Trang chính » Bàn Tròn: Văn Học Nghệ Thuật, Phỏng vấn, Sang Việt ngữ Email bài này

Phỏng vấn đạo diễn Trần Anh Hùng

♦ Chuyển ngữ: 3 bình luận ♦ 23.02.2009

LTS: Nguyên bản tiếng Anh, thực hiện bởi Elyse Dinh, xuất hiện lần đầu trên báo Việt Magnet (Tháng 8 & 9 năm 1996), vào dịp phim Cyclo của Trần Anh Hùng được ra mắt ở Los Angeles mùa hè năm 1996. Bản dịch tiếng Việt của Hợp Lưu (chủ đề Điện Ảnh số 43, tháng 10 & 11 năm 1998) không xin phép tác giả, đồng thời bị rất nhiều sơ sót, sai lầm. Elyse Dinh hiện nay cho phép Da Màu tu sửa lại bản tiếng Việt cho chính xác với nguyên bản tiếng Anh của cô. Nhân dịp Hollywood phát giải thưởng Oscar ngày Chủ Nhật 22 tháng 2, 2009, Da Màu đăng bản dịch mới của bài phỏng vấn dưới đây, để độc giả có dịp tìm hiểu thêm về nghệ thuật điện ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bài phỏng vấn là một trao đổi hiếm có giữa đạo diễn và một diễn viên, thảo luận  trực tiếp về những ẩn dụ và ngôn ngữ của phim.

tran anh hung portrait Trần Anh Hùng là đạo diễn Pháp gốc Việt, một trong những nghệ sĩ đặc sắc nhất của thế hệ 1.5 ở hải ngoại hiện nay làm việc trong môi trường độc lập (không theo system sản xuất phim của Hollywood). Dự án mới nhất của anh là sẽ làm phim dựa trên tiểu thuyết Rừng Na Uy (Norwegian Wood) của Haruki Murakami.  Trần Anh Hùng là đạo diễn của hai phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (1987) và Hòn vọng phu (1989); ba phim dài (feature-length trilogy) về Việt Nam: Mùi Đu Đủ Xanh (1993); Cyclo (1995); Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng (Vertical Ray of the Sun) (2000). Phim Tôi Đến với Cơn Mưa (I Come with The Rain) là một phim action với bối cảnh quốc tế–đề cập ở cuối bài phỏng vấn này–đã mất hơn 10 năm để thành hình, sẽ trình chiếu vào mùa Xuân năm 2009, với những tài tử Josh Harnett (Hoa Kỳ), Elias Koteas (Hoa Kỳ), Shawn Yue (Hồng Kông), Byung-hun Lee (Đại Hàn), Takuya Kimura (Nhật), và Trần Nữ Yên-Khê (Pháp).

elyse dinh Elyse Dinh là nữ diễn viên màn ảnh, kịch nghệ. Sinh quán Saigon, Việt Nam. Tốt nghiệp Đại Học University of Virginia, B.A. (ngành Thông Tin), làm xướng ngôn viên và phóng viên trước khi bước vào ngành diễn xuất.  Cô đã viết về kinh nghiệm đóng phim Hollywood qua bài Ký Tôi Yêu Diễn Xuất Mãi Mãi đăng trên Da Màu, Chuyên đề Điện Ảnh (2007).

Đã xuất hiện trong những phim: Spider Man II (2004) (trong vai nhạc sĩ vĩ cầm vỉa hè); Running in Tall Grasses (2004) (vai chính, vợ tù binh miền Nam VN); Green Dragon (2001) (nhân viên Hồng Thập Tự); Straßen von Berlin (1998, Germany) (vai chính, cô gái nhập cảnh bất hợp pháp); Loving Lulu (1993) (vai Kim).

Đã xuất hiện trong những show truyền hình Hoa Kỳ như ER, JAG, Boston Public; Heartland, và October Road.

Lời Giới Thiệu của Elyse Dinh: Nhà văn kiêm đạo diễn Trần Anh Hùng đã “nổ tung” vào làng phim quốc tế năm 1993 qua cuốn phim Mùi Ðu Đủ Xanh, tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh. Cuốn phim được đoạt giải thưởng Caméra d’Or (giải phim xuất sắc nhất cho một phim dài đầu tay (first feature film) năm 1993) tại đại hội điện ảnh Cannes. Sau đó Mùi Ðu Đủ Xanh được đề cử giải thưởng Oscar cho thành phần Phim Ngoại Quốc Xuất Sắc nhất năm 1994.

