- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

clara

Roberto Bolaño sinh năm 1953 tại Santiago, Chile. Suốt đời Bolaño sống phiêu bạc từ Chile qua Mễ Tây Cơ, El Salvador, Pháp và Tây Ban Nha. Ông từng làm nghề rửa chén cho nhà hàng, giữ vườn, bồi khách sạn và đổ rác ban ngày. Ông viết ban đêm.

Bolaño vốn là một thi sĩ nhưng khi bước qua 40 tuổi thì bắt đầu viết truyện ngắn. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết quyết định nầy bắt nguồn từ nhận thức rằng ông không thể nào kiếm đủ tiền nuôi gia đình nếu tiếp tục là một thi sĩ. Tuy vậy ông vẫn không hoàn toàn từ bỏ lãnh vực thơ, năm 2000 ông xuất bản tập thơ tựa “Những Con Chó Lãng Mạn” (“The Romantic Dogs”).

Vào thời điểm nầy, ông cũng bắt đầu nổi tiếng nhanh chóng với những truyện ngắn của ông. Vài tác phẩm tiêu biểu là “Người Thám Tử Man Rợ” (“Los Detectives Salvajes”), “Chile Ban Đêm” (“Nocturno de Chile”), “Clara” (“Clara”).

Năm 2003, Bolaño qua đời sau một thời gian dài bệnh gan nặng. Có nguồn tin đồn rằng ông đã từng nghiện bạch phiến và nhiễm bệnh siêu gan C do dùng chung kim chích với những người nghiện khác.

Ông để lại  vợ người Tây Ban Nha và hai người con mà ông gọi là “quê hương thật sự của tôi”.

 

 

Windows-Live-Writerd87e8e50f1c7_10773Clara_thumb_thumb

 

Nàng có cặp nhũ hoa lớn, đôi chân thon thả và màu mắt xanh biếc. Đó là hình ảnh của nàng mà tôi muốn nhớ. Tôi không biết vì sao tôi đã yêu nàng đắm đuối, nhưng điều đó đã xảy ra, và ngay từ ban đầu, từ những ngày giờ đầu tiên, mọi sự đều hoàn hảo; nhưng rồi Clara quay trở lại thành phố nơi nàng ở, tận phía nam của Tây Ban Nha (nàng chỉ đến Barcelona nầy để nghỉ hè), và rồi mọi việc bắt đầu sụp đổ.

Đêm nọ tôi nằm chiêm bao thấy mình bước vào một quán rượu to lớn, trống rỗng và thấy một thiên thần đang ngồi trong góc chống cùi chỏ trên bàn và trước mặt có một tách cà phê sữa. Ngài nhìn tôi và nói, nàng là tình yêu của đời ngươi, và cái nhìn của ngài, ngọn lửa trong mắt ngài, đẩy bật người tôi bay qua phía bên kia phòng. Tôi thét lên, Bồi bàn! Bồi bàn! Rồi tôi mở bừng mắt ra và thoát khỏi giấc mơ khốn khiếp đó. Nhiều đêm khác, tôi không nằm mơ thấy ai cả nhưng vẫn thức dậy đầy nước mắt. Trong lúc đó, Clara và tôi vẫn viết thư cho nhau. Thư của nàng rất ngắn. Anh ơi, khỏe không, trời đang mưa ở đây, em yêu anh, tạm biệt. Lúc đầu, những lá thư nầy làm tôi rất lo sợ. Tôi nghĩ mọi việc giữa tôi và nàng đến đó là chấm dứt rồi. Tuy vậy sau khi đọc kỹ nhiều lần lại thì tôi kết luận rằng chuỗi thư ngắn gọn của nàng chẳng qua là để tránh để lộ ra những lỗi văn phạm. Clara là một người tự hào về mình. Nàng không viết giỏi, và nàng không muốn ai thấy biết điều đó, ngay cả nếu điều đó có thể làm tôi đau khổ vì tưởng rằng nàng lạnh lùng với tôi.

