- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Gián

clip_image002


Rawi Hage chào đời ở Beirut, Lebanon, định cư ở Canada từ 1992. Ông là tác giả tiểu thuyết DeNiro’s Game đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế. Cockroach đưa người đọc vào những ngõ ngách tâm tư đầy xáo trộn của một thanh niên di dân – đến từ một xứ sở bị chiến tranh dày xéo – sau lần tự tử hụt, bị buộc phải điều trị tâm lý, luôn tưởng tượng mình là một con gián mỗi khi đối đầu với những bế tắc không lối thoát trong cuộc sống. Trích đoạn tiểu thuyết Coakroach do Hoàng Chính dịch từ nguyên tác Anh ngữ, Anansi Press Inc. xuất bản tại Canada năm 2008.

 



 

Vẫn không một đồng xu dính túi nên tôi nhịn đói. Đói thì nên đi ăn trộm. Đó là điều tay đạo chích Abou-Roro, người láng giềng của tôi ở quê nhà, thường bảo tôi. Hắn dạy tôi nhiều ngón nghề. Chả hiểu sao hắn lại thạo tay nghề như thế. Hắn là con trai một ông thợ đóng giầy và cha hắn có một cái khoảnh nhỏ xíu giữa hai tòa nhà cũ kỹ, vừa đủ chỗ cho một cái khuôn đóng giầy bằng kim loại, một cái búa, vài miếng da, keo dán, và những cái đinh nhỏ xíu mà ông ta ngậm trong miệng. Lúc còn là một thằng nhóc, tôi ngưỡng mộ Abou-Roro. Tôi nhìn hắn gom một nắm đầy hạt dẻ trong khi người bán hàng bận xay cà phê. Tôi nhìn hắn tuồn rau diếp vào trong áo khoác và chơi ăn gian với bọn trẻ trên đường phố để lấy những viên bi và tiền ăn quà vặt. Tôi ngưỡng mộ hắn dù biết hắn là một thằng hèn. Hắn luôn tránh né mọi sự chạm trán. Trong chiến tranh, hắn kết bạn với vài tên dân quân để được bảo vệ. Hắn làm chuyện vặt, rửa xe, chùi súng, và kiếm đồ ăn cho bọn chúng. Thằng khốn có cái đầu vuông vức, bàn chân phẳng lì, và con mắt ốc nhồi. Trông hắn giống một Frankenstein thu nhỏ, nhưng hắn có thể đánh hơi quyền lực và quỳ gối trước kẻ có quyền. Hồi chiến tranh, lúc bến cảng bốc cháy, hắn kéo tôi vào khu nhà kho đang phừng phực lửa. Băng qua lằn đạn của bọn bắn sẻ, xuyên vùng lửa cháy, chúng tôi vào nhà kho, tìm chỗ chứa hàng hóa, nơi từng núi hộp và hàng hóa nằm chờ để được chuyển đi Saudi Arabia. Chúng tôi dùng cả móng tay lẫn mũi dao để xé toạc gói hàng. Có vô số hộp đựng sà bông, đèn bin, dầu thơm, vải vóc, hộp đựng bật lửa, nhưng chúng tôi chỉ lấy máy chụp hình và chạy ngược trở ra trong làn đạn bay vùn vụt. Chúng tôi bán hết mọi thứ, và Abou-Roro bao giờ cũng lừa lọc khi chia chác. Hắn lấy phần lớn nhất và quăng cho tôi những mảnh vụn.

