Trang chính » Biên Khảo, Giới thiệu tác phẩm Email bài này

Đọc ‘Audition,’ hồi ký của Barbara Walters

0 bình luận ♦ 15.04.2009

 

   

Thú thật là tôi ít có dịp xem các chương trình truyền hình của Barbara Walters. Giản dị là tôi rất ít khi mở TV xem ban ngày, nhất là buổi sáng hoặc đêm khuya khoắt, là thời gian mà phần lớn chương trình do bà phụ trách được phát hình. Hồi trẻ thì bận đi học đi làm và chuyện gia đình con cái, về hưu rồi thì chỉ có buổi sáng là lúc còn nhiều sinh lực, đầu óc còn sáng suốt, nên tôi muốn dùng thời gian đó vào việc khác hơn là dán mắt vào màn ảnh truyền hình; tôi cũng ít khi xem truyền hình vào lúc khuya khoắt là lúc thường là giờ đọc sách trước khi đi ngủ, như vậy đã thành thói quen. Tóm lại, tôi biết trên đời có bà Barbara Walters, một nữ phóng viên truyền hình tên tuổi và giầu có, là người đã phá vỡ cái “trần nhà bằng kiếng” cho những thế hệ phụ nữ Mỹ sau bà muốn sinh hoạt trong ngành truyền hình báo chí vốn một dạo là của đàn ông mà thôi, đã đoạt nhiều giải thưởng, và là người có vẻ đầy tự tín và tự kiểm soát trên màn ảnh, nghiêm túc như một pho tượng bằng sáp với chỉ có cặp môi mấp máy cử động và một giọng nói hơi khàn. Tóm lại, tôi ít có dịp theo dõi bà trên màn ảnh, càng ít có dịp đọc về bà trong các mục tin tức sinh hoạt truyền hình.

Thế nhưng tôi đã đọc cuốn hồi ký Audition của bà với tất cả thích thú từ đầu đến cuối, thích hầu hết những câu chuyện bà kể, phần lớn là liên hệ tới nghề nghiệp — những loại chuyện hậu trường (behind the scene) mà tôi vẫn thích, liên quan tới hành trình nghiên cứu, sắp xếp và thực hiện của một chương trình truyền hình; với đó đây điểm vào chút mắm muối là những mẩu chuyện đời tư, có cái rất riêng tư nữa là đàng khác (như mối tình của bà với một thượng nghị sĩ da đen và đã có vợ), khiến người đọc vừa thú vị vừa ngạc nhiên ở sự chân thực của bà. Điểm lôi cuốn khác là lối hành văn đơn giản của báo chí, sự thành thật, nét khiêm tốn, thêm lời kể chuyện có pha khôi hài nhẹ nhàng, và phản ảnh một tính đôn hậu hiếm thấy ở một người phóng viên trong một ngành nghề nặng cạnh tranh, nổi tiếng là vô tình, tàn nhẫn, như ngành tin tức truyền hình.

Với Fidel Castro
walters-with-castro Điểm nối bật mà tôi nhận thấy trải dài qua những trang nói về nghề nghiệp trong Audition, đó là, mặc dù bà Walters đã phải phấn đấu tới trầy da xước vẩy trong một ngành nghề vốn thuộc lãnh vực độc quyền của đàn ông, bị đối xử kỳ thị ở những năm đầu, nhưng bà đã kiên trì phấn đấu. Song cũng chính nhờ bà là một nữ lưu, sẵn một khả năng truyền cảm, một nhan sắc vừa phải, bên cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp đã hẳn, bà đã được nhiều nhân vật tên tuổi và chính khách thế giới dành cho một ưu ái, qua mặt cả những tên tuổi trong giới truyền thông, kể cả “cây cổ thụ” Walter Conkrite, chẳng hạn như trong cuộc chạy đua để có được cuộc phỏng vấn lịch sử với hai kẻ thù vốn không đội trời chung, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Do Thái Menachem Begin vào cuối năm 1977. Hoặc như trường hợp Fidel Castro đã chỉ cho có mình Walters phỏng vấn, đã dành cho bà và nhóm quay phim những thù tiếp đặc biệt, vào giữa năm 1977.

