Trang chính » , Sáng Tác Email bài này

Trở lại mái nhà xưa

clip_image002_thumb.jpg

clip_image002 
Khuôn viên Đại học Tiểu bang California, Sacramento, nơi tác giả theo học năm năm (Ảnh statehornet.com)

 

 

 

 

 

We shall not cease from exploration, and the end of all our exploring
will be to arrive where we started and know the place for the first time.

— T. S. Eliot

 

Bốn mươi năm trước do những tình cờ của đời sống đưa đẩy, tôi và hai con nhỏ, 9 và 2 tuổi rưỡi, trôi giạt tới Sacramento định cư sau khi rời trại tị nạn. Bốn mươi năm sau, cũng do tình cờ, tôi thấy tôi trở lại Sacramento, dự tính chỉ trú chân tạm thời, rồi trở lại Oregon, nơi ngoài đời sống đơn giản, dân cư thưa thớt, dân tình thân thiện, còn có một đạo luật mà tôi rất thích, đó là luật trợ tử, tức quyền xin y sĩ giúp cho chết nếu bệnh nan y chỉ còn sáu tháng để sống, thay vì sống đau đớn, lay lứt, lệ thuộc.(*)

Các con tôi nghĩ tôi bị ám ảnh bởi cái chết. Thực ra tôi thích cái chút tự do lựa chọn mà luật trợ tử cho phép người ta có được, đó là chọn cho mình cái chết khi đời sống không còn đáng sống nữa. Tôi đã thấy quanh tôi nhiều người tôi quen vì những lý do nào đó phó mặc cho con cháu, người thân lãnh việc thu dọn đời sống của họ khi họ mất khả năng tinh thần hoặc thể xác để tự tay điều hành đời sống của mình. Thương các con, tôi không muốn chúng phải trải qua những khó khăn có thể xẩy ra đó, và để chúng giữ được những hình ảnh và tình cảm đẹp về và đối với tôi. Ngay hồi còn tương đối trẻ, tôi đã làm di chúc sống, bầy tỏ ước muốn của tôi lỡ mà có bị tai nạn hay bệnh và trở thành bất lực, không còn sáng suốt để quyết định, hay bị hôn mê cần máy trợ sinh. Tôi cũng đã, từ cả trên chục năm trước, trở thành hội viên của Neptune Society, một tổ chức mà tôi đã đọc về họ trong một bản tin ngắn trên tạp chí Newsweek ở Saigon trước 1975. Tôi vẫn còn nhớ bức hình về một con tầu nhỏ ra khơi mang theo các hũ đựng tro được đem rải xuống biển trong một nghi lễ vừa trang nghiêm vừa có vẻ gì đó lãng mạn. Luật trợ tử như một bổ túc nhưng cần thiết cho sự chuẩn bị cuối đời, cho mình cảm tưởng về một thứ tự do tối hậu đối với một đời người đã hầu như không có sự lựa chọn cho cả sự ra đời của mình, mà hoàn toàn là do những đưa đẩy, ngẫu nhiên. Dĩ nhiên người muốn xử dụng luật này phải tỉnh táo cho tới giây phút cuối cùng khi cầm ly đựng liều thuốc sẽ cho mình ra đi trong nhẹ nhàng.

Do đấy tôi có ý định trở lại Oregon trong một tương lai gần, khi mình không còn tự lái xe rong chơi đây đó được nữa. Song khi Tiểu bang California cuối cùng vào đầu tháng 10 vừa qua ban hành luật trợ tử, thì tôi thấy có thể xét lại dự tính trên, mặc dù tôi vẫn thích đời sống đơn sơ ở Oregon, nơi, còn rất thực tiễn, đó là nguời tiêu thụ không phải trả thuế khi mua đồ, và không phải tự tay đổ xăng cho xe, vì tiểu bang muốn giữ cho một số người có công ăn việc làm dù đó là một ngành nghề khiêm tốn..

