Trang chính » Biên Khảo, Giới thiệu tác phẩm, Nhận Định Email bài này

Đẻ đái Cái Người-Ma

1 bình luận ♦ 17.03.2009

ời bạt]

phuban2Có lúc tôi đã nghĩ thơ Nguyễn Lương Vỵ chỉ có “âm” mà “vô nghĩa”.

Rồi có lúc tôi lại nghĩ chỉ có “nghĩa” mà “vô âm”.

Những rồi, tôi nghĩ cả hai đều không ổn, vì cách nào mình cũng bị chia thành 2 mặt trận, không theo bên này thì phải theo bên kia, không duy tâm [thần] (âm) thì phải duy vật [vã] (nghĩa).

Trong lần trở lại với Huyết âm đợt này của Nguyễn Lương Vỵ, không như Âm vang và màu sắc, không như Hoà âm… âm âm âm, và càng không như Phương ý trước đây, tôi chọn thế trung lập. Với tham vọng là mình có thể đi giữa âm và nghĩa.

 

 

1.

Về âm. Huyết âm có nhiều thế mạnh, có thể là áp đảo hay là chủ đạo của bài thơ, và cũng là của cả tập thơ.

“Khởi kỳ thủy là Âm?!” (Nguyễn Lương Vỵ). “Khởi âm là Mở Miệng” (Bùi Chát).

Thủ pháp chính của bài thơ này là lấy số 9 (một biến số của viên mãn và hoàn hảo) làm biến âm, biến ra 81 khúc hoà âm, 81 khổ nạn của nghĩa âm, và cũng là 81 phép ẩn dụ cho một điểm nhìn – một âm câm kéo dài đến vô tận.

Kiểu như ở biến khúc số 4:

Huyết âm mao
Sấm chẻ

Thiên cao

Khi tôi hỏi tại sao là huyết âm, chính tác giả đã trả lời như vầy: “Huyết, trong từ Hán Việt có 2 nghĩa chính: Máu và Lệ. Huyết âm: Âm vang của Máu và Lệ, khóc cười đủ các kiểu cho nó xôm tụ. Lấy hào cửu cửu làm ‘chỉ tiêu phấn đấu’, nên đánh số từ 1 đến 81 (9×9=81) thêm 1 bài ngoại tập: Huyết âm Tây Tạng, như một tiếng thở dài giữa thời mạt pháp”.

Trong truyền thống của thơ Việt, thường ít chú trọng về âm, chỉ luôn đi tìm nghĩa. Không chỉ “văn dĩ tải đạo”, mà thi cũng “dĩ tải đạo”. Trong khi đáng ra thì thi phải “duyên tình” – phải chở cái tình, cái hệ luỵ và cái vô nghĩa.

Thơ ham hữu dụng, ham nghĩa, ham giáo điều và ham minh hoạ cho các định chế văn hoá, định hướng, chính sách… đó là bản tính chung của thơ Việt xưa nay.

Một trường hợp như Ngôn hoài của Không Lộ Thiền sư, cũng không là ngoại lệ:

… Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

(Có lúc lên thẳng đỉnh núi cô quạnh
Kêu dài một tiếng, lạng cả bầu trời)

Một diễn nghĩa tuyệt vời về diễn âm, đó là tiếng ré, tiếng thét thất thanh làm cho hữu thể chạm tới hư vô, vượt qua thời gian và đốn ngộ. Một tiếng thét dài làm lạnh cả thái hư, nhưng cũng phải cầu viện tới các nghĩa như: có lúc, trèo thẳng, đỉnh núi cô quạnh…

Sau “trường khiếu nhất thanh”, thơ Việt ít chú trọng vào “thanh”, vào “âm” nữa. Cũng không hiểu tại sao?

2.

Về nghĩa. Đây là “sở đoản” của Huyết âm, vì tác giả tìm cách “phủ mờ” âm lên nghĩa, hay đúng hơn, đang tìm cách nguỵ trang nghĩa xuống dưới những con âm, ghép cho nó một cuộc đời nhiều ám chỉ và ẩn dụ.

