Chuyển ngữ – Hoàng Chính
Lời người dịch: Marie-Claire Blais sinh năm 1939 tại Québec City, là tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Canada viết bằng tiếng Pháp. Tiểu thuyết đầu tay La Belle Bête xuất bản năm 1959 khi bà mới 20 tuổi. Tác phẩm của Marie-Claire Blais được trao nhiều giải thưởng giá trị như Prix France-Canada (1965), Prix Médicis (1966), Governor General’s Literary Award (1996), Prix d’Italie (1999) và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trích đoạn Da Màu gửi đến độc giả kỳ này là Chương 1 của tiểu thuyết Une Saison dans la vie d’Emmanuel (1965), Les Éditions Quinze xuất bản tại Canada. ISBN O-88565-019-0. Tác phẩm vẽ lại đầy đủ khung cảnh sống cùng cực ở vùng băng giá của một gia đình nghèo, đông con vào những năm đầu thế kỷ 20.
Hai bàn chân của bà ngoại Antoinette thống trị căn phòng. Chúng nằm đó im lìm như hai con thú canh chừng, hiếm khi nhúc nhích bên trong đôi giầy bốt màu đen, luôn luôn sẵn sàng bung ra hành động; hai bàn chân bầm giập bởi những năm tháng vất vả ngoài đồng (mở mắt lần đầu tiên trong ánh sáng nhạt nhòa sớm mai, nó chưa trông thấy hai bàn chân ấy, chưa biết đến những vết thương ẩn giấu trên cẳng chân, bên dưới lớp len của đôi bí tất, của những mắt cá sưng phồng trong ngục thất của lớp da thuộc và dây buộc…) Hai bàn chân quý phái và ngoan đạo (chúng đã chẳng rong ruổi đến nhà thờ mỗi buổi sáng, cho dù vào mùa đông đó sao?) hai bàn chân đầy ắp sự sống, và khắc sâu vào ký ức những người trông thấy chúng, dù chỉ một lần, hình ảnh u uẩn của sức mạnh và sự kiên nhẫn.
Chào đời không chút khó khăn giữa buổi sáng mùa đông, Emmanuel lắng nghe tiếng bà ngoại nó. Mênh mông và đầy quyền lực, dường như từ chiếc ghế dựa đang ngồi, bà cai trị cả thế gian. (Đừng khóc, việc gì mà khóc chứ? Mẹ mày đã phải trở ra ruộng để làm việc rồi. Lặng yên cho tới khi mẹ đi làm về nhé. A, chưa gì mày đã ích kỷ rồi, chưa gì đã xấu xa rồi. Chưa gì đã giận dữ rồi!) Nó đòi mẹ nó. (Mày chọn ngay cái lúc bần cùng này để ra đời, nhà chưa bao giờ nghèo như thế này, mùa đông nghiệt ngã với tất cả mọi người, rồi còn chiến tranh, rồi thiếu thốn lương thực, rồi đứa con thứ mười sáu là mày…) Bà ngồi nhỏ giọng than thở với chính mình, chuyện trò với những hạt chuỗi Mân Côi cái tràng hạt đeo bên hông. (Tao cũng bị phong thấp nữa, mà có ai nhắc tới đâu, tao cũng có vấn đề của tao nữa chứ. Chẳng những thế tao còn ghét trẻ sơ sinh; cái lũ côn trùng ấy, bò lổm ngổm trong đất cát! Mày rồi sẽ cư xử hệt như những đứa kia thôi, mày sẽ dốt nát, hung bạo và cay đắng… Mày chẳng tơ tưởng gì đến những gian truân mà mày đem lại cho tao, tao phải lo đủ thứ, tìm tên để đặt cho mày, đem mày đi rửa tội…)
