Trang chính » Dịch Thuật, Nghiên Cứu, Nhận Định, Phê Bình, Song ngữ, Thơ Email bài này

Trải Nghiệm Học Thuật: Thơ (Tính) Củ Hành

1 bình luận ♦ 8.05.2019
onion-skin-poetry_thumb.jpg

 

onion skin poetry

 

Hai đặc tính cần thiết để xây dựng một bài thơ là tính ẩn văn và tính nhất quán. Ẩn văn cho phép bài thơ nói ít mà hiểu nhiều, ít chữ mà nhiều suy đoán. Nhất quán phối hợp bài thơ thành một khối, không thiếu cũng không thừa.

Nói ít, ngụ ý, ám chỉ nhiều nhất là thơ Cụ Thể và thơ Hài Cú. Dài nhất là trường ca và sử thi. Ẩn văn và nhất quán không đặt trọng tâm lên chiều dài của bài thơ mà chủ yếu nhắm vào cấu trúc. Hai đặc tính này hỗ trợ cho nhau. Nhiều ẩn văn mà thiếu nhất quán, bài thơ dễ bị thất lạc và khó hiểu. Dù có nhất quán nhưng thiếu ẩn văn, bài thơ dễ bị hời hợt, nhẹ trọng lượng.

Thơ Củ Hành.

Đa số người quen thơ đều biết câu chuyện Bài Thơ Củ Hành. Ẩn dụ cho một loại thơ kích hoạt sự thích thú của thưởng ngoạn về những gì bí ẩn giấu sâu trong chữ nghĩa. Hầu hết những bài thơ hay trên thế giới từ giữa thế kỷ 20 là những bài thơ trong dạng củ hành. Nhiều lớp vỏ bao chặt, vây kín những gì bí ẩn ở trong lõi. Người thưởng ngoạn tìm cách lột từng lớp vỏ. Vừa lột, vừa cay, vừa chảy nước mắt. Nếu đeo đuổi đến cùng, vào đến lõi, sẽ không thấy gì. Ý nghĩa thật sự của bài thơ dù quan trọng vẫn không quan trọng hơn cách trình bày ý nghĩa đó. Bài thơ là cách diễn đạt về ý thơ qua tứ, là những lớp vỏ bao bọc. Nghệ thuật thơ gọi là “Lợp Tứ”. Nghĩa là tạo bài thơ có nhiều lớp tứ bao bọc hoặc liên hệ với nhau để diễn đạt ý nghĩa.

Ẩn Văn và Sáng Tác.

Ẩn văn bao gồm ngôn ngữ, hình ảnh, ký hiệu, và tứ thơ. Sự hòa hợp giữa ẩn văn và sáng tác không chỉ là những thể hiện mặt ngoài, nó liên quan sâu xa với ý thức, vô thức và cảm xúc.

Nếu bài thơ được xây dựng bằng ý thức, ý nghĩa chính của bài thơ có trước. Đã hiện diện trong tư duy, là nguồn động lực thúc đẩy bài thơ thành hình. Đến một thời cơ, tứ thơ sẽ được sáng tác. Tứ bao gồm hình ảnh cố định, hình ảnh di động, âm sắc, ẩn dụ, và tượng trưng. Đây là quá trình “Ý sinh tứ”.

Nếu bài thơ đến từ vô thức, tứ thơ sẽ xuất hiện trước từ một động lực vô hình trong tiềm thức. Tứ thơ đến ngẫu nhiên, liên kết theo một thứ tự không do nhà thơ chọn lựa. (Sự chọn lựa, sửa chữa, thay đổi, thường xảy ra sau khi bài thơ chấm dứt.) Khi bài thơ phát triển đến mức độ chín mùi, lúc đó, ý nghĩa bài thơ mới hiện hình. Nhà thơ có thể nhận diện ý chính hoặc rõ ràng hoặc mờ ảo. Tùy thuộc vào đề tài và tiến trình của diễn đạt. Đây là quá trình “Tứ sinh ý”.

