Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Mọi Thứ Đều Xa Chốn Này

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 12.04.2019
clip_image002_thumb.jpg

 

clip_image002

Lời người dịch: Cristina Henríquez chào đời tại Delaware trong một gia đình di dân từ Panama. Tác giả tập truyện ngắn Come Together, Fall Apart, hai tiểu thuyết The World in HalfThe Book of Unknown Americans. Trong một tiểu luận đăng trên New Yorker, Henríquez thú nhận sự nghiệp văn chương của cô bắt đầu bằng tình cảm dành cho một cậu trai cùng trang lứa thời trung học. Cậu thanh niên không muốn bị quấy rầy nên đưa cho cô cuốn nhật ký để cô viết vào đấy rồi đưa cho cậu vào cuối niên học. Những trang viết cho cậu bạn học dần dần thành những tác phẩm cho chính mình và cô trở thành nhà văn, dù tình yêu không được đáp trả. Mọi Thứ Đều Xa Chốn Này dịch từ Everything is Far From Here trong tập The Best American Short Stories (2018), Roxane Gay chủ biên, Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company xuất bản năm 2018. ISBN 0067-6233.

 



Ngày đầu tiên, cảm giác như vừa trút được gánh nặng. Cũng còn nhiều cảm giác khác nữa, nhưng trút được gánh nặng là một trong những cảm giác ấy. Sau cùng, chị cũng đến nơi.

Sau ba tuần lễ. Sau khi đứt một quai dép, nắng rám đen hai má, bùn bít hai lỗ tai, sâu bọ làm tổ trên tóc, mụn nước phồng hai mắt cá chân, bầm tím hai bên hông, trứng luộc, nước đóng chai, trái dâu chua, xe pickup, xe lửa và lặn lội đôi chân trên đường đất, những bình minh, những hoàng hôn, mối nghi hoặc nhùng nhằng, niềm hy vọng lách cách – chị đã đến nơi.

Người ta bảo chị cứ đi ngủ đi, nhưng vậy là sai rồi. Trước tiên chị phải tìm thằng con của chị, mà lẽ ra cũng phải có mặt ở đây rồi. Mẹ con chị bị tách rời nhau trong đêm, cách đây vài hôm. Người đàn ông dẫn đường tách họ thành hai nhóm. Ông ta nói mười hai người quá đông, làm người ta để ý. Ông ta tách rời đám phụ nữ, gạt phắt những lời phản đối bằng cái ngoắc của bàn tay. “Mấy người muốn đến đó hay không?” Dĩ nhiên là họ muốn. “Phải tin tôi chứ,” ông ta nói.

Ông ta sai một gã đi theo bảo vệ họ. Khi chị ngoái cổ lại nhìn, một bàn tay đẩy vào bả vai chị. “Chỉ vài dặm nữa thôi,” gã rít vào tai chị. “Đi đi.”

Đến sáng, đám đàn ông đã đi đâu mất, bọn trẻ con cũng mất luôn. Hắn ta, một gã đàn ông đeo kính đen có một cái răng mẻ, nói, “Anh ở đây để lo cho các em.” Ý gã muốn nói là họ có mặt ở đó để săn sóc gã. Bốn người đàn bà. Thì họ đã làm. Họ bắt buộc phải làm.

“Con trai tôi đâu?” Chị hỏi người lính canh biết nói tiếng Tây Ban Nha. Hắn nhún vai thay cho câu trả lời. “¿Mi hijo?” chị hỏi bất kỳ ai chú ý nghe và cả những người không chú ý nghe. “Cháu lên năm. Tóc nó đen, chẻ ngôi qua một bên, có tàn nhang, ngay chỗ này, bên dưới con mắt. Cháu nó mặc áo có hình Người Nhện.” Người nào cũng lắc đầu.

“Chị lại Khu Gia Đình,” một người đàn bà nói, tay chỉ về phía cuối hành lang. “Họ có giường cho trẻ nhỏ nữa,” chị ta nói thêm, làm như chuyện ấy quan trọng lắm.

Trong Khu Gia Đình, vốn là một căn phòng rộng, chị đến từng giường một. Chị nhìn chăm chú từng đứa trẻ, từ những hài nhi đến những đứa lên tám nằm co quắp ép sát vào thành giường. Chị nhìn mặt từng đứa trẻ đang xem Dora the Explorer trên máy truyền hình gắn trên tường.

