“Mục đích của hội thảo trước nhất là vì học thuật. Chúng tôi không có mục đích chính trị, không phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào […], càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.”
— Giáo sư Vũ Tường, Đại học Oregon
[Kỳ 2 & hết]
Vào hai ngày 17 và 18 tháng 10 vừa qua tại Đại học Tiểu bang California, Berkeley đã diễn ra cuộc hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc của Miền Nam Việt Nam trong 20 năm từ 1955 đến 1975, qua hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà. Cuộc hội thảo do Center for Southeast Asia Studies và Journal of Vietnamese Studies thuộc UCB tổ chức, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư khoa Sử Peter Zinoman, phối hợp với một số học giả đến từ các tiểu bang khác và Canada, trong đó có một số giáo sư trẻ gốc Việt. Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về kinh nghiệm xây dựng quốc gia của VNCH đã được thảo luận, bao gồm không chỉ cuộc chiến và quân sự mà còn cả các lãnh vực khác như văn hoá, xã hội, kinh tế, giáo dục tới các sinh hoạt văn học nghệ thuật và truyền thông và dân sự.
Mời độc giả theo giõi tiếp:
Hội thảo Ngày 2:
An ninh và Quân sự; Xã hội và Văn học Nghệ thuật;
và Đời sống Dân sự trong Thời chiến
Một điều tôi cảm thấy thú vị, và ấm lòng, là qua ngày thứ hai và cuối cùng này, hầu như mọi người, diễn giả và khán giả, gồm các thân hữu của các thuyết trình viên, vài người trong giới báo chí, và một số bạn trẻ và sinh viên quan tâm, như đã quen nhau từ lâu, chứ không phải chỉ mới gặp và quen nhau ngày hôm trước. Không khí đại học — nơi mọi khác biệt hình như bị xoá mờ, nơi mọi người thoải mái trao đổi mà không ngại bị phán đoán, nơi những người trẻ hay không còn trẻ trở lại với sách đèn trong khi xây đủ các thứ mộng cho tương lai – như bao bọc lấy chúng tôi.
Ngày thứ hai của hội thảo mở đầu bằng bài thuyết trình của Ông Trần Minh Công, cựu đại tá chỉ huy trưởng Học viện Cảnh sát Quốc gia thời Đệ nhị Cộng hoà, chia sẻ kinh nghiệm và những thách thức trong việc gìn giữ an ninh trật trong một xã hội thời chiến.
“Cảnh sát tại Việt Nam phải đảm nhận một vai trò hết sức khó khăn,” Ông Công tâm sự. “Ngoài những trách nhiệm bình thường của một cơ quan công lực, như bảo vệ an toàn và tài sản của người dân, cảnh sát Việt Nam phải đối phó với một cuộc chiến tranh du kích, chiến đấu như một người lính. Đối phó với chiến tranh du kích không phải là một việc dễ dàng. Rất khó để đánh những người trông giống y như mình, trà trộn vào sinh hoạt của mình, nhất là khi mình phải thượng tôn pháp luật, phải cân nhắc nhiều giữa lằn ranh của tội phạm và tự do ngôn luận.”
