Trang chính » Chuyên Đề, Kịch, Kịch đương đại Việt Nam & thế giới, Sáng Tác Email bài này

Treo đầu dây Quan Họ- Màn 1: Tình Chung

0 bình luận ♦ 18.11.2019

LTG: Từ thời cổ-Hy Lạp, Kịch nghệ là một trong những cú kích động đổi thay trong xã hội. Âu Châu tiếp nối truyền thống này cho đến thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Kịch xuống đường, diễn ở ngã ba ngã tư trong những kinh kỳ, thị phố, thổi những ngọn lửa đẩy xã hội tiến tới. Kịch bản văn học thành một thể loại hành ngôn rất hiện đại, với những tên tuổi như Bertolt Brecht, Eugene Ionesco, Samuel Beckett, Tenessee Williams, J.P. Sartre…. Ở Việt Nam, bộ môn Kịch hiện đại có nhiều giới hạn. Tuy những tác gia kịch bản là số cực ít, họ đạt được những thành tựu nhất định, chẳng hạn như với Vũ Khắc Khoan, Vi Huyền Đắc, Lưu Quang Vũ…Nhưng chưa đủ. Và đó là lý do chúng ta cần tiếp tục sáng tạo trong bộ môn này để, một ngày nào đó, sân khấu là những ngả ba ngã tư những con đường chúng ta xô ra làm cho xã hội chuyển động trong dòng sống của con người.

Hạ màn, lời gửi bạn…

Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến những giấc mộng đời không thực.

Trịnh Công Sơn

Không có một sân khấu nào chứa nổi cuộc đời thường, ở đó diễn viên, cũng là khán giả, thao tác theo một thứ kịch bản gọi cho dễ (hay khó?) hiểu là định mệnh. Sân khấu hữu hạn ở cả hai chiều không và thời gian. Vì thế, sân khấu chỉ dung được những mảnh đời dựng lên từ sự không được bình thường: chính vậy mà nó giả tạo, sống sượng và ngây ngô, dễ bị gán cho đủ thứ điều tiếng, bị chụp cho đủ kiểu mũ. Chính vậy, diễn viên phải hóa trang, mặt mũi tô son vẽ phấn. Chính vậy, phải dựng nên phông cảnh. Chính vậy, thêm vào cảnh, là âm thanh và ánh sáng. Nhưng đó là công việc của đạo diễn.

Tác giả kịch bản, không làm nổi công việc gay go đó, chỉ xin dành cho mình vài lời: lời nhập và lời kết. Trước khi đưa lời nhập, có dăm câu xin xóa nợ với một người bạn.

Chúng tôi gặp lại nhau ngày đầu năm 1999. Ðó là một buổi chiều, nắng nhạt đang lẳng lặng bước từ tàn cây xanh xuống ven bức tường nhìn từ cửa sổ của anh. Anh bảo, giọng ngậm ngùi, "Dạo này, mình không nói về mưa nữa. Nói về nắng thôi …" Trong tôi, bỗng văng vẳng tiếng Khánh Ly "Trời ươm nắng, cho mây hồng…", lòng hàm ơn con người kia suốt một đời nhả tơ, để bao nhiêu người đã biết bao nhiêu lần hát lên những lời vàng ngọc của anh.

Nắng ngả xuống, tôi lại sắp lên đường. Tôi kể cho anh ý tôi dựng kịch bản này. Tôi kể, màn I, màn II, rồi cứ thế … Anh nghe, mặt nhăn lại. Hình như tôi đang hành anh bằng "có gì nghe như niềm tuyệt vọng". Anh khoa tay. Tôi ép anh nghe, anh, kẻ đã viết "Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng, có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác".

Buổi chiều hôm ấy, tôi đã hành xử như một tên tuyệt vọng, tìm một tên tuyệt vọng khác, xả láng mà quên cả cái nhăn nhó đau thương trên gương mặt bạn mình. Tôi lên máy bay. Tôi đang trên mây và về một phương trời khác. Nét mặt của bạn ám ảnh. Tôi đã kể cho bạn nghe đến màn cuối cùng.

Kết thúc thế à?

Không, không thể hạ màn vĩnh viễn như thế được!

Tôi lờ mờ nhớ, chẳng biết là Bernard Shaw hay ai đó có nói, rằng cho một diễn viên cái khó không phải là lúc vào mà là lúc ra khỏi sân khấu. Tôi chợt hiểu cái khó của một tác giả kịch bản khi sớm muộn cũng đến lúc phải hạ màn.

Tôi viết đi viết lại mọi lời kết trước lúc màn sân khấu hạ xuống như những lời trăn trối. Lời kết của kịch bản, tôi gửi tặng bạn để xin xóa nợ, nợ đã làm bạn nhăn nhó đau thương một thoáng.

Vạt nắng kia trên mái tường nơi bạn nhìn ra còn đó. Vì thế, ta vẫn cứ hẹn nhau, chẳng hạn như sẽ về uống thêm một ly với nhau, bạn tôi thương mến…

Nhân vật:

Ông: tuổi sáu mươi, áo len, kính trắng, dáng lúc nào cũng co ro, đã về hưu, giọng thường bối rối.

Bà: tuổi trên sáu mươi, răng đen, vấn khăn, bán thuốc lá và nước chè trên hè đường, hay nhìn xuống, ăn nói nhỏ nhẹ.

Mợ: tuổi quãng bốn mươi lăm, tóc ngắn, đẫy đà, quần đen, áo hoa, giọng chua lét.

Anh chồng: Tuổi quãng hai mươi lăm, to cao, lếch thếch, ăn mặc kiểu công nhân, áo bộ đội, giọng ê a.

Chị vợ: tuổi hai mươi, quần áo nhà quê ra Hà Nội, nhút nhát, giọng lúc nào cũng run rẩy, lí nhí.

Kèm theo là hai nhân vật chìm, cụ già thân sinh ra ông và đứa bé, con anh chồng và chị vợ. Sự tồn tại của hai nhân vật này được thể hiện bằng âm thanh: tiếng ho của cụ và tiếng khóc của đứa bé.

