Patrick deWitt sinh tại Vancouver, Canada (1975) và sống tại Portland, Oregon. Tiểu thuyết “The Sisters Brothers” do Anansi Press Inc xuất bản năm 2011 từng đoạt những giải thưởng sau đây: Governor General Award (Canada 2011), Rogers Writers’ Trust Fiction Prize (2011), Stephen Leacock Memorial Medal for Humour (2012), chung kết Giller Prize (2011), chung kết Man Booker Prize (2011), danh hiệu Tác Phẩm Hay Nhất Của Amazon (2011).
Câu chuyện xoay quanh chuyến đi đầy gian nan của hai anh em nhà Sisters, Charlie và Eli, vốn là hai kẻ giết mướn, từ Oregon đến Sacramento trong sứ mạng đi tìm và thanh toán một kẻ bị coi là phản bội. Tác giả dẫn người đọc trở về miền Viễn Tây nước Mỹ những năm 1800 trong một hành trình chạm mặt với đủ hạng người. Những kẻ thua thiệt, những tay lừa đảo, những tên vô tích sự, và những tên sát nhân. Trích đoạn sau đây dịch từ nguyên tác Anh ngữ.
***
Những ngày cuối đông ngắn ngủi, tụi tôi dừng chân ở một khe núi để dựng trại qua đêm. Bạn thường thấy cảnh này trong những tiểu thuyết phiêu lưu đăng nhiều kỳ. Hai tay kỵ mã hình thù gớm ghiếc ngồi bên đống lửa kể chuyện tục và nghêu ngao những bài ca não lòng về gái làng chơi và sự chết. Nhưng tôi có thể nói với bạn là sau một ngày dài rong ruổi trên lưng ngựa tôi chỉ muốn lăn quay ra ngủ, và đó là điều tôi đã làm sau khi ăn uống qua loa. Sáng hôm sau, lúc tháo giầy tôi thấy đau nhói ở ngón giữa bàn chân trái. Tôi dốc ngược chiếc bốt và gõ vào đế giầy, đoán là một cái gai sẽ rơi ra, thì một con nhện to xù, lông lá tua tủa rơi đánh bộp xuống và nằm chỏng gọng trên mặt đất, tám cái chân khẳng khiu quơ quào trong không gian lạnh ngắt. Tim tôi đập loạn cả lên, mặt mày tôi xây xẩm, bởi tôi rất sợ nhện, sợ rắn và những thứ bò ngoằn ngoèo trên đất. Biết tật của tôi nên Charlie chạy vội đến, dùng dao hất con vật vào đống lửa. Tôi sung sướng nhìn con nhện đau đớn uốn cong thân mình như cục giấy vo tròn tỏa khói rồi chết.
Chợt một luồng cảm giác lạnh buốt chạy ngược lên xương ống chân tôi như một cơn tuyết giá, tôi nói, “Ông coi, con vật nhỏ mà độc địa hết biết.” Ngay lập tức một cơn sốt phủ lên người tôi, vật tôi ngã bật xuống. Thấy tôi xanh mướt, Charlie cuống lên. Khi thấy tôi cứng hàm, không nói năng gì được, anh khơi bếp lửa và phóng ngựa đến thị trấn gần nhất để tìm bác sĩ, người mà sau đó anh tôi đã ép buộc – không nhiều thì ít – phải đến khám cho tôi. Tôi nửa mê nửa tỉnh nhưng vẫn nhớ mỗi lần Charlie bước ra ngoài, không nghe được là ông bác sĩ lại chửi thề. Tôi được chích thuốc hay chất giải độc gì đó, thứ gì đó làm tôi vừa phấn chấn vừa lừ đừ như say rượu, và tôi không muốn gì khác hơn là tha thứ cho mọi người, mọi vật và hút thuốc không ngừng. Rồi tôi ngủ say như chết và trở thành một kẻ không ai dám đụng đến trọn ngày, qua đêm, cho đến sáng hôm sau. Khi tôi thức giấc, Charlie vẫn ngồi bên đống lửa, nhìn tôi, mỉm cười.
“Mày có nhớ nằm mơ thấy gì không?” Anh hỏi.
“Chỉ nhớ tôi bị nằm bẹp một chỗ,” tôi nói.
“Mày luôn miệng nói, ‘Tôi ở trong lều! Tôi ở trong lều!’”
“Tôi không nhớ.”
“‘Tôi ở trong lều!’”
“Đỡ tôi dậy giùm coi.”
