Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Hội Nhập và Nơi Chốn?

 

 

LTS: Bài tiểu luận “Chuyện Đi, Về – Đọc Nếu Đi Hết Biển” của nhà báo Đinh Từ Thức đăng tải gần đây đã mở rộng hướng thảo luận/đối thoại của chuyên đề “Nghệ Thuật & Chính Trị” của tạp chí Da Màu. Trong bài viết, tác giả Đinh Từ Thức phủ nhận sự cần thiết hòa giải giữa các thành phần dân chúng làm nên khối dân tộc Việt Nam vì “dân tộc Việt Nam không có hận thù gì với nhau, nên không cần đặt vấn đề hòa giải dân tộc.” Ngược lại, ‘”chỉ có hận thù giữa băng đảng ăn cướp đang nắm quyền cai trị và khối dân tộc bị trị” và do đó, đảng cầm quyền cần thiết phải thực hiện cuộc hòa giải với nhân dân. Đây là một lập luận phổ biến và được ưa thích ở Hải ngoại. Tuy  nhiên, hòa hợp hòa giải, bất kể cụm từ này có vẻ “doạ nạt” thế nào đi nữa, không hề là một vấn đề đơn giản.

Ở lãnh vực văn chương nghệ thuật, và giữa những người làm nghệ thuật với nhau thuộc nhiều phe nhóm, tầng lớp, liệu “hòa hợp hòa giải” có là điều cần thiết hay không vẫn còn là một nghi vấn. Tạp chí Da Màu xin hân hạnh giới thiệu bài viết “Hội Nhập và Nơi Chốn” của Đặng Thơ Thơ, bàn về “hội nhập,” một đề tài được mở ra trước đây trên diễn đàn Hội Luận Văn Học Việt Nam. Hy vọng “Hội Nhập và Nơi Chốn” sẽ giúp đưa hòa hợp/hòa giải/hội nhập vào một vị trí thuận lợi để vấn đề này có thể được khảo sát từ mọi góc cạnh.

 

tại nghĩa trang văn học

Tôi hình dung một ngày nào đó những người viết sẽ cùng hội nhập ở một nghĩa trang. Nghĩa trang chứa những thân thể tàn tật. Những thân thể người viết chúng ta, thiếu vài ngón tay, thiếu một trái tim, thiếu chút gan tươi, thiếu một lá phổi. Nhiều thân thể chỉ còn nửa bộ óc, hay ít hơn thế… Hình tượng nghĩa trang này đến sau khi đọc bài tham luận của tác giả Tô Nhuận Vỹ, đăng 4 kỳ trên Talawas nhan đề “Nhà văn Việt Nam: Đổi Mới và Hội Nhập”.

Thiện chí của Tô Nhuận Vỹ trong việc kêu gọi hội nhập là điều cần ghi nhận, trong khuôn khổ bài viết của ông. Đây là khởi đầu đáng mừng cho mục tiêu mà chúng ta nhắm đến. Tình nghĩa văn chương và nhiệt tình của ông dành cho các đồng nghiệp trong ngoài nước là điều khiến tôi, dù không đồng ý với vài điểm ông nêu trong bài, vẫn kiên nhẫn đọc và tìm cách rút tỉa những ý tưởng giá trị trong đó. Tô Nhuận Vỹ có sự thẳng thắn và chính xác khi ông nhận định khuynh hướng bảo thủ độc quyền trong nước về văn học. Nhưng khi chuyển lời bàn sang phía những người viết ngoài nước, những phán đoán của ông có phần giới hạn, hoặc thiên về cảm tính, hoặc chỉ căn cứ trên một thiểu số để đi đến kết luận chung cho tập thể, vốn đa dạng và phức tạp.

Bàn về những người viết ngoài nước chưa sẵn lòng hợp tác (về phương diện in sách và xuất bản), ông viết:

Cho dù có những nhà văn từ chối tham gia ngồi chung chiếu (Ngay trong nước cũng có người từ chối chứ chưa kể ở nước ngoài. Và trong số nhà văn tôi quen biết ở nước ngoài cũng có người từ chối vì nhiều lẽ mà lẽ chính tôi tin là… hãi cộng đồng). Cho dù có những tác giả như nhà thơ sợ bị cộng đồng “thịt” đã nói trên kia… Nhưng may thay, nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài không xa lạ với đất nước như thế, không sợ bị “thịt” như thế.” (xin tham khảo toàn bài trên mạng Talawas)

Chúng ta ghi nhận những người viết phóng khoáng và có khuynh hướng cấp tiến trong nước, thực tâm muốn thúc đẩy việc in ấn và phát hành sách của các tác giả ngoài nước, theo như tinh thần bài viết của Tô Nhuận Vỹ. Tôi rất trân trọng thiện ý này. Tuy nhiên nhận định của Tô Nhuận Vỹ vừa nêu là một ngộ nhận. Việc hội nhập văn hóa không chỉ có nghĩa là in sách trong nước, và những nhà văn không muốn sách mình in trong nước không phải vì họ “hãi” cộng đồng, sợ bị “thịt”, hay do họ “xa lạ với đất nước”. Những người viết trong nước vì không thông hiểu lắm về tình hình ngoài nước, nên họ đã đồng hóa áp lực của cộng đồng với tính chuyên chế toàn trị của cộng sản trong nước. Ở ngoài này, trong một môi trường dân chủ, ai muốn phản đối thì cứ việc phản đối, kiến nghị, biểu tình; ai muốn giao lưu hay in sách trong nước thì cứ việc in sách thôi. Đó là việc lựa chọn dựa trên nhận thức và hoàn cảnh của từng người viết. Người viết ngoài nước do các điều kiện thuận lợi về truyền thông, sách báo, internet, có thể nắm vững tình hình trong nước. Nhưng ngược lại đa số người viết trong nước vẫn còn cái nhìn rất mơ hồ về các đồng nghiệp ngoài nước do hạn chế tầm nhìn và các quyền tự do cơ bản khác. Họ có thể nhìn nhận từng sự kiện, từng vụ việc lẻ tẻ, nhưng không thấy được toàn cảnh của sinh hoạt văn học ngoài nước, là nền văn học nằm trong sinh hoạt thường nhật của những quốc gia có tự do dân chủ. Quan niệm cho rằng ai đó sợ áp lực cộng đồng phản ảnh phần nào tâm thức sợ hãi đã ăn sâu vào não trạng của người viết trong nước qua những năm tháng sống trong khủng bố và áp bức tinh thần. Tất nhiên có những cá nhân không muốn công khai chuyện in ấn trong nước của họ. Nhưng đa số, khi quyết định nơi chốn ra đời của tác phẩm, họ chủ động hành xử quyền tự do chọn lựa – trong nước hay ngoài nước, căn cứ trên nguyên tắc và lập trường của họ.

