- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Biển San Hô -1




Cuối thập niên 70 cùng với những ghe vượt biển mong manh còn xuất hiện những thuyền nhiều tầng được Công an Biên phòng hộ tống ra tận cửa biển, do chính nhà nước đứng ra tổ chức dưới tên gọi Vượt biên Bán Chánh thức. Với chính sách bài Hoa, chính quyền muốn triệt tiêu “đội ngũ Hán gian” nhưng trong thực tế là những gia đình Hoa kiều đã sinh sống nhiều thế hệ trong Chợ Lớn và có cả những thanh niên Việt mua khai sinh Tàu để ra đi. Giá trung bình là 12 lượng vàng cho người lớn và 7 lượng vàng cho trẻ em, cùng hai trăm đồng “cụ Hồ” cho thị thực khai sinh ma. Ðóng cho chủ tàu và công an thị xã điểm xuất phát. Chuyến tàu MT-603 khởi đi từ Mỹ Tho đêm 29 rạng 30 tháng 5-1979 chứa 405 thuyền nhân đã đâm vào bãi ngầm Trường Sa bốn ngày sau đó. Ngày 21 tháng 6-1979 khi được Hải quân Phi Luật Tân cứu đưa vào hải đảo Liminangcong, điểm danh còn đúng 285 người. Tôi ở trong số những thiếu niên trong chuyến tàu này, ghi lại chuyến đi dưới dạng tiểu thuyết.
   


Vượt biên bán chánh thức

Những ai đã sống ở Mỹ Tho khoảng thời gian hai năm 78 và 79 đều có chung nhận xét: trọn thị xã nhỏ bé hiền hòa nổi tiếng nhờ món hủ tiếu này đã biến thành một chợ người hỗn độn dân tứ phương đổ về sinh sống, đầy dẫy bon chen, càng làm nẩy bật thêm lên tình cảnh tranh sống giữa Người và Người.
Người, tuy thế ở đây không giản dị như trong quy định 5 thành phần kinh tế xã hội của nhà nước, thời kỳ đánh tư sản. Người phức tạp từ đứa trẻ nhỏ bán trà đá chanh đường đến bà lão còm lưng gánh cháo lòng rao bán trong chợ. Người rắc rối từ chị hàng sạp vải may đo đến gã thanh niên chuyên móc ngoặc với chính quyền, và dĩ nhiên, luôn cả đội ngũ công an vũ trang thường hay chạy xấn vào các hẻm chật vây bắt nhân dân cũng góp mặt tạo thành cái tập hợp Người xô bồ kỳ lạ ấy. Nhưng có lẽ phải kể đến diện Người bất thường hơn hết chính là những đám đông tuôn đổ xuống từ bến xe lôi thị xã, nằm bãi chờ đi vượt biên theo diện người Hoa đăng ký bán chính thức.
Tháng 5-1979, trong số những người Hoa rời Mỹ Tho có những người Việt buồn bã nhìn thị xã yên lành ngày nào đã đánh mất hẳn nét an hòa, bình dị của một tỉnh lỵ nửa chợ nửa quê. Thay vào đó là bầu không khí mờ ám lấp lửng, đầy bất trắc của một bến cảng miền Tây chuyên xuất cảng Người.
o O o
Buổi chiều 28, sau bữa cơm chiều ăn qua loa trong lòng chợ, anh em Ðường và Dzũng thả bộ về ngôi nhà lầu bốn tầng thuê bao gần đó. Theo lời dặn từ hôm xuống Mỹ Tho, họ không được ra ngoài sau 8 giờ tối. Lúc về đến biệt thự, Biên, em Ðường nhìn tòa villa ngán ngẩm. Ngôi nhà mà gia đình ông Trương Hồng chủ tàu thuê từ sau Tết, làm chỗ ở tập trung cho ba trăm diện người Hoa đi tàu của ông, mỗi ngày một thêm đông người xuống ở. Tối nay, bốn tầng lầu chật cứng người từ trên xuống dưới. Dù đã bị hụt mấy lần vì công an đình chỉ ngày đi và cũng mấy bận lê thê lếch thếch kéo nhau về lại Sài Gòn vì chủ tàu tự ý dời ngày “xuất ngoại”, đêm nay chừng như “diện” nào cũng có mặt đầy đủ. Không ai muốn bị hụt chuyến đi ngày mai, trên chiếc tàu đăng ký số MT-603, sáu “lốc” cùng hai máy kéo phụ mà ông Trương Hồng đã hãnh diện tuyên bố với mọi thân chủ là bảo đảm nhất vùng Bốn!
