Trang chính » Bàn Tròn: Văn Học Nghệ Thuật, Phỏng vấn Email bài này

Quyển sách trên hoang đảo – 2

1 bình luận ♦ 21.05.2019
clip_image002_thumb.jpg

 

 

 

Trần Vũ phỏng vấn Vũ Thị Thanh Mai, Lê Thị Thấm Vân, Đặng Thơ Thơ, Thận Nhiên, Trịnh Cung, Bùi Vĩ nh Phúc:
Nếu bị lưu đày ra hoang đảo, và chỉ được đem theo một quyển sách duy nhất, không cho phép đem sách của chính mình và bất kỳ thể loại, ngôn ngữ, kẻ đi đày sẽ đem theo quyển sách nào? Vì sao?

 

 

oOo

clip_image002

Bùi Vĩnh Phúc: Bị đày ra đảo hoang? Hy vọng còn có ngày trở về. Dù là có phải “vượt ngục”. Như Napoléon lần bị đầy ra đảo Elba năm 1814. Chứ không phải lần sau, 1815, bị đầy ra đảo St. Helena, để rồi chết ở đó 6 năm sau, vào năm 1821. Có vượt được ngục thất, cho dù ngục thất đó là một đảo hoang chăng nữa, thì việc người ta đọc sách, suy nghĩ, mơ mộng, tơ tưởng về cuộc đời, v.v., mới còn có chút ý nghĩa. Còn đọc, và rồi để mình lụi tàn vào cuộc trần gian không con người, vô hồn phách, thì cái đọc ấy nó sẽ trở nên nhẹ bẫng. Nó sẽ trở thành một thứ “unbearable lightness of being” mà thôi.

Có thể mang một tuyển tập thơ ra đó (có quá nhiều tuyển thơ để chọn lựa, nhưng phải mang một tập nào đó bao gồm được nhiều nhà thơ đáng đọc của Pháp, Tây-ban-nha, Đức, Ý, Bồ-đào-nha, Hy-lạp, Nga, các nhà thơ Á-châu, v.v.). Đọc, rồi thả những suy tư, thiết tha, hạnh phúc, mơ mộng của mình vào khoảng không kia. Cho mây trắng lờ lững cuốn trôi đi hết. Hay là cứ để chúng ngun ngún cháy trong lòng cùng lũ ráng đỏ hoàng hôn kéo đến mỗi chiều.

Hay ta sẽ mang ra đó một tuyển tập truyện ngắn. Thể hiện những khía cạnh, những cung bậc, mầu sắc khác nhau của cõi nhân sinh. Những đám khói mỏng của cuộc sống kia sẽ vẽ nên vô số những khuôn mặt, vóc dáng của kiếp người. Và rồi tất cả sẽ loãng tan vào trời xanh mây trắng.

Thôi, chọn lựa cuối cùng của tôi chắc lại là quyển “Cầu trên Sông Drina” (Il est un pont sur la Drina/The Bridge on the Drina). Tới tuổi này, mặc dù vẫn tìm đọc những quyển sách mới, tôi bắt đầu ham mê đọc lại những quyển sách cũ. Những quyển sách ám ảnh đời mình. Ám ảnh vì có thể mình đã đọc chúng đôi ba lần, mà vẫn có những điều mình khám phá thêm được ở những lần đọc sau. Cũng có thể đó là những cuốn sách ta đã đọc, và hạnh phúc mà chúng để lại trong ta tựa như ảnh sắc và hương thơm của những đoá hoa, vẫn còn vương vấn trên thị giác và khứu giác. Hơn nữa, hạnh phúc ấy lại còn gieo vào trong ta những hạt mầm, để rồi chúng vươn lên thành những cây cối, chim chóc, nắng ấm, mưa bay, mây ngũ sắc, gió cuốn trôi, cuồng giông và bão lũ. Và bóng tối của một nụ cười. Cái ảnh sắc và mùi thơm bao bọc cuộc đời kia vẫn tiếp tục vẫy gọi ta trở lại. Để sống. Để chết. Để vui. Để buồn. Để làm môi người ta nở những nụ thiết tha, hay để mắt người ta chảy ra những giọt sầu thảm. Đúng, có những quyển sách như thế.