Có vẻ như những người viết ngoài nước đang bị phân hóa thành hai khuynh hướng: hoặc chấp nhận chế độ kiểm duyệt và quyền hạn của công an văn hóa trên tác phẩm để sách được xuất bản trong nước; hoặc từ chối không hợp tác, trong tình hình hiện nay, vì nhiều lý do không nhất thiết chỉ là khác biệt chính kiến. Một số người nói rằng họ quan tâm đến điều kiện xuất bản của cuốn sách, chẳng hạn nó bị cắt bỏ, bị sửa đổi, bị giới thiệu theo nhãn quan chính trị/văn học sử thế nào. Sau khi phát hành, cuốn sách đó được đối xử ra sao, nó có được quan tâm đúng mức về các mặt giá trị văn học, xã hội, tư tưởng và cách tân thể loại hay không. Hay nó chỉ được in ra lặng lẽ, không một bài điểm sách, không một nỗ lực quảng bá, và chìm vào quên lãng khi những đợt sóng sách mới ùa đến?

Một số khác đặt câu hỏi về ảo tưởng có nhiều độc giả nếu in sách trong nước. Một lý do, nghe rất hấp dẫn, đó là in sách trong nước sẽ có nhiều độc giả hơn. Nhưng điều này cũng cần kiểm chứng lại. Thống kê nào cho biết số lượng người đọc trên một đầu sách, nhất là những sách không phải loại best-seller? Một người bạn thân của tôi, cũng là một người viết ở Paris, trong nhiều lần về Việt nam đã đi tìm những cuốn sách của những nhà văn bên Pháp in trong nước, và không tìm được ở bất cứ nhà sách lớn nhỏ nào trong thành phố, ngay cả Fahasa, cho dù sách mới chỉ được xuất bản hai tháng trước. Nói chuyện với giám đốc một vài nhà xuất bản thì chị được biết lượng sách phát hành mỗi tháng có thể vài chục đầu sách, cho nên mỗi tác phẩm chỉ được trưng bày trên kệ sách khoảng 2 tháng, sau đó phải rút lui nhường chỗ cho sách mới. Số phận những cuốn sách ấy ra sao? Chị được cho biết: trả về kho, xé nhỏ, xay bột, tái chế… Như thế, một cuốn sách mới, trước khi được độc giả biết đến, trước khi được phê bình, nhận định và giới thiệu đúng mức, đã bị đầu thai hóa kiếp thành giấy vụn. Nó sẽ chết non chết yểu với cái giấy khai sinh và khai tử chỉ cách nhau vài tháng tuổi. Chuyện phát hành, in ấn trong nước hiện hay khá là hỗn loạn, như một hình thức kinh doanh hơn là công tác văn hóa (người ta có thể thắc mắc, ra nhiều sách thế mà không chờ bán hết để thu hồi vốn sao? Đây là một thắc mắc ngây thơ vì chuyện in sách có lẽ chỉ là một hình thức kinh doanh sạch sẽ để trưng ra ngoài mặt). Và cũng chưa có ai đặt câu hỏi về phương pháp cũng như hệ thống lưu trữ, bảo quản trong các thư viện hay văn khố nhà nước về những tác phẩm này.

&

Như thế, một cuốn sách, đứa con tinh thần của chúng ta, hay là chính bản thân chúng ta, cuối cùng có chỗ đứng ở đâu trong nước? Dễ lắm, đã có viện bảo tàng văn học. Tô Nhuận Vỹ đã đề cập trong bài viết:

Đây là Bảo tàng của văn học Việt Nam, Việt Nam của bốn ngàn năm văn hiến, chứ không dành riêng cho một giai đoạn nào;

Với các tác giả có thể trong quá khứ đã có tác phẩm và thái độ chống đối Đảng Cộng sản và Nhà nước, nhưng có tác phẩm có giá trị nghệ thuật và hiện tại ủng hộ sự hoà hợp dân tộc và phát triển của đất nước thì chọn tác phẩm để giới thiệu.”