“Audition” có nghĩa là “thử giọng,” ta gọi là “tuyển lựa tài tử,” ở đây cũng có nghĩa là phỏng vấn, là đánh giá (evaluation/rating), và cả đề bạt (promotion). Trong cuốn hồi ký của Walters, đó là cuộc phỏng vấn để được nhận vào một trường học nào (vì khi còn nhỏ cha mẹ bà đổi trường cho bà luôn, mỗi lần như vậy nhà trường lại phỏng vấn xem có thể nhận bà vào học), là các cuộc phỏng vấn xin việc, đặc biệt tại các cơ sở truyền hình, nơi người ta không chỉ thử giọng mà còn xem xét dung nhan, cung cách, ngoài kiến thức, khả năng và nhất là kinh ngiệm của người dự tuyển. “Audition” còn phản ảnh một đánh giá thường xuyên hàng ngày trên màn ảnh truyền hình đối với người ký giả truyền hình trong một môi trường sinh hoạt cạnh tranh ráo riết, lúc nào cũng có những người trẻ hơn, bắt mắt hơn, giỏi hơn, tháo vát và cả duyên dáng hơn chờ đá đít để thay thế mình. Chưa kể còn một hệ thống đánh giá (ratings) nghiệt ngã để lôi kéo khách quảng cáo vốn là giới đài thọ mọi phí tổn của các cơ sở truyền hình.

Về vấn đề việc làm, thực sự thì trước sau, không kể mấy việc lặt vặt và ngắn hạn hồi mới ra đời, còn thì bà Walters chỉ làm lâu dài cho có hai hãng truyền hình, đó là NBC (1961-1974) và ABC (1974-2004). Một tí nữa, vào khoảng đầu thập niên 1990, lúc ấy đã trên dưới 60, bà Walters đã… nhẩy thêm một bước nữa, từ ABC qua CBS, khi CBS News muốn lôi kéo bà bằng một một giao kèo… 10 triệu Mỹ kim một năm, gấp đôi số tiền bà đang lãnh bên ABC. Song bà bỏ ý định đó vì sự quen thuộc với người và nơi đang làm việc, đã biết… “phòng vệ sinh nằm ở đâu bên ABC News,” như bà đã giễu cợt. Một phần có lẽ cũng đã thấm mệt sau mấy chục năm trong nghề, như bà nói, “tôi không thể tham dự thêm cuộc tuyển lựa một lần nữa” (trang 399), và rồi lại phải chịu sự đánh giá (ratings) nghiệt ngã, đôi khi bất công, phần lớn dựa vào thị hiếu của quảng đại quần chúng hơn là phẩm chất nội dung của chương trình truyền hình, kể cả tin tức. (Đã từng trải qua cảnh thà-làm-ma-cũ này ở mấy năm trước khi về hưu, khi còn đứng ngóng sang cánh đồng cỏ trên triền núi bên kia, tôi không khỏi mỉm cười cảm thông câu giễu về vấn đề… phòng vệ sinh.)

Cuốn Audition dầy 614 trang, do nhà Alfred A. Knoff, New York, xuất bản vào giữa năm nay, bìa cứng, giá $29.95. Tôi thích lối chia sách ra thành từng chương với mỗi chương, tuy cũng vẫn theo một thứ tự thời gian nào đó, tự nó là một bài riêng, có thể nhẩy cóc đọc chương nào mình thích trước. Lối viết sách phân loại từng bài ngắn như thế này có lẽ cũng dễ khiến người viết không nản chí vì không phải đối diện với cả một dàn bài chặt chẽ và đồ sộ, thấy mà phát ớn. Tuy nhiên, có thì giờ đọc liên tục từ đầu đến cuối thì vẫn tốt hơn. Sách gồm 50 bài như vậy, không đánh số như chương (tôi phải tự đếm lấy), mà mỗi bài có một cái tựa riêng, nói về một chủ đề hay một nhóm nhân vật. Việc mà Walters ưng ý nhất trong sự nghiệp truyền hình kéo dài trên 40 năm của bà là đã đem hai nhân vật kình địch tưởng không bao giờ đối mặt nhau, đó là Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Do Thái Menachem Begin, đối thoại với nhau vào năm 1977, mà bà mô tả chi tiết ở chương mang tựa đề “Cuộc phỏng vấn lịch sử: Anwar Sadat và Menachem Begin.” Chỉ có hai người mà bà đã phỏng vấn, trong số cả ngàn cuộc phỏng vấn mà bà đã thực hiện, là được bà dành riêng cho mỗi người một chương, tựa là “Finally, Fidel (Castro)” và… “Monica (Lewinsky).” Ngoài ra, bà cũng đặc biệt dành riêng hai chương viết về con gái Jacqueline — “Ra đời trong trái tim tôi” (Born in My Heart), về thời kỳ nhận Jacqueline làm con nuôi khi cô vừa mới lọt lòng mẹ; và “Chương Viết Khó Nhất” (The Hardest Chapter to Write), về liên hệ giữa hai mẹ con.