“Cháu nó sẽ tới mà,” một bà mẹ trẻ ngồi trong góc trấn an chị. Cô ta ôm đứa con trong lòng. “Em cũng bị y như vậy. Trẻ con thì lâu hơn. Chúng nó đâu có đi nhanh được. Con em đến sau em cả tuần lễ. Cuối cùng thì ai cũng đến được.”

Chị muốn tin đó là sự thật.

Đêm đầu tiên, chị nằm trên giường lắng nghe những tiếng động của những người đàn bà cùng phòng. Hơn chục người. Họ chồng chất trên những giường chồng, như xác chết trong nhà xác, và chị nhìn chăm chăm cái nệm võng xuống phía trên, những lò so dãn căng, chỉ sợ nó sẽ không chịu nổi. Chị nghĩ đến chuyện người đàn bà tóc bạc leo lên trên ấy ban nãy giờ đang ngáy ro ro có thể rơi xuống đè chị chết. Chị bật cười. Giả như? Sau bao nhiêu gian truân? Giả như chuyện không kết thúc như thế? Chị phì cười. Tiếng cười của chị vang trong đêm tối. Từ cuối phòng, có tiếng ai đó, “Cái đéo gì mà vui thế!”

Người ta để cho chị cất: áo quần, đôi dép đứt quai, cái lược nhựa, sợi thun cột tóc. Người ta để chị giữ: cái nhẫn cưới bằng bạc mà chị vẫn đeo dù chồng chị mất đã bốn năm. Người ta tịch thu: con dao díp (cấm mang vũ khí), một bọc bánh ngọt Maria (cấm thức ăn), một lọ vaseline (không cần lý do).

Buổi sáng, họ điểm danh. Buổi tối, lại điểm danh. Bọn gác giật tấm khăn trải giường màu xám nhạt, giũ tung lên cao như cánh dù trên không. “Bốn mươi tám, đủ!” Họ dời qua phòng khác.

Trong nhà kho: nền nhà xi măng, đèn ống tuýp huỳnh quang trên trần, giấy quảng cáo gài trên vách tường sần sùi – quảng cáo dịch vụ điện thoại, dịch vụ luật sư di trú, dịch vụ chuyên gia tâm lý. Chị gom tất cả.

Xong phần kiểm soát, trở về bàn làm sổ sách, gần cửa ra vào. Qua khung cửa sổ chị có thể thấy một hàng rào có dây xích bên trên quấn đầy dây kẽm gai và, xa hơn chút nữa, một cánh đồng mênh mông lốm đốm hoa dại, cỏ cao và vài cây cành lá um tùm.

“Con trai tôi?” chị hỏi người đàn bà ngồi ở bàn làm việc. “Gabriel Rivas? Nó đã sang đến đây chưa?”

Người đàn bà nhìn vào màn hình máy điện toán. “Xin lỗi,” bà ta nói. “Không có ai tên đó hết.”

Chị nhìn người đàn bà chăm chăm, không biết phải nói gì.

“Chị đã tìm ở Khu Gia Đình chưa?” Người đàn bà hỏi.

Họ có một giờ để ăn. Khoai tây chiên và si rô cho bữa điểm tâm. Nước súp gà và khoai tây chiên cho bữa trưa. Thịt gà tây và khoai tây nhồi bột chiên cho bữa tối. Quá nhiều khoai tây. Cả một thế giới làm bằng khoai tây. Có nước uống, nhưng có vị thuốc sát trùng, và nó làm chị buồn nôn.

Họ tắm rửa trong toa xe kéo. Lính gác kểm soát khi nào thì mở nước và khi nào thì khóa nước. Bọt xà phòng lênh láng sàn toa xe.

Ở phòng tắm, trong một toa xe khác, chị cuộn giấy vệ sinh và nhét vào quần lót. Người đàn bà cạnh đó trông thấy.

“Hỏi bà Esme,” chị ta nói. “Bà ấy kiếm giùm cho.”

Chị tìm gặp Esme trong phòng lúc chị ta đang xem ti vi. Esme gạ bán miếng băng vệ sinh một đô la, mà chị thì không có tiền.

Esme hoàn toàn dửng dưng. Chị ta trề môi, nói, “Ít ra chị còn được có kinh. Bọn tôi nhiều đứa chả có được nữa sau khi bị bọn chúng nó. Chúng tôi vác cái bầu.”

Chị vạch trên cánh tay để đánh dấu ngày. Một chấm nhỏ phía trong cổ tay lan dần ra thành sợi dây xích.