Tôi hình dung viện bảo tàng văn học là một nghĩa trang như đã nói ở trên. Nghĩa trang với những thân thể khuyết tật. Nếu viện bảo tàng có tiêu chuẩn chọn là những tác giả ủng hộ “sự hòa hợp dân tộc” (bất kể tính mơ hồ của cụm từ này), và tiêu chuẩn loại là “thái độ chống đối Đảng Cộng sản và Nhà nước” (trong hiện tại – đối nghịch với “trong quá khứ”), thì đa phần các tác phẩm triển lãm trong bảo tàng hoặc là đồ cổ lỗi thời hay là những hình nhân thiếu đầu, thiếu óc, thiếu tim gan. Những cuốn sách xuất hiện như những hình người chưa hoàn chỉnh. Tác phẩm có thể bị cắt xén, bị sửa đổi, bị lấy đi cái tinh túy và cái làm nên con người tác giả trong quá trình tuyển lọc. Ngay cả với những tác phẩm không bị vấn đề chính trị, không bị kiểm duyệt, thì sự trình làng của một tác phẩm vô hại, hay vô thưởng vô phạt cũng chỉ là dựng lên một chân dung thiếu góc cạnh và phiến diện. Vì để hiểu một tác giả, chân dung văn học của họ phải được soi rọi bằng sự dấn thân, bằng một quá trình, bằng cả sự nghiệp. Đó là một thân thể toàn vẹn. Nói như nhà thơ Trần Tiến Dũng, đó là cái “nguyên trạng của người viết”. Tiếc thay cái nguyên trạng ấy không có chỗ đứng trong viện bảo tàng.

 

tại chiếc chiếu văn học

Ngồi chung chiếu dường như là một hình tượng thân mật. Nhưng theo tôi nên chọn một nơi chốn mang khái niệm rộng hơn chiếc chiếu. Vì chiếu trong văn hóa Việt nam đã mang sẵn hàm ý tôn ti trật tự, thứ bậc, vai vế, khinh trọng. Tô Nhuận Vỹ có nhắc đến những người viết trong nước từ chối “ngồi chung chiếu”. Lý do? Tất nhiên không phải vì “hãi cộng đồng”. Có lẽ họ hãi cái chiếu. Khi bước vào chiếu là phải chấp nhận khuôn khổ có giới hạn của chiếu – cái khuôn khổ do người làm chiếu quyết định – chưa kể sự thử thách đi với lời mời: ai không dám ngồi là nhát. Một lời mời nồng nhiệt do đó vẫn khiến ta ngần ngại. Vì đó là một khu vực đã được sở hữu và kiểm soát.

Có những nhà văn /nhà thơ bên trong gửi bài ra ngoài vì tác phẩm họ không thể phổ biến trong nước. Họ gửi bài lên không gian mạng cho tác phẩm vượt biên giới đến xứ sở tự do. Gần đây có những nhà xuất bản tự do như Giấy Vụn, Cửa nhằm giới thiệu những tác phẩm thuần túy văn chương ngoài luồng. Có những người viết quan niệm việc gửi tác phẩm mình về, đặt nó dưới sự kiểm soát của nhà nước là một sự phản bội tinh thần với đồng nghiệp, những người bạn văn mà tài năng và sự can đảm khiến họ khâm phục và mến mộ. Đó là sự trung thành – có thể bị coi là vớ vẩn không thức thời – với một thành trì cuối, thành trì vô hình của mỗi cá nhân. Có thể là sự trung thành với một nguyên tắc hay nỗi đau quá khứ thiêng liêng. Nên nhìn điều đó như một thái độ, một phản ứng đối với nhà nước cộng sản, khi họ cư xử một cách vô luật pháp đối với những nhà tranh đấu cho dân chủ, hay đàn áp phong trào biểu tình của sinh viên và nhân dân yêu nước, hay ngạo mạn tự cho mình quyền hành xử thô bạo thiếu văn hóa đối với những tinh hoa đất nước, như cách họ tùy tiện trục xuất nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc ngay tại phi trường.

Những hành động thất nhân tâm đó đã tạo ra sự đề kháng về mặt ý thức của những người viết trong ngoài nước. Nhưng không phải họ không chịu hội nhập. Thật ra họ đang tìm đến hội nhập trong một hình thức khác, hy vọng thông thoáng hơn và khả thi hơn. Hội nhập tại một vùng đất mới mà mọi thành viên như những di dân chia xẻ đồng đều cơ hội. Hội nhập trên một kinh nghiệm chung để có thể thông cảm nhau. Hội nhập trên một mặt bằng chung mà mọi phía tham dự đều đồng đẳng.

Mặt bằng chung ấy ở đâu?

 

tại khoảng không của những nỗi đau

Trong lời giới thiệu cuốn Night, tác giả Elie Wiesel, người được giải Nobel Hòa Bình năm 1986, từ góc nhìn của một nạn nhân trong cuộc, đã giải thích lý do ông viết về kinh nghiệm diệt chủng dân Do Thái như sau:

“Tôi chỉ biết rằng, nếu không có lời chứng này, cuộc đời người viết của tôi – hay chỉ đơn thuần là một cuộc đời, chấm hết – sẽ không thể như hiện nay: một nhân chứng tin tưởng vào trách nhiệm đạo đức của mình trong việc ngăn cản kẻ thù đạt được chiến thắng cuối cùng là tẩy xóa vĩnh viễn tội ác của họ khỏi ký ức nhân loại.”

Elie Wiesel như thế đã định nghĩa hành động viết của ông: tác giả, người chứng, và người cảnh báo lương tri thế giới. Wiesel không chấp nhận chuyện quên đi những nỗi đau, vì chính những nỗi đau ấy làm nên con người ông. Từ chối nỗi đau là từ khước chính mình. Và từ khước lý do sống của mình.

Khi đọc những dòng trên, tôi nghĩ đến những người viết di dân, những nạn nhân của những tập đoàn tội ác, những con người trên địa cầu đi giữa sống và chết để có cơ hội làm nhân chứng như Wiesel. Đối với người Việt nam, sau những lời kêu gọi hòa hợp hòa giải, sau những lời khuyên thức thời và những hứa hẹn rằng hãy quên đi quá khứ để vươn tới những tặng phẩm tương lai, họ vẫn không thể nào quên. Họ là những con người bị chấn thương – những vết thương không được nhìn nhận và sẽ không cách nào lành. Mức độ sưng tấy sẽ tiếp tục tỷ lệ thuận với thời gian. Họ chưa có được cái may mắn của Wiesel để đứng lên làm chứng dõng dạc trước lương tâm thế giới. Cho đến giờ họ vẫn chỉ làm chứng với nhau, và với chính mình, và cố tìm ra ý nghĩa cho nỗi đau dai dẳng của mình. Để làm gì? Để như Wiesel nói: “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau.”

