Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

NHỮNG KHOẢNG TỐI CÓ MA (kỳ 4)

Buổi tối xem TV, tin thời sự cho biết tòa án Hà Nội vừa tuyên án 66 năm tù cho 6 người đấu tranh dân chủ. Tôi phải uống một viên thuốc ngủ.

Người bạn bên Mỹ đặt hàng tôi viết bài cho một trang web mới của anh ấy về vai trò người trí thức trước thời cuộc. Tôi trả lời, có rất nhiều điều để nói, nhưng tôi thật sự không thể nói gì trong lúc này. Tôi như kẻ hết hơi.

Trên tầng thứ 28, hộp cao Sao Vàng nằm chìm dưới sàn, như thể bị cô bỏ quên. Tôi cầm lên, mở ra và quẹt một chút bôi lên mũi cô. Tôi nói, “Mùi là một bài thơ.”

Cô bảo, “Mùi là cuộc tình.”

“Vấn đề là mùi gì?”

“Mùi gì cũng được, miễn là có mùi.”

“Anh thích mùi nách em.”

“Mùi của anh nồng… ngất.”

Tôi cười, “Tưởng em thích mùi cao Sao Vàng hơn.”

Cô hứ một tiếng. Tôi kéo tay cô ra, hôn nách.

Trong lúc ấy, công việc chỉnh đốn và bảo vệ sự tồn tại của đảng cầm quyền bằng việc chống tham nhũng thu hút dư luận, một cách đặc biệt. Tôi không thuộc loại nghĩ điều ấy là vô ích như những người lập luận rằng, chống tham nhũng chỉ là cách củng cố quyền lực hoặc độc chiếm quyền lợi cho phe nhóm, trong lúc cơ chế tạo ra tham nhũng không thay đổi. Với tôi, bất cứ chuyển biến nào cũng tốt. Nếu bạn ở trong vũng lầy, cựa quậy có thể làm bạn chìm lún sâu hơn, nhưng thà cựa quậy để chết còn hơn là không làm gì.

Cô nói với tôi về thực hành nghệ thuật và chủ nghĩa hiện sinh hôm nay. Tôi đồng ý với cô, cái hiện sinh hôm nay đã rất khác với hiện sinh hôm xưa của thập niên 50-60 thế kỷ trước. Nó có mùi đất, mùi máu. Và những nỗi đau con người như dân oan, tù ngục. Các ông Martin Heidegger, Jean Paul Sartre… một thời là nỗi bận tâm của tôi cũng đã trở nên xa lạ như người cõi trên. Sự xuất hiện của cô trong cuộc đời tôi, với công việc của cô, mang đến cho tôi những mùi vị mới. Hơi thở của rượu, thuốc lá và ý tưởng về sự phù du trở nên khẩn thiết hơn, mặc dù nó mang bộ mặt bất cần. Cô đặt tôi vào đống lửa. Hoặc cháy rụi, hoặc phục sinh. Và tôi nhận ra cái tham vọng “để đời”, hay “vượt thời gian, vượt không gian” trở thành trò hề. Nếu tôi phục sinh, trong hiện thực và chỉ với hiện thực, tôi sẽ là một “hậu hiện sinh” của ý thức mới về sự tồn tại. Phủ nhận sự tồn đọng văn hóa truyền thống, đồng thời từ khước hướng đến bất cứ một viễn tượng tương lai nào. Hậu hiện sinh, vì thế, sẽ trở nên trọn vẹn hơn, thuần khiết hơn khi tôi sống đời sống này, hiện thực một cách phi thời gian. Nghệ thuật của cô đã cho tôi thấy, hạnh phúc trong sáng tạo giống như cái chớp lóe của ánh sáng xuyên qua đêm tối, nó chấp nhận sự phù du của cả một dự án, công trình chỉ để còn lại một ý niệm. Như cái hất đầu ngạo mạn của cô.

Cô hỏi, “Nhưng với em thì sao?”