Nhắc tới mảnh vụn, tôi nghĩ giờ này có một miếng bánh mì kẹp thịt thì hay biết mấy. Có lẽ tôi phải tạt vào một nhà hàng gần đó, và vét những mảnh bánh mì cùng những thức ăn thừa bỏ lại trên khăn trải bàn, rồi mò mẫm đi theo lối mòn rải rắc của vụn bánh mì tìm tới cái quầy gần nhà bếp, và tự thưởng mình một chút nóng sốt bật ra từ lò nướng bánh mì. Nhưng tôi biết ăn trộm thức ăn ở nhà hàng không phải chuyện dễ dàng. Nhà hàng có vô số tuyến phòng thủ bạn phải vượt qua trước khi đến được tủ đựng thức ăn đông lạnh hay quầy rau trái. Nào là chủ nhân và quản lý nhà hàng, rồi hầu bàn và bọn sai vặt. Và cũng đừng quên những con dao đủ loại có thể được rút ra và vung lên để bảo vệ thức ăn khỏi bàn tay của những kẻ ăn trộm thức ăn, để bảo vệ những đùi gà cùng những con vịt nhồi gia vị béo ngậy và xèo xèo mỡ nóng. Thử tưởng tượng mà xem, tôi cười, một con vịt nướng sốt cam. Và tôi lại cười rồi đi xuống cầu thang, ra ngoài đường phố và bước vào cái kho lương thực gần nhất.

Tôi chào người bán hàng tiệm thực phẩm Hàn Quốc và đi thẳng tới tủ đựng bia ướp lạnh. Tôi lấy vài chai, đặt lên quầy. Rồi tôi chỉ vào một gói thuốc lá phía sau lưng bà ta và làm bà ta rối trí bằng cách chỉ lung tung, bảo bà ta bên trái, ở dưới, lên trên loạn cả lên. Trong lúc bà ta lúng túng tìm bao thuốc như con chó bị đánh lạc hướng, tôi dựa sát những chai bia, xô chúng vào nhau gây tiếng động lạch cạch, cùng lúc đó tay kia của tôi tấn công những thanh kẹo sô cô la dưới quầy. Khi người đàn bà đặt bao thuốc lá lên quầy và sửa soạn bấm máy tính tiền, tôi hỏi ngày mai tôi trả tiền được không. Bà ta ngừng lại, vừa vồ lấy những chai bia và gói thuốc, vừa la to. Trả tiền ngay bây giờ! Trả tiền ngay bây giờ! TIỀN MẶT! TIỀN MẶT! BÂY GIỜ. Tôi chửi thề và bỏ ra ngoài với những thanh kẹo sô cô la trong túi. Tôi đi vòng quanh góc đường, vào một con hẻm nhỏ gần một nhà hàng Ấn Độ.

Trời lạnh buốt. Tuy nhiên sô-cô-la ăn sẽ ngon hơn khi để lạnh. Một người sành ăn sô-cô-la hiểu rõ là sô-cô-la ở một nhiệt độ nào đó, phơi ra ngoài không khí cho nó thở, ăn sẽ ngon tuyệt trần. Tôi tỉ mỉ bóc lớp nhựa ở đầu thanh kẹo. Rồi tôi bóc hết lớp giấy, quăng miếng giấy gói đi, giữ thanh kẹo bằng hai ngón tay lịch lãm, và nhìn lớp không khí lạnh buốt làm công việc của nó. Tôi dời chỗ hai ngón tay trên thanh kẹo để nắm chắc là toàn bộ thanh kẹo được phơi bày trong không khí lạnh. Tôi bắt đầu nhấm nháp khoảng giữa thanh kẹo, nâng niu nó như chiếc khẩu cầm. Nhưng phải thận trọng là chỉ nhấm nháp thanh kẹo chứ không thở hơi vào nó (tôi để gió lạnh của phố phường làm công việc đó).

Khi cảm thấy nhiệt độ đã quá thấp cho sô-cô-la, tôi dời thanh kẹo về phía ống thoát hơi thổi từ trong bếp của nhà hàng Ấn Độ. Cái trò này cũng nhiều may rủi, làm đúng thì sô-cô-la sẽ ngon, không đúng thì mất toi thanh kẹo. Tôi đưa khoảng trần trụi của thanh kẹo lên phía luồng hơi, như một vật hiến lễ, và đếm đến mười. Một thanh sô-cô-la tẩm gia vị Ấn Độ, tôi gọi nó như thế. Nguồn khoái cảm quý phái đến trực tiếp từ Phương Đông, chứ không à!