Như vậy, hãy bước ra từ cái viện bảo tàng và cái chiếu ngồi kia, để suy nghiệm nỗi đau của kẻ còn sống sót và tìm ra nguyên do tại sao mình sống sót. Hãy làm nhân chứng cho sự sống sót của mình, vì đó là lý do chúng ta được chọn để sống. Hãy lắng nghe những lời chứng đó. Những lời chứng có khả năng vươn tới những thế hệ sau và khả năng ngăn ngừa sự lập lại của lịch sử. Hội nhập không phải chỉ đòi hỏi người khác chấp nhận mình và trong cùng lúc bôi xóa những yếu tố đã làm nên người khác, những ký ức cá nhân, những kinh nghiệm, lịch sử của họ mà mình không từng trải.

Một trong những ảo tưởng của con người là cho rằng mình ở đây và kẻ khác ở đàng kia. Cùng lúc đó, trong mắt “kẻ khác”, thì mình đang ở “đàng kia” và người ấy đứng “đây”. Không có đây và kia nếu chúng ta đứng ngoài và nhìn từ trên xuống. Thay vì hoang mang giữa đây và kia, thì chúng ta nên hoán vị cho nhau, đi vào đôi giầy của nhau, để những nỗi đau không tương phản mà nhập một. Hội nhập lý tưởng như vậy mở ra khả năng cho mỗi người nhìn được từ cái nhìn người khác về thế giới quanh họ, và cả cách họ nhìn mình và thế giới của mình. Những cuộc hội thảo thường xuyên và những cái bắt tay chưa chắc đã dẫn đến hội nhập, vì sự hội nhập thực sự chỉ xảy ra trong lòng mỗi con người, khi chúng ta chấp nhận những gì khác biệt mình. Tôi nghĩ đến những phát biểu của Michelle Obama, sau khi Barack thắng một loạt 11 tiểu bang trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ: “Đây là lần đầu tiên tôi thực sự tự hào về đất nước của chúng ta.” Ngay hôm sau, bà Cindy McCain, vợ ứng cử viên John McCain của Đảng Cộng Hòa quạt lại: “Tôi không hiểu mọi người nghĩ sao về câu nói kia (của Michelle Obama), nhưng tôi lúc nào cũng tự hào về đất nước chúng ta.” Cả hai người đàn bà này đều nói về nước Mỹ, nhưng rõ ràng đó là hai nước Mỹ khác nhau, hay một nước Mỹ bị phân hóa nhìn qua hai lăng kính đen trắng của màu da và chủng tộc, của ưu đãi và bất công, của thành kiến và phản kháng…

Khi nói về Katyn, cuốn phim tường thuật vụ cộng sản Liên xô tàn sát 22,000 người dân Ba lan, một vụ tàn sát tập thể đẫm máu năm 1940, đạo diễn Andrzej Wajda nhận định: “Chẳng có cách nào khác hơn để chia tay với nỗi đau bằng cách bày tỏ nó.” Bày tỏ một nỗi đau là điều chẳng đặng đừng, cho đến khi nỗi đau được nhìn nhận. Cho đến bây giờ, điều ấy chưa xảy ra. Vẫn còn những tiếng nói bị vô hiệu thành câm lặng. Vẫn còn những tấm màn ảo tưởng và ngộ nhận giữa trong và ngoài nước. Vẫn còn những phân chia giữa trong nước với nhau, và ngoài nước với nhau. Vẫn còn cái nhìn rạch ròi giữa cộng sản và quốc gia, giữa những thể chế và lý thuyết tưởng đã phá sản từ lâu. Nhất là vẫn còn tiếp tục chính sách bôi xóa lịch sử và bôi xóa những nỗi đau tập thể, như nỗ lực phủ nhận và bịt miệng những nạn nhân biến cố Mậu Thân – Huế từ phía nhà cầm quyền trong nước. Chính ở khoảng trống của nỗi đau bị bôi xóa này, không phải ở lịch sử chiến tranh và ý thức hệ hậu chiến tranh, là nơi chúng ta cần thiết phải hội nhập. Hội nhập để viết đầy lên khoảng hư vô ấy những nỗi đau có thật, một chương dài có thật trong lịch sử Việt Nam. Chỉ khi đó mới có thể tin tưởng và an tâm về một dòng văn học bằng tiếng Việt không phân biệt trong ngoài và vượt qua các biên giới địa lý, không gian, quá khứ, lịch sử và tâm thức.

Cho đến bây giờ, hội luận của chúng ta vẫn là một hành trình đi tìm mẫu số chung cho những nỗi đau khác nhau. Nhưng cũng ở chính nỗi đau ấy mà chúng ta tìm ra đáp số.

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

7 Bình luận

  • Hung Tran says:

    Tôi đã định sẽ không lên tiếng nữa cho các vấn đề liên quan đến sự kiện FOB II. Tôi bày tỏ ý kiến cũng khá nhiều, cùng quá rõ cho quan điểm của mình. Nhưng không ngờ lại phải, chẳng đặng đừng, lên tiếng về một số điểm thiếu sót (chứ không nhằm phản bác) trong ý kiến của bạn đọc Hoàng Minh (HM) về mình.

