- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

 

 

Mấy năm gần đây, hình tượng Khổng Tử không còn nằm trong bóng tối và bụi bặm của quên lãng, mà được lôi ra, đánh bóng, đặt lên những cái bục mới toanh trong những viện Khổng Tử mới toanh đã, đang và sẽ được xây khắp thế giới.

Đây không hẳn là trùng hưng, hay phục hưng. Cũng không phải chính quyền Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ đả phá và tẩy não dân chúng để tận diệt những tàn tích tư tưởng Nho giáo, bỗng dưng nhận ra chỗ đứng của nó trong một nước cộng sản của thế kỷ 21.

Đây chỉ là Trung Quốc đang tìm cách đánh bóng chính mình qua hào quang của quá khứ. Danh tiếng của Trung Quốc ngày nay, đẹp nhất thì là “công xưởng của thế giới”, “vua xuất cảng”, còn xấu thì vô kể: ô nhiễm, không màng đến vệ sinh môi trường lẫn vệ sinh thực phẩm, chính quyền tham nhũng tràn lan nhưng siết chặt tự do tư tưởng của dân chúng đến mức không truy cập nổi trang mạng Google, tham vọng bành trướng lãnh thổ… Thế nên Trung Quốc bỏ rất nhiều công của đào bới tư liệu và khảo cổ để chứng minh những cái nhất của quá khứ. Chẳng hạn, ngoài những phát minh đã được công nhận như thuốc súng, tiền giấy, Trung Quốc còn khoe rằng thuyền của Trung Quốc thời xưa, do một hoạn quan theo đạo Hồi chỉ huy, đã đến Mỹ châu trước Columbus.

Đây cũng là Trung Quốc tiến hành tham vọng bành trướng của mình. Bành trướng lãnh thổ chỉ là một khía cạnh, bành trướng thế lực và ảnh hưởng là một khía cạnh khác. Hai thứ bành trướng này hỗ tương và kết hợp hài hòa trong giấc mộng thống trị thế giới vẫn chưa dứt từ thời xưa, và niềm tự hào rằng Trung Quốc phải là cái rốn của vũ trụ, nằm ngay tâm điểm thế giới loài người.

Những nỗ lực truyền bá và củng cố ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, dĩ nhiên phần lớn do Trung Quốc đài thọ. Trong nỗ lực ấy, những viện Khổng Tử là hàng tiền đạo, dùng hình tượng và tư tưởng Khổng Tử làm bung xung để vun cấy thiện chí và “quyền lực mềm”, đồng thời thúc đẩy ngôn ngữ Trung Quốc trở thành thông dụng hơn, có lẽ cùng tham vọng biến tiếng Trung Quốc thành thứ tiếng chung như tiếng Anh chẳng hạn, không khác lắm với nỗ lực thúc đẩy đồng tiền Trung Quốc thành thang tiền tệ chung.

Cho đến nay, sau hơn 10 năm, đã có 480 Viện Khổng Tử ở khắp thế giới. Ở Mỹ, những viện này cấp học bổng hoặc quỹ nghiên cứu cho những dự án nghiên cứu và học hỏi về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Những lớp học tiếng Trung Quốc miễn phí khởi đầu từ cấp tiểu học.

Ở Việt Nam, viện Khổng Tử đầu tiên đã mở cửa vào năm ngoái tại Hà Nội. Khá muộn màng cho một quốc gia mỗi năm cùng Trung Quốc thề nguyền anh em hữu nghị đời đời, nhưng mặt khác, khá lạ lùng cho một quốc gia đang nằm trong cái bóng “bành trướng” của Trung Quốc, cùng các nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á vui buồn trong biển Đông theo hứng của “đàn anh”.

Tại sao viện Khổng Tử mãi đến năm ngoái mới được khai trương ở thủ đô Việt Nam, có lẽ còn một câu trả lời khác. Việt Nam đã chịu ảnh hưởng văn hóa và thế lực Trung Quốc hàng nghìn năm nay, Trung Quốc đâu cần phải tốn thêm tài lực ở Việt Nam trong vấn đề này. Chẳng những thế, có thể nói khá chắc chắn rằng hiện nay hình tượng và tư tưởng Khổng Tử quan trọng ở Việt Nam hơn ở chính Trung Quốc rất nhiều. Ở Việt Nam, Khổng Tử Nho giáo chưa bị cuộc Cách mạng văn hóa nào càn quét và xóa bỏ, nên cho đến ngày hôm nay giáo dục gia đình và học đường của Việt Nam vẫn còn ra rả “nhân lễ nghĩa trí tín”.

