Trang chính » Chuyên Đề, Kịch, Kịch đương đại Việt Nam & thế giới, Sáng Tác Email bài này

Nam Dao trả lời Da Màu

0 bình luận ♦ 22.11.2019

Chuyên đề Kịch của Da Màu

(1) Kịch tác gia Việt của miền Nam trước 75 và lưu vong và/hoặc các kịch tác gia đối lập (như Vaclav Havel) thường chú trọng vào đề tài lịch sử, và sự tuyệt vọng của cá nhân dưới bánh xe lịch sử (như chị Hằng trong “Từ 4 Phác Bản Thời Gian” của Nam Dao nhận xét là “các nhân vật trong kịch phải nói dối như Cuội vì họ có nhiều phương tiện nhưng không có cứu cánh”). Mặt khác, các kịch tác gia ở các nước tư bản, như Sartre và Yasmina Reza (Pháp), Kobo Abé (Nhật), Harold Pinter (Anh), Tennessee Williams (Mỹ), chú trọng vào những tương giao xã hội có vẻ như văn minh và hoà nhã, nhưng thực ra cũng che đậy đầy áp bức, hung bạo và dối trá.

Tại sao lịch sử và xã hội, qua mọi cách diễn/tả của các kịch tác gia này, vẫn không bảo đảm được cứu cánh cho cá nhân?

Nam Dao:

Câu hỏi này cần cả một tiểu luận mà chưa chắc có thể trả lời cho thỏa đáng được. Tôi chỉ xin đáp hỏi trong khả năng hạn hẹp của mình, và mong được thứ lỗi nếu đôi khi dông dài có vẻ như đi chệch vấn đề nêu ra.

Tôi thuộc thế hệ "tháng 5 năm 68", thời phong trào phản kháng toàn diện (contestation generale) của lớp trẻ sinh viên bùng phát ở Đức, Pháp, Mỹ… và lây lan đến đại học Montreal ở Canada là nơi tôi đi học. Sinh viên chúng tôi đọc H. Marcuse, J.P. Sartre, A. Camus…Các bạn trẻ lấy cảm hứng từ B. Brecht, S. Beckett, E. Ionesco…tạo ra những hoạt cảnh mang trình diễn nơi công cộng như hình thức phản kháng những định chế chẳng chỉ trong đại học mà còn trên bình diện toàn xã hội. Kịch đến với tôi như tiếng thất thanh kêu gọi những thay đổi hiện tại bế tắc mong mang lại chút khí trời cho một tương lai thông thoáng hơn. Dĩ nhiên, tuổi trẻ chúng tôi tra hỏi có thể có một định chế xã hội nào nhân bản hơn hình thái xã hội tư bản độc quyền? Và có khả năng hay không tạo ra một xã hội chủ nghĩa mang khuôn mặt con người kiểu R.Garaudy? Yếu tính lịch sử và xã hội trong Kịch thật khó mà tránh được trong bối cảnh đó.

Da Màu đề cập đến vở “Từ 4 Phác Bản Thời Gian đến mối mơ của Cuội” in trong Ba Vở Kịch năm 2001, và tái bản trong 7 vở Kịch năm 2015 (có thể tìm qua Amazon). Gặp cố GS Hoàng Ngọc Hiến, một nhà nghiên cứu văn học, tôi thích thú khi ông bảo ông khoái vở kịch này chứ không phải Treo đầu dây Quan Họ hay Kịch Câm như tôi tưởng. Hỏi tại sao, ông đáp vì tôi đặt một vấn đề văn hóa. Ngôn ngữ là những phương tiện tuyệt vời liên kết con người với nhau. Nhưng dối trá thì tác động ngược, không ai tin ai, xã hội sẽ phân rã đến có thể triệt tiêu. Giấc mơ của Cuội là thôi nói dối để trở về trái đất sống làm người chứ không còn đơn độc trên cung trăng. Oái oăm thay, con người trên trái đất mơ lên cung trăng, và muốn thế thì phải dối như Cuội. Mất đi, hoặc thiếu ý thức về, cứu cánh làm người thì lịch sử rồi sẽ cáo chung và xã hội từng bước biến về chốn vô tăm tích.