Cầu trên Sông Drina” (Na Drini Cuprija ) của Ivo Andric (giải Nobel văn chương 1961) là một quyển sách như vậy. Nó là một tiểu thuyết lịch sử với độ dài thời gian trên 300 năm, liên hệ đến cây cầu nổi tiếng của Nam Tư cũ (Yugoslavia), vắt mình trên dòng sông Drina từ thế kỷ thứ XVI. Nhưng, chính là qua lịch sử của cây cầu này mà người ta thấy được lịch sử của cả một dân tộc. Và cũng thấy được phong tục, tập quán của người dân xứ này, lòng yêu thương, sự hận thù, niềm vui, hạnh phúc, khổ đau, cùng bao biến cố gắn bó lấy đời sống của người dân Bosnia. Như tờ Columbus Dispatch viết, “Đây là một bức tranh lớn đầy màu sắc làm khích động tâm hồn con người, với thời gian trải rộng hút tầm mắt, và với những diễn viên lớn như chính cuộc sống, trên một sân khấu hoành tráng, vĩ đại.” Tôi đã viết khá kỹ về nó trong bài “Về Ánh Sáng của Tưởng Tượng và Những Bông Hoa của Thực Tại trong Văn Chương” (*), nhiều năm trước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn mang quyển sách ra đọc lại. Để thấy rằng con người, ở mọi thời và mọi nơi, vẫn làm nên cái biểu đồ khổ đau và hạnh phúc kia. Nó chới với vút lên nơi những đỉnh trời. Và quằn quại, đau buồn ở những vực thẳm. Chỉ cần nhìn ngắm, chiêm nghiệm cuộc đời của những con người, ta có thể nhìn ra những đèo cao lũng thấp, những nẻo đường quanh co, hiểm trở, những lối đi trong sương đục hay đầy ánh mai hoặc bóng tối của một dân tộc. Cuộc đời này được làm bằng sóng biển. Và bão giông cuồn cuộn ập xuống từ trời cao hay nổi dội lên tự đáy lòng thủy vực. Đọc sách, và thấy mình hạnh phúc, quay cuồng, đớn đau, hân hoan trong đó.

