- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Giá Rai, Đã Có Những Ngày Như Thế

1

Một ngày, vào cuối tháng tám 1976 Long ghé thăm tôi. Lúc này chúng tôi đang ở Sàigòn, cũng là lúc bà con Miền Nam gặp nhiều khó khăn mọi mặt trong đời sống. Sàigòn xuống cấp quá nhanh, những dấu hiệu phục sinh, nơi mỗi con người, sau cuộc nội chiến dài dặc chưa có tín hiệu nào đáng được chào đón.

Vừa nhìn nhau, đúng cái nhìn thời thế, anh kia nói với anh này, duy một câu rất thừa, “Dạo này ông gầy quá.”

Nhà chẳng có trà, rượu dỏm cũng hết, tôi rót mời bạn một ly nước lã chưa đun sôi. Nước thoảng mùi tanh vì hệ thống nước máy trong thành phố đang thiếu thuốc khử trùng. Nhà máy cung cấp nước hư hỏng nhiều. Vùng ngoại ô ban ngày không có nước. Ban đêm dân chúng phải đào sâu xuống nền nhà mới hứng được một ít. Nước rỉ rả từ các ống nước hư cũ, ngầu đục.

Long rít một hơi thuốc lào. Cả phần đầu khom xuống, tóc hoa râm, hai má hóp, bàn tay da tái đầy gân xanh.

Nhìn lung ra khoảng nắng, Long nói:

– Thấy tụi mình bây giờ sống quá cơ cực, L.H. muốn giúp cho việc làm.

– Làm gì?

– Về miền Tây mần cu-li, xây trại chăn nuôi.

**

Nhà văn nữ L.H. có một ngôi nhà khá xinh xắn trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, gần cổng xe lửa số 6. Cô tiếp chúng tôi, khá nhã nhặn và khiêm tốn. Cái nhìn tương kính nhưng buồn bã. Dù thời buổi khó khăn, cô vẫn giữ được một cuộc sống xem ra “nếp nhà chưa có gì suy suyển”. Bàn khách trải khăn bàn thanh lịch, ly tách đẹp đẽ, nước trà nóng, một đĩa bánh ngọt, một bao thuốc lá xịn.

Một chiếc xế bốn bánh cáu xịn đổ ngay cổng nhà. Từ xế bước ra, đi từ tốn vào nhà là một người đàn ông trạc năm mươi, khuôn mặt điềm đạm, da dẻ hồng hào, bộ râu hàm dưới khá rậm, thoạt nhìn giống tướng Nguyễn Khánh. Tôi nghĩ bụng thời buổi này mà ngự xế hộp, có tài xế riêng, tay xách ê-cô-lấc đen bóng, chắc là quan to, cách mạng cùng mình. Nhưng theo giới thiệu của nữ văn sĩ, ông Nguyễn. là một nhà thầu tư nhân, giàu có từ trước ở miền Nam.

Xong thủ tục chào hỏi nhau, ông Nguyễn vào chuyện một cách từ tốn:

– Các anh là nhà văn, gặp lúc khó khăn tôi mới tính việc này…thật cũng khó nói.

Ông đốt một điếu thuốc, phà khói. Như thả vào khoảng không một ít khó khăn từ nỗi lòng. Giọng khá thân mật có pha chút hài hước, ông hỏi:

– Hai anh có bàn tay xưa nay cầm bút bây giờ cầm…cuốc có được không?

Chúng tôi im lặng. Nguyễn tiếp:

– Tôi không cách mạng cách miết chi cả. Trong giới các anh tôi từng quen biết, thậm chí thân thiết khá nhiều. Có chút may mắn là hiện nay, tôi đang trúng thầu nhiều công trình xây dựng tại miền Tây. Tư nhân thôi, chỉ núp bóng nhà nước qua các ty sở. Tôi rất cần người. Nếu các anh đồng ý đi làm, đầu tiên là đến Giá Rai, xa đấy, cách đây nhiều trăm cây số.

Hai gã thất nghiệp chúng tôi vẫn im lặng nghe. Chẳng phải tan trong khoảng trống, không hờ hững chi, Long rít một lúc mấy điều thuốc, tôi bụng rỗng đã có mấy cái bánh ngọt. Sau này nghĩ lại, chừng lúc đó chúng tôi hít-nhai-phà-nuốt hơi bị nhiều. Phép lịch sự đã đi chỗ khác chơi.