    1. Ông HM cho rằng tôi đã “hiểu lầm ý cô Lan Dương” cho dù tôi đã trích dẫn ra nguyên văn khá nhiều đoạn của các lời phát biểu trên giấy trắng mực đen, mang tính nhận định hết sức rõ ràng, không thể nhầm lẫn, của cô ấy.

    Ông HM không phân biệt được giữa thực sự đó là “cách nhìn của phim ảnh, văn hóa dòng chính về người Việt hải ngoại” chúng ta, hay “chỉ là sự đánh giá phiến diện, hoặc gán ghép, của chính Lan Dương (LD) về tòan thể các cái nhìn đó.” Nói một cách ngắn gọn, mang tính so sánh cho dễ hiểu: “tôi không nghĩ là đa số người khác nhìn cộng đồng mình như thế.” Ai dám chắc là LD đúng hơn tôi?

    2. Thí dụ của ông HM về hai tác phẩm được xếp vào loại phản chiến của Oliver Stone, trong số hàng bao nhiêu tác phẩm của Hollywood, e rằng cũng rất phiến diện. Hơn nữa, cũng nên biết phân biệt phim ảnh thương mại Hollywood, hay là quan điểm – không loại trừ nặng thành kiến – của một vài cá nhân cho dù nổi tiếng, với những đánh giá thật sự của tòan thể xã hội dòng chính qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

    Ngoài ra, cũng nên biết phân biệt thời điểm nào của các tác phẩm ra đời, thí dụ: vào thời gian chiến tranh; lúc mới định cư; hay sau hơn ba thập niên đã ổn định cuộc sống. Nếu ông HM cho rằng không có biến chuyển tốt đẹp hơn rất nhiều trong nhận thức của cộng đồng chính mạch về CĐNVHN, từ khi mới chân ướt chân ráo, ngơ ngác nơi vùng đất mới, đến hơn ba thập niên sau, thì tôi e rằng ông HM đã thiếu thông tin trầm trọng.

    3. Nếu xã hội Mỹ thường khinh rẽ những người “bại trận (trước cộng sản), thua cuộc, thất thế” – như LD hời hợt, cùng miệt thị, nhận định, và ông HM có vẻ đồng tình – thì người Mỹ nói chung, đã không có, hay tự hào về, truyền thống mở rộng vòng tay tiếp nhận rất nhiều người tị nạn nói chung, và người tị nạn cộng sản nói riêng, ở khắp thế giới. Mỹ quốc đã hành xử như thế từ thời lập quốc cho đến giờ, và chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp tục. Có vô số sách báo, phim ảnh, đã đề cập đến các tập thể “thua cuộc, thất thế” này với những cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ, thay vì khinh bỉ? Có quá nhiều để nêu ra.

    4. Thú thật, không gì chán nản cho bằng khi đọc một ý kiến phản bác mình mà người viết lại không cẩn thận, thiếu sót, nếu không nói là tắc trách. Nhất là lại thú nhận “không đọc hết các bài” mà lại “cả gan” nêu lại đoạn trích dẫn của mình với ngụ ý nghi ngờ mình mờ ám? Hình như chỉ có … một bài phỏng vấn tiếng Anh của LD trên damau thôi, ông HM ạ! Ngoài ra, các ý kiến khác của tôi nêu ra không chỉ dựa duy nhất vào một bài phỏng vấn của LD (tôi luôn có ghi cụ thể).

    Lẽ ra, còn nhiều điểm nữa trong ý kiến của ông HM có thể được giải thích. Nhưng chuyện này sẽ kéo rất dài.

    Cuối cùng, khi đọc nhận định của ông HM rằng “họ – tức các giám tuyển của cuộc triển lãm FOB II – khá nhạy với những gì phim ảnh, báo chí chính mạch nghĩ về cộng đồng mình …” khiến tôi khựng lại, suy nghĩ, dù có thể không phải là hàm ý của ông. Không lẽ chỉ có các giám tuyển “hơn người” này của cả một cộng đồng VNHN to lớn mới biết đọc sách báo cùng xem phim ảnh chính mạch, và “quan tâm” đến danh dự cộng đồng hơn biết bao nhiêu người khác?

    Qua sự kiện FOB II này tôi có cảm nhận rằng, sau khi bị phản đối, vài người trong Ban tổ chức bổng tự dưng khoác vào cho mình một trọng trách to lớn, như là những saviors tự nguyện, nhằm cứu vớt những kẻ “cuồng tín, vô phép tắc, man rợ,” trong cộng đồng ra khỏi “quá khứ yếu hèn.” Thay vì họ nên xin lỗi đã lỡ lầm xúc phạm đến cộng đồng của mình như cách hành xử được xem là đúng đắn của tờ New York Post trong vụ tranh biếm họa vừa rồi.

  • Phan Đức says:

    Thành thật mà nói, bài viết của Đặng Thơ Thơ đã đánh đổ cái thành kiến mà đa số mọi người, trong đó có tôi, thường mắc phải.Thành kiến đó là phái nữ nói chung suy luận “dở” hơn phái nam. Bài viết này chứng tỏ bản lĩnh suy luận của cô xứng đáng là “truyền nhân” của nhà văn Phan Khôi!

  • Hoàng Minh says:

    Thưa ông Hung Tran, tôi không nghĩ là ông “vặn vẹo chữ nghĩa” đối với lời phát biểu của Lan Dương, nhưng ông hiểu lầm ý của cô ta. Nhờ ông trích dẫn tường tận đến thế, người đọc như tôi nhận thấy ngay những điều Lan Dương phát biểu “… exotic women and prostitutes, as victims and refugees, and as gun-toting soldiers. Within this context, southern Vietnamese soldiers, unfortunately, are hardly accounted for because a dominant American culture doesn’t like to deal with losers, or those who lost to communism” là cách nhìn của phim ảnh, văn hóa dòng chính về người Việt chúng ta. Lan Dương chỉ nhận xét là phim ảnh, văn hóa dòng chính chúng nó nhìn như thế về người Việt mình. Điều này khác hẳn với phần “diễn dịch” của ông, vốn xem như đây là ý kiến của chính Lan Dương và từ đó chê trách “thế hệ trẻ Việt Nam không thèm biết hay quan tâm đến [nỗi đau quá khứ], thậm chí còn dè bỉu, chê bai.”

