Trang chính » Giới thiệu tác giả, Giới thiệu tác phẩm, Giới Tính, Phỏng vấn Email bài này

Lê Minh Hà: Lịch sử hình thành từ phận người”

Chan-dung-Le-Minh-Ha_thumb.jpg

 

 Chan dung Le Minh Ha
Nhà văn Lê Minh Hà

 

LTS: Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện như một cách đọc “Châu Long,” sẽ được tổng kết và chuyển ngữ thành phần giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh của truyện, mà người dịch (Đinh Từ Bích Thúy) đang trong thời gian biên tập.  

Tiểu sử Lê Minh Hà:

Sinh năm 1962 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội (khoa Ngữ văn) năm 1983, từng dạy tại trường trung học Đan Phượng (1984 – 1986) chuyên văn tại trường Hà Nội – Amsterdam (1986 -1994). Rời Việt Nam từ 1994. Hiện sống tại Berlin (Đức).

Tự truyện:
Tháng Ngày Ê A (nxb Kim Đồng: Việt Nam, 2017)

Tuyển tập truyện ngắn (và tản văn):
Trăng góa (nxb Thanh Văn: Mỹ, 1998)
Gió biếc
(nxb Văn Mới: Mỹ, 1999)
Thương thế, ngày xưa… (Văn Mới: Mỹ, 2001, tái bản, có bổ sung, nxb Kim Đồng, 2015)
Những giọt trầm (nxb Quân đội Nhân Dân: Việt Nam, 2002)
Những Gặp Gỡ Không Ngờ (nxb Trẻ: Việt Nam, 2012)
Còn nhớ nhau không (nxb Trẻ: Việt Nam, 2015)
Này, bọn mình rất đẹp (nxb Phụ nữ: Việt Nam, 2015)
Chơi nhiều hết mệt (nxb Trẻ, Việt Nam, 2015)
Cổ tích cho ngày mới (tái bản, có bổ sung, nxb Trẻ: Việt Nam, 2017)
Những triền xưa ai đi (nxb Trẻ: Việt Nam, 2018)

Tiểu thuyết:
Gió tự thời khuất mặt (nxb Hội Nhà Văn: Hà nội, 2005)
Phố Vẫn Gió (nxb Lao Động: Việt Nam, 2014)

***

(1) Những tác phẩm của Hà xuất hiện khoảng một thập kỷ sau năm 1986 – là lúc Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới. Thúy chỉ mới đọc tập Thương Thế, Ngày Xưa … và thấy rằng ngoài những truyện cổ tích chất vấn và khai triển vai trò phụ nữ trong chế độ phụ hệ, những tùy bút ở phần “Miếng ngon, thời khó nhọc” trong Thương Thế, Ngày Xưa … có nét hoài niệm, làm Thúy nghĩ đến nhà văn Vũ Bằng và các nhà văn, nhà thơ thời tiền chiến. Lý do nào đã tạo khuynh hướng hoài niệm, thay vì cắt đứt với quá khứ? Khuynh hướng này có được Hà duy trì hoặc khai thác thêm trong những tác phẩm về sau?

Hoài niệm? Khuynh hướng hoài niệm trong các tác phẩm của Hà gợi nhớ tới Vũ Bằng và các nghệ sĩ thời tiền chiến? Có thể giải thích được: Hà đã ra đi và mong ngày về nhưng không thể ngay lập tức trở về, cũng y như Vũ Bằng, trong điều kiện bản thân là viên chức nhà nước, và Việt Nam lúc đó vẫn còn bị Mỹ cấm vận, nhưng trước hết vì chính bản thân mình. Cảm giác ra đi là vĩnh viễn này kinh khủng lắm khi ta đã là người trưởng thành, có hẳn một tuổi nhỏ và tuổi trẻ lưu giữ ở nơi chốn đó. Đoạn tuyệt triệt để được với quá khứ với một đôi người là điều không thể. Đấy là lý do một nhánh của văn học nghệ thuật Việt Nam lại bắt rễ và lớn mạnh ở quê người với sự hiện diện của những người Việt sau 1975, cũng là lý do viết của Hà.

Tuy nhiên, Hà không thật sự trung thành với khuynh hướng hoài niệm này. Nếu có day dứt về quá khứ thì chỉ vì hiện tại. Nhắc nhớ về dĩ vãng gần, ví dụ như ở tiểu thuyết Gió tự thời khuất mặt hay Phố vẫn gió là một cách Lê Minh Hà đánh giá lại những gì đã sống qua, cũng là một cách biểu hiện thái độ của mình trước thực tại.

