- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Nguyễn Phi Khanh Nhà nho khoáng dật, sầu muộn và lỡ thời (phần 3/4)

ỨNG LONG Ở QUÊ

Bài “Sơn thôn cảm hứng”, Cảm hứng khi ở sơn thôn, dưới đây cho thấy quãng 30 tuổi, tuổi mềm của văn học tức khoảng năm 1385 là khoảng thời gian cha vợ nghỉ quan, Ông rời kinh thành.

山村感興

虛名卅載絆塵羈,
一反江山沒是非。
殘雪墊巾奇野土,
春風晞髮大灘磯。
夢中往事攘蕉鹿,
世上浮雲任狗衣。
誰道江村生計薄?
桑麻繞屋綠初肥。

Sơn thôn cảm hứng

Hư danh táp tải bán trần ky,
Nhất phản giang sơn một thị phi.
Tàn tuyết điện cân cơ dã thổ,
Xuân phong hy phát đại than ky.
Mộng trung vãng sự nhương tiêu lộc (a),
Thế thượng phù vân nhiệm cẩu y.
Thuỳ đạo giang thôn sinh kế bạc,
Tang ma nhiễu ốc lục sơ phì.

(a) “Tiêu lộc”, hươu đậy lá chuối: câu chuyện trong sách Liệt Tử, biện giải tính mộng tương đối của cuộc đời và tính thực tương đối của giấc mơ. Ở đây tác giả xem chuyện cũ như giấc mộng.

Cảm hứng khi ở sơn thôn.

Đã ba mươi năm bị hư danh trói vào cuộc đời câu thúc,
Quay về cảnh sông núi, dứt hết thị phi.
Đội khăn đi dưới tuyết tàn qua làng quê xinh tươi mộc mạc,
Đón gió xuân hong tóc nơi mỏm đá lớn đầu ghềnh.
Trong mộng, việc đã qua ngỡ như chuyện trộm “hươu đậy lá chuối”,
Cảnh đời, tựa phù vân phó mặc đổi thay.
Ai bảo sinh kế nơi làng quê bên sông là đạm bạc?
Chung quanh nhà, dâu gai vừa chuyển màu lục thẫm.

“Sơn thôn” có vẻ ở Chí Linh hơn là Nhị Khê vì có núi. Ông cố gắng ca ngợi phong cảnh và lối sống nhà nông nhưng chuyện buồn sự nghiệp dường như đeo đẳng. Cảm hứng đến từ nuối tiếc, quên lãng, buông trôi…. hơn là từ môi trường sống đậm chất thiên nhiên. Tiếng thị phi nơi danh lợi hằn dấu tổn thương khó lành. Bản chất tĩnh của Ứng Long khiến Ông rất chậm chạp trong việc thích nghi cách sống khác, dù đó là cách sống Ông thường đề cao. Làm quan nhỏ thì nghèo, về quê thì bị đè nặng dưới cái bóng đạm bạc. Hay nhắc đến thiếu thốn và cố sức hài lòng với nó chứng tỏ Ứng Long sống trong ám ảnh giàu sang. Cái nhàn của Chu Văn An xuất phát từ tâm nguyện, cụ từ tạ mọi ân sủng của triều đình một cách quyết liệt cực đoan. Cái nhàn của Ứng Long mang màu sắc thời thượng, nó giống như vật trang sức thanh tao giúp các nhà nho bớt căng thẳng trên đường lập công danh.

Bài thơ tiếp theo, nếu Nguyễn Trãi chính xác sinh năm 1380, là bằng chứng cụ thể cho việc Ứng Long phải chăm sóc con tại Nhị Khê sau khi nhạc phụ lui về Côn Sơn. Cũng là yếu tố khả tín để cho rằng Nguyễn Trãi không phải là đứa con vượt ngoài lễ giáo. Cuộc loạn đề cập trong thơ hẳn là trận vây bức Thăng Long của Chế Bồng Nga vào năm 1383.

家園樂

故園亂後有先廬,
六歲兒童頗愛書。
啼鳥落花深巷永,

涼風殘夢午窗虛。
心從閒處千憂失,
學到充時四體舒。
逐物勞人休誤我,
安仁志已遂幽居。

Gia viên lạc
Cố viên loạn hậu hữu tiên lư,
Lục tuế nhi đồng phả ái thư.
Đề điểu lạc hoa thâm hạng vĩnh,
Lương phong tàn mộng ngọ song hư.
Tâm tòng nhàn xứ thiên ưu thất,
Học đáo sung thời tứ thể thư,
Trục vật lao nhân hưu ngộ ngã,
An nhân (a) chí dĩ toại u cư.

(a) An Nhân: tức Phan Nhạc (247 – 300), văn gia nhà Tây Tấn, tác giả “Nhàn cư phú”.

Thú vườn quê

Vườn cũ sau loạn còn nếp nhà xưa,
Đứa bé mới lên sáu đã rất yêu sách.
Ngõ sâu hun hút, nghe tiếng chim kêu, hoa rụng,
Song trưa để ngỏ, gió mát lay tỉnh mộng tàn.
Tâm gửi đến cõi nhàn, ngàn mối lo tiêu tán,
Học đến khi lĩnh hội đầy đủ, thư thái tay chân.
Người lao nhọc chạy theo vật chất, ta không lầm nữa !
Chí An Nhân đã thỏa nơi u tịch.

Ca ngợi cảnh sống thanh u nhưng lòng ông chưa nhẹ thoáng. Ông bay bổng vào cõi nhàn, khi tỉnh dậy lại tự dằn vặt mình. Cũng như Chu Văn An, Ứng Long chưa hội được chân ý. So với hành động theo nhàn huyên náo dư luận của thầy Chu, phong cách chàng Nguyễn càng kém xa. Với một nhàn ông, “thỏa” hay “không thỏa” còn có nghĩa gì?

村家趣

抱籬竹樹萬條槍,
老屋弓餘古寺傍。
過雨池塘蛙語聒,
落花庭院燕泥香。
閒情湛湛春醪足,
世路茫茫午睡長。
醒後出門攜僕去,
逢人只向說農桑。

Thôn gia thú

Bão ly trúc thụ vạn điều thương,
Lão ốc cung dư cổ tự bàng.
Quá vũ trì đường oa ngữ quát,
Lạc hoa đình viện yến nê hương.
Nhàn tình trạm trạm xuân giao túc,
Thế lộ mang mang ngọ thuỵ trường.
Tỉnh hậu xuất môn huề bộc khứ,
Phùng nhân chỉ hướng thuyết nông tang.

Thú quê nhà

Rào tre quanh nhà dương muôn nhánh nhọn,
Nhà xưa cách bên chùa cổ chừng một cung.
Mưa tạnh, ngoài đầm ao tiếng ếch oàm oạp,
Hoa rụng, trong đình viện bọt én thoảng thơm.
Cảnh nhàn thanh thản, rượu xuân đầy đủ,
Đường đời mờ mịt, giấc ngủ trưa kéo dài.
Thức dậy, ra cửa dắt theo đầy tớ,
Gặp mọi người chỉ nói chuyện nông tang.

