Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Con Gái Người Lưu Giữ Kỷ Niệm

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 27.03.2019
b7bbaa02ef687e8f45304afbe358afe746900798_thumb.jpg

 


b7bbaa02ef687e8f45304afbe358afe746900798

 

 

 

Lời người dịch – Trích đoạn một phần của chương đầu tiên cuốn The Memory Keeper’s Daughter, tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Mỹ: Kim Edwards (sinh ngày 4 tháng 5, 1958). Cuốn sách được trao Kentucky Literary Award, British Book Award và được USA Today chọn là Cuốn Sách Của Năm 2006. Tác phẩm này đã được xếp hạng sách bán chạy nhất của New York Times liên tục 122 tuần lễ. Kim Edwards còn là tác giả tập truyện ngắn The Secret of a Fire King, lọt vào chung kết PEN/Hemingway Award. The Memory Keeper’s Daughter do Penguin Books Ltd. xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006. ISBN – 0 14 30.3714.5.



Anh đứng đó một lúc lâu, đến khi anh nghe tiếng cô cử động nhẹ nhàng. Anh thấy cô ngồi trên cạnh giường, đầu cúi thấp, tay nắm chặt mép tấm nệm giường.

“Chắc em chuyển bụng rồi,” ngước nhìn anh, cô nói. Tóc cô buông lơi, một cụm tóc dính vào môi cô. Anh lấy tay gạt nhúm tóc ra sau tai cho cô. Cô lắc đầu lúc anh ngồi xuống bên cô. “Em không biết nữa. Cảm thấy kỳ kỳ. Cứ đau quặn một chút rồi lại ngưng.”

Anh đỡ cho cô nằm nghiêng xuống giường rồi anh nằm ngả xuống bên cạnh cô, xoa nắn lưng cho cô. “Đau bụng đẻ giả đấy,” anh trấn an cô. “Sớm tới ba tuần lễ, hơn nữa con đầu lòng thường sinh chậm.”

Điều này thì đúng. Anh biết và anh tin tưởng điều anh nói, và anh tin chắc tới mức chỉ một lúc sau anh cũng chìm vào giấc ngủ. Anh bật dậy, thấy cô đứng cạnh giường lắc vai anh. Áo khoác ngoài của cô, tóc tai cô, gần như trắng một màu lẫn vào cái ánh sáng lạ lùng của tuyết phản chiếu tràn ngập căn phòng của hai người.

“Em tính nhẩm. Cứ cách nhau năm phút. Đau dữ lắm làm em sợ.”

Anh cảm thấy một sự thúc đẩy nội tại; sự kích thích và nỗi sợ hãi lao xao trong anh như bọt nước bị xô đi bởi con sóng. Nhưng anh đã từng được huấn luyện để giữ bình tĩnh trong những trường hợp khẩn cấp, kiềm chế những cảm xúc, nên anh từ tốn đứng dậy, lấy đồng hồ, và đi lên đi xuống với cô, chậm rãi và bình tĩnh, dọc theo hành lang. Khi cơn đau ùa tới, cô bóp chặt bàn tay anh tới mức anh tưởng chừng những đốt xương bàn tay anh sẽ dính chặt vào nhau. Những cơn co thắt đúng như cô nói cách nhau năm phút, rồi bốn phút. Anh lấy cái va li từ hộc tủ và bất ngờ cảm thấy tê dại với những chuyển biến đột ngột, dù đã mong đợi từ lâu nhưng vẫn đầy bất ngờ. Anh cử động, giống như cô, nhưng thế giới chung quanh họ chuyển động chậm chạp tới mức như đứng sựng lại. Anh cảm nhận một cách rõ rệt từng cử động, cái cách hơi thở anh lướt trên lưỡi mình, cái cách hai bàn chân cô chuồi thật chật vật vào đôi giầy duy nhất còn vừa với cô, da thịt căng phồng của cô hằn lên một vết gồ dọc theo lớp da giầy đen xám. Khi cầm lấy cánh tay cô, anh cảm thấy như mình treo lơ lửng trong căn phòng, đâu đó gần chùm đèn trần, nhìn xuống anh với cô, ghi nhận mọi sắc màu và chi tiết: cái cách cô run rẩy với mỗi cơn đau, cái cách những ngón tay anh viền chắc, che chở quanh khuỷu tay cô. Cái cách ở ngoài kia, tuyết vẫn lả tả rơi.

Anh giúp cô khoác chiếc áo len màu xanh, không gài cúc, để hở cái bụng tròn vo. Anh tìm đôi găng tay mà cô đã mang lần đầu họ gặp nhau. Dường như những chi tiết ấy bắt buộc phải đúng như thế. Họ đứng cạnh nhau một lúc trên hàng ba, ngỡ ngàng nhìn thế giới trắng muốt của băng tuyết.