Cảnh:

Cây sồi trong sân một ngôi nhà trong ngõ, mọc cạnh bể nước. Nhà chia làm ba phòng xếp theo chiều dọc, phòng nọ ngăn ra phòng kia bằng những mảnh cạc-tông nham nhở ghép vào, có cửa ra vào riêng, bước xuống bực thềm là ra sân. Phòng trong cùng là hộ của ông bà. Phòng này lại ngăn thêm một buồng nhỏ. Phòng giữa, đang bỏ trống, và ở phòng ngoài cùng là hộ của mợ. Một cặp vợ chồng trẻ có một đứa con mới đẻ sắp vào ở căn phòng bỏ trống.

Căn nhà thuộc loại đặc trưng của Hà Nội đầu thập niên tám mươi: cũ, ngổn ngang, chật chội. Mỗi hộ khoảng 15-20 mét vuông, có một bàn, hai ghế, giường (chõng), hộ của mợ có thêm một tủ đứng. Trên bàn có phích nước, hai cái ly. Hỗn độn đủ thứ nồi niêu xoong chảo, vali, vv… xếp ở gầm giường. Sân cũng hẹp, là chỗ nấu nướng, giặt giũ. Cạnh cây sồi, là nhà tắm và vệ sinh, nằm sát hộ trong cùng. Có bốn cảnh chính: sân nhà (cây sồi), và ba hộ. Mỗi lần chuyển cảnh, chỉ cần tập trung đèn rọi vào. Kịch thường nói đến trăng về đêm, ánh sáng màu pha lê hoặc màu sữa trắng đục.

Nhạc:

Tiếng hát quan họ là chính. Mỗi lần có độc thoại, nhân vật bất động nhưng dùng máy ghi âm để diễn lời, nếu có tiếng đại hồ cầm văng vẳng đệm vào càng hay.

NHẬP

Màn kéo lên. Sân nhà. Trăng sáng tỏa xuống lung linh. Gió thổi vào, lá sồi lao xao. Ðèn tập trung rọi vào cây sồi.


Lời nhập:

Căn nhà trong ngõ phố Lò Sũ không phải không có trí nhớ. Trí nhớ của gạch, của ngói, và của tôi – cây sồi trong góc sân này – khác trí nhớ loài người.

Loài người chỉ nhớ những điều họ muốn nhớ. Ðã thế, họ lại không nhớ lâu. Dễ dãi với mình một tí, họ quên ngay. Quên hết. Tình yêu, tình bạn, ơn nghĩa, thậm chí… Thôi, tôi không dám nói hết. Nhưng tôi, tôi nhớ tất cả. Trời không bố thí cho tôi cái khả năng chọn lọc để nhớ. Lại cũng dè sẻn cái ân huệ cho phép tôi có thể quên lãng, để cho tôi còn nghỉ ngơi, cho tôi được an tâm, dẫu là chỉ trong một chốc, một thoáng. Ðã thế, trời bắt tôi sống lâu. Tôi đã gần năm mươi tuổi rồi, và cũng đã trải qua hai cuộc kháng chiến như ai … Nếu không có cuộc chiến thứ ba với thứ khí giới đánh chính xác như đánh ở Irak, chắc là tôi sẽ còn sống ba, bốn trăm năm nữa. A, mới lại có khí giới với độ chính xác cao, có lẽ tôi sẽ càng an toàn (cười nhẹ). Ai đánh vào một cây sồi làm gì?

Càng sống, thú thật, tôi càng hãi hùng. Chẳng phải là tôi sợ cho thân tôi đâu, đã bảo tôi sẽ thọ gấp năm gấp bảy kiếp người… Tôi sợ, tôi vẫn sợ, đêm sợ, ngày sợ. Một mình, tôi sợ. Có ông ở trong sân, tôi vẫn sợ. Mợ về, dội nước tắm, tôi vẫn sợ. Bà bưng tủ thuốc lá vào, tôi cũng vẫn sợ.

Chỉ khi bà vừa giặt áo, vừa hát nho nhỏ dăm câu quan họ Bắc Ninh, tôi mới hơi an lòng một chút. Cho đến một ngày

(Ðèn sân khấu tắt)

MÀN I: TÌNH CHUNG
Cảnh 1

Hộ ông bà. Khoảng 9 giờ, thành phố bị cúp điện, tối om. Tiếng chân người vào ngõ. Tiếng mở khóa cửa.

BÀ: Ông cẩn thận, khéo đánh vỡ mặt kính cái tủ. Ðợi tí, tôi bật que diêm.

Ánh sáng que diêm hắt bóng người lên vách chập chờn. Tiếng đẩy cửa. Vào nhà.

BÀ: Dắt cho tôi cái xe đạp vào, để ngoài sân nó mọc cánh bay mất thì lại đến khổ.

Ðèn dầu trong nhà thắp lên. Ông ra dắt xe, xách lên thềm, dáng mệt mỏi, đẩy xe vào.

ÔNG: May có trăng, bao giờ cúp trăng nữa thì hóa ra mù cả… (thích thú cười, ngồi xuống ghế, tay với bình trà, ngẫm nghĩ, tiếp) … Lắm khi mù lại dạy được đứa có mắt. Nhiều đứa có mắt mà vẫn như mù. Ngày tôi còn đi làm, trong cơ quan có một thằng thủ trưởng …

(ngắt lời): Ông tiện tay cho tôi cái phích nước, tôi đổ nước sôi vào… À, họ nhắn bao giờ họ dọn vào nhỉ?

ÔNG: Ờ… xem nào. Hình như hôm nay mà ! (Hoảng hốt) Hôm nay hay mai? Tôi lại lẫn… Quên rồi!

(lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay): Hôm nay đấy! Hôm nọ ông nói, tôi đồ là ngày rằm… Ông chỉ mới gặp anh chồng thôi nhỉ.