Tôi nói, “Xóa bỏ quá khứ, đồng nghĩa với tước bỏ tương lai, không ký ức là một trạng thái cận giải thoát hay niết bàn.”

“Với hoàn cảnh của chúng ta, quả thật không còn chọn lựa nào khác.”

Hậu hiện sinh là một cách sống. Và hơn cả một cách sống, hậu hiện sinh là một ý thức của phục sinh. Nó giải phóng con người khỏi mọi gánh nặng của truyền thống và bình an trước tương lai. Một trời mới, đất mới trong tự tại.

Cô dẫn tôi đến một phòng triển lãm. Trên tấm backdrop, tôi thấy chủ đề “Tổ ấm” và một đề từ trích từ Kinh thánh “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu.” Tác giả cuộc triển lãm cũng là một cô gái. Đầu cạo trọc, cô mặc một cái áo khoác nâu, ngụy trang tu hành. Mặt cô đẹp, dáng thanh thoát. Cô mời tôi ly rượu vang. Cụng ly với cô, tôi nói chúc mừng. Do đặc trưng của tác phẩm, cuộc triển lãm chỉ diễn ra mỗi ngày ba tiếng. Nó giống như một vở kịch với nhiều sân khấu khác nhau. Các nhân vật đều thật. Và tất cả họ đều ở trong tư thế ngủ, nghỉ. Mỗi sân khấu được bày ra như một cửa hàng trong các buổi chợ phiên. Ở ngay ngưỡng cửa ra vào, bên cạnh tấm backdrop, một bà mẹ ôm con nhỏ, nằm ngủ trên một manh chiếu rách, bên cạnh họ là một bọc đồ, có lẽ là tất cả tài sản của họ. Bước vào trong, tôi nhìn thấy một cô nhân viên văn phòng ngồi ngửa cổ trên ghế xoay, mắt nhắm. Trước mặt cô, màn hình vi tính vẫn đang mở, và tôi nhìn thấy phòng khách của một căn hộ chung cư. Cô nhân viên đang mơ. Trong gian hàng kế tiếp, tôi nhìn thấy một cái giường, ngổn ngang chăn gối, nhưng không có người, khơi mở cho những liên tưởng. Tôi qua gian hàng tiếp theo, đó là cái toilet. Một cô gái đang ngất trong bồn tắm. Trần truồng, không có dấu vết của một vụ bạo dâm hay tra tấn. Cuối cùng, tôi nhìn thấy một cô gái treo lủng lẳng dưới cánh quạt trần đang quay. Dưới chân cô một lá thư tuyệt mệnh, viết chữ to hơn bình thường, đứng cách ba thước, tôi vẫn có thể đọc được “ĐẾN ĐÂY LÀ HẾT”. Tuy nhiên, nhân vật tự treo cổ không phải người thật. Một hình nhân, giả định cho một cái chết.

Cuộc triển lãm dự định kéo dài nửa tháng, nhưng qua ngày thứ ba, buộc phải đóng cửa. Các cơ quan chức năng cho rằng, cuộc triển lãm “có vấn đề”. Các cơ quan chức năng, trong trường hợp này có ít nhất ba cơ quan, một thuộc Sở Văn hóa Thông tin, hai thuộc ban Tuyên giáo, ba là cơ quan an ninh tư tưởng văn hóa thuộc công an. “Có vấn đề” được đưa ra bao gồm vi phạm thuần phong mỹ tục, vì có người khỏa thân. Nội dung truyền tải đầy tính tiêu cực, không phản ánh đúng thực trạng xã hội, bôi nhọ chế độ.

Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc này lại mang đến cho tác giả một vinh quang kép. Người làm nghệ thuật chân chính và nhà phản biện xã hội.

Cô bạn tôi nói, “Em thích cả anh và cô ấy.” Và tiếp, “Em ghen lắm đấy, anh đừng lộn xộn.”

Thật may, tôi không có chút rung cảm nào với cô kia cũng như nghệ thuật của cô ấy. Tôi nói, “Cũng không chắc gì anh có thể nói chuyện được với cổ.”