“Em chờ đây,” anh nói và bước xuống, gạt sạch tuyết phủ trên bậc tam cấp. Cánh cửa chiếc xe cũ đóng băng, và phải mất vài phút anh mới mở ra được. Một vùng bụi tuyết tung bay khi cánh cửa bật mở, và anh hối hả mò mẫm trên sàn xe tìm cây cào tuyết. Khi anh ló đầu ra, vợ anh đứng dựa vào cây cột hàng ba, trán gục trên cánh tay. Giây phút ấy anh hiểu được cái đau của cô đã tăng lên nhiều lắm và đứa bé sắp được sinh đến nơi rồi, sinh nội trong đêm nay. Anh cố kiềm chế để không vội tiến đến bên cô, thay vào đó, anh dùng hết sức lực để chuẩn bị cho chiếc xe sẵn sàng, bằng cách ép hết bàn lạnh cóng này đến bàn tay lạnh cóng kia vào dưới nách cho ấm khi cái đau của cơn buốt lạnh lên đến mức hết chịu nổi, trong lúc không ngừng quét tuyết khỏi khung kính trước xe, cửa sổ và cốp xe, và nhìn những đám mây tuyết tan lẫn vào cái khoảng trắng muốt quanh hai ống chân anh.

“Anh đâu có nói với em là đau dữ như vậy,” cô nói khi anh vào đến hàng ba. Anh quàng tay lên vai cô và đỡ cô lần từng bước xuống bậc tam cấp. “Em đi được mà,” cô nói. “Trừ những lúc có cơn đau.”

“Anh biết,” anh nói, nhưng vẫn không để cô đi một mình.

Khi ra đến xe cô chạm vào cánh tay anh và chỉ về phía ngôi nhà của họ, đang phủ đầy tuyết và chói sáng như ngọn đèn lồng trong khoảng tối của con đường.

“Lúc mình về sẽ có em bé về với mình,” cô nói. “Thế giới tụi mình sẽ chẳng còn như xưa.”

Hai cây quạt nước đóng băng cứng ngắc, và tuyết tuột đầy cửa kính sau xe khi xe họ chạy ra tới đường. Anh vừa lái xe chậm rãi, vừa nghĩ thành phố đẹp không ngờ, cây cối và bụi rậm phủ đầy tuyết. Khi xe ra tới đường chính, bánh xe chạy trên chỗ đóng băng và lướt đi, nhẹ nhàng, trơn trượt, qua khỏi ngã tư, và đứng sựng lại bên đống tuyết lề đường.

“Không sao,” anh trấn an, dù đầu óc quay cuồng. May mà quanh đây không có xe cộ gì khác. Tay lái xe cứng và lạnh trong lòng hai bàn tay trần trụi của anh. Thỉnh thoảng anh lấy lưng bàn tay chùi kính xe, và chồm tới trước để nhìn qua khoảng trống anh vừa chùi. “Anh đã gọi bạn anh trước khi mình rời nhà,” anh nói, ám chỉ người đồng nghiệp của anh, hành nghề sản khoa. “Anh dặn nó lại văn phòng. Mình đến đó. Gần hơn.”

Cô lặng thinh, bàn tay nắm chặt cái khung trước mặt trong khi hớp từng hơi thở giữa những cơn đau. “Miễn sao em không phải sinh trong chiếc xe cũ rích này là được,” cô cố lên giọng khôi hài. “Anh biết em ghét chiếc xe này mà.”

Anh mỉm cười, nhưng anh hiểu nỗi sợ hãi của cô là có thật, và anh chia sẻ nỗi lo sợ ấy.

Làm đúng phương pháp, có mục đích hẳn hoi: ngay cả trong trường hợp khẩn cấp anh cũng không bỏ được thói quen ấy. Ngừng xe hẳn lại ở mọi đèn đỏ, chớp đèn báo rẽ hướng ngay cả ở những khúc đường vắng tanh. Cứ vài phút cô lại gồng mình bám chặt lấy khung xe phía trước mặt và chú tâm hít thở, khiến anh nuốt nước bọt và liếc về phía cô, lòng ngập lo âu hơn bất cứ lúc lo âu nào mà anh có thể nhớ được. Hồi hộp hơn cả lúc tham dự bài Cơ Thể Học đầu tiên, trước thi thể đứa con trai được mở tung để phô bày những điều bí mật. Hồi hộp hơn cả ngày lễ cưới, thân nhân cô ngồi kín một bên của giáo đường, trong khi phía bên kia chỉ có một nhúm đồng nghiệp của anh. Cha mẹ anh đã qua đời, em gái anh cũng đã mất.

