Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Ngày 30 tháng Tư, Phỏng vấn Email bài này

Thường Quán: Không Tách Khỏi Thời Đại Mình

Lưu Diệu Vân: Dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng biến cố 30 tháng Tư đã tạo nên những ranh giới vô hình: ranh giới thời gian giữa văn chương trước và sau 1975, cũng như ranh giới không gian trong và ngoài nước. Theo ý riêng của tác giả, biến cố này đã (và đang) đem lại những ràng buộc hay tháo gỡ nào trên nền văn học Việt Nam. Và nếu không có biến cố này, văn phong/đề tài/ý thức trong sáng tác của tác giả sẽ khác với bây giờ không, và nếu có, khác như thế nào?

Ba mươi tháng tư 1975 là nhát đánh trí mạng vào tâm thức Việt Nam. Cả Nam lẫn Bắc. Nó là thời điểm các chính ủy lên ngôi. Ở miền Nam người cầm bút tự động hòa nhập vào sinh mạng chung của đại thể nhân dân, trong nghĩa anh hay chị không còn giấy bút, bàn viết nữa, đi lên hay đi xuống anh/chị ngang bằng với toàn bộ nạn nhân. Người cầm bút đứng trước chọn lựa chung của nhân dân: đầu thú, cộng tác, hay tự sát, hay lên rừng, hay ẩn dật, bẻ bút, hay vượt biên. Y như Pháp quốc khi Nazis vào Paris. Sau 30/4 bảy lăm, văn phong Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến đổi khác. Mà không chỉ ba nhà văn này của văn học miền Nam. Nghệ thuật ra đời trong thúc bách, và dũa sắc theo với hoàn cảnh. Cái gì cũng có hai mặt. Ngoài Bắc giả như không phải 1975, mà phải đợi tới 1985 mới có tiếp quản miền Nam, thì những người Nhân Văn sẽ bị trói lâu hơn mười năm, hay lâu hơn nữa. Có người học từ thời thế, có người không. Nói chung, may thay, tôi nhận thấy những người cầm bút, những ai vốn đã có ý thức cao từ khởi đầu, thì những biến chuyển của thời cuộc giúp cho hành trình của họ trong gian nan mạnh mẽ hơn, lý thú hơn. Giới cầm quyền Cộng Sản cho tới nay, 41 năm sau ngày tiến vào Sài Gòn, vẫn chưa thực tâm hòa giải, hóa giải gì cả, chính là những người làm văn nghệ đã đi tiên phong trong cuộc hóa giải, qua tác phẩm, qua giao lưu, qua trao đổi. Tôi sẽ không nói tới một số đảng viên văn nghệ bảo hoàng hơn vua, vẫn tiếp tục thanh tra, chỉ điểm, làm tay sai cho đám chính ủy. Họ cũng làm thành một bức tường thâm thấp, gây khó chịu và xấu hổ. Về câu hỏi liệu văn phong tôi có khác đi nếu không có 30 tháng tư, tôi xin nói gọn rằng chúng ta sống và viết không tách khỏi thời đại của mình, hay rộng hơn là lịch sử nhân loại mà mình học được, kinh nghiệm được.

bài đã đăng của Thường Quán

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)