Trang chính » Chuyên Đề, Lý Luận, Nghiên Cứu, Nhận Định, Tôn Giáo trong Văn Chương/Nghệ Thuật Email bài này

Giáo Hoàng Francis và Đồng Tính Luyến Ái

clip_image002_thumb.jpg

 

 

Thứ Ba ngày 29 tháng Chín 2015 vừa qua, đài thông tin CNN tiết lộ rằng Giáo Hoàng Francis trong chuyến công du Mỹ đầu tiên đã gặp mặt riêng bà Kim Davis, người mới trở thành “nổi tiếng” gần đây vì thái độ cứng rắn biểu lộ tư tưởng kỳ thị đồng tính luyến ái của bà.

Kim Davis là một nhân viên hành chánh ở Kentucky làm việc trong văn phòng cấp giấy hôn thú của thành phố. Bà là một tín đồ Công Giáo sùng tín. Bà chống đối việc Tòa Thượng Thẩm Mỹ đổi luật từ tháng Sáu 2015 bắt đầu cho phép những người đồng tính luyến ái được kết hôn hợp pháp. Bà tin rằng điều nầy trái ngược lại với đạo đức tôn giáo của bà. Bà chống đối bằng cách tự ý từ chối phát hành giấy hôn thú cho những cặp đồng tính luyến ái đến nộp đơn ở văn phòng bà làm việc. Bà cũng ra lệnh các nhân viên dưới quyền bà đều phải làm theo bà. Bà cho rằng bà làm điều nầy “dưới quyền Thiên Chúa” (“under God’s authority”).

Sự việc được đưa ra tòa, Kim Davis bị thua cuộc và nhận được lệnh tòa phải chấm dứt hành vi nầy vì bà “không được quyền áp đặt tiêu chuẩn đạo đức tôn giáo và cá nhân lên trên luật pháp quốc gia”. Bà vẫn tiếp tục từ chối phát hành hôn thú cho những cặp đồng tính luyến ái. Sau nhiều lần bị cảnh cáo, vào tháng Chín 2015 bà bị bắt giam 6 ngày về tội cãi lệnh tòa. Sau khi được thả ra và trở lại làm việc, bà chịu chuẩn duyệt hồ sơ cho những người đồng tính luyến ái. Tuy nhiên trên những giấy hôn thú nầy, bà không ghi tên họ và chức vụ của bà là người đã chuẩn duyệt. Thay vào đó, bà chỉ ghi “thừa lệnh tòa án.”

Buổi gặp mặt giữa Giáo Hoàng Francis và Kim Davis xảy ra ngày Thứ Năm 24 tháng Chín 2015 tại Tòa Đại Sứ Vatican ở Washington. Bà Davis kể rằng cuộc gặp mặt kéo dài 10 phút; trong phòng gồm có Giáo Hoàng Francis, bà và chồng bà. Bà cho rằng buổi gặp mặt nầy cho thấy Giáo Hoàng ủng hộ việc làm của bà. Bà nói, “Chỉ cần biết là Đức Giáo Hoàng có theo dõi, và đồng ý với những gì chúng tôi đang làm là tất cả mọi việc đều trở thành có giá trị”. Bà cũng kể thêm, “Đức Giáo Hoàng rất nhân từ, đầy thương yêu, và rất thân thiện. Ngài còn bảo tôi hãy cầu nguyện cho Ngài. Ngài cám ơn tôi về sự can đảm của tôi và bảo tôi “Hãy kiên trì.’” Bà trả lời, “Xin Ngài cầu nguyện cho con.”

Bà còn cho biết Giáo Hoàng Francis đã ôm bà vào lòng rồi tặng bà và chồng bà một xâu hạt chuỗi.

clip_image002

Đài CNN cũng cho biết là lúc ban đầu, một đại diện Tòa Thánh Vatican, ông Ciro Benedettini phản ứng rằng: “Chúng tôi không thể phủ nhận hay xác nhận câu chuyện nầy. Chúng tôi sẽ không có gì để tuyên bố cả.” Tuy nhiên ngay sau đó, một đại diện khác của Tòa Thánh, ông Federico Lombardi, cho biết thêm: “Tôi không chối là buổi họp mặt đã xảy ra. Tuy nhiên tôi không có gì để bàn luận cả.”

