Trang chính » Chuyên Đề, Kịch, Kịch đương đại Việt Nam & thế giới, Sáng Tác Email bài này

Treo đầu dây quan họ- Màn II: Lời Thề- Cảnh 2

0 bình luận ♦ 20.11.2019
In-things-and-man-made_thumb.jpg
In things and man madeảnh Phạm Đính

Cảnh 2

Hộ ông bà, ông ngồi bàn đối diện mợ.

MỢ: Ðấy, cháu nói hết rồi… Có sang được thì cũng như sang sông, sang sông cũng phải có gì cho hà bá. Nào là cơ quan, là phường, là quận. Chạy lên chạy xuống cũng mất một cây. Vợ chồng nó hai cây, ông nhận giúp thì năm chỉ. Cháu chỉ lấy được mười bảy mét vuông, giá thế là giá thị trường, là giá đổi mới, thoáng và đúng qui luật. Sang được, chỉ có cháu với ông bà, đỡ đông đỡ ầm đỡ ngột… Thế là hai bên cùng có lợi, vậy thì ông còn ngần ngừ gì nữa…

ÔNG (ngần ngừ): Nhưng mà dạo này có nghe thấy tiếng họ… ấy nữa đâu.

MỢ (nói một mình): Có chứ. Cái giường vẫn cọt kẹt…

ÔNG (cười tủm): Cọt kẹt khác kẽo kẹt. Nhà nào giường chẳng cọt kẹt. Ðến cụ tôi tám mươi nằm dở mình trong kia cũng cọt kẹt…

MỢ: Nhưng mà… vẫn khó chịu. Cứ tưởng tượng ra là khó chịu rồi. Thôi, phần ông năm chỉ. Ông làm giấy, chạy lên cơ quan anh ta hộ… Cháu xin kèm vào biếu thêm nửa năm sữa Vạn Thọ cho cụ… nhé.

(Mợ nhìn ông, cười cười)

ÔNG (im lặng): Mợ để tôi xem.

MỢ: Còn xem gì? Thế là phải quá đi rồi…

ÔNG: Giả dụ như vợ chồng anh ta không chịu thì sao?

MỢ: Thì sẽ có biện pháp. Ta có cách của ta mà! Cái đầu tiên, là cả ông bà lẫn cháu khiếu nại với phường vì ồn, vì ăn ở thiếu vệ sinh, cứ nghĩ ra gì thì khiếu nại cái ấy! Tạo áp lực là vừa…

ÔNG: Khoan, để tôi ướm thử xem sao đã.

Ðèn sân khấu tắt. Hai ngày sau, vẫn cảnh cũ. Mợ bước vào. Ông bỏ tờ báo xuống.

MỢ: Sao? Ông ướm thì thế nào?

ÔNG (ngập ngừng): Không phải dễ!

MỢ (gắt): Sao lại không dễ?

ÔNG: Họ chân ướt chân ráo tới đây, họ còn sợ… họ chẳng biết xoay xở thế nào!

MỢ: Úi dào. Hay họ đòi hơn?

ÔNG: Cái đó thì tôi không biết!

MỢ: Thế ông đã làm giấy khiếu nại lên phường chưa?

ÔNG: Chưa! Tôi chẳng biết có nên không?

MỢ: Hay là ông cũng muốn thêm, năm chỉ chưa đủ?

ÔNG (lắc đầu): Không phải thế…

MỢ (cười nhạt): Ông không khiếu nại thì cháu sẽ khiếu nại chính ông!

ÔNG (ngạc nhiên): Khiếu nại gì tôi?

MỢ: Rồi ông sẽ biết.

Ðèn sân khấu tắt.

Chuyển cảnh

Buổi tối đêm không trăng, hộ giữa. Anh chồng và chị vợ ngồi. Mợ bước vào. Cả hai đứng dậy. Chị vợ ngồi mép giường.

ANH CHỒNG (rót nước): Mời chị sơi nước.

MỢ (tươi cười, đon đả): Sao, cháu bé lớn vồng lên rồi, nhưng vẫn cứ hay nhè nhỉ! Tôi qua nói chút chuyện với vợ chồng cô chú… Ðấy, ông bên cạnh đã nói qua với chú rồi. Chuyện tiền bạc, như thế là phải chăng lắm. Chỉ còn có cái việc là lên cơ quan chú chạy cho một chỗ ở khu tập thể xưởng, như thế chú đi làm lại càng gần… Chuyện đó, cũng cứ để tôi lo cho. Gì chứ liên lạc ngoại giao (cười giả lả), tôi quen việc rồi…

Mợ ngừng nói, nhìn anh chồng, mắt thăm dò

ANH CHỒNG (ngần ngừ): Chúng em đã khắc phục được vấn đề… vấn đề… tiếng động. Có gì làm phiền chị nữa?