Cũng tại Sacramento 40 năm trước tôi gặp Anh, người đã đưa bờ vai cho tôi tựa ở những giây phút vực thẳm của một người tị nạn mất mát hết cả, với hai đứa con nhỏ còn ngơ ngác thất lạc hơn cả chính mình. Đi qua những con phố, nhìn lại những góc đường cũ, khu chung cư đầu tiên chúng tôi ở xưa đã nhiều thay đổi chỉ nhận ra một cách mơ hồ, vùng chúng tôi mua căn nhà đầu tiên vốn xưa chỉ là một khu ngoại ô nay đã trở thành thành phố – sông kia rầy đã nên đồng / chỗ làm nhà cửa chỗ giồng… shopping [centers] -, khiến tôi không khỏi bồi hồi. Tôi trở lại vùng chân đồi giữa khu rừng thông và sồi, nơi chúng tôi dọn tới vài năm sau đó vì muốn nuôi dậy các con giữa thiên nhiên xa đời sống tiêu thụ của thành phố, tự sức phạt đất, san đồi, đào mương đặt hệ thống septic và xây móng ngôi nhà nhỏ ngó xuống thung lũng Coloma (**), nơi diễn ra vụ Gold Rush vào giữa thế kỷ thứ 19.

 

clip_image004 clip_image006
Ngôi nhà trên rừng thuộc vùng đồi núi ở El Dorado County, khoảng năm 1985; phải, ngôi nhà thuộc chủ mới từ 2002, chụp tháng 8, 2015 (Ảnh Trùng Dương)

 

Nhìn lại ngôi nhà cũ, bao nhiêu kỷ niệm ùa về…

***

Bà Ruth, một tình nguyện viên của Làng Hy Vọng, nhìn mái tóc tị nạn bơ phờ của tôi, bảo, cuối tuần này tôi đem thuốc lên, cô tới phòng tôi để tôi uốn lại tóc coi cho được, để còn đi date chứ.

Tôi cười, nhưng không dấu được ngạc nhiên, vì ở Viet Nam, nơi tôi vừa bỏ chạy với bao người tị nạn cộng sản khác, không ai tự uốn tóc lấy bao giờ mà thường phải đi tiệm. Sao bà uốn tóc được? Đến phiên bà Ruth hỏi lại tôi, việc đó có gì mà không làm lấy được? Chỉ cần đi tiệm mua thuốc permanent về rồi theo chỉ dẫn mà làm.

Hồi ấy, 40 năm về trước chân ướt chân ráo tới đây, tôi chưa được biết là ở Mỹ, vùng đất của người di dân thường ra đi với hai bàn tay trắng, người ta tự tay làm lấy nhiều việc. Do it yourself, hay DIY, là một châm ngôn. Và phụ nữ Mỹ có tiếng là quán xuyến nhiều việc, một tay làm lấy từ bếp núc, nhà cửa, nuôi nấng và lái xe đưa đón con cái không chỉ đi học mà còn đi dự nhiều sinh hoạt khác, và kể cả đi làm kiếm cơm, đặc biệt trong vài thập niên trở lại đây. Cho đến bây giờ, người đàn bà vẫn còn bị dằng co giữa hai lực, đó là gia đình và sự nghiệp.

Việc tôi bỗng nhận được một đống thư của độc giả, nhiều hơn bất cứ ai trong đám vài trăm người tị nạn của làng, trong vòng có vài ba ngày, do một bài ký sự ngắn đăng trên tờ The Sacramento Bee, về đời sống tại Làng Hy Vọng, đã được truyền miệng nhau giữa khoảng một tá tình nguyện viên. Những lá thư bầy tỏ niềm thông cảm với tình trạng tị nạn của chúng tôi, đầy khích lệ và những lời chúc lành chân tình, nói lên sự quan tâm và lòng nhân đạo của người Mỹ. Cũng chỉ tại Mỹ người ta mới thấy nhiều gia đình sẵn sàng mở cửa nhận đón nhiều gia đình người tị nạn vào và giúp họ làm quen với đời sống nơi đất lạ.

Do sự khuyến khích của ông Ted Britton, một giáo sư Đại học Tiểu bang California ở Sacramento, (người đã bỏ tiền túi ra mua vé máy bay sang Saigon vào những ngày thành phố hấp hối, để tìm cách đưa những học trò cũ và một số người ông quen, trong đó có cả gia đình của anh Đỗ Ngọc Yến, cố chủ nhiệm của nhật báo Người Việt, sang Mỹ), tôi viết một bài về đời sống của người tị nạn trong làng, rồi chính tay ông chuyển tới chủ bút của tờ Bee, hồi ấy là Frank McCollough, cũng là bạn của ông. Ông chủ bút bèn cử một phóng viên lên gặp tôi tại làng với bản viết lại bài viết của tôi bằng văn báo chí, ngắn và gọn, lối viết mà tôi đã có dịp học sau này khi đi học lại về báo chí. Walt Wiley, anh phóng viên, đã chụp hình tôi để đi với bài, với hai đứa con nhỏ nằm ngủ trưa trên giường ở hậu cảnh.