ÔNG: …

(vừa bắc nồi cơm, vừa nói): Tôi biết cả con vợ nó. Người làng trên. Xưa, mẹ nó cũng trong làng Quan họ, giọng cứ trong veo đi. Mẹ nó là con cụ Nhiêu đấy, ông có nhớ không?

ÔNG (lắc đầu): Không, tôi có ở làng bao lâu đâu. Mười sáu tuổi đã lên Hà Nội rồi. (Ông nhấp một ngụm nước trà, mơ màng) … Thế mà chóng thật, gần bốn mươi năm rồi đấy. Khi mới chân ướt chân ráo lên, cái nhà này còn cho người ta thuê, tôi phải về chỗ chú Chiến phố Maubert ở cả năm. Sau mãi họ mới ra cho, về tôi mới trồng cây sồi ở sân (nhìn ra, thở dài).

Có tiếng ho khù khụ

BÀ: Tôi dở tay, ông vào xem cụ hộ một tí.

Ông đi vào, tiếng dép lẹp kẹp

(lẩm bẩm): Ðến khổ, ho mãi. Thuốc thì chỉ có Xuyên tâm liên, uống cả năm rồi. (Bà chắt nước cơm cầm lên, giọng buồn buồn, tiếp như than thở) Nhà hết sữa đặc, chỉ nước cơm thôi thì sống thế nào nổi…

Ông bước ra

ÔNG: Cụ dậy, kêu đói.

Bà đi rót nước, vừa đi vào vừa nói

BÀ: Cụ uống tạm chén nước cho ấm bụng đã.

Ông một mình, cầm tờ báo lên, bỏ xuống, nhìn ra sân

ÔNG: Ngày mới trồng, nó chỉ bằng ngón chân cái. Bây giờ, nó xum xuê, thân thì đúng một người ôm. Còn mình (ông vuốt cánh tay khẳng khiu), mình lại teo lại, còi đi. Nó ăn trong đất, lớn được, không đói. Mình thì khác. Chẳng bữa nào no, cả chục năm nay rồi. Thế thì cây ơi, đứa nào sướng? (Ông nhếch mép, chua chát).

Có tiếng chân, tiếng thở ì ạch, rồi tiếng nước đổ vào bể nghe uồm uồm. Tiếng chân lại ra. Rồi tiếng ho. Bà bước vội ra sân, nói với

BÀ: Hôm nay chỉ lấy hai gánh thôi nhé.

Bà quay vào, ngồi thụp xuống cạnh bếp

ÔNG (bâng quơ): Ngày xưa, có ai cần gánh nước. Cứ mở rôbinê là có. Bây giờ thì thôi, nó ri rỉ như đái dắt, cả ngày chẳng chắc được một chậu… Còn đèn đóm, chẳng bao giờ có chuyện cúp mới cắt điện. Bây giờ…

(Cười, ngắt lời): Ối ông ơi! Bây giờ đất nước còn khó khăn. Ông cứ so với cái ngày xưa của ông mãi à? Các ông cách mạng ngày xưa, bây giờ mới thế, còn trách ai?

ÔNG (Giọng bực bội, nhưng hốt hoảng, nhìn quanh): Bà nói như đùa. Nói khe khẽ chứ. (Im lặng một lát, ông thốt lên như nói cho một mình nghe) Ngày xưa… cái hôm ấy. Huy hoàng lắm chứ. Lúc ấy mình bao nhiêu nhỉ. Mười tám. Ờ, gần mười chín. Hôm ra mít-tinh ở nhà Hát Lớn, đi có cả một lũ thanh niên mới lớn, vừa đi vừa hò hét, theo anh Tước xông vào càng sát khán đài càng thấy rõ mặt ông cụ. Hà… hà. Tớ lúc ấy chen không nể nang ai, cuối cùng một anh trật tự đeo băng đỏ ách lại. Nhưng chỗ đó, nhìn cũng rõ chán. Lúc ông cụ hỏi "đồng bào nghe tôi có rõ không? " thì tớ hét toáng lên "Việt Nam muôn năm ", thế có buồn cười không? Thế là cả năm sau, chẳng học hành gì, chia nhau ra mà làm, rồi họp, rồi hát, vui lắm. Dân một nước độc lập mà, cứ thích gì làm nấy, nhưng không phải thế mà vô trách nhiệm đâu. Năm sau, quân Pháp đổ bộ, rồi vào Hà Nội. Ðánh, đánh chứ lị. Tự vệ thủ đô, súng không có, thì đánh bằng gậy, bằng dao. Vui quá, chẳng thấy có gì là nguy hiểm khi túm năm tụm ba. Ðộng viên nhau là chính. Rồi một hôm, anh Tước bảo "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, chúng mày thoát ly theo anh đi kháng chiến ".

(cười): Thế là ông đi ngay?

ÔNG (ngập ngừng): Không. Lúc ấy có ai biết kháng chiến là thế nào? Tôi hỏi anh Tước đi kháng chiến là đi làm cái gì? Anh ấy bảo "là tiếp tục như bây giờ, nhưng phải theo đường dây ra Ninh Bình, rồi sẽ được phát súng ống, choảng nhau với bọn Pháp! " Tôi bảo «… thế cũng hay, tôi phải về quê xin phép thầy mẹ tôi đã " Anh Tước trợn mắt «… đi là đi ngay, yêu nước thì không cần phải hỏi phép tắc ai cả … ". Cả bọn thanh niên chúng nó cười toáng lên. Tôi bực, quát "… đi thì đi! ". Ði, thế là lên đường hát "Ðoàn quân Việt Nam đi … " (Ông mơ màng, nhạc và tiếng hát nổi lên)

Tiếng chân, rồi lại tiếng đổ nước vào bể, rồi tiếng con gái "Bà ơi, thế tuần này là hai mươi gánh rồi, bà cho tiền cháu nhé ".

BÀ: Cháu ơi, để mai nhé. Hôm nay không có tiền lẻ …

Lại tiếng con gái "Ngày mai cháu mang tiền lẻ đến, bà có tiền chẵn cũng chẳng sao! "

Tiếng ho, rồi tiếng rên.