Sáng tác là hành động đa dạng và biến hóa. Vì vậy, có vô số cách sáng tác khác nhau. Không có cách nào hay hơn cách nào. Cách hay nhất là cách phù hợp với cá tính và hoàn cảnh của mỗi người. Ví dụ, cách sáng tác thơ của nữ sĩ Stacey Lynn Brown được ghi nhận, cô thường trầm ngâm một bài thơ qua tháng này năm nọ, đêm ngày suy nghĩ về nó, cho đến một hôm, khi viết xuống, bài thơ dường như hoàn hảo không cần phải sửa chữa. (Poetry can be beautiful and subversive, Dr. Aldemaro Romero. Southern Illinois University Edwardsville.) Trong khi, Wliiam Stafford cho biết, thơ đến với ông rất tình cờ. Mỗi buổi sáng, ông ghi chép lại những ý nghĩ, những cảm nhận nào đã xuất hiện trong trí tưởng. Rồi trong ngày, bỗng dưng có lúc tứ thơ xuất hiện. Donald Hall nói thơ thường đến với ông từ những ghi chép trong sổ tay. Russell Edson kể, ông tìm đến thơ như một độc giả thay vì tác giả. Ông tìm thấy thơ tự nhiên và ngẫu nhiên. Những lời thơ từ cõi sống đã gửi đến và ông chỉ đi theo như một người thưởng ngoạn. Linda Pastan viết, thơ của bà thường phát xuất từ trạng thái hứng khởi hơn là những hình ảnh hoặc ý nghĩ, được gợi lên từ một đối tượng nào đó. William Matthews xác nhận, thơ của ông luôn luôn đến từ một cụm từ, một hình ảnh, hoặc một câu thơ. Từ đó, bài thơ thành hình khi những tứ thơ liên tục xuất hiện… Richard Wilbur tuyên bố: “Khó mà nói bài thơ bắt đầu lúc nào, cho dù tôi đã suy nghĩ nhiều năm tháng về những ý nghĩa khác nhau, và sự công tâm khi nhận thức.” Marvin Bell: “Người ta biết thực tế theo nghĩa đen… và cảm nhận còn nhiều điều để nói, tạo những nối kết với bề mặt bên ngoài – không chỉ đơn giản lên kế hoạch hoặc dàn trải.” Levertov phát biểu: Bài thơ “là những chắt lọc lâu ngày với kinh nghiệm phức tạp.” (50 Contemporary Poets, The Creative Process. Albert T. Turner. 1977.) Trên quan điểm kinh nghiệm, thơ thường xuất hiện bất ngờ, tưởng như ngẫu hứng, nhưng có nguồn gốc về một điều gì trong tư duy đã lâu. Lúc chưa đủ kinh nghiệm, nhà thơ thường nỗ lực mô tả và phát triển ý tứ vừa xuất hiện. Người lão luyện, chờ ý tứ thơ tự mô tả, tự nẩy nở, họ chỉ ghi nhận, đôn đốc, và sửa chữa.

Từ quan điểm sáng tác, thơ cảm tính thường được viết liên mạch. Tác giả bị động dưới một năng lực hối thúc, cung ứng ý tứ và ngôn ngữ. Khi bài thơ thành hình ít cần sửa chữa, đôi khi giữ nguyên bản. Trong khi thơ trí tuệ xuất hiện từ tốn, đôi khi cách khoảng, đôi khi trở lại, thường khi cần sửa tạo. Hành trình cảm xúc và hàng trình tư duy khác nhau. Một bên là con thỏ nhảy nhót, nhởn nhơ, không biết đến mức lúc nào. Một bên là con rùa chậm rãi băn khoăn, suy nghĩ suốt đường đi, hướng về dấu chấm hết.

Xoay quanh sáng tác để nhìn thấy sự thành hình của một bài thơ, không nhiều thì ít, mang theo tính mơ hồ và bí ẩn. Vì vậy, ngôn ngữ diễn đạt tự động, tự nhiên có ẩn ý và ẩn tình. Ẩn văn trở thành điều kiện tất yếu của thơ.

Ẩn Văn và Chức Năng.