Để cố giải tỏa sự thắc mắc mỗi lúc càng gia tăng của dư luận, ngày Thứ Sáu kế đó Tòa Thánh đã lên tiếng cải chính về cuộc gặp mặt nầy. Tòa Thánh cho biết đó không phải là một buổi gặp mặt riêng giữa Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà Davis mà là một buổi gặp gỡ chung cả với “mấy tá” người khác nữa cũng cùng có mặt lúc đó trong Tòa Đại Sứ. Ông Lombardi nói “Những cuộc gặp gỡ loại nầy xảy ra thường xuyên trong tất cả các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng vì Ngài là một người nhân từ và dễ tiếp xúc với mọi người. Trong chuyến đi nầy, Đức Giáo Hoàng chỉ có một buổi gặp mặt riêng duy nhất đó là giữa Ngài với một học sinh cũ của Ngài và gia đình người đó”. (*)

Điều Tòa Thánh muốn nhấn mạnh nhất là “không nên xem việc Đức Giáo Hoàng gặp bà Kim Davis là một hành động Ngài biểu lộ lòng ủng hộ cho việc làm của bà”.

Đài CNN cũng cho biết ngày 23 tháng Chín 2015, tức là một ngày trước khi Giáo Hoàng Francis gặp bà Kim Davis, ông đã gặp một người học trò cũ đồng tính luyến ái tên Yayo Grassi và người bạn đời của ông ấy. (*) Như vừa kể ở trên, đây là người mà đại diện Tòa Thánh cho rằng đã duy nhất chính thức được gặp riêng Giáo Hoàng Francis trong chuyến công du nầy. Chữ “gia đình người đó” ám chỉ người bạn đời đồng tính của ông Grassi.

Ông Grassi cho biết “Trước chuyến đi 3 tuần, Đức Giáo Hoàng đã gọi điện thoại cho tôi ngỏ ý muốn gặp tôi và ôm tôi vào lòng.” Ông Grassi, 67 tuổi đã từng là học trò môn văn chương và tâm lý học của Giáo Hoàng Francis vào khoảng năm 1964-1965. Ông nói Giáo Hoàng Francis lúc đó, cũng như mọi người khác, cũng biết về khuynh hướng tình dục của ông và việc ông có một người đời đồng tính luyến ái lâu dài, tuy vậy “Ngài không bao giờ lên án việc nầy”. Ông nói, “Đức Giáo Hoàng không bao giờ phê phán hay nói gì nặng lời. Dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng là người của Hội Thánh thì Ngài phải tuân theo những tín điều của Hội Thánh. Tuy vậy Ngài cũng một người thông hiểu mọi tình cảnh khác nhau và mở rộng vòng tay với mọi người, kể cả những người có khuynh hướng tình dục khác nhau.”

Cuối buổi gặp mặt, Giáo Hoàng Francis lần lượt ôm ông Grassi và người bạn trai ông ấy và hôn mỗi người trên má.

clip_image003

Sự kiện Giáo Hoàng Francis gặp gỡ một người nổi tiếng nhân danh Thiên Chúa cực lực phản đối vấn đề đồng tính luyến ái (bà Davis) lẫn cặp đồng tính luyến ái (ông Grassi và bạn trai) đưa đến nhiều bàn luận sôi nổi.

Nhiều người đồng ý với bà Kim Davis, cho rằng buổi gặp mặt riêng với Giáo Hoàng Francis cho thấy sự ủng hộ của ông về việc làm của bà. Trong khi đó, những người Công Giáo đồng tính luyến ái cho rằng buổi họp mặt nầy “rất khó hiểu” và “phủ một tấm mền ướt” lên chuyến thăm viếng Mỹ đầu tiên của Giáo Hoàng. Ông Francis De Bernardo, người đứng đầu nhóm Công Giáo đồng tính luyến ái, cho biết đã đến lúc Giáo Hoàng Francis phải khẳng định chính sách của Tòa Thánh về vấn đề nầy. Đó là vì chính sách của Tòa Thánh có ảnh hưởng lớn đến các quyết định xem là đạo đức của vô số giáo dân.