(giọng khổ sở): Cụ ơi, con chỉ có nước cháo. Cụ chờ cho con một tí, con mới có sữa cho cụ được. (Nói một mình) Sắp tám mươi rồi. Nói cho cùng, cụ khỏe thật… Thế ngày xưa ông đi kháng chiến cụ chịu cho à?

ÔNG (cười): Không, không. Cụ bắt bác Cả đi tìm tôi ở chiến khu, nhắn bảo "Tao cho mày lên Hà Nội đi học thì mày đi đánh đú, phí tiền phí của, muốn sống muốn tốt về ngay…" Lúc ấy vào Vệ quốc rồi, về thế nào được. Ðấy, ở núi đỏ rừng xanh mãi, cũng buồn. Lại sợ, lắm khi chúng nóbố ráp, cũng sợ chứ. Bụng muốn về, nhưng nói với bác Cả «… bác về đi, em nguyện hiến thân cho tổ quốc rồi ". Bác quát, rồi tát cho một cái "Tổ quốc mới chẳng tổ cò, đến là dại. " …

(Lại cười): Thì bảo, đến nhà quê chúng tôi cũng hăng, như tôi, một chữ bẻ đôi không xếp lại được cho nó tử tế, tôi cũng vào du kích, rồi cũng ủy ban kháng chiến…(mơ màng) Cái thời ấy rạo rực thật. Ngực cứ nóng lên mỗi khi… mỗi khi thấy các anh về phổ biến lệnh kháng chiến toàn quốc…

ÔNG (mơ màng): Thế là, thế là… bác Cả đi lên nói với chi bộ về hoàn cảnh gia đình riêng tư. Chi ủy gọi lên, bảo "… tổ chức thông cảm, ở đâu cũng phục vụ cả. Ðồng chí đến đâu cũng có đảng, cứ yên chí… "

(mơ màng): Năm nào nhỉ?

ÔNG (nghĩ ngợi): Năm Sửu! Lúc đó tôi có chút chữ Tây, vào làm ở tuyên truyền liên khu ba.

(đăm chiêu): Láo! Ðến đâu cũng có đảng là láo. Ở quê, vào bí mật, đảng có đâu… Bí mật là vắng mặt mà…

ÔNG (xa vắng): Thế là dinh tê. Hôm đi, khóc ướt hai cái mùi xoa… nhưng giấu mặt, chẳng dám nhìn ai. Rồi về (ông nhìn vào nhà trong). Cụ bảo, mày lấy vợ ngay, con ông Chánh. Tôi xin xem mặt bà. Cụ quát tao đặt đâu, ngồi đấy… Nghe tao, tao cho cái nhà ở Lò Sũ trên Hà Nội…

(nhìn lên trần): Bố tôi nói khác, có nhắc đâu đến chuyện ông đi kháng chiến mới cái nhà ở Lò Sũ. Ông bảo "Mày đi cho tao đỡ lo, thằng ấy có của, lại cũng bõ bẽ học hành. Ði đi, lên Hà Nội, năm sau tao gửi thằng em mày lên, cho nó có chút chữ Tây. Thời buổi này…".

ÔNG (mặt cau lại, làu nhàu): Tôi biết. Thì ra chỉ định gửi chú Trung lên Hà Nội mà thành ra duyên nợ. Tôi hiểu, tôi hiểu… (ông cười nhạt, mỉa mai)

Tiếng lạch cạch. Tiếng ổ xe đạp quay kêu o o. Ngoài sân, trăng lên sáng lung linh, xanh màu liêu trai. Tiếng mở khóa mở cửa. Bỗng nhiên có điện, ngọn đèn trần sáng phựt lên.

(đứng dậy): Có điện rồi… Chắc mợ ấy về.

ÔNG (đứng dậy): Ờ…Ðể xem lại cái máy "suyệt vôn tơ "

Tiếng gõ cửa. Ông mở cửa. Một người đàn bà, cỡ tứ tuần, mặc chiếc áo phin màu hồng.

MỢ: Cứ sợ ông bà nghỉ rồi. Bà đâu ông?

Bà ra

BÀ: Gớm, phục vụ nhân dân đến giờ này mới về. Tôi đợi mợ mãi.

MỢ (cười hề hà): Ấy, nhà cháu có cái phi vụ, tìm mãi bãi đáp nên về muộn. Ðây, sữa của bà (tay chìa ra hộp sữa đặc Vạn Thọ) … Giá như mọi khi nhé, rẻ nhất Thủ đô đấy.

(đỡ lấy hộp sữa): Mợ ơi, cứ giá này thì chết. Bốn hộp là lương hưu của nhà tôi đổ xuống sông rồi, lấy gì mà ăn…

MỢ (giọng vẫn giả lả): Bà nói vậy chứ khối đứa sống… Ðể bà giá đó, cháu mang ra chợ còn hời hơn. Mà bà ơi, chúng nó đến chưa?

(ngần ngừ): Chúng nó? Chúng nó là ai? À, à, chưa, chưa… Hay là chúng nó đã "sang" rồi, kiếm chác tí tiền "hoa hồng", rồi dọn đi chỗ khác!

MỢ (giọng chắc nịch):Không! Con hỏi công an phường. Không có chuyện đó! Giời ơi, muốn "sang" thì phải "hỏi thuyền", ai cho quá giang mà không lấy dịch vụ!

(ầm ừ, tay mở hộp sữa): Tôi pha sữa vào nước cơm để cụ dùng… cụ chờ mãi, chắc đói lắm rồi.

Tiếng thở dài, ho khan.

ÔNG (đưa chồng báo cho mợ): Ðây, báo tuần vừa rồi. Mợ lấy mà đọc.

MỢ (đẩy lại): Thôi ông, lại Hà Nội Mới, cháu chán lắm rồi. Nói gì mà lúc nào cũng chỉ bằng ấy chuyện.

ÔNG (cười): Thì báo biếu mà lị. Tôi lên, anh em họ lại cho… Ðấy, cơ quan cũng tình cũng nghĩa, cứ đâu hưu rồi là họ quên ngay đâu.