Rõ ràng hơn nữa cho lòng tín mộ chưa phai này là sự kiện hy hữu có một không hai, có thể được xếp vào kỷ lục chuyện lạ thế giới: một tỉnh của Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc, đã xây xong một văn miếu hoành tráng để thờ Khổng Tử. Với tổng giá trị 271 tỷ đồng (khoảng 13 triệu đô la), đây không phải là cái miếu nho nhỏ mà là một khu vực văn hóa, xây theo kiểu dáng thông lệ nhưng chạm trổ giát vàng khá công phu. Chuyện này thực hy hữu vì một văn miếu mới cho Khổng Tử lại được xây vào thế kỷ 21, hơn nữa không phải ở Trung Quốc là nơi đang tích cực đào xới và đánh bóng hình tượng Khổng Tử, mà ở Việt Nam, nơi đang bị Trung Quốc đe dọa, và đang hô hào (ít nhất trên hình thức) dân chủ và hội nhập thời đại, cả hai thứ không gợi nhớ đến với Nho giáo thường là biểu tượng của một lòng “trung” mù quáng.

Lý giải cho “công trình văn hóa” này, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nói rằng văn miếu mới là sự tái hiện của văn miếu phủ Tam Đới (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường) đã tồn tại rồi bị phá hủy 300 năm trước, một dự án được ấp ủ suốt 18 năm sẽ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, phát huy giá trị truyền thống hiếu học qua các thời đại của đất nước, của người dân tỉnh; qua đó giáo dục và khuyến khích thế hệ trẻ học tập rồi quay lại xây dựng quê hương, đất nước. Văn miếu cũng sẽ là nơi các dòng họ có thể đến nghiên cứu về tiền nhân và truyền thống khoa bảng của họ tộc mình, nơi người dân có thể tới vừa để chiêm ngưỡng kiến trúc, dạo mát, nghỉ ngơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, còn có một mục đích kinh tế: văn miếu có giá trị khai thác du lịch vì nằm trên trục văn hóa gồm: di tích lịch sử quốc gia chùa Hà Tiên – Văn miếu – Tây Thiên – Thiền viện – Tam Đảo.

Những tư tưởng Khổng Tử, nhất là căn bản “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của đạo làm người, vẫn còn có giá trị trong thời đại ngày nay. Nhưng muốn thế, cần phải nhận ra những điều lỗi thời và giới hạn tất nhiên của Nho giáo do hoàn cảnh môi trường và xã hội lúc ông sinh thời. Bài học từ Khổng Tử cần phải được hòa nhập, lọc lựa, biến hóa theo thời gian, có nghĩa không còn bị ràng buộc bởi chính nhân sinh quan của ông nói riêng và thời đại của ông nói chung. Chẳng hạn, chữ “lễ” có còn bao gồm cúng bái không? Chữ “nghĩa”, nói đến đạo đức và lẽ phải, hẳn không còn bao gồm chuyện “trung” với vua và “thờ” chồng nữa chứ?

Lý giải của chính quyền Vĩnh Phúc về dự án văn miếu Khổng Tử không bao gồm sự chắt lọc cần thiết. Nhìn theo hướng tích cực nhất thì đây chỉ là tốn tiền cho lòng hoài cổ vô bổ và sự bám víu vào quá khứ, sự “xa rời hiện thực” là cấm kỵ trong bất cứ tình huống và thể chế nào. Tâm lý hoài vọng thời xưa, giá trị “hiếu học” gắn liền với “truyền thống khoa bảng” cho thấy tại sao giáo dục Việt lại đổ đốn và bất lực như thế trong những kỹ năng và tinh thần cần thiết cho thời hiện tại. Thậm chí cả quá trình “ấp ủ 18 năm”, đặt trọng điểm xây cất cho bằng được mặc thế sự xoay vần trong vòng 18 năm ấy chứng minh rõ ràng hơn nữa “giấc ngủ mê” của chính quyền địa phương.