Trên, hình bên trái, Giáo sư Peter Zinoman, đồng chủ toạ chương trình Hội thảo Kiến quốc, đặt câu hói với các diễn giả Bùi Quyền và Trần Minh Công, hình bên phải, trong phần chủ đề An ninh và Quân sự. Ngồi bên phải ông là phu nhân của ông, Tiến sĩ Nguyễn Nguyệt Cầm, nhà văn Nhã Ca và nhà báo Bùi Văn Phú. (Ảnh TD)
Đấy là bối cảnh của công cuộc giữ gìn an ninh hậu phương. Nối tiếp là phần trình bầy của cựu Trung tá Quân lực VNCH với 16 năm trong quân ngũ tiếp theo với 13 năm tù cộng sản, Ông Bùi Quyền, 79 tuổi, đến từ San Jose, nói về “Quan điểm của một Quân nhân Tiền tuyến.” Giới hạn trong 20 phút, nhưng ông Quyền cũng đưa khán giả đi một vòng lược sử của quân đội VNCH qua hai thời Đệ nhất và nhị Cộng hoà, từ thành hình, tổ chức, phát triển các binh chủng thủy lục không quân và các lực lượng địa phương, các ưu và khuyết điểm, những thách thức của chiến tranh tâm lý và chiến dịch bình định nông thôn, Việt Nam hoá chiến tranh, và nhiều các lãnh vực quân sự khác. Ông ghi nhận những ưu điểm của quân VNCH, như ký giả Vũ Thanh Thủy đã chia sẻ trong bài nói chuyện hôm trước bằng chính kinh nghiệm của một phóng viên chiến trường, đó là “tinh thần quân đội nói chung rất cao,” và “cấp chỉ huy cũng như binh sĩ, qua thực hành, học hỏi được rất nhiều về cách đánh trong chiến tranh quy ước với đủ loại chiến cụ tối tân lúc đó (và) họ đã sử dụng kiến thức này trong trận đánh mùa Hè năm 1972 tại An Lộc, Kontum và Quảng Trị.”
Tuy nhiên, ông Quyền nêu lên một khuyết điểm trầm trọng của VNCH, đó là sự thiếu sót một quốc sách sau khi Hoa kỳ rút quân. “Sau hiệp định đình chiến ở Paris trong đó có nhiều điều khoản bất lợi cho VNCH và nhất là sự kiện Trung Cộng chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa (1974) và quốc gia đồng minh là đệ thất hạm đội HK hiện diện gần đấy, không những chỉ làm khán giả đứng ngoài xem mà còn không cứu vớt các thủy thủ HQ/VN đang loi ngoi bơi trên biển,” Ông Quyền nói. “Tất cả sự kiện trên đều thể hiện rõ sự phủi tay của người đồng minh cũ, không còn muốn dính líu vào số phận của VNCH nữa. Đáng lẽ vị lãnh đạo đất nước phải trù hoạch kế sách tự lực tự tồn cho đất nước, song có lẽ quá tin vào lời cam kết của Nixon qua những lá thư riêng của ông này nên vị lãnh đạo quên rằng khi CS miền Bắc tung hết quân xâm lăng, sự thiếu chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn hay phản công, thiếu đạn dược săng nhớt và phối trí đơn vị hợp lý ở các khu vực mang đặc điểm riêng của mỗi vùng chiến thuật sẽ dễ dẫn đến thảm bại và mất nước.”
Ngắm vẻ khắc khổ chịu đựng của người quân nhân và cựu tù nhân chính trị, người dự khán cũng không ngăn được xúc động cảm thương cho cả một thế hệ đầy nhiệt tâm một thời muốn xây dựng phần đất tự do cuối cùng của Miền Nam, mà cuối cùng đành nuốt hận, gạt nước mắt, kẻ vào tù, người liều chết ra đi tìm đất sống khắp mọi chân trời góc bể. Ngồi cạnh tôi, phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt nghiêng qua, nói nhỏ, “Vẫn còn nhiều raw emotions (xúc động nguyên thủy), chị…” Tôi gật đầu đồng ý. “Chính mình cũng còn mang cái đau đó, nói chi.”
Đúng lúc đó, điều hợp viên của nhóm chủ đề An ninh và Quân sự, Giáo sư Vũ Tường, sau khi cám ơn hai thuyết trình viên Trần Minh Công và Bùi Quyền, hướng về phía gần cửa ra vào, nói với ánh mắt sáng lên như reo vui, báo có khách từ Hollywood tới đang chờ. Chúng tôi quay lại thấy nữ tài tử Kiều Chinh, 79, tha thướt trong chiếc áo dài mầu nâu vạt dài chấm đất, trên vạt áo trước thêu tay nhiều mầu sắc hình hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của văn minh Việt cổ xưa, cổ đeo vòng treo toòng teng một vòng ngọc thạch đặc trước ngực. Ngồi gần đó là nhà văn Nhã Ca, 78 tuổi, trong chiếc áo dài gấm mầu đen may kiểu dựa vào mẫu áo dài lam đơn giản của các vị tu hành bên đạo Phật, có lớp vải bên trong mầu đỏ, cổ đeo tràng hạt Bồ đề. Hội trường bỗng có vẻ như rộn rã hẳn lên khi các bà theo nhau lên bàn Hội thảo chuẩn bị cho phần chủ đề “Xã hội, Văn hoá và Nghệ thuật,” do Giáo sư Vân Nguyễn-Marshall thuộc Đại học Trent, Ontario, Canada điều hợp.
