Trang chính » Biên Khảo, Dịch Thuật, Giới thiệu tác giả, Giới thiệu tác phẩm, Phỏng vấn, Sang Việt ngữ Email bài này

Phỏng vấn Gabriel Garcia Marquez: Trăm Năm Cô Quạnh Và Mùa Thu Của Nhà Độc tài (Kỳ 2)

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 3.11.2015
image_thumb.png

Trích dịch từ Tạp chí The Paris Review số 69, Mùa Đông 1981

image

(Tiếp theo kỳ 1)

Hỏi:

Ông có thể kể lại sự tìm tòi kiểu viết mà ông đã kinh qua sau câu truyện Leaf Storm và trước khi ông có thể sáng tác Trăm Năm Cô Quạnh?

Marquez:

Sau khi viết Leaf Storm, tôi quyết định viết về ngôi làng và thời thơ ấu. Thực sự đây là một lối thoát để khỏi đối diện với viết về thực tại chính trị của đất nước. Tôi có ấn tượng sai lầm rằng mình đã ẩn núp sau loại hồi tưởng này thay vì đối đầu với chính trị đang xảy ra. Đây là thời điểm mà tương quan giữa văn chương và chính trị đang tranh luận trong tôi. Tôi đang cố gắng dung hòa cả hai. Ảnh hưởng tôi trước đây là Faulker, bây giờ là Hemingway. Tôi đã viết No One Writes to the Colonel (Không Ai Viết Thư Cho Đại Tá), In Evil Hour (Trong Giờ Tai Họa), Big Mama’s Funeral (Đám Tang Bà Cả). Những tác phẩm này được sáng tác hầu như trong cùng một khoảng thời gian và có nhiều chi tiết giống nhau. Những câu truyện diễn ra trong một ngôi làng khác hơn ngôi làng mà Leaf StormOne Hundred Years of Solitude được nảy sinh. Đó là ngôi làng không có pháp thuật. Đây là loại văn chương báo chí. Khi tôi viết xong In Evil Hour, tôi nhận thấy tất cả quan điểm của mình lại sai lầm một lần nữa. Tôi nhận biết, trong thực tế những bài viết về thời thơ ấu này chứa đựng quá nhiều chính trị liên quan đến thực tại của đất nước, nhiều hơn tôi tưởng. Sau In Evil Hour, tôi ngừng sáng tác trong năm năm. Tôi có một ý định, luôn luôn muốn thực hiện nhưng dường như còn thiếu điều gì. Không chắc là điều gì cho đến một hôm tôi phát hiện ra đúng những ‘chất giọng’: Cái ‘chất giọng’ mà cuối cùng tôi đã áp dụng trong Trăm Năm Cô Quạnh. Dựa trên cách bà nội thường kể những chuyện của bà. Những chuyện siêu nhiên và kỳ quái, nhưng bà kể lại một cách tự nhiên rất hoàn chỉnh. Sau cùng, khi phát hiện ra ‘chất giọng’ (9) để sử dụng, tôi ngồi liên tục mười tám tháng, viết mỗi ngày.

Hỏi:

Làm thế nào bà ta diễn tả "kỳ quái" một cách tự nhiên?

Marquez:

Điều quan trọng nhất là sự biểu lộ trên mặt bà. Bà không hề thay đổi nét mặt khi kể chuyện làm mọi người ngạc nhiên. Trước đó, trong nổ lực viết Trăm Năm Cô Quạnh, tôi đã cố kể lại câu chuyện mà không có lòng tin.Tôi phát hiện ra, tôi phải đặt niềm tin vào câu chuyện và viết xuống giống như sự diễn tả của bà nội đã từng kể: với gương mặt vô cảm.

Hỏi:

Hình như kỹ thuật và sắc điệu (tone) cũng là đặc tính của báo chí. Ông mô tả sự kiện kỳ quái một cách cặn kẽ, tạo sự kiện trở thành thực tế. Đây có phải là kỹ thuật ông đã sử dụng trong ngành báo chí?

