vị.

Đến đúng 6 giờ chiều. Chủ nhà mời quan khách vào phòng ăn. Thức ăn nhẹ và rượu, trà, cà phê. Đây là lúc chuyện trò tự do, giới thiệu, tìm hiểu lẫn nhau như một bữa tiệc ngoài đời. Sau đó, quan khách được mời qua phòng khách. Chủ nhà lần lượt giới thiệu các nhân vật nổi tiếng. Ông thương gia lúc nào cũng duyên dáng. Nói năng bặt thiệp. Kể chuyện vui. Dắt tay vợ đi giới thiệu từng người. Thỉnh thoảng lén sờ môi má tình nhân. Người yêu của cô bực tức ghen tương ra mặt. Bà vợ nhìn thấy cảnh chồng như vậy, che quạt, làm ngơ. Bà là người duy nhất mang cây súng nhỏ trong bóp cầm tay. Ông thương gia khoe chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ, được đức Hồng Y ban thưởng vì ông đã quyên một số tiền lớn cho hội từ thiện công giáo ở Rome. Hai người bồi bàn phục dịch rót rượu liên hồi. Ông thám tử vừa điều tra xong một vụ án lớn trong thành phố. Mang huy chương tưởng thưởng trước ngực.

Mọi người tụm năm tụm bảy chuyện trò. Mỗi người có thể tự tạo ra tiểu sử, dòng dõi của mình. Những đối thoại tưởng tượng nghe rất vui. Mọi người đều biết mình đang tham gia trò chơi hư cấu và sáng tạo. Bỗng dưng có tiếng súng nổ sau vườn.

Ông thương gia bị bắn một phát súng vào tim. Chết ngay tại chỗ. Thám tử yêu cầu mọi người không ai được ra khỏi phòng khách. Ông bắt đầu điều tra. Sau khi tìm thấy những tang chứng, và hai người hầu bàn làm nhân chứng. Ông trình bày vụ án với ba vị thẩm phán đang hiện diện và tất cả quan khách.

Ông thương gia bị bắn từ phía trước trong tầm gần. Nét mặt ông còn đầy vẻ ngạc nhiên. Có nghĩa rằng kẻ sát nhân phải là người ông quen biết. Cây súng lượm được trong vườn là súng của bà vợ, tuy nhiên bà đã để quên trong phòng vệ sinh khi vào rửa tay. Bà chỉ bị nghi ngờ. Sau khi tiếng súng nổ, cô hầu bàn thấy bóng một người nữ mặc áo xanh bỏ chạy. Trong đám quan khách, chỉ có cô tình nhân mặc áo xanh, nhưng không ai có thể làm chứng cô có mặt tại hiện trường hay không. Có người nói, cô vẫn ở trong phòng khách. Anh hầu bàn đang dọn bếp, thấy người yêu của cô tình nhân say xỉn đi vào cửa sau. Tuy nhiên, anh ta cho biết anh đã ra sân tiểu tiện vì không chờ nổi phòng vệ sinh. Chiếc đồng hồ nạm kim cương đã biến mất trên tay của ông thương gia. Ông thám tử cũng đặt nghi vấn về một quan khách, đã nợ ông thương gia một số tiền lớn, đang đáo hạn nhưng không thể trả, có thể phải ra tòa khai khánh tận.

Quan khách bắt đầu tranh cãi với nhiều suy luận và lý do khác nhau về hung thủ. Ba vị thẩm phán bàn bạc về diện luật pháp cũng như những động cơ gây ra tội ác. Sau cùng vị chánh án mời tất cả mọi người vào thư viện và bỏ phiếu đa số để kết tội: Ai là thủ phạm.

Vở kịch kết thúc khác nhau tùy vào đa số quan khách hiện diện đồng ý với nhau ai là kẻ sát nhân. Đám quan khách lại tùy thuộc vào lời lập án của thám tử và những phân tích của thẩm phán. Toàn bộ vở kịch chỉ là cái khung, có một số nhân vật chủ lực, một số đối thoại hướng dẫn, phần còn lại thuộc về ngẫu nhiên và ngẫu hứng. Phải chăng một vở kịch như vậy biểu trưng sát cận cho một mảnh đời thường xảy ra, ý nghĩa như thế nào, tốt xấu ra sao, tùy thuộc vào sự giải thích của định chế và suy nghĩ bàng quan của đám đông?

image

(Ngu Yên và vị thẩm phán chính.)

bài đã đăng của Ngu Yên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)