Dối trá thì thế, nhưng còn áp bức và hung bạo thì sao? Tương quan quyền lực dẫn tới áp bức và hung bạo thường do mất cân đối giữa những đối tác, chẳng hạn kẻ mạnh người yếu, kẻ giàu người nghèo…Hiện nay, thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết 10% những người giàu nhất thế giới chiếm 40% lợi tức và tài sản toàn cầu trong khi 50% những kẻ nghèo nhất chỉ có kkoảng 20-25%. Chênh lệch giàu nghèo nếu tiếp tục như vậy thì bạo loạn sẽ không tránh được. Và đây không phải là chuyện cứu cánh cho cá nhân mà là một vấn nạn công chính cho toàn thể nhân quần xã hội.

Ngược lại một nền kinh tế thị trường lành mạnh, các định chế tài chánh quốc tế nay tập trung thành những quyền lực kinh tế khống chế có tính toàn cầu, lũng đoạn toàn diện môi trường và tài nguyên: ô nhiễm, biến đổi khí hậu…là những hậu quả tác động lên sinh mệnh của cả trái đất quá tải mọi mặt. Vấn đề này đặt ra là cho toàn thể nhân loại, và riêng với Kịch tác gia, công việc không phải là phát biểu những diễn ngôn kinh tế-chính trị mà là qua nghệ thuật mang đến người đọc những xúc cảm và nhận định về thân phận con người trong thế giới ngày một ngổn ngang chao đảo.

Tại sao lịch sử và xã hội, qua mọi cách diễn/tả của các kịch tác gia này, vẫn không bảo đảm được cứu cánh cho cá nhân? Câu trả lời thật khó. Kẻ bi quan chỉ ra sự phi lý là tất yếu, người tin có tương lai thì cho rằng phải tái vũ trang đạo lý trước hiểm họa mọi cá nhân phải đối mặt…Nhưng đã quá muộn chưa? Tôi hy vọng rằng chưa! Tôi tin nghệ thuật vun xới phương tiện cho mỗi cá nhân thành hình cái cứu cánh của riêng mình trong một xã hội văn minh hài hòa của tất cả.

(2) Đề tài số mệnh trong kịch Việt, có phải cũng đồng nghĩa với ám ảnh lịch sử và tâm trạng bị các cường quốc đô hộ qua nhiều thế kỷ?

Nam Dao :

Miền châu thổ sông Hồng trải qua gần một ngàn năm Tàu đô hộ. Khi đó dân cư Việt chưa thể đến một triệu, chế độ thái thú cai trị chủ yếu nhằm trưng thu tài vật có giá trị như ngọc ngà, sừng voi và tê giác…Về mặt văn hóa, ảnh hưởng của ngưởi Hán có thể kể công việc của Sĩ Nhiếp, kẻ "khai hóa" một tầng lớp kẻ sĩ ở kinh đô để dùng như sai nha, vì thế tính phổ cập của văn hóa Tàu khá giới hạn trong đại chúng. Sau thời nhà Tống bên Tàu bị truất, người chạy qua Giao Chỉ lập nhà Lý, và đến thời cuối đời nhà Nguyên bên Tàu thì Trần Thủ Độ tiếm ngôi nhà Lý lập ra nhà Trần. Trong hai đời Lý và Trần, có thể nói Việt Nam chấp hành chế độ châu-quận nên không bị Tàu phương Bắc đe dọa. Đến thời nhà Minh xua quân tiến đánh và chiếm đóng Thăng Long hơn 20 năm, ý đồ xâm lăng thâm hiểm hơn. Đốt sách, giết học trò, bắt mang về Tàu thợ khéo, thày thuốc giỏi…là những bằng chứng. Cuộc khởi nghĩa Lê Lợi-Nguyễn Trãi thành công, đã khai sinh một nước Đại Việt đúng nghĩa một quốc gia độc lập, "núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác". Sau đó, Mạc tiếm ngôi. Chúa Trịnh phò Lê, đuổi Mạc lên Cao Bằng, khai sinh thời vua Lê-chúa Trịnh, đẩy Nguyễn Hoàng về phương Nam và tạo ra cuộc chiến tương tàn Trịnh-Nguyễn kéo dài hơn 2 trăm năm cho tới thời Quang Trung Nguyễn Huệ, kẻ đã chiến thắng cuộc xâm lăng của nhà Thanh rất ngắn ngủi cuối thế kỷ 18. Kể dài dòng, để thấy chiến tranh ở nước ta kéo dài hơn 3 trăm năm là nội chiến. Thêm vào đó là cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn với sách lược tằm ăn dâu. Đến thời nhà Nguyễn, từ đời Minh Mạng giặc giã liên miên gần như năm nào cũng có cho đến lúc Pháp vào Việt Nam.