Không một ai phải chịu đói khát, tôi nghĩ trong lúc nhấm nháp. Mặc dù, thành thật mà nói, tôi chỉ yêu những người đau khổ. Tôi yêu Shohreh bởi vì cô nàng đau khổ. Cho đến hôm nay, cô ấy đã đến thăm tôi vài lần, và vào một trong những đêm ấy, cô ta mang theo một chai rượu. Cô nàng vui nhộn, ngả ngớn. Váy ngắn. Áo hở cổ. Tóc chải ngược ra sau. Môi đỏ. Nàng muốn uống rượu. Nàng muốn khiêu vũ trước khi cho tôi sờ soạng. Nàng bảo tôi mở nhạc Pháp. Tôi vặn nút rà đài trên radio tìm nhạc. Để bài đó nghe, nàng ra lệnh cho tôi, và kéo tay tôi, dẫn tôi ra xa khỏi khung cửa sổ. Vòng cánh tay quanh hông tôi, nàng nói, Tự nhiên. Em sẽ dìu anh.

Tôi không hợp với đàn bà sung sướng. Tôi không quen khiêu vũ chậm. Lúc khiêu vũ, tôi bay, tôi dậm. Tôi xoay vòng vòng; đầu tôi ngóc lên như đầu chiến binh thời cổ. Tôi khuấy động mặt đất và cả lớp sâu dưới mặt đất. Đến bản nhạc chậm và buồn, tôi ủ ê và để những lông mi dài của tôi trải thườn thượt xuống nền nhà. Hồi em gái tôi khiêu vũ, nó hay quấn cái khăn quàng quanh hông, bắt tôi ngồi trên giường và xem nó lắc hông, trong đôi chân trần. Lần kia có một bài hát trong radio mà nó thích, nó ào vào phòng chúng tôi và nhảy múa trong cái khoảng hẹp giữa những chiếc giường. Lúc đó tôi chợt nhận ra em gái tôi đã lớn không ngờ, nó đã trở nên xinh đẹp và quyến rũ biết chừng nào. Điều đó làm tôi thấy buồn, nhưng cũng trong cơn rối trí cùng sự có mặt của con em gái tôi nhận ra dương vật mình căng cứng một cách đầy hổ thẹn. Từ hôm ấy tôi không hiểu tại sao, chúng tôi cãi nhau vì đủ mọi chuyện: nhà tắm, nước nôi, cái nút vặn radio; đêm xuống chúng tôi lặng thinh và những tưởng tượng nhàu nhò của chúng tôi xô sát vào nhau trên vách tường phòng ngủ.

Tôi có nhiều người tình. Nhưng đàn ông nào mà chẳng vậy? Những người tình của tôi đều đau khổ, nhưng có người đàn bà nào mà không đau khổ? Thành thật mà nói, như tôi đã kể, tôi không thấy thoải mái bên những người đàn bà sung sướng, những người bị ám ảnh bởi cái mà bà thày tâm lý của tôi gọi là sự thân mật. Anh có vấn đề về sự thân mật, Bà thày tâm lý đã nói thế, trong một trong những cuộc khảo sát hiếm hoi của cô ta về tôi.

Sự thân mật, tôi buột miệng. Thân mật gì? Tôi không hiểu ý cô.

Như là bày tỏ tình yêu.

Bằng cách nào? Với ai?

Nói điều gì đó tử tế với một phụ nữ, hay tặng hoa cho cô ta chẳng hạn.

Thế là hôm trước buổi hẹn kế tiếp tôi lấy trộm một bó hoa đem lại cho cô ta.

Cô ta không biết phải phản ứng ra sao. Cô ta lúng túng. Cô ta đặt bó hoa lên bàn, không nói một lời.

Tôi lấy trộm đấy, tôi nói.

Anh lấy trộm à?

Vâng, tôi ăn trộm cho cô.

