Một bài thơ của Nguyễn Đức Sơn được nhiều người nhắc nhở và xem nó là bài thơ viết cho Phùng Thăng:
Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một dĩa hát cũ
Oh, my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết ./.
Có thật là nhà thơ đã làm bài này cho Phùng Thăng?
Xin thưa: Phải mà không phải!
Sự thật trọn bài này có mặt trên tạp chí Văn Nghệ số 23 tháng 4 & 5 năm 1963.
Bản chụp bài thơ của NĐS trên Văn Nghệ tháng 4-1963
Xin nhớ năm 1963 là năm Phùng Thăng 20 tuổi, sinh viên văn khoa ban Triết tại đại học Huế. Năm 1966 ra trường, dạy Triết tại trường Trần Quí Cáp Hội An. Năm 1967 lập gia đình với nhà thơ Trần Xuân Kiêm. Hai người lên sống tại Bảo Lộc.
Sau đó bài thơ này đăng lại trên VĂN dưới một tựa khác: ĐÊM THĂM BẠN SẮP ĐẺ Ở DI LINH (bỏ chữ ĐI)! Và thêm chữ OH vào My tormented heart: Oh my tormented heart… Có nghĩa là bài thơ được sửa lại (dù chỉ hai chữ).
Câu hỏi là bài thơ trên là bài thơ cũ mà nhà thơ dành cho ai đó, không phải là Phùng Thăng?
Theo tôi, không phải!
Ai bảo truyện Kiều chỉ dành cho Thúy Kiều?!
Hơn nữa, bài thơ đã được tác giả nhuận sắc. Dù chỉ hai chữ thay đổi, nhưng nó vẫn là mới…!!!
Thay đổi chữ trong bài thơ
So 2 bài thơ, có sự thay đổi chữ trong hai câu khác nhau.
Lần 1 trên báo Văn Nghệ
My tormented heart
Như nắng vàng dòng thác Gougah
Lần 2 trên báo Văn
Oh, my tormented heart
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Sự thay đổi này không làm thay đổi ý của bài thơ. Cũng vậy. Nhưng nó có làm thay đổi giọng điệu của các câu thơ.
Sự thay vào các chữ Oh, Ôi tán thán làm cho câu thơ có vẻ Việt hơn. Trong trường hợp này, Việt hơn nhưng lại không hay hơn.
Theo tôi, bài thơ lần đăng đầu tiên trên Văn Nghệ đọc lên nghe rất Tây, rất thơ Tự Do. Trong trường hợp này Tây hơn và hay hơn.
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết ./.
Nếu tính đúng theo năm 4/1963 có bài thơ trên báo. Người phụ nữ 27 tuổi. Từng thổ huyết 3 lần. Biết đàn dưo8ng cầm. Sanh đứa con và chết.
Nếu tính theo tuổi, NĐS sinh năm 1937, như vậy ông được 26 tuổi. Cứ theo cách mô tả, gần gũi và xưng hô, rất có thể người phụ nữ là thân nhân với tác giả (chị, chị họ).
Có lẽ do sự ngẫu nhiên trùng hợp với Phùng thăng, cũng biết chơi dương cầm, cũng lên sống vùng Bảo Lộc vào năm 1967. Tuy nhiên như nhà văn THT chứng minh, sự việc bài thơ ra đời trước sự việc vợ chồng Phùng Thăng ở BL những 7 năm. Chuyện bất khả, bai` thơ viết cho bà PT.
Ngoài ra, cũng có người nghĩ rằng bài thơ “ẩn dụ” gì đó về rừng núi. Tôi không rõ. Bài thơ đọc khá là rõ ràng với một câu chuyện đau buồn về tình cảm.