Tương tự “Sơn thôn cảm hứng”, Cảm hứng khi ở sơn thôn và “Gia viên lạc”, Thú vườn quê; “Thôn gia thú”, Thú quê nhà, bị trì kéo bởi ám ảnh công danh. Khẳng định việc xưa đã quên, biết theo ngoại vật là lầm, ngán ngẩm đường đời mờ mịt đều thể hiện đắng cay khó nuốt. Niềm vui từ cảnh nhàn ngờ ngợ hư ảo; xót xa lỡ mộng quan trường mới là thực.

Bị bệnh tật hành hạ, Ứng Long mượn rượu để quên danh. Cảnh ngộ thật lạ lùng khi thân ở khê động, tâm vẫn nổi chìm.

村居

數椽書室掩蓬筸,
池草園林夢入騷。
覆屋霜勻千瓦重,
侵門日上半籬高。
病中活計存靈藥,
身外浮名付濁醪。
萬事無營心自可,
春風滿砌太陶陶。

Thôn cư

Sổ duyên thư thất yểm bồng cao,
Trì thảo viên lâm mộng nhập tao.
Phú ốc sương quân thiên ngoã trọng,
Xâm môn nhật thượng bán ly cao.
Bệnh trung hoạt kế tồn linh dược,
Thân ngoại phù danh phó trọc giao.
Vạn sự vô doanh tâm tự khả,
Xuân phong mãn xế thái giao giao!

Ở quê

Vài gian nhà đọc sách ẩn trong vùng lau lách,
Giấc mộng cỏ cây ao vườn nhập vào hồn thơ.
Phủ mái, sương nặng đều trên ngàn viên ngói,
Ánh nắng xuyên qua cửa, mặt trời lên đã nửa sào.
Khi đau ốm, cứu chữa còn có thuốc tiên,
Danh hão ngoài thân gửi hết vào rượu đục.
Muôn việc chẳng mưu cầu, tự mình thích nghi,
Gió xuân hớn hở đầy thềm!

Thỉnh thoảng, Ứng Long lên kinh. Nhân dịp Hồ Tông Thốc nhận chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ năm 1386, Ông có bài “Thướng Hồ Thừa chỉ Tông Thốc”, Trình lên quan Thừa chỉ Hồ Tông Thốc, để chúc mừng:

萬丈光芒窺太白,
一團和氣挹伊川。
寸懷別後勞傾仰,
耿耿高明月夜懸。

Vạn trượng quang mang khuy Thái Bạch (a),
Nhất đoàn hòa khí ấp Y Xuyên (b).
Thốn hoài biệt hậu lao khuynh ngưỡng,
Cảnh cảnh cao minh nguyệt dạ huyền.

(a) Thái Bạch: tức nhà thơ Lý Bạch (701 – 762), cũng là tên một ngôi sao.

(b) Y Xuyên: tức triết gia Trình Di (1033 – 1107), Y Xuyên chảy cạnh nhà ông.

Muôn trượng rực sáng tranh với Thái Bạch.
Một vùng khí hòa chẳng nhường Y Xuyên.
Sau từ biệt, xin nghiêng tấc lòng ngưỡng phục,
Vầng trăng đêm treo cao vằng vặc.

(Trích các câu 5, 6, 7, 8)

Khi chào ra về, Ứng Long dùng chữ “biệt 別”, ngoài nghĩa chia tay còn hàm ý xa cách. Có thể hiểu Ông sẽ không lưu lại kinh thành mà trở lại nơi ẩn cư.

Bài tiếp theo dưới đây bộc lộ cái nhìn từ bên ngoài quan trường:

城中有感寄呈同志

朝中朱紫動紛紛,
幻眼誰能各自分。
頭上老天依日月,
人間夢景付煙雲。
習池何處招山簡?
杜曲無錢覓廣文。
謀議廟堂吾豈敢,
擬將泉石夢諸君。

Thành trung hữu cảm ký trình đồng chí

Triều trung chu tử động phân phân,
Huyễn nhãn thuỳ năng các tự phân.
Đầu thượng lão thiên y nhật nguyệt,
Nhân gian mộng cảnh phó yên vân.
Tập Trì (a) hà xứ chiêu Sơn Giản (b)?
Đỗ Khúc (c) vô tiền mịch Quảng Văn (d).
Mưu nghị miếu đường ngô khởi cảm!
Nghĩ tương tuyền thạch mộng chư quân.

(a) Tập: tức Tập Tạc Xỉ, người Tương Dương, học giả đời Tấn (266 – 420), tác giả quyển sử Hán Tấn Xuân Thu.

(b) Sơn Giản: con Sơn Đào, một trong bảy vị hiền rừng trúc. Là danh thần thời Tấn Hoài đế (284 – 313), trấn thủ Tương Dương, rất thân thiết với họ Tập.

(c) Đỗ: tức Đỗ Phủ (712 – 770). Ông từng sáng tác bài “Túy thời ca” tặng người bạn thân tên Trương Kiền trong đó có câu “Đắc tiền tức tương mịch ”, Có tiền thì ngay lập tức tìm nhau.

(d) Quảng Văn: nơi làm việc của Trương Kiền. Chức danh đầy đủ của ông là “Quảng Văn quán bác sĩ”.

Trong thành cảm xúc, gửi trình các đồng chí

Trong triều, áo bào đỏ, tía chuyển động nhiễu loạn,
(Đã) Hoa mắt, còn ai tự phân biệt được mình !
Trên đầu, trời già trơ theo năm tháng,
Giữa đời, cảnh mộng buông mặc khói mây.
Biết ao họ Tập nơi đâu để mời Sơn Giản?
(Người) xóm họ Đỗ không tiền đi tìm Quảng Văn.
Tôi không dám bàn việc triều đình,
Chỉ dự tính từ chốn núi khe mộng gặp các ông.

Với cảm xúc năm đầu Xương Phù, Ứng Long còn hăm hở vào thành và có dự định tương lai; ở đây, Ông xúc động mạnh tương tự nhưng tâm tình nhuốm vẻ dửng dưng. Thay đổi hẳn là kịch liệt trong triều đình khiến con người càng cảm nhận sự bền vững của không gian và thời gian. Câu 5 buồn cảnh người biến đổi, câu 6 than không đủ phương tiện thay đổi hoàn cảnh đơn độc. Khi xưa, nhà thơ còn mong bắt được Quỉ Chương, bây giờ Ông miễn bàn vì đã ngoài cương tỏa.

Nhưng việc gì xảy ra khiến tác giả thấy đời biến đổi nhanh như khói mây? Nhiều khả năng chính là việc Phế Đế do mưu khử Hồ Quý Ly mà bị Nghệ tông truất ngôi rồi giết hại. Không chỉ thế, nhiều quan tướng muốn cứu vua đều bị khép tội tử hình. Rối loạn và xôn xao quan trường vọng vào thơ rõ rệt. Đó là năm 1388.

