- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Chân dung Tự Họa: Cái gì là Chân Dung Tự Họa?

 

Khi ngắm một hoạ phẩm, một câu hỏi thường được khách thưởng ngoạn đặt ra là, “Có khó khăn lắm không, để có thể nhận biết sự khác nhau giữa một sự vật được miêu tả trong tranh và cái nhìn của một hoạ sĩ về sự vật đó?”. Hơn thế nữa, có người còn tỏ ra sửng sốt, ngạc nhiên, hay thú vị khi nhìn thấy khuôn mặt mình trong bức Chân Dung, bỗng dưng biến dạng, méo mó, kỳ dị, qua lối vẽ miêu tả của một hoạ sĩ phái Biểu Hiện hay Ấn Tượng.

Thật ra, chất liệu, màu sắc cũng như cách bố trí hình thể của một bức tranh không giống một bức ảnh chụp, không cần phải bắt buộc hoặc theo sát những lề luật của sự chính xác hoặc tính xác thực. Một hoạ sĩ hoàn toàn được tự do trong lúc vẽ hay thể hiện bất cứ gì óc họ hình dung được. Họ không cần phải sao chép cho đúng. Ngược lại, nhiếp ảnh bị bó buộc theo luật của vật lý học khi nó chạm tới những gì nó muốn miêu tả. Do đó một bức ảnh Tự Chụp (Selfie) rất khác với một bức Chân Dung Tự Hoạ.

Vậy thì một bức Chân Dung Tự Hoạ khác với một bức ảnh Tự Chụp (Selfie) thế nào? Và một bức tranh Chân Dung (Portrait) khác với một bức Chân Dung Tự Hoạ (Self-Portrait) ra sao?

Một bức nhiếp ảnh Tự Chụp sẽ có khuynh hướng tả thật chân dung của người chụp ảnh. Ngược lại, một bức Chân Dung Tự Hoạ cho phép người nghệ sĩ diễn dịch rộng hơn, thoáng hơn trong cách nhìn, lối chuyển tải theo phong cách diễn đạt hay biểu hiện riêng của người nghệ sĩ đó. Một bức tranh Chân Dung là một bức tranh được vẽ, miêu tả, hình ảnh của một người mà khuôn mặt và vẻ biểu hiện cũng như thần thái trên khuôn mặt người đó là nét chính yếu. Trong khi một bức Chân Dung Tự Hoạ do người hoạ sĩ tự vẽ lấy chính mình.

Làm sao nhận biết được một bức Chân Dung Tự Hoạ?

Chân Dung và Chân Dung Tự Hoạ sẽ miêu tả một dung nhan, một hình người, theo phong cách riêng của hoạ sĩ đó. Nói chung, có 3 cách để nhận ra sự khác biệt giữa một bức Chân Dung và một bức Chân Dung Tự Họa. Một lối tốt, gọn, dễ nhận thấy nhất là tựa đề của nó. Các hoạ sĩ thường tự giới thiệu chính họ tự họa, trong nhan đề của bức tranh.

Một phương pháp khác là để ý xem người vẽ đang miêu tả cái gì trong tranh. Điều chúng ta thường bắt gặp trong một Chân Dung Tự Họa là hình bóng người họa sĩ đó đang làm việc hay vẽ chính mình. Một thí dụ điển hình là bức Triple Self-Portrait dưới đây của họa sĩ Hoa Kỳ Norman Rockwell cho chúng ta thấy rõ điều đã nói trong cách thứ nhất và cách thứ nhì

pic 1 Triple Self Portrait Norman Rockwell

Triple Self-Portrait của họa sĩ Hoa Kỳ Norman Rockwell(1960)

Cách thứ ba là xem nội dung của bức tranh. Chủ đề của bức tranh là một gợi ý cho người xem cá tính, đặc điểm, cũng như lối vẽ của hoạ sĩ ấy.

Điểm chính yếu trong các phương pháp tự hoạ chúng ta cần lưu ý tới là sự khác biệt giữa cách vẽ theo kiểu sao y như hình chụp của Ảnh Hiện Thực (photo-realistic) và cách vẽ theo lối Biểu Hiện(Expressionism) trong một bức Chân Dung Tự Hoạ. Photorealism hay Photo-Realistic(Ảnh hiện thực) là một loại hình hội họa mà người nghệ sĩ nghiên cứu bức ảnh mẫu và tái hiện, hay vẽ lại hình ảnh ấy giống như thật, hệt một bức ảnh chụp. Hình ảnh trong tranh đòi hỏi sự chân thực ở mức độ cao, mà người nghệ sĩ cần kỹ thuật điêu luyện để mô phỏng lại. Rockwell đã tự vẽ mình theo phong cách Photo-Realistic nói trên.