Lạ đấy nhỉ, cô ta nói, lờ cái chuyện trộm cắp đi và đổi đề tài: Hôm nay anh có muốn nói thêm về thời thơ ấu của anh không? Nếu mình cứ ở mãi một chỗ không tiến triển, tôi sẽ phải đề nghị trả anh lại bệnh viện. Thành thật mà nói, sự im lặng của anh khiến tôi không biết phải chọn lựa thế nào. Tôi có trách nhiệm với tiền thuế của dân.

Tiền thế chân? Tôi hỏi.

Không, tiền thuế của dân, dân chúng đóng thuế. Nhiều người trong chúng tôi đóng thuế.

Vậy thì tôi sẽ kể chuyện cho cô ấy nghe, nếu cô ấy muốn. Như vậy tốt hơn việc trở về nhà thương điên nhìn đám người máy lần mò đi giữa những chiếc giường sắt, thả bước trên nền nhà, thất lạc giữa những lằn ranh kẽm gai trên những cửa sổ và những hành lang trống rỗng, chảy rãi, cười cợt, khóc lóc, và kể chuyện đời với những khán giả của riêng họ. Tôi sẽ nhìn những con người ấy để xem họ nhìn ngắm những sân khấu bé nhỏ của riêng họ. Một vài màn trình diễn, tôi nghĩ, chân thực, tự phát, và xuất sắc. Trừu tượng, đôi khi bí hiểm, nhưng dù sao cũng đáng để ghé mắt nhìn. Và thực tình mà nói, tôi không ngại gặp lại người thiếu phụ đẹp có cặp mắt xanh đã ở đó vài hôm. Trời ơi, cô ta quá đẹp, ngay cả khi cô ta cởi hết quần áo, trần truồng chạy xuyên căn phòng, để mặc dòng nước chảy xuống mắt cá chân len lỏi giữa những ngón chân xinh đẹp, gào thét khản cổ họng, Tự do! Tự do! Tôi theo cô ta rồi lạc mất cô ta. Như một gã thợ săn, tôi dò theo những vũng nước tiểu đọng lại, như những hải đảo, trên nền nhà bệnh viện.

Cô muốn nghe cái gì? Tôi hỏi bà thày tâm lý của tôi.

Hãy nói về mẹ của anh đi, cô ta nói.

Mẹ tôi nắm tóc em gái tôi kéo từ ban công vào nhà và bảo nó thôi khoe chân khoe đùi với bọn đàn ông dưới đường. Những tên vô lại ấy đứng dựa vào những chiếc xe hơi, hút thuốc, và cười nói ồn ào. Bọn chúng nó ghiền cái việc chùi bóng xe hơi của chúng nó, và như một bầy chó hoang hứng tình, chúng hít hà cái mùi ẩm ướt của em gái tôi và chỉ trỏ vào ngực của nó từ phía sau những cốp xe dựng đứng.

Em gái tôi đẹp. Tôi thường nhòm trộm qua cửa sổ nhà tắm nhìn nó đứng trước tấm gương soi, mân mê chùm tóc ướt, hôn chiếc khăn tắm trước khi chùi lên mặt. Nó nâng hai bàn tay dưới bầu vú và xoay vòng quanh. Đưa cái lược lên sát miệng, hát cho đám khán giả đông đảo đến từ khắp nơi trên thế giới để nghe cái giọng ngọt ngào của nó, quên lửng bộ ngực không che đậy, và đôi vai trần của nó, bởi vì nó chinh phục họ một cách tự nhiên bằng bước đi uyển chuyển, đôi mắt long lanh, và giọng hát ướt đẫm ân tình. Con bé lôi cuốn tới mức không chức sắc tôn giáo nào nghĩ đến việc phản đối, không người đàn ông nào ở gần nó có những tư tưởng bất chính về nó, và không người đàn bà nào ghen tị với bầu vú săn cứng, chùm âm mao rậm rạp xoăn tít, những lọn tóc gợn sóng phủ cặp mông, hai núm vú đỏ hồng. Ngay cả ba tôi cũng không thắc mắc chuyện con gái ông trần truồng trên sân khấu – ông biết điều quan trọng là nó hát được, là nó được ái mộ, là nó sẽ không bao giờ bị săn đuổi bởi một gã lính nào đó; kẻ sẽ phá trinh nó, phóng tinh trùng vào bụng nó làm tử cung nó căng phồng, làm mắt cá chân nó sưng phù, và bơm sữa đầy hai bầu vú nó.

