Trang chính » Sáng Tác, Truyện vừa Email bài này

Biển San Hô -3

0 bình luận ♦ 15.06.2018


Cồn Nước Lợ

Suốt cả buổi chiều trên cồn, nhóm của Ðường tâm sự vãn và ăn uống dè sẻn những bánh ú, trái mận roi đường bán với giá cắt cổ. Trời chiều ngả dần từ màu vàng võ sang cam tuyền của những đám mây xa. Lúc chị Hương rút năm chục cuối cùng ra mua ba trái dừa xiêm cho cả bọn uống đỡ khát, tiếng reo hò chợt dậy vang trên cồn.
“Dậu xuyền lại!”
“Có tàu, tàu tới, tàu tới!”
Mọi người không kềm chế được vui mừng chạy ùa ra bãi đất trống hồi sáng lúc lên cồn. Trong ráng chiều buông chầm chậm, Ðường trông thấy ngoài sông ba chiếc tàu cây đang chậm chạp tiến vô.
“Ðâu, chiếc nào là MT-603 đâu?”
“Chiếc sơn đỏ dưới lườn đó.”
“Trời ơi! Nhỏ xíu vậy làm sao vượt đại dương đi Úc!”
Những người lần đầu tiên vượt biển thất vọng kêu trời. Tàu vượt đại dương trong đầu họ là hình ảnh những chiến hạm, tàu thủy đậu trong bến cảng Bạch Ðằng. Những người đã cay đắng nhiều lần rồi thì bình tĩnh hơn.
“Vậy là khá rồi, hồi tui đi chui ở Cà Ná ghe dài chỉ bằng ba chiếc giường ngủ nhập lại.”
“Thôi chết rồi, lão Trương Hồng lừa mình rồi.”
“Dưới Rạch Giá tàu cũng chỉ cỡ vầy…”
Ðường nghe rõ những mẩu đối thoại chung quanh, anh không có ý kiến vì đã ra đến đây ghe xuồng tàu bè lớn nhỏ cỡ nào cũng phải lên thôi. Ba chiếc tàu cây ngừng lại ở giữa sông. Hóa ra có hai chuyến đăng ký khác đi cùng ngày mà Ðường không biết. Ðường cũng vừa khám phá thêm qua lời đối đáp giữa ông Hỏa em rể chủ tàu và những người vây quanh, là chiếc MT-603 dự định đi Úc. Người tổ chức tự tin chiếc tàu của họ đủ sức hải hành xuống tận vùng nam Thái Bình Dương. Có lẽ lý do chính là vì từ mấy tháng qua, đài BBC không ngừng loan những bản tin về nạn hải tặc ở vịnh Thái Lan, điểm đến gần nhất. Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba thì đài VOA loan tin tàu tỵ nạn bị kéo đuổi ra khơi. Ðường suy nghĩ nhưng không tài nào đoán ra lý do khiến các nước Ðông Nam Á trong vùng xua đuổi làng xóm đang lâm nạn. Chỉ mới hôm qua, họ hãy còn là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Ðường cảm thấy cay đắng, đồng thời ba chữ Úc Ðại Lợi vừa nhú mầm nẩy lên trong anh. Ðường cố hình dung ra vùng đất lạ của nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin, nhưng cũng như bóng đen về sự xua đuổi thuyền bè của các nước láng giềng, Ðường không mảy may ý niệm gì được về mảnh đất lục địa chờ đón sắp đến. Nhưng lần đầu tiên từ lúc xuống Mỹ Tho, anh thấy nôn nao khó tả.
Hơn tiếng đồng hồ sau, hai tàu tuần giang PCF chở đầy công an hộ tống một đoàn ghe đông đảo người ngồi trong khoang cặp vào cồn. Lần này những chiếc đuôi tôm cặp hẳn vào bờ. Công an và đám người lạ mặt tuần tự lên cồn. Viên công an mang kiếng gọng vàng lúc nãy tái xuất hiện, nói chuyện hồi lâu với chủ tàu rồi quay sang ra dấu đem loa phóng thanh đến.
“Các anh chị chú ý! Các anh chị chú ý! Tôi thay mặt Tỉnh ủy, thay mặt đội ngũ Công an Nhân dân Thị xã quán triệt với các anh chị một vài điều trước khi các anh chị lên đường…”
“Quán triệt” cầm loa vắn tắt, kêu gọi mọi người phấn đấu lao động ở xứ người, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của hai dân tộc Hoa-Việt tự ngàn xưa. Không ai cảm giác kỳ dị và cũng không ai tự hỏi vì sao chính quyền tổ chức cho họ ra đi, tất cả đã quen với ngôn từ chính thức và quen với sự im lặng, riêng Ðường càng lúc càng nôn nóng.