Bài viết cho tờ Bee sống sót sau nhiêu lần dọn nhà nhờ nó nằm trong những tài liệu hình ảnh tôi chụp lại bỏ vào cùng một CD thực hiện nhằm ca ngợi đời sống của chồng tôi khi Anh qua đời cách đây 12 năm. Đọc lại bài viết, tôi không khỏi mỉm cười. Như một bản tóm lược lý lịch cá nhân, một thứ resume, đôi chỗ ngây ngô. Điều quan trọng đáng nói là chính nó đã đưa Anh vào đời tôi suốt 27 năm sau đó. Đây là lần đầu tiên tôi dịch bài viết ra Việt ngữ như một gói ghém một phần đời của mình.

 

Kinh cầu hồn cho người người tị nạn Việt

Nguyễn Thị Thái là một goá phụ chiến tranh 31 tuổi hiện sống với hai con trong một căn phòng tại Trung Tâm Y Tế Weimar, nơi hội Food for the Hungry thiết lập một “Làng Hy Vọng” cho 500 người tị nạn.
Tại Sàigòn, bà là chủ nhiệm-chủ bút của nhật báo Sóng Thần với số phát hành 100,000 tờ.
Đây là tường trình của bà về đời sống tại Làng Hy Vọng.

Bài của Nguyễn Thị Thái
Đặc biệt cho The Bee

WEIMAR — Trước mọi sự đã xẩy ra cho đời chúng tôi — đời tôi, đời các con tôi và đời của tất cả những người Việt tại Làng Hy Vọng này — tôi biết không còn chọn lựa nào khác.
Thật là buồn, một sự gián đọan lớn lao, nhưng chúng tôi đã không có thể làm gì khác hơn. Đời sống của chúng tôi ở Saigòn đã chấm dứt dù chúng tôi có ở lại hay đã ra đi.
Tới đây ít ra còn cho chúng tôi cơ hội về một cuộc sống mới, nhưng đó là một sự thay đổi lớn lao.
Mỗi buổi sáng trẻ em đi học bằng xe buýt để học một ngôn ngữ mới – Anh ngữ. Những lúc khác trong ngày có các lớp cho người lớn.
Các ông rửa chén bát trong nhà ăn – môt việc họ không hề làm khi còn ở Việt Nam. Chúng tôi đều ăn chung trong một phòng ăn. Tại dẫy nhà nơi tôi ở không có máy sưởi, và chúng tôi phải đi ngang qua khoảng sân rộng tới một bin đinh khác để tắm nước nóng.
Chúng tôi gắng giữ nề nếp gia đình trong khi biết rằng con cái chúng tôi sẽ lớn lên giống Mỹ hơn Việt.
Chúng tôi quan tâm tới việc làm thế nào để giúp chúng gìn giữ được di sản Việt và gắng giúp cho chúng trong việc trở thành người Mỹ.
Và tất cả chúng tôi cần tìm một chỗ đứng cho chính mình trên phần đất quê hương mới này.
Tôi là một goá phụ chiến tranh, 31 tuổi đầu, với đứa con trai 9 tuổi và gái 2 tuổi. Chúng hiện ở đây với tôi.
Tôi là một phụ nữ nhỏ bé, ngay cả đối với đàn bà Việt – 4 feet 10 ½, 86 pounds.
Tôi hơi có tí tham vọng: Tôi muốn việc tới đây là một bắt đầu cho một cuộc đời mới, một cái gì tốt đẹp.
Ở Saigòn, tôi là chủ bút và chủ nhiệm một tờ báo có số phát hành là 100,000 ấn bản cho tới khi chính quyền tham nhũng của ông Thiệu đóng cửa tờ báo.
Giờ đây tại nơi này giữa vùng đồi núi thanh bình, đó là thời kỳ tôi sẽ bắt đầu một cái gì khác. Cây thông, như những cây người ta trồng ở đây, là loài người Việt yêu thích: chúng tượng trưng cho sự thẳng thắn và tuổi thọ đối với chúng tôi.
Như mọi người quanh đây, giờ là lúc để tôi tìm xem tôi sẽ đi về hướng nào. Hướng nào thì cũng sẽ phải là một cái gì đáng kể.
Thời gian chờ đợi này thực ra không hẳn là dở đối với chúng tôi.
Ở Camp Pendleton, nhiều đợt tị nạn mới tiếp tục đổ tới và chúng tôi đón mỗi chuyến xe buýt để tìm người thân và bằng hữu. Đã có nhiều cuộc tái ngộ.
Chúng tôi không có sự thong thả đi lại ở Pendleton như ở đây, nhưng tôi đã có thì giờ suy nghĩ, viết thư và đọc sách.
Tôi đã đọc lại “Cuốn Theo Chiều Gió” ở đó. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này hồi mới lớn, song câu chuyện nay có một ý nghĩa mới đối với tôi khi đọc lại qua cái nhìn của một phụ nữ với nhiều trách nhiệm và đã trải qua một cuộc nội chiến tại chính quê hương mình.
Tôi cảm mến Scarlett O’Hara. Cô ta là một phụ nữ mạnh mẽ. Cô ấy có những lầm lẫn nhưng đã đứng trên hai chân mình.