Bà Barbara Walters sinh năm 1931 tại Boston, Massachusetts. Cha mẹ cùng là gốc Do Thái, nhưng không theo sát truyền thống như nhiều gia đình Do Thái khác. Cha ông họ bỏ nơi lập nghiệp lâu đời ở Đông Âu khi còn thuộc Nga đi lánh nạn kỳ thị cuối thế kỷ 19. Gia đình mẹ bà sang thẳng Mỹ, trong khi đó gia đình cha bà sang Anh trước rồi sau mới sang Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Hai người gặp nhau ở Boston. Mẹ bà trước sau ở nhà coi việc nội trợ, bỏ cả đời trông nom người con gái lớn và là chị của Walters, tên Jacqueline, là người bị chứng chậm phát triển tinh thần, không sống tự lập được — bà Walters đã đề tặng cuốn Audition cho Jacqueline (đã qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng khi ngoài 40), để tưởng nhớ đến người chị đã không may không có được chút gì những cái Walters đã có được; và tặng con gái nuôi (bà bị sẩy thai mấy lần, cuối cùng xin con về nuôi), cũng tên Jacqueline, là một trong hai Jacqueline “đã thay đổi đời tôi.” Cha Walters là Lou Walters, một người sinh sống trong ngành giải trí, nổi tiếng nhờ tài gầy dựng và điều khiển những hộp đêm và sản xuất những màn trình diễn rất lộng lẫy, tốn kém, song lôi cuốn vì đẹp mắt và lạ, với nhiều màn vũ và vũ công mang sang từ Pháp. Điều trớ trêu là cái đã đưa Barbara lên đài danh vọng, là kỹ nghệ truyền hình (ra đời vào thập niên 1950), lại là cái đã giết chết sự nghiệp một thời lừng lẫy của cha bà, đó là những màn văn nghệ tạp lục (vaudeville) và kỹ nghệ hộp đêm. Với truyền hình, ngưòi ta không chỉ có môn giải trí duy nhất là các hộp đêm, lại có thể ngồi nhà cùng thưởng thức với cả gia đình. Kết quả là ông bị sạt nghiệp, không phải một, mà nhiều lần. Do đấy, có một thời gian dài cho tới cuối đời họ, gánh nặng mưu sinh rớt xuống vai bà: Walters phải đi làm để nuôi thân và cả gia đình gồm cha mẹ và người chị.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Sarah Lawrence College, Bronxville, N.Y., năm 1953, Walters sang Châu Âu chơi và làm các việc lặt vặt, kể cả làm người mẫu cho hãng Carven ở Paris, chuyên sản xuất thời trang cho phụ nữ nhỏ con. Rồi bà bị ông bố gọi về, áng chừng lo cho cô con gái một mình nơi xứ người. Về lại Mỹ, bà bắt đầu làm việc cho một số hãng làm quảng cáo hoặc giao tế nhân sự giữa khách quảng cáo và truyền hình lúc đó còn đang thời kỳ bước những bước chập chững. Phần sự của bà là viết bài, sản xuất phim quảng cáo và giao dịch với bên truyền hình. Rồi bà xin được một việc làm với một hãng tuyển người, phần vụ là phỏng vấn các thư ký để gửi đi hãng nào cần người. Sản xuất phim và phỏng vấn trở thành những khả năng đã giúp bà sau này chen chân vào ngành truyển hình.

Vào năm 1961, Walters được tạp chí Redbook mời cộng tác, và việc của bà là viết bài quảng cáo cho những bài của tạp chí này. Việc nhàm chán, nhưng bà không có chọn lựa nào khác. “Làm việc không phải là một chọn lựa của tôi, mà là sự cần thiết, và đấy là việc tốt nhất mà tôi có thể có,” bà viết. “Tôi thường nghĩ về tất cả những người đàn ông — hồi ấy phần lớn là đàn ông — đã phải đi làm những việc họ rất chán tới khi họ kiếm được việc khác hoặc được thăng chức. Khác với một số bạn gái của tôi đã ra đời làm việc song họ có thể bỏ việc hoặc đi lấy chồng nếu chán việc mình làm, người đàn ông và tôi thì phải làm việc. Thời nay thì đã thay đổi, tất nhiên, và nhiều phụ nữ phải trực diện với cùng nhu cầu đi làm để kiếm sống. Thế nhưng hồi ấy thì gánh nặng kiếm cơm là của đàn ông, thích hay không thích việc mình làm” (trang 104-5).

