- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Kẻ tà đạo*

clip_image002_thumb9

Cách đây ít lâu có tin nhà của tay vẽ biếm hoạ Lars Vilks, người Thuỵ Điển, bị kẻ lạ lén đập phá trong lúc ông đi vắng. Đập phá xong chưa đủ, có tang chứng cho thấy kẻ lạ còn định nổi lửa đốt cháy nhà ông nữa. Nhà chức trách Thuỵ Điển chưa tìm ra thủ phạm, nhưng mọi suy đoán đều có thể quy chiếu về các phần tử Hồi giáo cực đoan, bởi cách đây ba năm nhà vẽ biếm hoạ này trong phút giây cao hứng đã dại dột vẽ đăng báo một bức biếm hoạ hình ảnh Thánh Muhammad. Không cần nói nhiều, phản ứng đầy phẫn nộ của các cộng đồng Hồi giáo khắp nơi trên thế giới lúc đó dữ dội lắm. Nhà vẽ biếm hoạ tuy có lên tiếng (một cách đầy yếu ớt), với sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, về quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận, vân vân, nhưng sau đó không thấy ông vẽ thêm bức nào như thế nữa. Tưởng thế là yên. Đành thôi chứ biết sao hơn, tránh voi chẳng xấu mặt nào. (Ở Mĩ, Đức Chúa Giê Su bị đem ra làm trò đùa vui chơi trên báo chí, TV, Internet . . . là chuyện hằng ngày như cơm bữa, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám đụng đến Thánh Muhammad. Chính tay danh hài Bill Maher, trong một cuộc phỏng vấn với phát thanh viên Anderson Cooper trên kênh truyền hình CNN, cũng phải thú nhận điều đó là đúng.) Nhưng ba năm sau, họ vẫn dằn mặt nhà vẽ biếm hoạ như để nhắc nhở ông họ không có tính hay quên như bọn người Tây phương tà đạo đâu. Họ vẫn ghi nhớ tội trạng ông đấy và sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ngay cả khi thân xác phàm trần của ông trở về với cát bụi.

Một hình thức khủng bố. Tôi nghĩ thế.

Sự việc trên khiến tôi nhớ lại cách đây 21 năm khi nhà văn Salman Rushdie viết cuốn Những vần thơ quỷ và Ayatolla Khomeini của xứ Iran đã làm náo động cả thế giới – nhất là nước Anh bởi ông nhà văn này mang quốc tịch Anh – khi hạ chiếu chỉ fatwa công khai cho người đi tìm ông xử tử vì, theo họ, cuốn tiểu thuyết chứa đựng những tư tưởng báng bổ đạo Hồi và Thánh Muhammad. Để chứng tỏ đấy không phải là lời đe doạ suông, họ cho người đánh bom khách sạn nơi ông nhà văn cư ngụ, ngay trung tâm đô thành London. Khá may mắn, chỉ có một người thiệt mạng trong vụ đánh bom, còn ông nhà văn thì chẳng hề hấn gì. Tình hình căng thẳng đến nỗi Anh quốc và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao và Salman Rushdie đã phải lẩn tránh vào bóng tối.

Không, đừng hiểu lầm người Hồi giáo, đấy chỉ là quan điểm cuồng tín và hành động cực đoan của một thiểu số người đạo Hồi, những người diễn giải cuốn thánh kinh Qur’an dưới lăng kính thiển cận, cực đoan và sai lầm. Đa phần người ta đều nghĩ như thế. Xa hơn một chút, người ta xem những hành vi ấy có lẽ bắt nguồn từ sự thù ghét sâu sắc đối với thế giới Tây phương bởi quá khứ không mấy tốt đẹp từ những thế kỉ trước gây nên do chính sách thực dân của Tây phương. Những hình ảnh đen tối đớn đau của thời ấy vẫn rơi rớt lùa về, thổi bụi bặm nhức nhối vào tâm hồn nhiều người Hồi giáo đến tận ngày nay. Hồi giáo, cũng như tất cả các tôn giáo khác, chủ trương hoà bình, lên án bạo động cũng như bất kì hành vi khủng bố nào. Ai cũng biết thế và mọi người ai nấy cảm thấy yên ổn, bình tâm với lời tuyên bố chung chung, vô thưởng vô phạt, đại khái như sau: “Chúng tôi lên án fatwa của Khomeini, nhưng chúng tôi cũng lên án mọi hình thức tấn công vào tôn giáo bởi điều đó xúc phạm nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.”

Vâng, chẳng có gì vô đạo lí hơn tấn công tôn giáo. Đúng. “Tấn công vào tôn giáo” là “xúc phạm nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.” Nhưng có thật Salman Rushdie đã tấn công tôn giáo không? Hay, bên dưới những tranh biện có tính phiến diện, thậm chí đạo đức giả ấy, có sự hiểu sai khá nghiêm trọng về bản thể của tiểu thuyết?