MỢ (ngắt lời): Còn cháu, nó cứ khóc nhè, nửa đêm nó khóc, tôi thức dậy lại ngồi cho đến sáng…(thở dài, vờ vịt) Ðấy, khổ cho tôi, cái tật hễ thức là chịu không ngủ lại được.

CHỊ VỢ (nhút nhát): Cháu được tám tháng rồi. Cháu càng lớn thì càng ít dậy ban đêm, chỉ một hai tháng nữa chắc ngủ qua đêm thôi…

MỢ (đáo để): Một hai ngày cũng khổ, nói gì một hai tháng! (tiếp tục, lại cười) Mới lại, cô chú đào đâu ra hai lạng vàng ở cái đất Hà Nội này. Công nhân như chú, để đến bao giờ mới dành dụm được ngần ấy. Cháu lớn lên, cô cũng phải làm cái gì ra tiền chứ. Hai lạng ấy, ít thì cũng là cái vốn ban đầu. Này, đan len hay nuôi thỏ đang «ra» lắm. Cả cái «qui-gai-xốp» nữa, có bà chỉ làm một buổi mà tháng kiếm cả trăm, gấp hai lần lương công nhân có nghiệp vụ đấy! Nếu cô chú không bằng lòng khu tập thể tôi sẽ lo cho cái hộ hai mươi nhăm mét vuông, rộng rãi hơn đây, ở Láng… Cũng gần thôi, và lại chẳng xa Cầu Giấy chỗ chú công tác là mấy! Nghe chị, có cái vốn làm ăn là quan trọng, (nhìn chị vợ) đồng ra đồng vào mới mở mặt ra với người ta.

ANH CHỒNG (bẻ ngón tay, hoang mang): Chị cho chúng em suy nghĩ bàn bạc với nhau. Vả lại, hộ này là cơ quan phân, cơ quan quản…

MỢ (cười): Ðã bảo đừng lo việc đó mà… Muốn xem cái nhà dưới Láng, mấy ngày nữa chị em cùng đi, xem rồi chắc là dễ quyết định hơn… Nhé! Nhớ nhé!


Mợ đứng dậy, ra. Ðèn sân khấu tắt.

Chuyển cảnh

Hộ ông bà. Mợ bước vào, ông bỏ tờ báo xuống.

MỢ (giọng lạnh lùng): Cháu đã nói thẳng với vợ chồng chúng nó. Cháu lại đề nghị là không muốn ở khu tập thể thì cháu cho một căn hộ khác ở dưới Láng. Thế, chắc làm gì chẳng xiêu, có thêm hai lạng bỏ túi, sướng quá đi chứ lị! Nhưng còn ông, vẫn chẳng thấy ông làm đơn khiếu nại phường…

ÔNG (bỏ kính ra): Tôi nói quá, mợ bỏ cho. Nhưng tôi vẫn chưa biết tại sao mợ nhất định lấy căn hộ giữa, nên chần chừ. Nói là có tiếng… ấy, thì không phải. Ồn ào, thì chỗ nào Hà Nội chẳng ồn, chẳng đông. Ngày xưa, Hà Nội có ba trăm nghìn người, nay lên đến ba triệu, đi đâu cũng chỉ thấy người…

MỢ (đanh đá, cười nhạt): Cháu thừa vàng, muốn đổi lấy đất. Có thế thôi!

ÔNG (chậm rãi): Không phải chỉ có thế. Cách đây lâu rồi, hình như vào lúc trước Tết, có bà Thi làm chỗ Intershop ở Giảng Võ với mợ. Bà ấy ghé đây tìm nhưng lúc đó mợ về quê. Bà ấy hỏi tôi là tôi có muốn để lại căn hộ của chúng tôi cho bà ấy không. Chuyện một lúc, tôi vỡ lẽ là bà ấy muốn mở một quán cà phê. Ðây là địa điểm trung tâm, quanh lại thiếu hàng thiếu quán. Dẫu phải vào cái ngõ, bà ấy bảo chẳng hề gì, cứ cà phê ngon là đông khách ngay. Bà ấy cũng đề nghị chuyển cho hai vợ chồng tôi xuống Láng…

MỢ (cong cớn): Chuyện đánh «quả» là chuyện chúng tôi.