Đang lúc ngao ngán với việc làm tại Redbook, bà nhận được điện thoại của nhà sản xuất chương trình Today bên NBC, nói họ cần một người viết bài tạm thời. Biết là việc tạm thời, nhưng bà Walters không ngần ngại chộp lấy cơ hội. “Tôi biết là tôi đang bỏ một việc làm chắc chắn để theo đuổi một việc làm tạm thời, nhưng tôi thích làm cho truyền hình — (thích) sự sáng tạo, những nhân vật thú vị, toàn thể cái không khí đó. Và khác với trong ngành giao tế nhân sự, tôi không phải thường xuyên rao bán hàng. Hơn thế nữa, nếu tôi chịu khó và làm việc tốt, có thể biết đâu tôi sẽ được nhận vào làm chính thức.” (trang 105)

Công việc của Walters là viết và sản xuất phần dành cho phụ nữ của chương trình Today. Phần này chỉ có 5 phút, năm ngày một tuần, phải có mặt ở đài vào lúc 4g30 sáng để chuẩn bị cho chương trình bắt đầu trực tiếp phát hình vào lúc 9g sáng. Sau khi phát hình và người nữ diễn viên của phần phụ nữ ra về, Walters bắt đầu lo sắp xếp và viết bài cho chương trình ngày hôm sau. Được mấy tháng thì hãng tài trợ phần chương trình này chấm dứt không tài trợ nữa, phần dành cho phụ nữ bị cúp. Walters cầm bằng thất nghiệp. May mắn là người nữ biên tập viên duy nhất của ban biên tập tám người của chương trình Today quyết định nghỉ việc đi lấy chồng, Walters được đưa vào thay thế. Phải tới cuối năm 1964, khi NBC gặp chuyện trục trặc giao kèo với người nữ xướng ngôn viên duy nhất của chương trình Today, còn đang chưa biết phải làm sao thì có người đề nghị, Sao không thử Barbara nhỉ? Hồi ấy chỉ những nữ diễn viên đã có tiếng tăm và được khán giả biết mặt, mới được mời làm xướng ngôn viên trên truyền hình, dù đó là trong khuôn khổ tin tức.

“Các ông xếp ở NBC biết tại sao (không thể dùng Walters),” Walters viết. “Câu trả lời nồng cốt và đồng nhất là: Cô ta không nổi tiếng. Cô ta không đẹp. Khách bảo trợ (quảng cáo) không thích. Song còn một câu trả lời khác nữa, và câu trả lời này vang dội sâu xa cũng tựa như những bất lợi họ thấy khi đưa tôi lên màn ảnh: Cô ta làm việc với giá rẻ mạt” (trang 139).

Với Carla Bruni-Sarkozy
walters-with-carlaVà Walters cuối cùng được đưa lên màn ảnh, bắt đầu bằng những vai trò nhỏ, rồi cứ thế cái này dẫn tới cái khác, Walters — một trong rất ít, nếu không nói duy nhất lúc ấy đã kiên quyết theo đuổi ngành báo trí truyền hình mặc dù những trở ngại, đặc biệt là tinh thần kỳ thị phụ nữ — từ từ leo lên đài danh vọng của một phóng viên truyền hình, nổi tiếng là một người phỏng vấn nghiêm chỉnh và công bằng, một khuôn mặt quen thuộc đầy tự tin và đáng tin cậy. Suốt 13 năm làm cho NBC, ngày nào cũng như ngày nấy, Walters thức dậy đến đài khi mọi người còn đang ngủ, vào lúc 4g30 sáng, năm ngày một tuần, và đều đặn như thế, chứng tỏ một người có tinh thần kỷ luật cao. Rồi chưa kể những chuyến công tá xa nhà, vì nhóm sản xuất muốn làm cho chương trình sống động bằng cách phát hình từ một nơi ngoài đài chính cho thêm phần sống động với đầy đủ mầu sắc địa phương, có khi từ nước ngoài, với phương tiện truyền hình qua hệ thống hành tinh nhân tạo được áp dụng vào giữa thập niên 1960. Bà cũng là một trong một nhúm nữ phóng viên, phần lớn bên báo in, đếm không đủ trên đầu các ngón của một bàn tay, được chọn vào phái đoàn báo chí tháp tùng Tổng thống Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử sang Trung Hoa vào năm 1972.