Anh đỡ tôi dậy và trong một thoáng tôi dạo quanh khu trại bằng đôi chân cứng như gỗ. Hơi buồn nôn nhưng tôi cũng ăn một bữa đầy đủ có thịt heo muối, cà phê và bánh lạt rồi cố nén không cho những thứ mới ăn lộn trở ra. Tôi quyết định là mình đã bình phục để tiếp tục hành trình, chúng tôi cho ngựa đi thong thả khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ nữa trước khi lại dừng bước nghỉ chân. Charlie luôn miệng hỏi tôi thấy trong người thế nào và lần nào tôi cũng cố trả lời, nhưng thật ra tôi không biết chính xác mình thấy trong người thế nào. Không biết vì nọc độc của con nhện hay thuốc giải độc của ông bác sĩ bị ép uổng kia mà tôi như tuột hẳn ra ngoài thân xác mình. Tôi trải qua một đêm chìm trong cơn sốt và co giật, sáng hôm sau, khi tôi quay qua chào Charlie, anh nhìn tôi và bật lên một tiếng thét hãi hùng. Tôi hỏi chuyện gì vậy, anh đem một cái đĩa nhôm lại cho tôi soi mặt.
“Cái gì thế?” tôi hỏi.
“Cái đầu của mày kìa, nhìn mà xem.” Anh chống gót lùi ra sau và huýt sáo.
Bên trái mặt tôi sưng phù một cách quái dị, từ đỉnh đầu xuống tới cổ, thon dần xuống vai. Mắt tôi nhỏ híp lại và Charlie, lại cái tính khôi hài cố hữu, nói trông tôi giống như một nửa con chó, rồi anh ném một khúc cây xem tôi có chạy theo để tha về không. Tôi lần mò tìm kiếm và nhận ra răng và lợi là nơi phát xuất chứng sưng phù này. Khi tôi gõ ngón tay vào hàm dưới, một cơn đau tỏa lan từ đầu đến chân và dội ngược trở lại.
“Có không dưới vài lít máu máu chảy ùng ục trong đó,” Charlie nói.
“Ông tìm cha bác sĩ đó ở đâu vậy? Mình có nên kiếm ông ta cho ông ta đâm kim hút máu độc ra không?”
Charlie lắc đầu. “Tốt nhất là đừng đi tìm chả nữa. Lúc thanh toán tiền lệ phí đã xảy ra một số chuyện không hay rồi. Dĩ nhiên thằng chả sẽ vui khi gặp lại tao, nhưng tao không nghĩ là chả sẽ nhiệt tình chữa bệnh cho mày nữa đâu.” Anh nhắc tới một khu trại khác khoảng vài dặm về phía nam. “Mình đến đó cầu may, nếu mày có thể lết đến đó được.”
“Đành vậy chứ sao bây giờ.”
“Cũng như bao nhiêu chuyện khác trong đời mày, tao nghĩ mày đâu có chọn lựa nào khác.”
Chuyến đi chậm rì dù địa thế không đến nỗi cheo leo – một con dốc thoai thoải trên nền đất cứng của rừng rậm. Tôi cảm thấy sung sướng một cách kỳ lạ, như thể đang tham gia một trò giải trí nho nhỏ, khi con ngựa bước hụt làm hàm răng đóng sập lại, tôi hét lên đau đớn cùng lúc bật cười vì cái trớ trêu của nó. Tôi chêm một cụm thuốc hút giữa hai hàm răng. Cụm thuốc làm cho miệng tôi đầy ứ nước bọt nhưng tôi sợ đau, không dám phun ra, thành ra tôi chỉ nghiêng người ra trước để mặc nước rãi chảy ròng ròng từ miệng tôi xuống cổ con ngựa. Chúng tôi băng qua một vùng mưa tuyết, bông tuyết mát lạnh hăm hở trên mặt tôi. Đầu tôi ngoẹo qua một bên. Charlie thúc ngựa đi vòng quanh tôi, ngó tôi trừng trừng, “Giờ mày nhìn ra sau lưng cũng được luôn rồi,” anh nói. “Da đầu căng phồng. Đến tóc mày cũng sưng luôn.” Chúng tôi đi vòng tránh xa thị trấn có ông bác sĩ mà chúng tôi quỵt tiền và tìm được một khu trại vài dặm gần đó, một nơi không tên gọi, dài khoảng một phần tư dặm Anh và là nơi cư trú của khoảng một trăm nhân mạng hoặc ít hơn. Thế nhưng chúng tôi gặp may, và tìm được một ông thày chữa răng tên là Watts đang ngồi hút tẩu thuốc ở hiên ngoài. Thấy tôi tiến về phía ông ta, ông ta cười và nói, “Tôi dính vào cái nghề gì đâu mà cứ thấy ai sưng vù thế này thì lại thích thú chứ!”