“Sau đây là danh sách các anh chị có tên thuộc diện người Hoa đăng ký theo tàu MT-603. Anh chị nào có tên thì đứng lên ra tập họp xuống ghe để ra tàu lớn. Tổ Một: tổ trưởng Lâm Huê, tổ viên các anh Trương Liêu, Ðặng Cẩm, Trịnh Vũ Vương, Phùng Hội, Phùng Tảo… các chị Trương Tố, Vương Huệ, Tú Diệp Anh…”
“Dzũng, ông có tên kìa, đứng lên đi!” Ðường bật dậy.
“Ðâu? Gọi hồi nào?” Dzũng hớt hải.
“Phùng Tảo! Tên trên khai sinh Tàu của ông là Phùng Tảo. Nhanh lên!” Ðường đẩy Dzũng.
“Phùng Tảo có mặt!” Dzũng lật đật.
Biên mang túi đeo vai giùm anh Dzũng, nó vừa kích động, vừa nghĩ đến cái tên Mã Siêu trên khai sinh Tàu của mình. Tự nhiên Biên nhớ đến cha đã mất, nhớ đến ông Long buổi trưa 30 tháng 4 đốt vội vàng thông hành của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khiến bà Long phải mua khai sinh giả cho hai anh em Ðường với giá một chỉ vàng. Tàu thật trở thành Tàu giả, hay Tàu lai trở lại làm Tàu thật? Biên thật sự thắc mắc. Cho đến buổi trưa Mỹ Tho, Biên vẫn tin nó là người Việt, mà chỉ đến buổi trưa này Biên mới ý thức cái tên thật Lưu Gia Biên của nó đầy Tàu, nhưng là một thứ Tàu không được công nhận, giản dị vì là Tàu Quốc gia. Quốc gia? Biên hãy còn quá trẻ để hiểu, tuy biết cái chết của cha gắn liền với 30 tháng 4. Nó đứng xếp hàng sau lưng anh Dzũng, nhìn mọi người trút hết tiền Giải phóng còn thừa vào chiếc rổ mà anh công an trẻ đang cầm.
“‘Giải phóng’ đến đây là hết giá trị.” Dzũng thì thầm.
“Cái gì của âm phủ trả cho âm phủ.” Ðường gật đầu.
Công an tiếp tục đọc tên: “Các anh Vưu Di, Mã Siêu, Mã Sinh, Chiêu Cấm, Triệu Hỷ… ” Ðến tên Mã Sinh, Ðường hô “Có mặt”.
“Em mang tên Mã Siêu luôn hả anh?”
Biên vẫn còn thắc mắc, ý nghĩ trở lại làm người Tàu làm thằng Biên không vui. Nó nghĩ đến đám bạn người Việt trong trường, nghĩ đến chỉ mới cách đây vài tháng khi chiến tranh biên giới nổ ra, thầy chủ nhiệm đã kín đáo khuyên nên khai lại lý lịch vì gốc Hoa sẽ cản trở học vấn. Ðường nhìn em ngạc nhiên, tự nhiên anh thấy thằng Biên lớn hẳn, nó có vẻ ưu tư.
“Qua đến trại tỵ nạn khai lại.” Ðường nói khẽ.
“Khai người Việt hay người Tàu?” Biên hỏi lại.
Biên nhìn anh. Ðường nhìn thằng Biên, anh thấy rõ ràng thằng bé đang lớn lên, làm như xa gia đình ba ngày đã khiến nó ý thức phải tự lập và đã khiến nó hiểu những quyết định sắp đến của anh vô cùng quan trọng. Ðường muốn trấn an em nhưng chính câu hỏi của thằng Biên làm anh phân vân. Tàu hay Việt? Chính gốc Hoa của Dzũng và Ðường đã khiến ông Trương Hồng trở nên dễ dãi và tin tưởng. Cũng chính gốc Hoa này đã giúp bà Long xin bớt hai lạng vàng. Nhưng Tàu hay Việt, Ðường chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, vì trong thâm tâm anh luôn nghĩ mình là người Việt. Bên cạnh, Dzũng cũng nghe thấy và chờ đợi đáp án của bạn mình. Chính Dzũng cũng đang phân vân, sau cùng, Dzũng nói nhỏ: “Sang tới trại tỵ nạn rồi tính”, nhưng Ðường đã trả lời em: “Khai người Việt. Mẹ là người Việt, anh em mình là người Việt.” Ðường nghe giọng nói của anh thật chắc chắn. Biên cảm thấy an tâm, nó nhìn ra những thước sông bây giờ đã sẫm.