Trần Ngạc, con trưởng Thượng hoàng Nghệ tông, tham gia việc này nên khó tránh khỏi kinh động trước phản ứng quá bạo liệt của cha mình. Vị thế Thái Úy không bao giờ bình ổn như trước. Uy thế áp đảo của Quý Ly khiến tân Đại vương Ngạc trốn chạy khỏi kinh thành năm 1391 để rồi chịu cái chết mờ ám sau đó.

Linh Đức bị bức tử khiến em là Nguyên Diệu dẫn quân bản bộ chạy sang Chế Bồng Nga tìm dịp báo thù. Bồng Nga tử trận, kéo theo cái chết của nhiều tôn thất làm phản: Trần Nguyên Diệu, Trần Nguyên Đĩnh, Trần Tôn….. (1390).

Oái ăm thay, nhờ họ Trần mất dần chính quyền mà Ứng Long được làm quan trở lại với chức vụ cao hơn. Ông lưu dấu vết hoạt động tại triều trong khoảng thời gian giữa thập niên 1390.

 

THƠ TIỂN SỨ VÀ ĐI SỨ

Minh Thực lục ghi nhận hoạt động cống sứ của Đại Việt từ khi Phế đế bị giết như sau:

Ngày 8/12/1389: Bồi thần Nguyễn Đổng Thúc cống đồ uống rượu bằng vàng, bạc và sản vật địa phương. Nhà Minh biết Trần Vĩ (Phế đế) đã chết nhưng Quý Ly vẫn dùng tên vua cũ.

Ngày 15/12/1389: vua Minh qui định An Nam 3 năm cống một lần.

Ngày 17/5/1390: sứ An Nam đến, vua Minh ra lệnh Bố chính Quảng Tây không nhận, cho về. Hẹn ba năm sau hãy sang.

Ngày 12/2/1393: Đại phu Nguyễn Tông Lượng đến cống ngựa và thổ sản, được ban yến, thưởng tiền giấy và lụa.

Ngày 1/6/1393: vua Minh cấm An Nam triều cống vì tội giết vua (Phế đế). Quảng Tây thực hiện mệnh này.

Ngày 14/6/1394: sứ thần An Nam Nguyễn Quân đến cống qua đường Quảng Đông. Vua Minh khước từ.

Ngày 8/6/1395: Thái trung Đại phu Lê Tông Triệt, Triều nghi Đại phu Bùi Khinh dâng biểu và cống voi. Vua Minh nhận, thưởng khăn và đai cho quan sứ, thưởng tiền cho tùy tùng.

Ngày 19/3/1396: Thông phụng Đại phu Đào Toàn Kim (5), Thiếu trung Đại phu Nguyễn Ứng Long dâng biểu, cống sản vật địa phương. Vua Minh thưởng tiền.

Ngày 23/3/1396: Vua Minh từ chối phúng điếu Trần Thúc Minh (Nghệ tông) vì ông giết vua (Nhật Lễ) đoạt nước.

Trong quãng thời gian này, Toàn Thư ghi nhận tiếp xúc Minh – Việt như sau:

Cuối năm 1388: vua Minh sai Đỗ Tử Hiền mang sắc rồng sang phong, nhưng Linh Đức đã mất.

Năm 1395: nhà Minh sai Nhâm Hanh Thái sang đòi 5 vạn quân, 50 voi và 50 vạn thạch lương. Cuối năm lại sai sứ đòi cống nhà sư, phụ nữ xoa bóp, người hoạn.

Thái độ ngờ vực của vua Minh đối với An Nam khá rõ. Đoàn sứ tháng 12 năm 1389 hẳn có nhiệm vụ thăm dò thái độ Minh đế về vụ Linh Đức. Vua Minh nhận lễ, không nói gì. Nhưng chỉ 8 ngày sau ngài cho phép An Nam 3 năm cống một lần, có lẽ để dành thời gian điều tra sự thực. Năm 1390, vua Minh từ chối cống sứ An Nam thẳng thừng. Ngờ rằng phía Minh đã nắm được nội vụ. Vua Hồng Võ vốn ít thiện cảm với Nghệ tông vì vụ lật đổ Nhật Lễ không được tường trình rõ ràng, nay bồi thêm vụ giết Phế đế mà phía An Nam cố tình che dấu. Cùng giai đoạn, sứ đoàn Chiêm Thành vẫn tiến cống hàng năm với lễ vật trọng hậu, vài lần cống đến hai lượt mỗi năm. Khả năng giọt nước tràn ly là vụ Đại Việt sát hại Chế Bồng Nga, vị vua chư hầu có lúc rất được lòng Hồng Võ. Do La Ngai cướp ngôi nên không tường trình lên Minh đế sự việc Bồng Nga mất trong chiến trận, phải 3 năm sau vua Minh mới hiểu và mạnh tay cấm An Nam vào cống. Chế Bồng Nga qua đời làm đổ vỡ chính sách viễn giao cận công của thiên tử.

Ngoài bài “Tống hành nhân Đỗ Tùng Chu” có dấu hiệu làm từ thời trẻ, Ứng Long còn sáng tác 2 bài thơ tiễn sứ khác ghi nhận đối tượng có chức vụ cao hơn hành nhân. Một vị Ông gọi là Trung sứ, vị kia Ông ghi đầy đủ chức vụ Thái trung Đại phu. Trung sứ có nghĩa người đại diện tạm thời cho nhà vua thực hiện công việc nhất định. Thái trung Đại phu là chức quan thông thường.

Chúng ta xét bài “Tống Trung sứ Vũ Thích Chi” dưới đây:

送中使武適之

五色雲邊出使星,
凜然忠義照人明。
春臨梅驛霜蹄急,
雪霽淮潮玉節清。
天地北南雙眼闊,
山河夷險寸心平。
慇懃今日送君別,
杯酒難勝萬里情。

Tống Trung sứ Vũ Thích Chi

Ngũ sắc vân biên xuất sứ tinh,
Lẫm nhiên trung nghĩa chiếu nhân minh.
Xuân lâm Mai dịch (a) sương đề cấp,
Tuyết tễ Hoài triều (b) ngọc tiết thanh.
Thiên địa bắc nam song nhãn khoát,
Sơn hà di hiểm thốn tâm bình.
Ân cần kim nhật tống quân biệt,
Bôi tửu nan thăng vạn lý tình.

(a) Mai dịch: trạm dịch trên Mai lĩnh, tượng trưng các trạm sứ thần sẽ đi qua.

(b) Hoài thủy: sông Tần Hoài, một nhánh của Trường giang, chảy qua thành phố Kim Lăng.

Tiễn Trung sứ Vũ Thích Chi

Từ vầng mây ngũ sắc xuất hiện vị sứ thần đáng kính mộ,
Lòng trung nghĩa uy nghiêm chói sáng mắt người.
Xuân tới trạm Mai, tiếng vó ngựa trong sương gấp gáp,
Tuyết ngừng rơi trên sóng Tần Hoài, tiết ngọc sáng trong.
(Rong ruổi) khắp đất trời nam bắc mở mang tầm mắt,
Sông núi an hay nguy nhờ tấc lòng nhu hòa.
Ân cần tiễn biệt Ông hôm nay,
Một chén rượu không đủ bày tỏ mối tình muôn dặm.