Giáo Hoàng Francis đã nhiều lần cho thấy tuy ông tích cực cổ động quyền tự do tín ngưỡng nhưng ông không tỏ rõ lập trường của ông về một số vấn đề khác, thí dụ như vấn đề hôn nhân đồng giới tính ở đây. Năm 2013, ông đã từng tuyên bố ông không phán đoán những linh mục đồng tính luyến ái. Tuy nhiên trong cuộc tranh luận nóng bỏng về hôn nhân đồng giới tính năm 2010, lúc ấy Francis chưa nắm chức vị Giáo Hoàng, ông đã gọi hôn nhân đồng giới tính là “sản phẩm của Quỷ Satan.” Điều nầy làm người ta suy nghĩ: không lẽ chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi mà một người có thể thay đổi 180o về quan điểm trên một vấn đề trọng đại như vậy sao (nhất là nếu xét đến vị thế của ông ấy)? Hay vì lý do gì khác mà Giáo Hoàng Francis lại “tiền hậu bất nhất” như thế? Ông cũng từ chối không chịu thay đổi cương vị truyền giảng của Giáo Hội cho rằng quan hệ đồng tính là tội lỗi.

Tôi hiểu được quan điểm cho rằng việc Giáo Hoàng Francis gặp mặt một người hay một nhóm người nào đó không có nghĩa là ông biểu lộ sự đồng tình với việc làm hay tư tưởng của họ. Đó là vì ngoài là một nhân vật tôn giáo, Giáo Hoàng còn là một nhân vật chính trị. Ông gặp gỡ đủ loại người với vai trò một chính trị gia, mặc dù lúc nào Tòa Thánh cũng tô điểm các cái bắt tay, những cái ôm hôn, những việc ban phép lành của ông là phát xuất từ lòng nhân từ, tính quảng đại, thân thiện dưới cương vị một Giáo Hoàng, và vì ông là một người của quần chúng, v.v.

Mặc dù Tòa Thánh đã đính chính cho đó không phải là một “buổi gặp mặt riêng” nhưng bà Kim Davis vẫn quả quyết trong phòng chỉ có 3 người: Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà, kéo dài 10 phút. Bà còn cho biết bà có ảnh chụp để chứng minh. Và chúng ta cũng biết 10 phút là thời gian tiêu biểu của các buổi gặp mặt riêng mà Giáo Hoàng Francis thường cho phép mỗi người. Nếu gặp mặt chung “vài tá” người cùng một lúc như lời Tòa Thánh nói thì thời gian giao tiếp dành cho mỗi người, như chúng ta thường thấy, cao nhất chỉ khoảng vài mươi giây gồm một cái bắt tay và vài câu qua loa xã giao mà thôi.

Khi đọc kỹ qua các lời tuyên bố của Tòa Thành liên quan đến buổi gặp mặt kín giữa Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà Davis, chúng ta có thể thấy từng câu chữ của các lời tuyên bố nầy đều được lựa chọn cẩn thận với mục đích duy nhất là hạ giá trị và ý nghĩa của buổi gặp mặt đó xuống càng thấp càng tốt.

Đối với tôi, muốn biết lập trường của Giáo Hoàng Francis ở đây thì thay vì nghe những gì ông nói, chúng ta chỉ cần xem những gì ông đã làm (và đã không làm) trong vấn đề đồng tính luyến ái từ khi ông nắm quyền đứng đầu Giáo Hội Công Giáo. Như vừa nói ở trên, cho đến nay Giáo Hoàng Francis vẫn từ chối không chịu thay đổi quan điểm chính thức của Giáo Hội cho rằng quan hệ đồng tính là tội lỗi. Dưới đây là vài thí dụ nữa.

Vào tháng Tư năm 2015, chính phủ Pháp đề cử ông Laurent Stefanini để làm đại sứ của họ với Tòa Thánh Vatican. Ông Steffanini là một người được Pháp xem là lý tưởng cho chức vụ nầy, ông đã từng làm việc với Liên Hiệp Quốc và được Tổng Hồng Y của Pháp André Vingt-Trois ủng hộ. Tuy nhiên, cho đến ngày nay Tòa Thánh vẫn chưa hồi đáp đề cử trên, ngay cả sau khi ông Steffinini đại diện chính phủ Pháp đã gặp gỡ riêng với Giáo Hoàng Francis gần đây. Im lặng ở đây đồng nghĩa với từ chối. Tuy không có gì chính thức nhưng ai cũng biết rằng lý do chính là vì ông Steffanini là một người đồng tính luyến ái công khai. Hơn nữa, ông còn là người đã cổ động cực lực trong phong trào hôn nhân đồng giới tính ở Pháp năm 2013.

Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008 chính phủ Pháp cũng đã đề cử ông Jean Loup Kuhn-Delforge làm đại sứ của họ với Vatican. Ông Kuln-Delforge sống chung công khai với một người bạn đời đồng tính. Sau một năm dài, Giáo Hoàng đương thời bấy giờ là Benedict cũng đã không trả lời gì về đề cử nầy. Giới bình luận cho rằng Giáo Hoàng Francis không khác gì Benedict, thái độ của cả hai đều phản ảnh quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đối với đồng tính luyến ái. Cho đến nay, Pháp vẫn chưa có đại sứ ở Vatican.

Đại diện của Hội Đồng Tính Luyến Ái của Paris, Robert Simon cho biết cộng đồng muốn nhìn thấy Giáo Hoàng Francis thực hành những gì ông rao giảng. Anh nói, “Bên trong hàng ngũ Giáo Hội có không thiếu những nhân vật cao cấp cũng đồng tính luyến ái nhưng một cách bí mật. Cái mà Giáo Hội đang biểu dương chỉ là đạo đức giả. Nếu bạn thực hành đồng tính luyến ái một cách kín đáo thì họ để yên cho bạn, nhưng nếu bạn công khai làm điều nầy thì họ sẽ không muốn biết đến bạn.”

Ngày 23 tháng Chín 2015 trong chuyến đi sang Mỹ lần nầy, Giáo Hoàng Francis cũng đã đến thăm nhóm Nữ Tu của Người Nghèo (Little Sisters of the Poor) ở tại trụ sở của họ. Nhóm nữ tu nầy chuyên hoạt động từ thiện giúp đỡ người già cả, đói nghèo trên khắp nước Mỹ. Vào năm 2013, Tổng Thống Obama tuyên bố chính sách y tế xã hội (thường được gọi là “Obamacare”) trong đó có bộ luật về trợ cấp hạn chế sinh sản. Luật nầy bắt buột chủ nhân các tổ chức thương mãi phải bảo trợ nhân viên làm việc cho họ về những chi phí y tế trong đó bao gồm việc hạn chế sinh đẻ. Luật nầy cũng cho phép các tổ chức không-vụ-lợi (thí dụ như nhóm Nữ Tu của Người Nghèo nầy) không phải trực tiếp cung cấp chi phí nầy mà có thể chỉ cần cho phép hảng bảo hiểm sức khỏe của họ thay mặt họ làm việc đó. Nhóm Nữ Tu nầy không đồng ý việc họ bị bắt buột phải ký tên cho phép hãng bảo hiểm bảo trợ chi phí liên quan đến hạn chế sinh đẻ cho nhân viên của họ. Họ cho rằng làm việc nầy tương đương với đồng tình trong việc hạn chế sinh đẻ, một điều mà Giáo Hội Công Giáo nghiêm cấm.

clip_image005

Năm 2013, nhóm Nữ Tu của Người Nghèo đã ra tòa xin họ không cần phải làm theo bộ luật nầy vì tín ngưỡng của họ không cho phép. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2015 Tòa Kháng Cáo Liên Bang đã quyết định xử họ thua. Án lệnh của tòa nầy đòi hỏi họ phải tuân theo bộ luật y tế xã hội giống như tất cả mọi người khác.

Ông Federico Lombardi, đại diện của Giáo Hội đã nói với phóng viên CNN rằng buổi gặp gỡ (kéo dài 15 phút) giữa Giáo Hoàng Francis và nhóm Nữ Tu của Người Nghèo cho thấy “đây là dấu hiệu ủng hộ của Ngài về cuộc chiến đấu pháp lý của họ.”

Nhận định của tôi ngay sau khi đọc về chuyện nầy là Tòa Thánh có vẻ chỉ diễn giảng sự việc theo cách nào có lợi cho họ. Một mặt họ cho rằng cuộc gặp mặt dài 15 phút giữa Giáo Hoàng với nhóm nữ tu “là dấu hiệu ủng hộ của Đức Giáo Hoàng”, mặt khác họ cho rằng cuộc gặp mặt dài 10 phút giữa Giáo Hoàng với bà Kim Davis (như vừa tường trình ở trên) “không nên được xem như một biểu lộ sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng”.

Một thí dụ nữa gần đây nhất, ngày Thứ Bảy 3 Tháng Mười 2015, báo Washington Times cho biết Giáo Hội Công Giáo vừa bãi nhiệm giáo sĩ cao cấp người Ba Lan, Monsignor Krzysztof Charamsa không lâu sau khi ông đứng ra công khai nhìn nhận ông là một người đồng tính luyến ái. Ông Charamsa, 43 tuổi, đã làm việc ở trong văn phòng báo chí của Tòa Thánh và dạy giáo lý tại các Đại Học Công Giáo ở La Mã từ năm 2003.