Tác phẩm kế tiếp của anh, tựa đề Cyclo, đã được hãng phim Miramax bảo trợ và tung ra trình chiếu ở miền Tây Hoa Kỳ và cũng sẽ được trình chiếu trong khuôn khổ giới hạn ở miền Ðông Hoa Kỳ. Không bị lâm vào số phận thiệt thòi của đứa con sinh sau, Cyclo đã đoạt giải Sư Tử Vàng (phần thưởng cao nhất) ở Liên Hoan Điện Ảnh thành phố Venice năm 1995, và còn tinh xảo và nhiều tham vọng hơn Mùi Ðu Đủ Xanh.

Cyclo kể truyện về Lộc, một thanh niên đạp xe xích lô bị sa ngã vào thế giới tội lỗi chỉ vì muốn trả tiền nợ cho tú bà—chủ xe xích lô- sau khi xe bị mất cắp. Chàng trai sau đó gặp nhà thơ, cũng là một tên cướp đứng đầu một nhóm du đãng có liên hệ đến tú bà. Chàng phu xích lô không biết rằng nhà thơ cũng là tên ma cô dẫn khách cho chính em gái mình – một con điếm hạng sang.

Cyclo lấy bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu diễn viên mới là Lê văn Lộc trong vai phu xích lô, cùng với Trần Nữ Yên Khê, nữ tài tử,cũng là nguồn cảm hứng nghệ thuật và bạn đời của đạo diễn, trong vai em gái của Lộc. Cuốn phim độc đáo qua những nét siêu thực và trừu tượng, nhưng được lồng trong một thế giới sống sượng và tàn bạo. Mặt trái đen tối của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm đầu của thời đổi mới lần này tương phản rõ rệt với hình ảnh nên thơ và hoài cổ của thời thuộc địa trong Mùi Ðu Đủ Xanh. Ngoài ra, nếu diễn tiến của Mùi Ðu Đủ Xanh có một nhịp uể oải của buổi trưa hè bất tận thì tốc độ của Cyclo thật gấp rút, khẩn cấp. Cyclo đã kết hợp nghệ thuật “đập thẳng vào mặt” của loại phim action Hoa Kỳ tương tự như phim Pulp Fiction với cách dựng phim đòi hỏi chiều sâu của đạo diễn Ingmar Bergman. Xem Cyclo không khác gì chuyện phải giải một bài toán bí hiểm, mỗi hình ảnh, mỗi câu đối thoại là một manh mối, một mảnh bản đồ mà khán giả phải sắp xếp và phân tích để hiểu được cấu trúc phim. Phim kết thúc cố tình ở điểm lửng lơ, nhưng nếu người xem nhẫn nại một chút thì sẽ tìm được cả một kho tàng.

Cho dù Cyclo thật căng thẳng, Trần Anh Hùng hoàn toàn không như vậy. Hùng lịch sự, nói chuyện nhỏ nhẹ, có duyên, nhưng cũng lém lỉnh, tinh quái. Anh nói tiếng Pháp, trong khi người phỏng vấn nói tiếng Anh, cho nên tiếng Việt (không phải là ngôn ngữ thông thạo của cả hai) đã được dùng như một “thỏa hiệp bấp bênh” tuy vậy cũng tạo [tạm] đủ cơ hội cho người đạo diễn trẻ tuổi nói về cuộc sống, sự nghiệp, và những ý tưởng đã cưu mang Cyclo.

cyclo posterElyse Dinh: – Anh lấy hứng từ đâu khi làm phim Cyclo?

Trần Anh Hùng: Tôi về thăm Việt Nam năm 1992. Ðiều tôi ngạc nhiên nhất là trông mặt ai cüng mỏi mệt, lờ đà lờ đờ. Bất cứ lúc nào, ở đâu, người ta cüng ngủ gà ngủ gật, dù chỉ là đôi ba phút chợp mắt. Dân Việt rất khỏe mà lại hay mệt mỏi. Những sự đối nghịch của họ đã tạo cho tôi một tiết điệu để làm cuốn phim này.

