Trang chính » Đọc và Đọc lại, Phê Bình, Quan Điểm, Văn Chương Phùng Nguyễn Email bài này

Ngày Oakton. Câu Trả Lời

Oakton-Diorama-1_thumb.jpg

 

Oakton Diorama 1


Hy vọng rằng thế hệ những nhà văn như tác giả Tháp Ký Ức thực hiện được một công việc mà những người thuộc thế hệ trước, do nhiều nguyên nhân, chưa thực hiện được: nhìn lại quá khứ, một cách thiết tha nhưng trầm tĩnh, để rút một bài học cho tương lai. Văn chương không còn là những lời kể lể tiếc nuối khôn nguôi về một thời vàng son đã mất. Cậu bé học trò nghèo của trường Trần Quí Cáp đã làm cho cô giáo Tố Quyên bật khóc vì bảo hy vọng có thể hướng về quá khứ. Cậu ấy nói đúng. Quá khứ cũng là một kho tàng cho hy vọng, nếu chúng ta biết dùng quá khứ
.

Nguyễn Mộng Giác, “Kho Tàng của Quá Khứ" – Văn Học Số 149 (5/1998)

 

“Tháp Ký Ức" của Phùng Nguyễn là một truyện ngắn dùng di tích Tháp Chàm ở Quảng Nam và truyện Vàng Tháp Hời của Vũ Hạnh để gợi lại những kỷ niệm học trò của tác giả vào đầu thập niên 60 ở Trung phần Việt Nam. Truyện được sáng tác vào tháng 11 năm 1994, lúc Phùng Nguyễn là một nhà văn mới vào nghề, và xuất hiện trên Văn Học vào tháng 5 năm 1998. Lời bình luận của nhà văn Nguyễn Mộng Giác về “Tháp Ký Ức" có thể được hiểu như một kỳ vọng trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế hệ văn chương của các nhà văn lớp trước ở hải ngoại đến thế hệ của thời kỳ văn chương báo mạng. Vào thời điểm năm 1998, tuy nhà văn Nguyễn Mộng Giác có thể chưa tiên đoán được mọi tiến bộ kỹ thuật sẽ giúp độc giả Việt ngữ sau này “nhìn lại quá khứ, một cách thiết tha nhưng trầm tĩnh,” đã linh cảm – như lời sấm ở Delphi – sự nghiệp tương lai của Phùng Nguyễn: “Quá khứ cũng là một kho tàng cho hy vọng, nếu chúng ta biết dùng quá khứ.”

Là thành viên trong Ban Biên Tập Da Màu, tôi may mắn được làm bạn và cộng tác – kể như thường nhật – với Phùng Nguyễn trong 8 năm và 8 tháng, từ tháng 3 năm 2007 cho tới ngày anh mất, là tháng 11, năm 2015. Được các bạn trong BBT gán ghép là “những tay viết thích tranh luận” tôi và anh Phùng đồng chăm sóc Ban Biên Khảo.

Vào tháng 5 năm 2007, khoảng hai tháng sau khi tôi gia nhập Da màu, BBT đề nghị làm chủ đề đặc biệt về Chiến tranh. Anh Phùng muốn tôi dịch truyện “Đêm Oakland. Câu hỏi” của anh sang Anh ngữ. Tôi nhận lời, vì thích văn phong sâu sắc, thẳng thừng, đôi khi mỉa mai, “take-no-prisoners” của anh, cùng bối cảnh linh động, khắc nghiệt, của miền Trung – quê anh:

Đất làng tôi là đất biền, pha nhiều cát, không trồng lúa được. Người ta trồng dưa gang, trồng đậu phộng, trồng đậu xanh đậu đỏ, trồng bắp, trồng thuốc lá, và trồng dâu lấy lá cho tằm. Đất biền khô queo, trồng cái gì cũng phải tưới nước.