Trong khi Tòa Thánh cho biết việc bãi nhiệm ông Charamsa không liên quan gì đến việc ông công khai hóa khuynh hướng tình dục của mình, ông Charamsa nói với báo chí Ý: “Công khai hóa việc nầy là một quyết định cá nhân rất khó khăn cho tôi vì thái độ vô cùng khắc nghiệt của Giáo Hội đối với những người đồng tính luyến ái. Tôi chỉ muốn Giáo Hội và mọi người biết rằng tôi là một tu sĩ đồng tính và hãnh diện với khuynh hướng tình dục của tôi. Tôi sẵn sàng chịu trả hậu quả của quyết định nầy, nhưng đã đến lúc Giáo Hội hãy mở mắt lớn ra và nhìn thấy rằng bắt buột những tín đồ đồng tính phải diệt bỏ tính dục của họ là một điều vô nhân đạo.”

Trong bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ Tư, Giáo Hoàng Francis lại một lần nữa kêu gọi “cần có sự bảo vệ mạnh mẽ trong vấn đề tự do tín ngưỡng”. Có lẽ đây là thông điệp nhất quán và trường kỳ duy nhất của ông trong suốt thời gian nắm chức vụ đứng đầu Giáo Hội. Có lẽ đó là vì ông chỉ thật sự quan tâm đến đến việc bảo vệ tín ngưỡng mà thôi.

Các hành động của ông trong chuyến công du nầy, như vừa kể trên, là vài thí dụ cho thấy nhiều việc làm của Giáo Hoàng Francis không đi đôi với những điều ông tuyên bố. Có lẽ những lời tuyên bố về “không kỳ thị đồng tính luyến ái”, “không lên án việc hạn chế sinh sản” của ông chỉ là những tuyên bố có giá trị chính trị. Đó là những tuyên bố cần phải có để bảo vệ danh nghĩa của Giáo Hội, để người ngoài không cho rằng Giáo Hội là một tổ chức thủ cựu và thiếu nhân bản.

Theo tôi, có lẽ cách giải thích hiền hòa nhất là cũng có thể Giáo Hoàng Francis không có lập trường vững chắc về các vấn đề nầy.

 

Nguồn:

http://edition.cnn.com/videos/us/2015/09/30/kim-davis-pope-francis-meeting.cnn

http://edition.cnn.com/2015/10/02/us/kim-davis-pope/index.html

http://edition.cnn.com/2015/10/02/us/pope-gay-washington/

http://edition.cnn.com/2015/05/13/europe/france-vatican-diplomat-row/

https://www.washingtonpost.com/news/acts-of-faith/wp/2015/09/23/pope-francis-meets-with-little-sisters-of-the-poor-nuns-involved-in-an-obamacare-lawsuit/

http://www.washingtontimes.com/news/2015/oct/3/monsignor-krzysztof-charamsa-gay-priest-fired-vati/

bài đã đăng của Nguyễn Nhân Trí

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

22 Bình luận

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Cám ơn bạn Khách Quan đã mách bảo. đúng là NBC nói rằng bà Kim Davis là một Apostolic Christian.

  • Khách Quan says:

    Có lẽ ông Nguyễn N.Trí không tìm ra tài liệu,nên tôi xin mách cho ông vào đọc tin
    trên NBC.News với bài “Kim Davis,Kentucky clerk,held in contempt and ordered to
    jail”(hàng thứ 7,đăng ngày 3-9-2015) xác nhận bà K.D.là Apostolic Christian.

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Cám ơn bạn DNL đã góp ý.

    Tôi chưa tìm được tài liệu nào cho rằng bà Kim Davis là một tín đồ Tin Lành để kiểm chứng lời của bạn.

    Tuy nhiên, cứ cho là bạn đúng đi cũng được. Thế thì xin bạn cho biết chi tiết bạn vừa chỉnh sửa tôi có tác dụng hay ý nghĩa gì đối với các ý chính của toàn bài nầy?

  • DNL. says:

    Thưa ông Trí,
    Theo như tôi biết thì bà Kim Davis không phải là “tín đồ Công giáo sùng tín”
    như ông viết mà là Tin Lành,thuộc phái Tông Truyền (Apostolic Christian).

