Trang chính » Dịch Thuật, Kiểm Duyệt Văn Hóa Nghệ Thuật, Phê Bình, Từ Việt ngữ Email bài này

nữ quyền dép râu

Tuyển tập thơ song ngữ Nàng Thơ Ngạo Mạn: Thơ Phụ Nữ Từ Thượng Cổ Đến Hiện Đại (The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present), được xuất bản trong trung tuần tháng 8 năm 2007, với sự cộng tác của hai nhà xuất bản Feminist Press của viện đại học thành phố Nữu Ước (The City College of New York) và Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, Hà Nội, Việt Nam. Không kể những bài ca dao trích từ quyển Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam sưu tầm bởi Vũ Ngọc Phan, phần nhiều những bài thơ—trong số khoảng 75 bài—trong Nàng Thơ Ngạo Mạn đã được dịch từ bản tiếng Việt của Tuyển Thơ Tác Giả Nữ Việt Nam (NXB Phụ Nữ, 2000), với sự công tác của nhiều dịch giả kiêm nhà thơ song ngữ Anh/Việt hiện sống ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Nàng Thơ Ngạo Mạn có Lời Mở Đầu của nhà văn/nhà thơ Grace Paley và bài giới thiệu tuyển tập của nhà văn và dịch giả Lady Borton. Nguyễn thị Minh Hà và Nguyễn thị Thanh Bình là hai nhà văn Việt Nam cùng cộng tác với bà Borton trong ban biên khảo của tuyển tập.

clip_image001[9]

Bìa sách Nàng Thơ Ngạo Mạn

Nàng Thơ Ngạo Mạn có dấu ấn “kosher” của guồng máy chính trị Việt Nam. Mặc dù bìa sách sau quảng cáo nỗ lực văn chương này như một phối hợp “từ những bản dịch tân kỳ của những bài thơ cổ, những sáng tác của những nhà thơ được tuyên phong trong thi văn Việt, đến những tác phẩm hiện đại của những nhà thơ trẻ tuổi nổi loạn và giận dữ của ngày hôm nay, đồng thời cũng bao gồm sự hiện diện của những nhà thơ hải ngoại,” sự thật không hẳn “dân chủ” như vậy. Đa số những nhà thơ phụ nữ trong Nàng Thơ Ngạo Mạn đã tham gia vào cuôc chiến “chống Mỹ cứu nước” hoặc sinh ra ở Việt Nam sau 1975. Chỉ có một nhà thơ (Trần Mộng Tú) và hai dịch giả (Rebekah Linh Collins và Đinh Từ Bích Thúy) trong tuyển tập Nàng Thơ Ngạo Mạn được coi như thuộc về thế hệ miền Nam trước 1975 và hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Không kể những bài ca dao, thơ cổ và những bài thơ Tiền Chiến tương đối quen thuộc với độc giả thấm nhuần văn hóa Việt, văn chương và tiếng nói của phụ nữ thuộc thành phần “chế độ Mỹ Ngụy” 1954-1975 hoàn toàn vắng bóng trong tuyển tập. Có thể những nhà thơ phụ nữ của miền Nam trước đây đã từ chối không tham dự vào tuyển tập, hay có thể những di tích thi văn của họ đã bị tịch thu và tiêu hủy từ hơn 30 năm trước, khi miền Bắc thắng trận và mở chiến dịch tẩy chay và bắt bớ những “biệt kích văn hóa của chế độ ngụy.” Vì tang chứng của nền văn hóa này đã tiêu tán, nó không thể tái sinh trong Nàng Thơ Ngạo Mạn—một tuyển tập về thi ca Việt Nam trên nguyên tắc không có biên giới “nội,” “ngoại,” “Bắc,” “Nam,” “Cộng sản,” “Quốc gia.”