Nhân vật thằng Kình trong truyện bị bệnh khùng. Kình làm tôi nghĩ đến Benji trong tiểu thuyết Âm Thanh và Cuồng Nộ (The Sound and the Fury) của William Faulkner – cũng là một tác phẩm về hậu quả chiến tranh của bên thua cuộc. Tựa tiểu thuyết Faulkner lấy hứng từ lời than của Macbeth – trong bi kịch Shakespeare – về thân phận loài người:

Ngày mai, ngày mai, và ngày mai
Trườn dài trong cõi hẹp này, ngày lại ngày
Cho tới giây phút cuối cùng của thời gian ghi khắc
Quá khứ của chúng ta chỉ soi sáng những tên khùng
Trên con đường dẫn đến cát bụi. Tắt, tắt đi ngọn nến vắn vỏi!
Đời chỉ là bóng hình hư ảo
, tên diễn viên tồi
Nghênh ngang, rồi
lo sợ, trong khoảnh khắc trên sân khấu
Cho đến lúc
biệt âm. Đây là câu chuyện
Do thằng khùng kể lại
, đầy âm thanh và cuồng nộ,
Chẳng có nghĩa gì.

(Tomorrow, and tomorrow, and tomorrow,
Creeps in this petty pace from day to day
To the last syllable of recorded time,

And all our yesterdays have lighted fools
The way to dusty death. Out, out, brief candle!
Life’s but a walking shadow, a poor player
That struts and frets his hour upon the stage
And then is heard no more. It is a tale
Told by an idiot, full of sound and fury
,
Signifying nothing.
)

(Macbeth, Act V, Scene V)

Tôi nhận lời dịch “Đêm Oakland. Câu hỏi” khi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa của truyện. Tôi không thảo luận với anh Phùng “câu hỏi” của truyện là gì, tại sao nhân vật Đức lại đưa ra câu hỏi cho nhân vật “tôi, ” hoặc chỉ có một hay nhiều câu hỏi trong truyện. Tôi chỉ cảm nhận đại khái là câu hỏi có liên hệ đến chiến tranh Việt Nam, và quá khứ của anh Phùng. Cả hai – chiến tranh nói chung, và quá khứ cá nhân của tác giả – có những hỗn loạn và đứt đoạn trong lô gích, như bệnh tâm thần của thằng Kình.

Trong quá trình dịch “Đêm Oakland. Câu hỏi” và suốt 8 năm cho đến ngày Phùng Nguyễn qua đời, tôi không bao giờ trực tiếp hỏi Phùng Nguyễn về những kinh nghiệm chiến tranh của anh. Chỉ có một lần tôi gần khóc khi đọc bài tiểu luận anh viết về ánh mắt ngày 30 tháng 4 năm 75 của người lính Biệt Cách Dù Liên Đoàn 81. Người lính này, như sáu đồng đội của anh, thay vì chạy trốn hay trút bỏ quân phục Việt Nam Cộng Hòa trong những giây phút hỗn mang của một thành phố sắp thất thủ, đã đứng nghiêm chỉnh trên lề đường Võ Di Nguy gần bộ Tổng Tham Mưu, trong tư thế vừa như khẳng định vị trí quân sự của mình, vừa như biểu dương một lễ nghi để vĩnh biệt thời đại sắp mất:

Cả bảy người đều mặc quân phục nghiêm chỉnh, súng M16 trên tay phải, bá súng tựa vào hông, tay trái đưa chéo sau lưng theo tư thế nghỉ. Những chiếc "bê rê" xanh lá cây trên đầu họ lấp lánh chiếc huy hiệu nhỏ bằng kim khí sáng loáng có hình con cọp bay ngang qua chiếc dù mở rộng.

Vào lúc đó, Phùng Nguyễn đã giải ngũ, “nếu không thì lúc này [anh] cũng đang vội vã cởi bỏ bộ quân phục và cũng đang cúi đầu lầm lũi đi qua trước mặt họ, hướng về một nơi chốn ‘an toàn’ nào đó.” (!) Anh đi qua người lính thứ bảy, hai đôi mắt nhìn nhau, rồi người lính lại nhìn thẳng về phía trước. Phùng Nguyễn tiếp tục cuộc hành trình, “nhưng ánh mắt buồn bã của [người lính] đã ở lại với [anh] cho đến mãi bây giờ.”