Chỉ có một chiếc xe đậu trong bãi đậu phòng khám, chiếc xe màu xanh, đầy vẻ thủ cựu và thiết thực nhưng mới hơn xe anh. Anh đã gọi cô ta trước. Anh ngừng xe trước lối vào và đỡ vợ ra khỏi xe. Bây giờ, đến được phòng mạch một cách an toàn, cả hai reo vui trong lúc bước vào vùng ánh sáng của phòng chờ đợi.

Cô y tá ra đón họ. Vừa trông thấy cô ta anh biết ngay là có điều gì đó không ổn. Cô ta có cặp mắt xanh, to tròn trên khuôn mặt nhợt nhạt mà tuổi có thể là bốn mươi hoặc hai mươi lăm, và mỗi khi có chuyện không vừa ý trên trán cô ta lại hiện ra một đường vạch thẳng đứng, giữa hai con mắt. Đường vạch ấy giờ này đang ở trên trán cô ta lúc cô ta báo tin cho họ: xe của bác sĩ sản khoa đã bị sa lầy trên khúc đường quê không ai xúc tuyết – nơi ông ta sống – và đã xoay vòng trên lớp tuyết đóng băng rồi lủi xuống rãnh bên lề đường.

“Cô nói là bác sĩ sản khoa không đến à?” vợ anh hỏi.

Cô y tá gật đầu. Cô ta cao và rất gầy, với thân thể gẫy khúc khiến những mảnh xuơng trên người tưởng như có thể lòi ra khỏi lớp da bất cứ lúc nào. Cặp mắt to màu xanh đầy vẻ nghiêm nghị và thông minh. Mấy tháng trước, đã có những tin đồn, những câu nói đùa, rằng cô ta phải lòng anh. Anh đã bỏ ngoài tai, xem như những chuyện vụn vặt, tán gẫu của những người vô công rỗi nghề, bực mình nhưng cũng dễ hiểu khi một người đàn ông và một phụ nữ độc thân làm việc trong một không gian gần gũi, ngày này qua ngày khác. Và một buổi tối, khi anh ngủ gục tại bàn làm việc. Anh chiêm bao thấy mình trở về căn nhà ấu thơ, mẹ anh đặt những keo trái cây lấp lánh như ngọc trên bàn phủ giấy dầu bên cạnh cửa sổ. Em gái anh, lên năm, ngồi ôm con búp bê trong bàn tay bất động. Một hình ảnh thoáng qua, chắc là một mảnh trí nhớ, nhưng là hình ảnh lập tức đổ đầy trong anh nỗi buồn và niềm khát khao. Ngôi nhà bây giờ là của anh nhưng trống vắng, khi em gái anh mất và bố mẹ anh dọn đi nơi khác, những căn phòng mẹ anh đã kỳ cọ sáng bóng giờ bỏ hoang, mặc cho bầy sóc và lũ chuột tung hoành.

Khi anh choàng tỉnh dậy, ngẩng đầu lên khỏi mặt bàn làm việc, mắt anh loang nước mắt. Cô y tá đứng bên khung cửa, nét mặt dịu mềm cảm xúc. Giây phút ấy, cô ta thật đẹp, một nửa nụ cười không còn là người phụ nữ làm việc có hiệu quả đã từng lặng lẽ làm việc bên anh đầy khả năng mỗi ngày. Ánh mắt họ gặp nhau, và dường như anh bác sĩ hiểu rõ cô ta – rằng họ hiểu rõ nhau – trong một cách thế sâu lắng và chắc chắn. Trong khoảnh khắc không có bất cứ thứ gì ngăn cách họ; một sự cận kề tới một mức độ lớn lao khiến anh chết sững và bất động. Rồi mặt cô ta ửng đỏ và cô ta quay mặt đi. Cô ta đằng hắng và sửa thế đứng cho ngay ngắn, rồi nói với anh là cô ta đã làm thêm giờ hai tiếng đồng hồ giờ cô ta phải về. Nhiều ngày sau đó, cô ta không dám nhìn vào mắt anh.

Sau đó, khi thiên hạ trêu ghẹo anh về cô ta, anh bảo họ ngưng. Cô ấy là một y tá giỏi, anh nói vậy, đưa tay lên như chặn lại những câu nói đùa, đồng thời vinh danh giây phút kỳ diệu mà họ đã chia sẻ. Cô ta là nữ y tá giỏi nhất mà tôi có dịp làm việc chung. Điều này đúng, và phút giây này anh rất vui mừng có được cô ta bên anh.

“Mình vào phòng cấp cứu được không?” cô ta hỏi. “Nhắm chừng được không?”

Anh bác sĩ lắc đầu. Những cơn co thắt chỉ còn cách nhau khoảng một phút.