Trong giấc ngủ mê rất đỗi hoài cổ ấy, tờ trình của Sở Kế hoạch và Sở Văn hoá gửi chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2011 về đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình nêu rõ: "Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại”, cộng thêm các danh nhân văn hoá dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu… rồi rốt lại (và có thể là phần chính) là hai hàng bia khắc tên 99 cụ đại khoa, trung khoa của tỉnh Vĩnh Phúc “có công lớn với đất nước” (mấy chữ có công lớn với đất nước phải để trong ngoặc kép, vì chưa có chứng thực). Nhìn đi rồi nhìn lại, không chừng công trình 271 tỷ đồng này chỉ là minh họa và vun đắp cho tinh thần và tự ái địa phương làng xóm, khoe mẽ với những “làng” chung quanh, lại thêm một thứ vô cùng hủ lậu và thiếu tiến bộ.

Say mê với dự án này, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cũng tỏ ra rằng muốn “thờ” Khổng tử mà họ hoàn toàn không hiểu “nhân” cũng như “nghĩa”, và ngay cả “trí”, vì họ đổ tiền xây đền miếu nguy nga trong lúc 65 di tích quốc gia và hơn 1.000 di tích văn hoá trong tỉnh không có đủ tiền để duy tu, bảo tồn; rất nhiều dự án phục vụ cho an sinh, xã hội chưa tìm ra vốn; hệ thống bệnh viện quá tải, xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Hơn nữa, thay vì một bệ thờ giát vàng cho học sinh đến ngắm ông Khổng tử, sao không “thờ” Khổng tử bằng cách nâng cấp trường học, xây thư viện để khuyến học một cách thực tế hơn?

Cấp tỉnh đã mê muội là thế, cấp trungương cũng không tỉnh táo gì hơn. Trước khi đề tài “271 tỷ đồng xây Văn Miếu thờ Khổng Tử” làm dậy sóng trên báo chí và trước khi những chuyên gia văn hóa tồn cổ tuyên bố rằng xây Văn miếu giống Quốc Tử Giám đã có ở Hà Nội là lãng phí, là không hợp thời… mới tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo Đảng, chính phủ còn về thăm và trồng cây lưu niệm tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Chứng tỏ hoặc đảng và nhà nước nói chung đồng tình với công trình phí phạm vô nghĩa vô lý này, hoặc là liệt kê nó vào loại bỏ tiền mua vui cho công chúng và địa phương. “Vui” ở đây có nghĩa những thứ vô bổ, lạc hậu và ngược thời đại như mê tín, đồng bóng… tương tự như chính quyền địa phương và trung ương lâu lâu áo xống ra “tế trời” và “cầu phước dân an”. Trong khía cạnh “để chúng mua vui” này, đảng và nhà nước hoàn toàn bỏ quên những chính sách khắt khe cũ, những chê trách kiểm thảo, và riêng trong vụ văn miếu Vĩnh Phúc, quên mất rằng chính nhà nước là nguyên nhân những văn miếu lâu đời ở miền Bắc đa số đã bị đập đổ, suy tàn rồi biến mất.

Nay vụ việc đã rùm beng trên báo, chính quyền Vĩnh Phúc đang bỏ trống bệ thờ và tuyên bố “cần bàn thảo lại”. Kiểu “bàn lại” này có thể chỉ đến kết quả “bàn rồi làm như cũ” như với lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Khi khói bụi đã tan, phần nhiều có thể đoán Vĩnh Phúc sẽ có một khu văn miếu hoành tráng, có thờ Khổng Tử nhưng có thể chỉ là một bệ thờ khiêm nhường, có thể chỉ là bài vị chứ không có tượng. Nó sẽ trở thành địa điểm du lịch, vài năm nữa khi công trình “xuống cấp” như hầu hết công trình xây dựng ở Việt Nam thì khách du lịch sẽ không hề biết đây là văn miếu mới toe mà cứ ngỡ nó là một chứng nhân lịch sử ít ra cũng mấy trăm năm. Ngày khánh thành, mở cửa, khai trương chắc sẽ có đại diện, lãnh đạo đảng và nhà nước đến chúc mừng bên cạnh chức sắc địa phương, và con cháu dòng dõi danh gia địa phương của những vị được hân hạnh được có bia trong văn miếu. Truy phong danh nhân Việt trong văn miếu nho gia thì vẫn là truy phong, xưng tụng và tri ân Khổng tử và nền Nho học đến ngày nay còn là một phần gông cùm tư tưởng của người Việt và rào cản trên con đường “cách tân”.

Thế cho nên đến giờ này, vẫn còn chuyện “gánh vàng đi đổ sông Ngô”!

bài đã đăng của Tiểu Thư