MỢ (ngặt nghẽo cười, rồi khinh khỉnh): Ðấy là cơ quan ông, viết với lách, có gì đâu mà chấm mút. Chỗ cháu í à, đẩy được đứa nào ra là cấm cửa, không cho đến ăn quẩn… Báo các ông ế, mang về chỉ cân kí bán để mang gói hàng nên chúng nó mới cho ông thôi, chứ tình nghĩa à, ông ơi (mợ lại cười), ông đừng tin mà bán thóc giống đi đấy…

MỢ (bỗng tần ngần, nói nho nhỏ, trong khi bà ra đứng bên cạnh): Làm gì còn cái giống tình nghĩa nữa (thở dài). Thằng bố nó bỏ về Vĩnh Long, nghe đâu đã có con vợ mới. Ðến thằng con vào hai năm rồi, năm trước còn hỏi thư xin tiền, năm nay thì bặt tin…

Im lặng. Tiếng ho khan. Tiếng húp nước cơm xuỵt soạt. Bà nhìn mợ, tay cầm chiếc bát không, dáng băn khoăn.

BÀ: Hay cháu nhà mợ nó vượt rồi cũng nên! Xưa, nó cứ ao ước mãi, nói với tôi …

MỢ (thở ra, ngắt lời, giọng mệt mỏi): Vượt có được không? Có khi tù, có khi chầu hà bá rồi không biết chừng!

(ngậm ngùi): Ðừng nói dại… nói gở.

MỢ (quay nhìn ông): Thế còn thằng cháu đích tôn của ông? Nó vắng nhà cả hai tháng nay rồi! Chắc cũng vượt nhỉ?

ÔNG (hốt hoảng): Bậy nào! Cháu nó đi kinh tế mới, thư gửi về hôm nọ… (ông ngập ngừng, nhìn bà)

MỢ (cười nhạt, nói mỉa): Thế ông báo công an chưa, để còn khai lại hộ khẩu chứ!

ÔNG (giọng càng hốt hoảng): Chưa… Có chắc ở lâu trên kinh tế mới được đâu mà khai báo!

Mợ lại cười nhạt, lắc đầu đi ra, ngoái lại, giọng giễu cợt .

MỢ: Ông bà nghỉ. Kinh tế mới mà làm ăn được thì cũng nên vào với cháu nhé. Tội nghiệp, có đứa cháu đích tôn duy nhất mà bỏ nó một mình à! À, thế là bà còn thiếu sáu hộp sữa đấy. Ðầu tháng, bà cho cháu xin, cháu cũng chịu người ta mà…

(nhẫn nhục): Vâng, vâng… mợ cho khất thêm ít ngày.

ÔNG (lẩm bẩm, mặt cúi xuống nhìn đất): Chịu ai! Quân Intershop là chúa ăn cắp, sữa Intershop là sữa ăn cắp…

Tiếng ho. Tiếng hút thuốc lào rít lên khành khạch trong nhà. Rồi đèn tắt. Bà ra dựa cửa.

Trăng đã lên đến đỉnh đầu, nhợt nhạt như thiếu ăn.

Bóng cây sồi đổ xuống mặt sân thành một khối đen, thỉnh thoảng dật dờ như sắp trôi đi.

Cảnh 2

Hộ giữa. Tiếng khuân bàn, giường. Tiếng trẻ con khóc. Màn mở. Chị vợ đứng ôm con dỗ ở góc, anh chồng thở phì phò, ngồi ở mép giường.

ANH CHỒNG: Sắp xong rồi. Còn dăm cái lặt vặt, thế mà mất cả ngày trời (nhìn ra ngoài). Hàng xóm chẳng có ai, chỉ độc bà cụ ngồi bán thuốc lẻ ở đầu ngõ (với tay mở radio).

Tiếng radio rè rè "Trong miền Trung, từ Quảng Bình ra đến Hà Tĩnh, gió cấp ba, cơn bão số năm đe dọa vùng duyên hải… ". Tiếng dép lẹp kẹp. Bà về, lên thềm. Nhìn vào hộ giữa, bà tươi cười.

BÀ: Ðâu vào đấy rồi. Gọn ghẽ nhỉ. Nào, tôi vào xem cháu bé nhé…

ANH CHỒNG (đứng dậy đon đả): Mời bà vào.

CHỊ VỢ (bước lên một bước, lí nhí): Lạy bà, cháu đây.

Bà nhìn đứa bé, nựng, rồi nhìn chị vợ.

BÀ: Con đầu lòng hả? Cháu mấy tháng rồi?

CHỊ VỢ: Dạ, cháu được năm tháng hôm kia!

BÀ: Bụ ra phết, hay nhè nhỉ. Khóc đến đầu ngõ còn nghe thấy. (Quay nhìn Anh chồng) Tôi nhờ trông hộ hàng, vào xem cụ nhà tôi ra sao. Tôi ra ngay nhé.

Bà tất tả vào hộ cuối.

ANH CHỒNG (quay nhìn vợ): Tôi hôm nay mới gặp bà. Lần trước lên gặp có mỗi một mình ông thôi. Người làng dưới mình đấy, nhưng lên ở Hà Nội lâu rồi. Này, đun ấm nước, còn pha trà chứ.

Chị vợ mang đặt con lên góc giường, lúi húi ngồi nhóm bếp dầu…

CHỊ VỢ: Bu tôi biết bà. Xưa kết nghĩa quan họ với nhau đấy. Bu là chị sáu. Còn bác Tình là anh hai. Nghe bu tôi kể, làng dưới các bà mê tiếng hát bác Tình lắm. Bác hát vừa hay, vừa dí dỏm… Nhà xem, có phải đẩy cái này cho nó bơm dầu lên không?

Anh chồng bước lại, cúi xuống, gục gặc đánh diêm châm. Chị vợ đứng dậy. Bếp không nhóm lên được.