Ông Nguyễn nói tiếp:

– Công việc là xây dựng trên cánh đồng đang là hoang địa trở thành một trại chăn nuôi. Khi các anh tới tất cả chỉ mới bắt đầu, kể cả việc sang nền trên những khoảng sình lầy, để làm lán trại tạm trú. Chỗ thân tình, tôi sẽ trả cho hai anh lương cao gấp rưỡi mức bình thường của nhà nước trả cho nhân viên. Ưu đãi nhé. Mọi thủ tục cư trú, giấy tờ đi lại của hai anh tôi lo cả. Xuống đó, mọi khó khăn còn có tôi giúp đỡ.

2

Một cánh đồng rộng mênh mông chân trời. Trên mặt nước lúp xúp là những cụm cây thấp, rừng lá không xanh như bình thường, vì nước có phần bị nhiễm mặn. Bùn lầy thâm đen. Đặc biệt vùng này ruộng đồng đầy ngập những con ba khía, một loại cua còng nhỏ xíu. Nó hơi giống một loại miền Trung chúng tôi gọi là “con rọm”. Đun một chảo dầu, rửa sạch bọn chúng, thảy vào, chúng chết tươi vàng um, là có một món ăn lạ và ngon.

Cũng hơn một năm trường bị gậy, kể từ ngày “tàn cuộc”, bữa ăn luôn thiếu chất đạm. Nay thèm quá, mấy ngày đầu tôi với Long chỉ xực toàn lũ “rọm” này. Nhai rụm rụm, nuốt ực. Mừng quá, nhiều can-xi. Ba hôm sau, miệng lưỡi rát kinh khiếp, những đường rách màu đỏ li ti trên mặt lưỡi, cần cổ khô cứng tựa cái ống tre. Mới hay, dân chúng xứ này tôm cá đầy sông nước ăn không hết, nào ai đụng tới con ba khía. Rặt, chỉ làm mắm.

Từng xe tải chở lên cung cấp cho dân Sài-gòn. Khi con ba khía trở thành con mắm lại ngon vô cùng. Cầm cái càng nhỏ xíu, cho vô mồm mà mút chậm chậm, mặn và thơm, lại ngọt. Xe chạy đường xa nắng gió, sợ mắm hư chua, thì [nghe đồn rằng] phu phen hè nhau…đái lên thùng mắm. Ấy là phương pháp “triệt để chống xuống cấp”.

Chiều lung. Gió tháng mười chạy hoang. Tôi đứng phía này một con rạch nhỏ chạy băng một khoảng đồng ruộng, nước phù sa đục ngầu. Xa kia, một cây cầu trắng xám màu, nằm trên đường xuyên Việt, khoảng giữa thành phố Bạc Liêu đến Cà Mau. Bên này, cách cây cầu non cây số, là một xóm nhỏ, nhà ven đường, vài quán cà phê, cửa hàng tạp hóa. Bên kia là thị trấn Hộ Phòng, nơi dẫn về Năm Căn Cái Nước. Lòng chiều xa buồn não. Thị trấn mờ nhạt trong không, như một ốc đảo hẻo lánh vùng biên giới.

**

Cái thế gian “Ba khía” tạnh ngắt này bỗng trở nên rạo rực, nóng bức nơi những “não bộ Kách mệnh”. Nghìn “hồ hởi” là có thực. Vạn vạn “bức xúc mau đổi mới” là trường kỳ xuất hiện.

“Ta phải nói với thế giới là Ta đã có mặt. Dù sự có mặt đầu tiên là mặt một bầy heo”.

1976. Các nhà cai trị thời hậu chiến đang giàu mơ mộng, những con người chóp bu trị nước lên cơn khí thế, đã rất mực chủ tâm hình thành, nơi cánh đồng chó ngáp này, một trại chăn nuôi, thời gian sau sẽ trở thành một nhà máy liên hợp chế biến, vĩ đại trên cả vĩ đại, như ước mơ hằng có.