“Em bé này không chờ đâu,” anh nói, mắt nhìn vợ. Tuyết đã tan trong tóc cô và lấp lánh như chiếc vương miện đính kim cương. “Em bé ra tới đây rồi.”

“Không sao,” vợ anh nói, đầy vẻ điềm tĩnh. Giọng cô cứng cỏi, mạnh mẽ. “Mình sẽ có chuyện để kể cho thằng bé, khi nó lớn: thằng bé hay con bé.”

Cô y tá mỉm cười, đường vạch vẫn hằn nét mờ nhạt giữa hai mắt cô ta. “Để đưa chị vào trong vậy,” cô ta nói. “Để giúp chị bớt đau.”

Anh đi vào văn phòng để tìm chiếc áo khoác, và khi anh vào phòng khám sản khoa của người bác sĩ đồng nghiệp, vợ anh đã nằm trên bàn khám, chân gác lên chỗ tựa chân. Căn phòng màu xanh nhạt, bàn làm việc lót men trắng rải đầy những y cụ kim loại sáng loáng. Anh đi về phía vòi nước để rửa tay. Anh cảm thấy vô cùng tỉnh táo, anh chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhoi, và trong lúc thông qua mọi thủ tục thông thường anh cảm thấy sự hoảng sợ vì vắng mặt bác sĩ chuyên về sản khoa dần dần tan biến. Anh nhắm mắt, chú tâm vào công việc.

“Mọi điều tiến triển tốt đẹp,” cô y tá nói, lúc anh quay ra. “Mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi để cổ tử cung nở mười phân; bác sĩ coi thử xem sao.”

Anh ngồi lên chiếc ghế đẩu thấp và quan sát cái vòm mềm mại ấm áp của thân thể vợ anh. Túi nước ối còn nguyên vẹn, và qua đó có thể chạm được vào đầu thai nhi, trơn và cứng như trái banh dã cầu. Con của anh. Anh nên dạo bước đâu đó trong phòng chờ đợi. Ở cuối phòng, mành cửa đóng, che kín khung cửa sổ duy nhất, và khi anh rút tay ra khỏi vùng ấm áp của thân thể vợ anh, anh thấy mình thắc mắc về trận bão tuyết bên ngoài, rằng tuyết có vẫn còn đang rơi, bao trùm thành phố và khu đất ngoại thành.

“Đúng rôi,” anh nói. “Mười phân.”

“Phoebe,” vợ anh nói. Anh không nhìn thấy mặt cô, nhưng nghe rất rõ giọng nói của cô. Họ đã bàn chuyện chọn cái tên cho đứa bé cả tháng trời nhưng vẫn chưa đi đến quyết định nào. “Con gái, Phoebe. Còn con trai, Paul, lấy tên ông cố bác của em. Em đã nói với anh chưa nhỉ?” cô hỏi. “Ý em muốn nói là em đã quyết định rồi.”

“Mấy tên đó hay,” cô y tá dịu dàng nói.

“Phoebe và Paul,” anh chồng bác sĩ lặp lại, nhưng đầu óc tập trung vào cơn co thắt đang gồ lên trên da thịt vợ anh. Anh ra dấu cho cô y tá, sẵn sàng với bình ga. Cái thời anh nội trú bệnh viện, người ta thường đánh thuốc mê sản phụ khi sinh, nhưng bây giờ đã khác – năm 1964 rồi – và ông bạn sản khoa của anh chỉ dùng hơi gây mê một cách hạn chế. Anh muốn vợ tỉnh táo để rặn; anh sẽ chỉ đánh thuốc mê khi có những cơn co thắt dữ dội, trong lúc đầu thai nhi tụt xuống và lúc sinh thai nhi. Vợ anh gồng cứng thân người, thai nhi đã tuột xuống âm đạo, đẩy căng bọc nước ối.

“Nào,” anh nói, và cô y tá chụp mặt nạ gây mê lên mặt vợ anh. Bàn tay vợ anh dãn ra, hai nắm tay nới lỏng dưới tác dụng của thuốc mê, và cô nằm im, trầm lắng không cảm nhận điều gì thêm, trong lúc những cơn co thắt chuyển qua thân thể cô.

“Con đầu lòng mà nhanh quá,” cô y tá nhận xét.

“Vâng,” anh bác sĩ nói. “Cho tới giờ thì mọi chuyện vẫn êm xuôi.”

