(Trích: Đọc Thơ Thế Kỷ)
Dada Adesoji Disu, Lời Khai Hiển Nhiên (Visible Testimony)
Đọc thơ là quan sát bài thơ để tìm thấy những gì xảy ra bên ngoài bài thơ. Đây là một nhận định chính xác nhưng khó thực hiện. Dù thực hiện được, kết quả không thể hoàn toàn khả tin vì hiểu thơ không phải do tác giả giải thích mà do độc giả nhận thức và mỗi độc giả sẽ nhận thức khác nhau.
Đọc bình thường là xem thơ để giải trí. Quan sát thơ là đọc kỹ để khám phá. Quan sát sẽ mang đến cho nhận thức những gì mà đọc bình thường sẽ lướt qua.
Quan sát thái độ, hành vi và những gì bài thơ suy diễn, cho người đọc một kinh nghiệm: Thơ không chỉ để giải trí.
Quan sát dẫn đến theo dõi bám sát khả năng phát triển của bài thơ. Ngoại trừ thơ Hài Cú và thơ Cụ Thể, những loại thơ khác đều phát triển theo diễn tiến. Phát triển ý tưởng, quan điểm, hoặc phẩm chất thẩm mỹ. Bài thơ hay phát triển từ nhỏ đến lớn. Phát triển từ lớn đến nhỏ chỉ là bài thơ trung bình. Từ đầu cho đến cuối không phát triển, là thơ thiếu giá trị. Không có gì để phát triển là thơ dở.
Quan sát bài “Cáo Trạng”:
[Có tiếng đàn chìm trong gối
Em cất giấu hớ hênh niềm hoan lạc
Ướt đẫm anh nước trăng tháng 10 ngai ngái men non
Bữa tiệc người không thông báo trước
Bản giao hưởng nước mắt và thân xác của hai nửa thất
lạc
43 năm qua hành trình sự sống và cái chết ] (Mở
[ Làm sao em tìm thấy anh trong khói bụi Sài Gòn
Giữa rừng người mang khẩu trang
Chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh (1)
Làm sao em tìm thấy anh
Kẻ đào tẩu khỏi con người
Che dấu con thú hoang đằng sau những chiếc mặt nạ
thánh thần cha truyền con nối
Khắc khổ và từ bi
Món thời trang hết thời dở trò khuyến mãi (2)
Có lời ru của những giọt nước mắt lăn về khởi thủy
Em vụng về vai diễn để chảy loang ướt lộ khoảng tối
thiên đường
Cho anh úp mặt xuống cỏ nhận phần nước thánh
Rửa tội sau lần tái sinh (3)
Làm sao em tìm thấy anh sau phiêu bạt cơn đại hồng
thủy tháng tư
Khi nước đã thừa thắng xông lên ngập lụt mọi con
đường
Anh bì bõm rao bán giá cho không gã nô tỳ già hồi xuân
sau cái chết bất thành
Lì lợm phơi mình chờ độ lượng (4)
Làm sao em tìm thấy anh trong hằng hà quán nhậu bia
ôm
Nơi mặt người đã đổi từ đỏ qua xanh
Từ xanh qua đỏ
Trốn chạy món nợ lương tâm bằng trò rượu thịt
Hoan hỉ cuộc tự sát (5)
Có điệu múa lộn ngược của những thầm thì ngôn ngữ
Em cuồng dại bài ngợi ca tình yêu bằng lông lỗ con chữ
tổ tiên
Đốt cháy anh tội đồ mang hình người
Phục sinh con thú hạnh phúc (6)
Làm sao em tìm thấy anh trong phù phiếm xa hoa bãi
rác ô hợp Sài Gòn
Giữa ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân và mùi lừa dối
Anh lẩn quẩn mù lòa mê muội đi thụt lùi từ lối ra
Khi em còn chưa hiện thân là trứng (7)
Làm sao em tìm thấy anh
Giữa mênh mông lưu lạc ngồn ngộn ảo vọng
Băng qua khoảng cách 43 năm với đôi hài ánh sáng
Em nhân danh tình yêu đòi nợ anh món tội tình tiền kiếp (8)
Bản cáo trạng số 0 10 / 2004
Tuyên án treo
Trả tất cả về cội gốc
Bằng cam kết sẽ không bỏ trốn em một phút giây nào
nữa
Cho đến khi kiệt sức (Kết)
(01/01/2005)
Bài thơ sử dụng thể thơ kết hợp giữa thơ tự do và thơ xuôi. Với thể thơ này, thấy được tác giả có ý định trình bày nhiều suy nghĩ, không thuần túy làm thơ cảm tính. Toàn thể bài thơ xây dựng một không khí bi quan chung quanh một tâm trạng đang đắm say hạnh phúc.