Khi thực dân Pháp vào chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, sức đề kháng của chúng ta hầu như không nhiều. Ở miền Bắc, 7 người lính Pháp đủ lấy được thành Nam Định. Và dưới thời Pháp, ngoài vài cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, đất nước tương đối yên bình trong 80 năm bị đô hộ. Đến thời Mỹ từ 1955 đến 1975, chiến tranh chống Mỹ ở hai miền Nam-Bắc thật ác liệt, nhất là khoảng 1965 cho đến 1971. Nhưng sau khi Mỹ đổi màu da trên xác chết bằng sách lược "vietnamesation" thì người Việt chém giết nhau là chính. Ám ảnh bị ngoại bang đô hộ chắc có, qua nhiều thế kỷ thì thực ra chỉ chừng trăm năm, và trong đó có 7, 8 năm đẫm máu. Như vậy, tôi không nghĩ rằng đề tài số mệnh (định mệnh) trong Kịch ở nước ta đến từ ám ảnh lịch sử và tâm trạng bị các cường quốc đô hộ qua nhiều thế kỷ.

Đi ra ngoài câu hỏi một chút, chiến tranh như định mệnh đến từ đâu trong xã hội Việt Nam?

Chiến tranh trong lịch sử như nói trên phần lớn là nội chiến, ta tự đánh ta là chính. Đó là hình thức tối hậu khi mọi thỏa thuận và thỏa hiệp về cả tình lẫn lý đều bế tắc. Bế tắc đó dễ có khi những đối tác không tương nhượng mà khư khư bám lấy quan điểm và so đo quyền lợi của mình như bất khả xâm phạm. Cứ có 3 người Việt là có 3, 4 ý trên một vấn đề, và từ đấy có 3 ông tướng làm lãnh tụ không quân vì chẳng có ai nhận làm quân cho ai cả. Yếu tố đồng thuận, cơ sở tạo một xã hội hài hòa, rất hiếm thấy trong cách ăn ở cư xử của người Việt chúng ta mà chia rẽ đố kỵ là dị tật bẩm sinh.

Chiến tranh và bạo loạn như định mệnh đến từ chính chúng ta mà thôi. Có lẽ vẫn cần đọc lại 10 lời răn của chí sĩ Phan Chu Trinh vào đầu thế kỷ 20 về những nhược điểm của con dân Việt mà tôi xin miễn nhắc lại.

(3) Một kịch tác gia Việt đã có lúc nào viết một vở kịch vượt ra ngoài những điều kiện văn hoá, lịch sử, không gian và thời gian, để hướng nhiều đến khía cạnh thơ, triết lý hay siêu hình, như “Waiting for Godot” của Becket, hay “Intermission” của Giraudoux? Hay chính đặc tính của kịch là phản ảnh bối cảnh văn hoá, lịch sử, không gian và thời gian của kịch tác gia?

Nam Dao :

Vũ Khắc Khoan vói Thành Cát Tư Hãn, hay Nhật Tiến với Người Kéo Màn là những Kịch tác gia hướng đến những khía cạnh vượt ra ngoài lịch sử trong không gian-thời gian và đề cập đến những vấn đề siêu hình. Lưu Quang Vũ xoáy không khoan nhượng vào khía cạnh không tự nhiên của xã hội miền Bắc xã hội chủ nghĩa với Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt. Nhưng dù gì thì như tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cũng dễ thấy bối cảnh văn hóa nói chung và chất thơ nói riêng qua phong cách biểu hiện trong những tác phẩm vừa kể. Đặc biệt về chất thơ, chúng ta có hẳn Kịch Thơ, một ngành kịch đặc thù có lẽ lấy cảm hứng từ kịch Pháp với những Molière, Corneille… Có thể kể Kiều Loan của Hoàng Cầm như thí dụ chẳng hạn. Phản ánh xã hội, văn hóa, lịch sử, chính trị, thân phận con người qua ngôn ngữ của thơ, của tiểu thuyết, của kịch…là công việc của những nhà văn đích thực.