Cuốn sách có bản tiếng Pháp, Il est un pont sur la Drina, do Georges Luciani dịch, của nhà xuất bản Plon, in năm 1956. Hay bản của tủ sách Le Livre de Poche, hoặc của nhà Belfond, với tựa đề Le Pont sur la Drina, in vào những năm sau. Bản in của nhà Plon tôi đã để lại Việt Nam. Dịch sáng. Hiện tại tôi chỉ còn bản tiếng Anh của Lovett F. Edwards, với hai ấn bản khác nhau, một của University of Chicago Press (1977), và một của nhà Signet Book (1960). Hai bản này, đặc biệt bản của Signet, tôi xem đến mòn rách. Tôi cũng có mấy bản của Nguyễn Hiến Lê, in ở Việt Nam trước và sau 1975, cũng như bản của nhà Văn Nghệ, in tại California năm 1989. Một điều lạ là bản in lại của nhà xuất bản Sở Văn hoá-Thông tin Nghĩa Bình, năm 1986, chỉ đề tên dịch giả là Lộc Đình (một biệt hiệu của Nguyễn Hiến Lê), mà không dùng tên NHL, vốn là tên mà nhà học giả và dịch giả họ Nguyễn sử dụng thường xuyên trong các tác phẩm dịch thuật và biên khảo của ông. Quyển sách này dạo ấy in trên giấy tái chế, đen xì, còn dính cả mấy cọng rơm trên những trang sách. Tên bản dịch được thay đổi thành “Chiếc Cầu trên Sông Đơrina”, với một ít sửa đổi so với bản của NHL do nhà Trí Đăng in năm 1971. Bản 1971 của Trí Đăng có bìa rất thơ mộng và đẹp của Đinh Cường, với tên sách in mầu xanh lá cây đậm trên nền nâu nhẹ và kim nhũ, vẽ hình một cây cầu rêu phong, có ánh nét đỏ rượu nho của mặt trời. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê sáng, thoát (tuy có lược bỏ mấy đoạn), có thể nói là hay so với các bản dịch các tác phẩm Âu Mỹ khác của ông, vốn thường đúng nhưng có thể là hơi khô. Nhưng bản “Nhịp Cầu trên Sông Drina” của dịch giả Vương Đăng, được nhà Nguồn Sáng in sau đó gần một năm (1972), thì có phần thơ mộng hơn. Hai chữ “Nhịp Cầu…” cũng, phần nào, cho thấy điều đó. Ở đây, Vương Đăng dùng biện pháp hoán dụ (synecdoche), dùng một “nhịp cầu” để nói về cả “chiếc cầu”. Toàn cuốn truyện dịch cũng phản ánh phong cách nghệ thuật ấy. Bản của VĐ dịch đầy đủ, không cắt bỏ một câu hay một chữ nào, được giải Văn chương Dịch Thuật. Bản của NHL dựa trên bản dịch tiếng Pháp của Georges Luciani; bản của VĐ chính yếu dựa trên bản dịch tiếng Anh của Lovett F. Edwards, có so chiếu với bản tiếng Pháp của Michel Glouchevitch. Tôi mua lại được bản dịch này của VĐ trong khi mò tìm sách cũ tại Việt Nam gần 20 năm trước. Mỗi quyển sách dịch kể trên, từ các dịch giả và ngôn ngữ khác nhau, nói chung, đều có những nét đẹp riêng trong phong cách của từng dịch giả và trong cái đẹp của những ngôn ngữ ấy. Nhưng, bị đầy ra đảo hoang như thế, có lẽ tôi sẽ mang quyển gọn nhẹ nhất, là quyển của Signet Book, bìa cũng rất đẹp, đẹp một cách “man dại”, và được tôi dùng scotch tape băng bó “thương tích” cùng khắp vì tuổi đời của nó cũng đã già, lại bị “phục vụ” cho kẻ mê sách nhiều lần. Nhưng nó biết là kẻ ấy yêu nó!

Vâng, tôi nghĩ tôi sẽ mang theo quyển sách này của Ivo Andric ra hoang đảo. Và, chắc chắn, như Napoléon từ đảo Elba, tôi sẽ “vượt ngục” để trở về. Với cuộc đời. Và với cõi nhân sinh bập bềnh ngoài kia.

(*) http://phannguyenartist.blogspot.com/2017/09/bui-vinh-phuc.html



clip_image004

Vũ Thị Thanh Mai: Chồng nói, em xem Tahiti lãng mạn quá. Tấm ảnh cho tầm nhìn bao quát từ đỉnh núi, hoang dã như tận cùng trái đất, sắc xanh lục từ núi xuống đến nước chuyển thành lục-lam, lan ra xa đổi thành lam-lục, càng xa càng nhạt dần, cho đến một lúc nào đó biến thành bầu trời xanh lơ với những đám mây trắng ẩn xám cuồng nộ của một ngày sắp tận thế. Mình phải đi nghỉ mát một chuyến tình nhân trước tuổi già, chồng nói tiếp, tay bấm sang hình kế tiếp. Resort chỉ có chín bungalow trên nước, dành riêng cho những cặp tình nhân, trang quảng cáo ghi rõ, có ghe đưa thức ăn uống đến tận nơi. Một tuần lễ thảnh thơi trên nước và dưới trời, không bị lôi cuốn vào ám khói của phố xá xe cộ; có thể cả ngày gác nhau nằm phơi nắng nghe sóng và gió rù rì quanh những cây cột của bungalow, hoặc cùng bơi lặn theo đàn cá ngộ nghĩnh trong lòng nước biển xanh êm mượt. Đây không phải là hoang đảo thì là gì? Và cần đem theo một quyển sách để đọc trên máy bay hoặc tối trước khi đi ngủ, và để lỡ như sau ba ngày bị phỏng da, không thể ra nắng, chỉ có thể tắm biển sáng sớm hoặc đêm, phần ngày dài còn lại phải ở trong phòng. Nếu vào lúc này, tôi sẽ đem theo To the Lighthouse của Virginia Wolf, sẵn vừa chuyển ngữ xong chương đầu, với bao háo hức trông chờ mỗi cuối tuần có thì giờ dịch những trang tiếp. Nếu vào sau này, có lẽ tôi cũng đem theo quyển này, vì tôi chưa bắt gặp quyển sách nào mang nhiều đoản văn về biển “Đẹp” như vậy. Tôi dùng chữ “Đẹp” với sự cố ý không xác định đẹp đến bao nhiêu. Như khi mình trông thấy một cái đẹp đến lặng người, mình há hốc, để mặc bị xâm chiếm, chứ không còn khả năng tìm lời.