Ngược lại, trong lối vẽ Biểu Hiện, người hoạ sĩ dựa vào một lối vẽ hay một phong cách riêng để trình bày cảm nhận hay cách nhìn riêng mình với một sự vật, thiên nhiên hoặc một con người. Một bức Chân Dung Tự Hoạ theo phong cách Biểu Hiện chuyển tải một cách rất gây ấn tượng về hình ảnh của chính người hoạ sĩ đó. Bởi vì chỉ có người ấy hiểu rõ và cảm nhận được chính họ.

Bức Chân Dung Tự Hoạ của Modigliani vẽ năm 1919 đã cho chúng ta thấy cái cảm xúc biểu hiện ra trong lối dùng màu và bố cục của bức hoạ.

 

pic 2 Self Portrait Amedeo Modigliani

Self Portrait của Amedeo Modigliani (1919)

Sau đây là một vài bức Chân Dung Tự Hoạ điển hình quan trọng gây nhiều ấn tượng trong lịch sử hội hoạ Tây Phương. Có lẽ chúng không phải là những bức nổi tiếng lừng lẫy nhất nhưng chúng đã là một cái cớ đưa chúng ta du hành vào tâm hồn của các hoạ sĩ tài danh bậc thầy trong năm thế kỷ vừa qua, từ thời Phục Hưng cho đến cận đại.

Pablo Picasso

Pablo Picasso là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha. Picasso được coi là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất của thế kỷ 20, ông cùng với Georges Braque là hai người sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc. Ông là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố.

pic 3picasso

Pablo Picasso – Self-Portrait Facing Death, 1972 (Chân dung tự hoạ/Đối diện cái chết)

Picasso vẽ bức này 1 năm trước khi qua đời, bằng bút chì và chì màu, với kỹ thuật vẽ phác thô bạo. Nhìn trực diện ta thấy một hình ảnh giao thoa giữa con người và dã nhân, nửa người, nửa ngợm, mặt xanh, tóc hồng. Ông luôn tự vẽ mình với cặp mắt to dường như muốn nuốt chửng đối phương là khách xem tranh. Tuy nhiên, người ta bắt gặp trong đôi mắt ấy sự biểu hiện của một đời sống thông thái và một sự lo sợ đầy bất trắc nào đó. Có lẽ ông muốn nhấn mạnh rằng mặc dù ông đã thu mình vào khung làm nhân vật trong tranh, ông ta vẫn là Picasso, không phải bạn, người đang ngắm ông ta. Có nhiều tranh luận về bức tranh này. Người ta nói nhiều đến nỗi sợ, nhất là cái chết, nó hiển hiện trong nét nhìn của bức tự hoạ này.

Frida Kahlo

Kahlo là một nữ họa sĩ người México, sinh ở Coyoacán, người đã giành được tiếng vang toàn cầu với các tác phẩm hội họa mang phong cách phối màu rực rỡ. Bà chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa bản địa Mexico lẫn Châu Âu cũng như chủ nghĩa hiện thực, tượng trưng và siêu thực. Rất nhiều tác phẩm của bà dưới dạng chân dung, trong đó biểu hiện nỗi đau của bản thân tác giả. Frida Kahlo được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng nhất của thế kỷ 20.

pic 4 Frida

Frida Kahlo, The Broken Column (Cột xương sống gãy) (1944)

"Cột xương sống gãy" là tên bức tranh vẽ một chân dung thiếu nữ với cột sống gãy. Tuy nhiên nó cũng là bức tự hoạ và ẩn dụ cho nỗi đau của Kahlo. Đập vào mắt người xem là cột trụ đá vỡ, tượng trưng cho xương sống của bà. Chúng ta có thể thấy rõ một thân hình thương tật được băng bó bằng những mảnh đai trắng trông như một chiếc áo giáp. Người thiếu nữ để thân trần. Trên da thịt cô ghim đầy đinh nhọn, khiến ta liên tưởng đến nỗi đau chịu hành hình của đấng Christ ở Matthias Grünewald’s Crucifixion Panel from the Isenheim Altarpiece.

Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống trên khuôn mặt buồn thảm khi cô đứng một mình trước một mảnh đất hoang tàn đổ nát, không có dấu hiệu của sự sống. Nếu chúng ta biết được câu chuyện Frida, từ lúc 17 tuổi trong một tai nạn xe bus chết người đã thoát hiểm. Tuy nhiên cột sống lưng, xương chậu và chân phải bị gãy. Đau đớn hơn vì bị ảnh hưởng sau tai nạn, bà mất luôn khả năng sinh sản. Bức tự hoạ của Frida cho chúng ta cảm giác u buồn, lạnh lẽo nhưng sự can đảm chịu đựng phi thường của bà đã tiết lộ một sức sống mãnh liệt đã vươn cao từ những thảm kịch đau thương tuyệt vọng.