Minh Thực lục không ghi nhận sứ thần An Nam nào mang họ Vũ trong khoảng 1380 – 1400. Chỉ có thể đoán chừng tác giả tiễn Vũ Trung sứ trong giai đoạn sau Phế Đế và trước chuyến đi của bản thân Ứng Long, tức quãng 1388 – 1396. Xác định mốc thời gian như thế vì Ông từng trần thuật sinh hoạt ở thôn quê khi ngoài 30 tuổi (sau 1385). Thời điểm này Nguyên Đán về hưu, nghi rằng mất sự bảo bọc nên Ứng Long bị loại khỏi công việc. Phải sau biến cố rất lớn như hạ bệ Đế Hiện (1388) hay ám sát Thái Úy Trần Ngạc (1391), Ứng Long mới có cơ hội quay lại triều đình vì nhân sự phải đổi chuyển phù hợp dưới thế lực mới Hồ Quý Ly. Cuối năm 1396 đầu 1397, Minh Thực lục chỉ chép việc sứ Minh sang An Nam đòi đất biên giới. Từ khi Minh Huệ đế lên ngôi năm 1398 đến lúc Yên vương Chu Lệ tấn công Nam kinh năm 1402, do nội bộ tương tranh, việc ngoại giao của nhà Minh bị gián đoạn.

Vũ Thích Chi nằm trong hai trường hợp, một là ông không phải chức sắc cao cấp nhất phái bộ nên phía Minh không ghi nhận; hai là ông đi sứ năm 1390, chuyến đi bị vua Thái tổ từ chối nên sử gia chưa kịp rõ tên sứ thần.

Toàn thể bài thơ đều mang tính xã giao, trừ câu 6. Ứng Long kín đáo thông tin tình hình ngoại giao căng thẳng, quan hệ tới hòa bình hay chiến tranh giữa hai thể chế. Ông xác định sự mềm dẻo, trọng hòa hợp có thể “hóa hiểm vi di”, biến nguy thành an. Nhẫn nhục chắc là chính sách phải chọn của triều Trần đang ở cuối quá trình sụp đổ.

Riêng lần tiễn Thái trung Đại phu Lê Dung Trai, bài thơ có các chi tiết giúp chúng ta xác định thời điểm đi sứ.

送太中大夫黎庸齋北行

黎家人物越邦香,
公也籃青出異常。
一郡生靈惟借寇,
九重使者重煩張。
匣中秋水清長路,
馬上春風聽異鄉。
早向南臺專對了,
經歸夔禹佐吾皇。

Tống thái trung đại phu Lê Dung Trai

bắc hành

Lê gia nhân vật Việt bang hương,
Công dã lam thanh xuất dị thường.
Nhất quận sinh linh duy tá Khấu (a),
Cửu trùng sứ giả trọng phiền Trương (b).
Hạp trung thu thuỷ (c) thanh trường lộ,
Mã thượng xuân phong thính dị hương.
Tảo hướng Nam Đài (d) chuyên đối liễu,
Kinh qui Quỳ, Vũ (e) tá ngô hoàng.

(a) Khấu: Khấu Tuân, một trong 28 công thần của Hán Quang Vũ đế (5 TCN – 37) được vẽ hình treo trong Vân đài do có công phò vua tái lập nhà Hán (Đông Hán). Ông từng làm quan cai trị Dĩnh Xuyên, khi vua điều chuyển đi nơi khác, dân địa phương xin vua cho ông ở lại thêm một năm.

(b) Trương: Trương Khiên (164 TCN – 114 TCN): sứ giả nhà Tây Hán, rất thành công ở Tây Vực, có đóng góp lớn trong việc xác lập con đường tơ lụa.

(c) Hạp trung thu thủy: chỉ thanh gươm sứ giả mang theo, ám chỉ tài năng của Dung Trai.

(d) Nam Đài: Kim Lăng, kinh đô nhà Minh.

(e) Quỳ, Vũ: Quỳ là nhạc quan, chịu trách nhiệm giáo hóa; Vũ chịu trách nhiệm trị thủy. Cả hai đều là bầy tôi hiền của vua Thuấn.

Tiễn Thái trung Đại phu Lê Dung Trai đi sứ phương bắc

Nhân vật họ Lê là hương thơm nước Việt,
Ông nổi bật khác thường trong giới văn học.
(Biết rằng) Dân trong quận chỉ nương nhờ vào họ Khấu,
(Nhưng để xứng đáng) Sứ giả của cửu trùng lại phải phiền họ Trương.
Nước mùa thu trong hộp thanh tẩy đường trường,
Trên lưng ngựa đạp gió xuân thăm dò đất khách.
Sớm đến Nam Đài chu toàn việc chuyên đối,
Khi trở về đem tài năng Quỳ, Vũ phò tá vua ta.

Lê Dung Trai có phải Lê Tông Triệt, người hiện diện tại triều đình Nam Kinh ngày 8/6/1395? Nhiều chỉ dấu chứng tỏ hai người là một. Một mặt, cả hai cùng chức Thái trung Đại phu. Mặt khác, xét chữ “trọng 重” trong câu 4 với nghĩa “lại lần nữa” ta hiểu cụ Lê từng đi sứ trước đó. Minh Thực lục xác nhận đúng như vậy: Tông Triệt và Bùi Khinh từng dâng biểu, cống voi lên vua Minh ngày 5/6/1384. Cuối cùng, cụ Lê lên đường vào mùa Xuân, có lẽ vừa sau Tết Nguyên đán, nên đến Nam Kinh vào tháng 5, tháng 6 là phù hợp.

Người Minh đang có kế hoạch bình định Long châu (nay thuộc Quảng Tây), cần hỗ trợ quân, lương, voi từ Đại Việt nên tiếp phái bộ tử tế. Tông Triệt khởi hành sau khi Nghệ tông băng, nhưng dường như thông tin chưa được truyền đạt đến vua Minh nhân lần bệ kiến này. Nếu Ứng Long cho rằng chuyến đi Vũ Thích Chi cốt yếu ở chữ “bình 平”, nhu hòa; thì tinh thần chuyến đi Lê Tông Triệt nằm ở chữ “thính 聽”, thăm dò. Ngoài bàn bạc về đóng góp vào việc động binh, hẳn sứ giả phải nghe ngóng, đánh giá thái độ của Hồng Võ đối với triều đình Đại Việt sau thời gian cấm triều cống. Cụ Lê dọn đường cho phái đoàn Toàn Kim – Ứng Long sang thông báo tin buồn Nghệ tông. Chuyển dịch quyền lực tại phương Nam luôn là sự kiện quan trọng đối với Trung nguyên, họ vẫn thường lợi dụng thời điểm tế nhị để khởi xướng chiến tranh.