Hai vợ chồng tôi đều thuộc loại người yêu thích thẩm mỹ một cách cực đoan. Và anh mê biển hơn tôi. Đi nghỉ hè ở bất kỳ nơi nào cũng phải tìm đến biển, “thành phố làm anh bị ngộp” là câu than vãn thường xuyên. Mùa hè 2018, đi từ đảo Venice đến Rome, trước khi về lại Mỹ phải làm một chuyến đi ngang Sorrento, thả tuột dốc trên đường đèo, bên là vách núi cao, bên kia vực sâu, xuống tận bãi biển, để nghe gió thốc lời nhạc “về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”, cuối cùng dừng lại ở thành phố xưa cũ Il Positano trên đỉnh núi, nơi từng cành cây cũng được uốn mỹ thuật bò leo trên tường, để ngắm nhìn xuống toàn vịnh, hoàn toàn bị thôi miên trong một thẩm mỹ tạo bởi thiên nhiên và người. Đem theo To the Lighthouse để mong bắt gặp những cảm giác mới mẻ khi chúng tôi chia sẻ biển hoang vu với Virginia Woolf.

Đó là tâm tình cá nhân, còn phân tích văn học? Virginia Wolf là một nhà văn người Anh, được xem là một tác giả hàng đầu trong dòng văn học hiện đại của thế kỷ 20, và cũng là một tiên phong trong việc sử dụng dòng ý thức (stream of consciouness) trong văn chương.

Thuật ngữ Dòng ý thức là do nhà tâm lý học người Mỹ  William James đưa ra trong quyển Những Nguyên Tắc Tâm Lý (The Principles of Psychology) xuất bản năm 1890, khi cho rằng ý thức là một dòng sông hay dòng chảy liên tục và là tiếp giáp của các cảm giác, ấn tượng, hình ảnh, ký ức và suy nghĩ mà mỗi người trải qua, ở mọi cấp độ ý thức, và thường liên kết với chủ quan của bản thân.

Trong văn chương, kỹ thuật Dòng ý thức không bị hạn chế về phong cách, cấu trúc và dấu câu; mục đích là đến gần hơn với các quá trình suy nghĩ thật của con người. Vì thế, các tác phẩm dòng ý thức thường khó hiểu.

Trong Đường Đến Hải Đăng (To the Lighthouse, 1927), Virginia Wolf đạt hiệu ứng mất phương hướng có chủ ý bằng cách di chuyển tinh tế từ nhân vật này sang nhân vật khác, từ quá khứ đến hiện tại và từ các sự kiện bên ngoài đến những suy nghĩ bên trong. Văn của bà tuyệt đẹp. Mỗi chữ dùng như đã được chọn lựa kỹ càng cho phù hợp với ngôn ngữ của tâm trí.  Những liên tục ngắt đoạn, chuyển ý trong câu văn dài là sự xoay trở của bộ óc phức tạp, dường như cả trăm tỷ ngõ nghách, để tháo mở ra những hình ảnh và cảm xúc, những cảm nghĩ và suy nghĩ, của những nhân vật cùng đi tìm ý nghĩa của đời sống.

