- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi (Kỳ 8)

 

Lời Tòa Soạn: Trong hai kỳ 7 và 8 này, tác giả Lê Tư trình bày và thảo luận một quan điểm mới mẻ khác về dân tộc, được gọi là lý thuyết “biểu tượng sắc tộc” (ethnosymbolism) của Anthony David Smith. Smith đề ra một khái niệm mới được gọi là “ethnie” (khác với ethnic) có nghĩa là “cộng đồng sắc tộc”. “Cộng đồng sắc tộc” là tiền thân của “dân tộc” (nation); nó chia xẻ nhiều đặc tính của dân tộc như cùng lãnh thổ, cùng văn hóa, cùng lịch sử, cùng truyền thống và biểu tượng, vân vân nhưng lại không có cùng tục lệ, luật pháp. Xin nêu mấy điểm then chốt cần lưu ý sau đây:

– “Cộng đồng sắc tộc” được Smith phân ra hai loại: một, “Cộng đồng sắc tộc quý tộc” với quan hệ lỏng lẻo, bao gồm triều đình, giới quan lại, tăng lữ, thương nhân giàu có ở đô thị; và hai, “Cộng đồng sắc tộc bình dân” với nhiều tiểu loại khác nhau, dựa vào sự ràng buộc sắc tộc, họ hàng và tôn giáo gồm đại đa số dân chúng, đặc biệt ở vùng thôn quê, những người thấm đẫm văn hóa dân gian. Đặc tính của các cộng đồng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu từng giai đoạn.

– Do chưa có bộ máy quan liêu trên toàn quốc, nên trong việc điều hành chính sự, vua vẫn phong tước và chia đất cho các thổ hào để họ cai trị lẫn nhau, nên tập hợp người Đại Việt thời Lý, Trần là một “cộng đồng sắc tộc quý tộc”. Cho đến cuối đời Trần, có thể hình dung Đại Việt có hai “chế độ” như sau: “bên trong lãnh địa trực thuộc trung ương, quyền lực được hành xử dựa vào quan hệ thứ bậc; đối với địa phương tự trị hay bán tự trị, quyền lực được triển khai mềm mỏng nương theo thỏa thuận.”

– Nhưng do xung đột nội bộ và do nhiều yếu tố linh tinh khác, “Cộng đồng sắc tộc quý tộc” dần dần tan vỡ. Dẫu vậy, nó không biến mất, mà biến thành vô số mảnh rời. Khi bị xâm lăng, hàng chục mảnh như thế tự suy tôn thủ lĩnh để kháng cự người Minh.

– Trong tình hình đó, công cuộc kháng chiến chống quân Minh nằm trong tay của các “cộng đồng sắc tộc bình dân” mà tập hợp lớn nhất và quan trọng nhất là “Cộng đồng sắc tộc bình dân dạng liên minh bộ lạc” của vị thủ lãnh Lam Sơn là Lê Lợi. Lúc đầu, Lê Lợi chưa nuôi ý định mang tầm quốc gia mà chỉ chống lại “người lạ” hay “kẻ thù” nhằm bảo vệ cuộc sống yên lành cho cộng đồng của mình. Nhưng khi đã giành được nhiều thắng lợi, Lê Lợi buộc phải thu nhận thêm giới trí thức quan lại đồng bằng để điều hành một tập thể lớn mạnh và phức tạp hơn, thì “Cộng đồng sắc tộc bình dân” trở thành một “Cộng đồng sắc tộc quý tộc” mới đứng ra lãnh đạo đất nước.

– Người gốc Hán cần bản địa hóa một phần để dễ cai trị thổ dân thì người bản địa cũng cần Hán hóa một phần để vận hành chính quyền theo mô thức phương bắc. Vì thế, nếu “Cộng đồng sắc tộc quý tộc” thời Lý, Trần mà nhóm trung tâm bao gồm người lai hay người bản địa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa, do đó, có tính cách Hán-Việt, thì “Cộng đồng sắc tộc quý tộc” mới do Lê Lợi lãnh đạo này có sắc tộc cốt lõi hình thành nên nhóm trung tâm là người Việt, do đó, có tính cách Việt-Hán.

 

 

 

Phần III

CƯ DÂN GIAO NAM THỜI ĐẠI CÁO

(Kỳ 8)

 

 

Như vậy, tập hợp người Đại Việt thời Lý – Trần đủ điều kiện là một “cộng đồng sắc tộc” theo định nghĩa của Smith. Tuy nhiên, để chính xác hơn, chúng ta cần kiểm tra chéo tập hợp người Lý-Trần với năm yếu tố tạo nên cấu trúc-sắp xếp điển hình của “cộng đồng sắc tộc” do Smith đưa ra. Ông diễn giải năm yếu tố như sau:

a. Một khối lớn nông dân, thợ thủ công trong thôn làng và thị trấn nhỏ, tùy thuộc vào một số hạn chế tự do khác nhau (lao dịch, chế độ nông nô, sự miệt thị, đẳng cấp) và gắn bó với “văn hóa truyền thống” địa phương (các phương ngữ, truyền thuyết, tập quán và nghi lễ nông thôn, trang phục, vũ nhạc, nghề thủ công) chịu ít nhiều ảnh hưởng bởi Truyền Thống Lớn gần nhất.
b. Một tầng lớp thị dân nhỏ gồm các nhóm tinh hoa cạnh tranh nhau – các nhà cai trị và triều đình của họ, quan liêu, chủ đất quý tộc, lãnh đạo quân sự – độc quyền của cải và quyền lực chính trị, tập trung lỏng lẻo tại một thủ đô hành chính và vùng lõi, giữ vai trò tông chủ cho các tầng lớp thần thuộc chuyên về thương mại hay mỹ nghệ.
c. Một tầng lớp tu sĩ-thư lại tí hon tự cho mình độc quyền hệ thống đức tin, nghi lễ và dịch vụ giáo dục của cộng đồng, họ hành động như truyền nhân và kênh dẫn kết nối chủ nghĩa tượng trưng của họ với các nhóm tinh hoa thị dân khác nhau và với nông dân-thợ thủ công, qua đó tìm cách hợp nhất các Truyền Thống Nhỏ của nhóm cư dân sau vào Truyền Thống Lớn trung tâm, truyền thống mà họ hành xử vừa như giám hộ vừa như tác nhân của sự xã hội hóa.
d. Một kho thần thoại, ký ức, giá trị và biểu tượng, thường được mã hóa, diễn tả và giải thích sự tự nhận thức, các nguồn gốc, sự phát triển và số phận của cộng đồng, vị trí của nó trong trật tự vũ trụ; tất cả những điều này được thể hiện bởi một loạt nghi thức, nghi lễ, đồ tạo tác cùng luật lệ trói buộc cộng đồng với chư thần trên trời và quê hương dưới đất.
e. Các quá trình giao tiếp, chuyển tải và xã hội hóa kho dự trữ thần thoại, ký ức, giá trị và biểu tượng giữa những tinh hoa đô thị và các thần thuộc chuyên biệt của họ, đôi khi hướng ra hay hướng xuống nông dân lệ thuộc nếu cần thiết, chủ yếu thông qua nghi lễ và thờ cúng; cách phát tán những châm ngôn và lời răn của sách thánh, cách dùng biểu tượng trong nghệ thuật, kiến trúc và trang phục, sự soạn thảo tỉ mỉ các truyền thuyết, bài ca, sử thi, thánh ca truyền khẩu; cũng bao gồm sự công bố luật pháp và chỉ dụ, là dăm bài học thuộc lòng sơ sài trong trường sở tại dành cho các thành viên được tuyển chọn thuộc các tầng lớp khác nhau; và cách sử dụng binh dịch hay lao dịch cho công trình công cộng.(227)

Các mục “a”, “b”, “c” chính là sơ đồ Gellner thể hiện bằng chữ kèm với nhận xét về tác động của các tập hợp người thuộc “cộng đồng sắc tộc”. Cấu trúc chức năng của xã hội tiền công nghiệp này chúng ta đã thảo luận bên trên. Nội dung mục “d” cũng đã được đối chiếu với trường hợp Đại Việt trong phần giải thích định nghĩa dân tộc của Smith.