Ngay tựa đề đã tạo ra sự chú ý. Bản cáo trạng là văn bản pháp luật dùng truy tố tội phạm ra tòa. Được chuyển sang văn chương, gợi ý điều có gì gay cấn. Cáo trạng số 0, được thành lập trong tháng 10 năm 2004. Ý nghĩa tụ nơi số 0. Cáo trạng không có? Cáo trạng hư vô? Cáo trạng của một ngày không hiện diện trong tháng? Cáo trạng vô nghĩa? Cáo trạng 0 là gì? Có lẽ nên theo dõi, đọc hết mới biết.
Cấu trúc bài thơ bao gồm đoạn mở, 8 tứ thơ, và đoạn kết. Những tứ thơ trong thân bài liên hệ với nhau bằng câu: “Làm sao em tìm thấy anh…”
“Làm sao em tìm thấy anh…” xác nhận đây là bài thơ tình, nhưng không quá lãng mạn. Ngoài tình ái nội dung còn thể hiện tình trạng xã hội và nhịp sống lúc đương thời.
Có ba bài trong bài thơ này: 1- Bài thơ về chuyện tình thời nhiễu nhương. 2- Bài thơ về tình dục, say mê thân xác. 3- Bài thơ về cáo trạng số 0. Mỗi bài thơ tôi sẽ tạm đặt một tựa đề cho dễ phân biệt và theo dõi.
1- Bài: Làm Sao Em Tìm Thấy Anh?
Sài Gòn sau năm 1975, một xã hội bát nháo “khói bụi”, “khẩu trang”, “cận chiến”, “hàng hà quán nhậu bia ôm”. Một xã hội “phù phiếm xa hoa”, “ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân” toát mùi lừa dối. Một thành phố chứa những người “hoan hỉ cuộc tự sát.” Và chứa luôn một chuyện tình xảy ra, khá bất thường.
Một gã đàn ông đào tẩu khỏi con người, lòng kinh sợ những mặt nạ hóa trang di truyền đỏ trong máu dân tộc, giữa giả mạo, giả hình, giữa mọi con đường ngập nước sau mùa lũ lụt. Ông tuyệt vọng bán thân làm kẻ nô tỳ, không ai mua, cho không, chẳng ai nhận. Có chọn lựa nào chăng? Ông đành rời cuộc sống. Trên lối ra, ông đi thụt lùi. Vì sao? Còn hy vọng gì? Còn trông ngóng ai? Còn chờ đợi phép lạ?
“Làm sao em tìm thấy anh?” Không phải là câu hỏi, là cảm thán, một cơ hội mong manh đã xảy ra, một phép lạ. Người phụ nữ trẻ đẹp đã tìm thấy một nửa phần thất tung, “giữa mênh mông lưu lạc ngồn ngộn ảo vọng / nơi mặt người … từ đỏ qua xanh, từ xanh qua đỏ / giữa bãi rác ô hợp Sài Gòn.“ Một mối tình vượt qua bình thường, họ cách nhau trên 40 tuổi. Người phụ nữ khác thường “băng qua khoảng cách 43 năm với đôi hài ánh sáng, (vận tốc 299,792 ki lô mét một giây), nhân danh tình yêu đòi món nợ tội tình tiền kiếp.”
Với tựa đề tạm, “Làm Sao Em Tìm Thấy Anh?”, bài thơ tình ven lề lịch sử, cho người đọc cảm thấy vẫn còn niềm hy vọng giữa hoàn cảnh tồi tệ, không tương lai. Trong tận cùng thất vọng, vẫn còn tình yêu. Một ân sủng cho con người.
2- Bài thứ hai với tựa đề tạm, “Phục Sinh Con Thú Hạnh Phúc,” là bài thơ mô tả tình dục một cách văn vẻ, tứ thơ đẹp, hình ảnh gợi cảm, không kích dâm mà vẫn gây thú vị. Qua ngôn ngữ “chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường / úp mặt xuống máng cỏ / điệu múa lộn ngược..” Một loạt hình ảnh tưởng tượng dấy lên cử động nhịp nhàng. Vũ điệu 69 ở một tuổi đời nào thật là cần thiết.