Tôi háo sắc nhưng không phản xạ tự nhiên với sắc đẹp như một nhu cầu. Dẫu sao, tôi cũng nhìn thấy sự bù trừ giữa cô và cổ. Một cặp đôi hoàn hảo. Nhưng cô nói, “Em không lưỡng tính à nha.”

Tôi không chắc tình yêu có phải là sự bù đắp cho nhau về tính cách, như biểu tượng một xương sườn hay không, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái khít khìn khịt giữa cô và tôi, như cô và cổ, trong những kiểu cọ và các vấn đề khác nhau.

Tuy thế, tôi vẫn có nhu cầu lao về phía trước, mà tôi không biết chắc chắn là để tìm lại cái đã mất, hay tìm kiếm cái chưa có. Điều này, có vẻ như mâu thuẫn với một cảm thức hậu hiện sinh mà tôi đang muốn thụ hưởng. Phải chăng, trong thực tế, hậu hiện sinh chỉ có thể là khoảnh khắc, như một triển lãm sắp đặt? Cô nói, “Em có một ký ức, và em muốn trình bày như một hiện tại với sự tương tác của khán giả. Nghệ thuật cộng đồng.”

Cô kể, “Tối qua em đi ăn với mẹ. Mẹ muốn em lấy chồng.”

Tôi cười, “Anh nghĩ đến các thủ tục hôn nhân, cưới hỏi và cảm thấy điều ấy dường như không thể xảy ra với em.”

Cô nói, “Vâng, em thấy sao sao á. Nó không thuộc về em. Một thế giới đã mất hút.”

Đề tài nhạy cảm, tôi sợ cô sẽ khóc. Cô nhớ tới thuở ấu thơ, người cha say rượu mỗi đêm thay cho sự nhạt nhẽo của cuộc đời, người mẹ nồng nàn nhưng tuyệt vọng, và cô – một con mèo đói nằm buồn thiu dưới chân cầu thang gỗ của căn nhà bề ngang hai mét. Trong lúc tôi im lặng để lẩn tránh một tai họa mà tôi không mường tượng được sẽ như thế nào, có thể làm đổ vỡ mối quan hệ của chúng tôi, bất chợt cô thay đổi giọng điệu, “Em dậy thì bằng Lolita của Nabokov và Bắt trẻ đồng xanh của Salinger, có thể đó là nguồn cơn đã dẫn em đến với anh.”

Cô đốt một điếu thuốc. Nhưng điều ấy không thể ngăn cản tôi hôn cô.

Sáng. Trưa. Chiều. Tối.

Một phần tôi chìm đắm. Một phần tôi quay lại nhìn ngắm tôi. Tôi không lớn lên bằng sách vở. Tôi lớn lên trong tủi nhục của nghèo khó. Mẹ tôi tự tử chết vì tuyệt vọng, bà muốn dành phần thuốc men để anh em tôi có cái gì bỏ vào bụng. Cuộc đời tôi bị đánh cắp bởi những kẻ lừa đảo về sự cao cả. Giữa những mảnh vỡ sắc nhọn của cuộc sống, tôi cần cô để được an ủi và lấp đầy cơn đói khát yêu thương.

Cô hỏi, “Anh có yêu em không?”

Tôi biết đó là câu hỏi mà cô gái nào khi yêu cũng muốn hỏi, nhưng đó lại là câu hỏi tôi không muốn trả lời nhất, bởi vì câu trả lời có hay không, bao giờ cũng là một câu trả lời dở. Thay vì trả lời, tôi tiếp tục hôn cô. Cô lại hỏi, “Tại sao anh yêu em?”

Đến lúc này, tôi không lảng tránh được nữa, tôi nói, “Vì anh không thể không yêu em.”

Cô hỏi tiếp, “Anh có yêu em nhiều không?”

Tôi nói, “Anh yêu em hết linh hồn, hết trí khôn, hết tinh khí.”