Nếu thực bị đày ra hoang đảo, tôi sẽ đem theo quyển sách này và, qua các nhân vật của bà, suy gẫm lại mục đích của đời sống của chính mình — nên cố gắng chu toàn hoặc thay đổi định mệnh và nên hay không thôi mơ ước vì khi đạt được chưa chắc còn giá trị.  Biết đâu, như Wolf đã nói: “tôi nghĩ thật khó chịu khi bị nhốt bên ngoài; và tôi nghĩ còn tệ hơn, không chừng, khi bị nhốt bên trong.”



 

 

clip_image006

Thận Nhiên: Tôi đã từng được/bị hỏi cùng nội dung tương tự như câu hỏi này vài lần, sự khác biệt là những lần trước người hỏi không ngăn cản tôi đọc tác phẩm của chính mình. Tôi nghĩ, mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi trong đời sẽ có một trả lời khác nhau thích ứng với nhu cầu đọc trong thời kỳ đó, và nó gần như đồng nghĩa với việc cân đo trọng lượng của các tác phẩm, tác giả theo cái bàn cân của riêng mình. Trước khi chọn ra cuốn sách để mang ra đảo thì có lẽ người ta sẽ tự hỏi mình tìm gì trong cuốn sách đó, để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thu thập tri thức, hay giải trí…

Tôi có một thói xấu, vô cùng xấu, là ngoại trừ một vài tác giả cực kỳ yêu thích ra thì tôi không thể nhớ hết tên các tác giả mà mình đã đọc. Ngày xưa tôi rất xấu hổ và có cảm giác tội lỗi về điều này. Nó gần như sự vô ơn. Khi nghe người khác kể ra hàng loạt tác phẩm của các danh gia thì tôi mới sực nhớ ra rằng mình có đọc họ đâu đó; nếu tác giả nào mà tôi không nhớ được, thì họ cũng xa lạ với mình như tên gọi của những vị thuốc bắc (trừ hai món táo tàu và cam thảo quen thuộc ra thì những Thục địa, Tang Phiêu Riêu, Mộc Hương, Xuyên Quy, Địa Liền …  không hề hiện diện trong trí nhớ tôi), mình không cần phải quan tâm và mặc cảm vì sự giới hạn tri thức nữa.

Lần đâu tiên tôi có kinh nghiệm về sự trống vắng sách vỡ là năm tôi 15 tuổi, khi sống trong ở vùng kinh tế mới chưa từng được khai phá nằm giữa tỉnh lộ 13 nối liền Bà Rịa và Long Khánh; một căn chòi quạnh quẽ trong rừng, xa cách với văn minh của loài người, tình cảnh có lẽ cũng không khác lắm với trên hoang đảo. Khi ấy tôi chỉ có cuốn Thánh kinh Tân ước cũ của hội thánh Tin Lành, ngoài ra thỉnh thoảng tôi tình cờ nhặt được ở đâu đó vài trang báo Đại đoàn kết, báo Nhân dân, đó là tất cả thế giới chữ nghĩa mà tôi có thể tiếp cận. Tôi đói. Đói cơm, và thèm chữ. Tôi nguyện với lòng rằng mình sẽ đọc hết cuốn Thánh kinh để tìm sự bình an và đức tin hầu vượt qua thời đoạn khốn khổ trong đời ấy. Vậy mà tuổi trẻ trôi qua, bình an và đức tin có rồi lại mất, và cho tới nay tôi vẫn chưa đọc xong Thánh kinh.

Tuổi tác và sức khỏe làm suy giảm khả năng đọc rất nhiều. Tôi không còn chú tâm và kiên nhẫn để đọc hết năm trang đầu trong những cuốn sách của ai khác mà mình không thấy đủ hấp dẫn. Nhưng nếu thêm một lần nữa, bị bỏ rơi trên hoang đảo, thì tôi sẽ mang theo cuốn Thánh kinh để thực hiện lời nguyện cũ. Biết đâu, lần này Chúa sẽ giúp tôi.