Những gì tôi được biết về đời tư Phùng Nguyễn là về sau, kể như hoàn toàn gián tiếp, từ những truyện của Phùng Nguyễn trong tập truyện Tháp Ký Ức – mà tôi có dịp đọc sau khi anh mất. Theo sự nhận xét của những người thân trong gia đình anh, nhiều chi tiết trong các truyện ngắn của anh đã thực sự xảy ra cho anh. Cho dù những truyện ngắn của anh chỉ là hồi ký được hờ hững ngụy trang, chúng vẫn đưa ra nhiều câu hỏi lạnh lùng và sắc cạnh. Có vẻ như trong mọi tác phẩm anh cùng lúc đóng vai nhân chứng, bị can và quan tòa, có vẻ như cách kể chuyện của anh là một cách tự xử, được lập lại như những biểu hiện liên kết trong một giấc mơ luân hồi. Mà tại sao anh lại có mặc cảm tội lỗi, khó giải tỏa cho chính mình? Trong “Đêm Oakland. Câu hỏi,” ngoài câu hỏi mà Đức đưa ra, có nhiều câu hỏi dằn vặt nhân vật kể chuyện:

Cái chết do lựa chọn của ông Thiệp mười ba năm sau cuộc thanh toán đẫm máu ở Châu Mưu có khắc nghiệt quá so với nỗi bình yên họa sĩ Masuji Ono [trong tiểu thuyết An Artist of the Floating World của Kazuo Ishiguro] cuối cùng tìm thấy trong nụ cười rạng rỡ của những người trẻ tuổi đang tíu tít ở tiền đường tòa cao ốc mới xây bên trên khối hoang tàn đổ nát của xóm yên hoa năm nào — cái “Thế Giới Phù Du” ở đó Ono và những người bạn của ông đã quyết định sẽ mang hết tâm huyết và khả năng nghệ thuật của mình để xiển dương giấc mơ Đại Đông Á — hay không? Và trên hết, điều gì đã khiến Đức và những người bạn của hắn không chịu quay lưng lại với cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn chúng tôi cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của phần đời còn lại.

Gần đây tôi đọc lại “Đêm Oakland. Câu hỏi,” rồi cũng đọc lại “Tháp Ký Ức”: thời gian và bối cảnh trong hai truyện này – đầu thập niên 1960, Quảng Nam/Hội An — kể như xen kẽ lẫn nhau; nhân vật kể chuyện có thể chỉ là một người, sống trong quãng thời gian và không gian ở giữa hai truyện. Tôi nghĩ mình đã kiếm được câu trả lời cho “Đêm Oakland. Câu hỏi.” Câu trả lời của tôi cũng nằm trong chính lời than của Macbeth:

Đây là câu chuyện do thằng khùng kể lại ….

“Thằng (con) khùng” là ẩn dụ hoặc ước nguyện của mọi nghệ sĩ /nhân chứng muốn thoát khỏi vòng kiểm duyệt của thành kiến xã hội và chính trị, vì không ai chấp trách một “thằng” hay “(con)” khùng. Được làm một thằng hay con khùng là đạt đến bình đẳng của nhân sinh quan, khi một người không cần phải núp sau những cách xưng hô trịnh trọng khách sáo. Như vậy, một câu chuyện kể bởi một thằng/con khùng là một câu chuyện trung thực, không bị xuyên tạc bởi thành kiến hay hệ tư tưởng.

Ở mặt khác, cách kể chuyện của một thằng/con khùng cũng đầy mạo hiểm. Từ cái nhìn hỗn loạn, không lô gích, một người khùng không nắm được tình thế, và do đó kể chuyện hoặc hành động theo bản năng, ảnh hưởng của môi trường, hoặc nhu cầu sống còn. Theo cách đọc này, hầu hết mọi nhân chứng trong chiến tranh Việt Nam là những người khùng, vì không ai thực sự có chân lý trong thời loạn, mà chỉ chém giết, hoặc bị chém giết. Tuy vậy, người kể chuyện trong Đêm Oakland vẫn cương quyết chọn câu chuyện của mình – thay vì “những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam do những đạo diễn ngoại quốc tăm tiếng thực hiện với những diễn viên nói tiếng Tàu và được dàn dựng ở Mã Lai hay Miến Điện … [và] những trang sử của những sử gia cũng tăm tiếng không kém và được viết ra ở mười ngàn dặm phía sau những trận địa ở đó tôi và bạn bè đã để lại những xương cùng máu.”

Phùng Nguyễn đã chọn câu chuyện của mình, cho dù anh đã “thua cạn láng ở ván cờ cuối cùng, vì, theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Phùng Nguyễn xem quá khứ như “một kho tàng cho hy vọng.

Đồng thời nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng cảnh báo, “[chỉ có thể có hy vọng], nếu chúng ta biết dùng quá khứ.

