Trang chính » Chuyên Đề Trần Thị NgH., Giới thiệu tác phẩm, Phỏng vấn Email bài này

GIAO LƯU- RA MẮT TẬP TRUYỆN ÁC TÍNH CỦA TRẦN THỊ NGH

0 bình luận ♦ 15.07.2019
clip_image002_thumb.jpg

clip_image002

CAFÉ PHƯỢNG CÁC – 213 NAM KỲ KHỞI NGHĨA, P.7 QUẬN 3 SAIGON
9.30-11.30 NGÀY 27.04.2019

MC Lý Đợi: Xin tác giả có vài lời về tác phẩm ra mắt hôm nay.

Trần Thị NgH: Bà Âu Cơ, trong khi chờ thủ tục ly hôn với Lạc Long Quân đã đẻ ra 100 trứng. Ác Tính gồm 15 truyện ngắn dự kiến xuất bản năm 2016 nhưng do vướng hành chính và chủ trương này nọ nên hơn 2 năm sau mới được ra mắt. Trong khi chờ đợi, thêm 9 truyện đã được hạ sinh làm tăng số truyện lên 24 và khiến số trang từ hơn 200 tăng lên 367. Cũng nhờ Hội Nhà Văn cấp giấy phép xuất bản lần hai và Bùi Chát, thành viên nhóm Mở Miệng, cụ thể là công ty TNHH Domino Books đã tạo điều kiện cho Trần Thị Nghẹt Họng được há mồm.

Lý Đợi: Truyện của chị có cấu tứ không thông thường là vào cửa nào ra cửa ấy. Chị thì khác, vào một cửa ra một cửa, có phải là một chủ đích khi viết?

NgH: Thành thật mà nói, tôi thường khi lẽo đẽo theo nhân vật, dù đi vô hay đi ra; các chuyến đi không do tôi lập trình.

Lý Đợi: Điểm đặc sắc trong các tác phẩm của chị là tính chất liên-văn-bản. Tuy vào/ra bằng hai lối khác nhau, mạch truyện của chị luôn liền lạc với một thứ tiếng Việt chuẩn xác, súc tích, kỹ lưỡng. Làm thế nào chị có thể giữ được ngôn ngữ Việt tài tình như thế, dù đã được đào tạo theo chương trình Pháp?

NgH: Đơn giản là tôi đã học tiếng Việt như một người nước ngoài.

Lý Đợi: Truyện của chị đầy tinh thần hiện sinh, nhất là ở khía cạnh cuộc đời vốn đầy phi lý và nhàm chán, nhưng buộc ta phải đối diện và bước qua. Hiện sinh đến với chị như thế nào?

NgH: Hiện sinh là gì? Là “mỗi con người cá nhân – chứ không phải xã hội hay tôn giáo – chịu trách nhiệm tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách say mê và chân thành” (Kierkegaard). Thật tình chỉ khi anh đặt vấn đề hiện sinh tôi mới sực nhớ lại những gì đã được dạy hồi trung học. Theo định nghĩa này, con người hiện sinh xem ra độc lập, lành mạnh, và có khi vui đời hơn những kẻ để cho xã hội hay tôn giáo quyết định hạnh phúc của mình – miễn sao họ còn biết tôn trọng pháp luật để khỏi phải ngồi tù và chấp nhận một số giá trị đạo đức nhất định để không tự biến mình thành súc vật. Tôi cũng không chắc các bài học triết lý vỡ lòng hay cuộc sống khi lòng đã vỡ, cái nào đã ảnh hưởng đến thái độ viết của mình, nhưng có vẻ các nhân vật của tôi cộng sinh hơn là hiện sinh. Họ có tương tác và va đập.

Lý Đợi: Chị cũng vừa giễu cợt vừa trào lộng cuộc đời, đây là cá tính hay chọn lựa?

NgH: Chính xác là di truyền.

Lý Đơi: Cũng có xuất thân miền Tây như Sơn Nam, Trần Kim Trắc, Kiệt Tấn, Nguyễn Ngọc Tư…mà sao ngôn ngữ hành văn của chị ít dấu vết của vùng đất này?

NgH: Tôi chỉ trải qua vài năm đầu đời ở Cà Mau, sau đó hoàn toàn học hành và trưởng thành ở đô thị. Sài Gòn là một vùng đất của nhiều miền, nơi rù quến dân tứ xứ đến làm ăn lập nghiệp, nơi tập họp mọi sinh hoạt nghệ thuật từ mọi miền trong nước, cũng là nơi chào đón nhiều khuynh hướng tư tưởng thế giới. Thật dễ nhận ra một người Sài Gòn.

Lý Đợi: Đề tài và văn phong của chị rất thành thị rất hiện đại, có phải chị đã luôn nỗ lực làm mới mình?