 

clip_image008

Đặng Thơ Thơ: Đi ra hoang đảo là một chuyện nghiêm trọng, vì vậy nghĩ tới nghĩ lui, sắp xếp hành lý mãi, rốt lại còn có hai lựa chọn mà tôi đang lưỡng lự:

1. Một tuyển tập truyện ngắn thế giới nào đó, ví dụ như That Glimpse of Truth: The 100 Finest Short Stories Ever Written, 2014, do David Miller là biên tập viên chính tuyển chọn.

Tại sao?

· Sách dầy, 816 trang, có tới 100 truyện ngắn, tha hồ đọc mà không vi phạm quy luật một cuốn sách.

· Vì tôi chưa đọc. Đem truyện đã đọc rồi theo làm gì? Nghe nói tuyển tập này được cho điểm 4/5, truyện đa dạng nhiều phong cách, từ truyền thống đến siêu thực, từ thâm trầm đến gây sốc… Tất nhiên đây là từ mỹ học của người tuyển chọn chính, David Miller, chưa chắc đã khớp với khẩu vị của tôi. Tuy vậy, chắc cũng như kinh nghiệm đi ăn hàng ở khu Bolsa; các nhà hàng bán đủ thứ: phở, bún, mì, cơm đĩa, cơm phần, cơm tấm, gỏi cuốn, đồ ăn chơi, lại cả đồ chay.., đâu phải món nào cũng hợp khẩu vị, nhưng thế nào cũng có món mình ăn được. Nếu gặp món không thích, hy vọng tập ăn thì cũng sẽ quen, còn hơn nhịn đói trên hoang đảo.

· Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng ngại gu của người chọn nghiêng nhiều về Âu Mỹ, thế nào cũng vướng rất nhiều truyện mình đã đọc rồi, thế nào mà chẳng có Raymond Carver, George Saunders, Kate Atkinson, Angela Carter, Rudyard Kipling, Somerset Maugham, Ian McEwan, Alice Munro, V.S. Pritchett, Thomas Pynchon, Muriel Spark, Colm Tóibín, Guy de Maupassant, Maugham, Hemingway, Fitzgerald…

Cho nên tôi định đi tìm tuyển tập truyện ngắn thế giới nào mà có nhiều tác giả da màu, Trung Đông, Phi Châu, Á Châu…, và hy vọng có tác giả Việt Nam.

Tìm ra rồi, tôi sẽ đi hoang đảo.

2. Có điều, không rõ người tổ chức chuyến đi ra hoang đảo có thiên vị tiểu thuyết? Nếu mang truyện ngắn hay truyện chớp thì không cấp vé cho hành khách?

Nếu bị gây khó khăn kiểu này, thì tôi chọn Dictionary of the Khazars của Milorad Pavíc (1929-2009), tiểu thuyết gia danh tiếng người Serbia. Cuốn này khi xuất bản năm 1984 được mệnh danh là “cuốn tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ 21”, hay “Ngàn Lẻ Một Đêm của thế kỷ 20”; phá vỡ mọi nguyên tắc tiểu thuyết, được trình bày như ba cuốn tự điển (đầy chất thơ và huyền ảo) về đế quốc Khazars (tưởng tượng). Truyện có hai bản: giống đực và giống cái, có thể đọc theo nhiều cách, thưởng thức như tiểu thuyết, tra cứu từng mục như tự điển, không cần thứ tự đầu đuôi. Nội dung không thể trình bày mà phải đọc, là một sự tưởng tượng phóng túng, tài tình, chi tiết và mạch lạc trong cách thức nhiều khi rất mâu thuẫn nhau của ba tôn giáo: Do Thái, Hồi, và Thiên Chúa. Dictionary of the Khazars là cách dựng lại một cuốn tự điển đã mất về một đế quốc đã tan rã, là ấn bản hai của một cuốn tự điển ‘Lexicon Corsi’ in năm 1691 đã bị huỷ hay không còn tìm ra tung tích, có thể trừ một cuốn in bằng mực có chất độc, đọc sẽ chết. Cuốn tiểu thuyết là một sự bịa đặt để nhấn mạnh khoảng cách giữa chuyện viết và điều mà nó muốn nói đến, và chính khoảng cách này trở thành điều mà văn bản muốn thể hiện. Chính nhờ những khoảng cách này mà văn chương nghệ thuật có không gian để thở và tăng trưởng. Mọi tình tiết và sự kiện xoay quanh một khoảng trống ở trung tâm, không có tuyến, nhân vật, hay chủ đề trọng tâm, cho phép các diễn dịch khác nhau về cùng một giấc mơ. Cuốn này tự thân là một định nghĩa mới cho tiểu thuyết, một biểu tượng của Thượng Đế, một kiến trúc của vũ trụ. Với tầm vóc như thế, nhiều khi cần hơn một hoang đảo để mà tiêu hoá.

