Trang chính » , Xuân Mậu Tuất Email bài này

Nhìn Lại Tết Nhâm Tuất Năm Tôi 20

BT-with-Mom_thumb.jpg

BT with Mom
Đinh Từ Bích Thúy và mẹ ở khuôn viên “Lawn,” đại học University of Virginia (UVA), trước Rotunda của TT Jefferson (thập niên 80)

Vào năm 1982, lúc tôi 20 tuổi và là sinh viên đại học năm thứ hai, tôi có viết một bài tiểu luận, “Những Cảm Nghĩ Về Tết” cho Số Xuân Nguyệt San Chân Đứng—tạp chí văn chương của hội sinh viên Việt Nam tại trường đại học George Mason, miền Bắc tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Lúc đó tôi đang học ở đại học UVA (University of Virginia) trong thị xã Charlottesville cách nhà khoảng hai tiếng lái xe về phía Nam. UVA là một đại học danh tiếng, do đệ tam Tổng thống Hoa Kỳ là Thomas Jefferson kiến tạo, nhưng cách xa thủ đô Hoa Thịnh Đốn khoảng 100 dặm Anh (161 cây số) nên lúc đó chỉ có khoảng trên dưới 10 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, với tỉ số nam sinh viên kể như gấp đôi các nữ sinh viên. Lúc đó các nữ sinh viên Việt Nam tỵ nạn thường bị gia đình bắt đi học ở gần nhà, vì các bậc cha mẹ thường sợ các cô con gái mới lớn, đi học xa nhà sẽ thành hư hỏng, lai căng và … tệ nhất là lấy chồng người bản xứ.

Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng khá hú vía. Tôi là con gái đầu lòng, không những tôi được bố mẹ cho phép đi học xa, ông bà cũng không phản đối cho lắm (chỉ hơi hơi) khi tôi chọn học ngành văn chương. Bố mẹ tôi không hiểu sao tôi lại phải lặn lội đi học ở một nơi chỉ đòi hỏi tôi (ung dung) đọc thơ và tiểu thuyết, nhâm nhi trà, cà-phê và viết luận văn—những sinh hoạt mà người trí thức rởm thường làm ở buổi xế chiều, không bao giờ là nghề thiết thực cho một sinh viên tỵ nạn, hoặc bất cứ một sinh viên nào, trong mọi hoàn cảnh và thời đại. Các bạn khác của tôi, không kể trai hay gái, nếu không đi làm ngay sau khi tối nghiệp trung học để phụ giúp gia đình, phải tất bật học toán lý hóa, ngành điện, dược, hoặc y khoa để mai sau có cơ nghiệp vững chãi trong xã hội. Tôi bảo tôi dốt toán và những môn liên hệ đến khoa học, nếu không cho tôi học ngành đọc sách và viết văn thì tôi sẽ thành hoàn toàn vô dụng.

Học phí cho các sinh viên trong tiểu bang Virginia lúc đó khá rẻ (chỉ khoảng 1000 mỹ kim trong một niên học 9 tháng, số tiền tôi có thể làm ra trong một mùa hè lao động với lương tối thiểu ($2.95/giờ) ở Dynatech, một xưởng máy ráp dụng cụ computer gần nhà. Ngoài ra vì lương thu nhập của bố mẹ tôi cũng không nhiều nên tôi được chính quyền liên bang và tiểu bang cho học bổng tiền ăn và trọ nội trú, và tôi cũng được vào chương trình vừa làm vừa học trong niên học (work-study program), nên cũng không đến nỗi túng thiếu về mặt tài chính.

Đi học trường xa, lại ít người Việt ở Charlottesville, nên chúng tôi thường “ké” vào các sinh hoạt văn hóa của các trường đại học đã có nhiều sinh viên Việt khác theo học. Đai học George Mason ở miền Bắc Virginia được coi như “sân nhà” của cộng đồng Việt tỵ nạn vùng Hoa Thịnh Đốn, cũng là nơi có nhiều sinh hoạt văn hóa xôm tụ hơn nơi tôi theo học. Chị bạn Ngô Kim Phượng, chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại đại học George Mason năm 1981-82, đã mời tôi gửi bài cho số Xuân 1982 của Nguyệt San Chân Đứng-–là báo văn của George Mason vào thời đó.