Trong thực tại, tiền đề Mác-xít vẫn áp đảo Nàng Thơ Ngạo Mạn. Lady Borton thẳng thừng áp dụng cái nhìn nữ quyền theo lý thuyết xã hội chủ nghĩa trong bài giới thiệu khá công phu về truyền thống lịch sử và thơ văn Việt Nam từ thời Thượng Cổ đến hiện đại. Theo bà Borton, những bài thơ được tuyển chọn đã nói lên sự hiện diện quan trọng của phụ nữ trên diễn đàn chính trị, xã hội và lịch sử Việt Nam từ hơn 1,000 năm qua. Lady Borton đề cập đến Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu, Nguyễn thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi), và gần đây hơn, Nguyễn thị Minh Khai (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Nguyễn thị Định (Cách Mạng Đồng Khởi), và những “gián điệp chống Mỹ cứu nước” làm nhiệm vụ đưa tin trong những bar và ổ điếm Sàigòn vào thời điểm trước 1975.

Dưới ánh nhìn xã hội chủ nghĩa của Lady Borton, sự nối kết giữa cá nhân nghệ sĩ với tâp thể chính trị là lẽ dĩ nhiên, nó không cần dựa trên yếu tố đa diện của ngôn ngữ, nghệ thuật, địa lý hay lịch sử. Bà Borton đề xướng:

Nhà thơ phụ nữ sát cánh với “toàn dân,” và qua những sáng tác thơ ca, đề cao sức mạnh của nhân dân đằng sau vẻ yếu đuối bề ngoài… Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và ảnh hưởng văn hóa Hoa Kỳ ở miền Nam đã làm suy nhược những thành kiến Khổng Đạo để tạo dựng một phong cảnh xã hội phóng khoáng hơn. Phụ nữ lên tiếng, bày tỏ những quan điểm chính trị cá nhân về nhiều vấn đề hực lửa của chiến tranh, có lúc thật bất khuất ngạo nghễ…[1]

Ngay ở đoạn trên đã có nhiều những “cái nhảy lô gích” không đuợc giải nghĩa cặn kẽ. Nếu người đọc không biết gì về biến cố Nam Bắc chia đôi năm 1954, đọc lời nhận xét trên của bà Borton sẽ tưởng rằng đã có sự liên kết và trao đổi văn hóa trực tiếp giữa hai miền trong thời điểm chiến tranh, từ đó tạo ra một bầu không khí rất lý tưởng và sôi nổi, kết hợp “chính nghĩa” của xã hội chủ nghĩa với tinh thần độc lập của văn hóa Hoa Kỳ. “Quan điểm chính trị cá nhân bất khuất và ngạo nghễ” của người phụ nữ được bà Borton chứng minh vỏn vẹn qua bốn câu thơ trích từ bài “Tổ Làm Đường Dưới Núi Ngọc Mỹ Nhân”của Trần thị Mỹ Hạnh trong tuyển tập. Trần thị Mỹ Hạnh là nhà thơ miền Bắc, sáng tác bài này năm 1968:

Đây là chiến trận—đây tiền tuyến

Ta giành với giặc từng tấc đường

Từng xẻng đá nồng nàn hương núi

Máu, mồ hôi trộn đất ba-san.

Nếu “giặc” đây được hiểu là “đế quốc Mỹ ” thì không hiểu tại sao “ảnh hưởng văn hóa Hoa Kỳ” ở tận miền Nam, cộng với chủ nghĩa xã hội, lại có thể là yếu tố… khả quan, đã suy chuyển những thành kiến Khổng Đạo và giúp người phụ nữ cách mạng miền Bắc (làm đường dưới núi Ngọc Mỹ Nhân, tỉnh Ninh Bình) mở miệng lên tiếng? Chính bà Borton đã mù mờ và “phóng khoáng” trong ngôn ngữ đề cập đến ý niệm “cá nhân.” Thật ra, “cá nhân” dưới chế độ miền Bắc chỉ là một phần tử rập khuôn của đám đông: tổ làm đường của những trinh nữ cảm tử là một thể chế kiên trường, cấu tạo từ những mạch hồn vô tính của cách mạng. Bốn câu thơ cuối của Trần thị Mỹ Hạnh đã kết thúc không một do dự, suy tính:

Tôi nghe tiếng còi xe rất trong

Thấy tim mình, tim đường máu thông.

Những cô gái lòng ngời ánh ngọc

Bóng vươn dài trên đỉnh Mỹ Nhân.