(2) Hà gọi những truyện ngắn (trước ở tập truyện Thương Thế, Ngày Xưa … và nay được tái bản ở Việt Nam trong tập Cổ Tích Cho Ngày Mới) là những truyện “giải huyền thoại.” Xin Hà vui lòng định nghĩa khái niệm “giải huyền thoại”?

Xin miễn cho Hà việc giải nghĩa khái niệm “giải huyền thoại“ bằng ngôn ngữ lý luận. Huyền thoại rút lại không đơn giản là thể loại, huyền thoại là đời người, huyền thoại là lịch sử. Nhưng ở góc độ thể loại, huyền thoại tự rào chặn mình bằng cách đơn giản hóa lịch sử, đơn giản hóa phận người.

Đấy lại là cơ hội cho người viết hôm nay thọc vào đó, mở toang ra, bắt huyền thoại – lịch sử đã qua thành một đối sánh với hôm nay, tìm kiếm ở đó những tầng nghĩa phái sinh, những kinh nghiệm khác cần cho một lịch sử mới.

Như là một hình thức folklore, huyền thoại là sản phẩm của trí tưởng tập thể, giải huyền thoại khác hoàn toàn, là một cách tiếp cận lại trí tưởng tập thể đó từ góc độ cá nhân, mang tới cho nó một hình thức tiếp biến mới, cung cấp cho nó lý do sống mới.

(3) Hà có nghĩ những truyện như “Châu Long,” “Ngày Xưa, cô Tấm,” “An Dương Vương” và ngay cả “Ới Ơi Dâu Biển” là những truyện được khai phá từ khuynh hướng nữ quyền, nếu nữ quyền được định nghĩa rộng là những kinh nghiệm và suy tư về vai trò phụ nữ trong xã hội, những chênh lệch và tranh chấp giữa tâm lý đàn ông và đàn bà, bên cạnh những vấn đề chính trị?

Thành thật mà nói, Hà không thực sự quan tâm tới vấn đề nữ quyền. Mọi quan tâm trong quá trình sáng tạo của Hà là lịch sử, là các vấn đề chính trị xã hội ở các thời đoạn lịch sử. Nhưng phụ nữ luôn đứng ở trung tâm các sáng tác của Hà. Đấy là kết quả của hai lần ngẫu nhiên: 1. Người viết là phụ nữ, hiểu phụ nữ chắc là hơn hiểu đàn ông 🙂 và 2. Phụ nữ bao giờ cũng là nơi hứng đọng mọi đau thương oan trái dù không phải là nguồn cơn trong mọi thời đoạn lịch sử không yên bình. Viết về họ là cách tiếp cận nhanh nhất hạt nhân cơ bản của lịch sử, từ góc độ của một kẻ coi lịch sử là phận người, mà trong đó không một con người nào có thể thay thế cho nhau, đừng nói là trở thành các con số thống kê.

Do đó, xin được đảo ngược mệnh đề trong nhận định trên của Thúy: “Châu Long”, “Ngày xưa, cô Tấm”, “An Dương Vương” là những truyện được khai phá từ những vấn đề chính trị, mà trong đó có bao hàm chuyện nữ quyền, định nghĩa rộng là những kinh nghiệm và suy tư về vai trò phụ nữ trong xã hội, những chênh lệch và tranh chấp giữa tâm lý đàn ông và đàn bà.

(4) Khi viết những truyện “giải huyền thoại” này, Hà có bao giờ thắc mắc tại sao trong truyện cổ dân gian của Việt Nam hay có những mối tình tay ba, như truyện Trầu Cau, truyện Châu Long, truyện Tấm Cám, truyện Ông Táo, Sự tích Con Muỗi …? Có phải những truyện truyền miệng này phản ảnh di tích của chế độ mẫu hệ, trước khi bị văn hóa Khổng giáo, qua thời Trung Hoa đô hộ, “viết lại” và do đó kết tội, trừng phạt, hoặc bắt buộc những nhân vật phụ nữ trong truyện phải trở thành những biểu tượng, dụng cụ, chất xúc tác, hoặc biện luận cho đàn ông?