: – Ðứa trẻ khùng và mầu sơn tượng trưng cho điều gì trong phim?

TAH: – Sự ngây thơ và sự đánh mất đi lòng ngây thơ, và những tiếc nuối, ân hận về sự mất mát này. Trong phim, đứa trè khùng là nhân vật duy nhất còn giữ được tính thơ  ngây vì nó không biết đâu là thiện đâu là ác.  Nó thích nghịch ngợm với sơn và vì thế, mầu sơn cüng mang tính chất trong trắng vì có liên hệ với đứa trẻ. Trong phim, khi tên phu xích lô trở nên sa đọa, ô uế, hắn muốn tự cứu vớt mình bằng cách bôi trét sơn lên người, vì sơn tượng trưng cho sự trong trắng, vì hắn muốn xua đuổi cái ác ra khỏi hắn. Khi hắn chỉa mũi súng vào người hắn, hắn muốn tiêu hủy sự gian tà trong chính con người hắn.

ED:- Đứa trẻ cũng có liên hệ với con cá, mà con cá là biểu tượng của Thiên Chúa Giáo. Vậy đứa trẻ và tôn giáo có sự liên quan gì không?

TAH: – Không, tôi hoàn toàn không muốn dùng đến những khái niệm biểu trưng đã sẵn có.  Như vậy hóa ra mình lười. Ðoạn đầu cuốn phim, con cá không mang ngụ ý gì đặc biệt cho đến khi tôi cho nó một bối cảnh và đến cuối phim thì nó trở thành biểu tượng cho một điểu rõ rệt. Con cá chính là mối liên hệ giữa thằng bé khùng và Lộc, tên phu xích lô. Lần đầu tiên khán giả nhìn thấy thằng bé, nó ngậm mở cái miệng như con cá [Trần Anh Hùng cũng mở miệng đóng miệng như con cá]. Khi Lộc bôi sơn lên ngưởi, hắn lúc đó say rượu và cũng điên điên cho nên trông hắn cũng na ná như thằng bé khùng. Tôi cho Lộc bỏ thẳng con cá vào miệng như một cách hắn dược “chịu mình thánh”–đây cũng là cách linh hồn đứa bé hội nhập vào người tên phu xích lô để gội tẩy hết mọi tội lỗi của hắn. Khi Lộc gặp lại mụ tú bà, mụ ta cũng nhìn nhận trong tâm hồn Lộc có một cái gì đó giống đứa con của mình. Lộc và thằng bé khùng có một mối giây tương quan là như vậy. Cả hai như anh em máu mủ. Lần đầu khán giả thấy tên phu xích lô với mụ tú bả, mụ nói đứa con trai của mụ cũng ở cùng tuổi với hắn. Khi họ nhìn nhau, trong đôi mắt mụ ta khán giả có thể thấy là mụ thầm muốn có được một thằng con trai như Lộc, và Lộc cũng ước là hắn có một người mẹ. Lần đầu khán giả nhìn thấy Lộc, khuôn mặt hắn trông rất đanh cứng và khó có ai có thể yêu một khuôn mặt như vậy. Tôi cần một khuôn mặt như vậy để chứng tỏ tên phu xích lô có một cuộc đời rất khắc khổ, nhưng tôi cũng muốn một khuôn mặt như vậy được lắng dịu xuống khi hắn ngồi trước mặt tú bà.

ED: – Anh thấy tìm ra một diễn viên với khuôn mặt như vậy có khó lắm không?

TAH: – Khó ghê lắm.  Tôi đi kiếm khắp ba miền, thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng. Cho đến ngày chót thì chỉ kiếm được hai mạng nhưng cũng không vừa ý cho lắm. Cũng trong ngày chót, trong khi chờ đợi các diễn viên đến thử vai, tôi một mình lang thang ra ngoài ngó trời ngó đất, hy vọng được gặp hên. Thật may, tôi gặp Lê Văn Lộc lái xe chạy ngang. Tôi nhủ thầm.”Tay này được.” Thế là tôi rượt theo chụp cổ hắn tức thì.

ED: – Vậy chắc Lộc là tài tử chuyên nghiệp?