Có tiếng đàn chìm trong gối
Em cất giấu hớ hênh niềm hoan lạc
Có lời ru của những giọt nước mắt lăn về khởi thủy
Em vụng về vai diễn để chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên
đường
Cho anh úp mặt xuống máng cỏ nhận phần nước thánh
Rửa tội sau lần tái sinh
Có điệu múa lộn ngược của những thầm thì ngôn ngữ
Em cuồng dại bài ngợi ca tình yêu bằng lông lỗ con chữ
tổ tiên
Đốt cháy anh tội đồ mang hình người
Phục sinh con thú hạnh phúc
Ít có thơ mô tả tình dục bằng những ẩn dụ hiện đại mà nghệ thuật tượng hình, gợi cử động như bài này. Đọc qua từ ngữ “lông lỗ” nghĩa trần truồng, không khỏi tự dưng nghĩ ngược lại.
Khuyết điểm của bài thơ nếu có thuộc về kỹ thuật phân biệt giữa lời nói và văn viết. Từ William Carlos Williams cổ động mang lời nói vào thi ca, vẫn luôn luôn có tranh cãi về tính văn chương giữa lời nói và câu viết. Quan điểm kết hợp cho thấy, cả hai đều có công dụng riêng thích nghi trong từng trường hợp và trong từng thể loại thơ. Ví dụ, lời nói khó thích nghi với thơ vần. Tuy nhiên, chiếu theo căn cước của thơ: cô đọng và súc tích, một câu viết không nên dư chữ, ngoại trừ cố ý.
Ví dụ trong bài thơ này:
– Câu “Che dấu con thú hoang đằng sau những chiếc mặt nạ thánh thần cha truyền con nối” Câu thơ dư chữ: đằng và những chiếc, chỉ cần: “Che dấu con thú hoang sau mặt nạ thánh thần cha truyền con nối.”
– Câu “Có lời ru của những giọt nước mắt lăn về khởi thủy”, dư chữ: những giọt.
Lỗi kỹ thuật và học thuật thường xuyên xảy ra vì hầu hết nhà thơ Việt ít quan tâm đến nghệ thuật sửa tạo (revision-creation).
3- Bài thứ ba là bài Cáo Trạng
Bản cáo trạng số 0 10 / 04
[Ướt đẫm anh nước trăng tháng 10 ngai ngái men non]
[Bản giao hưởng nước mắt và thân xác của hai nửa thất
lạc]
Tuyên án treo
[Đốt cháy anh tội đồ mang hình người]
Trả tất cả về cội gốc
[43 năm qua hành trình sự sống và sự chết]
Bằng cam kết sẽ không bỏ trốn em một phút giây nào nữa
Cho đến khi kiệt sức
Rốt ráo, bản cáo trạng truy tố tội đồ được ân sủng tình yêu so le. Cáo trạng số 0, không phải cáo trạng không có, không phải cáo trạng hư vô, không phải cáo trạng của một ngày không hiện diện, không phải cáo trạng vô nghĩa, mà là cáo trạng không phải cáo trạng. Chỉ là một cách nói “anh đã may mắn được yêu nhau.” Và người may mắn đó là họa sĩ Trịnh Cung, tác giả bài thơ.
(Cáo Trạng Số 0 10 / 04 trích trong tập Nội Tình Cái Hẻm, 2008, Sài Gòn, “Khung” Cửa xuất bản.)
Chào anh Ngu Yên
Anh xem lại các số chú thích từ 1 đến 8 trong bài thơ (in chữ nghiêng) nhưng không thấy chú thích kèm theo ở đâu cả.
Có thể so sánh bài này với trường thi “Cũng Cần Cho Hạnh Phúc” của Nguyễn Tất Nhiên đăng nhiều kỳ Văn Học giai đoạn thập niên 1990. Giờ toàn bộ Văn Học đã được scan và có trên mạng, tuy không thể search được mà phải kiếm trong từng số.
Có thể phân tích thông điệp “anh đã may mắn được yêu nhau” – mẫu số chung của nhiều người làm thơ lúc ấy – là không mới, nhưng sự thật của thời ấy là chẳng có gì khác đáng nói. Vậy nhu cầu khách quan qua con mắt phê bình, nhìn lại, là đi tìm cái mới, có quan trọng không?
Những kinh nghiệm này của người Việt, từ Sài gòn ra nước ngoài, cũng đi theo một narrative tự nhiên Hiện Đại – Hậu Hiện Đại: không còn gì, còn tình yêu –> tình yêu cũng không còn, còn thơ —> thơ cũng còn nữa đâu mà làm.
Cám ơn nhà thơ Ngu Yên đã đọc và phân tích bài thơ “Bản Cáo Trạng Số 0” tôi viết cách nay 15 năm cho một cuộc tình trời giáng vào đúng lúc tôi đang chìm trong một cuộc khủng hoảng tinh thần nặng nề giữa một Sài Gòn đang tan rã.