Kì thực, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết gia bị săn đuổi, bị treo án tử hình vì những điều mình viết trong tác phẩm gây khó chịu cho giai cấp thống trị. Chính Giáo Hội Công Giáo Roma – cách đây bốn, năm trăm năm – đã có chính sách đối xử vô cùng khắc nghiệt đối với những kẻ tà đạo như thế. Văn hào Pháp François Rabelais, nếu không có sự che chở hết lòng của Hoàng đế François I, của Đức Hồng Y Jean du Bellay, thì đã phải chịu chung số phận với không biết bao nhiêu người khác chết uất ức trên giàn hoả thiêu khốc liệt của toà án xử dị giáo – Inquisition! Và, ngay trong thế kỉ XX vừa qua, khi cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa toả chiết lên các xã hội Cộng sản, nào ai biết có bao nhiêu nhà văn, viết theo lương tâm mình, đã chết lần mòn trong các trại tập trung, trại cải tạo? Các chế độ cực hữu cũng không khá hơn chút nào. Lenin của Cộng sản Nga giết Gumilev thì Franco của Phát-xít Tây Ban Nha cũng không tha chết cho Lorca. Giáo hội Công giáo Roma thế kỉ XVI, các chế độ cực tả, cực hữu, các thể chế thần quyền Hồi giáo ngày nay đều có chung một tâm thức như thế. Đối với họ, nhà văn là kẻ tà đạo nếu hắn không chịu uốn cong ngòi bút viết theo chỉ thị hay giáo điều của Trung ương, của Giáo hội. Bên cạnh lí do chính trị cần khai trừ những kẻ đi ngược lại đường lối, lí thuyết, chủ thuyết, giáo lí . . . của đảng phái, tôn giáo mình, những kẻ cầm quyền độc tài còn có một sai lầm cơ bản và tai hại hơn, đó là, họ hiểu sai tiểu thuyết là gì.

Trở lại với cuốn Những vần thơ quỷ của Salman Rushdie, những ai đọc kĩ cuốn tiểu thuyết này đều không nhận thấy tính cách báng bổ thánh thần của nó. Ngược lại là đằng khác. Phần lớn cuốn tiểu thuyết (độ bảy phần mười) tinh tế mổ xẻ đời sống những con người bị giằng co giữa hai xã hội: một bên là Tây phương mới mẻ, sinh động, phù phiếm, hướng ngoại và một bên là Đông phương cổ xưa, êm đềm, sâu lắng, hướng nội. Chủ đề ấy tái hiện thường xuyên trong các cuốn tiểu thuyết khác của Rushdie sau này. Điều ấy dễ hiểu. Ông sinh ra tại Ấn Độ trong một gia đình Hồi giáo truyền thống, nhưng khi trưởng thành, ông là công dân Anh và sinh sống phần lớn thời gian tại châu Âu. Những đoạn bị xem là có tính cách báng bổ tôn giáo nằm trong phần hai cuốn sách dưới dạng thức một giấc mơ của nhân vật chính diện, Gibreel Farishta, và giấc mơ biến thành hiện thực khi anh chàng đem nó ra dựng thành phim, một cuốn phim thật tồi, do chính anh chàng thủ vai tổng thiên thần. Có người gọi đấy là văn chương “hiện thực huyền ảo”, một cụm từ có tính kinh viện, “one size fits all”. Đúng hơn, ta nên xem nó là cái khả lí mà Franz Kafka đã giới thiệu tường tận cho chúng ta xem từ hồi đầu thế kỉ XX. Nếu nhìn được như thế thì tất cả những gì bị xem là “báng bổ thánh thần” của Rushdie trở nên thi vị hết sức. Nhờ Rushdie, Hồi giáo trở nên có tính thơ. Rushdie không hề ca ngợi văn hoá đại chúng Tây phương, chẳng những thế ông còn nghiêm khắc phê phán tình phù phiếm của nó. Rushdie là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học tiếng Anh đương đại. Năm 2007 ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ – Sir Salman Rushdie! Ngày nay chúng ta phải gọi ông như thế –bởi “những đóng góp to tát của ông vào nền văn học Anh quốc.” Sẽ hiểu sai ông biết bao nếu chỉ dựa vào tầng trên cùng của văn bản, và nếu như thế thì quả là bất công cho ông.

Không phải ai cũng nhìn vấn đề như thế. Và trong lúc chờ đợi Godot, các “kẻ tà đạo” đành phải chấp nhận thái độ thù nghịch đầy bất công của những người không hiểu hay không chịu hiểu mình.

* Tựa bài viết mượn nhan đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng xuất bản trước 1975.

 

Trích tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” của Trịnh Y Thư, tạp chí Hợp Lưu xuất bản, 2012.

bài đã đăng của Trịnh Y Thư