Marquez:

Dó là thủ thuật làm báo có thể áp dụng vào văn chương. Ví dụ như, ông nói rằng, có bầy voi bay trên trời. Người nghe sẽ không tin. Nhưng nếu ông nói, có bốn trăm hai mươi lăm con voi bay trên trời, có lẽ người nghe sẽ tin. Trong Trăm Năm Cô Quạnh đầy cả những thứ như vậy. Đó chính là kỹ thuật mà bà tôi sử dụng. Tôi nhớ nhất là câu chuyện về một nhân vật có đàn bướm vàng bay chung quanh. Khi tôi còn bé, một người thợ điện vào nhà. Tôi lấy làm tò mò vì ông ta mang theo dây vành đai dùng để treo mình làm việc trên những cột điện. Bà nội tôi thường nói, mỗi khi ông này đến, đã để lại đàn bướm bay đầy nhà. Nhưng khi tôi viết lại, mới phát giác ra, nếu không nói đàn bướm màu vàng, người ta sẽ không tin.

Khi tôi viết phim tập Remedios la Bella (Mỹ Nhân Remedios) sẽ đến thiên đàng, đã mất một thời gian rất dài để làm cho nó đáng tin. Một hôm, ra ngoài vườn, trông thấy người đàn bà thường đến nhà làm công việc giặc giũ, đang phơi khăn trải giường. Trời trở gió lớn. Bà ta cằn nhằn với gió, đừng thổi khăn bay đi. Tôi khám phá ra nếu tôi dùng loại khăn này trong Remedios la Bella, người ta sẽ thấy cô Remedios bay cao. Đó là cách tôi làm tăng lòng tin cậy. Vấn đề đối với mỗi nhà văn là sự tín nhiệm. Ai cũng có thể viết bất cứ điều gì, miễn là làm cho nó đạt được lòng tin.

Hỏi:

Nguồn gốc của bệnh dịch mất ngủ trong Trăm Năm Cô Quạnh là gì?

Marquez:

Bắt đầu với nhân vật thần thoại Hy lạp, Oedipus (10), tôi luôn luôn quan tâm đến bệnh dịch. Tôi nghiên cứu rất nhiều về những bệnh dịch thời Trung Cổ. Một trong những cuốn sách tôi yêu thích là The Journal of the Plague Year của Daniel Defoe. Giữa những lý do khác, lý do chính vì Defoe là một nhà báo, có vẻ như những gì ông ta nói, hoàn toàn là tưởng tượng lạ kỳ. Trong nhiều năm, tôi nghĩ Defoe tường thuật về bệnh dịch ở Luân Đôn khi ông theo dõi nó. Nhưng rồi tôi phát hiện nó là cuốn tiểu thuyết vì Defoe nhỏ hơn bảy tuổi khi trận dịch xảy ra ở Luân Đôn.

Bệnh dịch thường xuyên là một chủ đề của tôi trong nhiều hình dạng khác nhau. Trong In Evil Hour, những tờ rơi là bệnh dịch. Đã nhiều năm tôi cho rằng sự bạo động chính trị ở Colombia có phần siêu hình giống như bệnh dịch. Trước Trăm năm Cô Quạnh, tôi đã dùng trận dịch để giết hết tất cả đàn chim trong truyện One Day After Sunday, (Một Ngày Sau Chủ Nhật). Trong Trăm Năm Cô Quạnh, tôi sử dụng dịch bệnh mất ngủ như một thủ thuật văn chương vì nó đối nghịch với bệnh dịch tham ngủ. Cơ bản, văn học chẳng là gì cả, chỉ như nghề thợ mộc.

Hỏi:

Ông có thể giải thích thêm sự so sánh này?

Marquez:

Văn học và nghề mộc đều là những việc rất khó khăn. Viết một điều gì đó cũng gay go gần giống như đóng một cái bàn. Làm cả hai việc này đều thực tế, dữ liệu cũng khó như gỗ. Cả hai đòi hỏi thủ thuật và kỹ thuật. Về cơ bản, cả hai bao gồm một ít pháp thuật rất nhiều gian khổ. Như nhà thơ Proust, tôi nhớ chừng, đã nói, mười phần trăm cảm hứng, chín mươi phần trăm mồ hôi. Tôi chưa từng làm nghề mộc nhưng đây là nghề mà tôi ngưỡng mộ nhất, đặc biệt vì chẳng bao giờ có thể tìm bất kỳ ai khác làm giùm cho mình.