Tất cả những câu chuyện Thúy dẫn ra nói chung là huyền thoại, nói riêng đều là cổ tích (trừ An Dương Vương) – thể loại ra đời sau thần thoại và truyền thuyết, không nhằm mục đích lý giải quyền năng thiên nhiên hay những xung đột giữa các thị tộc bộ lạc, mà hướng tới phản ánh, lý giải đời sống con người. Trầu Cau, mình tin là cổ tích đời đầu, phản ánh sự tan rã của hình thức sống bầy đàn, hình thành nên gia đình. Châu Long có dấu ấn rất rõ ràng của lề thói đạo đức khởi từ văn hóa Khổng giáo. Và thực ra chỉ tới Châu Long thì phụ nữ mới phải trở thành biểu tượng, như Thúy nói, là dụng cụ, chất xúc tác, biện luận cho đàn ông.

(5) Điều đặc biệt trong các truyện của Hà là có những nhân vật đàn ông thật sự thương phụ nữ, nhưng họ quá thụ động hoặc chưa thoát ra cách nhìn rất vị kỷ và đàn ông của họ: như ông đồ, thân phụ của Châu Long, chỉ biết bó tay nhìn con cho dù ông đã chấp thuận lời cầu hôn của Dương Lễ và cũng linh cảm chuyện Châu Long sẽ bị thiệt thòi vì chỉ được làm thiếp trong nhà Dương Lễ. Hoặc An Dương Vương đã biện hộ với Thần Rùa rằng ông đã chém đầu Mỵ Nương vì không muốn con gái mình, nếu sống sót, phải nhìn cảnh cha mình bị chém đầu hay làm tù nhân của nhà Triệu. Theo Hà thì những người đàn ông “nhạy cảm” này có nguy hiểm hơn những nhân vật đàn ông khăng khăng đàn áp hoặc khinh rẻ đàn bà?

Để Hà nghĩ đã 🙂

Những nhân vật đàn ông khăng khăng đàn áp hay rẻ rúng đàn bà thật ra lại dễ trị, chỉ cần đàn bà cho họ biết mặt biết tay thôi. Còn những nhân vật đàn ông trong mấy truyện của Hà mà Thúy dẫn ra thì… xem nào: một ông đồ, một ông quan, chưa thượng lưu thì cũng trí thức ở thời buổi gần như toàn dân mù chữ chứ đùa à, còn lại: An Dương Vương, vua cơ mà. Toàn những đấng bậc trong xã hội Việt Nam một thời, quyền uy tinh thần là bất khả kháng.

Trong một nghĩa nào đó, họ nguy hiểm, vì họ có hẳn một nền tảng đạo đức giả để dựa lưng và để thuyết phục thiên hạ. Họ đáng cảm thông vì họ hồn nhiên với quan niệm đạo đức ấy. Nhưng từ góc độ chúng ta hôm nay, điều đó thật đáng sợ và không thể chấp nhận. Nhỉ?

(6) Khi nghĩ về tựa truyện Châu Long để dịch sang Anh ngữ, cho các độc giả Tây phương chưa biết nhiều về cổ tích Việt Nam, Thúy phân vân việc có nên đổi tựa Châu Long (mà trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thì ai cũng biết là tên người thiếp của Dương Lễ) thành một tựa đại cương mà cũng phản ảnh nội dung truyện một cách súc tích, như “Người Vợ Giả Vờ” (“The Pretend Wife”), hoặc “Người Vợ Khuôn Mẫu” (“The Model Wife” – có lẽ tựa này cũng hàm ý mỉa mai/oái oăm)?

Oh, Hà không có thẩm quyền về sự dịch này 🙂 “Vợ giả“ theo nghĩa không với ông chồng nào Châu Long được là vợ thật có lẽ là một cái tên chuyển tải được nhiều nhất thân phận nhân vật chính và gợi được tò mò từ độc giả. Nhưng giả dụ ta cứ giữ nguyên tên Châu Long buộc người đọc phải tìm những tầng nghĩa từ đó thì sao?

(7) Trong truyện “Châu Long” của Hà, tại sao Châu Long lại quay về nhà bố mẹ mình sau khi nghe tin Lưu Bình đã thi đỗ, mà không về thẳng nhà của Dương Lễ, trước cũng đã là nhà của nàng? Có phải đây là một cách hành xử “tế nhị” của Châu Long, để Dương Lễ có dịp quyết định xem chàng có vẫn muốn Châu Long về làm vợ mình?