ÔNG (giọng kể lể): Nhưng thế, thì rồi hai vợ chồng chúng tôi sống làm sao? Quán cà phê ngay cạnh, chỉ tháng sau là mợ không bảo, chúng tôi cũng phải bán xới tìm chỗ khác. Nói mợ biết, cái nhà này là nhà bố mẹ tôi cho tôi, chết thì thôi chứ sống, chúng tôi không đi chỗ khác đâu…

MỢ (mặt đanh lại, mắt nghếch lên khiêu khích, nhưng giọng nói lại trầm xuống, đe dọa): Cháu có tin vui cho ông bà đây. Hai tuần trước, công an phường có báo cho cháu biết là cậu quí tử cháu đích tôn của ông bà bị bắt khi xuống thuyền ở Bãi Cháy định vượt biên…

ÔNG (há miệng, trợn mắt, rồi nghẹn cổ):… Hả, hả. Mợ nói cái gì…

MỢ (cười nhạt): Ấy là công an thông báo với cháu. Phường định gọi ông bà lên, hỏi ý cháu là tổ dân phổ. Cháu cản họ, nói rằng cứ để cháu tìm hiểu đã…

Một con quạ bay vào đậu trên cây sồi, kêu váng lên trong tiếng gió xào xạc. Tiếng nước đổ vào bể nước nghe uồm uồm như trời sắp giông. Tiếng chân người đi ra ngõ, rồi im lặng lại trùm lên bao phủ căn nhà.

MỢ (một lúc sau, nói tiếp, giọng mai mỉa, tỉnh khô): Cháu bảo điều căn bản là xem về phần đạo đức ông bà thế nào. Bà thì gì cũng cứ chín bỏ làm mười, vô tư thôi, vẫn giữ bản sắc dân tộc… Phần ông, ông đứng lên theo cháu.

Mợ đi vào góc buồng, tường tiếp giáp với nhà vệ sinh, cũng là nhà tắm. Ông bước vào. Mợ chỉ vào.

MỢ: Phần ông, ông chọc cái lỗ này để xem cháu tắm, đấy tang chứng đấy… Ông đứng lên cái ghế đẩu này, (tay chỉ) cứ nghe tiếng dội nước là ra xem thoát y miễn phí. (Mợ lại cười).

ÔNG (cúi đầu, lí nhí): Sao mợ biết mà cứ để thế…

MỢ (lại cười): Ông ngốc lắm. Xem thì có mất gì. Với lại, đàn bà nào lại chẳng thích được thèm muốn… (nói nhỏ lại như nói cho mình nghe) Ai thèm muốn cũng được, để còn cảm thấy mình là đàn bà. (Bỗng cứng giọng) Ðấy, thế nhưng từ ngày có con bé bên cạnh, là ông cũng phụ gái già này ngay… Buổi trưa, về dội nước, không thấy mùi thuốc lào và tiếng ông thở nữa. Ðúng là có mới nới cũ, nó lại trẻ, vú vế căng ra như sừng trâu, mà lại vẫn miễn phí…

Mợ quay ra, đứng cửa.

MỢ (cong cớn): Ðấy, đạo đức của ông là như vậy. Ðể cháu ra đầu ngõ nói với bà.

Ông ôm mặt, gục xuống bàn. Tiếng ho khan, rồi tiếng rên của cụ.


Chuyển cảnh

Gốc cây sồi. Trời màu trắng sữa, trăng lưỡi liềm. Ðèn hắt qua cửa cả ba hộ.

Chị vợ và bà ngồi ở gốc cây đang rửa bát.

CHỊ VỢ (giọng lí nhí): Chắc chúng cháu phải đi thôi. Mợ ấy cho xem cái đơn khiếu nại của ông. Chẳng ai muốn chúng cháu ở đây (nghẹn ngào, rấm rứt khóc).

BÀ: Ông ấy đặng chẳng đừng. Anh chị đi trước, chúng tôi rồi cũng phải đi sau thôi…

CHỊ VỢ: Cháu muốn về dưới quê. Cháu sợ Hà Nội lắm rồi…

BÀ: Tôi cũng muốn về dưới quê.Tôi sợ con người lắm rồi…

Gió xào xạc. Lá sồi lại rụng.

BÀ: Dưới quê nay thế nào nhỉ?

CHỊ VỢ: Như làng cháu, có đông lên nhưng cày cấy cũng còn ít đất. Chỉ khổ là làm mười ăn bốn, sáu phần còn lại là nộp thuế. Thuế tỉnh. Thuế huyện. Rồi đóng góp vào quỹ. Quỹ cải thiện cái này cái nọ. Nào là giáo dục, y tế…

BÀ: Không, tôi hỏi cái khác. Có còn kết bạn quan họ với nhau không?

CHỊ VỢ (ngơ ngác): Cháu chẳng nghe thấy nói bao giờ cái hội ấy.

BÀ: Thế cái Xuyến bu cháu không hát bao giờ nữa à?