Từ những hào hứng góp công xây dựng quốc VNCH thời mới thành lập, qua những khó khăn chính trị dẫn tới sự xụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Tiếp theo là một khoảng trống chính trị với nhiều tranh chấp nội bộ giữa các tướng lãnh kéo dài từ 1963 tới 1967 khiến tình thế vô cùng biến động, bên cạnh cuộc chiến do cộng sản khởi động ngày một khốc liệt, kéo theo sự ồ ạt tham chiến của quân đội Mỹ đưa tới những biến đổi trong đời sống của Miền Nam. Rồi sự ra đời của nền Đệ nhị Cộng hoà, Mỹ chuẩn bị rút chân dưới áp lực của phong trào phản chiến, và nhiều nữa.
Tuy vậy, nhờ không khí tự do dân chủ dù hạn chế, và nhờ việc Miền Nam mở ra với thế giới tự do (bên cạnh một Miền Bắc bị kềm kẹp, cô lập) thu nhập những trào lưu tư tưởng khai phóng của thế giới vào các thập niên 1950 và 1960, người làm văn học nghệ thuật của Miền Nam đã sống, cảm, và ghi nhận. Ngoài ra cũng phải kể tới công trình duy trì và tiếp tục di sản truyền thống văn học nghệ thuật đã bị chính quyền cộng sản khai tử tại Miền Bắc, do đấy văn nghệ sĩ Miền Nam đã lên đường với tất cả vốn liếng hành trang quý giá của dân tộc, càng thêm vững chân.
Nhà văn Nhã Ca, tác giả của khoảng 40 cuốn sách trong đó có cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” gần đây đã được dịch ra Anh ngữ, đã mở đầu bài nói chuyện về người cầm bút tại Miền Nam, những đóng góp ghi lại một giai đọan bùng nở không tiền khoáng hậu, bất kể ranh giới Bắc hay Nam, của văn học Việt Nam trong một thời gian chỉ vỏn vẹn có 20 năm. Nền văn học ấy đã được các thế hệ lớn lên sau cuộc chia đôi đất nước nuôi dưỡng tiếp nối. Việc các trường học và nhất là đại học mọc lên như nấm đó đây, góp phần đào tạo nên một lớp độc giả và giới thưởng ngoạn cần thiết cho việc phát triển, sinh sôi nẩy nở của văn học nghệ thuật, trong đó có ngành xuất bản. Ngay cả những lúc VNCH gặp khó khăn do cuộc chiến gây ra, người cầm bút lại càng sáng tác mạnh, nhờ có không khí tự do mặc dù sự hiện hữu của một chế độ kiểm duyệt hạn chế, nhắm vào báo chí tư nhân nhiều hơn
Hình bên trái và giữa, nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh đang thuyết trình về 20 năm nghệ thuật điện ảnh của Miền Nam, một tiếp nối từ quá khứ bên những phát triển nhờ không khí tự do và những tiếp xúc với thế giới tự do. Cũng trong không khí tự do và khai phóng ấy là nội dung bài thuyết trình của nhà văn Nhã Ca, hình bên phải, nhưng bao gồm hơn, về 20 năm của toàn thể các bộ môn văn học nghệ thuật của Miền Nam, một rộ nở có thể nói là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Việt. Tuy kết thúc bi thảm, nhưng nền văn học nghệ thuật ấy vẫn sống, không chỉ giữa người Việt hải ngoại, mà cả trong nước. Tuy nhiên, Nhã Ca nhấn mạnh, đó là thành tựu không chỉ của Miền Nam, mà của cả dân tộc không phân biệt ranh giới vùng miền. (Ảnh TD)
Rồi tất cả bỗng khựng lại khi Bắc quân kéo vào Sài Gòn. Tác phẩm của họ bị lên án, bị đốt. Nhà văn bị đi tù, nhiều người bỏ mạng trong tù. Bà và chồng, nhà thơ Trần Dạ Từ, cũng cùng số phận tù đầy cho tới năm 1988, nhờ sự can thiệp của quốc tế, đặc biệt là nhờ Writers in Prison Committee / PEN International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson, gia đình bà được đi định cư ở Thụy Điển, rồi từ đó qua Mỹ. Hai người trong số các con của Nhã Ca đã chọn ở lại lập nghiệp ở Thụy Điển, giúp duy trì một liên hệ với quốc gia đã ra tay cứu giúp gia đình bà trong cơn hoạn nạn.