“Chữ. Âm?! Cơn khổ nạn / Lau chưa sạch oán thù” (Nguyễn Lương Vỵ)

Khi đọc một biến khúc như số 8 chẳng hạn:

Cái Người-Ma
Ta nuốt huyết tươi âm

Nguyên âm
Lau sạch
Vết thương tâm…

Lật mở sự ám chỉ, rõ ràng người đọc thấy Cái Người-Ma làm cái ta phải hộc máu, phải nuốt máu tươi mà nghĩ về vết thương lòng quá nặng nề. Nhưng tác giả cứ tìm cách đẩy các hiện trạng ấy ra xa, che nghĩa bằng các “lời chú âm” liên tu bất tận.

Hay như ở biến khúc số 5:

Mẹ huyền vi
Rung huyết
Đón tinh Cha
A! Gái huyền
Đẻ đái
Cái Người-Ma

Sau cuộc hôn phối của âm và nghĩa thì Đẻ đái Cái Người-Ma. Còn cái-Người Ma đó thuộc bộ lạc hay tộc người nào thì không còn là một ám chỉ hay ẩn dụ nữa, dường như đã quá rõ ràng rồi.

Nói: “nghĩa” là lối hẹp, nhưng chính đây cũng là lối thoát của Huyết âm – một hành trình tự kỷ, đi tìm nỗi đau của tha nhân, chứ không phải của riêng bản thể.

Một hành trình đối diện, rồi chối bỏ, và tìm cách vượt qua Cái Người-Ma. Ấy cũng là một cuộc tạo sinh, như ở biến khúc số 17:

Quá tươi huyết âm cầm dương
Thấy hết tiếng em chào đón
Sợi lông run rẩy cát tường…

Xét về nghĩa con chữ, Huyết âm còn dùng một thủ pháp khá cổ trong thơ Thất ngôn bát cú liên hoàn, đó là thủ vĩ ngâm, lấy nghĩa, lấy chữ cuối của biến khúc trước làm nghĩa, làm chữ đầu của biến khúc sau. Lâu rồi nhắc lại, với lại cách dùng ở đây khá linh hoạt, “lạ tai”, nên đẩy được tốc độ bài thơ lên nhanh, phát triển cấu tứ hình ảnh với nhiều biến thể.

Chính Nguyễn Lương Vỵ cũng giải bày về chuyện này như sau: “Hành trình của văn học nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là sự trở về Tịch Liêu Tịch Lặng Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ của nó, bằng bàn chân bàn tay có gắn con mắt lỗ tai trí huệ bão giông. Vì vậy, cứ tiếp tục mần thơ. Mần một cái việc Đại Tào Lao, hoan hỉ điên, hoan hỉ địa theo kiểu rung động của mình. Thế mà vui!”

3.

Đọc thơ là đọc giữa hàng hai chữ, giữa hai con âm, nhiều người đã nói như vậy, nghe đà mòn tai. Nhưng quả là có những trường hợp, không làm như vậy không được. Trong một trạng huống “không ngửi được”, Nguyễn Lương Vỵ đã tìm mọi cách để nhét những bất bình của mình vào giữa hai con âm. Tìm cách hướng người đọc vào những “động thái” bên lề, nhằm quên đi một thực tại đang được dựng xây bằng máu và nước mắt.

Trong một cách nào đó, đọc Huyết âm cũng như là:

Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu
(Đăng Quán Tước lâu, Vương Chi Hoán)

(Muốn tận cái nhìn ngàn dặm
Thì cứ lên thêm một tầng lầu [một tầng cao])

Huyết âm cũng là một cuộc đẻ đái Cái Người-Ma, một hành trình [dường như] tìm về sự câm điếc, vô ngôn, và hư vô. Một nỗi niềm như trong biến khúc 69:

Một mình nơi đất lạ
Trời quen sao điếc tai???!!!…

Và rồi:

Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực
Thâm âm thâm u từ lâu nay
(Nguyễn Lương Vỵ)

La Hán Phòng 8-2008

bài đã đăng của Lý Đợi

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • nguyen minh vuong says:

    Khởi thủy là Lời, nhưng với Nguyễn Lương Vỵ, thoạt kỳ thủy là Âm. Chẳng hay cái Âm này cũng chính là cái Huyền Tẫn Chi Môn của Lão Tử hay cái Vô Môn của nhà thiền chăng?
    Thoạt kỳ thủy Lời, rồi Lời hạ sanh thành Lý, Lý thành Triết, và cuối cùng triết phải thành thơ, lúc ấy, cái Vô Ngôn mới thành Lời chăng?
    Cảm ơn bài viết đã mở lối thông đường, cho mảnh hồn mở phơi lá cỏ, với chạm vào nhành lá vô ưu.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)