Đầu tiên, là một trại nuôi heo giống. Dần dà, sẽ “nhân rộng” thành một trại heo cung cấp thịt. Bọn bốn cẳng kêu ụt ịt sẽ được nuôi theo kỹ thuật công nghiệp cao. Việc mổ thịt, không phải dùng con dao thọc vô cổ heo, ồn ào lắm, theo cách thủ công, hủ lậu. Mà là một lò mổ hiện đại, có thể “xử lý” hàng nghìn con mỗi ngày. Sẽ rất yên lặng, sạch sẽ, và trật tự. Bọn heo sẽ được Ta quản lý chỉ đạo, cấm ngặt cả những tiếng kêu gào báo tử trước khi chúng ngỏm củ tỏi.

Một chút hơi tàn, một cái run giựt từ biệt thế gian đầu này, bọn heo đã vun vút trong “dây chuyền sản xuất tiên tiến” ra ngay mớ thịt đầu máy bên kia. Mớ thịt sẽ tiếp tục “lên đường” dây chuyền để ra những sản phẩm đã chế biến. Nghĩa là, ngay chỗ đồng không mông quạnh này, tuần tự theo một tiến trình công nghiệp dây chuyền khép kín từ A tới Z, “đầu vào” phía này một con heo sống, “đầu ra” bên kia là những khối hộp, xúc xích, thịt nguội cùng hằng trăm các loại sản phẩm khác.

Đương nhiên thôi, đâu thể đút vào đầu này một thỏi xúc xích, đầu kia lại ra một con heo.

3

Thời tiết miền Nam đang mùa mưa. Một mờ sáng, tôi, một túi vải, trong có một ít quần áo cũ, cái khăn lau, một bàn chải đánh răng, một tấm chăn, áo mưa mặc vào người.

Kim, người yêu tươi sáng thuở kia nay là người vợ khổ hạnh, nàng cũng gầy nhịp nhàng theo tháng ngày heo hút, lo cho tôi một vài thứ cần thiết khác. Tôi cắt cục xà phòng một chút đem theo, còn để dành tắm cho tụi nhỏ. Loại xà phòng nội địa xã hội chủ nghĩa lúc này luôn nhão nhẹt, lấy muỗng múc ra cũng được. Nói “cắt” là do quen miệng mà thôi. Cũng như kem đánh răng từ các hợp tác xã của Ta, vón thành cục, cầm cục nho nhỏ mà chà răng sáng sớm cũng tiện, khỏi cần bàn chải. Cũng như bánh mì quốc doanh, không làm từ bột mì, thiếu bột nở, cứng thua đá một chút, có thể dùng đập lộn khi cần.

Thay vì cuối tháng, ông Nguyễn tốt bụng phát trước cho tôi và Long mỗi “đứa” một tháng lương. Tôi dằn túi vài chục đồng vừa đủ mua vé xe và phòng khi lỡ đường. Kim lo lắng. Tôi nói:

Yên chí, anh từng lưu lạc ở miền Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau ba năm ròng. Thưở ấy anh là một thằng lính trơ trụi. Anh hiểu lòng người nơi ấy. Người ta che chở, giúp đỡ kẻ tha hương, thất cơ lỡ vận, thì nhiều, không cần người chịu ơn phải trả lại một thứ gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Anh mang ơn người miền Tây, xem đất đai cây xanh trái ngọt này là quê hương thứ hai đời mình.

Hồi này Long và tôi vừa gần 40 tuổi, nhưng khi chen lấn chỗ quày vé bến xe đông đúc, lúc nhúc người tranh nhau mua vé như bọn dòi hút mắm, cô hàng vé nghĩ tôi và Long là hai ông già yếu đói. Còn chút từ tâm, cô nói lớn với đám đông: “Bà con nhường cho hai ông già cá mòi kia một chút chớ. Lấn chen đến ép cái người ra nước.”

4

Trên cánh đồng hoang, công việc chỉ mới bắt đầu. Một hôm, chúng tôi tiếp Năm Nĩa, một cán bộ tỉnh. Con đường ngắn từ quốc lộ vào công trường đã đắp xong, trải đá dăm một lớp dày. Xe bốn bánh của ông ta rộp rộp chạy thẳng vào sân.