Khi xuất hết tinh khí, đầu óc tôi mụ đi, tôi không còn biết mình đang ở đâu. Thế giới tôi không bến bờ. Tôi vô định ngay trên giường tình nhân.

Trong một quán cà phê, cô hỏi, “Anh nhạy cảm về điều gì nhất?”

Tôi nói, “Nhìn thấy người khác buồn khổ.”

“Cụ thể như thế nào?”

“Anh không chịu đựng nổi khi nhìn một ai đó khóc.”

Cô bảo, “Đa số đàn ông đều vậy.”

Có những điều thuộc về mẫu số chung, nhưng nếu có một biệt lệ như tôi sẽ bị cứng đơ khi nhìn thấy con ếch chết, điều ấy cũng không ngăn cản tôi thích ăn thịt ếch. Tôi tin rằng, khi nhìn một người khác khóc, cảm xúc của tôi sẽ không giống bất cứ một ai. Tôi không chỉ thương cảm vì người đang khóc, mà tôi còn xót xa cho tôi, cho người mẹ đã nhịn ăn mà chết để cho anh em tôi sống. Tôi không bao giờ quên dòng nước mắt trên má mẹ tôi những ngày cuối cùng.

Tôi yêu cô như yêu mẹ.

Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Tôi vẫn vô định khi đi đứng.

Cô nói, “Em biết anh không thích Trung Quốc, nhưng em nhớ Bắc Kinh quá. Em nhớ sủi cảo.”

Tôi cười, “Anh ghét bọn Tàu thật, nhưng anh rất thích gà quay Bắc Kinh, tuy rằng chỉ được ăn ở Đà Lạt thôi.”

Tôi kể cho cô nghe, tôi chưa từng đi Trung Quốc, ngoại trừ việc đi chui qua biên giới vào Hà Khẩu để biết khu chị em ta người Việt làm đĩ ở đó. Với Trung Quốc, tôi chỉ thấy nỗi đau, xuyên suốt lịch sử. Nhưng tôi lại đặc biệt cảm hoài với những điển tích văn chương Trung Quốc về biên ải. Nó đã thấm vào tôi thành ký ức, khi đến bất cứ một vùng biên giới nào trên đất nước mình, tôi cũng rơi vào một cảm thức mang mang, lãng mạn của kẻ lưu đày. Tịnh Biên, Mộc Bài, Ngã ba Đông Dương, Lào Cai… Những nỗi niềm quan tái rất Trung Hoa cổ điển. Đất trời mông lung, phi địa lý, nhưng lại nhắc nhớ một chia biệt. Tôi cũng luôn luôn nhận ra sự khác thường kỳ lạ tại khu vực biên cương. Một trời khác, đất khác ở hai bên đường biên, mặc dù thổ nhưỡng hay khí hậu cũng chỉ là một. Tôi không biết đó là cảm thức về chủ quyền lãnh thổ, hay cái sinh thái dân tộc, hoặc đơn giản chỉ là một tập nhiễm văn chương, văn hóa.

Cô nói, “Đấy là một non-space. Nhưng vẫn là một thực thể. Khi em đứng trên núi, nhìn bên kia là Trung Quốc đại lục, bên này là Hongkong, em cũng thấy thế, phong cảnh đẹp lồng lộng cùng một lúc với cảm thức về biên cương, rất hoang mang. Cho dù đó không phải là biên cương của quê hương mình.”

Tôi nói, “Anh nghĩ tinh thần quốc gia sẽ đến một lúc trở thành lỗi thời.”

“Với nhiều người thì tinh thần quốc gia đã thực sự lỗi thời. Bởi tinh thần quốc gia chỉ là một chiêu bài dễ kiếm ăn nhất cho bọn buôn máu người.” Cô nói.

Tôi bảo ừ, rồi không muốn nói gì thêm nữa. Nỗi chán chường xâm chiếm tôi.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Nguyễn Viện

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)