TAH: – Không. Lộc là tài xế lái xe vận tải đôi khi chở xoong chảo ra chợ Hà nội bán.  Khuôn mặt Lộc có những góc cạnh tương phản rất thích hợp với nhân vật trong câu chuyện, Iúc thì dữ dằn, nhưng cũng có lúc thật nhân hậu. Tôi cüng cần một diễn viên với cơ thể như đã bị công việc lao động làm còi cọt. Lộc thích hợp với vai phu xích lô vì người còng còng, lại có sẹo. Không thể nào kiếm được một diễn viên chuyên nghiệp đóng vai này vì diện mạo hắn sẽ quá sạch sẽ, bảnh bao.

ED: – Bây giờ mình nói qua vai cô chị một chút. Anh nghĩ cô ta là một nhân vật có tâm lực mạnh, hay là một con người yêu đuối ? Cô ta có tự chủ được tình thế hay cô ta cũng chỉ là một nạn nhân?

TAH: – Phân tích như thế không đúng vấn  đề. Nhân vật người chị tương tự như mỗi chúng ta.  Có lúc chúng ta yếu đuối, có lúc chúng ta mạnh bạo, tùy hoàn cảnh. Không phải ai cũng mạnh hay yếu bất cứ lúc nào.  Ðiều quan trọng là gã phu xích lô và cô chị nó là hai nhân vật còntrong trắng, trong khi đó nhân vật thi sĩ là một nhân vật đã đánh mất linh hồn, đã vào một thế giới tăm tối. Nhà thơ tiếc nuối điều đó. Nhân vật thi sĩ đã chết trong hắn, cüng như hắn đã chết đối với xã hội và những người thân của hắn. Cha hắn ruồng rẫy hắn. Hắn bị coi là đã chết và chỉ sống lại khi cảm nhận dược những dịu dàng thanh sạch từ người khác.  Chính vì vậy mà hắn đã cố lôi kéo gã phu xích lô và cô chị vảo thế giới tội lỗi của hắn.

ED: – Nhưng nếu làm như vậy thì nhà thơ đã tiêu hủy sự trong trắng của hai người kia.

TAH: – Ðúng vậy. Bất cứ lúc nào sự trong trắng bị thử thách, nó sẽ bị tiêu hủy. Cô cần hiểu quan niệm về sự trong trắng và gian tà đối với tôi.  Sự trong trắng là những gì tinh khiết, những gì làm sáng tỏ lương tri con người, như những kỷ niệm đẹp–đó là sự trong trắng. Tuy đó cũng không phải là điều tuyệt đối. Đó chỉ là cách chúng ta tôn thờ, gìn giữ những kỷ niệm. Khi chúng ta làm điều gì thử thách đến ánh sáng này, thì đó là lúc chúng ta mất đi sự trong trắng. Nhân vật thi sĩ đưa đẩy hai chị em gã phu xích lô vào con đường tội lỗi nhưng đúng lúc đức hạnh bị đe dọa cũng chính là lúc nó tự biểu lộ. Thi sĩ không hẳn muốn tiêu diệt sự trong trắng của hai chị em mà có lẽ cũng muốn thử coi nếu nó có thể tồn tại trong nghịch cảnh. Khi thấy cô chị đứng khóc tức tưởi lần đầu đi làm điếm, thi sĩ bị xúc cảm vì điều này chứng minh rằng tâm hồn cô gái còn trong trắng, cô ta cố vượt qua những nghịch cảnh của đời sống. Vì xúc cảm mà hắn bị chảy máu cam. Sự chảy máu cam là dấu hiệu duy nhất cho ta thấy thi sĩ vẫn còn sống. Nhưng tâm hồn hắn đã chết–hắn sống như một con ma cà rồng, hút sạch sự trong trắng của người khác để tồn tại.

ED: – Tại sao những nhân vật trong phim lại không có tên?

TAH: -Tôi thích những gì trừu tượng. Để những điều trừu tượng gây ấn tượng mạnh cho khán giả, tôi phải dùng những hình ảnh rất sống thực để tạo dựng một bầu không khí tự nhiên –máu, mồ hôi, và bụi đường được hòa trộn để tạo nên một hình ảnh hữu cơ. Tôi thích những gì có bản chất hữu cơ, sống động.