Trong nhà lạnh ngắt. Chung quanh nó đầy những khuôn mặt; những hình dạng liên tục xuất hiện. Nó nhìn họ nhưng chưa nhận ra người nào. Bà ngoại Antoinette to lớn tới mức nó không nhìn thấy hết được con người của bà. Nó sợ. Nó co dúm người lại, khép kín như vỏ ốc. (Đủ rồi, bà cụ nói, nhìn chung quanh mày mà xem, mở to mắt ra, tao đây, tao là người cai quản ở đây! Nhìn tao này, tử tế lại coi, tao là người duy nhất cáng đáng mọi chuyện trong căn nhà này. Tao là người duy nhất ngủ trong căn phòng có hương thơm, tao ủ sà bông thơm dưới gầm giường tao…) “Mình còn nhiều thời gian,” Bà ngoại Antoinette nói, “Hôm nay chẳng việc gì phải vội…”
(Bà ngoại nó có bồ ngực đồ sộ, nó không nhìn thấy hai chân của bà bên dưới lớp váy nặng nề, những khung sườn cứng, cặp đầu gối hung bạo, những áo quần kỳ quái quấn quanh cái thân thể run rẩy của bà trong băng giá.) Nó cố gắng bám hai nắm tay mỏng mảnh của nó vào đầu gối nó, để vùi sâu thân thể nó vào chỗ trũng trên lòng bà ngoại (bởi nó nhận ra rằng bà thật gầy ốm bên dưới lớp váy thô, dưới khối vải dầy như núi non, và lần đầu tiên nó không thấy sợ bà.) Nhưng những áo quần len ấy vẫn ngăn cách nó khỏi bộ ngực băng giá, từ hai bầu vú mà bà đã ép sát vào người bằng bàn tay trong một cử chỉ tự vệ; bởi mỗi khi mon men lại gần thân thể ấy, cái thân hình trói chặt bên trong lớp áo khổ hạnh, người ta lại cảm thấy như đang đến gần cái tươi mát ngủ quên bên trong bà, thứ khát vọng cổ xưa và đầy tự hào không bao giờ được đong đầy – người ta muốn ngủ say bên trên bà, như chìm đắm vào giòng sông ấm áp, nằm xuống và nghỉ yên trên trái tim bà. Nhưng bà đẩy Emmanuel ra xa với cùng một cử chỉ của bàn tay đã một lần khước từ tình yêu và trừng phạt những khát vọng của đàn ông.
“Lạy Chúa tôi, lại một thằng bé nữa, rồi làm sao mà sống đây?” Nhưng bà lấy lại tự tin ngay sau đó: “Bà rất mạnh mẽ, con à. Con cứ yên tâm để bà chăm sóc con. Hãy tin tưởng nơi bà.”
Nó lắng nghe tiếng của bà. Giọng bà ru nó bằng lời ru đơn điệu, ủ dột. Bà cuộn nó trong chiếc khăn của bà, không nâng niu nó mà ngược lại gần như buông thả nó xuống những nếp vải, chìm vào mùi khăn áo như chìm vào bể nước tắm. Nó nín thở. Đôi khi, vô tình, bà cào nhẹ lên người nó bằng những ngón tay gẫy gập; bà nâng nó lên và lắc nó, và lại gọi mẹ nó thêm một lần. (Thằng bé hư, bà nôn nóng nói.) Nó mơ tưởng bầu vú mẹ nó, đến để làm nguôi cơn khát của nó và dập tắt tiếng khóc nổi loạn của nó.
“Mẹ mày đi làm như thường lệ,” Bà ngoại Antoinette nói. “Hôm nay cũng như mọi ngày. Mày chỉ nghĩ đến mày thôi. Ai cũng phải đi làm. Lũ trẻ sơ sinh dơ bẩn. Tao kinh tởm chúng nó. Nhưng mày thấy đấy, tao tử tế với mày, tắm rửa cho mày, săn sóc mày, mà mày sẽ là đứa đầu tiên reo mừng khi tao chết…”
Nhưng bà ngoại Antoinette tin tưởng bà không bao giờ chết. Và sự có mặt đầy vinh quang của bà cũng bất tử đối với Emmanuel, trong khi nó nằm đó ngước nhìn bà với niềm kinh ngạc. “A, con à, không ai lắng nghe con đâu, khóc làm gì mất công. Rồi con sẽ hiểu ra rằng con lẻ loi trên thế gian này!”