Chúng ta hãy xem xét tâm tình Ứng Long trong chuyến hành trình đầy lo âu dưới đây.

中秋感事

金波自海漫空流,
河漢微雲淡淡收。
雨後池臺多貯月,
客中情緒下勝秋。
願憑天上清光夜,
遍照人間疾苦愁。
長使國家多暇日,
五湖歸夢到扁舟。

Trung thu cảm sự

Kim ba tự hải mạn không lưu,
Hà Hán vi vân đạm đạm thu.
Vũ hậu trì đài đa trữ nguyệt,
Khách trung tình tự bất thăng thu.
Nguyện bằng thiên thượng thanh quang dạ,
Biến chiếu nhân gian tật khổ sầu.
Trường sử quốc gia đa hạ nhật,
Ngũ hồ quy mộng đáo biên chu.

Trung thu, cảm xúc trước sự việc

Sóng vàng như nước biển chảy tràn thinh không,
Bầu trời chỉ vài cụm mây nhỏ, sắc thu lành lạnh.
Sau mưa, đài trên hồ chất chứa ánh trăng,
Nơi đất khách, tình thu khôn xiết !
Muốn bay vào đêm trong sáng trên trời cao.
(Để) Soi thấu mọi khổ đau nhân thế.
Khiến nước nhà mãi được những ngày thanh nhàn,
(Khi đó) chiếc thuyền con mới tới giấc mộng quay về Năm hồ.

Lần đầu tiên được trọng dụng lại đảm nhiệm trách vụ gay cấn, Ứng Long ra đi khi lệnh cấm triều cống chưa dỡ bỏ chính thức. Báo tin vị quân chủ cầm quyền 24 năm tại Đại Việt qua đời trong lúc quân Minh hoạt động gần biên giới là công việc gợi bất an cho bất cứ sứ thần nào.

Ứng Long đặt chân đến Nam Kinh trước Tết nên thời điểm khởi hành vào mùa thu là thích đáng. Khác với hoa lá, tiếng gió, tiếng chim và “trì đài” chỉ có trong tranh phương Nam, quang cảnh tráng lệ bên kia biên giới mồn một những đài cao trên hồ giữa mùa thu cận ôn đới. Có thể Ứng Long cùng phái bộ đang ngụ tại một đình quán dùng để tiếp sứ đoàn thập phương. Tính theo thời gian, địa điểm sẽ nằm ở Quảng Tây, liền ranh giới Đại Việt.

Chàng trai quê xem Thăng Long luôn là đất khách nay mới nếm trải “đất khách” thực sự như thế nào. Cảm thán thân phận cá nhân nhường chỗ cho lời nguyện cầu chung cho nhân gian và triều đại. Suy nghĩ vượt khỏi cái tôi phản chiếu tầng nấc xã hội của tác giả, nhà thơ từ địa vị “quan lang” vươn lên “đại phu” nên ưu tư phải tải thêm vận mệnh nước nhà. Cá tính Ứng Long không dễ bắt kịp sự đảo điên trong quan hệ giữa hai bên. Sử Việt ghi rằng Nhâm Hanh Thái đòi 80 vạn thạch lương, 5 vạn quân và 50 voi. Minh Thực lục chỉ chép duy nhất yêu sách về gạo. Phải chăng lính và voi là vòi vĩnh riêng từ họ Nhâm? Sau cùng, Đại Việt chỉ cung ứng 20 vạn thạch lương đến động Bằng Tường kèm 1.000 lạng vàng, 20.000 lạng bạc. Do đầu lĩnh giặc sớm đầu phục nên vua Minh chỉ nhận lương, trả lại vàng bạc. Hanh Thái bị kỷ luật khi quay về bởi tội mua riêng người man làm nô lệ. Chưa chắc nguyên nhân đó chuẩn xác vì hành tung họ Nhâm rất kỳ lạ, chính ông ta khuyên Đại Việt đừng đưa người đến để tránh bị bắt cóc. Như vậy, đòi hỏi về binh tượng chỉ là mánh khóe làm tiền của Thái. Toàn Kim – Ứng Long ngoài nhiệm vụ báo tang hẳn phải tổng kết tình hình hỗ trợ chiến dịch của Đại Việt lên vua Minh. Không rõ lòng tự tín của Nhị Khê đến đâu nhưng cầu nguyện và cảm thấy mình như chiếc thuyền con hé lộ mặc cảm nhỏ bé.

Hai bài thơ mùa thu dưới đây nhấn mạnh địa điểm Nam hoặc Bắc khơi gợi người đọc xếp chúng vào cụm thơ đi sứ.

中秋玩月有懷

匆匆客裡又中秋,
月自風清獨自愁。
遙望故人襟韻在,
騷魂幾度繞南樓。

Trung thu ngoạn nguyệt hữu hoài

Thông thông khách lý hựu trung thu,
Nguyệt tự phong thanh độc tự sầu.
Dao vọng cố nhân khâm vận tại,
Tao hồn kỷ độ nhiễu Nam Lâu (a).

(a) Nam Lâu: một tòa lầu ở Ngạc châu (nay thuộc thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc), nơi Dữu Lượng (289 – 340) cảm nhận hứng nhàn của Lão Tử. Tại đây, ông cùng thân hữu uống rượu, ngắm trăng, đàm đạo thâu đêm. Về sau, Nam Lâu thường được các nhà thơ dùng chỉ địa điểm hội họp, tiệc tùng, nghe nhạc và thưởng trăng vào mùa thu.

Trung thu, ngắm trăng chợt nhớ…

Vội vàng nơi đất khách nay lại đến trung thu.
Trăng tự sáng rỡ, mình tự buồn.
(Muốn) viếng cố nhân xa xôi, thơ lòng không gửi được,
(Chỉ còn cách để) Hồn thơ mấy bận lượn quanh lầu Nam.

Ứng Long đặc biệt mẫn cảm với mùa thu. Trong gần 80 bài văn-thơ sưu tập được, chủ đề mùa thu chiếm 13 đơn vị. Cố nhân ở đây nhiều khả năng là Nguyễn Hán Anh, người em đồng hao. Từ thời trẻ, hai vị đã tương đắc qua rượu, cúc, thơ và thu.

Mùa thu tha hương này rất đặc biệt đối với Ứng Long. Ông được giao nhiệm vụ báo tin con người hủy hoại cuộc đời mình vừa tạ thế. Chính cái chết của Đế Hiện, Trần Ngạc đặc biệt là Nghệ tông đã khai mở cánh cửa cho sự tiến thân trễ muộn. Nói cách khác, Ông vươn lên ngược chiều đà đổ nát của quyền lực Trần. “Sầu” quốc tang và “hận” bạc đãi cũng trớ trêu như nhà nghèo lấy vợ phú quý, tiến sĩ làm thuộc lại hay tình cảnh ở quê mộng chức cao….

秋夜

新愁舊恨撥難平,
南北情懷夢亦驚。
月色無人更無賴,
秋來夜夜總關情。

Thu dạ

Tân sầu cựu hận bát nan bình,
Nam bắc tình hoài mộng diệc kinh.
Nguyệt sắc vô nhân cánh vô lại,
Thu lai dạ dạ tổng quan tình.