Cái khác biệt giữa chúng tôi là khi chiến tranh kết thúc, cô ta còn quê hương; còn tôi thì không.
Chuyện của tôi có lẽ không phải là chuyện của một phụ nữ tiêu biểu tại Làng Hy Vọng, thế nhưng mỗi người có một câu chuyện riêng.
Có một thiếu phụ 21 tuổi mang thai tám tháng trông thật rã rời, đứng sắp hàng chờ lãnh phần ăn trong phòng ăn, trên tay bồng một bé trai 10 tháng.
Chồng của cô ta còn kẹt ở Viet Nam khi cô ôm con nhỏ chạy.
Tôi không cần phải hỏi han mới biết là người chồng cuối cùng đã tới được đây khi một hôm tôi thấy người thiếu phụ đứng bên quầy trong phòng ăn, gọi rối rít, có phần bẽn lẽn, một người đứng xếp hàng sau tôi.
Tôi quay lại thấy một thanh niên khoảng 25 tuổi, da ngăm đen, dáng cao, người chắc, xếp hàng lãnh đồ ăn cho cả gia đình.
Ba ngày sau đó người thiếu phụ cho ra đời một bé trai, đứa trẻ đầu tiên ra đời của Làng Hy Vọng.
Và ba tuần kế đó một em bé nữa ra đời ở Làng Hy Vọng, thế nhưng đó là một chuyện buồn. Bé trai đó bị chết, chỉ mới sáu ngày tuổi.
Đám tang của bé tại Nghĩa trang New Auburn là dịp tiếc thương cho tất cả chúng tôi ở đây.
Cha mẹ bé dù thế nào cũng phải tiến tới phía trước: họ còn hai đứa con nhỏ, và họ biết họ phải đi tới.
Lại có một cô 26 tuổi đang nuôi dự tính đi Paris để đoàn tụ với vị hôn phu. Thế rồi cô ta, sau nhiều tuần lễ chờ đợi, nhận được một lá thư, cho biết anh ta sẽ thành hôn với người khác.
Cô ta cười khi nói về dự tính mới, đó là lên Washington, D.C. sống với mấy người bạn, quyết định tự lập.
Có một bà gần 70 và đây là lần thứ hai bà trở thành tị nạn. Bà là một trong 1.5 triệu người Bắc di cư vào Nam vào năm 1954 khi cộng sản chiếm lĩnh miền Bắc.
Bà có nụ cười xa vắng, sầu muộn nhưng không cay đắng.
Làng Hy Vọng có vẻ là nơi cho chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới. Sàigòn của chúng tôi, Miền Nam của chúng tôi, không còn nữa. Không còn gì để nhìn lui nữa. Không còn nơi nào ngoài phía trước để tiến tới.
Không thấy những trường hợp khủng hoảng tinh thần. Không ai trong chúng tôi trở thành điên khùng bởi phiền muộn cả.
Chúng tôi muốn tìm một chỗ đứng trong xã hội mới này, ngay cả khi phải học những nghề mới hoàn toàn khác hẳn với công việc chúng tôi làm ở Việt Nam.
Tôi đang soạn một vở kịch: “Sàigòn, Mùa Xuân 1975 – Sự sụp đổ của một thành phố.”(***)
Một chị bạn và tôi dự tính làm một buổi trình diễn thời trang áo dài Việt, mô tả sự tiến hoá của chiếc áo truyền thồng này xuyên qua các thời đại. Chúng tôi đang bàn với vài nhà sản xuất về chương trình này.
Tôi đã xuất bản một số tập truyện và tiểu thuyết ở Việt Nam, và tôi đang xem lại xem tôi sẽ có thể làm gì trong thời gian tới.
Vào những năm cuối cùng ở Miền Nam có hai nhạc sĩ nổi bật mà một số bài hát của họ đã diễn tả tâm tình của người dân.
Lắng nghe quanh Làng Hy Vọng vào buổi chiều sau giờ ăn tối vào giờ sinh hoạt của các em ta có thể nghe thấy bài “Viet Nam, Viet Nam” của Phạm Duy, hay “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn.
Bạn có thể thấy những giọt nước mắt của chúng tôi khi bài sau được hát, nói lên câu chuyện thống khổ của dân tôi.
“Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu,
Một trăm năm nô lệ giặc Tây,
Hai mươi năm nội chiến từng ngày,
Gia tài của mẹ để lại cho con,
Gia tài của mẹ một nước Việt buồn…”
Và Việt Nam bây giờ còn buồn hơn, nhưng đấy không phải là nơi những người tị nạn chúng tôi nhìn vào. Chúng tôi nhìn vào quê hương mới của chúng tôi. Chúng tôi giữ Viet Nam trong tim mình.
Nếu có bao giờ tôi trở lại Việt Nam, thời điểm ấy không phải là lúc này, mà là khi nào tôi đã hoàn tất được cái gì ở đây.