“Cả mày nữa cũng sẽ sợ hãi…”
Tia nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ. Ngoài xa, khung cảnh mờ ảo, không thể nào chạm tới được. Emmanuel có thể nghe những tiếng nói, tiếng bước chân lao xao quanh nó. (Nó run rẩy vì lạnh lúc bà ngoại tắm rửa cho nó, vài lần như dìm cho nó chết chìm trong nước đá…) “Đấy,” bà nói, “Xong hết rồi. Chẳng có gì phải sợ. Có bà đây. Cái gì rồi quen đi hết, rồi con sẽ thấy.”
Bà mỉm cười. Nó cảm thấy ham muốn tôn trọng sự im lặng của bà; nó không còn dám than thở , bởi với nó, đột nhiên nó cảm thấy quen thuộc một cách lâu dài với cái lạnh, với cái đói, và ngay cả với nỗi thất vọng. Bên trong những tấm khăn lạnh ngắt, bên trong căn phòng buốt giá, nó bỗng dưng được đổ đầy sự kiên nhẫn lạ lùng. Nó chợt hiểu ra rằng cuộc sống kham khổ này sẽ không bao giờ kết thúc; nhưng nó đã bằng lòng sống. Đứng bên cửa sổ, Bà ngoại reo vui với niềm hứng khởi:
“Chúng nó đây rồi. Bà cảm thấy chúng nó lên cầu thang, nghe được tiếng chúng nó. Tất cả chúng nó đây rồi, cháu, con, anh em họ hàng, cháu gái, cháu trai; cứ nghĩ chúng nó bị tuyết chôn vùi trên đường đi đến trường, hoặc đã chết bao nhiêu năm trước, nhưng chúng nó vẫn có đây, dưới gầm bàn, dưới gầm giường, dòm ngó bà với những con mắt thắp sáng bóng đêm. Chúng nó chờ bà phân phát cho chúng nó những cục đường. Lúc nào cũng có một hai đứa lẩn quẩn quanh ghế bành của bà, hoặc ghế lắc lúc bà ngồi đu đưa buổi tối…
“Chúng nó cười cợt, chúng nó chơi với dây giầy của bà. Chúng nó chạy theo bà suốt ngày những nụ cười ngớ ngẩn trên mặt, với cái vẻ năn nỉ giả hình của chúng nó. Bà xua chúng nó đi như xua ruồi, nhưng chúng nó vẫn trở lại, đeo dính vào bà như một đám sâu bọ, chúng nó gặm nhấm bà…”
Thật đáng phục bà ngoại Antoinette đã thuần hóa được cơn thủy triều con trẻ cuồn cuộn quanh chân bà. (Chúng nó từ đâu tới thế này? Có phải chúng nó tràn ra từ bóng tối, tuôn ra từ đêm đen? Chúng nó bốc mùi đêm tối, chúng nó chuyện trò bằng tiếng nói của đêm, chúng nó bò quanh giường, và chúng nó có cái mùi quen thuộc của sự nghèo túng…)
“À, đủ rồi!” Bà ngoại Antoinette nói. “Tao không muốn nghe thêm một tiếng nào từ lũ chúng bay nữa, tất cả đi khuất mắt tao ngay, về giường của chúng bay… Biến ngay, tao không muốn thấy mặt đứa nào nữa hết, ái! trời ạ, hôi quá là hôi!”
Nhưng rồi, vừa gõ chúng nó bằng cây gậy bà vừa phân phát cho lũ trẻ những cục đường mà cả đám há hốc miệng chờ đợi, thở hắt ra với sự nôn nóng và cơn đói, đường, vụn sô-cô-la, tất cả kho báu bám đầy bồ hóng mà bà gom góp và bây giờ tuôn ra từ nếp váy và từ khung áo lót của bà. “Đi thôi, đi thôi,” bà kêu.