Hỏi:

Còn cơn Sốt Chuối trong Trăm Năm Cô Quạnh thì sao? Bao nhiêu phần trăm dựa trên chuyện thật trong công ty United Fruit?

Marquez:

Cơn Sốt Chuối được làm mô hình theo sát thực tế. Dĩ nhiên, tôi áp dụng thủ thuật văn chương vào những điều chưa được rõ ràng trong lịch sử. Ví dụ, Vụ thảm sát ở công trường là chuyện hoàn toàn có thật, nhưng khi tôi viết dựa trên cơ sở lời khai và tài liệu, chưa bao giờ biết rõ bao nhiêu người bị giết. Tôi dùng con số ba ngàn người, rõ ràng lá quá lố. Nhưng một hồi ức thời thơ ấu là tôi trông thấy một đoàn tàu dài, rất dài, rời khỏi khỏi đồn điền thường thường chở đầy chuối. Nhưng có thể chất ba ngàn người chết trên đó, cuối cùng đổ xuống biển. Điều thật sự kinh ngạc là bây giờ người ta nói rất tự nhiên trong quốc hội và báo chí về con số "ba ngàn người chết". Tôi nghi ngờ, một nửa lịch sử được cấu tạo theo kiểu này. Trong The Autumn of the Patriarch, nhà độc tài tuyên bố, không có gì quan trọng nếu không đúng ở hiện tại, thì tương lai sẽ đúng. Sớm muộn gì, người ta sẽ tin tưởng nhà văn hơn chính quyền.

Hỏi:

Điểm này khiến nhà văn có quyền lực, phải không?

Marquez:

Đúng, và tôi cũng có cảm giác như vậy. Mang lại cho tôi một cảm nhận trách nhiệm lớn lao. Điều mà tôi thật sự muốn là một bài báo hoàn toàn đúng sự thật và thực tế, nhưng toát vẻ kỳ quái như Trăm năm Cô Quạnh. Tôi càng sống và nhớ lại nhiều thứ trong quá khứ, càng cho rằng văn chương và báo chí liên quan rất tương cận.

Hỏi:

Còn đất nước dùng biển của mình để trả nợ quốc tế, như trong truyện Autumn of the Patriarch, thì sao?

Marquez:

Có, chuyện đó có thật. Đã xảy ra và còn sẽ xảy ra nhiều lần hơn nữa. The Autumn of the Patriarch là cuốn sách hoàn toàn lịch sử. Để tìm kiếm xác suất từ những sự kiện thực tế là công việc của nhà báo và nhà văn, còn là việc của nhà tiên tri. Có trở ngại ở nơi người ta tin tôi là nhà văn chuyên viết truyện kỳ quái , trong khi thực chất, tôi là người rất hiện thực và viết những gì tôi tin là chủ nghĩa hiện thực xã hội đúng đắn.

Hỏi:

Có phải là người theo chủ nghĩa không tưởng (utopian)?

Marquez:

Tôi không chắc danh từ Utopian có nghĩa thật sự hoặc chỉ là quan niệm. Nhưng tôi nghĩ là thật.

Hỏi:

Có phải những nhân vật trong the Autumn of the Patriarch, ví dụ như kẻ độc tài, được xây dựng theo kiểu mẫu từ một người thật? Có vẻ tương tựa như Franco, Perón và Trujillo.

Marquez:

Trong mỗi cuốn tiểu thuyết, nhân vật là một nghệ thuật cắt dán: một sự ghép nối bằng những nhân vật khác mà tác giả quen biết, hoặc nghe được, hoặc đọc thấy. Tôi đọc tất cả những gì có thể tìm được về những nhà độc tài ở Châu Mỹ La Tinh trong thế kỷ qua và bắt đầu trong thế kỷ này. Tôi cũng hỏi han rất nhiều người đã sinh sống dưới chế độ độc tài, tối thiểu trong vòng mười năm. Cho đến khi tôi kết hợp được ý tưởng về nhân vật đó như thế nào. Rồi nổ lực quên hết tất cả những gì đã đọc đã nghe, để có thể sáng tác, mà không sử dụng bất cứ tình cảnh nào xảy ra trong đời sống thực tế.