Nửa giờ đồng hồ trôi qua như thế. Vợ anh tỉnh dậy, rên rỉ và rặn, và khi anh thấy vợ đuối sức – hoặc khi anh thấy cơn đau quá mức – anh gật đầu ra dấu cho cô y tá, để cô chụp thuốc mê cho vợ anh. Ngoại trừ những chỉ thị âm thầm, họ không chuyện trò gì với nhau. Bên ngoài tuyết vẫn rơi, bay dạt lên những vách tường nhà, lấp đầy đường xá. Anh bác sĩ ngồi trên chiếc ghế nhôm bóng, chăm chú vào những sự kiện thiết yếu. Anh đã từng đỡ đẻ năm em bé trong thời kỳ học y khoa, suông sẻ, tất cả đều còn sống, và bây giờ anh chú tâm vào những lần ấy, cố nhớ lại những chi tiết cần thiết trong việc săn sóc hài nhi. Trong khi đầu óc anh lao xao thì vợ anh, nằm gác chân lên chỗ dựa chân và bụng cô gò cao khiến anh không nhìn thấy mặt cô, dần dần nhập chung vào với hình ảnh những người đàn bà khác. Hai đầu gối tròn trĩnh của cô, hai bắp chân trơn mướt, cặp mắt cá, tất cả phơi bày trước mặt anh, quen thuộc và yêu dấu. Tuy vậy anh không màng đến việc chạm lên da thịt cô hoặc đặt bàn tay trấn an lên đầu gối cô. Cô y tá là người cầm tay cô khi cô rặn. Với anh bác sĩ, chú tâm vào những gì ở ngay trước mặt anh, cô trở thành không còn là cô, mà là một cơ thể như bao cơ thể khác, một bệnh nhân cần được chăm sóc bằng tất cả kỹ năng chuyên môn mà anh có được. Điều cần thiết, cần thiết hơn lúc thường, là anh phải biết kiềm chế cảm xúc của chính mình. Thời gian trôi qua, giây phút lạ lẫm anh trải nghiệm trong phòng ngủ của hai người trở lại với anh. Anh bắt đầu cảm thấy như bằng cách nào đó anh đã tách rời khỏi khung cảnh hộ sinh này, vừa có mặt ở đó đồng thời cũng trôi nổi nơi nào khác, quan sát từ một khoảng cách an toàn. Anh nhìn ngắm mình làm cái động tác cắt rộng cửa mình một cách chính xác. Đường cắt đẹp, anh nghĩ, khi máu ứa loang một vạch, không cho phép anh nhớ lại những lần anh đã chạm vào vùng thịt da ấy với tất cả ham muốn.

Đầu thai nhi tụt xuống. Thêm ba lần rặn, cái đầu bé nhỏ ló ra, rồi thân thể trơn tuột chuồi xuống hai bàn tay đang chờ đợi của anh và hài nhi khóc vang, màu da xanh xám dần chuyển màu hồng.

Một bé trai, mặt đỏ và tóc đen, hai con mắt tinh anh, nghi hoặc trước ánh đèn và cái lạnh của không khí phòng sinh. Anh bác sĩ cắt cuống rún và buộc thắt. Con trai tôi, anh cho phép mình nghĩ như thế. Con trai tôi.

“Em bé xinh quá,” cô y tá nói. Cô ta đứng chờ trong lúc anh khám đứa bé, thấy tim đập đều, nhanh và chắc chắn, bàn tay có những ngón dài và lọn tóc đen. Rồi cô ta đem hài nhi qua phòng kế bên để tắm cho nó và nhỏ thuốc nitrate bạc vào mắt nó. Tiếng khóc bé bỏng vọng lại, và vợ anh nhúc nhích. Anh bác sĩ đứng tại chỗ tay đặt lên đầu gối cô, hít những hơi dài và chờ giai đoạn hậu sản. Con trai tôi, ý nghĩ lại thoáng hiện trong đầu anh.

“Con đâu?” vợ anh mở mắt, hỏi, tay gạt cụm tóc vướng trên khuôn mặt đỏ sẫm. “Mọi chuyện suông sẻ hết chứ?”

“Con trai,” anh bác sĩ nói, mỉm cười với cô. “Mình có con trai. Tắm nó xong, em sẽ bồng nó. Thằng bé thật hoàn hảo.”

Mặt vợ anh, đang mềm và dãn ra vì yên lòng và vì quá mệt mỏi, bỗng méo xệch theo một cơn co thắt khác, và anh bác sĩ, chờ thoát nhau, trở về chiếc ghế đẩu giữa hai chân cô và ép nhẹ lên bụng cô. Cô la lên, và ngay lúc ấy anh hiểu điều gì đang xảy ra, và giật mình như thể một khung cửa sổ bỗng dưng hiện lên trên bức tường bê tông.

“Không sao,” anh nói. “Sẽ xong hết. Y tá đâu,” anh gọi, lúc cơn co thắt bắt đầu.

Cô y tá chạy vào, tay bế thằng bé con gói tròn trong cái chăn màu trắng.

“Chỉ số Apgar là chín,” cô ta thông báo. “Tốt lắm.”