Đêm thu

Khó đè nén cả sầu mới lẫn hận xưa,
Ôm ấp tình kẻ bắc người nam, trong mộng vẫn xúc động.
Thiếu người, vẻ trăng đẹp chẳng ích gì,
Mùa thu đến, đêm nào cũng bận lòng.

Nếu bài trước nhắc bạn, bài này đượm tình gia đình. Ý nghĩ thế kỷ XIV đã có đặc tính “trăng phương nam tròn hơn trăng phương bắc”.

Phái bộ đến Kim Lăng trước Tết nhưng chưa được sắp xếp lịch triều kiến. Đêm trừ tịch, nhóm người An Nam quây quần uống rượu với nhau:

除夜用杜老韻,諸君席上同作

客中送臘虎亭家,
殘雪猶飄六出花。
天地冬春庭外草,
光陰昏曉樹間鴉。
燈因守歲常常續,
酒為消愁數數賒。
萬事細思看鬢髮,
平明梳洗向東華。

Trừ d dng Đ lão vn,

chư quân tch thượng đng tác

Khách trung tống lạp hổ đình gia,
Tàn tuyết do phiêu lục xuất hoa.
Thiên địa đông xuân đình ngoại thảo,
Quang âm hôn hiểu thụ gian nha.
Đăng nhân thủ tuế thường thường tục,
Tửu vị tiêu sầu sác sác xa.
Vạn sự tế tư khan mấn phát,
Bình minh sơ tẩy hướng Đông Hoa.

Đêm ba mươi Tết dùng vn ca Đ Ph, cùng các bn trong tic làm thơ

Trên đất khách, lễ tất niên ở nhà hổ đình,
Tuyết tàn còn rơi hoa sáu cánh.
Nhìn cỏ ngoài sân biết trời đông hay xuân,
Thấy quạ trong cây đoán trời sáng hoặc tối.
Nhân tiễn năm cũ, đèn luôn châm dầu,
Vì muốn tiêu sầu, rượu thường gọi mãi.
Trông đám tóc mai biết mọi sự đều suy tính kỹ,
Bình minh, chải gội, hướng đến cửa Đông Hoa.

Nhà trang trí tượng hổ có lẽ là nơi dành cho sứ thần phiên man, kiến trúc lạ lẫm đồ sộ gây ấn tượng nhất định cho nhà thơ. Ứng Long vẫn thường tả tuyết ở đồng bằng sông Hồng, loại tuyết mơ hồ không hình dạng vốn thiên về cảm xúc hơn thực tế. Giờ đây, Ông nhìn rõ sáu cánh của nụ hoa thật. Chi tiết này khẳng định đoàn người đang ở đất Bắc. Thay đổi lớn về vĩ độ khiến tri giác thời gian như mụ mẫm. Thơ thù tạc hay vịnh phong cảnh hương xa hoàn toàn vắng bóng trong di sản văn chương của Nguyễn phó sứ. Dường như, Đại Minh vẫn cung cấp phương tiện di chuyển, nơi ăn chốn ở xứng đáng cho phái bộ nhưng không cử người đặc biệt quan tâm, thù tiếp. Dù Đại Việt có hỗ trợ Minh triều chút lương thảo giúp đạo quân bình định vùng cực nam nhưng như vậy chưa đủ biến quan hệ trở nên bình thường. Thái độ lãnh đạm, thời gian chờ đợi lâu khiến tinh thần quan sứ càng căng thẳng. Con người cực nhạy cảm đó đã uống quá nhiều rượu. Sáng mồng một, nhóm quan lại An Nam đến cửa Đông Hoa để vào thành chúc Tết hoàng đế nhà Minh theo tục lệ bấy giờ.

Phái bộ chỉ triều kiến chính thức ngày 19/3/1396. Bốn ngày sau, Minh Thái tổ thông báo từ chối phúng viếng Thúc Minh. Ứng Long tiến thêm một bước trên quá trình thất bại của đời mình. Thất bại có lẽ là lớn nên cả Toàn Thư lẫn gia phả đều không nhắc đến sự kiện cụ Nguyễn đi sứ. Thơ ca riêng của Ông cũng không lưu lại rõ ràng về chuyến đi. Thật dễ hiểu vì không ai muốn gợi nhắc điều cay đắng. Mọi việc như chưa xảy ra bao giờ.

Tệ hơn nữa, cuối năm 1396 đã thấy sứ Minh sang đòi một số động vùng biên. Nhà chính trị lão luyện Chu Nguyên Chương suy đoán chính xác rối loạn chính trị sau khoảng trống quyền lực Nghệ tông. May mắn, Minh Thái tổ lâm bệnh rồi qua đời. Tranh chấp quyền lực giữa Kiến Văn và Chu Đệ tạo thời gian lý tưởng cho Hồ Quý Ly thực hiện kế hoạch ấp ủ từ lâu. Sự phủ nhận của Hồng Võ đối với Nghệ tông là quả đấm cuối cùng giáng vào thế lực họ Trần đang hấp hối.

THỜI GIAN RỖI VIỆC TRƯỚC KHI NHÀ HỒ THÀNH LẬP

Triều đình mạt Trần, thực chất là Hồ Quý Ly, đã tạo điều kiện cho con người kiêu hãnh Ứng Long thể hiện năng lực. Tiếc thay, nhà thơ sứ Bắc khi sức mạnh Đại Việt vào buổi cuối mùa, tiếng nói vương triều không được vua trời để ý lắng nghe nữa. Hoàng đế vĩ đại Hồng Võ có kế hoạch khác mà con ông sau này khởi sự thực hiện vào năm 1406. Có vẻ Ứng Long trở về trong sự thất vọng của mọi người.

Bài thơ dưới đây bắt đầu nhắc đến trọng lượng của tuổi tác.

村居

松筠三徑在,
歲晚薄言歸。
把酒看秋色,
攜筇步夕暉。
雲空山月出,
天闊塞鴻飛。
忽聽昏鐘報,
呼童掩竹扉。

Thôn cư

Tùng quân tam kính tại,
Tuế vãn bạc ngôn quy.
Bả tửu khan thu sắc,
Huề cùng bộ tịch huy.
Vân không sơn nguyệt xuất,
Thiên khoát tái hồng phi.
Hốt thính hôn chung báo,
Hô đồng yểm trúc phi.

Ở quê

Ba luống tùng trúc vẫn còn,
Tuổi già hãy tính chuyện quay về.
Cầm chung rượu ngắm màu thu,
Chống gậy dạo dưới ánh chiều.
Mây tan, trăng nhô trên núi,
Trời rộng, ngoài ải hồng bay.
Chợt nghe chuông tối điểm,
Gọi trẻ hầu khép cửa tre.