Năm 1974, Walters thôi việc với NBC sang làm cho ABC khi ABC News đề nghị với một cái giao kèo 5 triệu Mỹ kim cho năm năm. Walters cho biết hồi ấy bà kiếm được cũng gần cỡ đó bên NBC, nhưng bà nhận lời mời của ABC vì chức co-host chương trình tin tức buổi tối. Đó là lần đầu một phụ nữ có được vai trò này. Đã hẳn là đồng sự Harry Reasoners không vui gì khi làm việc với một phụ nữ được đặt ngang hàng với mình như thế. Và Walters cũng khốn khổ không ít trong thời gian hai năm làm việc với Reasoners. Sự xung đột tuy âm thầm nhưng vẫn lộ ra trên màn ảnh, qua báo chí, đưa tới những chê bai dành cho người nữ co-host nhiều hơn khen, có lẽ vì quần chúng vẫn chưa quen với hình ảnh một phụ nữ nói chuyện thời sự và chính trị với họ và ngang hàng với một nam ký giả chuyên nghiệp. Walters nhẫn nhịn, song cũng dần trở nên mất tự tin. Tới độ một tài tử màn ảnh tiếng tăm lừng lẫy, John Wayne, người mà bà chưa quen biết, đã phải gửi cho bà một bức điện tín khích lệ: “Chớ để bọn khốn nạn làm cô nản chí nghe. — John Wayne.” Và bà đã dùng lời vàng ngọc đó làm tựa cho một chương sách viết về giai đoạn này — “Don’t let the bastards get you down.” Để tránh va chạm, bà xin đi ra ngoài phỏng vấn nhiều hơn là ngồi làm co-host, và phát hình về tổng đài. Và cũng nhờ vậy mà bà đã thực hiện được những cuộc phỏng vấn với các nhân vật nổi tiếng và cả tai tiếng, các nguyên thủ quốc gia, trong đó là cuộc phỏng vấn lịch sử mà bà hài lòng nhất — cuộc phỏng vấn Tổng thống Ai cập Anwar Sadat và Thủ tướng Do Thái Menachem Begin vào năm 1977.

Cho tới khi về hưu vào năm 2004, Walters làm việc cho ABC trong chương trình tạp chí truyền hình 20/20, rồi The View, cũng một loại tạp chí truyền hình dành cho phụ nữ, do bà sáng lập cho ABC, mặc dù, như đã nói ở trên, có một dạo vào đầu thập niên 1990 CBS đã dụ bà về bằng một giao kèo 10 triệu Mỹ kim, nhưng bà đã từ chối. Hiện nay, mặc dù đã về hưu, và mặc dù đã 77 tuổi, Walters vẫn đứng ra sản xuất hàng năm vài chương trình đặc biệt, gọi là Barbara Walters Specials, hoặc Barbara Walters Exclusive, cho ABC. Gần đây, cũng vì biết tới tên tuổi và tính nghề nghiệp của bà, mà tôi bỏ thì giờ ra theo giõi phóng sự đặc biệt do bà thực hiện, “Người đàn ông mang bầu,” về Thomas Beatie, người đàn bà đổi giống thành đàn ông song vẫn giữ bộ phận sinh nở và do đấy vẫn có thể thụ thai, không chỉ một lần mà còn thêm cả lần thứ hai nữa — loại chuyện tôi đã nghe loáng thoáng từ lâu song coi đó là thứ chuyện của loại báo chí lá cải nên không để ý. Walters đã làm cho chuyện này đáng theo dõi tìm hiểu, đáng tin, và thú vị là đàng khác. Colleen Raezler của Culture and Media Institute đã nhìn phóng sự này như một cách để Walters định nghĩa lại cái giống (đực và cái) và gia đình, qua bài “Barbara Walters Uses Pregnant ‘Man’ to Redefine Sexes, Family” có sẵn trên trang web của cơ quan này.

