Trang chính » Chụp và Chép, , Nhiếp Ảnh Email bài này

Chuyến Hành Hương Man Dã

DHL foto strip Tryptich: Thúy trước đền mộ của D. H. Lawrence, Taos, New Mexico (Tháng 6, 1997)

Thời đó là thời mới cưới. Trước đám cưới, chúng tôi bàn với nhau chuyện chọn một địa điểm lý tưởng cho tuần trăng mật. Đi biển là một cliché, và đối với tôi lúc đó, chỉ là một sự lựa chọn dễ dãi, có lẽ không khác cách chúng tôi về sau quyết định sống ở vùng ngoại ô và mua xe van, một sự lựa chọn mà đôi lúc tôi muốn nổi loạn, vì tôi nghĩ mình chỉ là người có thể hoàn toàn hạnh phúc khi sống trong thành phố (nơi sinh lực và sự sáng tạo không bao giờ bị đè nén). Về Việt Nam lúc đó cũng đang là một cliché; hoặc có lẽ lúc đó, và ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi chưa sẵn sàng để trở về thăm nơi tôi chào đời.

Vào năm 1997, tôi đã ngoài 30, K. hơn 40. Chúng tôi muốn chọn một nơi đi trăng mật mà cả hai người đều chưa bao giờ đến, nơi chúng tôi sẽ nhớ suốt đời là nơi mà chúng tôi chỉ có nhau, độc lập ra khỏi mọi yếu tố khác mà cả cuộc đời về sau chúng tôi sẽ còn thời gian để chia xẻ hay đương đầu với nhau. “Nhớ suốt đời” ở đây không chỉ về khía cạnh lãng mạn hay nét đẹp thiên nhiên của nơi chọn, mà còn vì chính nơi này có một cái gì hoang dã, xa lạ, thử thách, không muốn bị chế ngự, gần hơn với thiên thu, với sự im lặng. Cuối cùng, chúng tôi chọn New Mexico.

Từ máy bay nhìn xuống, New Mexico là một dải đất nâu tím, xen kẽ với màu vàng héo và những cụm xanh màu rừng. Khi đáp xuống đường băng, bước ra ngoài, tôi mới thấy New Mexico là một không gian đầy những màu sắc sáng rực. Bầu trời ở New Mexico xanh biếc như màu đá ngọc lam, làm nổi bật màu nâu-cam terra cotta của vùng đất sa mạc, của những nhà thờ mission cổ, cộng đồng pueblo của người dân da đỏ, hay màu hồng xác pháo hoặc vàng chóe của những loại hoa xương rồng. Lúc hoàng hôn xuống, màu ngọc lam của trời New Mexico trở thành màu mòng két, tương tự như màu xanh cổ vịt, lấp lánh những đốm sao. Chúng tôi ở Albuquerque qua đêm, sau đó lái xe đi Santa Fe, rồi trực Bắc lên Taos. Trên đường đến Taos chúng tôi suýt cán qua một con rắn dài lúc đó đang băng qua đường, vẩy rắn, áng vàng từ nắng mặt trời, với nhịp uốn của nó khi trườn qua mặt lộ làm chúng tôi tưởng mình đang nhìn một ảo giác—con rắn như một cây gậy thần, hay một giải lụa dát kim khí đang khiêu vũ qua đường.

Ở Taos, những màu sắc mãnh liệt của không gian hình như được làm dịu đi vì không khí tĩnh lặng của bối cảnh thiên nhiên. Từ sáng đến trưa Taos trông cởi mở, gần như nhu nhuyễn, bình dị, không khác một phụ nữ nạ dòng vẫn thích để tóc thề, nhưng lúc xế chiều hình như ánh sáng thành sắc lạnh, thành một Taos búi tóc, để lộ những góc, cạnh, gò má cao, trở nên huyễn hoặc như tượng đá Sphinx của Ai Cập.