 

clip_image008 clip_image010

Các hình trên, theo chiều kim đồng hồ, từ trái, phóng ảnh bài “Viet Refugee’s Requiem For Her People – ‘A Time To Find Where We Are Going’,” xuất bản trên nhật báo The Sacramento Bee, ngày 23 tháng 8, 1975; bao thư trao đồi giữa tác giả và người chồng tương lai; và bức hình chụp tại Virginia City, Nevada, tháng 9, 1975, nơi vợ chồng tác giả ghé thăm sau khi thành hôn, bắt đầu cho một cuộc hành trình chung kéo dài 27 năm. (Ảnh TD)

***

Chỉ có Ruth biết đến lá thư của Anh trong đống thư độc giả gửi cho tôi nhân đọc bài “Kinh Cầu Hồn.” Ruth, lúc ấy đã về hưu và hơn tuổi tôi cả hai thập niên, như một số tình nguyện viên toàn thời khác, có một căn phòng riêng để tạm trú trong tuần để làm việc cho tiện. Phòng của bà ở trong cùng dẫy nhà với tôi, nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên, và tôi coi bà như một người chị lớn. Bà đọc lá thư hai trang đánh máy dòng đơn của Anh rất kỹ, soi xét mức độ thành khẩn của người viết. Lá thư cũng như một thứ kê khai lý lịch gồm thân thế sự nghiệp, tuổi tác và cả… chiều cao, cân nặng của Anh nữa. Anh cho biết là một người di dân đến từ Đan Mạch vào cuối thập niên 1950, còn độc thân và ở tuổi 40.