Ông ta dẫn tôi vào cái khoảng nhỏ bé nơi ông ta làm việc, đặt tôi ngồi lên cái ghế có nệm da cứ kêu cót két và toát ra cái mùi mới mẻ khi tôi ngồi lên. Kéo cái khay đầy những y cụ sáng loáng, ông ta hỏi những câu về bệnh sử răng miệng của tôi mà tôi chẳng có được câu trả lời thỏa đáng nào. Mặc dù vậy tôi có cảm tưởng là ông ta chẳng quan tâm đến những câu trả lời của tôi mà chỉ hỏi vì thích thú với việc hỏi mà thôi.
Tôi gợi ý là cái vụ răng đau này có liên hệ đến chuyện bị nhện cắn, hoặc tại thuốc giải độc, nhưng nha sĩ Watts bảo là không có bằng chứng y học nào xác nhận chuyện đó cả. Ông ta nói, “Cơ thể quả thực là một phép lạ, và ai là người có thể mổ xẻ một phép lạ chứ? Có thể là tại con nhện, đúng vậy, mà cũng có thể vì phản ứng với cái gọi là chất kháng độc tố của ông bác sĩ kia, và cũng có thể chẳng phải vì hai thứ kể trên. Tuy nhiên, vì cái gì thì cậu cũng đang đau đớn thấu trời xanh rồi. Đúng không nào?”
Tôi bảo tôi cũng nghĩ như ông ta. Charlie nói, “Bác sĩ à, tôi đã bảo thằng em tôi đây là có tới vài lít máu lắc lư lỏng lẻo trong đầu nó.”
Watts tuốt một mũi dao bạc ra khỏi vỏ bọc. Ngồi xuống đâu vào đó, ông ta ngắm nghía cái đầu của tôi như nhìn một pho tượng bán thân quái dị. “Để xem nào,” ông ta nói.
***
Chuyện đời của nha sĩ Watts là cả một chuỗi thất bại và tai họa dưới mọi góc cạnh, dù ông ta kể lại bằng cái giọng không vướng chút đắng cay hay tiếc nuối, và ngay cả có vẻ như thấy khôi hài trong những bước lầm đếm không xuể ấy: “Tôi làm thương mại lương thiện thất bại, tôi buôn bán bất lương cũng thất bại, tôi thất bại trong tình yêu, tôi thất bại trong tình bạn. Hai cậu cứ kể tên một món gì đó, tôi sẽ cho biết là tôi thất bại trong chuyện đó như thế nào. Nào, thử kể xem. Bất kỳ chuyện gì.”
“Nông nghiệp,” tôi nói.
“Tôi làm chủ một nông trại làm củ cải đường cách đây vài trăm dặm. Không làm ra được đồng xu nào. Chẳng thấy một cây củ cải đường nào hết ráo. Một sự thất bại bi thảm. Kể thêm thứ gì khác xem.”
“Chở hàng.”
“Tôi mua cổ phần trong một dịch vụ chuyên chở đường thủy bằng tàu thủy chạy bánh lái vòng dọc theo dòng Mississippi với giá kinh phí rẻ mạt. Người ta làm ra tiền cho đến khi tôi nhập bọn. Chuyến hàng thứ nhì có tôi góp vốn thì tàu chìm xuống đáy sông. Không có bảo hiểm, cũng là sáng kiến của tôi để tiết kiệm vài đô la chi phí phụ thuộc. Đã vậy tôi còn khuyên người ta đổi tên, từ Periwinkle, cái tên nghe rất là nông nổi, thành Queen Bee. Một sự thất bại hết thuốc chữa. Nếu tôi đoán không lầm thì đám làm ăn chung với tôi sửa soạn đem tôi ra hành hình. Tôi gài tờ thư tuyệt mệnh ở cửa trước và vội vã bỏ đi trong nhục nhã tột cùng. Bỏ lại sau lưng một người đàn bà đảm đang. Bao nhiêu năm rồi, vẫn nhớ cô ấy.”
Ông nha sĩ ngừng một lát rồi lắc đầu. “Kể thêm thứ gì khác xem sao. Mà thôi. Tôi chán ngấy chuyện đó rồi.”
“Thế là ông với tôi cũng giống nhau,” đang ngồi ở góc nhà đọc báo, Charlie nói vọng vào.
Tôi nói, “Xem chừng công việc của ông ở đây cũng suông sẻ, bác sĩ nhỉ.”
“Không có đâu,” ông ta nói. “Ba tuần rồi mới có cậu là bệnh nhân thứ ba đấy. Xem chừng ở đây người ta coi nhẹ chuyện vệ sinh răng miệng. Tôi nghĩ tôi cũng thất bại luôn trong ngành Nha. Chắc chỉ nội hai tháng nữa thôi là nhà băng sẽ tới bắt dẹp tiệm.” Ông ta dí một cái ống chích có mũi kim dài nhỏ nước ròng ròng vào sát mặt tôi. “Sẽ đau một chút đấy nhé, con trai.”