Bà đẩy chúng nó đi bằng bàn tay mạnh mẽ (về sau, nó trông thấy bà đi cùng một kiểu cách như thế giữa bầy gà, lũ thỏ, và đàn bò, vừa đi vừa mắng mỏ, để đến kéo một hai đứa bé nhòe nhoẹt nước mắt vừa ngã vào vũng bùn), bà xua đuổi chúng nó về phía cầu thang, và vẫn ném cho chúng những cục đường, chúng cố gắng quờ quạng đón bắt, cơn lụt này đây: trẻ con, thú vật, mà sau này, sẽ lại tiếp tục tràn ra từ hang động huyền bí của chúng để trở lại, cào cửa, xin xỏ bà ngoại cho nữa.
Mẹ nó đi vào. Nó nhận ra mẹ. Lúc đầu, bà không đi về phía nó. Nó đã tin chắc rằng bà đã bỏ rơi nó. Nó nhận ra nét mặt u buồn, đôi vai sụp xuống của bà. Dường như bà không còn nhớ bà đã đem nó vào thế giới này ngay sáng hôm đó. Bà bị lạnh. Nó thấy hai bàn tay bà nắm chặt lấy thùng sữa đầy tới miệng vành. (Nó ở kia kìa, bà ngoại Antoinette nói, nó đói, nó khóc suốt cả ngày đấy.) Mẹ nó im lặng. Mẹ nó lúc nào cũng im lặng. Vài đứa em trai của mẹ đi học về đang giộng giầy bốt vào cửa để giũ tuyết. (Lại đây, bà ngoại nói, bà gõ nhẹ đầu gậy vào chúng lúc chúng đi qua, phía dưới ngọn đèn.) Ngoài xa kia mặt trời còn đỏ rực trên đồi.
“Còn thằng Bảy, mày tính sao với thằng Bảy? Ngày nào tao còn sống, ngày ấy mày còn phải đi học…”
Cục mỡ hai bên hông mẹ nó lòi ra lúc bà cúi để đặt thùng sữa thứ nhì xuống.
“Cứ nghĩ chúng nó đi rồi và lại bỏ thằng Bảy lạc trong đống tuyết,” bà ngoại Antoinette nói.
Cái sô sóng sánh. Những giọt sữa nhỏ lăn tròn trên nền nhà dưới ánh đèn. Bà ngoại la mắng, chửi rủa, đôi khi tát lên cái má nhám nhúa khi đứa nào đó đi lọt vào tầm tay của bà.
“Mày phải cảm ơn tao chứ nhỉ! Tao mà không có ở đây chắc mày không đi học đâu nhỉ?”
“Bà ngoại à,” một giọng đàn ông vọng ra từ góc bếp, “đâu cần phải đi học.”
Giọng nói đàn ông ấy chỉ là tiếng thì thầm. Nó loãng đi, và tan biến. Đứng dựa vách tường, đầu nghiêng nhẹ một bên vai, mẹ nó yên lặng lắng nghe. Có lẽ mẹ đang ngủ. Ngực áo bà mở ra, phô bày đôi vú xệ xanh xao. Đám con trai của bà lặng yên nhìn bà, và chúng cũng đang chờ, chờ đêm phủ xuống ngọn đồi.
“Mùa đông gay gắt,” người đàn ông nói, xoa hai tay phía trên bếp lò. “Nhưng chắc rồi mùa xuân sẽ ấm áp…”
Anh ta cởi chỗ áo quần đẫm tuyết. Anh vắt lên chiếc ghế bên bếp lửa cho khô. Anh cởi đôi giầy bốt, rồi cởi bí tất. Mùi áo quần ướt tràn ngập căn nhà.
(Anh ta đã lấy hết mọi thứ trong trái tim mẹ anh ta, anh ta đã uống cạn sữa của bà bằng cái miệng ham hố, và bây giờ anh ta giả bộ ngủ say…)
“Cũng có nhiều cô nhi viện,” giọng nói của người đàn ông.
“Tao thích trường Noviciat hơn,” bà ngoại Antoinette đáp lời. “Chỗ ấy không phải đóng tiền mà người ta còn dạy chúng nó cách cư xử.”