Với đức Đạt Lai Lạt Ma
walters-with-dalailama Một trong những bí quyết thành công của Walters, theo tôi, và đã khiến bà có được những cuộc phỏng vấn độc đáo, dù bà không nói hẳn ra, nhưng bàng bạc qua những trang hồi ký, là lòng trắc ẩn (compassion) và khả năng duy trì một liên hệ — nếu không nói là từ đó đã nẩy nở một tình bằng hữu — với nhiều người đã được bà phỏng vấn, kể cả khi không phỏng vấn được vì một lý do nào đó, qua thư từ hoặc chỉ là một cánh thiệp Giáng Sinh do chính bà viết, mặc dù việc này bà có thể dễ dàng ủy thác cho thư ký làm. Khác với nhiều phóng viên, bà không rút cầu hay đánh đắm con đò sau khi đã sang sông sau một cuộc phỏng vấn, dù chưa được toại ý hay đã thành công. Nhiều nhân vật tên tuổi, và cả tai tiếng hay tội phạm, gặp khó khăn đã chỉ bằng lòng cho Walters phỏng vấn vì họ hoặc đã xem bà phỏng vấn và biết được bà là người chuyên nghiệp, khách quan và công bằng, có khả năng phản ảnh được khía cạnh nhân tính của họ, hoặc sau khi đã hỏi quanh và được giới thiệu là nên liên lạc với Walters vì có thể tin cậy ở tính khách quan của bà. Tôi nghĩ cái khả năng trên cũng một phần bắt nguồn từ chất nữ tính trong bà khiến nhiều người được bà phỏng vấn đã có lẽ cảm thấy được phần nào “được bao bọc, che chở,” chăng?

Ba lần lập gia đình để rồi cuối cùng chia tay, trong tình bạn. Vài lần sẩy thai, có thể tại làm việc nhiều, và cuối cùng Walters xin được một bé gái làm con nuôi ngay sau khi vừa lọt lòng mẹ, đặt tên Jacqueline, tên của người chị thiếu may mắn, mà có lúc Walters đã tự trách là có lẽ mình đã lấy tất cả của chị. Cũng như bà đã không ngừng tự trách có lẽ vì đã quá say mê theo đuổi sự nghiệp nên con gái bà đã có một thời hoang đàng khi Jacqueline còn ở tuổi vị thành niên. Tâm trạng dằng co giữa gia đình và sự nghiệp của Walter là tâm trạng của phần đông phụ nữ có gia đình con cái và nghề nghiệp, điều mà rất ít người đàn ông phải đối phó. Vì thế mà tôi đã đọc Audition với tất cả thú vị, cảm mến. Tôi tiếc là không thể dịch vài chương tiêu biểu để cống hiến bạn đọc, vì cuốn sách mượn của thư viện công cộng đã tới ngày trả lại. Thôi thì để chờ khi nào xin được phép của tác giả luôn thể vậy. (Tháng 12/2008)

 

 

Phụ lục: Hình rút từ Audition

clip_image002

Hàng đầu, từ trái, Barabara Walters, thập niên 1940 ở Florida; làm người mẫu cho House of Carven, Paris, 1954; làm người mẫu quảng cáo áo tắm, giữa, thay thế cho một người mẫu không tới làm việc tại CBS, 1956; tại phòng thu hình chương trình NBC-Today, 1967. Hàng thứ nhì, từ trái, với Fidel Castro, 1977; cuộc phỏng vấn lịch sử và ưng ý nhất của tác giả, với Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, trái, và Thủ tướng Do Thái Menachem Begin, mặt, 1977; chào biệt Đức Đạt Lai Lạt Ma sau cuộc phỏng vấn một trong những nhân vật danh tiếng đã gây ảnh hưởng mạnh nơi tác giả, 2005. Hàng thứ ba, từ trái, với đồng nghiệp Harry Reasoners trong chương trình tin tức buổi tối tại ABC, 1976; với đồng nghiệp Hugh Downs trong chương trình tạp chí thời sự (news magazine) 20/20, 1999; phỏng vấn nữ tài tử Katharine Hepburn, là một trong hai bà Hepburns mà tác giả rất ngưỡng mộ, 1981. Hàng cuối, từ trái, với con gái Jacqueline khi còn nhỏ và khi đã lớn; hình bìa cuốn hồi ký Audition; và với nữ tài tử Audrey Hepburn, 1989. (Collage TD2008, với hình rút từ Audition)

bài đã đăng của Trùng Dương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)