“Á!” Tôi kêu.
“Ông học Nha ở đâu?” Charlie hỏi.
“Ở một trường rất danh tiếng,” ông ta trả lời. Bắt gặp môi ông ta nhếch lên một khóe cười nhưng tôi chả thèm bận tâm.
“Theo như tôi biết thì thời gian học cũng mất vài năm,” tôi nói.
“Vài năm?” Watts nói, và mỉm cười.
“Vậy thì bao lâu?”
“Tôi ấy hả? Chỉ đủ để nhớ được cái sơ đồ mấy dây thần kinh. Đủ thời hạn để cái lũ ngốc ấy gửi đồ nghề đến cho tôi.”
Tôi liếc nhìn Charlie, bắt gặp anh nhún vai rồi lại chăm chú đọc báo.
Tôi sờ tay lên chỗ sưng trên má và giật mình vì nhận thấy mặt mình không còn cảm giác gì hết.
Watts nói, “Cũng hay đấy chứ nhỉ? Tôi có thể bẻ hết răng của cậu mà cậu không cảm thấy đau chút nào.”
Hai mắt Charlie rời trang báo. “Mày không cảm thấy gì hết thật à?” Tôi lắc đầu và Charlie hỏi Watts, “Ông kiếm đâu ra cái thứ đó?”
“Kiếm đâu mà kiếm, dân trong nghề mới có thôi.”
“Nghề của ông, mấy thứ đó tiện lợi hết biết. Hay là ông bán cho tụi này một ít được không?”
“Cậu tưởng người ta khuân đến cho tôi cả thùng phi đấy nhỉ,” Watts nói.
“Tụi tôi sẽ chi đẹp.”
“Rất tiếc là không được.”
Charlie nhìn tôi bằng cái nhìn trống rỗng; mặt anh biến đi sau trang báo. Watts đục ba chỗ khác nhau trên mặt tôi và chất lỏng đủ màu sắc ròng ròng chảy. Còn một ít trong đầu tôi nhưng ông ta bảo nó sẽ tự chảy xuống hết, và rằng phần đau đớn nhất đã qua. Ông ta nhổ hai cái răng hư và cười hả hê vì mạnh tay vậy mà tôi không đau đớn gì hết. Charlie yếu bóng vía nên qua ngồi trong quán rượu phía bên kia đường. “Đồ nhát gan,” Watts lẩm bẩm. Ông ta khâu kín lỗ hổng và nhét đầy bông gòn vào miệng tôi, rồi dẫn tôi đến cái chậu bằng đá cẩm thạch và chỉ cho tôi xem một cái bàn chải răng cán gỗ thật xinh xắn với cái đầu bàn chải hình chữ nhật màu xám nhạt. “Bàn chải răng,” ông ta nói. “Cái này sẽ giữ cho răng cậu sạch và hơi thở thơm tho. Để tôi chỉ cho cậu cách xài.”
Ông nha sĩ biểu diễn cách dùng bàn chải răng, rồi phà hơi thở mùi bạc hà lên mặt tôi. Ông ta đưa tôi một bàn chải mới, giống hệt cái của ông, cùng một gói bột chà răng khi dùng sẽ sủi bọt mùi bạc hà, và bảo tôi cứ giữ lấy mà xài. Tôi không nhận nhưng ông bảo hãng bàn chải gửi cho ông ta cả thùng hàng mẫu. Tôi trả ông hai đô la tiền nhổ răng và ông ta đem ra một chai whiskey để chia vui cái mà ông ta gọi là cuộc trao đổi hỗ tương hai bên cùng có lợi. Nói chung tôi thấy người đàn ông này khả ái, thành ra tôi áy náy khi Charlie bước vào phòng khám lăm lăm khẩu súng lục trên tay, chĩa nòng súng vào ông nha sĩ tốt bụng. “Tôi đã cố nói chuyện phải trái với ông,” anh nói, mặt đỏ au vì men rượu.
“Không biết rồi tôi sẽ còn làm ăn thất bại thứ gì nữa đây,” Watts rầu rĩ nói.
“Tôi không biết, và tôi cũng chẳng cần biết. Eli, gom hết thuốc tê và kim chích. Ông Watts tìm cho tôi sợi dây thừng, mau lên. Ông mà dở chứng là tôi cho ngay một viên kẹo đồng vào đầu.”
“Nhiều khi tôi cảm thấy trong đầu tôi đã có một viên rồi.” Quay qua tôi, ông ta bảo, “Chạy theo tiền bạc và danh lợi làm tôi mệt nhoài. Nhớ chăm sóc hàm răng nhé, con trai. Giữ cho mồm miệng thơm tho. Lời lẽ của mình thì cũng chỉ ngọt ngào được tới mức ấy thôi, phải không nào?”