Clara lúc ấy 18 tuổi. Nàng vừa bỏ dở trung học và đang học âm nhạc ở một trường tư, và học hội họa với một họa sĩ phong cảnh về hưu, tuy nhiên nàng không chú tâm mấy đến âm nhạc cũng như hội họa. Nàng thích đấy nhưng không có đủ đam mê theo đuổi chúng. Một ngày nọ tôi nhận được một lá thư, với văn phong ngắn gọn tiêu biểu của nàng, cho hay rằng nàng sắp dự thi một kỳ tuyển chọn hoa hậu. Thư trả lời của tôi, dài đầy hai mặt của ba tờ giấy, là một bài ca tụng không tiếc lời về vẻ đẹp êm dịu của nàng, về sự ngọt ngào của ánh mắt nàng, về sự tuyệt hảo của thân hình nàng, v.v. Lá thơ của tôi là một chiến tích hào hùng của sự sến, và sau khi hoàn thành bức thư tôi đã phải suy ngẫm mãi không biết mình có nên gởi đến nàng hay không, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng gởi.

Mấy tuần sau thì tôi nhận được tin nàng. Đáng lẽ tôi đã gọi điện thoại nhưng tôi không muốn lấn áp vào đời tư của nàng quá đáng, và thật ra lúc đó tôi cũng không có tiền để gọi. Clara đậu hạng nhì trong cuộc thi tuyển hoa hậu và vì vậy nàng sầu khổ luôn cả một tuần. Tôi ngạc nhiên khi nàng gởi tôi một điện tín viết “Hạng nhì. Chấm. Được thư của anh. Chấm. Đến gặp em.”

Một tuần sau, tôi ngồi trên chiếc xe lửa đi đến thành phố nơi nàng ở, chuyến xe đầu tiên trong ngày đó. Trước lúc ấy, dĩ nhiên – sau bức điện tín – chúng tôi đã nói chuyện với nhau trên điện thoại và tôi đã nghe Clara kể về cuộc thi hoa hậu nhiều lần. Clara có vẻ bị chấn động về vụ nầy. Vì vậy ngay khi có thể là tôi khăn gói lập tức lên xe lửa, và sáng sớm hôm sau tôi đã có mặt ở cái thành phố xa lạ đó. Tôi đến chỗ Clara ở lúc chin giờ rưỡi, sau khi đã uống cà phê ở trạm xe lửa và hút vài điếu thuốc để giết thì giờ. Một người phụ nữ mập mạp tóc rối ra mở cửa, và khi tôi nói tôi đến thăm Clara thì bà nhìn tôi như thể tôi là một con cừu non đang trên đường đến lò sát sinh. Trong mấy phút sau đó (lúc ấy không hiểu sao lại có vẻ như rất lâu, và sau nầy nghĩ lại thì tôi nhận ra đúng là lâu thật) tôi ngồi chờ Clara trong một căn phòng khách ấm cúng, không hiểu tại sao, ngổn ngang bừa bãi nhưng mời đón và đầy ánh sáng. Khi Clara bước ra, nàng giống như một nữ thần xuất hiện. Tôi biết đó là một ý nghĩ ngốc nghếch – và là một điều ngốc nghếch để nói ra – nhưng thật sự thì nó là như vậy.

Những ngày kế đó vừa vui sướng vừa không vui sướng. Chúng tôi xem rất nhiều phim ciné, hầu như mỗi ngày một phim; chúng tôi làm tình (tôi là gã con trai đầu tiên Clara ngủ với, điều nầy có vẻ như một lời kể chuyện không quan trọng, nhưng cuối cùng tôi đã trả một giá rất đắt vì nó); chúng tôi đi dạo, tôi gặp những bạn của Clara; chúng tôi dự hai buổi party tồi tệ; và tôi kêu nàng đi về Barcelona để sống chung với tôi. Dĩ nhiên lúc đó tôi biết câu trả lời của nàng sẽ là gì. Sau một tháng, tôi lên xe lửa trở về Barcelona; tôi nhớ đó là một chuyến đi đầy buồn thảm.