NgH: Thú thật là xưa nay tôi chưa làm gì mà phải nỗ lực, vì cái chi khó thì tôi không làm.

Lý Đợi: Chị quan niệm thế nào về việc cầm bút? Nhà văn có nghĩa vụ hay sứ mệnh nào không?

NgH: Cầm bút thì cũng như thợ may cầm kéo, đồ tể cầm dao, thợ mộc cầm búa đinh, tiều phu cầm rìu, ca sĩ cầm máy vi âm… Mỗi người vừa kể đều có thiên hướng và thiên khiếu đối với cái mình thích. Nghĩa vụ của họ là cắt cho khéo, chặt cho đẹp, đóng cho chắc, bổ cho chính xác, hát cho hay – ít nhất là trong đánh giá chủ quan của chính họ. Còn sứ mệnh thì…tính sau đi. Thời trang có thể thay đổi theo thị hiếu quần chúng, dao búa có thể được thay thế bằng máy cắt, máy xẻ hoặc máy bắn đinh, còn vi âm thì…trong một vài tình huống hát mộc biểu cảm hơn và trung thực hơn lọc giọng qua hệ thống âm thanh hiện đại.

Lý Đợi: Trong quá trình sáng tác chị đã từng gặp những khó khăn gì?

NgH: Thỉnh thoảng bị nhiễu vì có người bấm chuông cửa đòi tiền điện, nước, rác.

Lý Đợi: Các nhân vật trong truyện của chị đều có vẻ bèo nhèo, nhưng hình như nam giới thì bèo nhèo thê thảm hơn và các người nữ như không còn cần đến họ. Vì sao vậy?

NgH: Họ đã bèo nhèo thê thảm trước khi bước vào chuyện kể của tôi. Phụ nữ nào mà cần đến một người đàn ông bèo nhèo thê thảm chứ?

Độc giả: Màu đỏ trong bức tranh tác giả chọn làm trang bìa là máu hay rượu vang?

NgH: Là sơn dầu.

Độc giả: Có sự liên quan gì giữa tranh bìa và nội dung tập truyện?

NgH: Bức tranh có tên Ngồi Rơi. Các nhân vật trong Ác Tính, vì lý do này hoặc lý do khác, đều rơi trong tư thế ngồi.

Độc giả: Vì sao là Ác Tính?

NgH: Ai cũng có trong người một khối u, dù nhỏ hay lớn, lành tính hoặc ác tính – kết quả từ những thứ được tích tụ lâu ngày. Bóc tách nó đi vẫn còn di căn.

Lý Đợi: Nhân vật xưng tôi trong phần hai của truyện ngắn Ác Tính đã kể một câu chuyện thật của chính tác giả?

NgH: “Để tả một con cá chiên, người ta không cần phải nhảy vào chảo dầu đang sôi để có được kinh nghiệm kêu xèo xèo” xin dẫn lời nhà văn Phạm Thị Hoài trong một bài phỏng vấn với câu hỏi tương tự dành cho bà.

Để cho chắc ăn, rất nên dẫn thêm về cái sự thật/giả trong sáng tác theo suy nghĩ của Tim O’Brien, một nhà văn Mỹ nổi tiếng với tác phẩm bán-tự-truyện The Things They Carried, 1990 – viết về chiến tranh Việt Nam, bản thân ông có dự phần: Hư cấu là điều dối trá giúp ta thấu hiểu sự thật/Fiction is the lie that helps us understand the truth.

Nhà báo: Vì sao tác giả không có tên trong Hội Nhà Văn?

NgH: Trong khu phố tôi ở, người ta đang “động viên” tôi vào Hội Bô Lão nhưng …ư mà…tôi còn phân vân.

Nhà báo: Có khi nào Trần Thị NgH dự định về sống hẳn ở Việt Nam để sáng tác?

NgH: Văn chương nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung không cần đến giấy thông hành vì không có ranh giới địa lý.

Nhà báo: Với khả năng ngoại ngữ sẵn có, vì sao chị không sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp mà để các dịch giả làm việc đó?

NgH: Làm như vậy chẳng khác nào cướp nồi cơm của họ.

Nhà văn Dạ Ngân: Vì sao chị không viết tiểu thuyết?
NgH: Tiểu thuyết là một mảng, truyện ngắn là một mảnh. Ghép các mảnh rời lại như chơi puzzle sẽ thành một mảng.

Độc giả: Chị làm nhiều việc cùng một lúc: dạy ngoại ngữ, dạy piano, vẽ, viết văn…vậy thứ nào là chính?

NgH: Dạy học là chính, mục đích để lấy tiền nuôi mấy thứ kia. Mấy thứ kia là lý do chính khiến dạy học là chính.

IMG_3457 (1)clip_image004

Hình chụp trong buổi ra mắt sách

Lý Đợi thực hiện

bài đã đăng của Lý Đợi

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)