Năm Nĩa, một người đứng tuổi, khuôn mặt gầy nhom, hai tai chuột nhọn cao, hàm răng trên nhô ra, ngực lép, hai bàn tay gân guốc. Áo sơ mi trắng màu cháo lòng cụt tay bỏ ngoài quần, chân dép râu, đầu nón cối, vai mang bị da.

Ông ta ở lại công trường hai ngày. Nói là từ cấp trên về tham quan tình hình để hoạch định “Tiến trình cho tương lai”. Lại bảo, sẽ là giám đốc, khi “Nhà máy đi vào hoạt động”.

Như hầu hết cán bộ, chừng mẹ đẻ cái lưỡi ra trước, “Anh Năm” nói rất nhiều.

– Bọn tư bản chúng nó hao tốn những hai trăm năm từ một nước chậm tiến mới trở nên một nước công nghiệp, Ta nhảy vọt vài chục năm là cùng, là ta đạt chuẩn một nước công nghiệp hóa. Trung ương Ta đang lên kế hoạch, là đến năm 1990 đất nước ta giàu mạnh, ta tự túc tự cường. Mỗi hộ dân sẽ được nhà nước biếu không một cái máy giặt, một ti vi, một quạt máy. Ngay bây giờ, các “đồng chí” hẳn thấy các báo đồng loạt đăng tin, Ta đã đặt tên hiệu cho bọn máy móc ấy là, ti vi Hưng Đạo, honda Phù Đổng, máy giặt Hai .

Năm Nĩa uống rượu như nước lã. Luôn đem quá khứ bần cùng của mình ra khoe thành tích. Làm như dân ta hôm nay, cha chú nào ba đời ông cha ở đợ, bản thân không được giáo dục học hành, nhà cửa chỉ mái tranh vách nứa, không mảnh đất cắm dùi, ấy mới là thành phần đáng vỗ ngực xưng tên, mới xứng đáng một thằng người trong cõi trời.

– Hồi mới theo cách mạng tôi vừa học cái chữ vừa hoạt động. Biết đánh vần, đọc được một cái thông cáo ngắn là mừng lắm rồi.

Lúc trò chuyện, ông ta luôn dạy dỗ chúng tôi. Có lẽ lầm với Canada, Năm Nĩa xác quyết:

“Sở dĩ bọn Úc nói tiếng Anh như bọn Mỹ vì hai nước này có chung một biên giới. Cũng như Ta với Trung Quốc anh em, liền cõi liền bờ, nên ngôn ngữ văn hóa, lễ lạc tết nhứt có giống nhau. Nay cũng xã hội chủ nghĩa cùng nhau tiến nhanh”.

**

Gió mưa đã đủ cho đời đổi thay. Mười hai năm sau, trời đất xui khiến, tôi gặp lại Năm Nĩa tại Sàigòn. Ông ta y chang một phú gia mập mạp, bụng bự, đi đứng ra điều ta đây là một “nhân lẫn vật”. Thời lột xác, các cán bộ có chức quyền, được tẩm bổ rượu tây bơ sữa, da dẻ hồng hào. Năm Nĩa nói ráo hoảnh, “Tôi đã có bằng tiến sĩ rồi anh ạ. Hiện nay tôi đang giữ một chức lớn ngoài bộ.”

Sau này mới biết, Nĩa là thứ trưởng một bộ trong chính phủ.

5

Tháng mười miền Nam, mưa nắng lộn sòng. Trời mới nóng như lửa lại đổ ào một cơn mưa. Bên này bờ sông mưa như gội, bên kia sông trời trong nắng tốt. Một xế trưa mọi người nghe có tiếng hô hoán như tiếng quát lớn của một người từ ngoài đường lộ đi vào:

– Phải đây là công trường heo của Minh Hải không nào?

Có tiếng trả lời của cô Bảy:

– Đúng rồi, công trường heo. Heo đây anh Ba.

Đó là Ba Nê. Sau này biết anh là bác sĩ thú y. Ba Nê bận chiếc quần nhà binh màu cứt ngựa, áo sơ-mi trắng lâu ngày trở màu cháo lòng. Người vạm vỡ, tóc húi cui, khuôn mặt mập, tròn vạnh. Nhìn chung là khá thô thiển nhưng cách ăn nói, nụ cười có phần đôn hậu của người Nam bộ.

– Trời mới mưa xong mà nóng như trong cái lò gạch.