Các cô gái đồng tuổi với tôi lúc đó ít mạo hiểm, và thích được sự bảo bọc của gia đình. Tôi có một nỗi sợ là văn hóa Việt Nam–hay những tang tích của thời trước 1975 — sẽ trì trệ sự hội nhập văn hóa của tôi vào nước Mỹ và trào lưu quốc tế, nên những lễ nghi, tục lệ, ngôn ngữ Việt Nam được tôi coi như những gì rất riêng tư của mình. Ở trường tôi muốn được chìm vào số đông. Tôi quý mến các bạn sinh viên Việt ở trường và thích hội tụ, nghe các anh sinh viên vẫn để tóc dài, mặc áo sơ mi bó sát người, quần ống loe, hút thuốc, trầm ngâm hát và đánh đàn những bản nhạc Trịnh Công Sơn thời trước 75, nhưng tôi không muốn văn hóa Việt Nam chi phối hay cản trở tôi trong những sinh hoạt hàng ngày. Tôi cũng có một nỗi sợ là sự học vấn của tôi sẽ bị người lớn coi là chuyện trang sức chờ thời, rồi tôi sẽ phải lấy chồng Việt Nam (bảo thủ, nghiêm nghị và câu nệ), bắt tôi phải vào bếp, sinh con đẻ cái và cung phụng nhà chồng.

Tôi nghĩ thời đại của cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 ở Mỹ chắc cũng giống thời vào thập niên 1920, 30 của Tự Lực Văn Đoàn ở Bắc Việt, vì lúc đó cộng đồng Việt tỵ nạn ở miền Đông Bắc nước Mỹ có khuynh hướng bảo thủ gần như kỳ thị văn hóa và các sắc tộc bản xứ. Các bậc cha mẹ lúc đó rất sợ con cái sẽ quên lãng văn hóa Việt Nam hoặc trở nên những con người tạp nham.

Tôi không nói cho ai biết lúc đó, nhưng tôi yêu thích đời sống nghệ thuật và phim ảnh, trong một hoàn cảnh mà tôi không phải thường xuyên lo lắng là cách cư xử của tôi có hoàn hảo trong văn hóa Việt, hoặc thích hợp với văn hóa Mỹ hay không. Về sau, khi tôi đọc tiểu thuyết Đẹp của Khái Hưng, tôi cảm thấy như ông đã diễn tả rất tinh vi sự thử thách của con người nghệ sĩ trong một thời đại mà nền tảng xã hội và chính trị đang trải qua nhiều xung đột. Tôi nghĩ khái niệm đẹp của Khái Hưng cũng đồng nghĩa với khái niệm tự do, một khái niệm cần được tôn vinh, nhưng trong thực tế lại rầt bấp bênh: làm sao ta có thể sống một cuộc sống đẹp, có một cuộc tình đẹp, theo định nghĩa cá nhân của mỗi người, mà không gây ra những thử thách và xung đột cho văn hóa, chính trị hay nền móng xã hội.