Thế nhưng vẫn có một trong những gã đàn ông thường đứng dưới ban công nhà tôi, mặc quân phục, đi giầy bố. Gã mang súng và tôi nhận thấy gã hay nhìn về phía chúng tôi, cười với em gái tôi, đạp chân ga chiếc xe thể thao của gã cho máy xe rú rầm rộ và tỏa khói mịt mù. Trên này, em gái tôi mân mê những lọn tóc mình, và trên đường đi đến cửa tiệm, nó ngoáy mông, ngừng ở giữa đường để ngó lại phía ban công nhà chúng tôi trước khi lại tiếp tục đi về phía cửa tiệm. Gã đàn ông có chiếc xe thể thao bước theo em gái tôi. Trong tiệm gã đứng sát nó, ngắm nụ cười e lệ của nó, hít hà đôi bàn tay thơm mùi sà bông và mùi dầu thơm trên tóc, săm soi những được vạch lưỡi dao cạo trên ống chân nó. Gã moi tiền lẻ trong túi ra để trả tiền gói đồ em gái tôi cầm trong tay. Ban đầu nó ngập ngừng và từ chối, nhưng gã nài nỉ, gọi nó là Madame. Rồi em gái tôi đồng ý, và gã theo em tôi về, vào chung cư lên thang lầu, nói chuyện với nó về những bãi biển và những chiếc xe cao tốc. Gã hỏi tên nó và mời nó điếu thuốc lá. Nó, rạng rỡ như đèn pha, đồng ý gặp lại gã, trong bí mật, dưới chân cầu thang, trên mái nhà, trong những con hẻm nhỏ dưới trăng. Và sau cùng, khi đã dùng cạn những lý do như phải xuống phố như để hóng gió, gặp con bạn gái, mua đường, đuổi lũ mèo rượng đực giữa đêm khuya, thì nó bỏ nhà trốn đi với gã quân nhân ấy. Một đêm gã đến đón nó và lái xe thẳng đến gặp vị linh mục. Ông linh mục từ chối làm phép cưới cho hai đứa; cô gái dưới tuổi vị thành niên, ông nói. Gã rút súng ra dọa vị linh mục, bắt ông ký giấy hôn thú, rồi lái xe về nhà mẹ gã. Ở đó, sau khi uống say, gã phá trinh nó, và khi nó hỏi tiền để đi chợ mua đồ ăn, gã đánh nó.

Vậy anh cảm thấy thế nào về chuyện đó? Bà thày tâm lý ngắt lời tôi.

Tôi muốn giết gã, nhưng tôi còn nhỏ mà gã lớn hơn tôi và khỏe hơn tôi. Một lần mẹ tôi sai tôi đem thức ăn lại nhà em gái tôi. Lúc em gái tôi trông thấy tôi, nước mắt nó tuôn xuống má, đôi má mà, tôi nhận thấy, đã tròn đầy bầu bĩnh như cái bụng mang thai căng phồng của nó. Hai chân thẳng băng tới mắt cá như hai cái ống suông đuột, nó ì ạch bước đi, bàn tay đỡ lấy lưng, nó vừa rửa chén bát vừa pha cà phê cho tôi. Rồi chúng tôi ngồi ở bàn ăn, nó nhìn vào mắt tôi, vuốt tóc tôi, khóc, và hỏi tôi về ba tôi người đã không đến thăm nó, về mẹ tôi người đã giận nó, về những bà con chòm xóm vẫn xì xào nói xấu nó. Tôi ở lại muộn để đong nước mắt cho nó và nhìn những ngón tay nó rờ rẫm trên mặt tôi. Tôi nhắm mắt lắng nghe tiếng đứa trẻ trong bụng nó. Tôi sắp sửa ra về thì có tiếng xe Jeep ngừng bên ngoài, và tiếng cửa đóng sập lại, cùng tiếng giầy đập trên cầu thang.