Salvador Dali

Salvador Dali được biết đến như một hoạ sĩ nổi danh nhưng ông ta cũng là một nhà điêu khắc, kim hoàn, nhiếp ảnh và sản xuất phim. Ông sinh ra tại Figueras, xứ Catalonia, Tây Ban Nha. Ông được coi như một trong những hoạ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với phong cách Siêu Thực. Ông rất giàu trí tưởng tượng, và cũng thích đắm mình trong các hành vi lập dị, bất thường và kỳ vĩ. Ông đam mê tất cả những thứ có ánh vàng, sự cực đoan, sang trọng và quần áo phương Đông.

pic 5 Salvador

Cubist Self-Portrait (Họa sĩ Lập Thể Tự Họa (1923)

Bức tự hoạ này có liên hệ tới thời niên thiếu khi còn thơ ngây của ông, cái thời xa xưa, trước lúc ông trở nên một Dali nổi danh về nghệ thuật tự hoạ châm biếm. Những người hoạ sĩ Lập Thể đã thử thách một lối vẽ làm thế nào có thể phân tích các mặt phẳng, không gian và chiều sâu. Trường phái Lập Thể mở ra một lối rẽ ngoạn mục vào thế kỷ 20. Nó đã lôi cuốn được nhiều hoạ sĩ trên thế giới vào cuộc thử nghiệm phong cách mới lạ lùng này. Dali cũng không ngần ngại thử, mặc dù ông là một hoạ sĩ sáng giá của trường phái Tự Nhiên mà khái niệm của Siêu Thực đã có ảnh hưởng sâu đậm trong nét cọ của ông. Từ năm 19 tuổi, Dali đã ngưỡng mộ các hoạ sĩ Lập Thể bậc thầy như Picasso, Braque, những tác phẩm của Marcel Duchamp vẽ theo trường phái này như Nude Descending a Staircase năm 1912.

Chân dung của Dali ở đâu trong bức tự họa khó hiểu này? Trong tranh ta thấy một khuôn mặt giống mặt nạ có hình dung như khuôn mặt của Dali. Ở đây, chúng ta thấy được một dấu hiệu của Dali chịu ảnh hưởng Picasso trong lối vẽ Lập Thể. Một mẩu giấy báo bị phân mảnh. Những điếu thuốc quấn hở hai đầu, thêm vào một bức tường trừu tượng hoạ theo lối Catalonia truyền thống của dân tộc Tây Ban Nha miền đông bắc Tây Ban Nha. Khi sáng tác bức này, Dali đã nhìn ảnh phản chiếu của chính mình qua một tấm kính trong ánh đèn mờ của một gian phòng. Ông tạo nền tranh bằng hàng trăm mảnh kính vỡ ghi dấu hình ảnh của ông. Chúng ta thấy ở những lăng kính vỡ tạo nên một không gian sống động ba chiều lung linh hình ảnh Dali phân nhỏ đến nỗi khó có thể nhận ra ông ở nơi nào trong bố cục Lập Thể ấy. Ngoài đường cong tuyệt vời của đôi chân mày và hố mắt sâu thẳm, không điều gì có thể tiết lộ đó là một chân dung. Tuy nhiên trong sự luân chảy của những khối hình màu chàm được sắp xếp chúng ta có thể tưởng tượng và hình dung ra một bức chân dung đẹp, sống động. Đó chính là một Dali của tuổi thiếu niên, lúc sức sống mãnh liệt tuôn chảy và luân lưu cấu thành muôn ngàn Dali, muôn ngàn khuôn mặt. Nó cũng chính là trăm ngàn mảnh vỡ cuộc đời, trăm ngàn cánh cửa mở cho người xem tranh ông bước vào mà tưởng tượng. Nó cũng có thể gợi ra những hình ảnh khác nữa. Mặt Nạ không phải là Dali mà của chính bạn treo lủng lẳng trên cao. Những mảnh vỡ là những hình ảnh đuổi theo nhau như xúc cảm tràn bờ đưa chúng ta vào mộng ảo.