Khi mới tới Mỹ, anh viết , “[T]ôi đã trong nhiều năm trôi giạt không định hướng như một người không có nỗ lực tìm hiểu người Mỹ phần lớn vì cách hành xử của họ không phải là Đan Mạch. Cô sẽ thấy sự sai lầm này dễ có và còn phù hợp với suy nghĩ của mình nữa, song hãy khoan đã và nghĩ lại đi vì như thế là không công bằng với chính mình và với họ nữa. Ở đây không ai xét đoán cô vì cô là người Việt cũng như chả ai đã phán đoán tôi vì là Đan Mạch cả. Xã hội Mỹ rất phóng khoáng và linh động tới độ nó có thể chấp nhận một người vĩnh viễn đứng bên lề, tự loại mình ra khỏi mọi cơ hội và đời sống nói chung. Điều mà tôi đang cố giảỉ thích là tôi cuối cùng đã học được, đó là, là một người Đan Mạch chả phải là một cái giá trị gì đặc biệt, cũng như việc là một người Việt Nam. Cái giá trị đặc biệt là một loại người, cái con người mà cô có can đảm trở thành để hài hoà với đời sống bao quanh cô, những thứ còn lại sẽ tuần tự diễn ra một cách tự nhiên thôi. Cô và các con cô sẽ không bao giờ bị đòi phải rũ bỏ di sản của mình, cô sẽ chỉ cần hiểu là cái di sản ấy không còn cung cấp cho cô một nơi trú ẩn an toàn, dù tưởng tượng hay bị điều kiện hoá, mà chỉ đưa tới những phán xét sai sót và bất công thôi. Tôi cảm thấy an toàn khi nói thay cho người Mỹ, ít ra những người tôi quen biết, là cô và các cháu và tất cả mọi người Việt sẽ được đón nhận và tham dự vào mọi cơ hội và là nhưng người tự do trong một xã hội tự do, chứ không phải là những người lạ bị lưu đầy do một cuộc chiến mà tất cả chúng ta phải nên quên đi. […]

“Sáu năm rưỡi về trước tôi ghi danh đi học cao học Kiến trúc, trong khi làm việc 40 tiếng một tuần về đêm ở San Francisco,” Anh viết tiếp. “Tôi hoàn tất chương trình học trong bốn năm thay vì là năm năm rưỡi như học trình đòi hỏi và hiện làm việc với một cơ quan chính quyền. Tôi đã có một căn bản học vấn khá ở quê cũ, nói lưu loát nhiều ngôn ngữ, nhưng đã nhận ra đấy là những khả năng không đủ và thiếu khả tín, và sự khám phá phũ phàng này đã khiến tôi phải thay đổi và chuẩn bị để hy sinh cho một thay đổi, hy sinh đi sự bám víu vào một nền văn hoá mà tôi vẫn nghĩ là hay hơn hoặc cũng bằng với của họ. Thế rồi tôi nhận ra, với tất cả phấn khởi và hào hứng, là hệ thống xã hội Mỹ sẵn sàng cho tôi cơ hội tiến thân và thành công hơn cả mơ ước hoang tưởng nhất và tưởng tượng của tôi trong khi chỉ đòi một hành động đơn giản nơi tôi, đó là bước tới trước nhìn thẳng vào mắt họ và nói ‘Tôi muốn làm điều đó’ và tin là tôi có thể làm được. Nước Mỹ sẽ vỗ tay hoan nghênh cô nếu cô có cái can đảm thay đổi cái lối mòn mà văn hoá của cô đã đặt cô vào hoặc khai triển con người mình để tham gia vào xã hội Mỹ. Cơ hội như thế không có trong hệ thống Đan Mạch, có vậy không trong hệ thống Việt?”

Và Anh kết thúc lá thư sau khi liệt kê chiều cao, cân nặng, cả giọng nói tiếng Anh vẫn còn chút âm hưởng vùng Bắc Âu, “and it is with respect I offer my hand to you and the children for any assistance I can give to help you along / và với niềm kính trọng, tôi xin sẵn sàng dang tay giúp đỡ cô và các cháu bất cứ gì có thể làm được.”

Đọc xong, bà Ruth đã thở hắt ra rất mạnh, như thể bà đã nín thở dài theo hai trang thơ đặc chữ. Wow! Trời! bà kêu lên, làm một cử chỉ như người vừa ngụp lặn dưới nước một hồi lâu vừa ngoi lên để thở. Bà ngưng một lúc, rồi nhìn tôi, cô sẽ gặp anh ấy chứ hả? Just check him out, doesn’t cost anything / Thì cứ gặp xem sao, đâu có tốn gì. Vả lại, tôi thấy anh ta có vẻ thành thật. Và mạnh mẽ, coi bộ hạp với cô à nghe. Tiếc anh ta không gửi kèm cái hình.