Thỉnh thoảng lại có người mới đến, do đám biên phòng dẫn vào. Mỗi tuần vài người. Chị nhìn họ với túi đeo vai tả tơi, những đứa trẻ ôm thú nhồi bông trong cánh tay. Khi thời tiết trở lạnh, người ta quấn cái mền tả tơi lầm lũi bước.

“Bà có thấy thằng bé trai không?” chị hỏi tất cả những người mới đến. “Thằng bé trông giống tôi ấy mà?”

Người ta liếc nhìn chị bằng những con mắt đỏ ngầu. Vài người lắc đầu. Hết người này đến người khác, không có ai là thằng bé con chị hết.

Lỡ như chị quên mặt nó thì sao nhỉ? Lỡ như chị nổi điên lên thì sao? Lỡ như nó đã ở đây rồi, nằm ở một trong những cái giường trẻ con kia, chị nhìn thấy nó mỗi ngày mà không nhận ra nó là con mình thì sao nhỉ? Lỡ như lâu quá thì sao nhỉ? Lỡ như trí nhớ hư hoại thì sao? Lỡ như mọi chuyện đều trắc trở, và cuộc sống cuối cùng chỉ là để đối đầu với những trắc trở ấy? Không được, chị tự mắng mình. Không được nghĩ như thế. Không được bỏ cuộc.

Một người đàn bà tên Alicia đến từ El Salvador cùng đứa con gái sáu tuổi lúc nào cũng bám dính lấy mẹ. Hai mẹ con ngủ chung giường. Tắm cùng lúc. Con bé không rời mẹ một giây nào.

“Cháu nó sợ,” Alicia nói bằng giọng phân trần. “Chuyến đi kinh khủng quá.”

“Vâng.”

“Mẹ con em sẽ đi tìm bố nó ở Minnesota.”

“Nhưng đây là Texas mà.”

“Xa lắm không?”

Làm cách nào chị trả lời một câu hỏi như thế. Có xa không à? Ở đây đi đâu cũng xa hết, ngay cả băng qua bên kia đường cũng xa.

Chị gặp luật sư, người đàn ông mặc chiếc áo khoác lấm lem. Chị hỏi chị sẽ phải ở đây bao lâu. Chị hỏi ra khỏi đây rồi chuyện gì sẽ xảy ra. “Eso depende” là câu trả lời cho cả hai câu hỏi. Rồi: “Kể cho tôi nghe hết mọi chuyện. Người ta cần xác định chị có đủ tư cách tị nạn không, xem chị có thực sự sợ hãi hay không.” Và dù không muốn sống lại những giây phút ấy, chị cũng kể cho ông ta về cái ngày, cách nay vài tháng, lúc bọn con trai – đám con trai cùng xóm mà chị quen biết mẹ chúng nó – xô chị ra khỏi chiếc xe buýt đang chạy và kéo chị qua ngã tư đông đúc, chị đã phải cố chống chỏi hai chân để đứng vững, và chúng nó đã đá chị để chị ngã xuống như thế nào. Và không một ai tiếp cứu chị, không một ai ngăn chúng lại bởi không ai biết làm cách nào để ngăn chặn bọn con trai ấy. Rồi chúng bắt chị quỳ trong con hẻm phía sau tiệm trái cây và dí súng vào đầu chị rồi thay phiên nhau, rồi dí súng vào miệng chị và bắt chị mút cái đó nữa, rồi sau khi xong việc chúng nó bảo, “Bây giờ mày là người nhà rồi, con đĩ chó,” và cười vang.

“Chị nghĩ vì sao chúng nó lại nhắm vào chị?” ông luật sư hỏi.

“Tôi có một mình.”

“Chị không lập gia đình à?”

“Hết rồi.”

“Chị lại đẹp nữa.”

Chị nheo hai con mắt.

“Bọn đàn ông…”

“Chúng nó là trẻ con.”

“Ngay cả thế đi nữa. Ở đây chúng tôi câu nói: ‘Con trai thì chứng nào tật nấy.’”

Chị cảm thấy nóng mặt.

“Nếu chúng tôi trở về, chúng nó sẽ lại làm như vậy nữa.”

“Chúng tôi?” ông ta hỏi. “Chị đi với ai nữa à?”

“Con trai tôi,” chị kể, nhưng giọng chị lạc đi. Chị nắm chặt hai bàn tay. Chị bấm móng tay vào lòng bàn tay, chị cố gắng không khóc.