3. Khổ nỗi, viết đến đây thì đã đọc xong cuốn tự điển Khazars rồi. Mà đã đọc rồi thì thôi không mang đi nữa.
Nghĩ đi nghĩ lại, ra hoang đảo dễ đánh mất tiếng nói và quên mất ngôn ngữ, vì vậy tôi quyết định mang theo bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt ‘Vietnamese Cognatic Dictionary’, ba quyển, 2199 trang khổ lớn, của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng. Hết tự điển lại từ điển, chắc mọi người nghĩ tôi điên!

Với bộ từ điển này, tôi nắm trong tay kho tàng ngôn ngữ vô giá. Cuốn từ điển này là tập hợp rất lớn nhiều từ điển đồng nguyên ở Đông Nam Á của các ngôn ngữ Việt, Mường, Mon, Khmer, Chàm, Lào, Thái, Myanmar, Malay, Indonesia cùng với các thứ tiếng giòng họ Mon-Khmer, Hmong, Yao, Zhuang, Nùng, và các bộ tộc Thái Shan, biên soạn theo phương pháp so sánh ngôn ngữ. Tôi sẽ học từng chữ gốc Việt, hiểu được lịch sử của từng chữ, đi ngược về quá khứ xa tít tắp để tìm lại nguồn gốc dân tộc Việt qua ngôn ngữ. Trở thành nhà ngôn ngữ học trên hoang đảo? Quyết định như vậy đi!



 

clip_image010

Trịnh Cung: Tôi là dân sinh ra từ một làng bên bờ biển nhưng lại rất sợ biển, sợ độ sâu và mênh mông của biển. Tôi cũng là người nghiện đám đông, thích phố phường và mùi phụ nữ. Vì 2 yếu tố này mà tôi không thích ra hoang đảo. Ra hoang đảo là đi đày, ít ra nó phải là Tahiti, để có cảm hứng để vẽ như Paul Gauguin.

Tôi, bị bắt buộc phải đến đó ư và chỉ được đem một cuốn sách? Ồ, thế thì tôi không đem bát cứ sách nào thuộc về các nhà văn Tây hoặc Ta mà chỉ, nếu được, là bộ Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, nhà văn Tàu.

Lý do, ra đảo hoang tự khắc tôi sẽ thành triết gia nên không cần phải đọc tư tưởng của các nhà văn lớn như danh sách của Trần Vũ nêu trong phần mở đầu cho câu hỏi. Tôi cần quên bớt sự lẻ loi và thời gian trôi chậm ở hoang đảo nên đọc Kim Dung là thú vị nhất đối với tôi, một người già đã trải qua nhiều biến cố và sự đời. Bây giờ đọc lại Kim Dung, tôi hiểu Trung Hoa nhiều hơn lúc còn trẻ. Những ai thích về nhân chủng học, về địa lý chính trị, về lịch sử Trung Hoa, về lập đảng phái và mọi âm mưu kiểu cộng sản, về văn học nghệ thuật, về rượu, về nhạc, về hoạ, về y khoa, về tình yêu, về minh giáo, tà đạo,…  đọc Kim  Dung sẽ thấy có đủ hết và cái nào cũng được viết rất công phu và điêu luyện.