Không lâu sau đó, Clara giải thích cho tôi, trong lá thư dài nhất mà nàng đã viết cho tôi, rằng nàng không thể tiếp tục với tôi nữa: tôi đã đặt một áp lưc quá sức chịu đựng cho nàng (khi tôi bảo nàng về sống chung với tôi); chúng ta phải kết thúc ở đây. Sau đó, chúng tôi nói chuyện ba hay bốn lần nữa qua điện thoại. Tôi nghĩ tôi cũng gởi nàng một lá thư đầy những lời chửi rủa lẫn những tuyên bố về tình yêu của tôi với nàng. Có một lần khi tôi đang trên đường đi đến Morocco, tôi gọi điện thoại cho nàng từ khách sạn tôi đang ở, ở Algeciras, và lần đó chúng tôi nói chuyện nhã nhặn với nhau. Ít ra là nàng nghĩ rằng nhã nhặn. Cũng có thể là tôi nghĩ như vậy.

Những năm sau đó, Clara kể tôi nghe về những phần đời của nàng mà tôi không biết đến. Rồi, những năm kế sau đó nữa, nàng và vài người bạn của nàng kể lại tôi nghe về cuộc đời của nàng một lần nữa từ ban đầu, ngay từ ban đầu, hay từ lúc chúng tôi chia tay – vì lúc đó tôi chỉ còn là một nhân vật phụ, nên nó không thành vấn đề với họ, hay với tôi nữa, thật vậy, mặc dù không dễ dàng cho tôi nhìn nhận điều đó. Như tiên đoán, không bao lâu sau cuộc đính ước của chúng tôi chấm dứt (tôi biết “đính ước” nghe hơi quá đáng, nhưng đó là chữ duy nhất mà tôi có thể tìm được), Clara lấy chồng, và người đàn ông may mắn là một trong những người bạn mà tôi đã gặp trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến thành phố của nàng, và điều này thì cũng khá hợp lý.

Tuy nhiên, trước khi chuyện đó xảy ra, nàng lâm bệnh tâm thần: nàng thường nằm mơ thấy chuột; ban đêm nàng nghe tiếng chúng trong phòng nàng ngủ, và nhiều tháng, những tháng trước ngày hôn nhân, nàng phải ngủ trên ghế dài ngoài phòng khách. Tôi nghĩ rằng những con chuột chết tiệt đó rồi đã biến mất sau đám cưới.

Như vậy. Clara lấy chồng. Và người chồng, người chồng yêu dấu của Clara, làm mọi người ngạc nhiên, kể cả nàng. Sau một hay hai năm, tôi không nhớ rõ – Clara có kể tôi nghe nhưng tôi đã quên – hai người chia tay. Và đó không phải là một cuộc chia tay thân thiện. Hắn la hét, Clara la hét, nàng tát vào mặt hắn, và hắn trả đũa bằng một quả đấm làm trật xương hàm của nàng. Đôi khi, những lúc tôi chỉ có một mình trong đêm và không ngủ được nhưng không muốn vặn đèn lên, tôi nghĩ đến Clara, nàng con gái đoạt hạng nhì trong cuộc thi tuyển hoa hậu đó, với xương quai hàm bị trật ra một bên, không thể nào tự nàng đẩy nó trở lại được, đã phải lái xe đến bệnh viện gần nhất bằng một tay còn tay kia ôm giữ quai hàm của nàng. Tôi muốn tìm thấy cái gì đó khôi hài về hình ảnh nầy, nhưng không được.

Cái mà tôi thấy khôi hài là đêm động phòng của nàng. Nàng vừa đi giải phẫu trĩ về ngày hôm trước, tôi đoán là vì vậy nàng lúc đó có lẽ vẫn còn quờ quạng say thuốc mê. Cũng có thể không như thế. Tôi không bao giờ hỏi xem đêm ấy nàng có làm tình được với chồng nàng không. Tôi nghĩ là hai người đã làm chuyện ấy với nhau rồi trước cuộc giải phẫu. Dù sao đi nữa cũng có nhằm nhò gì đâu? Tất cả những thứ chi tiết đó nói về con người của tôi hơn là về nàng.

Đàng nào đi nữa thì Clara đã chia tay với chồng nàng một hay hai năm sau khi cưới nhau, rồi nàng bắt đầu đi học lại. Nàng không thể vào đại học vì nàng chưa học hết trung học, nhưng nàng thử mọi thứ khác: nhiếp ảnh, hội họa (tôi không hiểu tại sao, nhưng nàng cứ luôn nghĩ nàng có thể trở thành một họa sĩ tài ba), âm nhạc, đánh máy, điện toán, tất cả những khóa học có chứng chỉ sau một năm được xem là có thể đưa đến cơ hội tìm ra việc làm mà những người trẻ tuyệt vọng luôn nhảy vào theo đuổi. Và tuy Clara có vui mừng vì đã thoát khỏi bàn tay của người chồng đánh đập nàng, trong tận đáy lòng nàng chỉ là người tuyệt vọng.