Ba Nê nói xong, ném cái xắc lên bàn, rồi thẳng một mạch ra sau hè trật cu đái trên bờ kinh. Tay rung cu, mắt ngó lung trong nắng xế khu đồng không mông quạnh.

– Cá tôm dày đặc thế này mà không “đứa” nào khai thác tụi bây. Giăng cái lưới ngang chừng vài giờ đồng hồ là cả rổ tôm cá tha hồ nhậu tụi bây.

Ba Nê nói. Thấy chỗ thân thiện và nghe anh là bác sĩ thú y, trong lúc ngồi lai rai chung rượu đế, tôi hỏi:

– Đang thời kỳ mới dựng lán trại, chưa có cái lông heo nào anh về đây mần chi?

Ba Nê vui vẻ trả lời:

– Về chữa bệnh cho các “đồng chí” đây. Nhỡ đau ốm thuốc men đâu. Con heo với con người cũng ngần ấy tim gan phèo phổi, cũng ăn cũng thở, trong động mạch tĩnh mạch chứa cái thứ nước đo đỏ, trong óc con heo cũng có mớ não tủy như “đồng chí” với tôi mà thôi.

Ba Nê tâm sự tiếp:

– Bác sĩ thú y nhưng tôi không những chữa bịnh sơ sài cho người mà còn giải phẫu cho cả những thương binh đấy. Thời trong rừng núi tôi từng là bác sĩ giải phẫu. Cưa mổ người có khi không thuốc mê. Thời ấy cứu cấp là việc cấp thời hệ trọng, thương tích thì nhiều, đường tiếp vận lại khó khăn, lắm khi không tìm đâu ra cho đủ thuốc tê, mê. Mỗi con người cũng ngần ấy da thịt, ngần ấy máu xương, nhìn người thương binh đau xỉu mình là bác sĩ còn đứt ruột hơn nhiều.

Ba Nê ở lại công trường với chúng tôi một thời gian, uống rượu dữ, mồm miệng luôn rộng rãi lời ăn tiếng nói.

– Hầy! hai “đồng chí” ạ, hồi kháng chiến chín năm bọn phi công Pháp ném bom, oanh tạc ban ngày theo giờ hành chánh. Tám giờ sáng mới thấy máy bay bọn chúng trên bầu trời, năm giờ chiều là vắng bóng chúng. Chắc ban đêm bọn này lo uống rượu nhảy đầm. Bọn Pháp ăn chơi hơn bọn Mỹ. Thời Mỹ, máy bay oanh tạc cả ngày lẫn đêm, bất kể thành thị nông thôn, đồng bằng hay rừng sâu hố thẳm. Pháp chúng thả bom lai rai, thưa thớt, chớ Mỹ nó ném là dày đặc. Mà y bon vị trí. Chừng Mỹ chúng có con mắt thần. Vậy mà ta thắng. Mới là anh hùng

Nâng ly. Dzô, “đồng chí” Thụy Long. Nghe mấy công nhân ngoài kia nói anh là nhà văn ngụy, viết tiểu thuyết du côn du kề, có tác phẩm “Cô” Loan Mắt Nhung gì đó hay lắm.

Nghe có người sửa tên tác phẩm của mình từ Loan Mắt Nhung thành “Cô Loan Măt Nhung”, Long bật cười.

Cũng là lời Ba Nê:

– Thời kháng chiến chống Pháp, ban đêm chúng tôi còn được ngủ ngon giấc, Thời Mỹ suốt đêm bận rộn. Máy bay quậy kín trên bầu trời. Nhiều trận công đồn thương binh được khiêng tải về hà rầm. Trong rừng rậm, có khi ngoài ruộng bưng. Phòng giải phẫu cứu cấp là một cái mùng nhà binh to tướng được ráp lại từ bốn cái mùng cá nhân. Vật dụng y khoa móc từ trong bị rết ra. Lưu động mà. Phải chuẩn bị đèn pin. Lắm khi vừa băng bó máu me, máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện là tắt vội đèn. Thương binh thiếu thuốc tê thuốc mê đau đớn nằm rên la trong bóng tối thâu đêm.

Lúc vui miệng tôi hỏi Ba Nê:

– Vậy anh Ba tốt nghiệp bác sĩ trường y nào?