Tuân theo chỉ định của cách mạng, “những cô gái lòng ngời ánh ngọc” vì vậy không thể được coi là những cá nhân ngạo mạn, ngoài cái ngạo mạn với tử thần. Trong Văn Thư Gửi Các Họa Sĩ Nhân Dịp Triển Lãm Hội Họa 1951, Hồ Chí Minh công khai xác nhận sự áp đặt của chính trị lên ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật:

Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Để làm tròn nhiệm vụ, người chiến sĩ phải có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ Quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết ….

Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật, cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.[2]

Vì vậy, thi ca phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam cách mạng xã hội chủ nghĩa, vẫn là thể loại thi ca bị “uốn nắn” dưới cái nhìn của những lãnh tụ đàn ông—Marx, Engels, và Hồ Chí Minh. Những nhà thơ phụ nữ, và ngay cả những văn thi sĩ đàn ông, trong bối cảnh này—như ta đã thấy qua giai đoạn Nhân Văn Giai Phẩm—không có quyền chất vấn sự áp đảo của chính trị lên trên văn hóa và nghệ thuật. Sự “ngạo mạn” của một cá nhân nghệ sĩ cũng chỉ là nỗi hãnh diện vay mượn, hay khả năng “nhận diện/đồng cảm” với lãnh tụ cách mạng, như trong bài thơ “Hòn Ngọc Của Mặt Trời” của Hơ Vê, nhà thơ thiểu số người H’rê (Quảng Ngãi):

Người già gọi tên em:

“Hòn ngọc của ông mặt trời Bác Hồ”

Lòng em như có nhiều tiếng chim hót,

Luôn nhìn phía mặt trời mọc,

Nơi em học Hà Nội,

Gần mặt trời Bác Hồ.

Người cộng sản kết luận rằng những bất công của giới tính cũng sẽ được san bằng khi những bất công của giai cấp được diệt trừ, mà không cần biết rằng quan điểm chính trị một chiều của giới lãnh đạo cũng là thể hiện của thứ quyền lực… bất công vẫn chưa thoát ra khỏi chế độ phụ hệ. Khi ta nhìn tổng quát lịch sử văn chương Việt Nam, cái nhìn áp đặt của Hồ Chí Minh trên thi ca phụ nữ cũng vẫn là một cái nhìn từ truyền thống gia trưởng.

Trong xã hội phụ hệ, dưới ảnh hưởng Khổng Mạnh, các nho sĩ đàn ông đã dùng văn chương như một thể thức “giải phẫu” giới tính. Vì người quân tử không thể biểu lộ sự yếu mềm của mình, chàng phải “mượn” lời phụ nữ để giải bày tâm trạng. Nguyễn Du chuyển thể trong Thúy Kiều để nói lên nỗi chán ngán của thân phận nhà nho “mất trinh,” phải quy tòng nhiều đảng phái quyền lực để được chút công danh và an ninh trong đời sống: thân phụ Nguyễn Du phò nhà Lê, Nguyễn Du làm quân sư cho chúa Trịnh, rồi sau này được vua Gia Long phong cho chức Sứ Thần sang Trung Quốc. Nguyễn Gia Thiều mượn lời nàng cung phi thất sủng trong Cung Oán Ngâm Khúc để than vãn chuyện ông bị chúa Trịnh bạc đãi, lúc trước được chúa Trịnh cho ngự y, cấp đất đai ruộng vườn, giờ thì hất hủi lạnh lùng. (Đoạn Trường Tân Thanh Cung Oán Ngâm Khúc cũng có thể được phân tích như hai suy ngẫm về sự trung thành (chữ trinh) và thể diện nam tính trong bối cảnh chính trị). Chinh Phụ Ngâm, mặc dù được coi là một tuyệt tác Nôm dưới khả năng chuyển ngữ của Đoàn thị Điểm, như Eva, vẫn phải… xuất thân từ bản chính trong tiếng Hán của Đặng Trần Côn. Lady Borton cũng công nhận trong bài giới thiệu, “tuy Đoàn thị Điểm sáng tác rất nhiều thơ, bà nổi tiếng nhất qua bản dịch của Chinh Phụ Ngâm.” Ngay cả Nguyễn thị Lộ—nguời mà Lady Borton đã ca ngợi có tình hôn nhân “bình đẳng” với phu quân Nguyễn Trãi qua những đối đáp thi ca còn truyền lại—cũng chỉ khuyên nhủ ông chồng chính khách và tác giả của Gia Huấn Ca (người tự đặt mình vào vai trò răn dạy các bà vợ, “‘chữ ‘tùy’ là phận đàn bà”) trong những câu nệ Khổng giáo:

Anh hùng gắng sức, anh hùng chí.