Có thể nói mục “e” là liệt kê các hoạt động cần thiết để gắn kết nhiều tập nhóm dân cư, vốn đa tạp thời trung đại, vào một trung tâm chính trị. Bóng dáng những cách thu thập, xếp đặt, sáng tạo, phổ biến các nội dung truyền thuyết-lịch sử-tôn giáo-nghệ thuật có thể thấy được qua văn bản thời Lý Trần như Lĩnh Nam chích quái, Thiền Uyển tập anh… Kiến trúc, nghi thức, chương trình hoạt động trong chùa quán do nhà nước bảo trợ, định chế minh thệ ở đền sơn thần hay sân Long Trì, phân kỳ lễ tiết với nội dung nhất định… đều là phương tiện lan tỏa quan niệm tinh thần và vật chất, cũng là quyền lực, của giới cai trị. Ở chiều ngược lại, ta thấy các vua Lý đã mượn biểu tượng Phật giáo hay tín ngưỡng dân gian vốn đã phổ thông trong xã hội để gia tăng lực hướng tâm, các vị còn chính trị hóa những huyền thoại nhân thần địa phương như Lý Phục Man (1016), Phạm Cự Lạng (1037)…, thao tác kéo dài đến đời Trần qua danh mục thần trong Việt điện u linh. Tuy nhiên, quyết sách quan trọng đặc biệt hướng đến nhất thống cộng đồng giai đoạn Lý Trần, theo thiển ý, là việc Lý Thái tổ cùng gia tộc, từ sinh hoạt song ngữ, ngả mạnh sang nói tiếng proto Việt Mường. Chính thống hóa một phương ngữ của số đông sẽ tạo môi trường giúp hoạt động văn hóa-xã hội mang lại hiệu quả cao hơn theo thời gian.(228) Tóm lại, cộng đồng sắc tộc Đại Việt hội đủ năm yếu tố của cấu trúc mẫu xây dựng bởi Smith.

Không dừng ở khái niệm “ethnie” chung chung, căn cứ cách chính quyền huy động binh lính cho chiến tranh, Smith phân “cộng đồng sắc tộc” thành hai loại: cộng đồng sắc tộc lãnh đạo bởi quý tộc phát triển theo chiều bên (lateral-aristocratic ethnie) và cộng đồng sắc tộc lãnh đạo bởi bình dân liên kết theo chiều dọc (vertical-demotic ethnie). Dưới đây gọi tắt là “cộng đồng sắc tộc quý tộc” và “cộng đồng sắc tộc bình dân”.

Cộng đồng sắc tộc quý tộc: là những cộng đồng mà các tầng lớp xã hội ít thâm nhập sâu vào nhau, chúng có xu hướng mở rộng ra trong không gian theo kiểu rời rạc, vô hạn. Tầng lớp trên điển hình là quý tộc, đôi khi gồm cả tăng lữ, thư lại, thương nhân giàu có ở đô thị. Văn hóa cộng đồng bị phân tầng, văn hóa tinh hoa thiếu sức mạnh khuếch tán. Ngoài triều đình và quan liêu, chỉ quý tộc lớn nhỏ hay giáo sĩ mới tiếp cận với Truyền Thống Lớn, thứ công cụ liên kết tinh hoa với nhau một cách lỏng lẻo đồng thời ngăn cách họ với đại đa số dân chúng, đặc biệt ở vùng thôn quê, những người thấm đẫm văn hóa dân gian. Cộng đồng sắc tộc quý tộc có hai đặc tính: ranh giới không rõ ràng và sức tồn tại dai dẳng. Smith đưa ra ba ví dụ là Vương quốc Hittite, Vương quốc Hindu của người Arya, Vương triều Archaemenid của người Ba Tư.

Chế độ quý tộc chiến sĩ Hittite đã từ miền bắc thâm nhập bình nguyên Anatolia (nay thuộc Thỗ Nhĩ Kỳ) vào đầu thiên niên kỷ II trước công nguyên. Khoảng năm 1750 TCN họ thành lập Cổ vương quốc Hittite, một nhà nước liên minh lỏng lẻo của quý tộc phong kiến thống trị dân cư nông nghiệp bản địa là người Hattia và Kanesh. Theo tổ chức của kẻ xâm lược, thuộc dân, dân thường không được gồm trong định chế pankush (có nghĩa “toàn cộng đồng” nhưng thành viên thực tế là hoàng gia, quý tộc, tăng lữ). Pankush có thẩm quyền tấn phong hay bãi miễn vua Hittite. Cổ vương quốc bành trướng dần về phía nam và đông, cướp phá Babylon năm 1595 TCN. Khoảng từ thế kỷ XV đến XII TCN, người Hittite tạo nên một đế quốc hùng mạnh, cùng Tân vương quốc Ai Cập thống trị vùng Cận Đông. Tại chính quốc, xã hội được tái tạo thành một “liên hiệp chiến thắng”, theo đó các sắc dân bị chinh phục và thành bang được ràng buộc với ông chủ Hittite bằng những thỏa ước. Văn hóa, đức tin của thần thuộc vẫn được giữ nguyên. Về mặt tôn giáo, người Hittite thể hiện cái gọi là “liên hiệp tinh thần”: một mặt, họ duy trì chặt chẽ hoạt động tín ngưỡng tại khu thờ lộ thiên Yazilikaya, gần kinh đô Hattusas; mặt khác, họ tiếp nhận các loại thánh thần của sắc dân láng giềng cùng với đền đài, nghi lễ và giáo sĩ của chúng. Người Hittite bộc lộ mọi lợi thế và khuyết điểm của một cộng đồng sắc tộc quý tộc. Tổ chức mềm mại và đặc tính dung hợp văn hóa giúp họ tiếp thu tinh túy văn minh Ai Cập, Babylon, Mitanni…; cách triển khai đội hình binh xa trên trận địa mang đến cảm giác cùng chung số phận giữa nguy hiểm thường trực của chiến tranh. Tuy nhiên, chính lợi thế lại mang theo sự cám dỗ khiến người Hittite khuất phục trước các nền văn hóa cổ hơn hay phát triển hơn. Mặc dù có nhiều đặc điểm nổi trội: tham vọng đế quốc, định chế phong kiến điển hình, ngôn ngữ và tôn giáo Ấn-Âu, kiến trúc kỳ vĩ, phong cách điêu khắc độc đáo…, cộng đồng sắc tộc Hittite không tồn tại lâu sau khi đế quốc sụp đổ. Vào giai đoạn chót, trọng điểm văn hóa Hittite chuyển sang vài thành bang nhỏ xung quanh Carchemish phía đông bắc vùng Lưỡng Hà, phồn thịnh trong quãng 1100-850 TCN trước khi bị chìm đắm bởi sự bành trướng của người Assyria và các đợt di cư của tộc Aram.

DaiCao-PhuDiauAiCap

Phù điêu Ai Cập miêu tả chiến xa Hittite
(https://en.wikipedia.org/wiki/Chariot)

Đầu thiên niên kỷ I TCN, chiến binh Arya từ Trung Á tỏa xuống bình nguyên bắc Ấn Độ, đặt cư dân bản địa Dasa da sẫm dưới chế độ phong kiến của họ.(229) Theo thánh ca Vệ Đà, xã hội du mục Arya đương thời đã phân thành ba giai cấp: chiến sĩ (Kshatrya), tăng lữ (Brahmin), nông dân và thương buôn (Vaishya); người bại trận bị xếp vào đẳng cấp thấp nhất (Shudra) lúc đó xem như nằm ngoài cộng đồng. Thần thoại, lễ nghi của Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư phát tán vô cùng chậm ngay cả khi triều đại Maurya (321 – 185 TCN) tạm thống nhất Ấn Độ. Giai đoạn lan tỏa cuối cùng của văn hóa Bà La môn là dưới thời Mughal (1526 – 1540 & 1555 – 1857), đặc biệt thời Thực dân, khi truyền thông và chế độ quan liêu tạo điều kiện tăng tốc sự thâm nhập. Quá trình phát triển của người Arya và người Hittite có lẽ tương tự nhau, sau cùng, tập đoàn phiêu lưu hấp thu mớ hổ lốn tôn giáo-văn hóa của tiểu lục địa nhưng vẫn bảo tồn văn hóa, đặc quyền của giáo sĩ và các nhân vật đáng kính. Chức năng ban đầu của nhóm nhân sự này là thực hiện tế lễ nhân danh vương gia, dần dần chức năng của họ thay đổi theo sự phát triển của ngôn ngữ Sanskrit linh thiêng, của kinh thánh và nghi thức tắm gội. Dù không được tổ chức tập trung như tăng đoàn Cơ Đốc hay Iran, học giả và giáo sĩ Bà La môn – với ưu thế từ tài sản, kiến thức, đền miếu – vẫn đủ sức biên soạn, truyền bá lời dạy từ sách thiêng; họ cô lập, thậm chí loại trừ các đạo Phật, Kỳ Na khỏi tiểu lục địa. Ở miền nam, nơi giới dũng sĩ bất lực, các Bà La môn nhờ việc định cư và quyền chủ đất dần dần kéo bọn người ngoại giáo về phía mình, gộp họ vào nền văn hóa của sắc tộc Hindu. Bằng cách này, một cảm thức rộng rãi, khoan dung về tính cách sắc tộc Hindu sản sinh, đủ sức huy động dân chúng đề kháng cuộc chinh phục của người Hồi và người Anh về sau. Ở mức độ buông lơi hơn, đạo Hindu còn gồm các nhánh văn hóa-sắc tộc Bengal, Andhra, Marathi, Gujarat…là các phiên bản địa phương mạnh mẽ nằm trong tổng thể văn hóa Hindu. Sức thu hút của cộng đồng sắc tộc Aryan Hindu, với hệ thống đẳng cấp đặc thù, khiến văn hóa tầng lớp trên dần lan tràn đến toàn bộ dân cư, ngấm xuống tận văn hóa thôn làng thuộc nhiều khu vực.