Ba người thanh niên đứng tần ngần trong sân vườn nhìn tòa nhà cũ từ thời Pháp đang chìm từ từ vào trong nền trời chiều chạng vạng của tỉnh lẻ. Một lúc sau, theo thói quen Ðường giục em mình đi kiếm chỗ ngủ. Thằng Biên hơi bất bình anh nó đêm đó, không chịu nhìn thấy “khó khăn chung của cả nước” đang nằm ngồi ngổn ngang la liệt tràn lan từ trên lầu thượng xuống đến bếp. Làm sao tranh được chỗ ngủ trên sàn gạch bông đã được cắm dùi kỹ luỡng và tận tình giăng mùng màn sùm sụp thế kia? Nhưng trái với tính tình thường ngày bướng bỉnh ở Sài Gòn, tối đó Biên lẳng lặng vâng lời anh bước vô nhà. Lý trí niên thiếu của Biên hiểu đang sống những giờ phút nghiêm trọng, cần tuyệt đối vâng lời anh. Nó loay hoay tìm chỗ đặt bàn chân, len lỏi men qua đám đông người đang nằm nhoài trên đất. Cái bóng lanh lợi của thằng Biên vàng vọt một lúc dưới ánh đèn măng-xông, rồi biến mất ở chân cầu thang. Còn một mình, Ðường rủ bạn ra ngồi ở bậc tam cấp. Cả hai không buồn ngủ và cũng không có ý định ngủ đêm nay.
“Ðêm Xã-hội-Chủ-nghĩa cuối cùng, thức để nhớ mình đã uống nước suối Vi-Xi.” Dzũng khôi hài đen khi ngồi bệt xuống nền xi-măng.
Ðường yên lặng tìm trong túi hai điếu Ðà Lạt, chìa cho bạn một rồi châm lửa. Lúc nãy khi đuổi em đi ngủ, Ðường biết anh có hơi vô lý. Thằng nhỏ kiếm đâu ra chỗ đặt lưng trong hộp cá mòi. Nhưng hình như Ðường sợ nếu cho phép đứa em ngồi lại với mình, nó sẽ đọc được hết những tâm tư của anh trên vỉa hè này. Những suy tư mà Ðường chợt thấy yếu đuối và thụ động trong khoảng thời khắc cuối cùng của hai anh em trên quê hương.
“Hồi gom vàng hô đi hai trăm. Cận ngày đi kêu hai trăm rưỡi, bây giờ ‘đóng bến’ ba trăm mạng. Ðiệu này là cha Trương Hồng có đặt mua máy ép dầu cho mình rồi!”
Dzũng vừa bập điếu thuốc, vừa cằn nhằn. Ðường đồng ý với bạn là chuyến tàu rồi sẽ chật như nêm cối, nhưng anh không bàn góp gì thêm. Nơi nào trên đất nước thời buổi này không có người bị lừa? Ðiếu Ðà Lạt Dzũng vừa kéo được vài hơi đã tắt lịm. Người thanh niên lại làu nhàu. Loại thuốc phân phối, sợi thuốc “dỏm” không tự cháy nổi một mình khiến Dzũng phải đánh diêm châm lại. Ðường nhìn đốm lửa soi mông lung khuôn mặt bạn. Dzũng là sinh viên năm thứ ba cùng học khoa Kế-Tài-Ngân ở đại học Kinh tế, trường Luật cũ với Ðường. Quen nhau tình cờ khi cả hai đi học môn Xác-suất Thống-kê. Rồi Dzũng trở thành người giới thiệu dắt mối cho hai anh em. Dzũng thẳng tính nên không thích ai “cong” với mình. Cuộc vượt biển nào cũng thẳng ít cong nhiều. Ðường cầu mong sao cho chuyến đi sẽ êm xuôi trót lọt, vì nếu không sẽ chẳng còn chuyến nào nữa cho anh em anh. Bóng đêm đã buông tuồng xuống thị xã từ lâu mà dường như Ðường vẫn còn trông thấy trong những lùm cây đang tối mờ đầu ngõ, hình ảnh ngôi nhà toang hoác trống trơn của gia đình. Ðường nhớ đến chiếc honda dame của mình, đến chiếc xe đạp course của thằng Biên, đến máy truyền hình hiệu National của nhà, bàn máy may Singer của chị cả, tủ lạnh Panasonic và những chỉ vàng, nữ trang cuối cùng của mẹ lần lượt ra đi để gom góp cho đủ số hăm bốn cây vàng.
Khu xóm về đêm mới thê lương. Những đường hẻm đối diện mới hồi chiều tấp nập người ra vô, đầy dẫy những quán tiệm cơm hàng cháo chợ, trời vừa sụp tối đã vắng tanh vắng ngắt. Hai người bạn sinh viên không hiểu có phải vì công an cấm lai vãng ban đêm khu nhà của “kẻ xấu người Hoa” hay giờ giới nghiêm ở Mỹ Tho sớm hơn Sài Gòn nhưng họ cảm nhận rõ rệt khu phố cúp điện thưa người chìm tối âm u đến thê thảm.
“Dzũng, sao ông đi lần này?”
Ðường bỗng chợt hỏi bạn khi anh búng tàn thuốc xuống lạch cống.
“Thì cũng như ông, ngán đi chui! Ði ‘tu nghiệp’ kiểu ‘hợp doanh ngoại thương’ như vầy an tâm hơn.”
“Không, ý mình muốn hỏi Dzũng sao chọn ra đi kìa?”