Những con chuột trở lại, cùng với nỗi trầm cảm, và các chứng bệnh bí hiểm. Rồi trong hai hay ba năm sau đó nàng liên tục đi chữa trị về chứng loét bao tử, cho đến khi các bác sĩ cuối cùng nhận ra rằng thật tình nàng, hay ít ra là cái bao tử của nàng, không có bệnh hoạn gì cả. Trong khoảng thời gian đó nàng gặp Luis, một giám đốc; hai người yêu nhau, và anh ta khuyên nàng nên học một môn gì đó liên quan đến quản trị kinh doanh. Theo lời các bạn của Clara, cuối cùng rồi nàng đã tìm gặp tình yêu của đời nàng. Không lâu sau đó, hai người sống chung; Clara tìm được việc ở một văn phòng, một công ty luật hay một đại lý gì đó – một công việc thật vui nhộn, Clara nói, không hề đượm một chút mỉa mai – và cuộc đời nàng có vẻ đã yên bình, mãi mãi từ nay. Luis là một người đàn ông đàng hoàng (anh ta không bao giờ đánh nàng), và có văn hóa (tôi nghĩ anh là một trong hai triệu người Tây Ban Nha đã mua góp toàn bộ tác phẩm của Mozart), và kiên nhẫn nữa (anh lắng nghe, anh lắng nghe nàng nói mỗi đêm và trọn những ngày cuối tuần). Clara không có gì nhiều để nói về nàng, nhưng nàng không bao giờ mệt mỏi để nói về chúng. Nàng không còn than vãn về cuộc thi tuyển hoa hậu nữa, mặc dù nàng vẫn thỉnh thoảng nhắc về nó; bây giờ tất cả chỉ là về khoảng thời gian nàng bị trầm cảm, sự bất ổn tâm thần của nàng, những bức tranh mà nàng luôn định nhưng chưa bao giờ vẽ.

Tôi cũng không biết tại sao hai người không có con; có thể họ không có thì giờ, tuy nhiên, theo Clara, Luis rất thích con nít. Nàng dùng thời giờ của nàng để học, và để nghe nhạc (ban đầu thì Mozart, nhưng sau đó thì những nhà soạn nhạc khác nữa), và chụp ảnh, những tấm ảnh nàng không bao giờ cho ai thấy. Bằng những phương cách khó hiểu và vô dụng của nàng, nàng cố gắng bảo vệ sự tự do của nàng, nàng cố gắng học hỏi.

Khi nàng ba mươi mốt tuổi, nàng ngủ với một gã đàn ông làm chung sở. Việc nầy xảy ra một cách không chủ định, không có gì quan trọng lắm, ít nhất là đối với hai người nầy, tuy nhiên Clara lại phạm một lỗi lầm là nàng đem kể cho Luis nghe. Họ cãi nhau kịch liệt. Luis đập nát một cái ghế, hay một bức tranh mà anh đã mua, uống rượu say khướt, và không thèm nói với nàng nguyên cả tháng. Theo lời kể của Clara, từ ngày đó trở đi mọi việc đều không còn như xưa, ngay cả sau khi họ đã làm hòa với nhau, ngay cả sau chuyến đi du ngoạn chung ở một tỉnh nhỏ ven biển, một chuyến đi rồi trở thành buồn thảm và chán ngắt.

Đến năm ba mươi hai tuổi thì đời sống tình dục của nàng hầu như không còn nữa. Không lâu trước khi nàng ba mươi ba tuổi, Luis nói với nàng rằng anh yêu nàng, anh tôn trọng nàng, anh sẽ không bao giờ quên nàng, tuy nhiên anh đã cặp với một người khác làm chung với anh từ mấy tháng nay rồi, một phụ nữ tử tế, thông cảm, đã ly dị và có con, và anh dự định sẽ ra đi sống chung với người đó.

