- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

không văn bản



Ông vừa là trưởng ban chấm giải, vừa là người gởi bài dự thi, nên theo đúng qui trình, ông phải tự thông báo cho mình về việc ông vừa được giải thi ca năm nay.

Hiến pháp và luật lệ ở đây đều bất thành văn, ông luôn sống và làm việc luôn theo đúng tinh thần hiến pháp và luật pháp, bài thơ được giải của ông không có văn bản.

Ở một vương quốc thi ca này, cả triệu nhà thơ, họ có một thói quen là chỉ đọc thơ họ và thơ của lãnh đạo. Dĩ nhiên hơn thế, ông thuộc thơ mình.

Chí ông ông biết

Thơ ông ông hay.

Bài thơ trúng giải năm nay, là của ông, từ ông và do ông. Chỉ một mình ông biết rõ nguyên bản.

Đây là một bài thơ dài 1432 chữ, tổng cộng 228 dòng. Nếu chuyển thành thơ tân hình thức từng đoạn liên tục 4 câu văn xuôi, rồi khoảng trống, thì còn 132 dòng. Nếu đọc một mạch như đọc kiến nghị dài chừng 20 phút. Nếu có ngắt câu, theo nhịp dấu phẩy, dấu chấm, dấu hỏi, hoặc ngừng giữa những khoảng trống, lấy hơi, hít thở, khoảng chừng 30 phút.

Ngoài chức chủ tịch hội nhà thơ, ông còn kiêm tổ trưởng tổ loa trung tâm. Đây là một cặp loa hậu hiện đại, hàng xịn nhập cảng. Mặc dù từ một quốc gia tư bản, nhưng với ta, nó đã thành đặc sản đặc thù không đâu có. Lê-nin đã từng cả quyết, chính bọn tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi giây thừng để chúng ta treo cổ họ. Khi cặp loa về ta, nó trở thành cặp loa cách mạng. Nó đã phối hợp cùng cặp loa của Cuba trở thành bản giao hưởng canh giữ hòa bình thế giới. Khi loa Cuba vặn lên, loa ta tắt, khi loa ta lên tiếng, loa Cuba ngủ. Tiếng loa át cả tiếng bom đế quốc. Nó đã từng được gắn huân chương lao động hạng sang. Một chiếc ghế phản động từng được giải Nobel hòa bình, nên cặp loa ta từng nhiều lần được đề nghị giải này. Ít ra, nhờ nó, không đế quốc nào dội bom xuống đất nước chúng ta nữa. Nó át cả những cặp loa tư nhân đặt lề đường hát karoake trong những dịp quan hôn tang tế. Nó to hơn cả lúc nhân dân ta hát cho nhau nghe dịp chiều xuống hoặc đêm về.

Mỗi đầu giờ sáng (xin tạm dịch là khoảng 6 giờ sáng) cặp loa này được xử dụng để loan tin về các báo cáo chính trị, các nghị quyết, các kiến nghị, các cánh đồng sản xuất 5 tấn, các lao động vượt chỉ tiêu.

Mỗi cuối giờ chiều (xin tạm dịch là khoảng 6 giờ chiều), hầu như lập lại bản tin buổi sáng. Thỉnh thoảng thay đổi chút ít, thêm vào đó là gia đình một cán bộ nào đó đã dồn mọi người lại ở một phòng, và phòng còn lại tranh thủ nuôi thêm vài con lợn. Hoặc một cô giáo vì nhớ ơn cách mạng đã tình nguyện nghỉ đẻ 10 năm để lên dạy vùng cao vùng sâu vùng xa.

Sau khi kiến nghị với lãnh đạo, để phát huy truyền thống thi ca, ông đã được phép tự đọc thơ mình trên loa phóng thanh, ngay sau giờ phát thanh tin tức.

Ông đọc thơ mình buổi sáng.

Ông đọc thơ mình buổi chiều.

Khi đất nước đã có độc lập tự do hạnh phúc, ra ngõ có thể đã gặp nhà thơ, hoặc nhà cách mạng, nhưng ông rất cảnh giác việc mất cắp. Một bộ phận không nhỏ tàn dư, có thể đánh cắp từ cái chổi cùn đến đôi dép cũ. Một bộ phận không nhỏ khác đã thành thạc sĩ tiến sĩ ở đây nhờ vào việc đạo văn.

Nên mỗi lần đọc thơ trên loa phóng thanh như thế, ông phải sửa đi vài chữ, xáo trộn đi vài câu, hoặc chuyển đoạn đầu vào đoạn cuối. Hoặc chuyển mấy câu giữa vào đoạn đầu. Hoặc ông có thể bỏ cả đoạn, thay bằng một đoạn của bản tin hàng tuần. Bài thơ đọc buổi chiều không giống bài thơ buổi sáng. Bài thơ hôm nay không giống bài thơ hôm qua.

Thành thử bài thơ của ông đọc liên tục hai buổi 364 ngày, tổng cộng 728 bản khác nhau. Nghìn lần hơn thế, đều là phó bản.

Không ai có thể nghe một bài thơ 2 lần trong cùng một cái loa.

Không ai có thể đạo thơ ông nguyên bản.

Không những bảo vệ sự trong sáng của thi ca, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông còn ngăn ngừa tội phạm. Ông không thể không gởi bài thơ nguyên bản này dự thi thơ lần nữa. Đến ngày thứ 365, ông khoan khoái nghĩ đến chuyện đúng qui trình, phải tự thông báo cho mình là ông được giải thơ năm kế tiếp.

04-2018



bài đã đăng của Lê An Thế