Hôm nay chắc không viết về những cái ở gần mình- chẳng hạn như nhìn qua cửa sổ thấy trời xanh, mây trắng, hoa nở, vương vấn chút mưa hôm qua sót lại trên đường- mà nghĩ về một cái gì đó xa hơn, chẳng hạn như tiếng xe hơi chạy ngoài đường sớm mai mà mình không thấy, chẳng hạn như giấc mơ đêm qua, đã qua rồi, mà sao vẫn còn vương vấn trong đầu óc, chẳng hạn như cái gì đó, cứ lẩn quẩn, vướng vít, gỡ ra không được vì nó mềm quá, như đã dính chặt vào da thịt kéo hoài không đứt.
Chẳng hạn như là… Cái gì vậy? Giấc mơ lên tiếng nói, đó là một dòng sông xanh, một dòng tràn mông mênh, một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp… Người ra bên dòng sông, dòng sông đẹp như chỉ có trong huyền thoại, với vài cánh buồm xa, đàn cò trắng hai bên bờ. Còn nữa, người ta khỏe mạnh, áo quần tiết kiệm vải vóc không phải vì nghèo mà vì giàu quá muốn vất bỏ những thứ làm chật chội thân thể căng tràn nhựa sống. Người ta qua lại giữa một sân khấu làm bằng cát đầy nắng ấm, nhấp nhổm những chiếc dù mầu sắc trẻ trung chôn kín những tiếng cười trốn núp dưới tàn lá của nó đầy thức ăn và cà phê.
Dường như đó là sự khắc khoải của một tâm hồn phiêu bạt, thèm khát ra đi, mà bị rong rêu quấn hai chân không nhúc nhích, không giở nổi bàn chân. Thì đành phải đứng lại, hay có thể ngồi xuống, nhìn mây trời bay, là một việc làm hết sức lãng phí chỉ dành cho những người nào quá rảnh rỗi không có việc gì làm, đôi khi vẫn thèm có những ngày không có việc gì làm, không có việc gì nghĩ ngợi, để làm những việc mà đã lâu lắm không làm, là ngồi không thế thôi, mà không có mặc cảm tội lỗi, trong khi ngoài kia người ta đang hối hả tơi tả rượt đuổi thời gian, và bị thời gian rượt lại, bị tiếng kêu inh ỏi náo nhiệt của những cái cell phone làm đôi tay run rẩy và trái tim háo hức đợi chờ.
Chẳng hạn như là một dòng suối, suối mơ bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng… Suối mơ thì ở trong rừng, rừng nhỏ thôi, vài chục vài trăm gốc vòng ôm vừa đủ một vòng tay, lớn quá thì có thú dữ, rừng nhỏ mới có bướm bay, rừng gần nhà một chút, có trồng cải để bướm bay vườn cải hoa vàng.
Người lớn tuổi rồi, khi những chuyện hiện tại không có gì thú vị và nhìn về tương lai bằng đôi mắt giới hạn, thì cánh cửa quá khứ mở ra với biết bao kỷ niệm, một nhạc sĩ trẻ viết một bài hát với những lời mở đầu hết sức đơn giản mà đụng chạm đến, làm rung lên những sợi dây đàn trong ký ức: tôi muốn về quê đi học lại, chơi cùng đám bạn ngày xưa…, muốn về quê thì nhiều người viết, bình thường thôi, nhưng cái chữ đi học lại thật là gợi cảm biết bao, khi hình dung ra một người tóc đã bạc, đã đi qua biết bao nhiêu trường học lớn nhỏ, lẫn trường đời bao la, bỗng thoáng cái hóa thân thành một đứa bé, hình dung thằng bé còn mặc quần short (có lẽ quần đùi mới chính xác chăng) không được sạch sẽ lành lặn lắm nhưng có hề chi, giữa một đám bạn cũng hệt như vậy, có khi còn tệ hơn, trong một làng quê, với mái trường làng trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muông chim hót vang lên êm đềm, có đứa nào hơn đứa nào đâu, giống nhau cả thôi, nên chẳng có việc gì phải tò mò nhìn nhau để mà trêu chọc nhau, mà chí thú rượt đuổi nhau, xô nhau té ngã, lác tay lác chân, đau một chút nhưng chẳng hề chi, tuổi nhỏ mau quên, vả lại đùa nghịch nhau ấy mà, chứ có ác ý gì đâu (như người lớn) nên lại lồm cồm đứng dậy, rượt nhau nữa, chạy qua khu rừng nhỏ, nơi có dòng suối mơ len lách qua các viên sỏi đen trắng không màu, có một đứa, trời cho mơ mộng sớm, nên trong khi lũ bạn ngày xưa cười nắc nẻ rượt nhau qua con suối, thì thằng bé ngồi lại bên bờ suối, thoáng chút suy tư, cái dấu hiệu của một… thiên tài không đợi tuổi.