Không, khi viết, cảm giác như chính mình là Châu Long, việc quay về nhà cha mẹ không phải là một ứng xử tế nhị, mà là một hành vi tuyệt vọng. Cho Châu Long quay về nơi xưa kia người con gái đã từ đó ra đi không được phép quay về đó sống, Hà muốn làm nổi bật tính đồ vật trong thân phận người phụ nữ một thời. Ở nhà cha mẹ đặt đâu ngồi đó, lấy chồng chồng bảo làm gì đi đâu thì đi đó làm thế, mà đau đớn: thế giới cảm xúc riêng vẫn còn nguyên. Khổ mà không biết mình khổ thì chưa khổ. Đằng này. Châu Long khổ không phải vì vất vả ngày vất vả đêm, Châu Long khổ vì những tự ngộ dần trong chuỗi ngày dằng dặc làm vợ thật mà thành giả với Lưu Bình theo lệnh của Dương Lễ. À nhưng mà chắc nàng ấy của các cụ xưa thì không thế, nàng ấy của Lê Minh Hà là kết quả giải huyền thoại mới thành đáng thương như thế.

(8) Thúy hơi thắc mắc về câu hỏi rhetoric ở đoạn kết truyện “Châu Long”: “Ai có thể ân ái với một biểu tượng”? Theo cách Thúy đọc truyện thì có phải chính Dương Lễ đã ép buộc Châu Long vào vai trò một biểu tượng, và chính Dương Lễ chỉ có thể yêu một biểu tượng của sự thủy chung, cho nên vì thế mà trong đêm đoàn viên, chàng đã bị thất vọng bởi một Châu Long bằng xương bằng thịt? Nếu như vậy thì câu hỏi có nên là, “Ai có thể ân ái ngoài ngôn ngữ và biểu tượng?”

Thúy có để ý lời đề từ ở truyện này không: một câu thơ ở bài “Đất nước“ của một nhà thơ lính (Tạ Hữu Yên). Suốt lúc viết truyện Châu Long, trong đầu Hà cứ vang vọng mãi đoạn này của bài thơ ấy:

“…đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
nghe dịu nỗi đau của mẹ
ba lần tiễn con đi
hai lần khóc thầm lặng lẽ
các anh không về
mình mẹ lặng im
đất nước tôi đất nước tôi
từ thuở còn nằm nôi
sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa
ngăn bước quân thù phía nam phía bắc
vai mẹ gầy lại gánh gạo nuôi con…“

Đã nói rồi, quan tâm lớn nhất của Hà là lịch sử, hình thành từ phận người. Việc chọn lựa đề tài, nhân vật chỉ là những bước ngẫu nhiên hợp lý để thể hiện mối quan tâm này tốt nhất. Bắt đầu từ cảm hứng lịch sử, mình đã kết thúc truyện Châu Long bằng câu “ai có thể ân ái với một biểu tượng.” Câu kết, do đó như hơi lạc với mạch nữ quyền, nhưng nhất quán với tinh thần xét lại của Châu Long “Nàng biết mình đã trở thành một biểu tượng. Lần đầu tiên Châu Long nhìn thẳng vào mắt Dương Lễ. “Đây là chàng.” Lần đầu tiên Châu Long nhìn thẳng vào mắt Lưu Bình. “Đây là chàng.” Có đáng gì không? Mười năm sống ấy? Và “những kẻ buộc phải trở thành biểu tượng huyền thoại kể về mình chỉ là một niềm an ủi vô cùng bé nhỏ, tràn đầy đau đớn…“ Hà đã cân nhắc bỏ câu cuối nhiều lần rồi lại giữ, vì nó phản ánh trung thực cảm xúc của mình khi viết, đau đớn, khi nghĩ về đất nước mình, bị trói buộc bằng tinh thần tự tôn, nhiều khi thái quá. Chúng ta cần tinh mẫn hơn trong niềm tự hào dân tộc là ý nghĩ của mình khi gõ câu cuối truyện này.

Và Thúy thấy đấy, câu chuyện do đó đã vượt ra khỏi giới hạn chủ đề nữ quyền mất rồi. Có vẻ như người viết đã không được đàn bà lắm trong cách yêu thương nhân vật phụ nữ của mình nhỉ.:-)

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)