taos_pueblo_house Chúng tôi đi thăm Taos pueblo (làng Taos), nằm bên cạnh một giòng lạch nhỏ, gần một cây bách bị gió đánh quằn, nơi tôi được người hướng dẫn tour du lịch cho biết những thổ dân vẫn còn sinh sống bằng nghề làm đồ gốm, ngày ngày kéo nước giếng, xử dụng bếp than và không dùng điện. Thật ra, chỗ này đã thành một cái bẫy cho dân tourists. Ban quản trị, có lẽ muốn khai thác mặc cảm tội lỗi của người da trắng ngày xưa lấn át và chiếm đất của người da đỏ, nên đòi giá vé vào cửa khá đắt, độ $20.00 một người, đó là chưa kể những khoản tiền khác, như giá đậu xe, và thuế sửa sang/bảo vệ môi trường thiên nhiên của địa danh. Tôi hơi thất vọng. Những ngôi nhà trong trại pueblo phần nhiều là những tiệm bán nữ trang làm bằng đá ngọc lam, những bình đất đựng hạt giống làm vật trang trí và lưu niệm–tất cả cố gắng làm ra vẻ trung thực. Chúng tôi chỉ là những kẻ đến sau, đến muộn. Taos pueblo không còn là một cộng đồng sống động của thổ dân hay của người nghệ sĩ muốn khai hóa đất lạ. Cách đây 70 năm trước, Taos pueblo là nguồn hứng khởi liêu trai cho những nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ như Ansel Adams và Alfred Stieglitz (chồng của nữ họa sĩ Georgia O’Keefe).  Taos Church Ansel AdamsNhững họa sĩ hành hương đến Taos để chiêm ngưỡng cái đẹp u uẩn đượm màu sắc oan khiên của nó. Bây giờ tôi lờ mờ cảm nhận Taos pueblo đã trở thành một mini mall cho dân du lịch hay phông dựng cảnh của phim trường Hollywood.

Mây vần vũ, làn gió mạnh của buổi chiều sa mạc tung bụi cát đỏ, chao bay vành nón rơm che nắng. Bụi xông vào mắt, mũi, miệng. Mệt mỏi, khát, tôi nói với K. tôi muốn đi viếng đền mộ của nhà văn D.H. Lawrence, cách trung tâm thành phố Taos độ 20 miles về phía Bắc, vào ngày hôm sau.

Về D.H. Lawrence, lúc đó tôi chỉ biết truyện “The Rocking Horse Winner” (Người Thắng Cuộc Cuỡi Ngựa Gỗ) về một cậu bé con, vì muốn nhận được tình yêu từ người mẹ bị áp lực vì tiền bạc, đã dùng trực giác của mình lúc cưỡi con ngựa gỗ để đánh cá ngựa cho đến lúc lâm cơn sốt rồi chết, và một truyện ngắn khác mà tôi đã quên tên, về những xung đột tâm lý và tình dục trong hôn nhân của cặp vợ chồng trẻ ỏ một miền quê, phân tích qua cái nhìn Freudian và feminist trước thời đại của Lawrence. Hồi gia đình tôi mới sang Mỹ, ở gần nhà tôi có một rạp hay chiếu những phim “nghệ thuật” (art house theater), như Women in LoveLast Tango in Paris. Những đêm thức sáng mài miệt học bài (vì lúc đó Anh ngữ tôi còn rất kém), tôi để ý bố mẹ tôi, lúc đó vẫn còn trẻ, lẳng lặng rời nhà đi xem phim xuất 10 giờ đêm, đến sau nửa đêm mới về nhà. Một hôm (năm đó tôi 14 tuổi), tôi hỏi mẹ tôi về phim Women In Love (mà về sau tôi được biết phỏng từ truyện của D.H. Lawrence), thì mẹ tôi ngần ngừ một lúc mới đáp, “phim đó cho người lớn, có lẽ không hẳn là phim dâm, nhưng rởm quá, có một màn hai nhân vật đàn ông thoát y không cần thiết, họ cãi nhau, rồi vật lộn, lớn lên nếu con có dịp xem, mình sẽ bàn lại chuyện này.” (Đến bây giờ, tôi vẫn chưa có dịp xem Women In Love để tiếp nối cuộc đối thoại với mẹ tôi bắt đầu từ năm 1976.)