Trên bề mặt thì Clara đón nhận cuộc chia tay nầy khá bình tĩnh (đây là lần đầu tiên nàng bị một người bỏ). Tuy vậy vài tháng sau thì nàng lại trở thành trầm cảm và phải nghỉ việc để đi trị bệnh tâm thần, và không có hiệu quả gì mấy. Những viên thuốc họ cho làm nàng không ham muốn tình dục nữa, mặt dù nàng đã mấy lần thử ngủ với vài người đàn ông, trong đó có tôi, nhưng không mấy toại nguyện. Nàng lại bắt đầu nói về những con chuột; chúng cứ đeo đuổi theo nàng. Khi nàng lo lắng, nàng đi tiểu liên tục. (Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ với nhau, nàng đi tiểu có thể nói là cả chục lần.) Nàng kể về nàng bằng ngôi thứ ba. Thật ra có lần nàng kể với tôi là có ba Clara trong linh hồn nàng: một cô bé gái, một mụ già bị gia đình nàng bắt làm nô lệ, và một người thiếu nữ trẻ, Clara thật sự, muốn thoát khỏi thành phố nầy mãi mãi, một người muốn vẽ, muốn trở thành nhiếp ảnh gia, muốn đi du lịch, và muốn sống. Trong mấy ngày đầu chúng tôi trở lại với nhau, tôi lo lắng về tính mạng của nàng. Có khi tôi không dám đi ra ngoài mua đồ vì tôi sợ khi trở về tôi sẽ thấy nàng đã chết, tuy vậy ngày qua ngày thì nỗi sợ nầy của tôi giảm bớt đi dần, và tôi nhận ra rằng (hay đây chỉ là một cách tự thuyết phục tiện lợi cho chính tôi) là Clara sẽ chẳng tự vận; nàng sẽ chẳng nhảy khỏi ban-công lầu nơi nàng ở – nàng sẽ chẳng làm chuyện gì hết.

Không lâu sau đó, tôi rời bỏ nàng, nhưng lần nầy tôi quyết định sẽ thỉnh thoảng gọi điện thoại cho nàng và giữ liên lạc với một người bạn của nàng để cho tôi biết tin tức về nàng, dù chỉ vài tháng một lần. Nhờ đó tôi biết được một số điều mà có lẽ sẽ dễ dàng cho tôi hơn nếu tôi không biết, những câu chuyện không làm cho tôi an tâm hơn, những tin tức mà một người vị kỷ như tôi nên tìm mọi cách để né tránh.

Clara trở lại làm việc (những viên thuốc mới giúp nàng vô kể về quan niệm sống của nàng), và không bao lâu sau, có lẽ vì nàng đã nghỉ quá lâu, ban quản trị đổi nàng sang một thành phố khác cũng ở vùng Andalusian, tuy cách đó không xa lắm. Nàng dọn nhà đi, bắt đầu tập thể dục thể thao (ở tuổi ba mươi tư nàng không còn cái vẻ đẹp mà tôi đã biết khi tôi mười bẩy nữa), và có bạn mới. Và nhờ đó nàng gặp Paco, một người đàn ông đã ly dị vợ, và thích nàng.

Sau đó không lâu, hai người lấy nhau. Lúc đầu, Paco sẵn sàng kể cho bất cứ ai chịu nghe anh nói về những bức tranh và ảnh chụp của Clara. Và Clara nghĩ Paco rất thông minh và có phong cách. Tuy nhiên về sau, Paco mất dần hứng khởi về những tác phẩm mỹ thuật của Clara và muốn có một đứa con. Clara đã ba mươi lăm tuổi và ban đầu nàng không nồng nhiệt lắm với ý tưởng nầy, nhưng sau đó nàng chìu lòng anh, và rồi hai người có một đứa con. Theo lời kể của Clara, đứa con nầy thỏa mãn mọi mong ước của nàng – đó là những chữ nàng dùng. Theo lời kể của các bạn nàng, nàng ngày càng suy sụp hơn, nhưng tôi không hiểu rõ điều nầy có nghĩa là gì.