Khi được mời viết báo Xuân, tôi khá phân vân. Viết là một hành động tự thú, và sự tự thú, nếu không đúng với tôn chỉ của đám đông, sẽ bị đả kích. Lúc đó tôi chưa định rõ được tôi là ai. Một bài báo viết về Tết Việt Nam — một đề tài không có gì là mới mẻ hay hóc búa — cũng có những bẫy ngầm. Câu hỏi là: tôi muốn được người khác nhìn mình như thế nào? Tôi có muốn được coi như các thiếu nữ “vào khuôn vào phép” và viết một bài viết về Tết rất chuẩn mực, hay tôi sẽ thành thật hơn và nói lên nỗi cô đơn và lạc lõng của mình trong những ngày Tết ở khu nội trú một trường đại học lớn của miền Nam nước Mỹ? Lúc đó tôi chưa nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó, miền Nam của nước Mỹ cũng không khác lắm với miền Nam của riêng tôi. Sau này, có dịp đọc kịch Chuyến Tàu Mang Tên Dục Vọng (A Streetcar Named Desire) của Tennessee Williams, tôi mới thấy nhân vật Blanche Dubois, sống trong ảo tưởng của quá khứ huy hoàng và phải dựa vào “lòng tốt của người lạ,” cũng có thể biểu tượng cho thân phận người tỵ nạn của miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1982 tới năm 2018 là 36 năm, Tết Việt Nam lúc đó, và lúc này, không còn mang ý nghĩa “đẹp” tuyệt đối cho tôi nữa, vì tôi đã bị tách rời ra khỏi phông văn hóa lịch sử của một cái Tết an bình, thuần túy, thực sự “Tết.” Có thể nói, trong một khía cạnh nào đó, Tết đã không còn là Tết cho tôi từ năm 1968. Đó là kỷ niệm Tết cuối cùng mà tôi, lúc đó là một con bé sáu tuổi, còn nghe được tiếng pháo nổ. Những cái Tết sau đó chính quyền miền Nam cấm dân đốt pháo, vì bên địch có thể lợi dụng chuyện đốt pháo, như họ đã làm vào năm 1968, để tấn công miền Nam bằng súng đạn thật.

Ngoài ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn và văn phong… Quốc Văn Giáo Khoa Thư (hành trang văn chương năm 20 tuổi tại Hoa Kỳ, sau khoảng trống 7 năm dài không học Việt ngữ) đượm nhiều tính chất hoài niệm của văn học hải ngoại vào thời đó, là áp lực–từ hồi ức trung học đệ nhất cấp—phải viết một kết luận “có hậu.” Phần kết luận là phần luôn gây nhiều bứt rứt cho tôi, vì hình như tôi có tật hay lạc đề. Ngay từ lúc đó, và cho đến bây giờ, có một câu trong đoạn kết của bài “Những Cảm Nghĩ Về Tết” làm tôi ái ngại, đó là câu “Trong chúng ta còn có những kẻ, hy sinh những mối giây riêng tư, sẵn sàng hiến thân cho một niềm tin phục quốc ….” Có thể câu văn này là một cách tôi muốn theo thời và được coi như một người viết chuẩn mực theo định nghĩa của cộng đồng Việt ở miền Đông Bắc nước Mỹ vào thời điểm 1982 chăng? Lúc đó phong trào “phục quốc” đang được sự chú ý của cộng đồng tị nạn hải ngoại, vì nhóm cổ động cho phong trào này có những giấc mơ nghe rất … đẹp. (Thập niên 1980 cũng là thời tài tử Sylvester Stallone đóng vai Rambo, một cựu chiến binh Mỹ, do bị ám ảnh về sự bỏ cuộc của nước Mỹ, đã mạo hiểm về Việt Nam cứu các tù binh chiến tranh Hoa Kỳ). Tôi không chắc là mình có ý kiến gì vào lúc đó về những hoạt động của nhóm người muốn tu sửa lịch sử (đã an bài), nhưng cảm thấy là mình cũng nên viết một câu kết luận gọn ghẽ cho bài.