    Tôi phải đồng ý với Lan Dương về điểm điện ảnh dòng chính có cái nhìn rất tệ về người Việt mình. Tôi coi mấy cuốn phim được giới phê bình điện ảnh (dĩ nhiên là dòng chính) cho là “đại tác phẩm” của Hollywood như Platoon hay Apocalypse Now mà cảm thấy buồn bã vô cùng. Chiến tranh xảy ra trên đất nước tôi, bao nhiêu người lính và dân tôi hy sinh trong cuộc chiến mà hình ảnh họ quá ư là mờ nhạt, khờ câm. Tôi xin nhấn mạnh đây là cảm nhận của tôi về cách điện ảnh dòng chính nhìn, chứ không phải tôi nói dân tôi “mờ nhạt, khờ câm.” Tôi chắc là ông Hung Tran cũng đã xem những cuốn phim này.

    Điện ảnh, báo chí dòng chính luôn đề cao anh hùng cá nhân, người thắng cuộc; họ không có chỗ cho kẻ thua. Họ không thích nhắc đến người chiến bại. Cứ xem những cuốn phim của Hollywood với những kết thúc tương tự nhau là thấy ngay. Cái nhìn của dân Mỹ về các cựu chiến binh thế chiến I, thế chiến II so với cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam cũng khác lắm.

    Tôi có đọc bài phỏng vấn Lan Dương mà không thấy câu ông trích dẫn “especially within a larger American context where they (những người khác biệt chính kiến với LD) are seen as non-articulate, fanatical, unruly, and barbaric” nằm ở đâu cả, chắc ở trong một bài khác chăng? Tôi không đọc hết các bài về vụ FOBII nên không rõ lắm, nhờ ông vui lòng chỉ dùm cho. Tuy nhiên, một lần nữa, những nhận xét của Lan Dương (?), dù rào trước với “within a larger American context” vẫn bị ông cho là chính cô ta đã nói về những người khác biệt chính kiến với cô là như thế!

    Tôi thấy trong vài tuần qua, Da Màu đưa lên những tranh, ảnh từ cuộc triển lãm FOBII đào sâu về đề tài vượt biển, chứng tỏ mấy người trẻ này không dẹp quá khứ thương đau sang một bên đâu ông. Tôi qua trang nhà của họ xem thêm những tác phẩm khác thì thấy họ cũng cố gắng đưa ra rất nhiều khía cạnh khác nhau của “chính trị.” Tôi nghĩ họ khá “nhạy” đối với những gì phim ảnh, báo chí dòng chính nghĩ về cộng đồng mình, nhưng có thể vì trở ngại ngôn ngữ, họ không theo dõi báo chí truyền thông Việt ngữ trong cộng đồng nên không lường trước được phản ứng mạnh của nhiều nhóm, nhiều người trong cộng đồng.

  • Hung Tran says:

    Tôi ngạc nhiên khi cảm nhận rằng ông Phùng Nguyễn (PN) tự cho mình là nhân vật trung tâm của sự kiện FOB II, nhất lại là đối tượng chính trong ý kiến bên trên của tôi. Trong khi đó, tôi không nghĩ thế, hay có đề cập gì đến ông hoặc quan điểm của ông, trong ý kiến của mình.

    Tôi có đọc lướt thật nhanh phần I (không đọc phần II) bài Huyền Thoại của ông PN (và giờ cũng chưa đọc lại) vì nó dài quá, mà tôi lại chẳng quan tâm mấy. Có trùng hợp thì chỉ do vô tình. Tuy nhiên, vì ông PN kết án nặng nề rằng tôi đã “vặn vẹo chữ nghĩa (của ông) thiếu lương thiện” tôi xin được trả lời khá chi tiết dưới đây:

    1. Khi viết có những người cho rằng “nỗi đau quá khứ của cộng đồng Việt Nam hải ngoại là những gì yếu hèn, thua bại; hãy nên gạt qua một bên vì xã hội dòng chính khinh bỉ nó” là tôi muốn nhắc tới đại ý phần trả lời phỏng vấn của Lan Duong trên damau (và xếp chung những người đồng tình với cô). Trích:

    “(Nói chung, cộng đồng Việt Nam được phim ảnh và văn hóa chính mạch xem như là) exotic women and prostitutes, as victims and refugees, and as gun-toting soldiers. Within this context, southern Vietnamese soldiers, unfortunately, are hardly accounted for because a dominant American culture doesn’t like to deal with losers, or those who lost to communism.”

    Chắc ý kiến tôi nêu lên không xa mấy lời phát biểu của Lan Dương chứ ông PN? Và có phải cựu quân nhân miền Nam và gia đình họ chiếm một tỉ lệ rất lớn, cũng là thành phần cốt lõi, của các CĐNVHN khắp nơi phải không? (Tôi ghi lại nguyên văn các câu tiếng Anh để tránh bị kết án “… ‘dịch’ vặn vẹo”)

    Ngoài ra, khi đọc lại bài phỏng vấn của Lan Duong để trích ra, tôi còn thấy có một đoạn rất xúc phạm: “especially within a larger American context where they (những người khác biệt chính kiến với LD) are seen as non-articulate, fanatical, unruly, and barbaric.”