ANH CHỒNG: Ðến khổ. Dưới quê cứ than với củi, dễ nhóm. Dầu với diếc, càng hiện đại càng rách việc.

Bà bước vào.

ANH CHỒNG: Bà à, còn dầu mà sao nó không lên lửa hở bà.

Bà cúi xuống nhìn, rồi lấy tay gẩy cái nút.

BÀ: Ấy, anh quên mở cái nút này… đây. Nào châm cho tôi…

ANH CHỒNG: A, được rồi. Bà ngồi chơi, con nấu nước bà uống. Chè ở quê, ngon lắm.

BÀ: Úi dào, tí nữa đã … Tôi phải ra trông hàng (nhìn chị vợ). Bu chị vẫn khỏe chứ?

CHỊ VỢ (lí nhí): Cảm ơn bà, bu con vẫn thường. Bu con nhắn con hỏi thăm bà đấy. Bu con lại gửi lên biếu bà… (chị vợ chạy vào góc, bưng ra)một buồng cau đây, dặn là chị em quan họ trước sau vẫn thế, lúc nào cũng nhớ nhau.

(cảm động, đỡ lấy buồng cau): Chết, bày vẽ… thì lúc nào mà chẳng nhớ nhau. Chị không biết đâu, bu chị với tôi xưa cứ họp chợ là gặp, chợ xong hai chị em lại cùng bác Tình đi ra bờ sông ăn quà vặt (mơ màng). Bác Tình thích kẹo bột, lúc về lại mua thêm cho mỗi người một gói (quay mặt, giọng trầm xuống). Mới đây, thế mà đã giỗ đầu tháng một năm ngoái.

CHỊ VỢ: Dạ, giỗ bác con tháng một!

Bà để buồng cau xuống bàn, vẫn nói mơ màng.

BÀ: Ừ, đấy người đi kẻ ở… (như chợt tỉnh) Anh chị cho tôi để nhờ, tôi ra hàng tí về tôi lấy nhé.

Bà ra. Trời bắt đầu tối dần.

ANH CHỒNG (nhìn vợ): … Này, tôi dặn nhé. Ðừng gọi tôi là "nhà ", nghe quê lắm. Gọi tôi bằng anh… Anh xem, có phải đẩy cái này nó bơm dầu lên không? Gọi tôi bằng "nhà ", người ta cười cho.

CHỊ VỢ (cười thẹn thùng): Gọi anh không quen, ngượng lắm…

ANH CHỒNG: Gọi rồi mới quen, quen là hết ngượng… Ở Hà Nội, ai cũng anh anh em em, trừ phi già rồi thì không kể!

CHỊ VỢ: Thì nhà, … thì anh xưng tôi, có xưng anh bao giờ đâu nào?

ANH CHỒNG: Ừ, được. Phải cải tiến (ngập ngừng) … em ạ. Nghe thế được chưa?

CHỊ VỢ (cười rích lên, thẹn thùng): Nghe nó làm sao ấy!

Tiếng dẫn xe đạp vào sân, ông về, tay ôm chồng báo. Anh chồng bước ra chào.

ANH CHỒNG: Ông đã về. Chúng con cứ ngóng ông.

ÔNG: Anh chị đã dọn vào. Vất vả nhỉ. Sắp xong chưa? Ông bước vào căn hộ, nhìn quanh.

CHỊ VỢ: Lạy ông ạ!

Tiếng trẻ con khóc. Ông hơi nhăn mặt. Chị vợ ra bế con ru.

ÔNG: Tôi mới ở cơ quan về. Ðây báo đây, anh cầm mà đọc. Báo biếu đấy. Ai bảo là hưu rồi thì hết tình hết nghĩa. Tôi đến, anh em họ cứ xúm lại, còn thân hơn cả lúc còn đi làm cơ.

ANH CHỒNG (cười hì hì): Dạ, con đi trên cơ quan con cũng làm liên hoan để tiễn, mỗi người được một cốc bia hơi, hai điếu thuốc Thăng Long, dăm cái kẹo… Ai cũng hỉ hả…

ÔNG: Thế đã đến nhận công tác trên này chưa? Cậu về công tác ở đâu nhỉ?

ANH CHỒNG: Con về phòng kỹ thuật xưởng cơ khí hai, gần Cầu Giấy.

ÔNG: À! Tốt. Giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến. Cứ như Mác nói, đó là giai cấp nòng cốt cách mạng xã hội chủ nghĩa.

ANH CHỒNG: Ông vào xơi chén nước.

Ông ngồi xuống ghế, giở chiếc mũ bêrê đặt xuống bàn, mắt hấp háy nhìn chị vợ.

ANH CHỒNG: Ông nói thế. Công nhân chúng con có cái gì đâu mà tiên tiến cơ chứ. Các ông có chữ có nghĩa, sướng hơn công nhân nhiều. Ông có thấy lãnh đạo nào thực sự là công nhân không?

ÔNG (nhìn lên): … À, à… Tôi bảo là giai cấp công nhân mà! Ở giai cấp công nhân, đâu cứ phải là công nhân… (thì thào) Mà này, sao họ lại cho cậu chuyển lên Hà Nội.

ANH CHỒNG (thở dài): Chuyện phức tạp ông ạ. Con học xong, về tỉnh nhà làm hai năm, lo việc bảo quản đội máy cầy huyện… Ở trên bảo là không có xăng, có dầu, để lâu không dùng máy hỏng nên cứ gỡ ra, có mối thì bán, thì đổi cho những nơi khác, rồi khai với Bộ là hỏng. Con thấy thế nào ấy, rồi có ý kiến… Thế là (lại thở dài) họ điều về văn phòng. Rồi cứ chỉ có dăm cái giấy, cái tờ, ký vào mà chẳng biết gì… con lại có ý kiến.

ÔNG (giơ tay lên trời): Hỏng, cậu có ý kiến thế thì hỏng cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết ở cái cấp của cậu. Chỉ đui điếc là sống… (nhìn về phía chị vợ) Thế còn chị, chị có công tác ở đâu không?