Chính ra, ở một khía cạnh nào đó, tuy cô đơn và chưa hoàn toàn hội nhập vào văn hóa Mỹ, tôi lờ mờ cảm nhận rằng lưu vong, tỵ nạn, và tự do là những khái niệm rất kỳ thú, có thể sẽ là định mệnh văn chương mà tôi muốn theo đuổi lâu dài. Đó là thời điểm mà sự chưa biết/không biết rõ về mình chính là cứu cánh–một khái niệm thực sự đẹp mà về sau tôi mới nhận ra: nó giúp tôi xúc tiến chậm chạp nhưng chắc nịch. Di sản của nền văn hóa tự do và khoa học là ở đó: khái niệm đẹp là sự chuyển động từ tốn, dung hòa, từ những hỗn độn và hoài nghi của tư tưởng đến thực hành qua trải nghiệm và dữ kiện. Người viết dùng ngôn từ sáng tác để giải tỏa những xung đột giữa bản thể và thế giới bên ngoài. Viết để khám phá chính mình ngay cả khi mình chưa biết rõ về mình. Viết là một cách biểu lộ niềm tin dựa trên những ẩn dụ của vô thức. Nhưng lúc đó, cũng vì chưa biết rõ về mình, tôi đã không thể viết một lời kết luận thành thực hơn, trừ phi tôi dám tự nhận lúc đó chính tôi là một câu hỏi nằm chênh vênh giữa quá khứ và tương lai.

Dưới đây là bài viết “Những Cảm Nghĩ về Tết,” sáng tác năm 1982, được đánh máy lại từ bản in. Bạn đọc cũng có thể bấm vào link để xem bản PDF – sao chụp từ nguyên bản.

Chân đứng GMU Tet cover

***

 

Những Cảm Nghĩ về Tết

Tôi còn nhớ những ngày còn bé, mỗi lần Tết đến là mỗi lần mơ ước được mặc áo đẹp, được lì xì những tờ giấy tiền xanh đỏ tím thơm phức thẳng như được ủi, nằm trong những phong giấy đỏ có chữ vàng chói. Đêm giao thừa trẻ nhỏ thức suốt đêm, mong ngóng chờ đến ngày mùng một cho đến mau để được ăn diện và đi mừng tuổi ông bà và họ hàng.

Tôi còn nhớ ngày xa xưa, khi tôi mới độ bốn, năm tuổi, vẫn còn ngái ngủ tôi đứng ở khung cửa nhà nhìn ra trời lờ mờ tối, cơn gió lạnh buổi sáng sớm ngày mùng một Tết như se cả mặt đường cằn cỗi. Bố tôi cầm một phong pháo hồng tinh nguyên còn gói trong giấy bóng, loay hoay cột giây lên cành cây dừa trước cửa. Ánh lửa vàng lóe lên, tôi lùi sau cánh cửa, bịt tai chờ tiếng pháo nổ báo hiệu buổi đầu xuân. Sau tiếng pháo đạch đùng, con gà trống của ông bà hàng xóm cũng gân cổ chào mừng ngày mới. Rồi tiếng guốc khua vệ đường, tiếng người nói xôn xao chúc mừng năm mới, những tiếng cười trong trẻo của những cô gái mới lớn tay cầm những búp lộc xanh còn lấp lánh giọt sương mai ….

Tết ngày xưa là tết huyền diệu, là tết rực rỡ trong màu đỏ thắm nổi bật cạnh vàng tươi. Hạt dưa đỏ bừa bãi khắp sàn nhà. Cành đào với những nụ hồng mong manh đứng gần chậu thủy tiên có những cội hoa mũm mĩm tròn trịa. Những chậu quất với những trái quất sai cành trĩu nặng. Mọi người quên hết những buồn bực lo âu của năm cũ, vui chơi ngày Tết, mong ước năm mới sẽ may mắn hơn năm cũ. Ngày tết, với những màu sắc tươi sáng, là ngày của hy vọng. Trong cực khổ và lầm than của cuộc sống người Việt vẫn không mất hy vọng. Chúng ta ôm ấp hy vọng và hoài bão từ năm này qua năm khác. Mặc dù phải đương đầu với những bấp bênh của cuộc sống thời loạn, tết đến người người dẹp bỏ những trách nhiệm hàng ngày để kết hợp với người thân, tìm cuộc vui, dù chỉ nhất thời, trong ba ngày Tết cổ truyền.