o O o
Bảy giờ tối, trong ánh đèn pin quét ngang dọc của công an, mọi người lần lượt xuống tàu lớn. Dzũng, Ðường và những người đàn ông trong nhóm bị đẩy xuống hầm dưới cùng.
“Chết rồi bây ơi, không có cửa sổ!”
Anh Vĩnh la làng khi cả bọn chui xuống hầm. Khoang tàu tầng dưới tù mù trong ánh đèn bão mắc ở đà ngang. Chưa gì mọi người đã ngộp thở, hầm tàu bít bùng thiếu dưỡng khí. Mùi dầu Ma-zút xông lên hăng hắc.
“Xuống, xuống! Tổ một dồn ra đằng mũi đi! Nị tỳ hôi sườn pìn!”
Mấy thằng thủy thủ gốc Triều Châu to con vạm vỡ, xô đẩy nhóm Ðường. Người trên boong tiếp tục dồn xuống.
“Ngồi sát vô nữa! Mỗi băng mười người! Xập cô dành!”
Bọn thủy thủ tiếp tục la hét quát tháo. Mặt anh Vĩnh và anh Thành đanh lại. Những người đàn ông ngồi chật đến độ không thể cựa quậy. Trong bóng đèn bão vàng vọt, vang lên vài tiếng “Tiểu lụ mụ” của các thanh niên người Hoa cũng đang bị dồn ép như cám. Người trên boong vẫn tiếp tục được đẩy xuống. Ðường có cảm tưởng hai xương vai và ba sườn mình sắp vỡ vụn.
“Tôi nói ông rồi, máy ép dầu xuất khẩu mà!”
“Nghe đâu công an gởi một trăm người, cánh ra sau hồi nãy là người của công an đó.”
“Không cửa sổ, ngồi ép mỡ kiểu này tàu lật là đi đái…”
“Ê mấy cậu nhỏ đó, đi đường xa đừng có nói gở. Hết chuyện đùa rồi sao!”
Mấy ông già lớn tuổi ném cho bọn trẻ cái nhìn quắc mắt không mấy thiện cảm. Ðám thanh niên nín thinh, hầm tàu chỉ còn tiếng chân xô đẩy quờ quạng tìm chỗ ngồi. Không ai nói gở nữa, nhưng hình ảnh cái quan tài tập thể đã lởn vởn trong đầu mọi người.
Phần Biên, dưới 18 tuổi nên được ở tầng nhì, có cửa sổ ngồi chung với đàn bà con gái. Tầng thượng dành cho thân nhân gia đình chủ tàu và tài công. Khoang tàu của thằng Biên cũng chật không kém, nó bị năm con xẩm ép dính vào vách. Không phải một hộp cá sardine nhưng là một hộp thịt pâté. Thằng Biên cố an ủi được ngồi kế cửa sổ không sợ ngộp thở. Nó đo lường bằng mắt cái khung cửa hẹp liệu xem thân hình ốm của nó có chui ra được khi gặp biến. Thõng một tay qua cửa sổ, Biên giật thót mình vì cánh tay nó chạm ngay vào dòng nước lạnh toát. Mực nước mấp mé chỉ cách chừng hai mươi phân. Ðúng lúc đó thằng Biên chợt nghe tiếng mái chèo khua nhẹ, rẽ trên mặt nước. Rồi tiếng chạm nhẹ vào vách, rồi có tiếng đụng mạnh hơn vào lườn tàu, tò mò nó nghiêng đầu qua cửa sổ. Một bàn chân rơi bịch bất ngờ ngay trên thành cửa trước mũi thằng Biên. Một bóng người từ chiếc ghe tam bản cặp bên hông chiếc MT-603 nhảy vụt lên boong. Tiếng súng nổ chát chúa liền tức khắc. Liên tiếp là tiếng đạn AK rít rít trong gió. Năm ngón chân của cái bàn chân trần bấu quặp vào thếp gỗ run rẩy rồi rơi tõm xuống, nước bắn ướt vào trong khoang. Những băng đạn AK vẫn còn được bắn xối xả xuống lòng sông đen ngòm. Tiếng AK nổ như trống. Ðến khi âm vang của tiếng súng dứt hẳn, hồi lâu sau trong bầu không khí sợ sệt im phắc, một giọng đàn bà mới lắp bắp thều thào:
“Trời ơi… đi ‘hôi’ bị bắn rồi.”
Ðã gần nửa đêm tàu vẫn chưa chạy, không ai rõ chừng nào mới “nhổ neo”. Ông Trương Hồng và tài công đã trở vô thị xã ăn chia tay với công an. Tất cả chìm trong bóng đen đặc, cây đèn bão gã thủy thủ đã lấy đi. Mùi Ma-zút xông lên đến ngộp thở, in mùi hắc ín tráng nhựa đường. Thằng Biên nhắm mắt cố ngủ để lấy sức, mỗi lần giật mình bừng tỉnh, nó ngó ra ngoài đêm quê hương mịt mù. Tàu vẫn đứng yên một chỗ.
(còn tiếp)

bài đã đăng của Trần Vũ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)