DaiCao-DangCapHindu

Hệ thống đẳng cấp Hindu
Tăng lữ, vua-chiến sĩ, thương nhân-địa chủ, nông dân-thường dân-đầy tớ, tiện dân
(http://bit.ly/2YlrAe4)

Một cộng đồng sắc tộc quý tộc nổi tiếng khác tồn tại thời gian dài đủ tạo ra những thực thể và cấu trúc xã hội lâu bền là tập hợp dân chúng dưới triều đại Achaemenid (550 – 330 TCN). Vương triều này sinh ra từ liên minh các bộ lạc Medes và Ba Tư. Các nhóm liên quan đã hình thành cộng đồng sắc tộc song đôi, dựng lên hệ thống triều đình, quan liêu, quý tộc và tăng lữ để cai trị đế quốc lớn nhất Cận Đông cổ đại. Có thể thấy rõ văn hóa Iran qua nghệ thuật, kiến trúc độc đáo, trang phục nổi bật, ngôn ngữ Ấn-Âu và tính hiệu quả của tổ chức hoàng gia. Tuy nhiên, giống trường hợp Hittite, tôn giáo Iran bị pha trộn bởi các loại tín ngưỡng đa thần rơi rớt lại từ xưa. Mặc dù vua Darius (550 – 486 TCN) dường như chấp nhận thờ cúng Ahura-Mazda(230) và vua Artaxerxes I (trị vì 465 – 425 TCN) biến đạo Mazda(231) thành tôn giáo chính của dòng họ cai trị, vẫn có sự khoan thứ rộng rãi đối với đức tin và văn hóa khác biệt, không chỉ trong lãnh thổ đế quốc mà còn trong phần đất gốc Iran. Điều này phản ánh cơ cấu phong kiến lỏng lẻo của xã hội Iran và mức độ tự trị của thần dân, gồm cả tập quán, được giới cầm quyền thừa nhận. Một lần nữa, ranh giới mơ hồ của cộng đồng sắc tộc quý tộc; sự thiếu vắng niềm tin nhiệt thành và duy nhất; sự thất bại, vào thời đó, trong việc biến truyền thống thiêng liêng thành kinh sách để có thể thảo luận; sự xâm nhập chưa đầy đủ xuống tầng lớp nông dân, đã góp phần vào việc sụp đổ của vương triều-cộng đồng Ba Tư trước cuộc công kích của Alexander và các kế thừa. Khi một triều đại Iran khác cố dành quyền lực, họ lại không đến từ Pars/Fars đất gốc mà từ Parthia ở miền đông: nhà Arsacids (250 BC – 226). Chỉ khi Ardashir (180 – 242) dòng Sassanid – đến từ Pars, tự nhận là hậu duệ nhà Achaemenids – lật đổ chế độ Parthia năm 224 để sáng lập đế quốc Sassanid thì nổ lực dứt khoát mới được thực hiện thông qua cải cách tôn giáo bởi Kartir(232) kèm nhiều biện pháp khác nhằm ổn định, kết tinh một nhà nước sắc tộc Ba Tư.(233)

DaiCao-MoCyrus

Lăng mộ Cyrus đại đế, người sáng lập đế quốc Achaemenid
(https://en.wikipedia.org/wiki/Achaemenid_Empire)

Cộng đồng sắc tộc bình dân: ngược lại với tính uyển chuyển và khai phóng của loại hình cộng đồng sắc tộc phát triển theo chiều bên đề cập ở trên, các cộng đồng bình dân đặt nặng ràng buộc sắc tộc giúp họ chống lại “người lạ” hay “kẻ thù”. Điều này đòi hỏi sự chú trọng đến biên giới rõ ràng, tôn giáo thuần khiết, ngăn cấm đồng hóa văn hóa và hôn nhân xuyên tôn giáo-sắc tộc. Với đặc điểm như thế, nó rất khác với cộng đồng sắc tộc quý tộc vốn tồn tại dựa vào đẳng cấp thay vì liên hệ họ hàng hay tôn giáo. Mặc dù vài cộng đồng sắc tộc quý tộc có thể gánh vác nhiệm vụ tựa-như-tôn-giáo, công việc như thế chỉ là giả vờ; ngược lại, trong cộng đồng sắc tộc mang tính bình dân hơn, sùng bái và thuần thành tôn giáo phần nào là bản chất. Nhờ đó nó động viên được tình cảm gắn bó và hành động tự nguyện hi sinh mạnh mẽ nhân danh tập đoàn; cũng nhờ đó, những lãnh đạo và nhân vật đáng kính giàu sức thu hút, vốn được xem như đại diện thể hiện tính cách chung, mới đảm nhận được vai trò quan trọng. Trong những trường hợp này, chiến tranh thường xuyên đóng vai trò thắt chặt cộng đồng; nhưng ở đây, hiệu quả sản sinh là đồng cảm của đa số về sự tồn vong tập thể, là sự liên lập trong chiến trận giữa mỗi người với láng giềng, đồng thời với cộng đồng như một tổng thể, hơn là kỳ tích cá nhân vinh quang của hiệp sĩ hay chiến sĩ trên xe ngựa. Như thế, chúng ta mong đợi sự dao động và bất ổn lớn hơn trong lòng cộng đồng sắc tộc bình dân, với những biến chuyển của “tính cách” sắc tộc, tùy thuộc vào tương tác giữa vận mệnh vật chất, chính trị và giải thích mang tính tôn giáo của họ về mọi thăng trầm.

Có thể phân loại hình cộng đồng sắc tộc bình dân thành bốn tiểu loại:

– Các hiệp hội thành bang:

Ví dụ như các cộng đồng người Sumer, Phoenicia, Hy Lạp. Dân chúng của từng nhóm ngoài lòng trung thành với thành bang của họ còn gắn bó bởi một nền văn hóa chung, như văn hóa Lưỡng Hà, văn hóa Phoenicia và văn hóa Cổ Hy Lạp.

– Các sắc tộc “biên thùy”:

Hình thành do vị trí địa chính trị, giữa hai thế lực cạnh tranh lớn, như Armenia giữa La Mã và Ba Tư, Do Thái giữa Ai Cập và Assyria; hoặc nằm trên/trong lộ trình/khu vực kinh tế chiến lược như Thụy Sĩ, Kurd và Czech. Chiến tranh liên tục khiến giữa dòng họ cai trị và các tầng lớp có mối cố kết thay vì phân tầng, ít nhất là sự tự ý thức lan rộng hơn về một cộng đồng cùng chia xẻ số phận.