“Nhưng con không hiểu người ta cứ bắt trẻ con phải đi học để làm gì,” giọng người cha lẩm bẩm trong bộ râu rậm.
“Thiệt tình! Đàn ông không hiểu biết gì về điều này,” bà ngoại Antoinette nói và buông một tiếng thở dài. “Nhưng bà ngoại à,” giọng người đàn ông tiếp tục vọng ra từ góc bếp sâu hun hút, khi những ngọn lửa nhấp nháy từ bếp lò (và một cô gái bên cửa sổ nhìn ra khoảng hoàng hôn với vẻ nhàm chán, hai bàn tay nắm lấy nhau ở sau lưng), “Bà ngoại à, con hiểu đời nhiều hơn bà ngoại, con biết tương lai lũ trẻ sẽ đi về đâu!”
“Đi về với Chúa!” bà ngoại Antoinette đáp lời.
Mẹ nó bế nó lên. Bây giờ bà bảo vệ nó bằng thân thể mỏng manh của bà, đỡ lấy đầu nó để nó có thể ăn uống trong an bình, nhưng cái bóng lù lù của bà ngoại vẫn không thôi canh chừng, thật gần, bị cuốn hút bởi thứ bổn phận khác thường nào đó nhằm tìm cho ra những gì đang xảy ra trong những phần ẩn giấu của con người nó, thỉnh thoảng ngắt quãng bữa ăn nhạt nhẽo nó đang thẩm nhập trong một giấc mơ. (Nó đang hút cạn mẹ nó, nó uống sạch mọi thứ trong người mẹ nó!) Mẹ nó không nói gì, không còn trả lời điều gì, trầm lặng, sâu lắng, ngay cả như đã trốn mất. Nó ở đó, nhưng bà đã đã quên nó. Nó không gợi một tiếng vang nào nơi bà, dù là của niềm vui hay của nỗi khát khao. Nó chuồi vào trong bà và nằm đó không chút hy vọng.
“Đứa nhỏ đó thấy mọi chuyện,” bà ngoại Antoinette nói, “mình không giấu nó được điều gì.” (Mình nên đặt tên nó là gì đây? David? Joseph? Đã có quá nhiều Joseph trong những thế hệ vừa qua. Họ là những người đàn ông yếu đuối! Những người tên Emmanuel luôn luôn mạnh mẽ, họ chăm sóc tốt đất đai của họ.)
“Vậy mình đặt tên cho nó là Emmanuel.”
Mẹ nó lắng nghe một cách nghiêm trang. Đôi khi bà ngẩng đầu lên trong ngạc nhiên, môi run run, và có vẻ như bà muốn nói điều gì đó, nhưng bà không nói gì. Chúng nghe được tiếng bà thở dài, rồi đi ngủ.
“Mình phải tính xem khi nào thì đem nó đi rửa tội,” bà ngoại nói.
Ông bố bàn nên chờ tới mùa xuân. “Mùa xuân là thời gian tốt cho việc rửa tội,” ông nói.
“Chủ nhật tới,” bà ngoại Antoinette nói. “Tao sẽ bế nó đi rửa tội.”
Người mẹ cúi đầu.
“Vợ con nghĩ Chủ nhật cũng tốt,” người đàn ông nói.
Bà ngồi đó, trong chiếc ghế bành, uy nghi và mãn nguyện, và bóng tối lan dần từng chút một trên đồi, phủ kín dần khu rừng tuyết trắng và những cánh đồng vắng lặng. (Tụi bay nên cảm ơn tao đã quyết định chuyện này giùm tụi bay, ngồi trong lòng chiếc ghế bành, bà ngoại Antoinette ngẫm nghĩ.)
Người đàn ông ngáp bên bếp lửa. Bà ngoại Antoinette ném cho anh ta cái liếc xéo trôi tuột. Không, tao sẽ không nhấc một ngón tay để phục vụ đứa đàn ông ấy, bà nghĩ thầm. Nó nghĩ mình sẽ làm như con gái mình vẫn làm; nhưng mình sẽ không bưng chén nước nóng lại cho nó, hay giặt giũ áo quần cho nó. Không, không, mình sẽ không rời chiếc ghế bành của mình. Nó mong đợi một người đàn bà đến hầu hạ nó. Nhưng mình sẽ không đứng lên đâu.