“Đã hơn 40 năm. Không biết bao nhiêu chiến dịch đã được nhà nước cộng sản thực hiện để cố xóa mọi dấu vết mà họ gọi là ‘nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy,’” Nhã Ca nói trước một khán giả dường như nín thở chăm chú theo giõi. “Nhưng những thành tựu 20 năm Việt Nam Cộng hòa còn đó. Văn hóa giáo dục, văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng hòa còn đó. Một nhà văn nữ miền Bắc viết hồi ký kể thời đi ‘giải phóng miền Nam,’ ngày đầu vào ‘Giải phóng Sài Gòn,’ ngay khi được nhìn thấy những cuốn sách của miền Nam, chị khóc vì hiểu mình bị lừa, nhiều thế hệ bị lừa. Tôi tin điều chị viết. Như con người, như đường phố, ruộng vườn, văn hóa, văn học nghệ thuật miền Nam là loại thành tựu đã hiện ra ngay trong sự sụp đổ. Và ngày càng rõ hơn. Không cách gì xóa nổi.”
“Bốn mươi năm sau, dân Hà Nội nô nức đi nghe Chế Linh rồi Khánh Ly hát nhạc vàng ra sao. Ngó thêm mấy trang web thơ truyện trong nước, thấy ngay con số hàng triệu lượt người tìm đọc các tác giả thời Việt Nam Cộng hòa,” bà Nhã Ca tiếp. “Văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng hòa 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành trình chung, thành tựu chung của cả một dân tộc. Chính người dân Việt từ Nam ra Bắc cùng xác nhận điều này.”
Góp phần vào bức tranh văn học nghệ thuật bao quát song linh động đầy mầu sắc của nhà văn Nhã Ca, nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh kể về những đóng góp của nghệ sĩ Miền Nam, không phân biệt xuất thân từ Bắc hay Nam hay lý lịch thế nào, vào nghệ thuật điện ảnh đầy tính khai phóng của nền Cộng hoà. Khác với phần trình bầy của Nhã Ca đòi khán giả chăm chú nghe nếu hiểu tiếng Việt, hoặc bận đọc phần dịch Anh ngữ chiếu trên hai màn ảnh lớn, phần trình bầy của bà Kiều Chinh vừa bằng Anh ngữ lại vừa gồm nhiều hình ảnh, như một thay đổi không khí và do đấy cũng nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, những điều nữ nghệ sĩ Kiều Chinh chia sẻ về 20 năm tiếp tay xây dựng nền nghệ thuật điện ảnh thời Cộng hoà cũng là những chất liệu quý giá. Sau khi đưa khán giả qua một số phim kèm với hình ảnh mà bà đã có dịp tham dự trong phần tự giới thiệu, bà đã đưa người nghe một vòng lịch sử điện ảnh thế giới rồi thu gọn lại vào Việt Nam (Việt Nam, theo bà, thực ra đã có dịp tiếp xúc với điện ảnh thế giới ngay từ khởi thủy cách đây trên 100 năm); và cuối cùng trở về Miền Nam dưới thời Cộng hoà. Đó là một nền điện ảnh từ phôi thai trong thời Đệ nhất Cộng hoà đã vươn mình đứng dậy vào thời Đệ nhị Cộng hoà khi Miền Nam bước từ giai đoạn chiếu phần lớn phim nhập cảng đã phát triển và trình chiếu nhiều phim sản xuất nội địa, qua phong trào Người Việt Xem Phim Việt với sự tiếp tay của chính quyền Cộng hoà, không để kiểm duyệt mà để nâng đỡ, do đấy giúp cho nhiều chuyên viên và nghệ sĩ có thể sinh sống bằng nghề làm và đóng phim.