– Các liên minh bộ lạc:

Cần nhấn mạnh rằng không phải tất cả liên minh bộ lạc đều có mối quan hệ bình dân trong nội bộ. Trải qua chiến tranh, một đẳng cấp quý tộc-chiến sĩ đã nổi lên trong các liên minh Thỗ Nhĩ Kỳ Ottoman, Ba Tư, và phần nào đó Á Rập. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy mối quan hệ này trong các liên minh Zulu dưới quyền Shaka,(234) Mông Cổ dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, Kurd trong những pháo đài sơn cước, và Do Thái khi tiến vào Canaan.(235) Trong những trường hợp sau, chiến tranh thường trực kết hợp sự phân khúc một tập nhóm từ đơn vị văn hóa-tôn giáo lớn hơn, đã đông kết, duy trì cảm giác về căn cước sắc tộc riêng biệt. Mặc dầu các đơn vị bộ lạc nguyên thủy mang nhiều biến thể văn hóa như các đơn vị thuộc hiệp hội thành bang, chúng vẫn hình thành cộng đồng sắc tộc có thể nhận ra được, không chỉ nhờ đặc điểm văn hóa “khách quan” mà còn nhờ thần thoại, biểu tượng, ký ức, giá trị do chiến tranh và chinh phục liên tục biến thành di sản/tài sản của toàn bộ dân số. Mặt khác, vận động tôn giáo, nhận thức xã hội, vị trí lãnh thổ…theo thời gian ràng buộc các thị tộc/bộ lạc vào một cộng đồng sắc tộc rắn chắc dù thiếu vắng nhà nước tập trung.

DaiCao-Shaka

Shaka – Vua vương quốc Zulu
(https://en.wikipedia.org/wiki/Shaka)

– Các nhóm định cư và giáo phái:

Cộng đồng sắc tộc bình dân phổ biến nhất là các nhóm định cư, ví dụ như người Hy Lạp và Lebanon ở Tây Phi, người Ấn Độ ở Đông Phi, người Do Thái và Armenia, người Hoa ở Đông Nam Á. Họ sống thành nhiều khu vực riêng lọt thỏm giữa xã hội sở tại, nên buộc phải nuôi dưỡng thần thoại, ký ức, nghi lễ và giá trị gia đình…nhằm duy trì ý thức bảo vệ phẩm giá tập thể để sinh tồn trong môi trường bất trắc. Giao tiếp giữa các khu định cư củng cố thêm cảm nhận về sự gắn bó và vận mệnh chung của cộng đồng. Trao đổi thương mại, ý tưởng giữa các khu định cư, đặc biệt của Hoa và Do Thái, dần tạo nên mạng lưới khu vực và sau cùng là một cộng đồng sắc tộc hầu như mang tính toàn cầu.

Với các tập đoàn thiên di để bảo toàn đức tin như Druze,(236) Parsees,(237) Maronite(238)…, truyền thuyết di cư và cách thờ cúng bí truyền giúp sản sinh mối liên kết xuyên giai cấp. Tính cố kết càng bền vững dưới thái độ thù địch từ bên ngoài và nổ lực nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình, thị tộc bên trong. Với trường hợp người Copts(239) ở Ai Cập và người Assyria(240) ở Iraq, kinh nghiệm lệ thuộc vào những thực thể văn hóa xa lạ, sau giai đoạn bành trướng nhiệt thành ban đầu, đã biến những nhà thờ tỉnh lẻ thành các giáo phái, rồi thành những cộng đồng sắc tộc mang tính tôn giáo được định danh. Liên hệ với “quê hương”, tức một trung tâm lãnh thổ, là phần quan trọng của quỹ đạo “giáo-phái-đến-sắc-tộc”, ví dụ như sự kết thành đạo Sikh quanh trung tâm thờ cúng Amritsar. Tuy nhiên, điểm quan trọng là một quyển kinh hay một ngôn ngữ thần thánh, qua đó những trung tâm được không ngừng tán dương và tưởng niệm. Nhờ hai công cụ lãnh thổ-kinh sách, ký ức tập thể được nuôi dưỡng liên tục để dần dà tạo nên tính cách sắc tộc.

Theo Smith, khác biệt giữa các tiểu loại cộng đồng sắc tộc chỉ tương đối, thậm chí tồn tại phần giao giữa cộng đồng sắc tộc quý tộccộng đồng sắc tộc bình dân. Đặc tính của các cộng đồng có thể thay đổi theo hoàn cảnh, nhu cầu từng giai đoạn. Một “liên minh bộ lạc” thể hiện đặc tính “bình dân” ban đầu qua chiến tranh và di trú, khi đó thủ lĩnh thị tộc cùng chiến sĩ bộ lạc kết hợp chặt chẽ với nhóm người phụ thuộc dưới quyền; nhưng yếu tố “bình dân” sẽ dần mai một khi cộng đồng ngả sang xu hướng cư trú ổn định, đặc biệt khi chuyển thành một thực thể khác khiến gia tăng hố ngăn cách giữa chiến sĩ và nông nô. Các “hiệp hội thành bang” cũng thế, yếu tố “bình dân” bị kìm hãm dưới hệ thống cai trị bởi nhóm nhỏ quý tộc, đặc biệt khi nông dân bản địa không còn tham gia vào quân đội, nó ảnh hưởng đến tính chất phổ quát của “hiệp hội sắc tộc” trên tổng thể như đã xảy ra với Liên đoàn La Tinh,(241) Liên minh Sparta(242) và mạng lưới tôn giáo Sumer(243) dựa vào Nippur.(244)

Như vậy, dựa theo phân loại bởi Smith và thông tin về xã hội Lý Trần đã trích xuất để thảo luận bên trên, chúng ta có thể xếp nhóm cư dân Đại Việt vào loại hình cộng đồng sắc tộc quý tộc. Việc gì đã xảy ra vào cuối đời Trần? Ba mươi năm cuối của triều đại là quá trình chia rẽ dẫn đến tan vỡ của tập đoàn cầm quyền. Biên niên sự tàn hại lẫn nhau trong nội bộ hoàng gia như sau:

Năm 1369, Trần Nhật Lễ đánh thuốc độc Thái hoàng thái hậu Hiến Từ. Năm 1370, vua Đại Định xử tử Thái tể Trần Nguyên Trác cùng 18 tôn thất âm mưu sát hại ông; cuối năm, Trần Phủ (Nghệ tông) dấy binh trừ Nhật Lễ và đồng mưu Trần Nhật Hạch. Năm 1381, Trần Hiện giết con Thượng hoàng Nghệ tông là Ngự Câu vương Trần Húc vì theo quân Chiêm đánh lại nhà Trần. Năm 1388, Nghệ tông cho thắt cổ Hiện. Năm 1390, em Phế Đế là Trần Nguyên Diệu đầu hàng Chiêm Thành, bị bộ hạ Trần Khát Chân sát hại khi quay về đầu thú với thủ cấp Chế Bồng Nga. Năm 1391, Quý Ly ngầm khử Thái úy Trần Ngạc, con trưởng Nghệ tông. Năm 1392, Trần Nhật Chương mưu sát họ Hồ bị Nghệ tông khép tội chết. Năm 1395, Quý Ly giết tôn thất Trần Nguyên Uyên và Trần Nguyên Dận vì hai người bàn chuyện Nhật Chương trong đám tang Nghệ tông. Năm 1399, Quý Ly bức tử Trần Thuận tông; cùng năm, nhóm Trần Khát Chân mưu thích khách quan Nhiếp chính bị truy sát 370 người. Trừ gia tộc Nguyên Đán còn giữ chút quyền lực, đa phần người họ Trần từ trước đó đã dần lui về lẩn khuất trong các điền trang. Khi quân Minh sang, Toàn Thư chỉ chép hai tôn thất cũ đang làm quan là Thị trung Trần Nguyên Chỉ và Trung thư lệnh Trần Sư Hiền; Nguyên Chỉ cùng công chúa Thiên Huy dẫn dân chúng chạy loạn ra Đồ Sơn, Sư Hiền cùng công chúa Thiên Gia đi thuyền ngược sông Hồng hàng giặc.