Nhưng vật gì đó nhúc nhích bên dưới cái mỏm nhọn của chiếc giầy bốt của bà, vật gì đó vô hình dạng mà bà đang cố đẩy nó đi. Lạy Chúa tôi! một con chuột nhắt, một con sóc, có con gì trong áo mình…
“Trở lại trường học và đem thằng Bảy về đây, tao sẽ trị nó cái thói lêu lổng ngoài đường. Xỏ giầy vào, mày, mau đi. Mày không ra ngoài được, Jean-Ròm, mày ho nhiều quá! Mày ở đâu nãy giờ? Mày lại chui dưới gầm bàn đọc sách phải không?”
“Con sẽ đốt sách giùm mẹ,” giọng nói của ông bố. “Bà ngoại à, con đã nói với mẹ là mình không muốn sách vở trong nhà này.”
“Thằng Jean-Ròm có tài; Cha Xứ nói vậy,” bà ngoại Antoinette đáp lời.
“Nó ho lao,” người đàn ông nói, “nó có học cũng đâu để làm gì? Con không hiểu nổi Cha Xứ nghĩ nó sẽ làm gì – Chẳng làm gì được với thằng Jean-Ròm nữa hết. Một lá phổi của nó đã thối rồi!”
Mẹ nó lắng nghe. Ngày mai, cũng vào giờ ấy, họ sẽ lại nói hệt những câu ấy, và bà cũng sẽ khẽ lắc đầu, một dấu hiệu phản kháng trầm lặng nhằm bênh vực Jean-Ròm, nhưng rồi, cũng như hôm nay, bà sẽ chỉ lắng nghe, không nói một lời, có lẽ cảm thấy ngạc nhiên rằng đời sống có thể lập lại chính nó một cách chính xác, và bà sẽ lại nghĩ: “Đêm sẽ dài đến bao lâu.” Một sợi tóc vướng vào lông mày; bà đã nhắm mắt, và giờ đây bà cúi xuống đứa con út, nét măt bà u uẩn và ngầy ngật giấc ngủ.
Đứng trên một chân, cuốn sách trong tay, Jean-Ròm đăm đăm nhìn đứa bé sơ sinh bằng cái nhìn ẩm ướt. “Đứa nào đây?” nó hỏi, không chút quan tâm. Không chờ câu trả lời, nó ho, hắt hơi, và biến đi phía sau cuốn sách của mình.
“Bà trông thấy cháu đấy, Jean-Ròm ạ,” bà ngoại nói. “Mày nghĩ là mày trốn được, nhưng tao vẫn trông thấy mày đấy.”
“Bà chả nhìn thấy cháu đâu. Khi cháu đọc sách thì không ai trông thấy cháu được,” Jean-Ròm nói.
“Liệu hồn đấy; tao sắp bắt mày uống si-rô của mày đấy,” bà ngoại nói.
“Cháu không có ở đây,” Jean-Ròm đáp lời. “Cháu đã chết rồi.”
“Có thể mày đã chết rồi,” là câu trả lời của bà ngoại, “nhưng tao thì còn sống, mà ngày nào tao còn sống ngày ấy mày vẫn phải uống thuốc si-rô của mày.”