Chồng em về rồi, em gái tôi nói và rụt vội bàn tay khỏi đầu tóc tôi và đảo con mắt. Nó vội vã dọn bàn, thảy những cái đĩa như tay chơi xì vé thảy con bài, quăng những nĩa những dao lên không trung như tay làm ảo thuật trong gánh xiệc, mồi bếp như người tiền sử trong hang động, và lau những giọt nước mắt trào ra do mùi hăng của củ hành.

Gã đàn ông ân cần chào tôi. Vừa thấy tôi, gã đã reo lên, Ahlan be ibn alaam (chào thằng anh vợ).

Gã vỗ vai tôi và mời tôi hút thuốc. Chúng tôi ăn ngoài ban công và gã chuốc whisky cho gã và tôi, và sai em tôi mang thêm nước đá, dưa leo, và hạnh nhân tươi. Khi em gái tôi bảo gã nhà không có tất cả những thứ ấy, gã chửi nó. Gã chửi cả bọn đàn bà, chửi cái khoảnh khắc gã bắt cóc nó, và chửi ông linh mục đã làm phép cưới cho nó và gã.

Rồi anh phản ứng ra sao? Bà thày tâm lý hỏi.

Tôi không nói gì hết. Tôi lặng thinh. Đúng ra tôi phải nói gì đó. Nhưng tôi đã không nói.

Tại sao?

Bởi vì em gái tôi nhìn tôi. Tôi hiểu ánh mắt đó: nó bảo tôi đừng nói gì hết, đừng xía vào chuyện hai chúng nó. Tôi muốn ra về, những gã níu tôi lại. Gã thuyết phục tôi ở lại. Gã muốn có người nhậu với gã. Gã nài nỉ. Sau cùng, gã ra lệnh cho tôi ngồi lại. Gã nguyền rủa Thượng Đế và chửi bới các thiên thần. Chúng tôi cụng ly trong lúc em gái tôi nấu nướng trong bếp. Rồi, sau khi uống đã đời, gã rút súng ra bắn chỉ thiên. Không một người hàng xóm nào than phiền hoặc ló đầu ra ngoài cửa sổ, hoặc hấp tấp chạy xuống đường trong đôi dép xẹp và bộ quần áo ngủ vải bông để tìm xác chết hoặc những nạn nhân đang rên rỉ. Ở đó mọi người quen tiếng súng rồi. Bắn lên trời là một thông báo công cộng, là ăn mừng trẻ sơ sinh, là vĩnh biệt người chết, là những lời riêng tư với thần linh.

Nào, thằng em rể của tôi nói. Bắn đứa thiên thần khốn nạn nào đi qua đây. Này. Gã thay băng đạn và đưa khẩu súng cho tôi. Khoan, gã nói. Để tao lên đạn cho mày.

Tôi tự làm được, tôi nói.

Hãy để thằng nhóc tự làm lấy! Gã reo lên trong kiêu hãnh, và ôm lấy vai tôi. Đây, mày sắp thành cậu rồi. Gã hôn lên má em gái tôi và chộp lấy eo nó. Em gái tôi quay đi để tránh hơi thở nồng mùi whisky, đôi chân loạng choạng, bộ râu mép sần sượng, và hàm răng nhuốm màu nicotine của gã.

Mình sẽ dạy thằng bé này bắn súng, phải không nào? Vừa nói gã vừa xoa bụng em gái tôi.

Mình hết giờ rồi, bà thày tâm lý nói. Tuy nhiên tôi muốn nghe tiếp chuyện ấy cho tới hết trong cuộc hẹn lần tới. Mình hẹn thứ Năm được không?




bài đã đăng của Rawi Hage