Đêm xuống, nằm trong chiếc giường chồng trên tấm khăn trải giường màu xám nhạt, chị hình dung đi ngược lại con đường chị đã đi, vạch những bước trở lui qua đường đất và cỏ dại cho tới khi chị tìm thấy nó đứng trong đám cỏ mọc cao ở đâu đó, đói và lạnh. Chị muốn kéo nó vào, ôm chặt ấy nó, hít hà mùi quả mơ ngọt ngào trên da thịt nó, cảm nhận cảm giác nhột nhạt vành tai nó cọ trên má chị, để nói Mẹ xin lỗi con mẹ xin lỗi con mẹ xin lỗi con – vì chuyện gì nhỉ? Có phải tại chị mong muốn nhiều quá không? Sự bình yên cho chị và cho con trai chị? Thế có là đòi hỏi quá không? Lúc ấy thấy cũng đâu có nhiều nhõi gì, nhưng nếu chị không muốn thế thì chị chẳng bao giờ phải ra đi, và nếu không ra đi thì chị làm sao lạc mất nó được. Chị đâu đến nỗi phải mất hết mọi thứ.

Dạo này chị muốn hét lên. Thỉnh thoảng chị làm thế, và lính gác chạy đến kiềm chế chị. Họ bẻ tay chị ra sau lưng. Họ kéo chị dọc theo hành lang bỏ chị vào một căn phòng, một cái hộp không sắc màu giăng đầy màng nhện ở bốn góc, cho đến khi chị thôi la hét. Nhưng làm vậy là sai rồi. Chị la hét để cầu cứu chứ đâu phải để gây phiền toái cho ai. Tại sao bọn họ không hiểu? Người đàn bà nằm trong hộp với chị bị nhốt vào đây vì chị ta ói mửa. Ói mửa là vi phạm luật lệ. Bất tuân luật lệ, vào hộp. Đám lính canh nghĩ: Cái hộp càng nhỏ, càng kiểm soát bọn này được nhiều hơn. Nhưng mọi người đều nghĩ hộp càng nhỏ thì người ta càng nổi điên lên nhiều hơn.

Một ngày nọ, khi khí trời ẩm ướt, bầu trời xám xịt và mây trời vần vũ, một cuộc biểu tình xảy ra. Đám người bên ngoài mang những biểu ngữ NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP LÀ TỘI ÁC và CHO CHÚNG NÓ THUỐC NGỪA THAI RỒI ĐUỔI CHÚNG NÓ VỀ. Người ta khoác cờ Mỹ trên vai như áo khoác ngoài. Những siêu anh hùng người Mỹ. Chị tưởng tượng họ ngồi trong phòng khách nhà họ, một tô thức ăn chó bên khung cửa, một tách nước sôi với gói trà để ngâm quá lâu trên kệ. Chị tưởng tượng họ trải tấm biểu ngữ trên nền nhà, mở nắp cái bút lông, viết chữ rồi tô màu lên biểu ngữ.

Esme mất đứa con. Chị ta không khai phần ấy.

“Tới đây vài ngày thì nó bị sẩy thai,” một người đàn bà tên Marta nói với chị. “Gracias a Dios nó không phải mang cái thai ấy. Thân xác nó tự loại bỏ nỗi đau đớn.” Marta ngưng nói và lắc đầu. “Thấy không? ở đây không có ai lo cho bọn mình hết. Họ chẳng cần biết mình là ai. Cứ việc đéo con người ta, chứ việc đéo gì phải quan tâm đến người ta, đúng không?”

Một buổi sáng, trong lúc chị đi lấy khay đựng thức ăn trong cafeteria, một người đàn bà mặc áo thun màu hồng lợt đến bên chị.

“Nghe nói chị tìm con trai chị,” cô ta nói nhỏ.

Chị nhìn người đàn bà – chị không kiềm chế được niềm hy vọng mê muội.

“Tôi biết chút ít,” người đàn bà nói.

“Biết gì?” Trái tim chị đập loạn lên. Chị nghe được cả tiếng vang của nhịp đập thật sâu trong tai chị, dù lẫn với tiếng muỗng, nĩa, chén bát gõ vào nhau và tiếng trò chuyện rền vang chung quanh.

“Cái nhẫn của chị,” người đàn bà nói.