    Lan Dương đã chê bai thành phần chống đối trong cộng đồng Việt Nam “ … ấp úng-ngọng ngịu (tôi xài cho non-articulate), cuồng tín, vô kỷ luật và man rợ.”

    Còn những từ ngữ sĩ nhục và miệt thị nào nặng hơn từ một kẻ hãnh tiến (rất tiếc, tôi phải dùng từ này) như trên? Chắc ý kiến tôi không quá đáng, vặn vẹo và sai lệch quá xa lời phát biểu trên chứ?

    2. Nhận định về các quan điểm cho rằng: “thế hệ trẻ Việt Nam không thèm biết hay quan tâm đến nó (nỗi đau quá khứ); thậm chí còn dè bỉu, chê bai” đến rải rác từ trong nhiều bài viết, phỏng vấn của Lan Dương, Tram Le, Jenni Trang Le, cùng vài ý kiến độc giả (thí dụ: nguyen mà tôi đã phản bác trong bài thơ của Jenny Le). Chắc khỏi cần phải liệt kê lại nữa?

    Bên cạnh đó, bàn về định nghĩa và nhận thức, tôi vẫn nghĩ, đã là nạn nhân với những thương tổn về tinh thần, thể xác, tâm lý, thì cho đến chừng nào những vết thương đó chưa lành vẫn còn, và nên, được xem là nạn nhân. Trên thực tế, có những tổn thương tinh thần, tâm lý, không bao giờ lành. Nhà văn Đặng Thơ Thơ cũng viết, và tôi rất đồng tình:“Họ (các nạn nhân Việt Nam) là những con người bị chấn thương – những vết thương không được nhìn nhận và sẽ không cách nào lành.”

    Điển hình, những ai ở các trại thuyền nhân tị nạn Việt Nam vùng Đông Nam Á chắc từng có chứng kiến những thuyền nhân bị mất hồn, mất trí sau cơn hải hành trốn chạy khủng khiếp, vì đói khát, hãm hiếp, bắt cóc, mất tích, chết chìm, … Thậm chí, nếu không tự tử, còn sống sót, họ có thể đi đến mất trí suốt đời (vì có công việc liên quan, tôi chứng kiến nhiều).

    Thế thì có phải những nỗi đau vĩnh viễn này đã biến họ thành “nạn nhân vĩnh viễn” dù là “kẻ sống sót”? Có gì khác biệt nhau lắm mà ông PN bắt bẻ phân biệt? Còn thân nhân họ – có là nạn nhân trực tiếp hay không – chắc cũng sẽ đau lòng suốt đời. Có những bản tin, lời nhắn tìm con gái bị hải tặc bắt đi, còn đăng rải rác đó đây, dù đã sau 20-25 năm. Có vô số, hàng chục vạn các trường hợp thương tâm tương tự khác, kể ra không xiết, trong hơn nửa thế kỷ qua tại Việt Nam. Không ai vui sướng, hay lợi lộc gì, khi cứ muốn làm nạn nhân vĩnh viễn.

    Hơn nữa, tôi không biết nhiều về các định nghĩa cho các loại “nạn nhân nửa chừng,” “nạn nhân giai đoạn,” “nạn nhân không được phép tiếp tục làm nạn nhân,” v.v… để so sánh. Chắc phải tìm hiểu thêm.

    Thiết nghĩ ông PN nên đọc lại, kỹ lưỡng, các bài viết phân tách đầy đủ về nhiều khía cạnh hơn của Đặng Thơ Thơ , Đinh Từ Thức, cũng trên damau; cùng nhiều bài viết rải rác khắp nơi, để, hy vọng rằng, ông không còn thấy ý kiến của tôi là một tiếng nói lẽ loi.

    Cuối cùng, ông PN cũng có viết: “Có lẽ ông Hung Tran cần phải đề nghị ‘cộng đồng Bolsa’ sớm xây một ‘bức tường than khóc’ để có chỗ than van …”

    Bức tường than khóc? Tôi không phải loại người bi quan, yếm thế!

    Nhưng tôi nghĩ các nơi cần làm một đài tưởng niệm cho những nạn nhân cộng sản cùng với thuyền nhân Việt Nam xấu số. Nó sẽ nhắc nhớ mọi người (dù là nạn nhân, không từng là nạn nhân, hay kẻ sống sót gì đó), thuộc nhiều thế hệ, trong cộng đồng Việt Nam đừng bao giờ quên một quá khứ bi thương vừa qua, cùng thúc đẩy cho quyết tâm không để lịch sử này lập lại.

    Đâu đó bên cạnh, có thể ghi lại câu viết nhiều ý nghĩa của Elie Wiesel: “Từ chối nỗi đau là từ khước chính mình, cùng từ khước lý do sống xứng đáng của chính mình.”

    • Kính ông Hung Tran;

      Trước hết xin cám ơn sự điềm đạm của ông khi đáp lại chỉ trích của người khác. Thực ra, nếu những phân tích vừa rồi của ông được đưa vào phần bình luận trước đây thì nhất định đã tránh được cái nhìn thiếu sót của tôi về nhận định của ông. Cũng xin nói thêm là tôi không hề có ý định trở thành “trung tâm” của sự kiện FOB II cũng như bất cứ sự kiện nào khác. Tôi chỉ cảm thấy mình thuộc về, và do đó ở trong, cái tập thể rộng lớn của người Việt tị nạn cộng sản trên toàn thế giới, và tôi nghĩ ông cũng chọn ở vị trí này.

      Trong khi không nhất thiết đồng ý với ông về những đánh giá ông dành cho giám tuyển Lan Dương, Trâm Lê, tác giả Jenni Trang Lê cùng một số người khác, tôi nhận ra những nhận xét của ông đến trực tiếp từ tri thức và kinh nghiệm sống và với sự thẳng thắn và chân thành. Cùng với nhận định này, tôi cảm thấy mình nợ ông lời xin lỗi. Xin phép được rút lại phần liên quan đến “vặn vẹo” và chân thành tạ lỗi cùng ông.