“Từ năm 1920 khi rạp chiếu bóng đầu tiên được khánh thành bên bờ hồ Hoàn Kiếm tới khi đất nước chia đôi vào năm 1954, dân Việt Nam hầu như chỉ có thể xem phim ngoại quốc. Ngành điện ảnh Việt Nam chỉ là những mảnh vụn đó đây chôn vùi trong bóng tối chiến tranh và lệ thuộc,” Kiều Chinh nói. “Vậy mà trong vòng có 20 năm, ngay cả vào lúc chiến tranh căng thẳng nhất, kỹ nghệ điện ảnh Việt đã có thể sản xuất ra các phim đủ loại. Vào dịp Tết năm 1975, tất cả rạp chiếu bóng ở Sài Gòn đầy khách, họ đến để xem phim – không phải phim Tây phương, Tầu hay Ấn độ, mà là xem phim Việt […] Đấy là một bình minh tuyệt vời, một bắt đầu đầy hứng khởi.” Thế nhưng hai tháng kế đó là sự xụp đổ của Sài Gòn, chấm dứt một nền văn học nghệ thuật tự do, nhân bản và khai phóng, thay vào đó là những sản phẩm nặng mầu sắc tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản.
Cuộc hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc của VNCH tiếp nối với nhóm đề tại cuối cùng, “Đời sống Dân sự trong Thời chiến,” với các diễn giả trong giới học thuật đại học. Tiến sĩ Vân Nguyễn Marshall thuộc Đại học Trent, Canada, qua đề tựa “Xoa Dịu Các Vong Hồn Trên Đại Lộ Kinh Hoàng,” trình bầy bài nghiên cứu công phu về chương trình tìm kiếm xác nạn nhân chiến cuộc trên “Đại lộ Kinh hoàng” sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, do nhật báo Sóng Thần chủ xuớng, với sự tham gia đóng góp đông đảo của độc giả khắp nơi cho một công trình nhân đạo, nhưng ít được biết tới. Kết quả của hơn nửa năm làm việc, với sự tiếp tay của nhiều tình nguyện viên dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Kinh Châu, đại diên nhật báo Sóng Thần tại Huế, tổng cộng 1,841 xác nạn nhân đã được tìm thấy và chôn cất.
Để thực hiện bài khảo cứu này, Giáo sư Vân đã tìm tới bộ phim báo Sóng Thần hiện tồn trữ tại thư viện của Đại học Cornell (mà chính cá nhân tôi cũng chưa có dịp nhìn thấy), và in lại nhiều hình ảnh về cuộc “Hốt xác” từ những số báo tháng 7 và 8 năm 1972, trong đó có bài phóng sự của người viết bài này về một tuần lễ theo chân nhóm “Hốt xác” trên “Đại lộ Kinh Hoàng” gần nửa thế kỷ về trước. Ngoài ra, bà cũng phỏng vấn nhiều người trong cuộc, đặc biệt anh Nguyễn Kinh Châu hiện còn ở Việt Nam. Bài thuyết trình của Giáo sư Vân đã phản ảnh một khía cạnh nhân bản của người dân Miền Nam, đó là không quên người quá cố mặc dù những khó khăn trong cuộc chiến, qua sự đóng góp nồng nhiệt cho chương trình “Chết Một Nấm Mồ” hồi ấy.