Có lần, vì lý do không liên quan gì đến câu chuyện ở đây, tôi phải tạm trú một đêm ở thành phố Clara đang sống. Tôi gọi nàng từ khách sạn của tôi, cho nàng biết tôi đang ở đâu, và giàn xếp để gặp nàng ngày hôm sau. Tôi đáng lẽ muốn gặp nàng ngay đêm đó, nhưng sau lần nói chuyện trước đây với nàng, nàng xem tôi, có lẽ với lý do chính đáng, như một dạng kẻ thù, vì vậy tôi không khẩn khoản lắm.

Tôi gần như không nhận ra nàng. Nàng mập ra, và mặc dù có trang điểm nhưng khuôn mặt nàng đầy vẻ mệt mỏi, không phải là do thời gian mà là do sự thất vọng, một điều làm tôi ngạc nhiên, vì tôi không bao giờ nghĩ là Clara từng có cao vọng gì. Và nếu một người không hề có cao vọng gì thì làm sao họ có thể thất vọng được? Nụ cười của nàng đã biến đổi. Trước kia, đó là một nụ cười ấm cúng và hơi đần độn, nụ cười của một thiếu nữ từ tỉnh lỵ thôn dã, còn bây giờ nó đã trở thành một nụ cười cay độc, và đàng sau nó biểu lộ những oán hận, giận dữ và ganh tị. Chúng tôi hôn phớt nhau trên má giống nhau như hai kẻ ngốc rồi ngồi xuống; sau một lúc lâu chúng tôi không biết nói gì với nhau. Tôi là người phá tan sự im lặng. Tôi hỏi về con trai của nàng; nàng nói nó đang ở nhà giữ trẻ, và nàng hỏi về con trai tôi. Nó cũng khỏe, tôi nói. Cả hai chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi không làm một cái gì đó thì buổi gặp mặt lần nầy sẽ trở thành vô cùng buồn thảm. Em trông thế nào? Clara hỏi tôi. Giống như nàng bảo tôi hãy tát vào mặt nàng. Cũng như những lần trước, tôi trả lời một cách máy móc. Tôi nhớ chúng tôi uống cà phê, rồi đi bộ dọc theo một con lộ trồng đầy những cây bàng dẫn đến trạm xe lửa. Xe lửa của tôi gần khởi hành. Chúng tôi từ biệt trước cổng trạm, và đó là lần cuối cùng tôi gặp mặt nàng.

Tuy vậy, chúng tôi đã nói chuyện điện thoại với nhau nhiều lần trước khi nàng chết. Tôi thường gọi nàng mỗi ba hay bốn tháng. Tôi lấy kinh nghiệm tránh không đề cập đến các vấn đề riêng tư hay thầm kín (cũng giống như khi trò chuyện với người lạ ở quán rượu thì chỉ nên bàn luận về thể thao), vì vậy chúng tôi chỉ nói chuyện về gia đình nàng- điều nầy rất trừu tượng trong những cuộc đối thoại không khác gì thơ Lập Thể, hay về trường học của con trai nàng, hay về việc làm của nàng; nàng vẫn còn làm ở sở cũ, và qua bao nhiêu năm dài nàng đã trở thành thông thạo rõ hết về các đồng nghiệp và đời sống của họ, và những trở ngại mà các giám đốc đang mắc phải – những bí mật nầy mang đến cho nàng một niềm vui khá lớn và có lẽ quá đáng. Một lần nọ tôi có ý định hỏi chuyện về chồng nàng, nhưng nàng không trả lời gì cả. Em xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất, tôi nói với nàng. Lạ thế, nàng trả lời. Lạ làm sao? Tôi hỏi. Lạ là anh lại nói ra câu đó – anh là người trong tất cả mọi người khác, nàng nói. Tôi vội vã đổi đề tài, và cáo lỗi rằng tôi sắp hết tiền cắc (tôi chưa bao giờ có điện thoại riêng của tôi, và sẽ không bao giờ – tôi luôn luôn dùng điện thoại công cộng), tôi vội vã cáo từ, và cúp máy. Tôi biết rằng tôi không muốn cãi vã với nàng nữa; tôi không thể nghe nàng vận dụng những lối biện giải tràng giang của nàng nữa.