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    “Dường như tg NNT đặt câu hỏi hơi bị nhiều, mặc dù nhiều câu lẩn quẩn và bị trùng lắp hay bị lặp lại” (black raccoon)

    Tôi phải lập đi lập lại câu hỏi như vậy vì anh có vẻ tránh né không chịu trả lời trực tiếp. Tôi hỏi 2 câu, một về “kỳ thị”, một về “xúc phạm”. Anh chỉ trả lời về “kỳ thị” mà thôi. Và câu trả lời của anh, theo ý tôi, rất … bất toàn 🙂

    Tôi đành phải hỏi lại nữa thì anh mới chịu trả lời về “xúc phạm”. Và anh trả lời rằng: “Không”, vì “ai ai cũng tỏ ra biết ơn đất nước và ngườì dân đã cưu mang mình”. Rồi anh bẻ hướng qua thuyết giảng về lòng biết ơn của người tị nạn!

    Có thể anh thật bụng nghĩ rằng “Vì người Mỹ cưu mang anh nên dù họ có tỏ lời khinh bỉ anh thì anh cũng không cảm thấy xúc phạm”. (Tôi khác anh ở chỗ nầy).

    Cũng có thể anh không thật bụng nghĩ như trên, nhưng anh không thể nhận là anh cảm thấy bị xúc phạm. Vì như thế thì anh cũng đồng thời nhìn nhận là lời phê bình về đtla của anh cũng là một lời mang tính cách xúc phạm. Vì vậy khi tôi tiếp tục hỏi lại, anh chỉ trả lời thoáng qua là “không” rồi chuyển hướng vấn đề nhấn mạnh về sự kiện “người tị nạn phải biết ơn đất nước và dân tộc cưu mang mình”.

    Trong phép Lý Luận (Logic), có một dạng ngụy biện (fallacy) gọi là “Red Herring”. Lối ngụy biện nầy xảy ra khi một người – cố ý hay vô tình – đem vào những sự kiện không liên quan đến vấn đề đang thảo luận, để gây sự phân tâm, rồi lèo lái cuộc thảo luận qua một vấn đề khác hẳn.

  • “Đtla xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đỡ. Người méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao ở Mỹ được chăm sóc giúp đở và được hưởng trợ cấp nhưng ở VN chẳng hạn thì đi bán … vé số và thiên hạ có thể nhìn và cười … dzui dzẻ.”

    Thưa nhà văn Đặng Thơ Thơ

    Tôi mạn phép post lại ý kiến của tôi đầy đủ nêu trên để tiện xem xét. Dường như quý vị đã hiểu không đúng một văn bản. Cụ thể, chỉ là một mệnh đề được viết đầy đủ. Này nhé:

    1- Bất toàn tôi viết, thuộc “xã hội” chứ không phải thuộc cá nhân một người nào đó bất toàn. Ly dị, hút thuốc lá, sống độc thân, đtla v.v…. đều thể hiện sự không hoàn toàn trong xã hội. Sự không hoàn tàn đó không phải là tội phạm. Có nhìn nhận như thế thì các nhà tâm ý xã hội mới tiếp tục công việc nghiên cứu và giúp đỡ khi cần. Còn như cứ cho rằng đây là rất “tự nhiên” thì đâu còn ai phải bận tâm nghiên cứu nữa. Nghiên cứu để tìm hiểu xã hội chứ không phải nhằm phân biệt hay kỳ thị.

    2- Tôi có so sánh nhưng so sánh người tàn tật sống giữa 2 “xã hội” Mỹ và VN. Quý vị tìm ra chỗ nào trong mệnh đề trên là tôi so sánh giữa người lé mắt với người đtla ?

  • đặng thơ thơ says:

    Thưa ông Black Raccoon, quyền tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do mạ lị, hay đưa ra những phê phán không có cơ sở khoa học.

    Mọi thứ quyền tự do đều dừng lại ở giới hạn nhân phẩm của người khác.

    Quyền tự do ngôn luận và tư tưởng cần đi với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Nguồn gốc của mọi hành động tốt xấu đều phát xuất từ tư tưởng. Những phát biểu mang tính kỳ thị chủng tộc hay kỳ thị giới tính là điều cấm kỵ trong môi trường giáo dục ở Hoa Kỳ. Tiểu Bang California đã thực hành chính sách Zero Tolerance tuyệt đối không khoan nhượng nạn uy hiếp ở học đường. Uy hiếp bao gồm nhiều hình thức: bạo lực, hăm dọa, hiếp đáp, tung tin thất thiệt, cô lập, và lăng mạ. Nếu một học sinh nào đó gọi một học sinh khác là “gay” và “bất toàn/imperfect”, thì em này sẽ bị phạt kỷ luật ngay. Chính sách này nhằm ngăn chặn tệ trạng các học sinh “gay” bị chọc ghẹo, quấy nhiễu, cô lập, dẫn đến suy sụp tinh thần và tự vẫn.