Charlie dộng một quả đấm vào thái dương ông nha sĩ, cắt ngang bài diễn văn của ông ta.
***
Hai chúng tôi rong ruổi suốt ngày trên lưng ngựa, đến tối mịt thì tôi thấy chóng mặt và nghĩ là mình có thể ngã nhào xuống khỏi yên ngựa. Tôi bảo Charlie nên ngừng chân nghỉ qua đêm và anh đồng ý với điều kiện tìm được chỗ trú ẩn để dựng trại, bởi trời có vẻ như sắp mưa. Anh đánh hơi được bếp lửa trong không khí và tìm tới một túp lều một gian, với cuộn khói trắng như bông gòn tỏa ra từ ống khói. Một ngọn đèn tù mù nhảy múa phía trong khung cửa sổ đơn độc. Một bà cụ quấn trên người cái mền bông ra mở cửa. Những lọn tóc dài và bạc quyện quanh cằm, và cái miệng mở hé để lộ ra những chiếc răng đen lởm chởm. Charlie, vò cái mũ của mình trong tay, kể lể bằng giọng ai oán của tay nghệ sĩ sân khấu, về những gian truân mà chúng tôi vừa gặp phải. Cặp mắt nhày nhụa như thịt sò ném tia nhìn lên tôi và ngay lập tức tôi thấy lạnh cả người. Bà già quay lưng bước đi không nói một lời. Tôi nghe tiếng chân ghế kéo lê trên nền nhà. Charlie quay qua tôi hỏi, “Mày thấy sao?”
“Đi thôi.”
“Bà ấy để cửa mở cho mình mà.”
“Có cái gì đó không ổn nơi bà ta.”
Anh đá văng một cụm tuyết. “Bà ấy biết mồi đống lửa. Mày còn muốn gì nữa? Mình đâu có muốn ở lại đây lâu dài.”
“Tôi nghĩ mình nên tiếp tục đi,” tôi lập lại.
“Cửa!” người đàn bà réo.
“Vài tiếng đồng hồ trong căn phòng ấm áp là đủ cho tao rồi,” Charlie nói.
“Tôi đang ốm,” tôi nói. “Nhưng tôi sẵn sàng tiếp tục đi.”
“Tao muốn ở lại.”
Bóng người đàn bà bò dọc theo vách tường và bà ta lại đứng sừng sững ở lối vào. “Cửa!” bà ta rít lên. “Cửa! Cửa!”
“Mày thấy rõ là bà ta muốn mình vào mà,” Charlie nói.
Phải rồi, tôi nghĩ, vào miệng và chui xuống bao tử bà ấy chứ gì. Nhưng tôi quá yếu nên không thể tiếp tục phản đối, và khi anh nắm lấy cánh tay tôi, kéo vào căn chòi tôi không buồn cưỡng lại.
Trong gian nhà nhỏ có một cái bàn, một chiếc ghế, và một cái nệm dơ dáy. Charlie và tôi ngồi bệt xuống nền gỗ vênh vẹo, trước cái lò sưởi bằng đá. Hơi nóng châm chích một cách dễ chịu lên mặt, lên tay tôi và trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy hài lòng với nơi chốn mới mẻ này. Người đàn bà ngồi ở bàn, không nói một lời, khuôn mặt đầy bí ẩn dưới những nếp gấp của đống vải vụn quấn trên người. Trước mặt bà ta là một đống những hạt chuỗi hay đá màu đen và đỏ, hai bàn tay bà luồn ra từ đống vải và khéo léo nhặt từng hạt một và xâu một sợi dây mảnh qua những hạt ấy thành cái vòng đeo cổ hay một thứ đồ trang sức tỉ mỉ nào đó. Ngọn đèn trên bàn thắp nhỏ và nhấp nháy ngọn lửa vàng cam, một đuôi khói tỏa ra từ đầu ngọn lửa.
“Chúng tôi rất cảm ơn bà,” Charlie nói. “Em trai tôi, không được khỏe và không thể ngủ ngoài trời.” Không thấy người đàn bà nói gì, Charlie bảo tôi anh nghĩ là bà ta bị điếc.
“Tao không điếc,” bà già phản đối. Bà đưa một sợi dây lên miệng nghiến răng cắn làm đôi.
“Dĩ nhiên,” Charlie nói. “Tôi không có ý xúc phạm đến bà. Giờ thì tôi đã thấy bà rất mạnh khỏe và sắc bén. Bà giữ được căn nhà thật tốt, nếu bà cho phép tôi nhận xét như thế.”