ED: – Anh không có những người cha chân chính, lý tưởng trong phim. Nếu họ không chết hay vắng bóng, thì cũng không đóng vai chính trong cuộc sống của các nhân vật. Ðó chỉ là sự tình cờ của cấu trúc truyện phim hay là anh muốn nói ra một điều gì?

TAH: – Những hoàn cảnh, sự việc tự chúng thích hợp cho câu chuyện tôi muốn kể. [Sự vắng bóng của hình ảnh người cha] là một trong những điều có thể giúp truyện phim được hiểu một cách mạch lạc, phong phú hơn. Khi một điều không may xảy ra trong cuộc sống, ta có thể nói điều đó xảy ra cũng vì [nhân vật chính] không được sự dìu dắt của một người cha tốt, nhưng tôi không muốn khẳng định là người cha nào cũng xấu cả. Người cha của thi sĩ trong phim cũng có thể là một người rất tốt. Nhưng sự độc ác phát xuất tử chính thi sĩ, không phải từ người cha.

ED:- Anh nghĩ khán giả của anh là giới nào?

TAH: – Tôi làm phim cho tất cả mọi người.

ED: – Nếu khán giả phê bình là họ không hiểu phim Cyclo thì anh có buồn bực không?

TAH: – Không, vì tôi hiểu phim này không phải là một phim “dễ hiểu.” Ý tưởng, nghệ thuật thu hình, ngôn ngữ trong phim có nhiểu ẩn dụ. Tôi cũng không kể một câu chuyện có đầu đuôi theo nghĩa bình thường. Tôi đã chuyển lên màn bạc những cảm xúc mạnh mẽ nhất, riêng tư nhất tự đáy lòng tôi và tùy khán giả muốn đúc kết, tái tạo những cảm nghĩ của tôi sao cũng được. Tôi muốn khán giả khai thác sinh lực và tâm trí khi thưởng thức phim. Nghệ thuật điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó mà một người cần học hỏi để hiểu cách diễn đạt. Phim không chỉ là những hình ảnh giúp người ta giải lao một cách thụ động.  Phim ảnh Hoa Kỳ đã teo mòn trí óc người xem. Loại phim ảnh này như thức ăn đã được nhai sẵn để khán giả chỉ nuốt mà không cần phải vận động trí óc.

ED: – Có phải phim Cyclo cũng là một cách anh nhận định về hiện trạng Việt Nam?

TAH: – Việt Nam đang thay đổi và hiện trải qua một giai đoạn khá sôi nổi. Sau khi lệnh bế quan tỏa cảng đuợc giải tỏa, tình hình trong nước đã có chút ít cởi mở, và sẽ tiếp tục tùy thuộc vào những ảnh hưởng bên ngoài để giúp nó được tiến triển thêm.

ED: – Anh sinh trưởng ở đâu và anh rời Việt Nam vào năm nào?

TAH: – Từ lúc sinh ra cho đến năm tôi lên bốn, gia đình tôi sống ở Mỹ Tho. Sau đó chúng tôi sang Lào, nơi tôi sống cho đến năm 12, 13 tuổi. Sau đó gia đình tôi sang Paris.

ED: – Tại sao Paris mà không là Mỹ?

TAH: – Ba má tôi tôi thích sống ở Pháp hơn. Họ nói người Pháp có văn hóa, còn nước Mỹ chỉ có những thứ để hưởng và tiêu thụ.

ED: – Trước đây anh có theo học ở trường điện ảnh nào không?

TAH: –  Tôi thi vào trường École Nationale, học về nghệ thuật thu hình điện ảnh trong vòng hai năm. Năm chót, tôi làm một phim ngắn, nhưng tôi không thi để lấy bằng vì tôi biết nếu tôi có bằng, bố mẹ tôi sẽ muốn tôi đi vào làm một hãng truyền hình nào trả lương khá. Rồi tôi sẽ lấy vợ, có nhà cửa và một cuộc sống ổn định nhưng tôi sẽ không có thì giờ để sáng tác hay trở nên một đạo diễn. Lúc nào tôi cũng muốn thành một đạo diễn phim ảnh, nhưng tôi biết chuyện đó không phải là chuyện nguời ta học được ở trường. Một là người ta có tài đạo diễn, hai là không. Nhưng tôi cần học hỏi những kỹ thuật về điện ảnh để tôi có thể truyền bá những tư tưởng của mình khi làm phim.