Hồ Quý Ly thực ra cũng người tông tộc Trần nhưng thuộc ngoại vi nên tránh được tinh thần suy mòn của Thăng Long. Chính sách hạn điền hạn nô và trọng Nho của ông không mục đích gì khác hơn nhằm gia tăng sức mạnh quốc gia trên cái giá phải trả của đại địa chủ và nhà chùa. Chủ đất lớn, chùa do nhà nước bảo trợ, hẳn đều liên hệ gần xa với họ cũ. Đầu đời Hồ, sĩ đại phu tùy thời như Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu, Đồng Thức… từng dâng thư khuyên giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt ruộng và nô để hạn chế thế lực của họ. Nhưng khó xử hơn chính là các tu viện vì tôn giáo cũng sở hữu điền nô, bất động sản. Viết văn bia chùa Khai Nghiêm (Bắc Ninh), Trương Hán Siêu nhận xét sư sãi rằng: “chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng”.(245) Viết văn bia chùa Thiên Phúc (Bắc Giang), danh nho Lê Quát bảo rằng: “Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc”(Toàn Thư II, 164). Toàn Thư không nêu bất kỳ trường hợp nào triều đại mới mạnh tay với nhà chùa. Tuy nhiên, bằng việc chuyển sang tế Giao ở Tây Đô thay vì duy trì lễ yết chùa hay minh thệ ở Đông Đô, triều Hồ đã tách Phật giáo, và đồng bằng, khỏi mạng lưới quyền lực. Đối với nho gia, Hồ Quý Ly có đường hướng khơi gợi cảm hứng rất đặc biệt. Giải thích Nho giáo theo cách riêng, ông tán tụng Chu Công, bình phẩm Khổng Tử. Để chính danh hành động cao ngạo, Đế Thuấn được tôn làm tổ phụ.(246) Nhà cách mạng muốn kiến lập một Truyền Thống Lớn tân kỳ trên lãnh thổ Đại Ngu, thu nhận cả tư tưởng lẫn huyết thống trực tiếp từ thánh nhân cổ đại. Tuy nhiên, xem phản ứng từ Quốc tử Trợ giáo Đoàn Xuân Lôi trước sách Minh Đạo (Toàn Thư II, 197), sử thần Ngô Sĩ Liên trước Quốc ngữ Thi nghĩa (Toàn Thư II, 202-203)… ta thấy trí thức sông Hồng tư duy kém táo bạo hơn nhiều. Họ rất ngại ngùng khi phải nghĩ ngợi điều gì lệch với “chuẩn thằng” đã được chấp nhận bởi đồng đạo Trung Hoa cùng thời. Có lẽ dưới mắt Đông Kinh, lập ngôn bởi Hồ Quý Ly thể hiện biến dị đáng sợ của học thuyết Chu Khổng nơi vùng sâu vùng xa, tương tự biến dị của Phật-Lão nơi thôn bản. Nói cách khác, đa số sĩ nhân nhìn nó như cái Robert Redfield gọi là “Truyền Thống Nhỏ”.

Hồ Quý Ly thống lĩnh quân đội từ thời Trần Nghệ tông nên vốn có uy vọng trong bọn vũ nhân, ông dựa vào lòng trung thành của họ để tiến hành tái cấu trúc xã hội. Kế hoạch bắt đầu từ sớm khi Thượng hoàng còn sống. Đối tượng điều chỉnh gồm chủ đất lớn, chùa chiền lớn, sĩ phu Tống nho, quan liêu hoài cổ… đều tập trung ở sông Hồng. Vị thế dân sự không cho phép các phần tử ưu tú phản ứng xốc nổi nhưng rạn nứt giữa quý tộc tướng lĩnh và tăng lữ, địa chủ, trí thức… khó tránh khỏi. Tầm nhìn xa xôi của Quý Ly khiến việc thiên đô vội vã diễn ra ngay sau khi Nghệ tông băng hà. Bởi tuổi tráng niên cống hiến trọn vẹn cho chiến tranh Việt-Chiêm nên cái nhìn của ông thiên về miền nam hơn. Dường như ngoài ý định tránh phải ngồi giữa vùng đất sẽ sôi sục khi tân pháp được áp dụng triệt để; bằng mọi cách khai thác tiềm năng trong dân chúng, ông còn muốn tung toàn lực để kết thúc câu chuyện cũ nhàm với Chiêm Thành trước khi chuyển sang dự án khác. Ông để lại đồng bằng vô số những chủ đất nhỏ vô hại vì mỗi người chỉ còn mươi nô thuộc, nhưng vẫn phải mang về Tây Đô một số quan lại, nho sĩ để định hình triều mới. Có Phạm Cự Luận, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Bằng Cử… hăng hái phù trì, nhưng cũng có Nguyễn Nhữ Thuyết phản đối dời đô (Toàn Thư II, 204), Hà Đức Lân chê bai chủ trương kiểm tra ruộng đất (Toàn Thư II, 208), Nguyễn Dụng Phủ chất vấn ý nghĩa chức hiệu “Chương hoàng”(Toàn Thư II, 211), hay Nguyễn Bẩm đề nghị Hán Thương lên thay Thượng hoàng, nhường ngôi cho Thái tử Nhuế (Toàn Thư II, 218)… Lệnh gọi các quan cũ chờ bổ dụng vào tháng 7 ta năm 1406, khi Trương Phụ chuẩn bị tiến sang, cho thấy nhà Hồ thải loại nhiều người trái ý nhưng giờ chót lại e sợ họ ngả sang quân Minh. Ngoài ác cảm thâm niên của nho sĩ đối với sư sãi giàu có, những chuyển động như trên phơi bày thêm phân hóa bên trong tầng lớp thư lại quan liêu và ngăn cách giữa hoàng tộc, chiến sĩ với trí thức, hào trưởng. Tập hợp người Đại Ngu thiếu mất đặc điểm sau cùng trong định nghĩa về cộng đồng sắc tộc của Smith: một chừng mực đoàn kết, ít nhất giữa tầng lớp trên. Thực ra, đoàn kết xã hội vẫn có thể tạo sinh theo thời gian nhờ trạng thái ổn định tạm thời điều tiết bởi quân đội. Tiếc rằng người Minh đến sớm. Nếu các vua Lý, Trần, Hồ đều kiên quyết chống xâm lược vì họ nắm giữ bằng khoán vương quốc, thì các nhóm ưu tú bắc bộ dù sao đi nữa cũng nặng suy nghĩ theo lối bầy tôi. Chủ nào ít xâm hại quyền lợi của họ hơn thì đích thị là chủ tốt hơn. Vĩnh Lạc bảo rằng ông chân mệnh chủ tốt, chỉ làm điều tốt, nên kinh lộ phần nhiều đặt niềm tin vào cái tốt, xí xóa tính chất tự tuyên xưng. Tinh hoa đồng bằng không có nhu cầu đoàn kết với guồng máy cầm quyền từng buộc họ thu hẹp tài sản khiến thu nhập và thanh thế đều tụt giảm. Do vậy tiến trình phân rã của cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Ngu diễn ra chóng mặt, vô phương đảo hồi. Cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Ngu không biến mất, nó vỡ thành vô số mảnh rời. Hàng chục mảnh như thế tự suy tôn thủ lĩnh để kháng cự người Minh. Nhiều mảnh nhỏ ở kinh lộ bị chính quyền trấn áp bằng lính đồn trú và dân binh địa phương, hai mảnh lớn vùng trại chỉ huy bởi Giản Định-Trùng Quang và Lê Lợi phải cần lực bình định từ chính quốc. Dưới đây chỉ xét mảnh thành công trong việc phục sinh Đại Việt: nhóm Khả Lam.

Lê Lợi khởi thủy chưa nuôi ý định mang tầm quốc gia. Ông nói: “Trẫm lúc trước gặp cơn ly loạn, gửi thân chốn Lam Sơn, chỉ mong toàn tính mệnh mà thôi, chưa có ý giành thiên hạ.”(247) Trong bài Văn Thề do Hoàng Xuân Hãn sưu tầm được ở thôn Kiều Đại, Thanh Hóa quan điểm đó thể hiện rõ hơn: “Hoặc bằng đảng ra ý (?) xâm tiếm toan làm xằng (?) qua cửa quan làm hại. Nếu vậy (?) thì Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến (cộng) mười chín người đều hiệp lực chống giữ địa phương được an cư trong cõi xóm. Sống chết đều cùng nhau không quên lời thề tâm huyết.”(248) Qua Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho biết các vị Lê Nhân Chú, Trịnh Khả, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Thận có mặt trong lần hội thề năm Bính Thân (1416) này.(249)

Có thể nhận xét về người và đất thời tiền khởi nghĩa như sau:

– Ngoài Lê Lợi tự xưng phụ đạo lộ Khả Lam còn có Lê Lai phụ đạo Dựng Tú và Lê Thận phụ đạo Mục Sơn. Lê Nhân Chú và Trịnh Khả gọi Lê Lợi bằng cậu, Lê Lý người Lam Sơn, Lê Văn An người Mục Sơn.
– Phần đất của các phụ đạo nói trên mang tính tự trị, không có nhân viên chính quyền trông coi hành chánh hay an ninh.
– Mục đích là chống lại sự xâm nhập làng xóm để gây hại của bọn xấu.(250)
– Họ là những người theo tín ngưỡng vật linh.