Thế nhưng mà, này, bà chợt nheo mắt nhìn tôi, để tôi uốn lại tóc cho cô chứ, trông cô bơ phờ quá, coi đâu được.

Hôm uốn tóc cho tôi, bà Ruth còn đùa bảo, cô nhớ hỏi xem cái trương mục ngân hàng của anh ta nữa, nghe chưa. Tôi nhớ đã chỉ cười, nghĩ bụng, đúng là… Mỹ.

***

Nói theo nguời Mỹ, the rest is history / phần còn lại là của lịch sử.

Bốn mươi năm đã qua. Anh và tôi gặp nhau ở Sacramento, cảm mến nhau sau cái hẹn đầu tiên. Đúng ra tôi thấy Anh thực sự là người tôi có thể đi cùng đường, sau một câu chuyện kể.

Tôi nhớ có xem một phim mà tôi không nhớ tựa, trên cái TV cũ đen trắng của một tình nguyện viên trong làng cho mượn, về một nhóm người tây tiến đẩy một cái thuyền vượt rừng, núi, trong mưa bão và tuyết đổ, chịu đựng những đợt tấn công của các bộ lạc Da Đỏ, cuối cùng tới một một con sông đã cạn, những người sống sót thấy vậy chán nản bỏ thuyền đi. Vẫn còn đắm mình trong sự mất mát lớn lao vừa qua, tôi nói đời sống cũng giống như cuộc hành trình của đoàn người này, tất cả rồi chẳng dẫn tới đâu… Anh không để tôi nói hết, và như thể còn đắm chìm trong dòng suy nghĩ riêng, nói Anh không nghĩ như vậy. Nếu là Anh, Anh bảo, Anh sẽ tiếp tục đẩy thuyền đi theo lòng sông cạn ấy.

Vì nó sẽ dẫn tới biển, anh kết luận.

Sống với Anh gần ba thập niên, biết Anh là một người rất riêng tư, hầu như không có bạn bè, người thân còn bà mẹ và cô em thì ở tận Đan Mạch (nay cũng đã ra người thiên cổ), nơi Anh chưa một lần đặt chân về thăm, đôi khi tôi thắc mắc làm thế nào một người như vậy lại viết một cái thư như thế cho một người hoàn toàn xa lạ sau khi mới chỉ đọc bài viết của tôi. Nghe tôi một lần đặt câu hỏi, Anh đùa, nheo mắt, đáp, Anh đâu có tự tay viết lá thư đó. Chắc hồn của bà ngoại Anh viết đấy, Anh nói, rồi như mắc cỡ, lảng sang chuyện khác.

Mặc dù không phải là người tin vào bói toán, nhưng có một lần Anh kể với tôi là Anh vừa bỗng sực nhớ lại có lần mẹ Anh kể có gặp một người gỉỏi đoán vận mệnh, và bà ta nói với bà là con trai bà sẽ gặp và lấy một người đàn bà đến từ xa lắm, phải vượt qua mấy đại dương lận. Rồi Anh kết luận, it’s weird / thật quái dị, như mỗi lần nói về những điều kỳ bí hoặc khó tin.

Phần tôi, tôi bắt đầu phải tin là quả thực trên đời có cái gọi là Định Mệnh.

[TD, 2015-10]

 

 

Chú thích:

(*) Trước khi Tiểu bang California có luật trợ tử vào đầu tháng 10 năm nay, tại Mỹ chỉ có bốn tiểu bang công nhận quyền xin bác sĩ viết đơn thuốc để kết liễu đời mình cho những bệnh nhân bị ệnh nan y với hai y sĩ công nhận chỉ còn sáu tháng để sống, đó là Oregon, Vermont, Washington và Montana. Riêng tại Montana thì là do một án lệ của Toà Tối Cao của tiểu bang. Tìm hiểu thêm về luật này tại http://www.diendantheky.net/2013/05/trung-duong-ve-quyen-uoc-chet-khi-bi.html

(**) Xem thêm, “Ngôi nhà trên rừng,” http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Tap-ghi/ngoi-nha-tren-rng.html

(***) Xem vở kịch này, có tựa là “Các Con Tôi Đã Về,” tại http://damau.org/archives/27965

bài đã đăng của Trùng Dương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)