“Biết dùng quá khứ” ở đây là bảo tồn, phục hồi, khảo sát và phân tích tư liệu của quá khứ. Tuy niềm hy vọng hướng về quá khứ, nó cũng ảnh hưởng đến tương lai. Tất cả những gì chúng tôi làm ngày hôm nay cho Da Màu, rồi cũng thuộc về những nỗ lực của quá khứ, khi được đánh giá hoặc thu nhận bởi những thế hệ về sau.

Nhưng “biết dùng quá khứ” hàm ý cái nhìn khách quan của khoa học và lý trí, không phải là sự ngộ nhận, lạm dụng, hoặc dịch/hiểu sai quá khứ. “Đêm Oakland. Câu hỏi” phản ảnh sự ngờ vực: liệu chúng ta có thể phân tích quá khứ một cách chín chắn, nếu cái nhìn của chúng ta về lịch sử là những cái nhìn cá nhân, gần gũi, và đứt đoạn, hoặc từ góc cạnh nạn nhân, người thua cuộc, hoặc từ góc cạnh trừu tượng và hàn lâm của lớp người sống đằng sau những bức tường cao của giai cấp và đặc quyền, hay của những thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Không những thế, “Đêm Oakland. Câu hỏi” cũng nói lên sự tàn ác và bất công của chiến tranh đối với phụ nữ, với thím Tám, chị Hạnh, là những người đàn bà không có tiếng nói, không thể kể chuyện, không có khả năng phản kháng, nhưng lại phải chịu những hậu quả nặng nề nhất trong chiến tranh, từ những người đàn ông dâm ô, mất trí hay bất lực.

Giải pháp để chống lại những ngộ nhận hoặc xuyên tạc lịch sử là có một diễn đàn dân chủ và đa nguyên, thể hiện nhiều cách nhìn, nhiều câu chuyện khác nhau, với niềm hy vọng là những âm thanh và cuồng nộ vụn vỡ, mâu thuẫn, lộn xộn, những thái độ châm biếm, ngược đời, tuy không “phải phép,” vẫn trung thực hơn là một tường thuật nghiêm chỉnh nhưng bị áp chế bởi thành kiến và chính trị. Tôi nghĩ rằng, khi sáng lập Da Màu, cũng như trong mọi sáng tác và tiểu luận, Phùng Nguyễn luôn mong mỏi được mang ra ánh sáng thật nhiều câu chuyện do vô số những thằng và con khùng kể lại.

Sự trớ trêu trong truyện “Tháp Ký Ức” là tuy cô giáo Tố Quyên quả quyết rằng “hy vọng luôn luôn hướng về tương lai,” cô không cho phép nhân vật kể chuyện – cậu bé 11 tuổi – có một tư tưởng khác với cách nhìn của cô. Cậu bé lập luận, “hy vọng không nhất thiết phải hướng về tương lai! Trước khi đi tìm vàng, hai [anh em trong truyện “Vàng Tháp Hời” của Vũ Hạnh] hy vọng đã có một kho tàng trong cái tháp Hời. Có vàng hay không có vàng trong cái tháp Hời là chuyện của quá khứ. Do đó, trong trường hợp này, hy vọng đã hướng về quá khứ. ” Không nghĩ ra một giải đáp cho cách suy nghĩ của cậu bé, cô Tố Quyên mang về lớp một “đạo binh” bao gồm thành phần chỉ huy trường để “sỉ vả” tư tưởng phản kháng của cậu học trò và những bạn bè về hùa với cậu. Áp lực của phe người lớn biết đâu đã tiêu diệt mầm hy vọng cho tương lai!

Cách đây gần 20 năm, vào thời “Tháp Ký Ức” được xuất bản, những nhà phê bình truyện của Phùng Nguyễn không đề cập, liên kết hoặc đối chiếu truyện “Vàng Tháp Hời” của Vũ Hạnh với những ý tưởng trong truyện “Tháp Ký Ức.” Có lẽ trong thời gian đó chưa có phương tiện kỹ thuật để hồi phục những tư liệu và tác phẩm của văn học của miền Nam trước 75, như VietMessenger, issuu app và kệ sách ebooks hiện đang làm, hầu giúp nỗ lực phê bình văn chương được sâu rộng và chính xác hơn. Chính Phùng Nguyễn cũng không nhớ rõ các chi tiết trong truyện của Vũ Hạnh – xuất bản vào tháng Chạp năm 1960 – vì anh viết trong “Tháp Ký Ức” như sau:

Đã hơn ba mươi năm, những chi tiết của câu chuyện [Vàng Tháp Hời] tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ đại khái là có hai anh em nhà kia rủ nhau đi tìm vàng trong một ngôi tháp cổ của dân tộc Chiêm Thành, cuối cùng vì một trong hai người nghe lời xúi dục của ngoại nhân mà gây nên cảnh huynh đệ tuơng tàn. Vào thời điểm đó, đối với tôi câu chuyện chỉ có tính cách ngụ ngôn kiểu tục ngữ ‘Một giọt máu đào hơn ao nước lã’ hoặc Quốc Văn Giáo Khoa Thư ‘Bó Đũa’. Sau này biết ra Vũ Hạnh đã hoạt động cho phía bên kia, tôi thấy tội nghiệp cho ông ta vì chính truyện ngắn này đã có thể dùng để chỉ trích, phê phán cái chế độ mà ông ta đã chọn lựa để phục vụ.

Phùng Nguyễn nhận xét rất đúng rằng “Vàng Tháp Hời” ngày nay có thể được coi như một dụng cụ boomerang để quật lại chính cái chế độ mà Vũ Hạnh đã theo phò, nhưng “Vàng Tháp Hời” không ám chỉ “cảnh huynh đệ tuơng tàn” do sự giật dây của ngoại nhân mà anh (có lẽ) đã nhớ/tưởng lầm, mà là sự miệt thị, hãm hiếp và dịch sai lịch sử, thúc đẩy bởi lòng tham và sự mù quáng vô biên.

Cấu trúc “Vàng Tháp Hời” – một truyện vừa – thật ra cũng ý nhị và phần nào phức tạp hơn “ngụ ngôn theo kiểu Quốc Văn Giáo Khoa Thư.” Truyện của Vũ Hạnh bao gồm bốn tiểu truyện: (1) về Cửu Dật, một tiều phu người Chàm được Việt hóa lâu đời, sống gần những di tích văn hóa cổ Chiêm Thành nhưng vì tham của nên đã “chém cụt vòi voi và bốn cánh tay” của tượng thần Ganesh để moi ngọc, “bửa nát đế chân to lớn” của thần Shiva để kiếm vàng, và “khoét bụng” những nàng vũ nữ Apsara để tìm châu báu; (2) về hai anh em Chàm đi mò vàng, người anh vì tham và đọc/hiểu sai thông điệp trên những mảnh bia vụn gần Tháp Chàm nên đã nhẫn tâm giết em để mong lấy hết phần của về mình; (3) về truyện tình đẹp nhưng bi thảm giữa Phô Mai, một thôn nữ Chàm và A-Doan, kiến trúc sư ngọn Tháp Mẹ, Tháp Con của cố đô Chiêm Thành. A-Doan đã bị vua Chiêm hành quyết vì mô hình kiến trúc của chàng dám đặt Tháp Con trước Tháp Mẹ, “bao hàm ý nghĩa hy sinh về phần kẻ mạnh” đặt sự bảo vệ kẻ yếu là trước mặt và trên hết, “chứ không bắt buộc kẻ yếu diễn trò lệ thuộc, tạo một hình ảnh đáng thương của kẻ tôi đòi bé mọn theo sau người chủ phương phi;” và (4) về nhà khảo cổ nghệ thuật Chàm, định nghĩa kho tàng lịch sử là những di tích “khắp ở quanh đây,” nhưng lo rằng những trục lợi cá nhân sẽ phá hủy môi sinh, nghệ thuật, và đời sống tinh thần của người dân.

Bốn tiểu truyện làm nên “Vàng Tháp Hời” của Vũ Hạnh cũng có thể phản ảnh một “kho tàng” vô cùng trớ trêu, vì chúng, như Phùng Nguyễn đã tiên đoán, cũng có thể “dùng để chỉ trích, phê phán cái chế độ mà [Vũ Hạnh] đã chọn lựa để phục vụ, ” nếu áp dụng vào những tệ trạng liên hệ đến nhân quyền và môi sinh đang xảy ra tại Việt Nam, do chính sách độc tài, sự xuyên tạc/dịch sai lịch sử, và lòng tham của giới lãnh đạo Cộng sản, kẻ chiến thắng cuộc chiến từ 42 năm trước.