(Trích một phần trong bài “Chân Dung Tự Họa” của Trịnh Thanh Thủy đăng trong Việt tide số 39)

 

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo:
Wikipedia cho phần tiểu sử của các hoạ sĩ Pablo Picasso, Frida Kahlo, Salvador Dali

bài đã đăng của Trịnh Thanh Thủy

2 Comments (Open | Close)

2 Comments To "Chân dung Tự Họa: Cái gì là Chân Dung Tự Họa?"

#1 Comment By black raccoon On 19/12/2015 @ 12:06 pm

entitled Self Portrait Facing Death (June 30, 1972)- Picacsso

Picasso qua đời tháng 4/1973. Trước đó trong khoảng tháng 6. tháng 7 1972, ông có vẽ tất cả 4 chân dung tự họa. Self Portrait (June 28, 1972), Self Portrait (June 30, 1972), Self Portrait (July 2, 1972), and Self Portrait (July 3, 1972). Cái tựa đề “Self Portrait Facing Death” có lẽ do người thừa kế hoặc có thẩm quyền đặt tên.

Tác giả Amy Clarkson, một người sinh hoạt trong ngành hội họa và trang trí, đã hóm hỉnh sắp xếp lại các bức họa theo thứ tự thời gian, và cô cũng đã thú vị tìm thấy cái cảm xúc từng bức. Chúng đi từ chaos, fear, đến acceptance. Lộn ộn, sợ, và chấp nhận. Bức sau cùng, vẽ Picasso ới nụ cười tự tin.

“I am happy to have stummbled upon the other portraits, giving us different glimpses of the idea of himself. Having such different works done in such a short time, gives testament to the complexity of all of our own self concepts. Just as I see the feelings of chaos, fear and acceptance in the works above, my own patients contemplating death can bounce from chaos, fear and acceptance sometimes in the span of a few hours.”

Nguồn:
http://arts.pallimed.org/2010/07/pablo-picasso-self-portrait-facing.html

#2 Comment By Trịnh Thanh Thủy On 21/12/2015 @ 12:22 am

Thủy cám ơn Black Raccoon đã đọc và bổ sung thêm chi tiết thông tin về 4 bức chân dung tự họa của họa sĩ Picasso. Thật thú vị khi nhìn bốn bức tranh cuối đời của một danh hoạ có thể cảm nhận và tiên tri được cái chết của chính mình mà vẽ lại được cảm xúc của mình qua phong cách vẽ. Picasso mất năm 1973 do bệnh phổi có nước vì bị trụy tim.

Thủy thích nhất bức “Self Portrait Facing Death” này. Nó lột tả được phong cách vẽ của ông qua các thời kỳ cũng như đời sống riêng tư của ông từ năm 1901 cho tới cuối đời. Vì bài viết đã quá dài nên T không phân tích thêm về bức họa này, chứ nếu xem rõ hơn, chúng ta có thể nhìn ra được phong cách vẽ của Picasso qua các thời kỳ ở trong bức tranh “Self Portrait Facing Death” này như sau:

-Khuôn mặt có màu xanh, ta thấy được Thời kỳ Xanh (1901–1904) của ông. (Người ta phân loại các tác phẩm của Picasso vẽ qua các thời kỳ). Trong thời kỳ này, tác phẩm của Picasso có tông màu tối hơn với màu chủ đạo là xanh thẫm, đôi khi được làm ấm hơn bởi các màu khác. Mốc bắt đầu của Thời kỳ Xanh không rõ ràng, nó có thể bắt đầu từ mùa xuân năm 1901 ở Tây Ban Nha, hoặc ở Paris nửa cuối năm đó.Có lẽ cách dùng màu của họa sĩ chịu ảnh hưởng từ chuyến đi xuyên Tây Ban Nha và sự tự sát của người bạn Carlos Casagemas.

-Mái tóc và nền tranh màu hồng, tượng trưng cho Thời kỳ hồng (1905-1907). Các tác phẩm của Picasso trong giai đoạn này mang vẻ tươi tắn hơn với việc sử dụng nhiều màu cam và hồng. Năm 1904 tại Paris, Picasso gặp Fernande Olivier, một người mẫu cho các họa sĩ và nhà điêu khắc, rất nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ nồng ấm giữa hai người.

-Đôi mắt lông mày, mũi và miệng có màu nâu chịu ảnh hưởng Thời kỳ Lập thể phân tích (1909-1912). Chủ nghĩa Lập thể phân tích là phong cách vẽ mà Picasso đã phát triển cùng Georges Braque theo đó sử dụng những màu đơn sắc ngả nâu cho các tác phẩm. Các vật thể sẽ được hai họa sĩ tách thành những bộ phận riêng biệt và “phân tích” chúng theo hình dạng bộ phận này.

Bức chân dung tự hoạ này mang đủ màu sắc, phong cách vẽ cũng như vui, buồn trong đời sống thường hằng của ông nên có thể nói bức chân dung tự hoạ này mang được trọn vẹn tất cả một “Picasso” tài danh lừng lẫy.

Trịnh Thanh Thủy