Chúng tôi dựa vào khẩu khí bài thơ và hai chữ “tuế vãn”, tuổi già, để suy đoán thời điểm sáng tác là sau khi hoàn tất chuyến đi sứ. Ngôi nhà Ông đang trú không phải nhà cạnh phủ tướng ở Đông đô, cũng không phải nhà cạnh chùa ở Nhị Khê. Nhiều khả năng đây là nhà tạm tại ngoại thành Tây Đô vì Ứng Long thấy trăng nhô lên sau rặng núi. Ứng Long tuyệt hẳn thói quen ngậm ngùi bực tức bởi lạc nhịp công danh như những lần “thôn cư” thời trẻ. Ông đã có cơ hội mà không chứng tỏ tài năng gì đặc biệt ngoài tài văn với đồng liêu, đồng chí. Theo phong tục xưa, 50 tuổi được vinh dự lên lão. Khi đó, Ông khoảng 43 tuổi ta. Nếu thành công, tuổi ấy khá trẻ; ngược lại, số tuổi này dễ thành gánh nặng vì cơ hội làm lại từ đầu xem như cực hiếm hoi. Bài thơ không thể xếp vào giai đoạn sáng tác thời Hồ vì Phi Khanh mang thần thái hoan hỉ, hoàn toàn khác với Ứng Long. Rìu búa sau đó đã giáng xuống viên phó sứ không tròn nhiệm vụ. Theo tinh thần bài thơ dưới đây, Ông bị bãi chức.

偶作

自詫平生履素絲,
文章無分敢論時。
展禽焉往非三黜,
章子誰云惰四肢。
老即田園真事業,
心無暮夜愧妻兒。
乾坤形著皆吾道,
飛躍高深可遂宜。

Ngẫu tác

Tự sá bình sinh lý tố ti,
Văn chương vô phận cảm luân thì.
Triển Cầm yên vãng phi tam truất,
Chương Tử thuỳ vân nọa tứ chi.
Lão tức điền viên chân sự nghiệp,
Tâm vô mộ dạ quí thê nhi.
Càn khôn hình trước giai ngô đạo,
Phi dược cao thâm khả toại nghi.

Ngẫu nhiên làm thơ

Tự hào suốt đời đi trên tơ trắng,
Không có duyên phận với văn chương sao dám bàn luận thế thời?
Triển Cầm đến nơi nào chẳng bị ba lần bãi chức !
Ai nói rằng Chương Tử luôn uể oải tứ chi?
Về già, ruộng vườn mới là sự nghiệp thật.
Đêm khuya, lòng không thẹn với vợ con.
Biểu hiện trong trời đất đều tuân theo đạo ta,
Chim cá đều có thể bay nhảy thoả thích.

Vấn đề cũng không thuần túy việc bị bãi chức. Tâm tình bối rối của nhà thơ thể hiện qua nhiều điển tích, một phần để biện minh trước lời chiêu dụ Ông không tiện nói ra, một phần bài bác lời ra tiếng vào, phần khác nữa bộc lộ thái độ trung dung trước tương lai bất định. Dưới đây xin cố gắng giải thích những điều Ứng Long muốn nói.

Lý tố ti, đi trên tơ trắng: lấy ý từ quẻ Lý, kinh Dịch, bày tỏ sự thận trọng, đúng mực trong hành xử.

Triển Cầm (720 TCN – 621 TCN): người đất Liễu Hạ nước Lỗ, khi mất có thụy là Huệ nên đời sau còn gọi là Liễu Hạ Huệ. Ông làm Sĩ Sư, ba lần bị truất. Mạnh Tử khen ông “Tấn bất ẩn hiền tất dĩ kỳ đạo dĩ dật nhi bất oán ách cùng nhi bất mẫn 進不隱賢 必以其道遺佚而不怨阨窮而不憫” (a), Khi tiến, không dấu tài lành, đem đạo lý ra thi hành; khi lui về không oán hận ai; khi cùng khổ không lo rầu.

Chương Tử: Khuông Chương, người nước Tề, nổi danh là bất hiếu. Do Mạnh Tử (372 TCN – 288 TCN) vẫn giao du và kính trọng ông nên bị học trò chất vấn. Mạnh Tử bênh vực Chương bằng lập luận gồm năm điểm, mỗi điểm thể hiện một hành vi bất hiếu mà ông không phạm phải. Điểm thứ nhất là “Nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhất bất hiếu dã 惰其四肢,不顧父母之養, 一不孝也” (b),Tay chân uể oải, không đoái hoài nuôi nấng cha mẹ, là một điều bất hiếu vậy !

(a)(b) Phần chữ Hán trích từ tập Mạnh Tử, trang 112 & 64, Tứ Thư (trọn bộ 4 tập), Nhà xuất bản Thuận Hóa (2013), của dịch giả Đoàn Trung Còn. Phiên âm, dịch nghĩa tham chiếu tài liệu này, có điều chỉnh phù hợp với ngôn ngữ hiện thời.

Phi dược, bay nhảy: mượn chữ từ bài ca Hạn Lộc, Văn Vương chi thập, Đại Nhã, Kinh Thi “Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên 鳶飛戾天,魚躍于淵”. Hai câu này được sách Trung Dung sử dụng để giải thích tính phổ quát của đạo.

Thời trẻ, Ứng Long cho rằng hoạn lộ gian nan bởi dèm pha của tha nhân. Bây giờ Ông qui trách nhiệm cho số mệnh. Ông ngưng trách người để chuyển sang đối tượng mới là “phận”. Kẻ bình sinh đi trên tơ trắng dĩ nhiên không lỗi lầm gì. Ngày xưa, bị từ chối bổ dụng, Ông khóc; bây giờ mất chức, Ông trở nên minh triết: tự thỏa lòng với mệnh.

Có lẽ Ông hiểu bản thân chỉ là nạn nhân của chính sách dùng Chiêm Thành làm suy yếu Giao Chỉ chủ trương bởi Minh đế. Đại Việt đã tận tâm phụng sự thiên triều. Lương thực, nhân lực, vật hiếm quý… đều được cung ứng mỗi khi có yêu sách từ phương Bắc. Thậm chí dưới thời Hồ, Quý Ly phải cắt một phần đất vùng biên cho nhà Minh để tránh chiến tranh. Tất cả nhân nhượng đều không làm thay đổi kế hoạch người Minh dự định từ trước.

Câu 2 và câu 3 cung cấp manh mối nhỏ về thời điểm sáng tác. Một là, triều đình đang nhộn nhạo, đặc biệt do việc dời đô, khiến quan liêu bàn tán thời sự nhiều. Hai là có người hỏi Ông sao cứ mãi trung thành với vua Trần dù thường bị xử thiếu công bình. Thời điểm sau khi đi sứ và trước khi Hồ Quý Ly bức vua Thuận tông nhường ngôi cho hoàng tử An là khoảng năm 1397 và đầu năm 1398. Hẳn có người thăm dò Ứng Long về việc chọn phe giữa Trần và Hồ.