Ba Nê trả lời thật tình:

– Trường y trường u nào đâu. Trước kia tôi là anh thợ thiến heo. Bây giờ gọi tôi văn vẻ là bác sĩ ấy thôi. Chớ cả cái huyện Ngọc Hiển này xưa kia ai chẳng biết tôi là “Ba thiến heo”.

Tôi cắc cớ hỏi thêm:

– Nhưng phải có cớ sự nào mới hóa là bác sĩ chớ.

– Ừ, thi sẵn nghề thiến heo, gần heo, có tâm có tầm để hiểu con heo. Từ heo sang người cũng đâu xa mấy. Mà, lỡ bệnh nhân bị gì đó cũng chẳng ai quy kết cái lỗi cho bác sĩ. Chẳng là học hành chưa tới nơi tới chốn, chứ người ai nỡ muốn làm đau làm hại một con người. Vả lại, thời chiến tranh chết tùm lum, biết bao là nguyên nhân gây chết, đâu chỉ riêng bác sĩ mới làm chết người.

– Anh Ba rộng lòng quá hỉ!

– Khi ra bắc, lúc vào Trường Sơn, chiến tranh chiến trường lan rộng, bị thương chết chóc nhiều vô kể. Có trận chiến biển người là có biển xác. Vậy là thiếu người chuyên trách. Tôi được chuyển qua chữa bệnh cho người. Nghĩ cũng thuận đường. Đúng ra tôi có học tu nghiệp tại chức thêm chút đỉnh, rồi sống lâu đặng lão làng.

– Nói như anh trên đời này gọn thiệt.

– Thêm nữa, là thời buổi khó khăn, thiếu thầy thiếu trường, việc đào tạo thì phải dài lâu, thực tế lại đang cần người gấp. Đó là chưa nói nhiều anh em trẻ được đào tạo bài bản, vừa ra trường, vào trận là chết queo. Cái đời nó đoản vậy, anh hiền đức giỏi giang ưa đi đứt ngay lúc còn trẻ, bọn trật búa có khi sống dài lâu. Thuở ấy, mọi ngành nghề đều chỉ dạy qua, học sơ, ngắn hạn, rồi phong cho bằng cấp. Tỉ như chỉ đáng trình độ y tá loại khá thì phạng luôn là bác sĩ, để kịp lắp vào chỗ trống. Cái chiến chinh nó nướng người cũng lẹ làng.

6

Vì thời thế đẩy đưa, “Sầu giong càng khắc càng chầy”, chúng tôi đã chạm mặt những Năm Nĩa Ba Nê. Long và tôi làm việc ở đây mấy tháng rồi ngưng. Chúng tôi lại quay về Sàigòn, đứa chạy xe ôm, đứa dạo phố buôn ve chai. Thời thế buồn tênh. Nghiệp dĩ, lại ngồi vào bàn viết. Gom cái bọn chữ nghĩa thất lạc, lẫn lộn trong ruột gan quằn quại bấy nay. Bày biện truyện ngắn truyện dài. E cái chữ cũng thấm đầy gió mưa.

Đời tôi, một đời dài, lưu lạc ngay nơi quê nhà. Đi trên quê hương, mỗi đêm ngày, tôi lượm nhặt những mảnh vụn phân mảnh của đời mình. Bụi xác thân đã không còn nguyên màu. Hôm nay, đời đen, bạc tóc, Long đã về trời, sướng thật. Những người thân yêu có lòng giúp đỡ chúng tôi ngày ấy nay chẳng biết nơi đâu. Sẵn đây, xin tận lòng gởi đến một Lời thâm tạ. Cũng là một mong đợi tương phùng.

Ra đi, quê nhà ở lại. Trong một căn nhà tục gọi là “mô-bồ-hôm”, trên đường Bolsa, ngồi ghi lại những kỷ niệm. Nắng mỏi bên đường, nắng của ai?

Vẫn bầu trời mặt đất, trời đã quen từ buổi biết đi biết nói, nhưng mặt đất đã đầy Sự Lạ. Cớ sao trong giọng ca ai oán của ca sĩ Duy Khánh, có cụm từ, “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ.”

Little Sàigòn, 12 – 2017


bài đã đăng của Cung Tích Biền