Một đêm cách đây không lâu, nàng cho biết nàng bị ung thư. Giọng của nàng lạnh lùng như thường lệ, một giọng nói nàng vẫn luôn dùng để kể về đời nàng với điệu dửng dưng của một người kể chuyện dở, lối nhấn mạnh ở những chỗ không đáng nhấn mạnh, qua loa ở những chỗ đáng lẽ phải kể lể chậm chạp từ từ. Tôi nhớ tôi đã hỏi có phải một bác sĩ đã cho nàng biết về điều nầy hay không, làm như chính nàng có thể tự chẩn đoán được bệnh ung thư của nàng (hay với sự giúp đỡ của Paco). Dĩ nhiên, nàng nói. Ở bên kia đầu dây tôi nghe có tiếng gì giống như tiếng ho khan. Nàng đang cười. Chúng tôi nói chuyện qua loa về con cái, rồi (chắc là nàng đang cảm thấy hoặc cô đơn hoặc buồn chán) nàng bảo tôi hãy kể chuyện về cuộc đời của tôi. Tôi sáng chế ra ngay tại chỗ vài điều gì đó để kể nàng nghe, rồi tôi nói tôi sẽ gọi nàng nữa trong tuần sau. Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi thấy hết ác mộng nầy đến ác mộng khác, và bừng thức dậy thình lình, la lớn lên, trong đầu nghĩ rằng Clara đã nói dối với tôi: nàng không bị ung thư; có cái gì đó đã xảy ra cho nàng, chắc như vậy, như những cái gì đó đã luôn luôn xảy ra với nàng trong hai mươi năm qua, những cái vặt vãnh, rối rắm, những cái đầy hư thối và vui cười, cái gì đó ngoại trừ việc nàng bị ung thư. Lúc đó 5 giờ sáng. Tôi ngồi dậy và đi xuống Paseo Maritimo, gió thổi phía sau lưng tôi, đây là một điều lạ, vì gió ở đây thường thổi đến từ ngoài biển, và ít khi nào thổi chiều ngược lại. Tôi bước không ngừng đến phòng điện thoại công cộng gần bên những quán cà phê lớn nhất ở Paseo. Đường phố vắng ngắt, những chiếc ghế đã được xích chung vào với những chiếc bàn. Đằng xa một chút, ngay kế bên biển, một gã bụi đời đang nằm ngủ trên một cái băng, hai chân co rút lại, và thỉnh thoảng người gã run bần bật lên, có lẽ là vì những ác mộng.

Sổ điện thoại của tôi chỉ có một con số duy nhất trong thành phố nơi Clara ở. Sau một hồi lâu, có giọng một người đàn bà trả lời. Tôi cho biết tôi là ai, rồi bỗng dưng tôi không biết nói gì thêm nữa. Tôi tưởng bà ấy gác máy mất, nhưng rồi tôi nghe có tiếng bật lửa và tiếng rít khói thuốc ở bên kia đâu dây. Anh còn ở đó không? Người đàn bà hỏi. Còn, tôi trả lời. Anh đã nói chuyện với Clara chưa? Rồi, tôi trả lời. Cô ấy có nói anh nghe là cô ấy bị ung thư không? Có, tôi trả lời. Như vậy là có thật rồi.

Tất cả những năm tháng tôi đã từng quen biết Clara dường như thình lình sụp đổ trên tôi, tất cả những gì về cuộc đời của tôi, phần lớn không có liên quan gì đến nàng. Tôi không biết người đàn bà kia nói gì nữa từ đầu dây bên kia, cách xa đây hàng trăm dặm đường; tôi nghĩ tôi bắt đầu bật khóc bất kể tôi không muốn, giống như bài thơ của Ruben Dario, tôi mò mẫm trong túi để lấy thuốc hút, lắng nghe những mẩu chuyện rời rạc: về các bác sĩ, về những cuộc giải phẫu, về vụ cắt bỏ tử cung, về những thảo luận, những quan điểm khác nhau, những quyết định, những sinh hoạt của một Clara mà tôi đã không biết hay không ngó ngàng đến hay không phụ giúp, lúc nầy. Một Clara không cách nào cứu vớt được tôi bây giờ.