“Nhưng mà thuốc men làm được cái gì chứ?” người đàn ông hỏi. Bà cụ định buông ra một câu rủa mà người đàn ông đang ngồi bên bếp lò chờ đợi; anh ta nhún vai, cảm nhận trước cú va chạm thú vị của sự sỉ nhục. Nhưng bà ngoại Antoinette, mỉm cười khinh mạn trong chiếc ghế bành, chọn để giữ im lặng – không đâu, lần này bà sẽ không thèm hở môi, bà sẽ tiếp tục tự hào và xa cách. “Vậy đó,” xoay về phía bếp lò nơi lửa đã tàn, người đàn ông nói, “bà nói đúng, ngoại à, chúng nó cũng nên đi học vào mùa đông…”
Bà ngoại Antoinette, nói bằng giọng ngắt quãng, đầy khinh miệt, rằng bà đã trải qua những mùa đông khắc nghiệt hơn bất cứ mùa đông nào mà chúng đã trải qua, và người đàn ông, quấn quanh mình áo khăn cồng kềnh trong bóng tối, bỗng dưng nhận ra cái cảm giác hổ thẹn quen thuộc thường nhật mà chỉ sự hiện diện của người đàn bà này mới gợi lên được nơi anh ta. “Những mùa đông đen tối như sự chết,” bà ngoại Antoinette nói tiếp, với sự khinh miệt thân thể người đàn ông, liếc anh ta qua khóe nhìn một con mắt. “Ồ, đây chẳng phải là mùa đông đầu tiên mà tôi đã gặp…”
“Vâng, đúng là một buổi tối u ám,” người đàn ông bình luận bằng giọng uể oải. Với những móng tay viền đất, Jean-Ròm khéo léo lật những trang sách. Hạnh phúc như vị hoàng tử trong những áo quần tả tơi, nó hối hả đọc cuốn sách.
“Trời ơi, buồn cười quá,” nó buột miệng buông ra một tràng cười hoang dại.
“Nếu bố mà là con thì bố sẽ không cười đâu,” người cha nói. “Bố có thể lấy cuốn sách ấy của con.”
Jean-Ròm lắc đầu, phô ra hàng lông mày nhạt dưới mái tóc. “Muộn rồi, con đã đọc hết mọi trang. Bố không thể đốt những trang con đã đọc. Tất cả đã được viết vào đây!”
Lần đầu tiên người đàn ông nhướng con mắt, ném cái nhìn u ám về phía người mẹ và đứa con. Rồi anh ta quên họ ngay lập tức. Anh nhìn tô nước bẩn trên bếp lò. Càng lúc anh ta càng thấy bị siết chặt trong chiếc áo gi-lê.
“Trong này ngộp thở quá,” anh ta nói.
Một cúc áo chợt bung ra khỏi cổ chiếc áo sơ mi anh ta mặc. “Tao sẽ không phải là người khâu cái cúc áo đó đâu,” bà ngoại Antoinette nói.
“Bà ngoại biết mình sẽ khâu mà,” người đàn ông đáp lời, “lúc nào cũng là bà ngoại mà.”
“Jean-Ròm,” bà ngoại nói, ngẩng đầu hãnh diện nhìn thằng cháu ngoại, “nghe đây, Noviciat… Ở đó có chẩn y viện, phòng ngủ ấm áp… Cháu sẽ thích…”
“Ô bà ngoại à,” Jean-Ròm đáp lời từ phía sau cuốn sách, “hãy để cháu yên ổn đọc sách và yên ổn ho, bởi vì cháu thích.”
Jean-Ròm lại ho. Lạy Chúa, đã quá! Nó hắt hơi, nó cười, nó chùi mũi bằng tay áo lem luốc.
“Bà ngoại à,” nó nói, “Cháu thuộc lòng cuốn sách này luôn rồi.”
“Tôi sẽ dần nó một trận, cái thằng Jean-Ròm của bà ngoại này,” người cha nói.
“Lại đây với bà,” bà ngoại Antoinette nói với Jean-Ròm. “Ở cạnh bà không ai dám làm gì cháu hết.”
Jean-Ròm gãi mũi, rồi gãi tai.
“Chuyện gì nữa đây,” bà ngoại Antoinette hỏi.
“Không có gì hết,” Jean-Ròm trả lời. Bà kéo thằng bé rách bươm lại sát người, vén mớ tóc bùm xùm trên trán nó qua một bên, và khám phá cái điều chẳng khiến ai ngạc nhiên.
“Lạy Chúa tôi, đầu nó lại đầy những chấy rồi!”