Chẳng hạn như là… một bãi biển nha trang ngày về mình tôi trên bãi khuya… Thật ra thì không dám mình tôi trên bãi khuya khuya lơ khuya lắc, vừa tối thì được, khi những ánh đèn rực rỡ lung linh muôn sắc mầu của các hotel xa xa ven bờ còn chói lọi in cả bóng xuống lòng biển, nghĩ là đâu đó, trong các phòng, trên hành lang, vẫn còn có người thức cùng mình, dù không thấy, chứ khuya quá thì không cảm thấy an toàn khi một mình trên bãi vắng, đối diện sóng vỗ bờ, chỉ nghe tiếng sóng âm u dội vào bãi cát, chứ biển thì đen kín một mầu. Nghĩ là chẳng ai thèm bắt cóc mình, bắt cóc chi một lão già chẳng còn chút gì thơ mộng ngoài một đôi mắt sẫm mầu nhìn vào một tương lai chẳng còn bao nhiêu nữa, cũng chẳng có gì để trấn lột vì chẳng bao giờ để một đồng bạc nào trong túi. Nghĩ sự ngại ngần này chắc là nằm ở trong tâm hồn, trong trái tim, trong nỗi cô đơn một mình, một mình không ai chia xẻ nỗi buồn hay niềm vui thầm kín, chứ ngại gì những con còng gió lang thang quấn quýt rượt đuổi nhau ngàn đời vẫn thế: sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình… những tâm hồn yếu đuối thường ngại ngần đối diện với bao la biển rộng, khi mà sóng xô não nề, hải âu không về. Nhưng ban mai, khi hừng đông chớm thức dậy trên biển, gieo những sợi nắng mỏng manh màu xanh xám, pha chút hồng nhạt chân trời, thì biển mở rộng ra đến chân trời, cám dỗ nỗi lòng người đi, qua đại dương, tới nơi xa, chinh phục vài bến bờ trong mơ ước, mà biết rằng mơ ước đã ngắn lại, qua thời gian.
Chẳng hạn như một ngọn đồi rước em lên đồi cỏ xanh ngập lối… Điều này thì không mơ tới, chỉ có mơ lên đồi một mình, mà không rước em nào cả, cho tới bây giờ, chỉ có những em chim chóc bay lang thang đây đó, bay từ một lùm cây nào đó, từ một góc trái tim nào đó, bay viễn vông lên đồi, cắn rứt những hoa dại, những bông hoa dại ngơ ngác không hiểu vì sao mình lại bị cắn rứt, có lẽ như là để giải tỏa những nỗi buồn vu vơ không biết giải quyết làm sao, chim cất tiếng hót ngây thơ, vì chẳng có suy nghĩ viễn vông, mơ mộng những chuyện rắc rối bứt rứt như loài người. Một ngọn đồi nhỏ, vừa đủ cao, vừa đủ vòng quanh cho bước chân ngoài sáu mươi có thể mạo hiểm, vừa có cỏ xanh ngập lối, trong một ngày nắng ấm, gần nhà hay quanh quẩn gần nhà- chân bước vừa quá tầm nhìn của một người nào đó vô tình dẫn chó đi dạo, đi ngang, hay một chiếc xe vừa lướt ngang dưới chân đồi, người lái xe thả tầm nhìn bâng quơ nhìn mây trời, có thể bắt được- thì làm bộ nằm lăn ra trên cỏ, hưởng chút vui ấm áp mềm mại của cỏ, hưởng chút say ấm áp long lanh của nắng, chỉ tiếc là quần áo hơi dày làm hạn chế sự say đắm của sự hòa hợp, hòa nhập vào đất trời bất tận. Nhưng chỉ nằm một chút thì vội vã ngồi dậy vì thấy rằng cái tư thế nằm đó không còn phù hợp với thời gian và không gian nữa, nó đã thuộc về một thế giới nào xa lơ xa lắc, khi mà thân thể còn thanh xuân, trí óc còn say đắm, còn nhiệt thành bôn ba ước mộng xa vời, vẽ lên bầu trời mây bay những đôi mắt bồ câu, những đôi môi hồng đào, những giấc ngủ nồng nàn chăn gối ủ kín hương người.