Vợ anh giơ tay đón đứa bé và định nói gì đó, nhưng cơn đau đã níu lấy cô, đẩy bật cô nằm xuống.

“Y tá?” anh bác sĩ nói. “Tôi cần cô ở đây. Ngay bây giờ.”

Sau một khoảnh khắc lúng túng, cô y tá đặt hai chiếc gối trên nền nhà, đặt em bé xuống đó, và chạy lại bàn sinh với anh.

“Thêm thuốc mê,” anh nói. Anh thấy chút ngạc nhiên trong mắt cô ta, rồi cô ta nhanh chóng gật đầu như đã hiểu và vội làm theo lời anh. Bàn tay anh đặt trên đầu gối vợ; anh cảm nhận được cái căng thẳng trên bắp thịt cơ thể vợ anh mềm xuống khi thuốc mê đã thấm.

“Sinh đôi à?” cô y tá hỏi.

Anh bác sĩ, mới thoải mái giây phút trước khi thằng bé con chào đời, đã lại cuống quýt, và anh thấy không đủ tự tin để làm bất cứ điều gì ngoài cái gật đầu. Đều đặn, anh tự nhủ, khi cái đầu thứ nhì trồi ra. Mình đang ở nơi nào đó, anh nghĩ, mắt nhìn cái gì đó trên trần nhà trong khi hai bàn tay làm việc đúng phương pháp và chính xác. Cũng như những vụ đỡ đẻ khác thôi.

Đứa bé này nhỏ hơn và ra dễ dàng, tuột nhanh xuống hai bàn tay mang găng của anh khiến anh phải nghiêng người ra trước, dùng ngực chặn để nó khỏi rơi xuống đất. “Con gái,” anh nói, và ôm gọn lấy nó như quả bóng bầu dục, mặt đứa bé úp xuống, anh vỗ vào lưng nó cho đến khi nó khóc vang lên. Rồi anh lật nó lại để nhìn vào mặt nó.

Lớp bã trắng như kem phủ đầy trên da đứa bé, và người nó ướt chất nước ối cùng những vệt máu loang. Đôi mắt xanh ngầu đục, tóc đen nhánh, nhưng anh hầu như không nhận ra những chi tiết ấy. Cái thứ mà anh đang chăm chú nhìn là những nét không thể nhầm lẫn vào đâu được, hai con mắt xếch ngược như đang cười, mí mắt dày nếp gấp, chiếc mũi xẹp. Một trường hợp tiêu biểu, anh nhớ lời nói của vị giáo sư lúc họ khám một đứa bé tương tự như thế, nhiều năm về trước. Nét Mông Cổ. Anh có biết điều đó nghĩa là gì không? Và anh bác sĩ đọc vanh vách những triệu chứng mà anh đã thuộc làu từ trong sách giáo khoa: bắp thịt nhão, chậm tăng trưởng và chậm phát triển tinh thần, có thể có những biến chứng tim, chết non. Vị giáo sư gật đầu, đặt ống nghe lên ngực trần bóng lưỡng của đứa bé. Tội nghiệp đứa nhỏ. Người ta không thể làm gì khác ngoại trừ giữ cho nó sạch sẽ. Người ta sẽ phải chuyển nó tới trại săn sóc đặc biệt.

Anh bác sĩ cảm thấy như bị trôi ngược chiều thời gian. Em gái anh ra đời với bệnh tim bẩm sinh, đã còi cọc, hơi thở khó khăn và hụt hơi mỗi khi cố đi nhanh. Bao nhiêu năm tháng trước khi đi khám bệnh, cả nhà không biết con bé có vấn đề gì. Khi họ biết ra thì họ cũng biết thêm là không có cách nào chữa trị. Tất cả tâm trí mẹ anh hướng về con bé, và nó chết năm mười hai tuổi. Lúc ấy anh mười sáu và đã vào trung học, chuẩn bị đoạn đường học y khoa và cuộc sống anh đang có. Tuy nhiên anh vẫn nhớ nỗi phiền muộn của mẹ anh, cái cách bà leo dốc đồi lên thăm mộ mỗi sáng, hai tay khoanh chặt trước ngực để chống chọi với bất cứ thời tiết nào.

Cô y tá đứng bên anh và quan sát hài nhi.

“Rất tiếc, bác sĩ à,” cô ta nói.