ED: – Vậy lúc đó anh làm những việc gì để sinh sống?

TAH: – Tôi bán sách trong một tiệm bảo tàng. Mỗi tuần, tôi làm việc bốn ngày, viết ba ngày. Trong thời gian đó tôi viết được năm kịch bản và kịch bản thứ năm là Mùi Đu Đủ Xanh. Trước đó, khi tôi làm cuốn phim ngắn thứ nhì, tôi gặp một nhà sản xuất phim, ông Christopher Rossignon. Ông ta đọc Mùi Đu Đủ Xanh rồi nói với tôi ông muốn sản xuất phim này.

ED: – Anh nhận được những nguồn tài trợ nào khi làm phim?

TAH: – Tôi không dính dáng gì đến chuyện tiền nong vì nhức đầu lắm. Tôi để cho nhà sản xuất lo việc đó.

ED: -Anh chịu ảnh hưởng từ những phim nào? Đạo diễn nào?

TAH: – Yasujiro Ozu, Mikio Naruse, Kenji Mizoguchi, Robert Bresson, và  F. W. Murnau.

ED: – Tại sao lại là những đạo diễn này?

TAH: – Vì tôi có những khuynh hướng nghệ thuật, cách diễn tả giống họ.

ED: – Anh có thấy khó khăn khi phải đạo diễn Yên Khê trong những cảnh mà cô ta bị làm nhục về thể xác?

TAH: – Tôi không muốn đề cập đến những chi tiết kỹ thuật, cách dàn dựng những cảnh đó, nhưng phải nói, đó là những cảnh khá khôi hài.  Trong một cảnh mà Yên Khê bị khách đòi phải tiểu trước mặt y để y được kích thích, chuyên viên đám tụi tôi được một trận cười hả hê, vì mọi chuyện đều là giả bộ cả.

ED: – Yên Khê có đưa ra những ý kiến gì về vai trò làm điếm của cô trong phim không?

TAH: – Không. Tôi viết sao, Yên Khê diễn y như vậy.

ED: – Anh đã gặp Yên Khê lúc nào và ở đâu?

tran anh hung va yen khe TAH: – Tôi gặp Yên Kê hồi tôi quay cuốn phim ngắn đầu tiên, Người Thiếu Phụ Nam Xương.

ED: – Tony Leung Chiu- Wai (trong vai thi sĩ) thường đóng những phim action. Anh thấy thế nào khi đạo diễn tài tử này trong một vai rất bình lặng, đòi hỏi sự lắng đọng triệt để của nội tâm?

tony leungTAH: – Tony là tài tử chuyên nghiệp và đã đóng nhiều thể loại phim khác nhau, từ những phim tác động cho đến những phim tình cảm– cho nên cũng không khó khi đạo diễn Tony trong phim này.

ED: – Và anh thấy thế nào khi đạo diễn một tài tử đóng phim lần đầu như Lê Văn Lộc?

TAH: – Tuy không có kinh nghiệm, Lộc là một diễn viên có tài bẩm sinh.  Rất dễ trong chuyện đạo diễn Lộc.

ED: – Khi làm phim Cyclo, anh có bị xưởng phim Việt Nam làm khó dễ vì anh đã diễn tả bộ mặt đen tối của xã hội?

TAH: – Không. Sau khi tôi được cấp giấy phép, mọi chuyện trở nên suông sẻ.

ED: -Chuyện xin giấy phép làm phim có vất vả cho anh lắm không?

TAH: – Không khó lắm. Tôi có nói chuyện với nhân viên chính quyền về nội dung cuốn phim. Tôi cho họ biết phim của tôi không nhằm trình bày một nước Việt Nam trong đó cái gì cũng hoàn toàn, vì như vậy là bóp méo sự thật. Tôi giải thích cho họ diễn tiến của cốt truyện. Họ thấy những đề tài tôi muốn nêu ra trong phim, và cách tôi giải quyết vấn đề không làm họ khó chịu đến độ có thể gây trở ngại. Vì vậy, họ đã bật đèn xanh cho tôi được quay phim. [Thật ra, đã có tin đồn Cyclo bị chính quyền dọa không cho chiếu ở Việt Nam. Sau đó, cô Laura Kim, người đại diện của hãng phim Miramax, tuyên bố Cyclo sẽ được chiếu ở Việt Nam năm 1997, sau khi ra mắt ở Mỹ.]