Khi tôi cúp máy thì gã bụi đời đang đứng cách tôi khoảng vài mét. Tôi không nghe thấy gã đến gần từ khi nào. Gã cao lớn, mặc nhiều quần áo hơn thời tiết hiện tại đòi hỏi, và gã đang ngó tôi lom lom, như là gã bị cận thị, hay lo sợ tôi sẽ làm chuyện gì bất ngờ. Tôi đang đau buồn quá nên không cảm thấy sợ hãi gì cả, mặc dù sau đó, khi bước đi về trên những con đường nhỏ quanh co trong trung tâm tỉnh lỵ, tôi chợt nhận ra rằng, khi nhìn thấy gã, tôi đã quên mất đi Clara trong khoảnh khắc, lần đầu tiên, và chỉ lần đầu tiên đó.

Chúng tôi nói chuyện với nhau trên điện thoại thường xuyên sau lần đó. Có nhiều tuần tôi gọi nàng hai lần một ngày. Những cuộc đàm thoại của chúng tôi rất ngắn ngủi và ngốc nghếch, và không có cách nào để nói về những điều tôi thật sự muốn nói, vì vậy tôi nói về những chuyện đâu đâu, những chuyện gì nhảy vào đầu tôi ngay lúc đó, những chuyện tầm phào để làm nàng cười. Có một lần, tôi cảm nhớ chuyện xưa cũ và định nói về những tháng năm quá khứ, nhưng Clara lập tức phản ứng với một bộ áo giáp băng giá, và tôi nhận thấy ngay nên không dám đá động đến chuyện ngày trước nữa. Ngày giải phẫu càng đến gần, tôi càng gọi nàng thường xuyên hơn. Có một lần, tôi nói chuyện với con trai nàng. Một lần khác, tôi nói chuyện với Paco. Cả hai có vẻ điềm tĩnh, cách họ nói chuyện điềm tĩnh, ít nhất là không rối rắm như tôi. Tuy nhiên tôi có thể đoán sai về việc nầy. Thật ra thì chắc là sai. Mọi người đều lo lắng cho em, Clara nói một buổi chiều nọ. Tôi tưởng nàng nói đến chồng  và con trai nàng, nhưng “mọi người” ở đây bao gồm nhiều người khác nữa, nhiều hơn tôi tưởng tượng, tất cả mọi người. Ngày trước khi nàng vào bệnh viện, tôi gọi nàng vào buổi chiều. Paco nhấc máy. Clara không có ở đó. Không ai thấy nàng hay nghe nói về nàng đã hai hôm nay. Qua giọng nói của Paco, tôi có cảm giác anh ta nghi ngờ nàng đang ở với tôi. Tôi nói thẳng với anh ngay, nàng không có ở đây, tuy nhiên đêm hôm đó tôi hy vọng tràn ngập rằng nàng sẽ tìm đến nhà tôi. Tôi để đèn suốt đêm chờ đợi nàng, cuối cùng tôi ngủ gục trên chiếc ghế dài trong phòng khách, và nằm mơ thấy một phụ nữ tuyệt đẹp, một người không phải Clara: một phụ nữ thon cao, có bộ nhũ hoa nhỏ nhắn, chân dài, đôi mắt màu nâu sậm, một người đã và sẽ không bao giờ là Clara, hiện diện của người phụ nữ này xóa mờ hình ảnh của Clara, biến nàng thành một người đàn bà bốn mươi mấy tuổi khốn khổ, lạc lõng và run rẩy.

Nàng không hề đến nơi tôi ở.

Ngày hôm sau tôi gọi Paco. Hai ngày sau tôi gọi lại lần nữa. Vẫn không có bóng dáng của Clara. Lần thứ ba tôi gọi Paco, anh ta nói chuyện về con trai của anh ta và than phiền về tính tình của Clara. Mỗi đêm tôi tự hỏi không biết cô ấy đang ở đâu, anh nói. Trong giọng nói của anh ta và theo chiều hướng diễn tiến của những cuộc đàm thoại, tôi có thể thấy rằng điều anh ta đang cần ở tôi, hay ở một người nào đó, bất cứ ai, là tình bạn. Nhưng tôi không ở trong vị thế có thể cung ứng cho anh ta niềm an ủi đó.

 

 

nguồn: http://www.newyorker.com/magazine/2008/08/04/clara-2,  bản dịch Anh ngữ của Chris Andrews

hình ảnh: Just Loomis “UNTITLED” (2002).

bài đã đăng của Roberto Bolaño