CHỊ VỢ (lắc đầu): Không. Thuở cháu còn bé, thỉnh thoảng bu có hát…

(cười, dịu dàng): Hát thế nào…

CHỊ VỢ: Cháu nhớ không rõ. Hình như có cái câu «Xa xôi xích lại cho gần. Làm thân con nhện mấy lần chăng tơ».

(xa vắng):… Ngày xưa, bu chị, bác Tình với chỗ làng tôi kết bạn quan họ đấy. Bu chị tiếng trong veo, cất tiếng hát như nước sông Phượng Nhỡn, trôi đi như lụa. Còn bác Tình, bác hát thì con sâu cái kiến cũng động lòng… Mà này, chị có hay lên bác không?

CHỊ VỢ: Dạ có. Ngoài giỗ tết ra, cháu cứ tháng tháng lên thăm bác. Bác cháu không vợ không con, ở có một mình mà.

(giọng run run, nhỏ đi như thầm thì, nghẹn ngào): Bác làm gì để sống?

CHỊ VỢ: Bác cháu khi còn khỏe cũng ra đồng. Sau này, bác cháu ở nhà làm giấy vàng, giấy bạc, bỏ bán trên chùa Cổ Pháp…

(ngập ngừng): Có bao giờ bác hát không?

CHỊ VỢ: Không. Bu cháu bảo bác đã thề từ lúc còn trẻ là bác không hát nữa.

Bà quay đi, nước mắt chảy ra, tay quệt, im lặng.


Ðộc thoại:

– « Ối anh Tình ơi, em dẫu có ôm cầm thuyền khác thì cũng là do anh. Anh cứ sợ em khổ, chứ xưa anh nói một câu là em bỏ tất, bỏ làng bỏ xóm, bỏ mẹ bỏ cha, hai đứa mình đi đâu thì đi, sống chết có nhau. Anh lại làm khổ anh, thề bồi làm gì, để cả cái xã Ðình Bảng mất đi một tay quan họ… Hỡi anh Tình của em ơi!

Tiếng hát vẳng lên:

«Mây mưa biếng để lá vàng
Yêu ai nên xót, xót nàng một thân
Xa xôi xích lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần chăng tơ
Ví dù người có lòng chờ
Những công lênh ấy bao giờ dám quên
Yêu nhau giữ lấy lời nguyền
Xin đừng xẻ ván bắc thuyền cho ai

Yêu nhau đóng cửa không cài »


Quạ ở đâu bay ngang, tiếng kêu như dọa nạt. Có tiếng khóc đứa bé. Tiếng anh chồng ru à ơi.

CHỊ VỢ (đứng dậy): Thôi cháu vào…

(nắm tay kéo xuống): Ðể tôi hỏi thêm một tí… (bà ngập ngừng) Thế hôm bác mất, có ai ở bên cạnh không?

CHỊ VỢ (hơi ngạc nhiên): Có chứ ạ. Bác cháu ốm cả mấy tháng. Bu cháu với cháu thay phiên nhau lên nấu nướng cho bác. Hôm bác mất, cả bu cháu lẫn cháu đều ở đấy! Bác đưa cho cháu một cái lược, dặn «Có chôn, chôn cả cái này». Bu cháu khóc ầm lên. Bác lại thều thào bảo bu cháu «… Cô nhận ra được à, của cái Xoan đấy. Ðừng khóc! Tôi sống chẳng để được cái gì cho Xoan cả!» Từ đấy, bác cháu lịm đi, đến sáng thì để tay vào mũi không thấy thở nữa…

Bà gục đầu, vai rung rung, lại quay mặt đi.

CHỊ VỢ (ngạc nhiên):… thôi cháu phải vào!

Chị vợ đứng dậy đi, ngoái lại

CHỊ VỢ: Bà ơi, bà có biết bà Xoan nào không?

Bà lắc đầu, cúi gằm mặt xuống. Im lặng. Tiếng đàn đại hộ cầm vẳng lên thê lương. Trong đêm trăng, bà ngồi ở gốc cây sồi, bóng đổ xuống sóng xoài trên mặt sân. Một lát sau, bà lẩm nhẩm…

BÀ: Tội nghiệp cho chúng mình, anh Tình ơi!

Ngước nhìn trăng lưỡi liềm lơ lửng, mặt bà chan hòa nước mắt. Bà khấn.

BÀ: Anh ơi, sống khôn thác thiêng, có ông trăng trên đầu chứng giám tình em gửi anh, trên đời này cũng như ở những đời khác… Ngày nào em qua thế giới bên kia, em sẽ tìm anh cho bằng được. Sống đã lìa nhau, chỉ chết mới đoàn tụ, nhưng xin anh đừng phụ tình em như ở trên cái dương gian này, anh Tình nhé!…

Ðèn tắt dần. Văng vẳng tiếng hát quan họ.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Nam Dao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)