Đọc Kim Dung không chỉ để thư giãn mà thôi.



 

clip_image012

Lê Thị Thấm Vân: (Có lẽ) tôi sẽ mang theo cuốn Nhật ký Cuối cùng của Jiddu Krishnamurti, chẳng phải vì nó chứa đựng triết lý sâu xa, bài học giá trị về thăng trầm cuộc sống, tư duy về thời gian, tình yêu, sống chết. Chán ghét nền văn minh loài người, lên án ảo ảnh cuộc đời. Hoặc thế giới ô nhiễm, bệnh hoạn, u tối, cùng nỗi ưu tư về mối quan hệ giữa con người và tìm phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội mà ai cũng đều có trách nhiệm. Giờ đây, (giả dụ) tôi phải sống một mình trên hoang đảo, đang kề cận cái chết, không còn tiếp xúc với loài người, thì cuốn Nhật ký Cuối cùng của Krishnamurti tôi mang theo, chỉ vì những câu dạo đầu của mỗi chương, tác giả không ghi chép mà ghi âm khi đã già.

Ông miêu tả tỉ mỉ về mặt biển vào mùa khô hay mùa gió, khung cảnh, khí hậu, thời tiết, cảnh vật thiên nhiên chung quanh nơi ông ở, là California, Hoa kỳ. Tôi cũng yêu thích California vì thời tiết, khí hậu, cảnh vật nơi đây. Tôi sống gần trọn cuộc đời ở miền bắc California.

Với lời văn dịu dàng, chậm rãi, nhẹ nhàng, sâu lắng, thậm chí đôi lúc phả hơi hướm chán nản, chưa dứt khoát, ông làm sống động tiếng mưa rơi, màu nắng mới đầu ngày, mùi đất, hương hoa, thớ gân trên cọng lá, nhành cây khô gãy, tiếng gió lùa, giọt sương sớm, bầu trời trong cơn mưa chiều, trong cơn giông bất chợt, chiều sâu tăm tối của thung lũng, ngọn thuỷ triều lên xuống. Rồi những con sóc, chim sẻ, chim cú, gấu, rắn, nai, ong, bướm và cả màu sắc bóng lưỡng của quả cam chín… Tất cả hiện lên thật sống động, đẹp đẽ, bình yên, thân thiết nhưng vẫn không vắng bóng sự tĩnh mịch, hiu quạnh.

Trong sự thanh thoát, êm đềm, yên ả, thoáng chút thi vị, chiều sâu ngôn ngữ mà tôi muốn cảm nhận trước khi nhắm mắt, phà hơi thở cuối trước khi buông bỏ cõi đời trong làn gió mát, khoảnh khắc thanh tịnh trong thiên nhiên đất trời tôi từng hiện hữu, trải qua mấy mươi năm buồn vui sướng khổ. Tôi sẽ duy trì chút thiền định nếu còn có thể, bởi tôi hành thiền trong nhiều năm nay. Còn lại, mọi việc vĩ đại hay tầm thường, với tôi, đéo còn quan trọng!

 

(Còn tiếp 1 kỳ)

bài đã đăng của Trần Vũ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Thể truyện ngắn với thi ca không phải là sách gối đầu giường, mà hầu hết là truyện dài. Các bậc thầy truyện ngắn Guy de Maupassant, Anton Tchékhov hay Cortázar phải nhường nấc thang yêu mến cho Céline, Claude Simon hoặc Márquez.(TV)

    Điều này là một phát giác rất thú vị. Truyện ngắn là thể văn xuôi rất gần với thi ca. Vô hình trung mọi người đều không đọc truyện ngắn và thơ trong hoàn cảnh như vậy: sống trên đảo hoang trong tư thế bị lưu đày. Nghĩa là vô cùng đơn độc cộng với hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)