Ẩn văn sử dụng: 1- Ẩn dụ, hoán dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn, huyền thoại, tích truyện… và những đại diện tương tựa. 2- Những ký hiệu đại diện cho ý nghĩa khác. 3- Những cụm từ hoặc câu thơ bình thường nhưng có ngụ ý. Ẩn văn mô tả hoặc diễn đạt tứ thơ.

Lợp ý bằng tứ thơ có mục đích tạo những đại diện hoặc tượng trưng cho từng mảnh, từng chi tiết của ý. Từ nền tảng này, thơ được xem là nghệ thuật tượng trưng. Tượng trưng hiểu theo nghĩa chung: đại diện một ý nghĩa mà gợi lên một số ý nghĩa khác. Như vậy, tượng trưng bao gồm tất cả những gì mang ngụ ý khác hơn nghĩa chính thức. Để tránh hiểu lầm tượng trưng theo nghĩa từ điển, ngôn ngữ tượng trưng của thơ có thể hiểu là “ẩn văn”.

Toàn bài thơ có thể là một ẩn văn. Mỗi tứ thơ có thể là mỗi ẩn văn. Mỗi hình ảnh có thể là mỗi ẩn văn. Thậm chí, cụm từ, ngôn từ, cũng có thể là ẩn văn. Trong ẩn văn lớn có ẩn văn nhỏ. Trong ẩn văn nhỏ có ẩn văn nhỏ hơn. Ẩn Văn là bản sắc của thơ.

Thơ không có ẩn văn không có chiều sâu. Thơ quá nhiều ẩn văn không thấy rõ chiều sâu, dễ dẫn đến thất lạc. Kỹ thuật dùng ẩn văn trong thơ, nhất là những ẩn văn chủ lực, phải có phần điềm chỉ hoặc hé lộ ý nghĩa của ẩn văn do chính tác giả cài vào hoặc vô tình để lại dấu tích. Nếu không, sẽ khó tìm hiểu và diễn giải những ẩn văn trong bài thơ. Theo Giải Cấu Trúc, ý nghĩa ẩn văn sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian và theo văn bản khác nhau. Vì vậy, mỗi ẩn văn sẽ chỉ có ý nghĩa và giá trị đặc thù trong một văn bản nhất định.

Ẩn văn là một phương tiện suy đoán. Ý nghĩa bề mặt của ẩn văn được trình bày qua ngôn ngữ hoặc ký hiệu khá minh bạch. Trong khi, nghĩa ngụ ý của nó tương tựa như nhìn vào kính vạn hoa, mỗi người thấy mỗi khác trong chi tiết. Suy đoán tự bản thân đã mang tính đúng sai, không bảo đảm. Suy đoán ẩn văn là sự không bảo đảm sẽ gia tăng ít nhất hai lần. Thông thường, một số ngữ cảnh, ngữ văn, hình ảnh hoặc tứ thơ cho người đọc những tiêu mốc, những dấu vết, để theo dõi, phân tích và có cơ hội giải thích những ẩn văn, nhất là những ẩn văn chủ lực dùng làm sườn cho cấu trúc bài thơ.

Suy đoán ẩn văn trông cậy vào khả năng nhận thức và kinh nghiệm áp dụng sở học thi pháp. Phần tinh anh của nhận thức là siêu nhận thức. Khả năng này dựa trên những từ ngữ, cách sử dụng từ ngữ, cách dụng tứ để tạo ý, cách dàn dựng, mà đưa ra những giải thích hoặc giải mã những tiềm ẩn trong sâu của bài thơ. Có lẽ nên nói rằng, siêu nhận thức liên quan đến trực giác nhiều hơn là luận lý.