4) Tại sao số lượng kịch Việt Nam khá ít, so với những lãnh vực văn học nghệ thuật khác, như văn xuôi, thơ, hay tuỳ bút, tiểu luận? Một vở kịch hay cần những yếu tố gì?

Nam Dao :

Chèo, Hát Bội, Cải Lương … cũng mang tính kịch, nhưng chúng ta không bàn tới ở đây. Chúng ta chỉ đề cập Kịch Nói, thể loại cần kịch bản. Câu hỏi tại sao Kịch bản văn học quá ít so với những thể loại văn học khác rất khó có một đáp án chính xác. Tôi đánh liều góp ít lời mông muội về chút kinh nghiệm của mình, và xin bạn đọc lượng thứ những bất toàn ắt có.

Trước tiên, có phải kịch bản ít vì hiếm người đọc? Đúng, lượng cầu ít thì luợng cung không thể nhiều! Nhưng tại sao lượng cầu lại ít ? Phải chăng phẩm chất của phần cung có những yếu kém không đạt tiêu chuẩn? Lại đúng, nhưng tiêu chuẩn nào, rút tỉa chúng từ đâu, và nhắm đối tượng người đọc nào? Tiêu chuẩn là tiêu chuẩn quốc tế, rút tỉa từ cái đọc của Kịch tác gia. Kịch thể loại trữ tình, có Romeo và Juliet, có Tristan và Iseult. Kịch loại hiệp sĩ, Le Cid. Kịch châm biếm xã hội, có Bourgeois Gentilhomme của Molière vĩ đại. Kịch đẫm chất đả phá, xin tham khảo Brecht, Maiakovsky, Camus, vân vân và vân vân…Nhưng chớ quên người sẽ đọc kịch bản là người Việt thế kỷ 21, mang thân phận người trong một bối cảnh văn hóa và lịch sử đặc thù, và người đọc đó đòi Kịch tác gia viết thế nào khiến tâm hồn họ rung động khi tiếp cận tác phẩm. Đọc đến đây, bạn sẽ mỉm cười, bảo những điều vừa thưa thốt đúng cho mọi thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện, tản văn…chứ nào riêng cho Kịch. Vâng, dạ thưa bạn lại đúng.

Nay xin trình bày cách thức tôi viết Kịch bản văn học. Tôi tiêm nhiễm quan niệm của J.P. Sartre trong đề luận Un Théâtre de Situations, tạm dịch là Kịch thể Tình Huống. Thể loại này đặt những con người trước những tình huống oái oăm buộc phải xung động và cư xử với nhau hầu tiến tới một tình huống kết cục khác. Như vậy, người viết biết cái tình huống kết cục là gì (kể cả khả năng không thể gì khác được hư vô), chọn nhân vật kịch và những tình huống, và để nhân vật xung động, giao hưởng, khóc cười, ân oán với nhau. Nhân vật cần có những cá tính riêng, biểu đạt trong hành xử, với ngôn ngữ cá biệt. Thoại trong Kịch tất nhiên quan trọng hàng đầu, và khâu này xưa nay không là thế mạnh trong văn xuôi nước ta ở nhiều thể loại. Để gióng tiếng cho cộng đồng (xã hội), tôi dùng Lời đồng thanh hoặc Tiếng vọng theo truyền thống Kịch cổ-Hy Lạp. Còn không gian Kịch, tác gia gọi là Cảnh, cũng tạo ra không khí cần thiết để gửi thông điệp đến người đọc.

Trong 7 vở Kịch tôi thu vén toàn bộ trước tác của mình. Với vở đầu tay, Treo đầu dây quan họ, tôi có thêm Lời hạ màn ghi ngay trang đầu. Số là khoảng 1 năm trước khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xa chúng ta, tôi "bắt" anh nghe tôi đọc. Tôi viết : "…Buổi chiều hôm ấy, tôi đã hành xử như một tên tuyệt vọng tìm một tên tuyệt vọng khác, xả láng mà quên đi cái nhăn nhó đau thương trên gương mặt bạn mình…Nét mặt bạn ám ảnh. Tôi đã đọc cho bạn nghe đến màn cuối cùng. (Bạn thốt) Kết thúc thế à? Không, không thể hạ màn vĩnh viễn như thế được!"… Tôi viết lại Lời Kết của Kịch bản, gửi tặng bạn để xin xóa nợ, nợ đã làm bạn nhăn nhó đau thương một thoáng".