Chẳng hạn như là những bông hoa lưu luyến: ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa, bài hát đã cũ lắm, nhưng nghe hát, hoặc thì thầm hát lên trong chỗ vắng người, một mình nghe, thì cũng gợi lên hình ảnh một thành phố hồng thắm hoa đào dọc phố, dọc bờ hồ, chưa bao giờ là quê hương riêng tư của mình, nhưng cứ nhận vơ là của mình, nghĩ rằng hoa là của mọi người chẳng riêng gì của người dân địa phương ấy, du khách đến, kinh ngạc trước mầu hoa, sững sờ trước mầu hoa, khóc thầm với vẻ đẹp mong manh yếu đuối của loài hoa, cảm nhận nó trong từng sợi dây đàn lòng rung cảm, thì nó là của mình. Nhớ lại những mùa hoa anh đào của tiểu bang từng sống phần lớn đời mình từ ngày sang đây và cho đến bây giờ, cứ mùa xuân, ho hen nhảy mũi là lúc cảm nhận màu hoa đào hồng hào khắp các nẻo đường, nhảy lên metro, nửa tiếng, là cả một bức tranh đẹp tuyệt vời mầu hồng bên hồ hiện ra trước đôi mắt kinh ngạc dù năm nào cũng thế, không có gì khác, chỉ có vấn vương mỗi năm trong hồn, có khác theo tháng năm dài. Mầu sắc thì đẹp, mỗi mầu mỗi vẻ đẹp khác nhau, nhưng cái mầu hồng lại đẹp một cách sững sờ trong bầu trời mơ màng, mầu hồng nhạt, khi kết tụ lại thành một vùng bát ngát thì vẫn là hồng nhạt, nhưng đậm đà hơn vì sự kết hợp của nó, lại đẹp hơn nữa khi lìa cành rơi từng cánh bên hồ. Nhớ lại những ngày ngây ngất cùng hoa, cùng người, quyến luyến không nỡ rời, không muốn rời, mà vẫn phải rời, vì có cái gì trong trời mà bất biến. Khi lên đến Đà Lạt không hoàng hôn, mà man mác buồn, say đắm nhìn những mầu hoa biết nói, thì anh đào vẫn lặng lẽ, man mác đâu đó, bên đồi, trong đời. Thầm tạ ơn trời vì những điều này không tự nhiên mà có được, chính bàn tay người họa sĩ tài hoa đã sáng tạo sắc mầu và hoa cỏ, cho đến đời đời.
Chẳng hạn như là chuyến viễn du (nghĩ là) lần cuối của một người đàn bà không còn trẻ nhưng trái tim vẫn nồng nàn, sau những ngày tháng phòng không chiếc bóng vò võ một mình, vẫn mơ tưởng một vòng tay qua chiếc eo của biển, không hề giả vờ õng ẹo tránh né, dù là một thoáng mây bay. Người đàn bà không son phấn gì hết, không nghĩ ngợi gì hết, không nghĩ là mình sẽ dùng chút son phấn để chinh phục người đàn ông mình đã gặp trong giấc mơ những đêm trăn trở về sáng, nghĩ rằng son phấn cũng không che giấu nổi những vết chân chim bên đuôi mắt, nghĩ rằng son phấn cũng không qua nổi đôi mắt người đàn ông lịch lãm bao năm, mà e rằng, ông ta cũng không mấy quan tâm đến son phấn, chỉ quan tâm đến những gì phía dưới lớp son phấn và bên trong nó. Bà kéo chiếc va-li đơn giản ra phi trường, trong khi chờ đợi lên máy bay thì nhìn khẽ khuôn mặt mình trong tấm gương soi nhỏ, thứ cần dùng của phụ nữ, trước khi có một cuộc gặp gỡ có khi là quan trọng. Hài lòng vì sau từng ấy năm, hình như vẫn còn chút gì đó chưa đến nỗi phai tàn, đôi mắt vẫn ánh lên vẻ dịu dàng của dòng thời gian trôi, thế là đủ rồi, vũ khí để chinh phục trái tim chỉ là đôi mắt có thể nhìn sâu vào trong tâm hồn, nghe tiếng nói của nó, tiếng nói không thể nghe, chỉ chạm đến. Trên máy bay, bà ngủ vì đêm qua mộng mị nhiều quá không ngủ được, cứ nhìn thấy người đàn ông đó, mà bà đã cố gắng phủ nhận trong nhiều năm, nhưng chẳng làm sao: vì cố quên là khi lòng nhớ thêm. Tai hại vậy đấy, cái con tim non yếu.