Hoàng Xuân Hãn suy luận rằng phe Lê Lợi trước mắt muốn chống lại sự tranh chiếm đất đai của Tri huyện Lương Giang Đỗ Phú nhưng thâm tâm cũng định kế sách lâu dài vì việc nhận chức Kim Ngô tướng quân từ Hậu Trần cho thấy vị trại chủ đã nuôi lòng ái quốc. Do thấy phe Trần “chính trị bởi nhiều cửa mà ra” nên Lê Lợi phải náu hình, vờ nhận chức Tuần kiểm Nga Lạc để che mắt địch. Theo thiển ý, chức Tướng quân chỉ xác định Lê Lợi có nhiệm vụ huy động binh lính trong vùng đất tự quản khi có yêu cầu; chức Tuần kiểm hàm ý mỗi năm phải nộp cho chính quyền một số cống phú nhất định. Chúng giàu tính biểu trưng như chức Tri phủ Thanh Hóa vua Minh ban cho ông sau này. Lê Lợi vẫn chủ động việc của mình, trên đất mình.

Trong bảy tên tham dự hội thề được Lê Quý Đôn xác nhận chắc chắn có đến ba người là phụ đạo, tức tù trưởng miền núi, của các địa phương Lam Sơn, Mục Sơn, Dựng Tú. Nhân Chú và Khả có quan hệ huyết thống với Lê Lợi, Lý và An là người bản địa. Quan hệ giữa người trong nhóm không mang tính đẳng cấp vì “Tuy rằng phận vinh hiển khác nhau, mong có tình như cùng chung họ.”(251) Theo ghi chép của Toàn Thư, mãi đến sau cuộc chỉnh quân ở Nghệ An năm 1425, mới xuất hiện vị tướng Lam Sơn đầu tiên có chức vụ kiểu vương triều là Tư không Lê Lễ. Sau đó xuất hiện tiếp Tư đồ Trần Hãn, Thượng tướng Lê Nỗ… Trước chỉnh quân, mọi điều động nhân sự chỉ thể hiện vỏn vẹn cái tên chứ không kèm chức. Riêng phần Liệt truyện trong Đại Việt thông sử có đề cập chức vụ các tướng trước khi vào Nghệ An như Lê Thạch, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Thận dưới danh xưng Thứ thủ quân Thiết Đột, tên gọi chung chung dành cho các chỉ huy thuộc đội quân nòng cốt gốc Thanh Hóa.(252) Nếu xem xét tỉ mỉ, ta thấy lần chỉnh lý năm 1425 mang ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa chính thức thay đổi chiến lược nổi dậy vừa thay đổi sâu sắc tính chất của một tập đoàn người.

Sau nhiều lần chà xát dữ dội bởi quân Minh, tuyệt đại đa số người Giao Chỉ đã trở thành một loại “man” thuộc về tập hợp vĩ đại Cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Minh. Nhưng vẫn hiện hữu nhiều nhóm lớn nhỏ từ chối trở thành thần dân Trung Hoa. Có thể xếp các mảnh vỡ rơi ra từ khối văn hóa Đại Ngu vào dạng kết hợp văn hóa nào? Đặc biệt nhóm sơn cước Thanh Hóa? Với các thông tin liệt kê bên trên, chúng ta có thể nói tập đoàn bên lề Lam Sơn từ năm 1416 đến năm 1425 tồn tại như một cộng đồng sắc tộc bình dân dạng liên minh bộ lạc. Xin tạm gọi họ là Liên minh bộ lạc Khả Lam theo tên đơn vị hạt nhân. Bào tộc Lê Lợi giữ vị trí hạt nhân của bộ lạc chủ. Niềm tin vào lễ cắt máu ăn thề và chiến tranh liên tục chín năm tạo chất keo gắn kết nội bộ. Câu nói khuyến khích 14 vệ Thiết Đột an tâm đánh giặc chẳng thể hiện uy thế của hoàng đế trước quân tướng hoàng gia mà như giải bày ưu tư của trưởng tộc với các thành viên trong họ: “Bao giờ thấy vợ con ta nghèo túng thì vợ con các ngươi mới nghèo túng”(Toàn Thư II, 287). Đó là năm 1427, khi triều đình lâm thời cơ bản đã hình thành. Mặc bao biến chuyển, tinh thần Liên minh bộ lạc Khả Lam vẫn bền vững bên trong bộ phận cốt cán. Tạ Chí Đại Trường nhận rõ dấu vết “phụ đạo”, “tù trưởng” qua các chức danh “quản lĩnh”, thủ lĩnh” trong quan chế đời Lê. Theo ông, quản lĩnh chỉ lãnh đạo bộ lạc lớn, thủ lĩnh chỉ lãnh đạo bộ lạc nhỏ và gọi tắt là “man lớn”, “man nhỏ”. Ông Tạ đưa ra ví dụ như Quản lĩnh Hoàng Nguyên Ý ở Lạng Sơn và Quản lĩnh Lê Bồ, Lê Lao, Lê Lỗi thuộc nhóm Thanh Hóa. Như vậy ẩn sau hệ thống hành chánh dân sự vẫn tồn tại cơ chế quân quản kiểu bộ lạc, ngay cả tại đồng bằng. Dấu vết “thủ lĩnh” còn mãi đến đời Mạc.(253)

Liên minh bộ lạc Khả Lam phải tự chuyển biến khi tiến sang Nghệ An, thâu tóm nhiều thể loại người sinh sống tại bình nguyên và ven biển. Cơ chế điều hành kiểu thủ lĩnh quân sự thuần túy không thích hợp với địa hình, dân cư và kinh tế đa dạng trên toàn vùng Hải Tây. Trong thời gian rèn luyện tại Nghệ An vào mùa xuân năm 1425, Lê Lợi đã tổ chức lại quân đội và ban lãnh đạo với những danh xưng mô phỏng quan hiệu triều đình phong kiến. Cuối năm, sau khi dồn được giặc vào phủ thành Tân Bình, Thuận Hóa, các tướng suy tôn ông danh hiệu cao quý “Đại thiên hành hóa”. Chức vụ các cán bộ khởi nghĩa cũng trở nên hoa mỹ hơn như Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện, Thái giám Lê Khả, Á hầu Lê Như Huân…Khi tạm dừng ở Lỗi Giang vào mùa thu năm 1426, Lê Lợi một lần nữa củng cố đội ngũ trước khi đưa đại quân vào sông Hồng. Lần hành quân này rất sang trọng, có cả Hàn lâm viện mà Nguyễn Trãi là thành viên tháp tùng. Sang đông, lần đầu tiên ông chia Đông Đô và phụ cận thành bốn đơn vị quân chính gọi là đạo. Tập đoàn Khả Lam không chủ yếu là một đội quân nữa, nó bắt đầu có nhiều đất đai, bộ máy cai trị và trung tâm quyền lực cố định. Từ năm 1425 đến ngày Lê Lợi đóng dinh ở Đông Phù Liệt, khối Lam Sơn lột xác mạnh. Nó vượt khỏi kích thước liên minh bộ lạc. Dựa theo định nghĩa Smith, có thể xác định trong quãng thời gian đó thực thể Lam Sơn mang đặc tính của một cộng đồng sắc tộc biên thùy. Xét các thành phần căn bản tạo nên tập nhóm, chúng ta có thể gọi tên rành mạch hơn là Cộng đồng sắc tộc biên thùy Tây Việt. Nó có sự cố kết giữa dòng họ cai trị và các tầng lớp thay vì phân tầng, cũng trội lên ý thức về một cộng đồng cùng chia xẻ số phận. Điều đó bộc lộ cụ thể qua lệnh Lê Lợi ban cho tướng hiệu, quân nhân các xứ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa như sau: “Ta khởi binh ở đất các ngươi, đã gần thành công. Mong các ngươi trước sau một lòng, vàng đá một tiết, để trọn nghĩa vua tôi, cha con…Nay thiên hạ về một mối, ta cùng các ngươi nghĩa như cha con, mong các ngươi dốc lòng khôi phục lãnh thổ nước nhà…”(Toàn Thư II, 288). Và dụ ban cho tướng hiệu, quân nhân Tân Bình, Thuận Hóa như sau: “…Ngay ở kinh lộ của ta cũng chưa thấy có ai dốc lòng hết sức, lập công nêu danh mà bọn các ngươi là bề tôi ở chốn phên dậu biên cương lại biết nghĩ tới công sức của cha ông ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước. Lòng trung thành đó, thật đáng ngợi khen…”(Toàn Thư II, 293).

