- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Nửa Đêm

(*Lời tác giả: để trả lời bình luận của bạn BTY về bài phỏng vấn Trần Hoài Thư của Phạm Cao Hoàng:

“Cám ơn nhà văn Trần Hoài Thư đã làm công việc đội đá vá trời, in ấn sách để lưu giữ văn học Miền Nam. Chúng tôi là những độc giả rất lấy làm tri ân công trình của nhà văn Trần Hoài Thư. Đọc chuyện chị Yến vợ nhà văn bị liệt, tôi góp ý là nhà văn nên gác chuyện in sách báo sang một bên, để thời giờ sáng tác và lo cho chị ấy có lẽ xứng đáng hơn. Vả lại thời buổi nay, sách báo không còn giá trị nữa. Nếu có những bạn trẻ làm công việc lưu trữ trên internet thì hợp thời hơn. Biết là nhà văn yêu công việc in ấn sách, nhưng bỏ sức nhiều, mà giá trị không đáng. Thay vì vậy nhà văn để thời giờ viết lách và chăm sóc người bạn đời của mình, thì xứng đáng hơn. Vài góp ý chân thành, mong nhà văn đừng buồn. Kính chúc nhà văn và chị Yến những lời chúc tốt lành nhất của một độc giả từng đọc nhà văn Trần Hoài Thư từ Việt Nam.” – BTY (một người cũng tên Y)

 

shadow behind car

Càng ngày tôi càng chạm trán với những sự thật không ngờ, hay không thể tưởng tượng nổi xảy ra cho Y. Hậu quả của bệnh “đột quị” thật khủng khiếp. Bắt đầu từ chỗ những bắp cơ chết dần chết mòn, tay chân tê liệt, nó đã tạo nên những hậu nạn khác như mất vị giác, không muốn đụng đến đồ ăn, mất hết sự ham muốn. Bây giờ đến lượt suy thoái về trí não. Càng lúc người bệnh càng chứng tỏ mình không còn hiện hữu nữa. Người bệnh bắt đầu nói sảng, nghĩ sảng, đôi mắt nhìn, nhưng bộ não bắt cái nhìn ấy trở lại một cõi nào đó vô minh chứ không phải nhìn chồng, nhìn con …. Thêm vào đó là những câu hỏi hay lập luận nghe muốn nhói tim.  Khi người bệnh không muốn ăn, có nghĩa là nhìn đồ ăn bằng một cái nhìn khác. Thấy con cá thì liên tưởng đến con cá được nuôi trong ao phân người ở VN, và kêu là thúi khi ta cố gắp miếng cá bỏ vào miệng người bệnh. Làm sao tôi có thể bóp hai má vào để cái miệng hả ra, và đút mạnh cái muỗng đồ ăn hay cơm cháo  vào người bệnh như những nurse aid đã làm khi  họ đút thức ăn cho người bị Alzheimer. Làm sao tôi có thể thuyết phục được hôm nay không phải là rằm, để Y. có thể nhai miếng thịt …. Bây giờ tôi chỉ còn cách nói láo, tận tình sử dụng miệng mồm của mình. Rằng hôm nay là rằm tháng bảy, sư bà đặc biệt ưu tiên cho đạo hữu được ăn mặn để mau lành bệnh mà lên thăm sư bà ….

Nhìn người bệnh nằm trên giường, mền drap vung vãi, cho vơ hai cái chân khẳng khiu, tôi không thể nào không chảy nước mắt. Sao tuổi già của chúng tôi lại buồn quá đỗi như thế này. Tôi đắp lại mền trên ngực Y., sửa lại ngay ngắn tấm drap và chuẩn bị cho Y. ăn. Tôi lại bắt đầu nghe những lời nói sảng, và phải trả lời những câu hỏi đầy mê sảng đó. Với cả cõi lòng tan nát.