      Tạp chí Da Màu, trong nỗ lực tiếp tục cuộc đối thoại dang dở của FOB II và các đề tài xa hơn sự kiện này, không nhắm vào việc tìm ra kẻ thắng người bại trong cuộc tranh luận khó khăn này mà chỉ mong tạo được một diễn đàn mở rộng ở đó mục tiêu thảo luận là để chúng ta cùng có thể đến gần hơn với sự thật và mưu cầu lợi ích chung cho tập thể người Việt tị nạn ở Hải ngoại. Những đóng góp điềm tĩnh và tương kính của ông và của quý bạn đọc khác là điều mà Da Màu trông đợi.

      Trân trọng

      PN

  • Hung Tran says:

    Cảm ơn nhà văn Đặng Thơ Thơ, cảm ơn damau. Hôm nay tôi đọc được vài ý tưởng và quan niệm tuyệt vời, trong việc giải thích thái độ và hành động của nhà văn Elie Wiesel.

    Xin trích lại:

    “Wiesel không chấp nhận chuyện quên đi những nỗi đau, vì chính những nỗi đau ấy làm nên con người ông. Từ chối nỗi đau là từ khước chính mình. Và từ khước lý do sống của mình.”

    Nhà văn Wiesel cho biết động cơ:

    “một nhân chứng tin tưởng vào trách nhiệm đạo đức của mình trong việc ngăn cản kẻ thù đạt được chiến thắng cuối cùng là tẩy xóa vĩnh viễn tội ác của họ khỏi ký ức nhân loại.”

    Trong khi đó, ngược lại với quan niệm của ông Wiesel – và có lẽ cũng là của rất đông người khác trên khắp thế giới – một số người chủ trương, cùng bênh vực cho cuộc triển lãm đầy xúc phạm của VAALA vừa qua lại cho rằng: nỗi đau quá khứ của cộng đồng Việt Nam hải ngoại là những gì yếu hèn, thua bại; hãy nên gạt qua một bên vì xã hội dòng chính khinh bỉ nó; thế hệ trẻ Việt Nam không thèm biết hay quan tâm đến nó; thậm chí còn dè bỉu, chê bai.

    Với tôi, nhận thức và hành xử khác nhau giữa ông Wiesel và những người Việt nói trên cho thấy một sự cách biệt to lớn về nhân cách, lương tri cùng ý thức trách nhiệm đạo đức của đôi bên.

    Xóa bỏ hận thù, hàn gắn đau thương cho nhiều người Việt Nam, nhất là với các cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản là điều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, ý hướng và chủ trương nhằm che dấu, tẩy xóa vĩnh viễn tội ác đã gây đến cho họ, hay nắm tay song hành với thủ phạm, sẽ không thể nào hàn gắn lại đau thương, không thể nào xóa bỏ được hận thù. Ngược lại là đàng khác.

    Cuối cùng, tưởng cũng cần thêm một lần nữa mạnh mẽ lên tiếng, cho dù khá nặng nề khi liên kết nhận định của ông Wiesel với những người Việt đề cập bên trên, rằng chính những người Việt này, chớ không phải ai khác, đã tự “từ khước lý do để được sống” trên đời.

    • Elie Weisel nhất định sẽ cảm kích độc giả Hung Tran đã đọc và yêu thích những phát biểu của mình. Tuy nhiên tôi không chắc Elie Weisel sẽ cảm kích khả năng nhận thức của Hung Tran về ý nghĩa những phát biểu của mình. Đánh đồng “trách nhiệm nhân chứng” Weizel đề cập với việc chấp nhận thân phận “nạn nhân vĩnh viễn” thay vì là “kẻ sống sót” (như Holocaust survivors) là một ngộ nhận nghiêm trọng khiến Weisel phải đau lòng! Hãy tưởng tượng người Do Thái suốt ngày đứng ở “Bức tường than khóc” ở Jesusalem để chửi mắng Hitler thay vì đổ công sức xây dựng và bảo vệ cái đất nước non trẻ của họ chống lại các thế lực thù nghịch thuộc khối Á rập trong hơn 60 mươi năm qua! Có lẽ ông Hung Tran cần phải đề nghị “cộng đồng Bolsa” sớm xây một “bức tường than khóc” để có chỗ than van và đồng thời để ông Hung Tran có cơ hội tự chứng tỏ là ông đã làm “chứng nhân lịch sử” theo lời dặn của Weisel!

      Ngoài ra, ông còn “hiểu lầm” diễn đạt của người khác (kể cả một số vấn đề nêu ra trong “Huyền Thoại” của tôi) khi đưa ra nhận xét “…một số người chủ trương, cùng bênh vực cho cuộc triển lãm đầy xúc phạm của VAALA vừa qua lại cho rằng: nỗi đau quá khứ của cộng đồng Việt Nam hải ngoại là những gì yếu hèn, thua bại; hãy nên gạt qua một bên vì xã hội dòng chính khinh bỉ nó; thế hệ trẻ Việt Nam không thèm biết hay quan tâm đến nó; thậm chí còn dè bỉu, chê bai.”

      Thưa ông Hung Tran, đề nghị ông đọc lại cho kỹ lời người khác trước khi bình luận, nếu không sẽ bị xem là cố ý vặn vẹo chữ nghĩa một cách thiếu lương thiện, và điều này có thể khiến ông cảm thấy oan ức nếu lý do ông “hiểu sai” đến từ khả năng cảm nhận chứ không phải từ bất cứ điều gì khác!
      PN

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)