Bà đặt những hạt chuỗi và dây xuyên xuống bàn. Đầu bà xoay qua để nhìn chúng tôi nhưng thân hình thì vẫn ẩn khuất trong vũng tối nhá nhem. “Tụi bay tưởng tao không biết tụi bay là loại người gì hả?” bà cụ hỏi, trỏ một ngón tay – nhìn như bị gẫy – vào dây thắt lưng đeo súng của chúng tôi. “Tụi bay muốn giả trang làm loại người gì, và tại sao?”
Thần thái của Charlie thay đổi, hay phục hồi, và anh ta lại một lần trở về con người của chính anh. “Được rồi,” anh nói, “bà nói xem tụi tôi là ai đi?”
“Chẳng phải tụi bay là những tên giết người à?”
“Chỉ vì thấy chúng tôi mang súng mà bà đoán vậy sao?”
“Tao chẳng đoán gì hết. Thấy người chết đi theo sau lưng tụi bay là tao biết.”
Tóc gáy tôi dựng đứng cả lên. Nói ra thì xấu hổ nhưng thú thật tôi không dám quay đầu lại nhìn. Giọng của Charlie đều đều, “Bà có sợ tụi tôi giết bà không?”
“Tao chả sợ gì hết, súng đạn và những lời môi mép thì nghĩa lý gì.” Bà nhìn tôi, hỏi, “Tụi bay có sợ là tao sẽ giết tụi bay không?”
“Cháu mệt lắm,” là câu trả lời xoàng xĩnh của tôi.
“Nghỉ trên giường đi,” bà nói.
“Rồi bà ngủ ở đâu?”
“Tao không ngủ. Tao phải làm cho xong việc. Sáng ra, tao gần như biến đi rồi.”
Mặt Charlie đanh lại. “Đây không phải căn lều của bà, đúng không?”
Bà lão chợt sựng lại, như thể đang nín thở. Bà kéo đống vải trùm đầu ra, và dưới ánh sáng của lò sưởi và ngọn đèn, tôi thấy bà hầu như không có tóc trên đầu, chỉ vài cụm trắng phau lưa thưa đó đây, và xương sọ của bà có vẻ như bị lõm vào, có những chỗ mềm nhũn, thụt xuống như vỏ trái cây héo. “Mỗi trái tim có một âm hưởng,” bà nói với Charlie, “cũng như mỗi cái chuông có một âm hưởng riêng. Âm hưởng trái tim của mày cực kỳ khó nghe, con trai ạ. Nó làm xốn xang lỗ tai của tao, và con mắt mày làm đau mắt tao khi tao nhìn vào nó.”
Một khoảng im lặng kéo dài khi Charlie và mụ phù thủy già gườm gườm nhìn nhau. Qua cái biểu lộ của họ, tôi không hiểu nổi họ đang nghĩ gì. Sau cùng, người đàn bà quấn khăn che đầu và trở lại với công việc. Charlie nằm xuống sàn nhà. Tôi không leo lên giường, mà nằm bên cạnh anh, bởi vì tôi sợ người đàn bà và nghĩ cách an toàn nhất là anh em tôi nằm bên nhau. Tôi yếu đến mức mặc dù thấy không ổn nhưng tôi cũng chìm ngay vào tình trạng mơ màng và thấy một căn phòng như gian nhà này, và tôi đứng nhìn thân xác tôi đang say ngủ. Người đàn bà nhỏm dậy đứng phía trên anh em tôi; thân thể tôi bắt đầu giẫy giụa và toát mồ hôi, còn Charlie thì vẫn nằm yên, bà già khom người xuống, dùng tay vạch miệng anh tôi ra. Từ trong khoảng tối ám của những nếp gấp vải trùm đầu của mụ tuôn ra một dòng chất lỏng màu đen, đặc quánh, chảy vào miệng Charlie và miệng tôi, chẳng phải cái thằng tôi đang ngủ say kia mà là cái thằng tôi đang tỉnh táo đứng coi, tôi hét lên bảo mụ để chúng tôi yên. Tới đó thì cơn mơ đứt quãng và tôi bừng tỉnh.
Charlie nằm cạnh tôi, nhìn tôi, mắt mở thao láo dù là đang ngủ, như thói quen của anh. Sau lưng anh, mụ già vẫn ngồi đó, đống hạt chuỗi đã vơi đi nhiều – một khoảng thời gian dài đã trôi qua. Mụ ngồi yên tại chỗ nhưng đầu mụ xoay vòng quanh, nhìn về cái góc tối đen ở đàng xa. Tôi không biết thứ gì đã làm cho mụ chú ý đến như thế nhưng mụ nhìn đăm đăm lâu đến nỗi tôi chịu thua, không phỏng đoán nữa và quay đầu về phía sàn nhà. Trong một thoáng, tôi lại chìm sâu vào giấc ngủ.