Sau trận Chúc Động-Tốt Động, quân Minh rút hết vào thành nên chính lệnh không đến các quận huyện nữa. Nhờ vậy người kinh lộ và các biên trấn phía bắc mới thoải mái yết kiến Lê Lợi tại hành dinh. Nhằm thay thế bộ máy hành chính thuộc địa đột ngột biến mất đồng thời gom đủ nhân lực để vây hãm các phủ trị, phe Lam Sơn phải tuyển mộ số lượng lớn quan liêu và tân binh, chắc chắn lớn gấp nhiều lần số lượng quan quân Lê Lợi đang thống lĩnh. Ngay tại thời điểm đó, việc thu nhận người hẳn không khó vì các cơ sở quản trị-kinh doanh của chính quyền Minh hay cường hào thân Minh sụp đổ qua đêm đã ném ra đường vô số lao động. Bộ máy quân chính mới, nhân dân mới một lần nữa biến đổi bản chất cộng đồng người dưới tay thủ lĩnh Khả Lam mà lúc này hầu như gồm toàn bộ dân chúng trên lãnh thổ Đại Việt cũ. Có thể nói cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Việt đang bước đầu hồi sinh.

Nếu cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Việt Lý Trần có sắc tộc lõi là cụm Mân Quảng, bao quanh gồm người lai hay người bản địa theo sát văn hóa Trung Hoa thì cộng đồng sắc tộc quý tộc mới có sắc tộc lõi là Việt, loại Việt vùng sơn địa chịu ảnh hưởng Hoa Hạ rất ít, bao quanh gồm các võ tướng gốc phụ đạo hay gốc “manh lệ” lập đại công. Dễ hình dung hơn nếu nói rằng nhóm trung tâm xưa là những người Hán-Việt, nhóm trung tâm nay là những người Việt-Hán. Người gốc Hán cần bản địa hóa một phần để dễ cai trị thổ dân thì người bản địa cũng cần Hán hóa một phần để vận hành chính quyền theo mô thức phương bắc.

Có phải toàn thể dân cư trên lãnh thổ Đại Việt đều tham gia quyết định chiều hướng của cộng đồng? E rằng không! Nhóm người có quyền như thế chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Con số nhân vật mang linh hồn Đại Việt vào cuối thập niên 1400 chỉ có chín ngàn. Nói như thế vì khi họ rời đi thì cộng đồng tiêu tan sinh khí. Mở rộng ra tới thủ lĩnh địa phương, những nhân vật khó tách rời thôn xóm để viễn du thì lượng cũng tăng chẳng bao nhiêu. Tạm căn cứ số kỳ lão phủ Bắc Giang theo Mạc Thúy xin nhập Giao Chỉ vào Đại Minh là 1.128, suy ra đại khái tổng kỳ lão của 17 phủ trên toàn quốc là 19.176. Như vậy có chút quyền khen chê chỉ khoảng 28.176 người, chiếm 0,54% tổng dân số gồm cả người man, chiếm 0,9% dân số không kể người man. Giả sử tính toán thiếu sót đến 100% thì phần được phép lựa chọn cũng không vượt quá 2% dân số, là tỉ lệ tinh hoa trong xã hội phương Tây trước năm 1836 theo Walker Connor. Khi Hồ Nguyên Trừng nói “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” hay Nguyễn Trãi nói “Lật thuyền mới biết dân như nước” thì nên hiểu “dân” thuộc về hạn ngạch ít ỏi này. Khối còn lại chưa có quyền theo hay không theo, quyền duy nhất của họ là tuân lệnh chủ chừng nào chủ còn đùm bọc cơm áo. Trong cộng đồng sắc tộc bình dân liên kết theo chiều dọc như Liên minh bộ lạc Khả Lam, “manh lệ” mang ý nghĩa nào đó, nhưng trong cộng đồng sắc tộc quý tộc Đại Việt phát triển theo chiều bên vốn phân tầng nghiêm ngặt, họ không hẳn là “con người” như ngày nay quan niệm.

Thời chiến tranh, hào sĩ đồng bằng không quan tâm đến Lê Lợi, gần toàn thắng họ vẫn chần chừ. Khoảng cách khó lấp đầy sinh ra từ khác biệt về văn hóa-sắc tộc. Quen sống trong xã hội tôn ti đẳng cấp thật khó chấp nhận cảnh đồng mâm của những “phận vinh hiển khác nhau”. Từ hệ thống định vị từng con người qua chức năng nghề nghiệp nhìn sang, cấu trúc kiểu Tây Việt dường như lộn xộn và thô lỗ. Lê Lợi hiểu điều đó nên khi cai quản gần trọn đất nước, chỉ trừ các thành đang bị bao vây, ông đã dự trù sự phân tầng phù hợp với giai đoạn mới. Hào kiệt được hứa hẹn những vị trí tả-hữu tướng quốc, thái phó, thái bảo, thái úy, đô nguyên súy, hành khiển… tùy vào kỹ năng dù quá trình đóng góp chưa có gì. Phân bổ chức vụ theo chiến công gặp phải thách đố từ yêu cầu phân bổ chức vụ theo gia thế.

Toàn Thư chỉ ghi lại vài sáng kiến của kinh lộ trong kỹ thuật phá thành, chẳng thấy gương mặt sáng giá nào ngoài bộ ba Trãi, Hãn, Xảo hợp tác cùng vua Lê chống chọi viện binh sắp đến. Có điều gì đó thật cay đắng, chỉ vì dúm nhỏ người tự phụ vào văn hóa Trung Hoa mà suýt nữa không có dân tộc Việt Nam hiện đại. Lê Lợi mang tâm thế khác khi chứng kiến Vương Thông hấp tấp kéo quân về nước, ông nhận biết giới hạn của hoàng đế Tuyên Đức. Văn bản công bố chiến thắng ra đời ngay sau đó hướng đến cả kẻ đọc được chữ Hán lẫn người nghe qua thông dịch Nôm. Một mặt, Đại Cáo khiến những người Hán-Việt có quyền chọn lựa hiểu rằng đế quốc Đại Việt không phải là Truyền Thống Nhỏ sinh ra từ Truyền Thống Lớn Trung Hoa, mà tự thân chính là một Truyền Thống Lớn. Mặt khác, Đại Cáo cung cấp cho dân bản thổ ít chữ hay mù chữ một huyền thoại đích thực về đấng cứu rỗi sinh ra từ họ, và nhờ trời, trở thành của họ.

Chúng ta đã khai thác sáu định nghĩa về dân tộc của sáu học giả Pháp, Liên Xô, Mỹ, Anh để tìm hiểu cấu thành của cộng đồng người trong cương giới Đại Việt. Trừ Anthony Smith tự xem lý thuyết của mình thuộc trường phái Biểu tượng-sắc tộc, có thể tạm xếp năm vị còn lại vào trường phái Hiện đại, ít nhiều xem dân tộc là tạo tác văn hóa. Lý thuyết của các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Nguyên thủy hay Lưu niên, cơ bản xem dân tộc là sản phẩm tự nhiên xuất hiện cùng với gia đình, không được bàn đến vì chúng bị giới chuyên môn bất tín nhiệm từ thập niên 1970. Lý thuyết trường phái Hậu hiện đại, vốn xem dân tộc đang tan vỡ và bị thay thế, cũng được bỏ qua vì không thích hợp với xã hội Việt Nam còn đâu đó trong quá trình nông nghiệp.