Còn người đàn ông thì sao, vẫn phải tính toán những chi tiêu sao cho vừa vặn với số tiền mình có hàng tháng, vừa mơ mộng viễn du: ra khơi biết mặt trùng dương biết trời mênh mông biết đời viễn vông biết ta hãi hùng… mà biết chỉ là hát thôi, chứ giấc mộng ấy khó mà trở thành hiện thực lắm. Nhưng có ai cấm được giấc mộng, đố ai nằm ngủ không mơ, nên cứ viễn mơ, mơ một ngày trở thành một diễn viên đóng những vai giang hồ hết thời, nằm ngủ dưới bóng cây bên dòng sông, chẳng bao giờ mơ thấy đàn bà phụ nữ, cho tới một ngày: ngày ấy có em đi nhẹ vào đời, và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối, em chẳng ngây thơ nũng nịu như tuổi mười ba mười sáu, cũng không lạc lõng bơ vơ khi đã quá hai mươi, nhưng là vẻ đẹp tròn trịa của trái cam, trái xoài, trái táo, chẳng còn có thể đi nhẹ lắm nữa, mà đã khá nặng nề. Đẹp là đẹp, không nên quá chi li tính toán đẹp chỗ nào, đẹp ra sao, thu hút đôi mắt là đủ, rồi chinh phục trái tim, chỉ một người, cho người ấy, chẳng cho ai, như Đấng sáng tạo chỉ làm ra Eve cho Adam mà thôi, còn người đàn ông nào khác nữa lúc ấy đâu. Mà sao ngày xưa không thấy nói rằng cả hai đã một lần gẫy gánh giữa đường, rồi tinh cờ gặp nhau giữa đường, rồi nắm tay nhau trên đường, đi hết quãng đường còn lại.
Tình thì không tính toán, nhưng tiền thì phải tính toán, tính mãi cũng mua được một vé máy bay, rồi một ngày giấc mộng viễn du cũng trở thành sự thật, không mộng nữa, một ngày cũng kéo chiếc va-ly sờn mỏi của mình ra phi trường chờ đợi, trong khi chờ đợi máy bay delay, ngồi bâng quơ ngó ra ngoài phi đạo, thấy những con đại bàng sắt nghênh ngang giữa đường, bỗng dưng cồn cào nhớ dòng sông xanh, nhớ biển rộng hai vai, nhớ suối mơ bên rừng thu vắng, nhớ hoa anh đào trên phố xưa, nhớ đồi vắng trong bình minh, nhớ đến nỗi ứa nước mắt, và sự delay của máy bay kéo dài sự hồi tưởng khiến con chim nhớ quay quắt đường bay, lại ngần ngại không muốn chui lại vào lồng son, ngần ngại nghĩ đến chiếc lồng nhốt kín bước chân dù là bước chân mòn mỏi. Người đàn ông chậm chạp đứng dậy, kéo va-ly, bước ngược ra chỗ bước vào khi nãy, rồi bước chân hòa nhập vào dòng đời, rồi dòng đời lại trôi xuôi, như dòng sông miên man, trôi mãi, cho đến khi ngừng lại nơi nào đó, đâu đó trong đời.