***
Buổi sáng, tôi thức giấc trên nền nhà, không có Charlie bên cạnh. Tôi nghe tiếng chân bước sau lưng và quay lại, bắt gặp anh đứng trước khung cửa mở toang, nhìn ra ngoài khoảng đồng trống phía trước căn chòi. Nắng rực rỡ bên ngoài và hai chú ngựa của anh em tôi – buộc vào một gốc cây trơ – đứng trong nắng. Một con hí hoáy dụi mũi vào đám sương giá ngoạm lấy một miệng cỏ đầy; con kia run rẩy và nhìn đăm đăm vào khoảng không.
“Mụ ấy đi rồi,” Charlie nói.
“Chả sao,” tôi đứng dậy, đáp. Trong căn phòng nồng mùi tro than, mắt tôi khô và rát bỏng. Tôi cần đi lấy nước nên tìm lối ra nhưng Charlie chặn tôi lại, nét mặt anh căng thẳng và đầy bất an. “Mụ đi rồi,” anh nói. “Nhưng vẫn cầm chân tụi mình bằng một thứ để nhớ.” Anh trỏ tay và tôi nhìn theo hướng ngón tay anh. Mụ già đã treo một sợi xâu hạt chuỗi chung quanh cái thanh ngang cửa ra vào. Tao gần như biến đi rồi, tôi nhớ lời mụ già – gần như thôi chứ không phải hoàn toàn.
“Ông nghĩ sao?” tôi hỏi.
Charlie nói, “Cái đó chẳng phải để trưng cho đẹp đâu.”
“Thì mình lấy nó xuống,” tôi nói, vói tay toan lấy xâu chuỗi.
Charlie nắm lấy tay tôi. “Đừng đụng vào đó, Eli.”
Chúng tôi lùi lại để tính kế. Bên ngoài, hai chú ngựa nghe tiếng bọn tôi, ngểnh cổ nhìn. “Mình sẽ không chui dưới cái đó đâu,” Charlie nói. “Chỉ còn cách phá cửa sổ, trèo ra ngoài thôi.” Nghĩ tới cái bụng quá khổ của mình, tôi nói chắc tôi không chui lọt qua cửa sổ được. Charlie bảo thì cứ thử xem đã nhưng cái ý nghĩ về sự thất bại – trong việc phải hì hạch chui ngược cái lỗ hẹp, trở lại, mặt mũi đỏ gay – là chuyện tôi không thấy hứng thú để thử, nên tôi bảo Charlie là tôi chẳng thử đâu.
“Vậy thì tao đi một mình,” Charlie nói, “rồi trở lại mang theo đồ cắt cái lỗ lớn cho mày.” Đứng trên chiếc ghế ọp ẹp của mụ già, anh đập vỡ cửa kính bằng báng khẩu súng lục rồi tôi tiếp tay đỡ cho anh chui qua cửa sổ. Bây giờ hai chúng tôi đối mặt nhau ở hai bên cửa ra vào. Anh cười, còn tôi thì không.
“Vậy là xong,” anh nói, tay phủi những mảnh thủy tinh dính trên bụng.
Tôi nói, “tôi không thích kế hoạch này. Lầm lũi đi trong hoang dã với hy vọng tìm ra một kẻ có lòng tốt nào đó sẵn sàng cho mượn đồ nghề của họ. Anh sẽ đi lang thang vô định trong khi tôi chết rữa trong cái xó mạt rệp này. Lỡ mụ già trở lại thì sao?”
“Mụ ấy đã để bùa ám tụi mình, mụ ấy còn trở lại làm gì nữa.”
“Ông nói nghe dễ dàng quá.”
“Mày nói cũng đúng. Nhưng tao làm quái gì được bây giờ? Nếu mày có cách nào hay cứ nói thẳng ra đi.”
Không, tôi chẳng có cách nào hết. Tôi bảo anh đem bọc thức ăn cho tôi và nhìn anh đi về phía hai con ngựa. “Đừng quên cái nồi,” tôi réo. “Cái gì?” anh hỏi lại. “Cái nồi! Cái nồi!” Tôi dùng tay ra dấu như đang nấu nướng bằng nồi và anh gật đầu. Anh trở lại tuồn đồ đạc qua cửa sổ cho tôi, chúc tôi ăn sáng ngon miệng trước khi leo lên lưng con ngựa của anh, cỡi đi. Tôi thấy ảo não ghê gớm khi cả hai bỏ đi; chỉ biết nhìn chằm chặp qua lỗ hổng giữa những tàng cây nơi họ vừa mới biến đi. Tôi thoáng lo là họ sẽ không bao giờ trở lại.