Một ẩn văn chính hoặc chủ lực phải đạt được mục đích, chức năng, và hiệu quả. Vì để đạt những điều kiện đó, ý nghĩa bên trong của ẩn văn phải xuất hiện, dù chỉ là hình dạng không rõ ràng. Tuy nhiên, phải cẩn trọng, nên cụ thể và kiểm soát sự giải thích, giải mã, bằng những phương pháp khoa học, vì siêu nhận thức có thể tạo ra những lầm lẫn ngoài ý thức. Những phương pháp có thể dùng để kiểm soát như Chiết Tự Pháp, Chiết Tứ Pháp, Ký Hiệu Học, Cấu Trúc Luận, Giải Cấu Trúc…v…v…

Ẩn văn sử dụng tượng trưng và ẩn dụ truyền thống thường khi rất dễ nhận ra, trong khi tượng trưng và ẩn dụ hiện đại rất dễ lầm với những mô tả thực tế. Nhà thơ hôm nay thường sử dụng những mẩu chuyện hàng ngày, chuyện khoa học, chuyện tưởng tượng, tin tức thời sự, nhân vật thời sự… để xây dựng tượng trưng hoặc ẩn dụ. Sự kiện này đưa đến khái niệm dùng tượng trưng và ẩn dụ bình thường để giải tỏa những loại tượng trưng và ẩn dụ mang tính điển cố, cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn… vốn ngụ ý cổ xúy đạo đức, luân lý, thánh thiện, cách xử thế… không còn thích hợp với nhịp sống hôm nay. Bằng những tượng trưng và ẩn dụ hiện đại, ẩn văn trở thành nghệ thuật sáng tác thơ sắp đến với nhiều lớp bao bọc: Thơ tính củ hành (gọi tắt là thơ củ hành).

Ví dụ:

Jesus và Internet

(Của Rebekah Denison Hewitt. Bài thơ vào chung kết của giải 10 Năm Thi Ca của Narrative, 2018)

Thử tưởng tượng đời sống như liên mạng,
chỉ có thể truy cập thời giờ và địa điểm nhất định,

thường chậm một chút. Bộ nhớ liên mạng và con người:
tất cả đều còn đó, chỉ những đường nối kết

bị đứt quãng. Bạn có bao giờ nhấn nút
mở máy nướng bánh mì vài lần trước khi nhìn thấy

chưa cắm điện? Có người thấy khuôn mặt Chúa Giê-su
trong bánh mì nướng. Có người thấy mặt Chúa trong đau khổ

 

Jesus and the Internet

IMAGINE a life like the Internet,
accessible only in certain times and places,

often with a slight delay. The Internet and the human
memory: everything is there, it’s the connections

that break. Have you ever pressed
the lever on the toaster over and over before seeing

the empty outlet? Some people see the face of Jesus Christ
in toast. Some people see the face of Jesus Christ in suffering.

Bài thơ sử dụng ẩn văn qua những tứ thơ hiện đại. Hình ảnh và ngôn từ theo sát nhịp sống của xã hội đương thời. Ngụ ý sự hiện hữu của Thượng Đế, một nghi vấn đã được nêu ra từ thời Tiền Socrates.

Bài thơ bên dưới diễn đạt ẩn văn qua những lời lẽ bình thường, những tứ thơ dễ hiểu, nhưng đặt ra vấn đề Hậu Thuộc Địa (Post-Colonialism) và những hậu quả của vấn nạn phân lập/kỳ thị chủng tộc:

Mất Một Trăm Năm

Họ cắt thành mảnh vụn
Họ cắt thân thể tôi
và mặt trời thành từng mảnh
Thằng này
Mày sẽ là da trắng
Con kia
Mày sẽ là da đen
Đói
Lười biếng
bất đắc dĩ

Đã mất
Một trăm năm
Biến tôi thành man rợ
Đã mất
Một trăm năm
Thậm chí còn nhiều hơn

Họ cắt mọi thứ thành từng mảnh
Thành ban, khoa
Thành địa hạt
Họ cắt lìa hình ảnh (*)
Với viền dây thép gai
Họ cắt vụn thân tôi
để đưa vào lịch sử.

(*) Có thể hiểu là chân dung, khuôn mặt.


It Took One Hundred Years

They are cutting up into pieces
My body and my sun
They are cutting them up into pieces
You
You will be white
You
You will be black
Hunger
Laziness
Unwillingness

It took
One hundred years
To make me a savage
It took
One hundred years
Even more

They are cutting everything up into pieces
Departments
Districts
They are clipping out pictures
With border barbed wire
They are cutting up my body
To make it into History

Malika O’Lahsen (1930- ), Algeria

Cả hai bài thơ ví dụ cho chúng ta một tầm nhìn khái quát về thơ Củ Hành thời đương đại: bình thường mà thâm trầm, giản dị mà phức tạp.