Cũng như Phùng Nguyễn đã nhận xét trong “Tháp Ký Ức,” hy vọng mang tính cách hai chiều. Theo cách hiểu về “hy vọng” trong bối cảnh văn chương của tôi thì một tác phẩm văn học có thể cùng lúc ủng hộ, chất vấn, lên án, phản bội lại những tư tưởng của một thời, mà không hẳn tùy thuộc vào chủ ý của tác giả. Văn chương thường đứng ở thế đối lập với quyền lực, vì ngôn ngữ, ẩn dụ, và biểu tượng — những dụng cụ của văn chương – không bao giờ ổn định (không bao giờ khẳng định là “có vàng” hay “không có vàng,”) thậm chí vượt qua khuôn khổ sáng tạo của nhà văn. Cô giáo Tố Quyên của Phùng Nguyễn, tuy duyên dáng, dịu dàng và dễ khóc, thật ra cũng áp dụng quyền lãnh đạo một cách sai lầm – không khác vị vua Chiêm Thành của Vũ Hạnh đã chém đầu người kiến trúc sư dám nói thẳng – khi cô dựa vào thế lực của các thầy giáo chỉ huy để đàn áp những tư tưởng dị biệt của đám học trò.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ Phùng Nguyễn cũng ngờ vực khả năng tạo hy vọng của văn chương và nghệ thuật. Chính khả năng tạo hy vọng này cũng có thể trở thành dụng cụ tuyên truyền cho một chế độ. Có lẽ khả năng tạo hy vọng/hòa giải của văn chương và nghệ thuật cũng đi đôi với cách nhà văn, vì cầu an hay vụ lợi, tự lừa dối, biện hộ sự sai lầm về chính trị của họ? Trong “Đêm Oakland, ” nhân vật kể chuyện đặt câu hỏi – hoặc đây là cách “đáp lại” câu hỏi của Đức:

Cái chết do lựa chọn của ông Thiệp mười ba năm sau cuộc thanh toán đẫm máu ở Châu Mưu có khắc nghiệt quá so với nỗi bình yên họa sĩ Masuji Ono [trong tiểu thuyết của Ishiguro] cuối cùng tìm thấy — hay không?

Trong “Đêm Oakland. Câu Hỏi,” ông Thiệp, bố thằng Kình, không phải là một nghệ sĩ, mà chỉ là một nông dân vì muốn được sống sót nên đã giúp Việt Minh sát hại người bà con theo Quốc Dân Đảng. Về sau ông Thiệp tự tử bằng cách treo cổ. Hành động của ông Thiệp được kể lại qua sự quan sát cô đọng, khô, lạnh, ít diễn giải, của nhân vật “tôi” – chính ra là một nhân vật thụ động. Trong tiểu thuyết An Artist of the Floating World của Kazuo Ishiguro, họa sĩ Ono – nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất – nghĩ ông đã đạt được phần nào thanh thản cho tâm hồn sau những sai lầm và tổn thương mà thế hệ của ông đã gây ra trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ono không phải là một người kể chuyện đáng tin cậy, do ông thường dùng lý thuyết nghệ thuật hoặc những biện luận quanh co để chia trí người đọc và giảm đi tư thế chủ động của ông trong cuộc chiến, qua những sinh hoạt tuyên truyền cho chế độ quân phiệt cùng những thông đồng với công an để thanh trừng thành phần đối lập. Câu hỏi của Phùng Nguyễn cũng là một nhận xét có phần chua chát: một tội phạm nghệ sĩ – vì có tài biện luận – còn có khả năng cho mình một lối thoát. Trái lại, một con người bình thường, xử sự theo đạo lý, chỉ có thể lựa chọn cái chết nếu chẳng may phạm tội.

Tôi nghĩ Phùng Nguyễn khó khăn với chính anh, và những đồng nghiệp viết văn của anh, vì anh tôn trọng trách nhiệm sáng tạo, độc lập và quân bình của nhà văn. Trách nhiệm này chính là “đạo luật vàng” của một người viết. Cho dù anh có thể chỉ trích những hành động lạm dụng trách nhiệm của người khác, anh luôn luôn tôn trọng quyền tự do phát biểu của họ. Quan điểm của Phùng Nguyễn được trình bày khá rõ ràng, sát sạt, thâm, trong một bài viết về cuộc “trình diễn nghệ thuật” mặc quân phục trơn đi bát bộ Bolsa trong ngày 30 tháng 4 của nhà văn Đỗ Kh.:

Không giống như phần lớn những người mặc đồ rằn ri với giây biểu chương rực rỡ trên vai áo mà Đỗ Kh. nhìn thấy trên phố Bolsa, chàng có khả năng lựa chọn một quá khứ để sống lại. Là một người viết, Đỗ Kh. có thể làm hơn thế nữa, chọn cho mình một hiện tại [ảo] để sống và dự phóng một tương lai [ảo] để hướng tới. Những người khác chỉ có mỗi một quá khứ, bất biến và vô vọng. Mỗi năm một lần, ngày 30 tháng tư cho họ cơ hội để tìm kiếm một chút ý nghĩa cho đời sống của mình trong nỗi vô vọng mênh mông này. Sẽ là một điều vô cùng bất công cho kẻ khác khi Đỗ Kh. sử dụng những lợi thế lớn lao của mình trong việc dàn dựng trò đùa tinh quái của chàng.

Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng chúng ta có thể hoặc nên ngăn cản Đỗ Kh. tiếp tục áp dụng những trò đùa tinh quái của mình lên những thời điểm nghiêm và buồn như ngày 30 tháng tư …. 30 tháng tư là một nỗi ám ảnh cho nhiều người, trong đó có tôi và có ngay cả Đỗ Kh. Người-lính-áo-xanh-lạc-loài-trên phố-Bolsa trước và trên hết là một đùa cợt dành cho chính Đỗ Kh. và nỗi ám ảnh 30 tháng tư của chàng. Và, bất kể bạn có thích điều này hay không, người ta có quyền cười cợt chính mình trong bất cứ tình huống nào.

***

Sắp đến ngày giỗ thứ hai của Phùng Nguyễn, nhưng tôi không tin là anh đã biệt âm. Văng vẳng ở đâu đây, tôi tưởng như vẫn nghe thấy giọng điệu điềm đạm nhưng chanh chua ngầm, kể chuyện, châm biếm, tự phán xét, đồng thời tranh cãi với những người khùng khác, rồi đôi lúc bị một hay vài đối tượng khùng “quật lại”( như cái tát của người đàn bà lạ trong truyện chớp “Giường và Điểm Tâm” của anh), để anh bỗng chợt thộn ra, cười xòa, nói “vậy sao” khi nhận ra sự mâu thuẫn rất “Phùng Nguyễn” của mình. Nếu đúng là “quá khứ của chúng ta chỉ soi sáng những tên khùng / Trên con đường dẫn đến cát bụi” thì chính điều được soi sáng là một vinh dự và ân sủng. Tôi muốn được làm một người khùng kể chuyện như Phùng Nguyễn.

Đinh Từ Bích Thúy

Oakton, Virginia
Tháng 11, 2017

______________________

Tài liệu tham khảo:

1) Nguyễn Mộng Giác, “Kho Tàng của Quá Khứ" – Văn Học Số 149 (5/1998), http://damau.org/archives/44109

2) William Shakespeare, Macbeth (Folger Shakespeare Library: 2003).

3) Phùng Nguyễn, “Đêm Oakland. Câu Hỏi,” trong tập truyện Đêm Oakland và Những Truyện Khác (nxb Văn: 2001), tr. 13-28, http://kesach.org/archives/26

4) Phùng Nguyễn, “Tháp Ký Ức” trong tập truyện cùng tên (nxb Văn: 1998), tr. 13-24, http://damau.org/archives/5245

5) Phùng Nguyễn, “Về Một Ánh Mắt Ngày 30 tháng 4 Năm 75, ” http://damau.org/archives/2170

6) Vũ Hạnh, “Vàng Tháp Hời,” Tủ Sách Tuổi Hoa, https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/tac-pham-khac/vang-thap-hoi (Đèn Biển sưu tầm & đánh máy; Nguyễn Hữu Minh thực hiện ebook); Truyện cũng có tên là “Vàng Tháp Cổ,” trong tập truyện Bút Máu (nxb trí đăng: 1960), tr. 197-255, bản ebook của VietMessenger, http://vietmessenger.com/books/?title=butmau&page=10

7) Kazuo Ishiguro, An Artist in the Floating World (New York: Vintage International, 1986), 206 pps.

8) Phùng Nguyễn, “Đỗ Kh. Người-Lính-Lạc-Loài,” http://damau.org/archives/24068

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)