Ðường vội ngắt lời bạn khi thấy Dzũng hiểu sai ý anh. Hỏi Dzũng nhưng thật ra Ðường hỏi cho chính mình. Anh muốn duyệt xét lại lần nữa câu trả lời thao thức từ nhiều năm qua. Ðường, trong một giây ôn lại tâm tư của chính anh. Một tâm tư đã biết chia sẻ với Soljénitsyne, Pasternak, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ… Trước 75 đọc Một ngày trong đời của Denissovitch, Tầng đầu địa ngục, Bác sĩ Jivago, Dòng sông định mệnh, Ðem tâm tình viết lịch sử của những nhà văn ấy, Ðường không ngờ có một ngày miền Nam nơi ấp ủ tuổi thơ, dung dưỡng tuổi niên thiếu, nẩy nở tuổi trẻ của anh bỗng vụt trở thành thực tế kinh khủng ê chề của những cuốn tiểu thuyết kia. Và Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái rõ ràng là đang hiện diện trong nhà giam Phan Ðăng Lưu, nhà tù Ðại Lợi ngay giữa lòng Sài Gòn.
“Sao chọn ra đi? Dễ hiểu lắm, không muốn mỗi tối họp tổ dân phố, không muốn mỗi Chủ Nhật đi lao động xã hội chủ nghĩa, không muốn mỗi tam cá nguyệt đi thủy lợi, không muốn phải chạy tiền Phường để khỏi bị gọi nghĩa vụ chết dấm dúi một xó xỉnh nào đó bên Kampuchia. Và quan trọng nhứt, là không muốn suốt cuộc đời chỉ được đọc có hai tờ nhật trình của nhà nước…”
Sau phút hơi ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ của bạn, Dzũng chậm rãi trả lời. Một sự thật quá hiển nhiên mà nhiều người đã không cần tự hỏi khi ra đi. Nhưng Ðường và Dzũng đang ở lứa tuổi của một thế hệ vừa bước chân vào đời, sớm biết suy nghĩ, băn khoăn vì cuộc sống vây quanh. Ðêm khuya dần và vầng trăng sáng treo cao trên đầu cả hai. Họ còn tự đặt cho nhau nhiều câu hỏi khó khăn khác, về khả tín của học thuyết Darwin, về câu nói bất hủ “Chính quyền trong tay Sô-viết” của Lénine, về những bế tắc của cấu trúc kinh tế Mác-xít ứng dụng ở Việt Nam, về các ca khúc mới của Trịnh Công Sơn trình diễn ở Hội Trí thức Yêu nước, cùng cả về cái chết bí mật của Thanh Nga. Hai người thanh niên không tìm ra giải đáp nào thỏa đáng với câu hỏi đầu tiên vì sao phải ra đi, họ chỉ cùng đồng ý phải thoát ra khỏi Việt Nam, cái hộp sắt bưng bít giam nhốt đang làm chết ngạt tất cả những giá trị tư tưởng. Tương lai ở ngoài hộp sắt.
Dzũng châm thêm điếu thuốc. Anh rít mạnh vì thuốc Hoa Mai sợi đen, cũng như Ðà Lạt lúc nãy dễ tắt. Ðường và Dzũng thức thật khuya đêm ấy, cả hai không để ý đến vài người Hoa đi cùng chuyến cũng còn chưa ngủ, bắc ghế ra sau hè bàn tán. Những chú Sìn, chú Cẩm, chú Hổi của Chợ Lớn không sõi tiếng Việt, chưa đọc Tư bản luận, chưa đọc Lénine Toàn tập và cũng chưa đọc Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái. Song họ vẫn biết rõ vì sao mình phải ra đi. Vì thực tế phũ phàng người Việt dành cho họ, vì kinh nghiệm máu xương của kỳ đánh tư sản năm ngoái hãy còn quá gần? Ðó chỉ là một phần của lý do khiến sau nhiều ngàn năm giao tình với dân tộc phương Nam, người Trung Hoa đành nhìn nhận hồi kết đã đến. Dưới thời Ðệ nhất Cộng hòa, Hoa kiều bị cấm mười tám ngành nghề, đến Ðệ nhị Cộng hòa họ chung lưng chịu trận chiến tranh, nhưng vẫn vui vẻ sống, vẫn vui vẻ mỗi sáng nở nụ cười cầu tài đầu tiên. Hình ảnh dân tộc Việt trong lòng Hoa kiều là hình ảnh anh bản xứ hiền hòa, cần cù vui tính, dù đôi khi có hơi lì lợm. Nhưng từ 75 đến 78, chỉ cần vài năm một thứ người Việt khác, đã xóa bỏ hoàn toàn một hình ảnh sẵn có, xây dựng từ bốn ngàn năm qua trong lòng Hoa kiều để xua họ ra biển.
Vầng trăng của bốn ngàn năm trước tối nay vẫn còn treo lơ lửng, ngọn gió của thời Lạc Hồng vẫn còn đang lùa nhẹ qua sân, những hậu duệ của các tổ phụ di dân phương Bắc vẫn còn đang trò chuyện. Tiếng Quảng xì xầm xì xồ của họ râm ran, nhưng là những lời an ủi khích lệ nhau may mắn trên đất tự do với một dân tộc khác.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Trần Vũ