Ngày tôi còn rất bé người ta đã ước mơ, vẫn ước mơ, cho một mùa xuân thái bình, khi tiếng súng không còn bị lầm cho tiếng pháo báo hiệu buổi bình minh của ngày đầu xuân. Khi Nam Bắc không còn bị chia đôi, để những người miền Bắc sống trong Nam được trở về Hà Nội nếm lại hương vị thơ mộng của thời vàng son trong những năm trước chiến tranh, để thăm lại ba mươi sáu phố phường được mô tả trong bài viết của Thạch Lam. Khi anh em cùng một giòng ôm nhau khóc vui sướng vì đoàn tụ trong một nhà, và quên hết đau thương thù hận. Người ta nói nhiều về cái tết hòa bình. Người ta mong đợi nhưng người ta không dám tin rằng một ngày nào đó, chiến tranh sẽ thật sự chấm dứt.

Rồi chiến tranh cũng chấm dứt. Nhưng trớ trêu thay, thay vì được đoàn tụ với bạn bè họ hàng, một số người Việt Nam đã bỏ nước ra đi, và một số còn lại vẫn lầm than cơ cực để xây dựng một mùa xuân đầy huyền thoại cho “một đất nước thống nhất.” Người ta đã hy vọng nhiều nhưng lại bị định mệnh lừa dối một cách thật bẽ bàng.

Thấm thoát đã sáu năm người Việt bỏ nước ra đi, sống trong ưu hoài của kiếp tha hương. Nhiều khi chính tôi cũng sợ hãi, tôi sợ rằng thời gian đã làm tâm hồn và giác quan tôi chai đá. Kỷ niệm ngày xưa càng xa dần và như trở thành chuyện trong mơ. Với những lo âu của cuộc sống mới, với việc học, với vấn đề tài chánh, nhiều khi tôi nghĩ tôi đã quên hết cả. Tết đến, nếu vào ngày weekend, bố mẹ tôi, ngày thường làm việc full-time, bỏ ra ngày cuối tuần mừng Tết, nấu nướng thết đãi họ hàng một cách hối hả quay cuồng để sáng thứ hai, với mắt hơi thâm quầng, bố mẹ tôi lại trở lại đời sống vất vả hàng ngày để nuôi nấng bề con cho đến nơi đến chốn. Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu chúng ta còn gì để ước vọng, hay chỉ là ước vọng vật chất, sống cho qua ngày trong cảnh xa xứ? Từng ngày từng ngày qua, rồi có khi nào chúng ta sẽ bị uốn nắn hoàn toàn để vào khuôn khổ xô bồ của đất Mỹ hay không?

Khi tôi lên đại học đi xa nhà Tết đến tôi ở một mình cô quạnh trong dorm, đến cuối tuần bố mẹ tôi rảnh lên thăm, cho tôi miếng bánh chưng, hộp hạt dưa, gói mứt gừng, hỏi han tôi dưới những con mắt tò mò của bạn cùng dorm chưa bao giờ được nếm mùi Tết của người Việt Nam. Mẹ tôi mừng tuổi, đưa cho tôi phong giấy đỏ có chữ vàng chói đựng những tờ đô la xanh gấp làm tư, tạo ra bởi bao mồ hôi nước mắt của bao nhiêu giờ overtime bố mẹ tôi làm trong cơ sở. Tôi cắt miếng bánh chưng bóc ra từ mảnh giấy bạc, nhớ lại nồi bánh chưng sôi sùng sục với những mảnh lá xanh ướt đẫm hơi nước, mà bà ngoại tôi vẫn nấu trong đêm giao thừa hồi còn ở quê nhà.