Phận gái đào tơ, phận gái tình.[3]

Tóm lại, từ bao thế kỷ qua, nếu nguời phụ nữ Việt đã lên tiếng, thì vẫn là những tiếng nói bị… đô hộ. Những tiếng nói và hình ảnh phụ nữ thường bị tách rời ra khỏi thể xác, hay bị giới trí thức lãnh đạo đàn ông bắt ở trong vị trí tháp tùng (gái điếm, cung phi, vợ và con gái “dại khờ” cần sự răn dạy). Trong không khí áp bức này, nỗi buồn hiện sinh của Nguyễn thị Hinh (bà Huyện Thanh Quan) trong “Qua Đèo Ngang”—một bài được chọn trong tuyển tập—vẫn là một nỗi buồn đài các và u tịch của một con người trí thức, tuy có học (hay chính vì có (nho) học), đã không biểu lộ bản sắc đàn bà. “Mảnh tình riêng” của bà, vẫn chỉ là “trời,” “non,” “nước”:

Bước đến đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Trở về thời đại trước Thiên Chúa, và trước ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, ngay cả hai bà Trưng cũng chỉ làm vua được hai năm, rồi phải tự vẫn vì thua quân Mã Viện. Hai năm lãnh đạo xa xưa ấy có lẽ chưa đủ để chuộc lại một nghìn năm bị đầy ải. Trong Nàng Thơ Ngạo Mạn, nhà thơ Ngân Giang, sáng tác bài “Trưng Nữ Vương” năm 1941, cũng áy náy nhìn lại hình ảnh của vị anh thư, mặc dù đã làm bao kẻ thù nể sợ, vẫn cô đơn lạnh lẽo trên ngai vàng vì là góa phụ không chồng:

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

Cách đây gần 20 năm trước, trong một bài phỏng vấn sau buổi chiếu phim “Tên Họ Là Việt, Tên Gọi Là Nam”(“Surname Viet, Given Name Nam), nữ đạo diễn Trịnh thị Minh Hà đã nhận xét:

Con người ta không thoát ra khỏi những thành kiến của chế độ phụ hệ chỉ vì họ đã chọn chủ nghĩa xã hội; dĩ nhiên trên phương diện chính trị người ta có vẻ thận trọng và cũng đưa ra những nỗ lực muốn cải cách hoàn cảnh phụ nữ. Tôi không phủ nhận điều này trong phim của tôi; tuy nhiên nỗ lực cải cách ở Việt Nam hiện nay chỉ được biểu hiện qua trường hợp sách vở ngôn từ của những viên chức cao cấp đàn ông được đàn bà xướng đọc trong những buổi họp mặt của liên đoàn phụ nữ. Với bao nhiêu lời hô hào về sự bình đẳng giới tính, chuyện rõ ràng nhất là hiện nay chưa có người đàn bà nào đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong tầng lớp lãnh đạo chính trị cao cấp của Đảng Cộng Sản.[4]

Trịnh Thị Minh Hà đưa ra lời nhận xét trên năm 1989. Hiện nay, ngoài bà Nguyễn thị Kim Ngân, Bộ Trưởng Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, tầng lớp lãnh đạo chính trị cao cấp ở Việt Nam vẫn vắng bóng sự tham gia của phụ nữ. Trong thực tại, Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng không làm đời sống phụ nữ tốt đẹp hơn những năm xưa, khi Đường Đồng Khởi vẫn còn là Đường Tự Do (con đường với cái tên thật “đế quốc” mà Lady Borton trong bài giới thiệu coi là biểu tượng của nền văn hóa trụy lạc thời chiến, nhan nhản những ổ điếm.) Hiện nay, trên những trang báo mạng hàng ngày của Việt Nam, chuyện lạm dụng tình dục gái vị thành niên, chuyện những bé gái làm công bị chủ nhà hành hạ, chuyện kể về những tiệm gội đầu “ôm,” đọc báo “ôm,” bia “ôm” ở khắp Sàigòn và Hà Nội—những tình cảnh mà nhà văn Nguyễn Viện đã lột tả tường tận trong tiểu thuyết Đi Tới Đuờng Cùng đã đăng trên Da Màu, vẫn tiếp tục tái diễn, đều đặn và thản nhiên như nắng, như mưa.