Trong khoảnh khắc chị bối rối, nhưng rồi chị hiểu ra. “Cô nói đi,” chị nói.

Người đàn bà nhìn chiếc nhẫn, gật đầu.

“Cô nói cho tôi biết trước đã.”

Một nụ cười như vết dầu loang trên mặt người đàn bà, nhưng cô ta không nói.

Chị nhìn người đàn bà, khuôn mặt tròn và chùm tóc hình chữ V trên trán cô ta, rồi chị chạm vào chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay chị. Bây giờ nó lỏng hơn lúc chị mới đến đây. Chị nhẹ nhàng xoay và tuốt nó ra khỏi ngón tay. Chị nắm nó trong lòng bàn tay. Lúc chị đưa chiếc nhẫn cho người đàn bà, chị cảm thấy một phần thân thể chị tê dại.

“Nói cho tôi biết,” chị lại nói.

Người đàn bà thử chiếc nhẫn trên đầu ngón tay cái. “Tôi nghe nói người ta tìm thấy một thằng bé bên đường,” cô ta nói. “Người ta đem nó đến một bệnh viện ở Laredo.”

“Mấy tuổi?”

“Mười?”

Chị cố nuốt nước miếng. “Không,” giọng chị yếu ớt. “Con trai tôi nhỏ hơn.”

“Ô, vậy sao?”

Chị gật đầu.

“Xin lỗi,” người đàn bà nói. “Em cứ tưởng là con chị.”

Chị quên đánh những dấu chấm ở cổ tay. Chị quên luôn bản thân chị.

Alicia và đứa con gái được thả. Marta bị trả về. Chị không còn thấy Esme đâu.

Và rồi mỗi ngày chị chờ con trai chị ở cửa trước. Chị ngồi trên nền nhà, những ngón tay đan nhau, đặt trên lòng.

Và rồi –

“Gabriel!”

Chị cuống cuồng đứng dậy. Đổ xô vào đám người nhùng nhằng trước mặt, nó đây rồi. Tóc đen, chải thẳng, tàn nhang dưới con mắt. Chúa ơi! Đúng nó rồi! Chị nhào tới, giật nó ra khỏi đám đông. Chị quỳ xuống nền nhà và ôm chầm lấy nó. Chị choáng váng và mừng rỡ đến ngộp thở. Mũi chị vùi vào tóc nó, cái mùi dịu dàng của nó khiến chị muốn ngất đi. Chị úp hai bàn tay lên vai nó, cũng bờ vai mỏng mảnh, nhỏ bé và dễ vỡ như vỏ trứng. “Gabriel,” chị thì thầm mê mải. Chị cảm thấy nó run rẩy. “Không sao,” chị nói với nó qua nước mắt.

Chung quanh chị là tiếng reo hò. Hay tiếng la hét? Tại sao người ta lại la hét? Tiếng một người đàn bà, “Buông con tôi ra! Mateo!” Và tại sao chị lại cảm thấy có những bàn tay bám vào người chị, gỡ tay chị ra, đẩy chị về phía sau trong lúc chị vươn tới nó – không phải nó hay sao? phải nó không? Nhưng trông giống nó quá mà! – những cánh tay kéo chị dọc theo hành lang, những bàn tay xô chị vào một căn phòng, những bàn tay khóa trái cửa lại.

Chị ngã gục xuống nền nhà và chớp mắt trong bóng tối. Từ trong lòng chiếc hộp, chị hét vang.

Rồi một ngày có lá đầy trên cây, những cây mộc lan trổ hoa đầy cành, đu đưa trong gió nhẹ. Chị sẽ ở nơi này, chị tự nhủ, cho đến khi nó đến. Qua khung cửa sổ, chị nhìn những cánh hoa trắng run rẩy, và trong một thoáng gió, một đóa hoa rụng khỏi cành. Những cánh hoa tan tác, xoay tròn, và rơi xuống đất.

Chị nhắm mắt lại. Chị đã đi những đâu, rồi chị sẽ ra sao? Những mụn phỏng nước đã lành, những vết bầm tím đã nhạt màu, những bằng chứng đã biến đi – mọi thứ tan đi như đường hòa tan trong nước. Thật là dễ dàng để mặc cho chuyện ấy xảy ra, thật dễ dàng để bỏ cuộc, để thành cái thứ mà người ta muốn mình thành: một vật bùng cháy riêng rẽ trong cơn hỗn loạn, một vật để mặc cho gió cuốn đi.

 

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)