BT va gia dinh - xuan 1982
Đinh Từ Bích Thúy với gia đình trong buổi liên hoan đón Tết tại đại học UVA (2/1984)

“Không!,” tôi tự nhủ. Sẽ không bao giờ tôi quên được những kỷ niệm quý báu của những ngày Tết xa xưa, những ngày Tết mơ mộng đầy náo nức của năm còn bé. Những kỷ niệm xưa đã là một phần tuổi thơ của tôi, và sẽ duy trì trong tôi mãi mãi. Nếu chúng ta là nòi giống bất khuất, chúng ta sẽ không bao giờ quên lấy quá khứ, khi nhớ lại quá khứ chúng ta giữ lại những nét sâu sắc quý báu của một nền văn hóa phôi pha, lu mờ dần trong lối tuyên truyền khô khan sắt thép của bọn người mù quáng theo chủ nghĩa Marxist. Cũng giống như ngày xưa chúng ta đã quên những nỗi lo âu thời loạn để đón mừng xuân mới, bây giờ chúng ta lại dẹp bỏ những vất vả trong cuộc sống tha hương, để đón Tết và tưởng niệm lại quá khứ và người xưa. Với phương tiện vật chất hẹp hòi, phần lớn những kẻ lưu đầy đã ăn Tết tinh thần trong thâm tâm hoài tưởng lại những mùa xuân rực rỡ ngày còn ở quê nhà. Chúng ta là những người không bao giờ mất hy vọng, và trong chúng ta còn có những kẻ, hy sinh những mối giây riêng tư, sẵn sàng hiến thân cho một niềm tin phục quốc, hy vọng rằng một ngày nào đó, trong một tương lai rất gần, một mùa xuân thanh bình với pháo hồng nổ ran sẽ thực sự đến cho người Việt Nam—giống người không bao giờ mất niềm tin.

Đinh Từ Bích Thúy
(tháng chạp năm 1981)

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • black raccoon says:

    Câu hỏi là: tôi muốn được người khác nhìn mình như thế nào? Tôi có muốn được coi như các thiếu nữ “vào khuôn vào phép” và viết một bài viết về Tết rất chuẩn mực, hay tôi sẽ thành thật hơn và nói lên nỗi cô đơn và lạc lõng của mình trong những ngày Tết ở khu nội trú một trường đại học lớn của miền Nam nước Mỹ?(ĐTBT)

    Tôi cũng có tâm trạng y chang như vậy. Cái tâm trạng vừa ngấm ngầm tự hào là người VN (văn hóa) nhưng lại phải sống với thực tế dường như chẳng ai “quan tâm” gì mình cả. Ai cũng cũng như ai thôi.

    Hồi đó, đi đâu, đi học, đi xin việc, đi khám bệnh, tôi đều có dịp nói với người nào đó: I am a refugee, tôi là một người tỵ nạn. Người Mỹ nghe vậy thì họ rất bình thản, họ uh huh uh huh vậy thôi. Chứ cũng chẳng nói gì nhiều, câu sau cùng từ giã họ chào thường là good luck ! Sau nầy nghĩ lại, tôi mới thấy là lãng… nhách. Thử dịch ra tiếng Việt và thứ tưởng tượng người nước khác sống tại VN nói như vậy: Tôi là người tỵ nạn (trốn nạn) nè !

    Một nước lớn và đa chủng tộc như Hoa Kỳ họ quá quen mắt quen tai với những người di dân. Cái mà họ mọng đợi nơi mọi người ngoài đường phố là friendly, lịch sự, lái xe đúng luật, sắp hàng khi lên xe bus, sắp hàng khi trả tiền mua sắm trong cửa tiệm.

    Ngoài ra, đối với sự viết writings, băn khoăn giữa 2 thứ văn hóa truyền thống VN với nỗi cô đơn lưu vong, theo tôi, vẫn còn một cách khác thứ 3. Đó là tại sao không tìm được sự sống và cái đáng sống ngay tại nơi mình sinh sống? Văn chương cũng chỉ có phần vụ thuộc về nó thôi. Không cứ gì phải viết về VN thì mới là VN, không hẳn phải xuất thân từ lò đào tạo của Mỹ thì mới cảm nhận được tinh thần tự do của Mỹ.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)