Tôi gom góp chút hứng khởi còn sót lại và quyết định xoay sở để có chỗ tạm trú trong gian nhà hẹp này. Không có gỗ hoặc củi nhưng tro và than vẫn nóng đỏ nên tôi phá cái ghế gỗ của mụ già bằng cách vung nó lên cao và đập mạnh xuống nền nhà. Tôi đặt mấy chân ghế, bàn ngồi, và lưng tựa vào bếp lửa, dựng theo hình chữ V ngược, đổ thêm chút dầu trong đèn lên trên đống gỗ. Chiếc ghế gỗ bắt lửa trong nháy mắt. Ánh lửa và mùi gỗ cháy làm tôi phấn khởi. Nó được làm bằng gỗ sồi, cứng và cháy rất nhanh. “Những thắng lợi nho nhỏ,” mẹ tôi vẫn thường nói, và bây giờ tôi nói lớn câu nói đó, với chính mình.
Tôi dành ra vài phút đứng trong khung cửa, nhìn ra thế giới bên ngoài. Không có một đám mây nào trong tầm nhìn và đó là một trong những ngày xanh-tím nơi bầu trời dường như cao hơn và sâu hơn lúc thường. Tuyết tan thành nước chảy từ mái nhà thành dòng. Tôi đưa cái tách bằng thiếc ra ngoài để hứng nước. Cái tách lạnh băng trong tay tôi, những cụm nước đá trong vắt nổi lềnh bềnh trong ly nước, lạnh cóng môi khi tôi uống. Thật là dễ chịu khi rửa được cái vị xác chết ma quái của máu đọng từ ngày hôm trước. Tôi ngậm nước trong miệng súc tới súc lui để rửa sạch vết thương. Tôi hoảng sợ khi cảm thấy một vật đặc cứng tuột ra, xoay vòng trong cái sọ sũng nước của tôi. Đoán là mảnh da, tôi nhổ xuống nền nhà. Nó rơi bẹt xuống đất, và tôi khom xuống để nhìn cho rõ. Vật đen thui hình ống đó khiến lồng ngực tôi thắt lại: Chẳng lẽ nha sĩ Watts đã bỏ con đỉa vào miệng tôi mà tôi không biết? Nhưng khi tôi lấy tay đẩy nhẹ vào vật ấy, nó tuột ra, và tôi nhớ ngay tới cục bông gòn ông ta đã chêm vào nướu răng tôi. Tôi quăng nó vào đống lửa, nó trôi tuột theo cái chân ghế đang cháy, phập phồng bong bóng, để lại một vệt dài máu và nước bọt.
Nhìn đăm đăm luồng hơi bốc lên ngoài cánh đồng, tôi cảm thấy phấn chấn vì đã sống sót qua một chuỗi những biến cố: con nhện, cái đầu sưng vù, lời nguyền hóa giải. Tôi hít luồng không khí giá lạnh căng đầy hai buồng phổi. “Tub!” Tôi gọi vang ra ngoài hoang dã. “Tao đang mắc kẹt trong căn lều của mụ phù thủy lang bạt gian ác!” Chú ngựa ngẩng đầu lên, loay hoay ngậm đầy một miệng cỏ dòn. “Tub! Giúp tao trong lúc cần kíp coi nào!”
Tôi dọn cho mình bữa điểm tâm sơ sài với thịt heo muối dính cát sạn, và cà phê. Một miếng sụn dính vào lỗ hổng chiếc răng mới nhổ và tôi khó khăn lắm mới gỡ nó ra được, làm chạm đến vết thương khiến lại chảy máu. Nhớ tới cái bàn chải răng, tôi lấy từ túi áo vét cùng với bột kem, đặt gọn ghẽ trên mặt bàn bên cạnh cái tách thiếc. Nha sĩ Watts không bảo nên chờ cho miệng lành hẳn mới chà răng, nên tôi nghĩ cứ dùng, chỉ cần cẩn thận. Tôi nhúng ướt bàn chải và phết lên đó một ít bột. “Lên, xuống, qua, lại,” tôi nói, bởi ông nha sĩ cũng nói vậy. Miệng tôi đầy bọt thơm mùi bạc hà và tôi quét bàn chải lên lưỡi. Nhổm người lên thành cửa sổ, tôi nhổ ngụm nước loang máu ra ngoài đất phủ tuyết. Hơi thở tôi mát lạnh và có mùi dễ chịu. Tôi vô cùng thích thú với cảm giác tê tê mà bàn chải mang lại. Tôi gõ nhẹ bàn chải lên sống mũi mình, tự nhủ sẽ dùng nó hàng ngày. Trong lúc đầu óc không nghĩ ngợi gì, hoặc mơ hồ nghĩ tới đủ thứ cùng một lúc thì tôi thấy từ trong rừng, một con gấu to xù lững thững đi về phía con ngựa của tôi.