Tuy không đọc nhiều truyện của Lawrence, tôi cảm phục những sự lựa chọn của ông trong nghệ thuật và đời sống. Để trung thực với nghệ thuật và khuynh hướng sống của mình, Lawrence đã tự đầy ải mình ra khỏi quê hương xứ sở, ông gọi sự đầy ải này là một cuộc hành hương man dã (savage pilgrimage). Lawrence chết sớm, ông chỉ mới 45 tuổi khi qua đời, nhưng trong cuộc sống ngắn ngủi đó, với bệnh tật hiểm nghèo, những giai đoạn túng quẫn, với dư luận đả kích ông kịch liệt như một nhà văn phung phí thiên tài chỉ để viết truyện khiêu dâm, ông đã làm tất cả những gì ông muốn làm: du lịch đến nhiều nơi đẹp trên thế giới; được yêu và lấy Frieda làm vợ–người đàn bà (lớn hơn ông 6 tuổi) mà lúc ông mới gặp đã có chồng; viết ra những điều ông muốn thực sự diễn tả; và sinh sống, mua đất đai (ông đã mua một mảnh đất lớn cho mình ở New Mexico với bản thảo tiểu thuyết Sons and Lovers (Con Trai và Nguời Tình) bằng chính nghề viết của mình.

Theo một huyền thoại về ngôi mộ, Frieda, vợ D.H. Lawrence, có một cuộc tranh chấp với hai người đàn bà khác, cũng là ân nhân/Mạnh Thường Quân của ông (nhà văn có lẽ may mắn trong đời cũng nhờ đàn bà. Những người đàn bà đáng ghi nhớ trong đời ông thường đóng vai trò dung dưỡng ông, như mẹ, vợ, những người đàn bà độ lượng hay có thế lực trong xã hội). Hai nguời ân nhân của Lawrence, bà Mabel Dodge Luhan và họa sĩ Dorothy Brett, muốn trải tro ông cùng khắp mảnh đất và không gian mà trước đây ông đã ngự trị, thay vì chỉ “nhốt” tro ông trong bình, vì họ không muốn thể chất ông bị kềm hãm ở một chỗ bất di bất dịch. Frieda chống lại chuyện này, nên đã trộn tro của ông vào đá vữa dùng để xây mặt mộ.

Phía trước mộ, chỗ tường được xây trũng vào như chỗ đựng thánh tích, cũng như trên nóc đền, bên ngoài mộ, là tượng chim phượng hoàng, cũng là tựa đề của một tuyển tập văn chương của D.H. Lawrence xuất bản sau khi ông qua đời, “Phượng hoàng tái tạo tuổi trẻ của mình khi nàng bị thiêu cháy, cháy cho đến khi thành tro nóng, mịn như len ….” Tôi vào bên trong, sờ lên mặt đá của mộ, mặt đá lành lạnh, có vân đỏ như máu (hay đây cũng có thể là óc tuởng tượng của tôi, tái tạo ký ức từ 12 năm trước). Trên mặt mộ, ở chỗ tường có đúc con phượng hoàng, là những lá thư, hoa tươi, vật lưu niệm, danh thiếp, mà những nhà văn, nhà thơ tập sự, những cô cậu học trò, sinh viên, dân du lịch, đã để lại cho người chết. Tôi đọc những giòng chữ trên những lá thư. Họ nói chuyện với Lawrence như nói chuyện thân thiết với một người anh, cha, bác, chú. Họ chia xẻ những nguyện ước về tương lai, nghệ thuật với ông. Họ có một cái gì đó rất thơ ngây, trong trắng, dễ thương, nhưng không hiểu sao cũng làm tôi nao nao, thắt ruột. Tôi không dám đọc hết.

Tôi nhớ mãi cái khoảnh khắc tĩnh mịch đó, khi tôi ngồi trước đền mộ D.H. Lawrence, nghĩ về K., về tương lai chúng tôi, về những đứa con của chúng tôi sau này, và cảm nhận một điều, vừa là khuyến khích, vừa là thử thách, làm sao để sống trung thực với sự xa lạ của chính mình? Làm sao để có hạnh phúc mà không phải thương lượng? Làm sao để trẻ, trẻ mãi?

Đó là những câu hỏi mà tôi vẫn đang tìm hiểu. Tôi, một người tị nạn bất đắc dĩ, vẫn muốn hiểu quá trình đã biến D.H. Lawrence thành một người hành hương man dã.

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)