  • … xin anh cho biết anh có cảm thấy bị xúc phạm hay không (NNT)

    Chả có người tỵ nạn nào lại nghĩ ngợi ngược ngạo như vậy cả. Chẳng những không, ai ai cũng tỏ ra biết ơn đất nước và ngườì dân đã cưu mang mình trong những ngày định cư còn chân ướt chân ráo bơ vơ tỵ nạn.

    Tỵ nạn là gì ? Thứ nhất là một ý nguyện tự giác của mỗi người. Thứ hai là một tư cách hợp pháp. Thứ ba, tỵ nạn được xã hội “thông cảm và giúp đở” rất “cụ thể và hào phóng” từ trợ cấp tiền hàng tháng, học hành, đến y phục, vật gia dụng v.v… Người tỵ nạn nào mà không từng đến Nhà Thờ địa phương để được cho quần áo, đến các food banks để được cung cấp thực phẩm, đến trường học để trau giồi Anh Văn miễn phí.

    Dường như tg NNT đặt câu hỏi hơi bị nhiều, mặc dù nhiều câu lẩn quẩn và bị trùng lắp hay bị lặp lại. Tôi vốn thích sự sòng phẳng, như vậy tg NNT đã nợ tôi ít nhất là 2 câu hỏi. Tôi sẽ đặt ngược câu hỏi cho quý vị vào một lúc “thuận tiện”. Tôi mong quý vị trả lời sòng phẳng trước khi có tiếp bất cứ câu hỏi nào … nữa.

    Ngày Hành Trình Tìm Tự Do, lòng biết ơn của người tỵ nạn
    http://www.nhatbaovanhoa.com/a2112/de-cho-dai-su-cung-lam-la-bo-truong-ai-lai-di-cai-nhau-voi-noi-bo-canada

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Anh black raccoon

    Vậy thì xin anh cho biết anh có cảm thấy bị xúc phạm hay không nếu anh nghe một người Mỹ nói rằng “Đám người tị nạn VN xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đỡ. Người méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao ở Mỹ được chăm sóc giúp đỡ và được hưởng trợ cấp nhưng ở VN chẳng hạn thì đi bán … vé số và thiên hạ có thể nhìn và cười … dzui dzẻ” ?

  • Bây giờ tôi xin anh trả lời giùm: 1,2 (NNT)

    Discimination, kỳ thị (tiếp theo)

    Federal and state laws prohibit discrimination against members of protected groups (trích từ phần ý kiến của tôi phía trên)

    Tôi xin được trả lời chung 1, 2 như sau:

    Tôi đang sống tại Mỹ, vì vậy tôi xin hiểu và trình bày 2 chữ “kỳ thị” theo luật pháp của Mỹ. Nghĩa là discrimination, kỳ thị, là một tội danh. Khi hiểu và đặt vị trí kỳ thị là một tội danh thì đương nhiên phải hội đủ yếu tố để kết luận hành động nào đó có phải là kỳ thị hay không. Vậy, khi nghe người nào đó phát biểu liên quan tới kỳ thị (phái tính, tôn giáo, chủng tộc, tuổi tác, bệnh trạng, …) thì phải xét xem họ nói trong trường hợp nào, và người nói đó là ai ? Giả dụ, tôi nghe 2 người nói chuyện trên đường phố thoáng qua, chắc chắn tôi sẽ đi … luôn . Chả có cảm thấy gì cả. Nhưng, người nói là ông chủ tôi đang làm việc thì lại là chuyện khác. Có thể tôi sẽ có hành động.

    Thực tế, xác định một tội danh Dân Sự không đơn giản. Ngoài ra, như tôi đã trình bày các ý kiến bên trên, cái gì thuộc về tư tưởng – thought và phát biểu – expression thì hoàn toàn tự do được luật pháp bảo vệ. Tư tưởng như viết sách, viết báo. Phát biểu như bình luận, viết blogs, đàm thoại, thuyết trình v…

    Có thể có những xã hội nào đó họ chưa thể chế hoá “kỳ thị” là một tội phạm, họ vẫn trong vòng “tranh cãi” và “phản biện xã hôị” bằng cách “thông qua” viết lách chẳng hạn, thì tôi không rõ. Trường hợp này, theo tôi, rất khó giải quyết. Nó như mớ bùng nhùng rối rắm. Bởi vì, phạm vi suy nghĩ là vô tận, vô chừng. Tội kỳ thị, căn cốt là “distinguish” phân biệt, như vậy, dường như tất cả mọi người ai ai cũng là người “kỳ thị” cả, theo nghĩa đó.