Hình bên trái, Giáo sư Vân Nguyễn-Marshall trình bầy bài bài tham khảo về chương trình “Hốt xác” nạn nhân chiến cuộc trên “Đại lộ Kinh hoàng” tại Quảng trị năm 1972 do nhật báo Sóng Thần phát động. Giữa, sinh viên tiến sĩ Nguyễn Dịu Hương chia sẻ công trình nghiên cứu về đời sống Huế vào những năm cuối của Đệ nhất Cộng hoà. Phải, Giáo sư nghỉ hưu John Schafer kể về Ngô Kha, một người bạn thân của và một ảnh hưởng đáng kể trên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh TD)
Cũng trong khuôn khổ chủ đề “Đời sống dân sự” này, Giáo sư đã nghỉ hưu John Schafer của Đại học Tiểu bang California tại Humbold trình bầy nghiên cứu của ông về Ngô Kha, nổi tiếng trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế vào thập niên 1960 dưới thời Đệ nhất Cộng hoà với những bài thơ đã là đề tài của một số bài hát đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên tại Miền Nam. Cũng trong giai đoạn Huế vào đầu thập niên 1960 là bối cảnh của công trình nghiên cứu của sinh viên ban tiến sĩ Sử thuộc Đại học Washington, WA, Nguyễn Dịu Hương, qua đề tài “Những Đợt Sóng ngầm, Các Cuộc đời Đảo lộn: Xã hội Thành phố Huế năm 1963.”
Chương trình hội thảo kết thúc với phần giới thiệu tác phẩm “South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnamese War and After,” do nhà xuất bản Praeger ấn hành năm nay, của Giáo sư Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn đến từ Đại học Monash, Melbourne, Úc.
Giáo sư Zinoman, trong phần đúc kết chương trình hội thảo, nói sẽ khuyến khích sinh viên nghiên cứu các đề tài liên hệ tới 20 năm kiến quốc của VNCH vì nhiều khía cạnh chưa được khai thác, tìm hiểu. Giáo sư Tường, sau khi cám ơn các diễn giả, những vị đã tiếp tay trong việc tổ chức chương trình hội luận độc đáo này, và khán giả tham dự trong một tinh thần hoà nhã, tương kính, đã ngỏ lời xin lỗi về việc chỉ dành cho mỗi thuyết trình viên được có 20 phút để trình bầy đề tài của mình. Riêng Giáo sư Nữ-Anh bầy tỏ niềm thích thú trước khối lượng thông tin lớn mà các đề tài thảo luận đã giúp gợi ý, và do đấy là nhu cầu muốn tìm hiểu thêm; và bà đề nghị mỗi người có kinh nghiệm về VNCH nên viết hồi ký để giúp cho thế hệ nối tiếp những tài liệu sống.#
Trái, bìa cuốn sách “South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After” (Praeger, 2016). Giữa, Giáo sư tác giả Nguyễn Huỳnh Châu đang trò chuyện với một khách tham dự hội thảo. Phải, bích chương của cuộc hội thảo kinh nghiệm kiến quốc. (Ảnh TD)
[TD, 11/2016]
Chú thích:
(*) “Trùng Dương Chuyện trò với Giáo sư Vũ Tường về cuộc Hội thảo ‘Kinh nghiệm Kiến quốc Trong Thời chiến của Việt Nam Cộng hoà, 1955-1975’” tại UC Berkeley
http://www.diendantheky.net/2016/10/trung-duong-chuyen-tro-voi-giao-su-vu.html
(**) “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975),” do Giáo sư K.W. Taylor hiệu đính, Cornell Southeast Asia Program Publications ấn hành, 2014, hiện có trên Amazon.com. Độc giả tiếng Việt có thể đọc thông tin bằng tiếng Việt về cuộc hội thảo tại Cornell và bài giới thiệu của GS Taylor, do GS Vũ Tường dịch ra tiếng Việt tại https://tuannyriver.com/2015/07/26/bai-gioi-thieu-sach-ve-de-nhi-vnch/