Thơ cảm tính (trữ tình, lãng mạn, xúc động) đã ngự trị thế kỷ 19 và ba phần tư thế kỷ 20. Từ khoảng thập niên 1970, thơ trí tuệ mới dần bước ra khỏi phạm vi mật độ của thơ cảm tính. Thơ trí tuệ tiến vào thế kỷ 21 với những khai phá nghiêng về ý thức, mang khả năng kiểm soát, cải thiện, và thúc đẩy vô thức.

Tôi Thử Nghiệm:

Ngôi Nhà Thiếu Ánh Nắng Mặt Trời

Hy vọng là bàn tay nâng niu thất vọng, trồng lớp hạt
giống xuống đất chết, chờ mầm non.
Thất vọng là hạt giống cần mặt trời, sẽ tươi lên
những rừng xanh bóng mát.
Ngôi nhà đó thiếu nắng, xây trên nền đá vững chắc,
nhưng tường vách xiêu tàn, mái ngói đỏ, màu máu
quên hồng theo nắng mưa.
Ngôi nhà bị tịch thu vì tổ chim sẻ phải nhường cho
diều hâu. Nhà treo bảng bán.
Không ai biết, nơi đó Tê Điểu cư ngụ mấy ngàn năm.

Ngôi nhà sau lưng dựa núi, trước mặt đối biển.
Phong cảnh hữu tình. Nhưng chủ nhân tàn tật,
không chăm sóc. Thất vọng mọc dày lên rong rêu.
Nền đá vững chắc nhưng trơn trợt.
Tường vách xiêu tàn càng lúc càng xiêu xiêu.
Mái ngói tươi một thời hùng vĩ rồi gió mưa tàn lụn
mốc meo như phu nhân đổi đời đội nón rách.
Những ai sinh ra, lớn lên, trong ngôi nhà này?
Những ai bỏ đi muốn quay về lại?
Những ai chiêm bao ngôi nhà một thời rực nắng?
Một thời an lành đẹp dưới trăng?
Ngôi nhà đó đang treo bảng bán.

Ngày cuối năm về ngang nhà cũ.
Hổ thẹn làm sao! bất lực một người già.
Không thể lấy lại nhà sắp vào tay kẻ lạ.
Nhà tàn tạ dầm mưa lạnh chiều đông, đường viền
dáng mẹ lum khum chịu đựng buồn bã, mong đợi
điều gì, biết chừng nào xảy ra.
Bếp nguội lạnh xưa mẹ ngồi nấu trái tim. Con ăn
khôn lớn, bỏ rơi không chăm sóc.

Bất lực làm sao! Hổ thẹn làm người!
Chợt nghe đài phát thanh đọc tin thời tiết: Ngày mai,
trời bắt đầu nắng ấm.
Thế rồi, cũng sắp hết mùa đông.
Hãy thất vọng như khăn tay lau nước mắt.
Rồi hy vọng như bàn tay mở cửa làm chủ nhà.

Ngu Yên

bài đã đăng của Ngu Yên

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Russell Edson kể, ông tìm đến thơ như một độc giả thay vì tác giả. (NY)

    Một ý tưởng lạ. Đơn giản nhưng không dễ. Tôi thấy là ý tưởng rất thú vị. Nhìn đứa con với cái tâm bao dung của cha mẹ đó là chuyện bình thường. Nhưng quan sát con mình trong cặp mắt của người khách thì thú vị chứ. Chuyện này không dễ vì làm sao có thể cắt đứt tấm lòng sinh thành với hài nhi?

    Trong thực tế vẫn có những khoảnh khắc thú vị như vậy. Trường hợp khi cha mẹ đứng dưới sân khấu hòa cùng hàng ngàn khán giả nhìn lên trên đứa con mình đang biểu diễn tiết mục gì đó.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)