CHỊ VỢ (lí nhí): Dạ, nhà cháu thì không. Cháu làm ở tổ hợp tác xã, hết vụ lại đan chiếu, cạp rổ…

ÔNG: Ờ, ờ… bây giờ ở quê nhà sống sướng ra phết. Anh chị đúng là liên minh công nông đấy nhé…

ANH CHỒNG (cười): Dạ, thế mới lòi ra thằng bé này đấy. (Giọng đăm chiêu, tiếp) Giờ lên Hà Nội, mất đi một nguồn thu nhập, lương lậu công nhân làm sao nuôi được cái liên minh này?

ÔNG: Cứ sinh voi thì rồi sinh cỏ, lo gì. Khéo vén cũng xong. Nhà cơ quan phân cho, chỉ phải trả tiền điện. Nước thì của công, đứa nào gánh nhiều thì dùng nhiều. Anh khỏe chịu gánh thì bớt đi một khoản… Chị ấy tạm ở nhà một thời gian, tôi mang sách vở về bổ túc văn hóa cho (qnay sang nhìn chị vợ). Xưa, chị học đến lớp mấy rồi…

CHỊ VỢ (lí nhí): Dạ, lớp tám…

ÔNG (cười): Thế cũng được rồi. Muốn thì tôi dạy cho tiếng Pháp. Biết tiếng sau đi làm du lịch ối tiền. Nhà nước khuyến khích du lịch đấy.

ANH CHỒNG (tay đưa): Ông xơi chén nước.

Tiếng lao xao. Mợ đi vào, tay xách túi ni lông.

MỢ (vồn vã): Ðâu? hàng xóm mới đâu? Ðợi mãi đấy nhé! (đi vào hộ giữa) Chào cô chú. Dọn vào rồi nhỉ?

ANH CHỒNG: Chào cô

CHỊ VỢ: Cháu chào cô…

MỢ: Cô cháu gì… Cứ chị chị em em cho nó thân.

ANH CHỒNG: Cô… chị vào xơi chén nước.

Chị vợ kéo ghế, mắt nhìn, dáng rụt rè

MỢ (nhìn lên giường): … lại có cháu bé nữa. Trai hay gái?

CHỊ VỢ: Dạ, trai ạ!

MỢ: Hay quá, lại thêm một tay súng chứ chẳng liễu yếu đào tơ… (mở túi ni lông) Ðây, có mấy quả cam tôi mua ở chợ Hàng Da, mang về liên hoan đây. Hôm nay mới gặp được cô chú… (ngồi xuống ghế, quay sang ông) Ông ơi, ông ra giúp bà dọn hàng, bà nhờ cháu nhắn đấy.

Ông lẳng lặng đứng lên đi ra

MỢ (đợi ông ra xong, thì thào): Trí thức tư sản đấy. Hưu rồi. Trước công tác ở Hà Nội Mới. Nhà xưa của ông bà nên vẫn được đãi ngộ, đối xử có phân biệt, ở căn hộ rộng nhất.

Mợ nắm tay chị vợ, nói thầm, chị vợ đỏ mặt ngượng nghịu, đứng dậy .

MỢ (nhìn anh chồng): Thế bao giờ chú em bắt đầu công tác…

ANH CHỒNG (lúng túng): Dạ, thưa… ngày kia.

MỢ (cầm chén nước): Chị là tổ trưởng dân phố. Hai vợ chồng chú về đây phải chấp hành một số điều lệ. Mai chị đưa sang cho mà đọc. Tạm thời chị dặn, nhà ở đây có một bể nước, một nhà vệ sinh và cái sân là của tập thể, ta bàn với nhau để quản lý cho tốt. Cô chú nhớ là vách ngăn bằng cạc tông, nhà nọ động cái gì là nhà kia biết. Cứ sau chín giờ, radio phải mở thật nhỏ…

Ông bà vào, tay xách, nách mang.

BÀ: Mợ về sớm nhỉ…

MỢ: Dạ, cháu hôm nay ít việc.

(tay chỉ chị vợ): Con bé này là cháu tôi, họ xa đấy…

ÔNG (cười nhạt): Cháu quan họ thì có… Kiểu liền anh, liền chị.

(bà vờ như không nghe): Mẹ cháu là chỗ chị em với tôi, tuy không máu mủ nhưng còn thân hơn ruột thịt… (bà xúc động, nước mắt ứa ra, tay quệt, nói như than) Chúng tôi là chị em từ năm mươi năm nay…

Tai bà bỗng văng vẳng tiếng hát quan họ, giọng bác Tình, "người ơi người ở đừng về… người về ta mãi trông theo i ì i i…"

MỢ (nhìn đứa bé lại khóc, đứng lên): Nào, tôi đi rửa cái tay cái chân rồi cơm nước. Tối phải họp tổ dân phố… (đi ra cửa, vừa đi vừa nói) Cô chú mới lên, có gì không biết cứ hỏi ông, bà hay tôi nhé…

BÀ: Chợ búa thì theo tôi một sáng là xong.

ÔNG (nhìn anh chồng): Tôi về, cơm nước xong anh qua chơi, đàn ông ta nói chuyện với nhau.

Ông đi ra. Bà theo sau. Tiếng húng hắng ho ở bên. Chị vợ bẽn lẽn đi theo đến cửa.

ANH CHỒNG: Ông bà về.

CHỊ VỢ (đi vào, bế đứa bé, ru nho nhỏ):

– Con ơi con ngủ í à cho ngoan
Ðể mẹ đi lội đồng xa bắt về
Bắt được con trắm con trê…

ANH CHỒNG (rót nước uống, rồi nằm dài ra giường): Nào, mình là dân Thủ Ðô rồi. Vứt mẹ nó cái bộ dạng nhà quê đi. (Hát nho nhỏ "Ta đi dưới trời Hà Nội rực rỡ mến yêu. Ðường ta đi Ba Ðình, lịch sử… ". Vùng lên ngồi dậy) Này, nghe nói Hà Nội lắm đứa móc túi lắm đấy, đi đâu tiền nong phải cẩn thận nhé…

CHỊ VỢ: Bỏ vào ruột tượng, (chị vỗ vào bụng) mất thế nào được. Mà có bao nhiêu đâu để sợ mất cơ chứ …

Bỗng nhiên, lại cúp điện. Tiếng bà kêu: "cứ vào lúc cần thì lại cắt với cúp".