Anh ôm đứa bé, quên cả những việc anh sắp phải làm. Bàn tay bé bỏng của con bé không có gì khiếm khuyết. Nhưng khoảng hở giữa ngón chân cái và bốn ngón kia, rất lộ liễu, như khoảng hở chiếc răng sún, và khi anh nhìn sâu vào mắt con bé anh thấy những điểm Brushfield, thật nhỏ nhưng thật chuyên biệt như những vẩy tuyết trên mống mắt. Anh tưởng tượng trái tim đứa bé, nhỏ như quả mận và rất có thể bị khuyết tật, và anh nghĩ đến nhà nuôi trẻ đặc biệt, được sơn sửa kỹ lưỡng, với những con thú nhồi bông mềm mại và chiếc nôi riêng biệt. Anh hình dung vợ anh đứng bên lề đường phía trước căn nhà tuyết phủ sáng trắng, lẩm bẩm, Thế giới của mình sẽ không còn như xưa.

Bàn tay đứa bé giụi vào anh, và anh giật mình. Một cách máy móc anh bắt đầu làm những việc quen thuộc phải làm. Anh cắt cuống rốn, nghe tim, nghe phổi. Trong suốt thời gian ấy, đầu óc anh mông lung cảnh tuyết, cảnh chiếc xe màu bạc tuột xuống rãnh bên đường, đến cái trống vắng sâu lắng của phòng khám. Về sau, khi nhớ lại đêm nay, hẳn anh sẽ nghĩ đến nó thường trong những tháng những năm sắp tới: giây phút đổi đời, những khoảnh khắc mà quanh chúng mọi thứ khác luôn luôn tụ lại – cái mà anh nhớ là sự im lặng của căn phòng với tuyết lặng lẽ rơi bên ngoài. Sự im lặng sâu lắng và lấn lướt tới mức anh cảm thấy như đang trôi bồng bềnh tới một độ cao mới, một điểm phía trên, và vượt xa căn phòng này, nơi anh nhập chung với tuyết và nơi mà khung cảnh căn phòng này là cái gì đó phơi bày trong một kiếp đời khác, cảnh đời mà anh chỉ là kẻ bàng quan, như khung cảnh bắt gặp qua khung cửa sổ rực rỡ ánh đèn khi dạo qua trên đường phố tối tăm. Đó là thứ mà anh sẽ nhớ, cảm giác về một không gian vô tận. Ông bác sĩ lọt xuống đường mương, và ánh đèn từ nhà anh tỏa sáng xa tít tắp.

“Được rồi. Cô tắm cho cháu bé giùm,” anh nói, chuyền cái khối nhẹ tênh của đứa bé sang tay cô y tá. “Nhưng giữ nó ở phòng khác. Tôi không muốn vợ tôi biết. Chưa cho biết liền.”

Cô y tá gật đầu. Cô ta biến đi rồi trở lại để bế thằng bé lên đặt vào chiếc nôi mà họ mang theo. Anh bác sĩ chăm chú đón hai lá nhau, cũng vừa tuột ra, đen, dầy và đẹp, mỗi cái bằng kích thước một cái đĩa nhỏ. Trẻ sinh đôi từ hai trứng riêng biệt, một trai một gái, đứa này xem ra hoàn hảo, đứa kia mang một nhiễm sắc thể thặng dư trong tất cả những tế bào cơ thể của nó. Sao lại có chuyện tình cờ như thế? Con trai anh nằm trong nôi, hai tay thỉnh thoảng quơ lên, chờn vờn như vẫn còn quẫy động trong bọc nước bụng mẹ. Anh chích cho vợ mũi thuốc an thần, rồi cúi xuống khâu chỗ cắt cửa mình. Trời đã sắp bình minh, ánh sánh yếu ớt tụ lại trên cửa sổ. Anh nhìn bàn tay mình khâu vá và nghĩ những mũi khâu của anh thật đẹp, thật đều như những mũi khâu của vợ anh – trên tấm chăn thêu cô vô tình làm rách – mà anh đã không nhận ra được chỗ rách nữa.

Xong việc, ngước lên anh thấy cô y tá ngồi trên chiếc ghế xích đu trong phòng đợi, ôm bé gái trong tay. Cô ta lặng thinh nhìn ánh mắt đăm chiêu của anh, và anh chợt nhớ lại cái đêm cô ta nhìn anh ngủ gục trên bàn làm việc.

“Có chỗ này,” anh nói, và ghi cái tên cùng địa chỉ vào mặt sau một bao thư. “Cô làm ơn đem cháu bé lại đó. Chờ khi trời sáng. Tôi sẽ làm giấy khai sinh, tôi sẽ gọi báo cho họ biết là cô sẽ đến.”

“Nhưng còn vợ anh,” cô y tá nói, và anh nghe từ khoảng cách xa ấy, nét ngạc nhiên và bất mãn trong giọng nói của cô ta.

Anh nghĩ đến em gái anh, xanh xao và gầy yếu, luôn thở hụt hơi, và hình ảnh mẹ anh quay ra cửa sổ, che giấu những giọt nước mặt.