Vì định nghĩa “nữ quyền/phụ nữ học” (feminism) thường bao quát và có thể hiểu qua nhiều ngõ ngách liên hệ đến kinh nghiệm sống của phụ nữ, nhà văn Hoa Kỳ Grace Paley, người viết Lời Mở Đầu trong Nàng Thơ Ngạo Mạn đã khéo léo tránh đề tài chính trị, có lẽ vì bà ngại áp đặt ý niệm nữ quyền Hoa Kỳ (một quốc gia tư bản) trên ý niệm nữ quyền của một quốc gia xã hội chủ nghĩa vẫn còn trong tầng lớp “nhược tiểu” của thế giới thứ ba:

Thỉnh thoảng ta cũng thấy một vị anh thư cứng đầu, tung quậy khắp chiến trường, nhưng hầu hết những bài thơ trong tuyển tập này miêu tả đời sống thường nhật của phụ nữ. Đọc xong, tôi cảm nhận được nỗi niềm đeo đẳng của thân phận giống cái. Có nhiều bài thơ thật tuyệt vời, vì những nhà thơ là phụ nữ Việt, và họ đã thừa hưởng một truyền thống văn hóa rất tao nhã và tinh vi.[5]

Grace Paley tóm tắt truyền thống ca dao của Việt Nam, những bài thơ nói lên tình nghĩa cộng đồng thắm thiết giữa những chị em phụ nữ, từ những cảnh tát nước ngoài đồng, những tổ hợp trồng lúa, cho đến nỗi niềm phải chịu phận chồng chung trong bài thơ “Lấy Chồng Chung” của Hồ Xuân Hương và gần đây hơn, bài “Chồng Chị Chồng Em” của Đoàn thị Lam Luyến—hai bài thơ, cách nhau 300 năm, than vãn chung chung cảnh “cố đấm ăn xôi/xôi lại hẩm” (Hồ Xuân Hương) và “thản nhiên em nhận bã trầu về têm” (Đoàn thị Lam Luyến) nhưng vẫn là những bài thơ… chịu đựng chứ không thẳng cánh lật đổ chế độ phụ hệ.

Để chứng tỏ rằng thơ của phụ nữ Việt không phải chỉ đề cập đến tình cảnh chất phác của những người đàn bà quê lam lũ, Grace Paley trích hai thí dụ, trong số 75 bài thơ trong tuyển tập, bài thơ tình hiện đại “Ký Ức Phố,” của Phạm thị Ngọc Liên (“Trong giấc mộng đôi môi ấm mềm phủ mặt/nhớ quá những chiếc hôn Hà Nội ơi,”) hoặc những ngờ vực hôn nhân trong bài “Chồng Chị Chồng Em” của Đoàn thị Lam Luyến (“Tình yêu một mất mười ngờ/Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau”) như tiêu biểu cho loại thơ “nữ quyền can đảm” của Việt Nam ngày nay.

Có lẽ sự nhận xét của Grace Paley, tuy có phần ngoại giao và còn sơ lược, vẫn chính xác, ôn hòa, và bao hàm nhiều khuyến khích hơn cái nhìn “chính trị quy củ” (politically correct) của Lady Borton. Những tác giả trong Nàng Thơ Ngạo Mạn, như Xuân Quỳnh, Lâm thị Mỹ Dạ, Đoàn thị Ngọc Thu, Ý Nhi, Dư thị Hoàn, Giáng Vân, Trần thị Khánh Hội, Phạm Hồ Thu, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, và Vi Thùy Linh đã tự cho họ những lối rẽ, mặc dù còn lặng lẽ, đã rời con đường cái của chính trị Mác-xít để đi vào những ngõ thẳm của nội tâm phụ nữ. Tiếc rằng truyển tập chỉ chọn một bài thơ từ mỗi nhà thơ nêu tên ở trên, cho nên người đọc chưa được “thấm” hẳn vào thế giới vẫn còn nhiều im lặng của từng cá nhân nhà thơ. Qua những bài thơ được tuyển chọn, ta thấy vết chân khai phá của những nhà thơ trên vẫn còn vẻ rờ rẫm, do dự. “Can đảm” thế nào đi nữa thì vẫn ở trong trạng thái biệt kích, không khác “chiếc bình sứ lộng lẫy trong tủ kính sáng đèn âm thầm vỡ rạn” trong bài “Nguyện Ước” của Ý Nhi. Như cách nhà thơ Xuân Quỳnh viết về hôn nhân trong bài “Thuyền Và Biển,” ví người đàn ông như con thuyền và người đàn bà như biển cả:

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

Người đọc muốn tìm hiểu thêm về cái “vô cớ” của Xuân Quỳnh đã làm bà “ào ạt xô thuyền.” Tiếc rằng trong Nàng Thơ Ngạo Mạn, ta không được thấm nhuần “thời gian trắng” của Xuân Quỳnh, khi bà phải đối diện với tất cả những phủ nhận về bản thân, quá khứ, và hiện tại:

Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia

Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện

Chăn màu trắng, nỗi lo và cái chết

Ngày với đêm, có phân biệt gì đâu ….

Người ta khuyên, “lúc này đừng suy nghĩ

Mà cũng đừng xúc động, lo âu”

Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu

Dường trong suốt một màu vô tận trắng …[6]

Theo Lady Borton, Xuân Quỳnh, cùng với chồng và con, đã chết trong một “tai nạn lưu thông thảm khốc” năm 1988. Xuân Quỳnh đuợc ban tặng Phần Thưởng Văn Nghệ Toàn Quốc sau khi chết, và đám tang bà là đám tang “đông người tham dự nhất cho một nghệ sĩ trong lịch sử Việt Nam hiện đại.” Cũng có người cho rằng cái chết của Xuân Quỳnh không phải là tai nạn.

Để đừng bị xóa trắng, Lâm thị Mỹ Dạ, trong bài “Tôi về với Tôi” đã bơi ngược giòng thời gian, để nhận diện lại cái tôi “xanh biếc” của tuổi thơ vô nhiễm. Hình như không phải chỉ “Tôi về với Tôi,” mà hầu hết những bài thơ của bà, đã xuất hiện trước đây trong tập Cốm Non[7], đều đượm một màu xanh của ý niệm hồi sinh:

may có đứa bé

còn ở trong hồn

cái nhìn xanh biếc

lung linh cội nguồn

trái tim thơ dại

tôi về với tôi.

Đi xa hơn, Dư thị Hoàn, áp dụng thể thức “ngụ ngôn Thiền” vào thơ, đề cao sự khoan dung của nhà Phật đối với những người đàn bà “vô phúc,” “không chồng,” “không con,” “không khóc được trước mặt chồng,” hoặc “không cười được khi thấy con.” trong bài “Đi Lễ Chùa.”

Ở ngoài đời, thân phận đàn bà vẫn chưa được… tha thứ đủ. Trong bài “Người Đàn Bà Mang Thai,” Trần thị Khánh Hội “bơi trong dòng sông đục ngầu mưa lũ” để chia sẻ tình cảnh với người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén nhưng không được yên thân trước “những người đủ no, réo gào đòi nợ.” Như Dư thị Hoàn, Trần thị Khánh Hội tả những nỗi khổ của đàn bà từ vị thế của người quan sát sự tình. Trong Nàng Thơ Ngạo Mạn, ta vẫn chưa thấy giọng thơ “tự thú tận cùng” (confessional) mà từ bốn thập niên trước đã được khởi xướng bởi những nhà thơ phụ nữ nổi tiếng của Hoa Kỳ như Anne Sexton (nói về nỗi niềm chửa hoang, chuyện thủ dâm và những cơn điên), hoặc Sylvia Plath (với những ám ảnh rợn người về sự chết, tác động chỉ từ một vệt đứt tay nho nhỏ khi làm bếp).