Câu 4 nói về đạo hiếu. Có thể vào Tây đô làm quan khiến Ứng Long xa cách mẹ cha lúc đó đã rất già nên bị đàm tiếu, nhưng câu thơ cũng hàm ý ứng xử ngay thẳng ắt trước sau gì mọi người cũng hiểu cho. Ông dự định né tránh thế tiến thoái lưỡng nan bằng cách chọn nghiệp ruộng vườn. Chính thất của Ông người họ Trần, đó là điểm nan giải nếu Ông có quyền chọn lựa. Theo Hồ, Ông thẹn với vợ con.

Bị bãi chức nhưng vẫn thấy Ông hiện diện trong sinh hoạt của nhóm quan viên tòa Trung Thư. Bài bát cú buồn bã dưới đây, được làm trong một buổi tiệc, nhẹ nhàng so sánh mình với nhà thơ bị biếm truất lừng danh: Khuất Nguyên.

暮秋

歲晚天寒客易悲,
騷人何必怨江蘺。
西風籬落菊殘後,
夜雨湖山雁斷時。
老景逼人侵亹亹,
秋光戀我去遲遲。
薇垣清夢頭將白,
正恐蓴鱸每負期。

Mộ thu

Tuế vãn thiên hàn khách dị bi,
Tao nhân hà tất oán giang ly.
Tây phong ly lạc cúc tàn hậu,
Dạ vũ hồ sơn nhạn đoạn thì.
Lão cảnh bức nhân xâm vỉ vỉ,
Thu quang luyến ngã khứ trì trì.
Vi viên thanh mộng đầu tương bạch,
Chính khủng thuần lư mỗi phụ kỳ.

Cuối thu

Trời cuối năm giá lạnh khiến khách dễ buồn rầu,
Nhà thơ cần chi phải oán giận cỏ Giang ly.
Vừa khi gió tây thổi hoa cúc tàn bên bờ giậu,
(Thì) Chim nhạn mất hút trong mưa đêm giữa núi hồ.
Cảnh già thúc bách người xồng xộc tới gần,
Ánh thu lưu luyến ta trôi đi chầm chậm.
Xong giấc mộng Vi viên đầu sắp bạc,
Chính là lúc sợ lỗi hẹn mãi với "cá vược rau thuần".

Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN) bị vua Sở bãi chức, buồn rầu viết thiên Ly Tao trong đó có câu: “Hỗ giang ly dữ tích chỉ hề 扈江離與辟芷兮”, đeo cỏ giang ly và tích chỉ hề. Giang ly và tích chỉ là tên gọi các loại cỏ thơm. Theo ông, nếu vua hiền thì cỏ thơm mọc đúng chỗ, tức người tài được sử dụng xứng đáng. Ứng Long chấp nhận việc cỏ thơm mọc nhầm nơi, không oán hận gì. Thời điểm nhà thơ gần xong giấc mộng Vi viên cũng là lúc vua Thuận tông đang bất lực trước vận mệnh của chính mình.

Ứng Long nhắc đến “Vi viên” chứng tỏ tác phẩm được viết ra vào những năm cuối Trần khi Ông làm việc tại tòa Tử Vi. Thời Hồ, theo bố trí của vua mới, Ông rời sảnh Trung Thư chuyển sang Viện Hàn Lâm với chức Hàn Lâm học sĩ và sau đó là Đại Lý Tự với chức Đại Lý Tự khanh.

Mùa thu chứ không phải án kỷ luật mang nỗi buồn đến. Ứng Long mất chức nhưng chưa đến nỗi phải rời quan trường. Có thể khi đó, Hồ Quý Ly chỉ quan tâm đến việc trừ khử Thuận tông, còn bản thân nhà vua chưa tìm ra cách nào để sống. Chẳng ai chú ý đến đám văn quan ngóng chờ chiều gió.

Do tranh chấp quyền lực thượng tầng, việc quản lý quan lại phụ trách hành chánh dường như bị buông lơi. Chúng ta thấy năm 1399, Ứng Long tránh xa rối rắm trong triều bằng cách theo đuổi thú nhàn ngay giữa đô thành.

城西大隐廬口占

宦途四十五年身

城巿戲為大隐民

竹石安排詩好景

鳥花團占酒佳賓

衡門自有安心樂

聖世何憂抱道貧

誰道趨时吾計拙

一閒風味儘吾仁

Thành tây đại ẩn lư khẩu chiếm (6)

Hoạn đồ tứ thập ngũ niên thân,

Thành thị huy vi đại ẩn dân.

Trúc thạch an bài thi hảo cảnh,

Điểu hoa đoàn chiếm tửu giai tân.

Hoành môn tự hữu an tâm lạc,

Thánh thế hà ưu bão đạo bần.

Thùy đạo xu thời ngô kế chuyết,

Nhất nhàn phong vị tận ngô nhân.

Nơi nhà Đại ẩn phía tây thành, buộc miệng làm thơ

Thân bốn mươi lăm tuổi còn trên đường quan,
Giữa chốn thị thành vui làm người dân đại ẩn.
Bài trí tre, đá: cảnh đẹp cho thơ,
Chiếm trọn chim, hoa: rượu là khách quý.
Trong cánh cửa quê mùa, tự có niềm vui của “tâm an”,
Giữa đời vua thánh cần chi phải lo cái nghèo do “ôm đạo”.
Ai bảo mình tính kế vụng về nên không hợp thời?
Phong vị nhàn chính là cái thiện lương hết mực của ta.

Năm này, Quý Ly cưỡng bức Thuận tông đi tu Đạo giáo, dời ra ở quán Ngọc Thanh (Quảng Ninh nay), sau đó sai người ám hại. Nhóm quan tướng trung thành Trần Hãng, Trần Khát Chân phản ứng, mưu sát họ Hồ tại hội thề Đốn Sơn (Thanh Hóa nay) nhưng thất bại, bị truy sát trên 370 người. Sau sự biến, Quý Ly tự xưng Quốc Tổ Chương Hoàng, Hán Thương xưng Nhiếp thái phó, Nguyên Trừng được chức Tư Đồ. Vấn đề quan trọng của quan lại thời điểm ấy rõ rệt là việc chọn phe nào giữa Hồ và Trần. Quyền thế mới vun trồng nhóm xu thời mới, riêng Ứng Long vì hoàn cảnh đặc biệt nên khó dứt khoát chọn phe nào. Bài thơ trên đây cho thấy xu thế ngả về họ Hồ của Ứng Long không hình thành trong một sớm một chiều, qua một định ngữ nho gia thường dùng để chỉ triều đại mình phục vụ, Ông khẳng định triều Trần vẫn là “thánh thế”.

Tuy vậy, dường như do “ngồi chơi xơi nước” nên cảm giác bị bỏ quên nổi lên khi Ông rụt rè dâng thơ mừng vị Trung Thư Thị lang nhà Hồ, người phụ trách tổ chức hệ thống quan lại dưới tân triều Đại Ngu. Qua bài “Hạ Trung Thư Thị lang”, Mừng quan Thị lang tòa Trung Thư, tác giả tự cho mình là vật bị vứt đi đồng thời khẩn khoản ngỏ ý xin tái dụng.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Lê Tư