ED: –  Anh có bao giờ nghĩ đến chuyện làm đạo diễn cho một cuốn phim mà kịch bản là do người khác sáng tác?

TAH: – Không. Trù phi trong tương lai tôi cạn hêt ý thì tôi mới nghĩ đến chuyện đó.

ED: – Nếu trong trường hợp chuyện đó xảy ra, thì anh có nghĩ mình sẽ sang Hollywood và làm việc như một thành phần của  xưởng phim ở đó?

TAH: – Không. Vì cách làm việc, kỹ thuật, khuynh hướng của tôi và họ không giống nhau. Những gì tự tôi có thể làm thật nhanh thì bọn họ lại điều đình kéo dài trong một thời gian rất lâu.

ED: – Anh có những diễn viên lý tưởng nào mà anh muốn đóng trong phim của mình?

TAH: – Ngoài Yên Khê ra, tôi không hề nghĩ đến bất cứ diễn viên nào khác khi viết kịch bản.  Viết xong bản phim rồi tôi mới nghĩ đến chuyện chọn diễn viên nào thì thích hợp cho từng vai.

ED:- Anh cảm thấy ra sao sau khi thắng scent of green paya poster giải Camera D’Or tại Cannes? Anh có biết trước là Mùi Đu Đủ Xanh của anh sẽ thành công như vậy không?

TAH: – Không. Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mình thắng giải. Diễn tiến cuốn phim thật chậm, phim lại cũng chẳng có cốt truyện–những điều này không làm nó được dễ ăn khách. Ngoài ra, phim không có những chi tiết vui nhộn hay một đoạn kết viên mãn. Hay nói đúng ra, Mùi Đu Đủ Xanh có một đoạn kết tốt đẹp nhưng vẫn mang tính chất hiện thực. Hiện thực không có một đoạn kết tốt đẹp. Nó chỉ cho người ta một lựa chọn để chuyển hướng về một trạng thái khác của cuộc đời trước mặt.

ED: – Anh có nghĩ chuyện anh nhận được nguồn tài trợ cho phim Cyclo cũng chính vì  Mùi Ðu Ðu Xanh được đề nghị giải thưởng Oscar?

TAH: – Ðúng vậy. Tôi không biết đó có phải là lý do chính hay không nhưng chắc chắn nó có ảnh hưởng. Điều tối hậu cho giới làm phim vẫn là phim khi chiếu phải có người xem. Một cuốn phim, cho dù nếu được đề nghị trao giải Oscar mà không có khán giả thì vẫn khó [để được hỗ trợ tài chính].

ED: – Xin anh cho biết về dự án sắp tới của anh?

I come with the rain poster TAH: – Phim sắp tới của tôi sẽ đề cập đến Kinh Thánh Tân Ước. Tôi sẽ biểu lộ khái niệm về Thượng Đế trong thời điểm hiện tại. Tựa của phim có thể tạm dịch là Tôi Đến Với Cơn Mưa (I Come with the Rain). Nếu mọi chuyện trôi chảy, tôi sẽ bắt đầu quay phim này vào cuối năm 1997 tại Hương Cảng và Hoa Kỳ.

bài đã đăng của Elyse Dinh-McCrillis

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

3 Bình luận

  • Anh Hùng says:

    Bài phỏng vấn rất tuyệt. Nhưng có một chút lưu ý, Trần Nữ Yên Khê đóng vai chị gái Xích lô.

  • Khiêm says:

    Tôi đã coi phim này nhiều lần, và coi lại 1 lần nữa qua bài trả lời phỏng vấn. Tôi nhớ cái hình tam giác đều tạo bởi Lương Triều Vỹ, Lê Văn Lộc và thằng khùng, mà sau đó Lê Văn Lộc đã bị đẩy bật ra ngoài. Và từ khi nghe 2 người lính thọt hát bài “Nắng chiều” trong quán nhậu, tôi không thích nghe ca sĩ nào hát nữa.

    Đây là 1 tư liệu hay, cám ơn Damau.

  • Loaneca says:

    Đây quả là một tư liệu quí giá mà em đã may mắn tìm được. Thật sự cảm ơn tác giả.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)