Tuy chưa có một thái độ khẳng định, và chưa áp dụng giọng tự thú thẳng thừng, hai nhà thơ trẻ là Phan Huyền Thư và Dạ Thảo Phương, trong Nàng Thơ Ngạo Mạn, đã đi dần dần—vẫn là những bước chân còn nhiều thận trọng—về chiều hướng này. Phan Huyền Thư kiểm điểm trong “Còn Sót Lại Của Chiều:”

Bông hoa say đắm không thể nở

bằng ánh sáng của những điều tầm thường. Hạt giống

bay theo gió hờn ghen. Rơi xuống

mặt đất hiểm trở. Độ lượng mất giá. Khu vườn

ân cần một cách lên gân. Khiến tôi

nôn nao thai nghén sự trả thù.

Dạ Thảo Phương so sánh sự thức tỉnh trong tâm linh người đàn bà như hoa sen nở muộn, như cánh bướm tung ra khỏi buồng kén, đào thải hết những tiền đề… chưa có tên:

Đã hồng, hồng đến tê tái

Đã ngát, ngát đến tức tưởi

Lại thức dậy, thức dậy những hồi tưởng đau đớn

Giã từ thiên đường giấc ngủ

Cựa vỡ lòng mình

Trút bỏ xiêm y

Trút bỏ thịt da

Trút bỏ hương thơm . . .

Nàng Thơ Ngạo Mạn là một tuyển tập còn nhiều khiếm khuyết, nhiều sự vắng mặt. Là một nỗ lực đầu tiên về nền thi ca phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, tuyển tập này có lẽ đã qua nhiều chặng tuyển chọn hoặc kiểm duyệt, đã được “dịch” và “định nghĩa” qua Anh ngữ, và qua cái nhìn của hai nhà văn Hoa Kỳ là Lady Borton và Grace Paley. Người viết mong rằng sẽ có một tuyển tập đầy đủ hơn được xuất bản trong tương lai, với sự tham gia cởi mở và đồng thời nghiêm túc hơn giữa những nhà thơ, dịch giả phụ nữ trong và ngoài nước, đại diện cho tất cả các thời đại trong lịch sử Việt Nam, với những kinh nghiệm, phê bình đối chiếu, để cho cuộc đối thoại văn chương không chỉ là chuyện một chiều, hoặc là sự áp đặt cứng ngắc của chính trị, ngôn ngữ và kiến thức văn hóa. Đọc những nhà thơ trẻ trong tuyển tập, ta cũng đã thấy nhen nhúm một hoài bão được đối diện/đồng cảm với sự thật.

_______________________________

Chú Thích:

[1] Người viết dịch nguyên văn từ bài giới thiệu tuyển tập của Lady Borton, “Poets joined the effort of ‘all the people’ and, through verse, champion the people’s strength beneath apparent weakness… Việt Nam’s new socialist system in the North and American influence in the South began to shift some assumptions of Confucianism to create a more generous cultural context. Women spoke up with individualized voices of political consciousness about the war’s blazing issues, sometimes in defiance…”

[2] Hồ Chí Minh Tuyển Tập (NXB Sự Thật: 1980), tr. 501-502.

[3] Nguyễn thị Lộ, “Thơ Phúc Đáp Nguyễn Quân” (Trích), trong Nàng Thơ Ngạo Mạn.

[4] Trích từ bài phỏng vấn “Ai Nói?” (“Who is Speaking”) (Trịnh thị Minh Hà với Isaac Julien và Laura Mulvey, London Film Festival, tháng 11 năm 1989), in lại trong tuyển tập Người Đóng Khung Bị Đóng Khung (Framer Framed) của Trịnh T. Minh Hà (Routledge: 1992), tr. 196.

[5] Dịch từ nguyên văn từ Lời Mở Đầu của Grace Paley, “Occasionally one meets up with an unruly and unconquerable heroine of battle, but by and large the poems describe the ordinary human condition. One comes away from them with an abiding sense of the female. So many of them are beautiful. This is because the writers are Vietnamese, they come from a tradition of an art both elegant and skillful.”

[6] Xuân Quỳnh, “Thời Gian Trắng,” trích từ tuyển tập Sáu Nhà Thơ Việt Nam (Six Vietnamese Poets), Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung biên khảo (Curbstone: 2002), tr. 198.

[7] Lâm thị Mỹ Dạ, Cốm Non (Green Rice), Martha Collins và Đinh Từ Bích Thúy, dịch giả (Curbstone: 2005).

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)