Trời tối dần. đèn sân khấu tắt hẳn. Chỉ có tiếng lách cách bát đũa, tiếng dép lẹp kẹp, tiếng ho của cụ, và thỉnh thoảng tiếng khóc đứa bé.

Ðèn dầu thắp lên tù mù. Bóng ông bà ra ngõ, tay ôm tủ thuốc lá, tay xách ấm nước. Bóng ông về, chân dừng ở hộ giữa.

ÔNG (nói vào): Cơm xong chưa, qua tôi uống nước.

Tiếng anh chồng "Dạ, con qua ngay."

Bóng ông, rồi bóng anh chồng. Ðèn dầu vặn nhỏ dần xuống.

Chuyển cảnh

Ðèn dầu vặn lên. Bà ngồi xổm bên cạnh tủ thuốc lá vệ đường. Bà một mình, nói thầm:

Ðộc thoại:

– Bác ơi, thế là bác bỏ em đi đâu rồi? Trời thì cao, đất thì dầy. Còn cái cây sung bên bờ ao đó, ngày nó càng sù sì ra, nó còn nghe, nó vẫn nhớ lời em nói với bác ngày nào. Bác, còn bác, bác có nhớ không? Ới anh Tình ơi, thương nhau thì thương cho chót, em đâm đầu xuống ao anh đừng có vớt…Vớt cái thân em làm gì cơ chứ? Thân còn mà hồn mất. Thể ở đó, nhưng phách còn đâu. Anh phũ miệng, bảo em như thế mà được à! Hiếu mới đễ. Anh bảo gì em, anh có nhớ không? Xoan sống cho trọn đạo làm con, Xoan ơi, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy… Ðây, ngồi đấy gần năm mươi năm, đêm khóc một mình, ngày khóc một mình, anh đã hả chưa? Bố mẹ ơi, đã hả chưa? Em tấm tức, chỉ muốn chửi cho rách trời toạc đất. Nhưng nghẹn miệng, em chửi không ra tiếng. Anh lại bảo «… Xoan có dịp, bỏ cái đất nhà quê chân lấm tay bùn, lên Hà Nội có nhà có cửa, sống sướng cả đời… " Ối anh ơi, anh của em thế à? Không có anh, gọi thế nào là sống hở anh Tình ơi… Nước mắt em lã chã như mưa ngâu, anh đưa trả em tấm khăn hồng em tặng anh, anh chỉ bảo lau đi. Không! Anh phụ em rồi. Lau đến bao giờ cho khô, anh Tình ơi…

Tiếng khóc rấm rứt, mỗi lúc một lớn. Thình lình lại im bặt.

-Hừ, thế mà cũng tình cũng nghĩa ư? Ngày em đi lấy chồng, mời cả quan viên làng dưới, em ngóng nhưng biết anh chẳng qua đâu. Cái Xuyến em anh nó chẳng dám nhìn em, nước mắt đỏ hoe. Em cũng khóc. Ai cũng bảo là khóc như cô dâu về nhà chồng? Có người nào biết rằng em khóc như đang bước xuống huyệt lạnh chôn mình. Chỉ có Xuyến nó biết. Nó lại gần em. Em hỏi anh đâu? Nó không trả lời, lắc đầu. Mãi sau em mới biết, biết rằng tối trước anh hòa thuốc phiện vào dấm thanh mà uống. Ới anh Tình ơi, anh độc, anh ác đến thế sao? Anh định chết đi để lấy xác anh phủ vào cái nấm huyệt sống đang chôn em à?

Anh độc, anh ác, anh bắt em cả đời cứ phải nhớ mãi anh sao, anh Tình ơi! (giọng nhỏ dần, át bởi tiếng hát quan họ, từ từ cao lên, nhưng xa vắng). Hát rằng:

"Ra ngõ, ấy mấy trông, ra ngõ mà trông ngày ngày ra ngõ (ấy mấy trông, ra ngõ) mà trông
Bạn thời (tình chung) không mấy bạn
Tình (không ô tình là) không thấy tình ú này xang ú này xang xang u xê phàn Xê lưu cộng tình
Thương ô tình, là không thấy tình "

Tiếng thở dài não ruột.

– Con gái cái Xuyến năm nào nay theo chồng lên ở cạnh em đây này. Cháu anh đấy, anh Tình ơi. Bây giờ, bây giờ anh ở đâu thì em cũng chẳng oán anh làm gì nữa cho anh mát mẻ vong linh nhé. Có bóng trăng trên kia làm chứng, em chẳng còn oán anh nữa đâu. Em chỉ xin giữ cái tình kết bạn quan họ với nhau thôi.

Miệng lẩm nhẩm, bà hát, nước mắt chan hòa:

Hôm nào sum họp trúc mai
Tình chung (ư) một khắc
Nghĩa dài (ới) trăm năm…

MỢ (đi ngang): Bà chưa dọn hàng? Sao nước mắt nước mũi thế này?

(đưa tay quệt): Chắc gió quá, mợ ạ.

MỢ(lơ là): Vào đi, ngồi mãi ốm đấy. Ðể cháu gọi ông ra bưng giúp cho bà một tay.

Mợ đi vào.

Bóng anh chồng ra.

ANH CHỒNG: Bà để con bưng cho bà… (Bóng anh chồng di chuyển, khệ nệ) Trông thế mà cũng nặng ra phết…

Ánh đèn dầu tắt đi. Chỉ còn ánh trăng nhợt nhạt. Văng vẳng tiếng hát quan họ

"… Tình chung (ư) một khắc Nghĩa dài (ới) trăm năm…"

(còn tiếp)

bài đã đăng của Nam Dao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)