_______________ 

Chú thích (phần III, kỳ 8):

(227) Xem Anthony D. Smith (1986), The Ethnic Origins of Nations, Nxb Basil Blackwell (tái bản 2002), trang 42. Nguyên văn: 1. A large mass of peasants and artisans in villages and small market towns, subject to various restrictions on their freedom (corvée labour, serfdom, ghettoization, caste) and wedded to local ‘folk culture’ (vernaculars, legends, rural customs and rites, dress, dance and music, crafts) influenced loosely by the nearest Great Traditions. 2. A small urban stratum of competing elites in the main towns – rulers and their courts, bureaucrats, noble landowners, military leaders – monopolizing wealth and political power, and centred loosely on an administrative capital and core area, and patronizing specialist trading and artisan client strata. 3. A tiny stratum of priests/monks and scribes claiming a monopoly of the community’s belief-system, ritual and educational services, and acting as transmitters and conduits of its symbolism between the various urban elites and between them and the peasants and rural artisans, thereby seeking to incorporate the various Little Traditions of the latter into the central Great Tradition of which they act as guardians and agents of socialization. 4. A fund of myths, memories, values and symbols, often encoded, which express and explain the community’s perceptions of itself, its origins, development and destiny, and its place in cosmic order, all of these being manifested in a round of ceremonies, rites, artefacts and laws which bind the community to its celestial pantheon and its homeland. 5. Processes of communication, transmission and socialization of the store of myths, memories, values and symbols among both urban elites and their specialist clients, and where necessary outwards and downwards to the dependent peasantry, using mainly ritual and worship, dissemination of the precepts and morals of sacred texts, the use of symbols in art, architecture and dress, the elaboration of oral traditions, ballads, epics and hymns, but also the promulgation of legal codes and edicts, some rudimentary rote learning in local schools for selected members of various strata, and the use of military service and public works labour force.
(228) Việc thay đổi tiếng nói này tương tự như hiện tượng nhóm người Frank của Clovis I (466 – 511), viễn tổ nước Pháp, chuyển sang nói tiếng Vulgar Latin của đám bị trị đông đảo. Lý Thái tổ có lẽ đã chọn phương ngữ của nhóm đông và mạnh nhất, tức nhóm Hoa Lư của Lê Hoàn. Đây cũng là thứ tiếng mà vợ con ông sử dụng. Tiếc rằng người Việt chưa có chữ viết nên triều đình vẫn phải dùng chữ Hán thay vì dùng chữ của trí thức thuộc dân như nhà Merovingian. Chữ nôm có vẻ chỉ là hệ ký hiệu lởm khởm do người gốc Hoa đặt ra nhằm nhận dạng âm và nghĩa tiếng Việt chứ không phải ký tự do dân địa phương sáng chế.
(229) Giả thuyết về cuộc xâm lăng của người Arya vào tiểu lục địa hiện bị thách thức, một trong những phản biện đáng chú ý là từ Michel Danino (sinh năm 1956), học giả Ấn Độ gốc Pháp.
(230) Có nghĩa là Chúa-Thông-Tuệ (Wise Lord).
(231) Còn gọi là đạo Zarathustra.
(232) Giáo sĩ cao cấp đạo Mazda dưới bốn đời vua Sassanid kéo dài từ năm 240 đến năm 293.
(233) Phần nói về các cộng đồng Hittite, Arya, Persia chỉ là lược dịch. Xem chi tiết tại: Anthony D. Smith (1986), The Ethnic Origin of Nations, Nxb Basil Blackwell (tái bản 2002), trang 79-82.
(234) Shaka: tức Shaka kaSenzangakhona (1787 – 1828), vua vương quốc Zulu, Nam Phi. Ông cho phép người Âu hoạt động trong lãnh thổ vương quốc để cảm ơn công chữa bệnh của thương nhân Anh Henry Francis Fynn. Dù biết ít nhiều về phương Tây, Shaka cũng giống người Việt đồng thời, cho rằng lối sống Zulu ưu việt hơn.
(235) Khoảng 1250 – 1050 TCN.
(236) Druze: một nhóm tôn giáo-sắc tộc nói tiếng Á Rập sinh sống chủ yếu ở Syria, Lebanon, Jordan và Israel. Đạo Druze bao gồm các yếu tố của: đạo Ismail (một nhánh Hồi giáo Shia), thuyết ngộ đạo, thuyết Tân Platon, thuyết Pythagore… Kinh sách căn bản mang tên Các bức thư thông thái.
(237) Parsees: nhóm sắc tộc nói tiếng Ba Tư sinh sống tại Ấn Độ. Họ là tín đồ đạo Zarathustra, chạy khỏi quê nhà khi Hồi giáo xâm nhập Ba Tư (quãng thế kỷ VIII-X).
(238) Maronite: nhóm sắc tộc đến từ Antioch, Hy Lạp sinh sống tại Lebanon. Họ là tín đồ Thiên Chúa giáo.
(239) Copts: người theo một giáo phái Thiên chúa giáo chủ yếu sống ở Ai Cập, Lybia và Sudan.
(240) Assyria: nhóm người có tổ tiên là sắc dân Akkadia, theo đạo Thiên chúa (Nestorian), vốn định cư tại Iraq từ thời cổ đại.
(241) Liên đoàn La Tinh (Latin League): là liên kết gồm khoảng 30 làng hay bộ lạc ở Latium, gần đô thành La Mã, để phòng thủ chung (khoảng thế kỷ VII-IV TCN).
(242) Liên minh Sparta (Spartan confederation): liên minh các thành bang trên bán đảo Peloponnesus, miền nam Hy Lạp, đứng đầu bởi thành bang Sparta (khoảng thế kỷ VII-IV TCN).
(243) Sumer: hệ thống các thành bang ở phía nam khu vực Lưỡng Hà (cuối thiên niên kỷ IV TCN).
(244) Phần nói về các cộng đồng sắc tộc bình dân chỉ là lược dịch. Xem chi tiết tại: Anthony D. Smith (1986), The Ethnic Origin of Nations, Nxb Basil Blackwell (tái bản 2002), trang 83-87.
(245) Xem Viện Văn Học, Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội (1988), trang 748.
(246) Sau Triệu Đà và Hùng Vương, Đế Thuấn là vua tổ thứ III được đề xuất. Do triều Hồ ngắn ngủi nên về sau không ai nhớ từng xuất hiện quan niệm như thế trong sử Việt.
(247) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Lam Sơn thực lục, Nxb Văn Học, trang 360.
(248) Tập san Sử Địa sưu tập, Những bài khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Tạp chí Xưa&Nay – Nxb Hồng Đức 2017, trang 201.
(249) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn Hóa-Thông Tin 2013, trang 154, 199, 203, 212, 213, 215.
(250) Với mục đích này thì việc tên Nguyễn Trãi được liệt kê trong danh sách 19 nhân vật dự thề ở đầu bài văn có vẻ không hợp lý. Gia thế và hoài bão không cho phép Ức Trai tham gia một tổ chức quy mô tầm thường đến vậy. Bản sao Văn Thề sử dụng bởi Hoàng Xuân Hãn được chép năm 1931 nên độ chính xác hẳn phải bàn lại.
(251) Tập san Sử Địa sưu tập, Những bài khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Tạp chí Xưa&Nay – Nxb Hồng Đức 2017, trang 201.
(252) Trừ trường hợp rất đặc biệt là Lê Lai, được Quế Đường ghi nhận giữ chức Tổng quản phủ Đô tổng quản từ lúc mới khởi nghĩa. Có thể hiểu chức vụ này theo ba cách: là chức vụ cao nhất trong đạo quân sơ khai, là chức vụ được truy phong nhân dịp tái tổ chức năm 1425, do tác giả viết sai vì ông sống sau Lê Lai đến 300 năm. Dù hiểu theo cách nào cũng thiếu cơ sở để khẳng định có một hệ thống chức vụ cấp bậc kiểu phong kiến trong quân Lam Sơn thuở ban đầu.
(253) Xem Tạ Chí Đại Trường, Quản Lĩnh Và Thủ Lĩnh: Thiết Chế Phù Trợ Nhóm Lam Sơn Trên Đất Đông Kinh, tạp chí Hợp Lưu (2009). Bản điện tử http://bit.ly/2E53FY8.

bài đã đăng của Lê Tư

2 Comments (Open | Close)

2 Comments To "Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi (Kỳ 8)"

#1 Comment By Đức Tuấn On 01/09/2019 @ 3:33 am

Bài viết về quá trình hình thành dân tộc Việt Nam đáng chú ý và nên đọc

#2 Comment By chim sẻ On 01/09/2019 @ 4:28 am

Bài viết rất đặc sắc về quá trình dân tộc.