Đến một lúc, tôi nhận ra, mình đã không sống bất kỳ giai đoạn nào dưới chế độ độc tài, vì vậy tự nghĩ, nếu viết cuốn sách này bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi có thể cảm nhận không khí đã sống dưới một chế độ độc tài kiên cố. Tôi nhận ra không khí rất khác biệt ở Tây Ban Nha dưới thời Franco hơn là chế độ độc tài ở Caribbean. Vì vậy, cuốn sách bị đình trệ một thời gian. Tôi không biết rõ nhưng cảm thấy còn thiếu điều gì đó. Rồi nhanh chóng, tôi quyết định, hay hơn hết là trở về Caribbean. Tất cả chúng tôi quay lại Barranquilla ở Colombia. Tôi tuyên bố cùng các nhà báo, họ tưởng tôi đang đùa. Tôi nói, tôi trở về vì đã quên mất mùi ổi thơm như thế nào. Thật vậy, đó là những gì tôi cần để hoàn tất cuốn sách dở dang. Đi một chuyến băng qua vùng biển Caribbean, từ đảo này sang đảo khác, tôi tìm thấy những yếu tố mà tôi đã thiếu sót trong cuốn tiểu thuyết.

Hỏi:

Ví sao ông thường sử dụng điệp khúc "sự cô đơn của quyền lực".?..

Marquez:

Càng có nhiều quyền lực càng khó biết ai dối trá, ai không. Khi đạt đến quyền lực tối thượng, sẽ đứt mất liên hệ với thực tế và đó là sự cô đơn tồi tệ nhất. Một người đầy quyền uy như nhà độc tài, sẽ bị bao quanh bởi quyền lợi và những người có mục đích tối hậu là cô lập ông ra khỏi thực tại; tất cả mọi việc đều phối hợp để cách ly ông ta.

Hỏi:

Còn sự cô đơn của nhà văn ra sao? Có khác biệt không?

Marquez:

Sự cô đơn của quyền lực nẩy sinh nhiều thứ. Sự cố gắng của nhà văn miêu tả hiện thực, thông thường sẽ đưa họ đến một cách nhìn méo mó. Trong khi nổ lực chuyển hình thực tại, họ có thể bị mất liên lạc với thực tế, chuyện trong tháp ngà như họ thường ám chỉ. Nhà báo là người canh phòng chống lại điều này rất kỹ. Đó là lý do tại sao tôi luôn luôn cố gắng tiếp tục hành nghề báo chí, vì nó giúp tôi tiếp xúc với thế giới hiện thực, đặc biệt là ngành báo chính trị trong lãnh vực chính trị. Sự cô đơn ám ảnh tôi sau Trăm Năm Cô Quạnh không phải là sự cô đơn của nhà văn, chính là sự cô đơn của danh vọng. Nó giống sự cô đơn của quyền lực nhiều hơn. Bạn bè tôi đã bảo vệ tôi ra khỏi nó, bạn tôi luôn luôn có mặt chung quanh.

Hỏi:

Ý như như thế nào?

Marquez:

Là vì suốt cuộc sống, tôi luôn luôn xoay sở để giữ những người bạn cũ. Có nghĩa là tôi không chia tay hoặc dứt bỏ những người bạn này. Họ là những người kéo tôi xuống lại địa cầu; họ luôn luôn đứng hai chân trên đất và họ không nổi tiếng.

[…]

( Còn tiếp Kỳ 3: Câu Chuyện Chưa Kết Luận.)

====================================================================

GHI:

(9) Trong bản văn dùng từ ‘tone’, tôi chuyển thành ‘chất giọng’ tức là ‘phong-cách-sắc-điệu’, cách diễn đạt riêng của Marquez dùng trong Trăm năm Cô Quạnh.

(10) Oedipus: Chuyện thần thoại Hy Lạp. Nhân vật này đã vô tình giết cha và cưới mẹ làm vợ. Một bi kịch được nhà tâm lý Sigmund Freud giải thích như là một ước mơ vô thức của bé trai.

bài đã đăng của Peter H. Stone

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)