“Cô không thấy sao?” anh nói, giọng ướt mềm. “Con bé tội nghiệp này thế nào mà chẳng bị bệnh tim. Nặng nữa kìa. Tôi muốn cứu chúng tôi khỏi cơn buồn phiền lớn lao.”

Anh nói bằng giọng quả quyết. Anh tin lời anh nói. Cô y tá ngồi nhìn anh đăm đăm, ngoài nét ngạc nhiên mà cô ta biểu lộ anh không đọc được điều gì khác, trong lúc anh chờ cô ta nhận lời. Trong tâm trí anh, anh không nghĩ cô ta sẽ có thể chọn điều gì khác hơn thế. Anh không tưởng tượng ra được, như sau này anh đã hình dung vào đêm hôm ấy, và bao nhiêu đêm sau nữa, cái cách mà anh đã làm đổ vỡ mọi chuyện. Thay vào đó, anh cảm thấy nôn nóng với sự ngập ngừng của cô ta và bỗng dưng anh vô cùng mệt mỏi; phòng khám, vô cùng quen thuộc, bỗng xa lạ chung quanh anh, như thể anh đang bước đi trong chiêm bao. Cô y tá đăm đăm nhìn anh qua đôi mắt biếc xanh không thể nào đoán được ý nghĩ của cô ta. Anh nhìn cô ta, chăm chú, cứng cỏi, và sau cùng cô ta gật đầu, động tác nhẹ nhàng tưởng chừng như không xảy ra.

“Tuyết,” cô ta cúi đầu lẩm bẩm.

Xế trưa cơn bão dịu dần, tiếng máy xe xúc tuyết từ xa vọng lại trong không gian tĩnh lặng. Từ khung cửa sổ trên lầu anh nhìn cô y tá quét tuyết phủ trên chiếc xe màu xanh của cô ta và lái xe vào vùng tuyết trắng. Đứa bé, giấu trong chiếc hộp, viền quanh bằng những tấm chăn len, đặt trên băng ghế sau lưng cô ta. Anh bác sĩ nhìn cô rẽ trái ra đường và biến mất. Rồi anh quay lại, ngồi với gia đình anh.

Vợ anh say ngủ, mái tóc vàng óng của cô phủ trên gối. Thỉnh thoảng anh bác sĩ chìm vào cơn ngủ gật. Tỉnh dậy, anh nhìn chăm chăm xuống bãi đậu xe trống trải, nhìn khói bay lên từ những ống khói nhà bên kia đường, tìm lời lẽ để giãi bày với vợ. Rằng sẽ chẳng là lỗi của ai cả, rằng con bé sẽ được chăm sóc tử tế, cùng những đứa bé khác giống như nó, sự chăm sóc liên tục. Như vậy sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Xế trưa, khi tuyết đã ngừng rơi hẳn, con trai anh khóc vì đói, và vợ anh thức dậy.

Chống tay ngồi dậy, gạt những sợi tóc trên mặt qua một bên, cô hỏi, “Con đâu rồi?”

Anh bế thằng bé trong tay, ấm áp và nhẹ nhàng. Anh ngồi xuống bên cô, đặt đứa bé vào vòng tay cô.

“Chào cưng,” anh nói. “Nhìn con trai xinh đẹp của mình nè. Em thật là giỏi.”

Cô hôn trán thằng bé, rồi vạch áo đặt thằng bé lên ngực. Thằng con trai anh ngậm ngay lấy vú mẹ, và vợ anh nhìn anh, mỉm cười. Anh cầm lấy tay kia của cô, nhớ cô đã bóp chặt lấy tay anh, hằn rõ vết xương ngón tay cô trên thịt da anh. Anh nhớ anh đã cương quyết bảo vệ cô bằng mọi giá.

“Mọi chuyện suông sẻ hết không?” cô hỏi. “Cưng? Chuyện gì vậy?”

“Em sinh đôi,” anh chậm rãi nói với vợ, hình dung nhúm tóc đen, những thân thể trơn nhớt chuyển động trong hai bàn tay anh. Mắt anh loang nước. “Một trai một gái.”

“Ồ,” cô nói. “Có con gái nữa à? Phoebe và Paul. Thế nó đâu rồi?”

Những ngón tay của con bé vô cùng mỏng manh, anh nghĩ, như những mảnh xương của một con chim nhỏ.

“Em à,” anh nói. Giọng anh rạn vỡ, và những chữ anh đã cẩn thận soạn sẵn trong đầu tan biến hết. Anh nhắm mắt lại, và khi anh có thể nói nên lời thì chữ nghĩa tuôn ra, không định trước.

“Em à,” anh nói. “Anh xin lỗi em. Con gái mình chết khi vừa ra đời.”



Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)