Vở tôi đắc ý là Kịch Câm, nhân vật chính gồm 2 thương binh kẻ mù lòa người què cụt, một là lính VNCH, người kia là bộ đội miền Bắc. Họ đều vô gia cư, đêm ngủ hoang trong nghĩa địa, ngày cùng nhau đi hát rong đóng kịch kiếm sống, hát thì nào Chèo, Vọng Cổ…Ban hát còn có một cụ già, một bà lo thu tiền khách qua đường cho "boa" và một con chó. Họ thực sự "hòa hợp hòa giải", lay lắt cùng nhau chung sống hòa bình, không kỳ thị Bắc-Nam, không phân chia thắng-thua, được-mất. Cụ già đóng vai Vua, chỉ ngồi thật im trên ngai, một hôm thình lình qua đời. Không xoay xở kịp, ban hát đành đặt chó lên ngai vua, và thế là bị kết tội phản động, mạ lị chính quyền, bôi nhọ lãnh đạo, âm mưu làm loạn…Và…

Sân Đền là sản phẩm cuối của Kịch thể Tình Huống cần tương tác giữa nhiều nhân vật cho nên khả năng dựng kịch để diễn rất thấp nhất là ở hải ngoại. Kịch này dựng thời những khúc ruột ngàn dặm được ưu ái gọi về có lẽ vì tác động tích cực của kiều hối khi "nhà nước" không còn chỗ xin-vay nước ngoài. Sân Đền là nơi Việt kiều về nước lên đồng, van ông Hoàng Mười về cứu lấy giòng Lạc hồng, tìm mãi mà chẳng thấy lối đi.

Với hy vọng Kịch mình viết có chút cơ may lên sân khấu, tôi kéo số nhân vật xuống. Trong Ba Miền, số nhân vật chỉ có 3 người đàn bà ngồi đợi xe đò trong đêm vắng. Họ người Bắc, Trung và Nam, sống trong những hoàn cảnh éo le, ‘’thống nhất’’ vì tất cả đều khốn cùng hoạn nạn. Sau rốt, tôi viết Tình Phụ, chỉ còn một nhân vật. Tôi gặp một diễn viên khá tên tuổi đi từ Sài Gòn ghé qua Boston, và khi trao đổi về kịch, cô ta nói như đinh đóng cột, "anh dám viết thì tôi dám diễn, sợ chi!" Không may đinh đóng vào một cái cột rỗng ruột.

Nhưng thôi, tôi kẻ lể dài dòng quá mất rồi!

5) Một vở kịch được coi là “hay/hoàn hảo,”  thì có phải được trình diễn, hay vẫn hay/hoàn hảo nếu nó chỉ được đọc–như văn xuôi hoặc thơ–mà không cần dàn dựng, trình diễn? Nói cách khác, trình diễn có phải là một đòi hỏi căn bản của kịch?

Nam Dao :

Kịch tác gia nào mà chẳng ước ao thấy đứa con tinh thần của mình mũ áo xênh xang lên sân khấu khóc cười với người với đời? Tác phẩm Kịch dưới hình thức thuần ngôn ngữ vẫn chỉ cà nhắc khập khiễng bước một chân, cái chân kia không may mà dị tật thì đành kêu than ôi số kiếp cả! Là văn bản, nó có thể hay và đi vào lòng người đọc như một áng văn xuôi. Nó thực sự thành Kịch chỉ khi nó được trình diễn trên sân khấu.

Năm cuối của tờ Văn Học thời Nguyễn Mộng Giác, anh ấy khuyến khích tôi viết cổ động nhắm gầy phong trào Kịch. Viết ra đấy nhưng hệt như găm dăm chữ lên giấy rồi nhét vào chai không đậy chặt nút và thả vào biển khơi biệt vô tăm tích. Vì thế, dịp Da Màu ưu ái rủ rê phỏng vấn này là một khích lệ, tôi trân trọng cám ơn. Mong rằng lần này chiếc chai dạt vào một bờ biển, ở Huntington, Nha Trang, Hà Tĩnh…, hay bất cứ đất liền chỗ nào cũng được.

bài đã đăng của Nam Dao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)