Ở bên giường bệnh, lòng tôi rướm máu, thì về nhà tôi lại chạm vào một hình phạt khác. Đó là nỗi cô độc rợn người, bắt tôi muốn điên khùng. Căn nhà đầy những di vật của người bệnh chẳng khác một bảo tàng viện. Chúng bao vây tôi bắt tôi phải nghĩ ngợi. Muốn nhắm mắt mà sao mắt  cứ như thấy một người bệnh nằm trên giường, với tiếng la gào thất thanh khi người bệnh bị những lằn sét định mệnh bủa xuống đầu óc. Những lời nói mê sảng không còn từ cửa miệng của một con người dù cái thân thể vẫn có tứ chi vẫn có đầu mình vóc dáng con người. Những lời nói không còn có thuốc chữa trị, mê cuồng, như đánh thốc vào đầu tôi, cứa vào tim tôi. Để tôi phải ôm mặt. Tôi phải làm gì để cứu lấy Y.? Tôi phải làm gì để cứu lấy tôi?

Tôi bỏ ra ngoài xe, và  mở máy. Phải tìm đến một quán rượu …. Chỉ có chất bia may ra làm tôi quên.

Lâu lắm tôi mới lái xe vào ban đêm. Lúc này tôi mới cảm thấy thị lực mình kém sút hẳn. Phố xá đã đóng hết cửa rồi. Một vài chiếc xe ngược chiều phóng đôi mắt sáng chói làm mắt tôi như lóa mù. Tôi hoảng hồn  đạp thắng. Tôi không còn nhận ra cái lane để lái nữa. Tôi muốn dừng lại đậu bên lề, nhưng không thấy lề đâu nữa. Xe lấn hết lane trái rồi lane phải. May mắn đường không có xe …. Rồi bỗng nhiên tôi thấy từ đâu xuất hiện một chiếc xe cảnh sát, chớp đèn  pha lia lịa đằng sau. Tôi đạp thắng ngừng xe, và ngồi yên chờ đợi. Người cảnh sát đến bên cửa rọi đèn pin vào mặt, rọi rất lâu. Anh ta muốn xem tôi có uống rượu không. Rồi anh ta hỏi giấy tờ. Tôi trình hết giấy tờ. Anh lại hỏi: Tại sao ông lại lái xe lấn lane như vậy. Ông có sao không. Tôi nói không sao, nhưng thưa officer, tôi buồn, tôi buồn lắm officer. Anh hãy nhìn đôi mắt của tôi. Chúng sưng bầm. Người cảnh sát hoảng hồn: Ông cần ambulance không. Tôi bảo là không. Ông có thể lái một mình về nhà được không. Tôi bảo là được.

Tôi không bị phạt. Không thể phạt tôi vì tôi không phạm luật. Nhưng tôi cần phải cám ơn chàng cảnh sát da trắng này. Tôi thấy tôi ngộ.  Nỗi buồn khủng khiếp đã được anh ta hóa giải. Anh ta giúp tôi được an toàn. Nếu không có anh, chắc tôi sẽ mò vào quán rượu, uống cho say, rồi lái xe về với cặp mắt thị lực quá yếu này. Để rồi có khi khi tôi bị vào nhà thương hay bị rút bằng lái xe cũng nên. Lúc ấy, Y. không còn có ai để thăm nuôi chăm sóc nữa … và dù hối hận thì cũng đã muộn rồi. Tôi cần phải sống, phải vui, phải yêu đời để có thể  bước lên ba bậc thềm của nhà dưỡng lão:

Bước lên bước xuống bực thềm
Chân lê tay vịn bù đền trúc mai
Bước lên tay vịn lê giày
Bước xuống nhăn mặt
Chửi cha mày đồ Gout…

 

***

Quý độc giả quan tâm đến các công trình do nhà văn Trần Hoài Thư đã và đang thực hiện
có thể liên lạc với ông ở địa chỉ:

TRAN HOAI THU
719 Coolidge  Street
Plainfield,  NJ 07062

Email: tranhoaithu16@gmail.com

bài đã đăng của Trần Hoài Thư

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Nửa Đêm"

#1 Comment By BBT Da Màu On 03/08/2017 @ 8:48 am

Để biết thêm về hậu trường “sinh hoạt nhà in” (qua Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán) của nhà văn Trần Hoài Thư và hiền thê, bà Nguyễn Ngọc Yến, xin mời quý độc giả đọc bài tiểu luận “Đi New Jersey Thăm Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến,” (12. 5. 2013) của nhà thơ Phạm Cao Hoàng:

http://www.phamcaohoang.com/2017/08/63-oc-lai-mot-bai-viet-cua-pch-cach-ay.html