    Bởi vì ai mà không suy nghĩ về sự “phân biệt” ? Tôi đi mua nhà, trong ý nghĩ của tôi đã phân biệt, tôi muốn sống gần sắc dân này hơn sắc dân kia chẳng hạn. Tôi chọn trường học cho con, nếu có thể tôi sẽ chọn trường với đông sắc dân A hơn B v.v… Tôi cưới vợ, thích chọn người Nam hơn người Bắc, hay, tôi “khoaí” viết đề tài với khía cạnh xấu tôn giáo C hơn tôn giáo B, vậy hoá ra tôi đang kỳ thị hay sao ?

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Anh black raccoon

    Xin lỗi anh. Tôi không có ý như vậy. Tôi chỉ muốn đơn giản hóa vấn đề để chúng ta cùng dễ thấy và dễ phân tích hơn thôi.

    Bây giờ tôi xin anh trả lời giùm:

    1/ Anh có cho là hai người Mỹ đó kỳ thị không?

    2/ Anh có cảm thấy bị xúc phạm không?

  • Tôi xin đưa ra một thí dụ rất đơn giản dưới đây xem anh có hiểu không nhé: (NNT)

    Ha ha ha ! Thưa tg NNT, cứ xem như là tôi không hiểu ông bạn viết gì cũng được.

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Thưa anh black raccoon

    Tôi xin đưa ra một thí dụ rất đơn giản dưới đây xem anh có hiểu không nhé:

    Có hai người Mỹ đứng nói chuyện với nhau rằng: “Trong cộng đồng con người có vài giống dân … thấp kém và ngu dốt. Chẳng hạn như đám da vàng mũi tẹt Việt Nam. Chúa sinh ra chúng như vậy và cho chúng lan tràn khắp nơi. Xét cho cùng, chúng chỉ là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Chúng cần được chúng ta thông cảm và giúp đở. Cứ xem chúng như những người Mỹ méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao của chúng ta đi …”

    Đó chỉ là “cách suy nghĩ” của họ. Nghĩa là “trong phạm vi suy tư – thought hay diễn tả, bày tỏ” của họ mà thôi. Họ không có hành động gì thực tế cả.

    Nếu anh nghe hai người đó bày tỏ ý tưởng của họ như vậy thì anh nghĩ họ có là người kỳ thị không?

  • Cách nghĩ này rất phổ biến, nhất là trong các cộng đồng châu Á, và cụ thể người Việt. Đó là một hình thức kỳ thị mà chính người kỳ thị cũng không ý thức được rằng mình đang kỳ thị. (ĐTT)

    Discimination, kỳ thị

    Tôi hơi ngạc nhiên về kết luận có phần võ đoán như trên của nhà văn. Chỉ mới là “cách suy nghĩ” thôi mà người gốc Việt đã cấu thành tội “kỳ thị” rồi hay sao ? Như vậy thì còn gì là tự do ngôn luận và tư tưởng nữa thưa cô ĐTT.

    Tội kỳ thị chỉ cấu thành khi nó xảy ra trên thực tế base on vào lý do nào đó, ở đây là phái tính, sex, gender. Và nó thường xảy ra trong trường hợp nào, ở đâu, môi trường nào nhất.

    Where Can Discrimination Occur?
    Federal and state laws prohibit discrimination against members of protected groups (identified above) in a number of settings, including:
    Education, Employment, Housing, Government benefits and services, Health care services, Land use / zoning, Lending and credit, Public accommodations (Access to buildings and businesses). Transportation.Voting

    Hầu hết thường gặp nhất là những va chạm khi đi mướn nhà, đi xin việc làm, mượn tiền nhà băng v.v…

    Tóm lai. chỉ được coi là hành động kỳ thị khi nó diễn ra trong thực tế có sự va chạm dựa trên màu da, phái tính, tôn giáo v.v… Còn trong “cách suy nghĩ” the way of your thinking, nghĩa là trong phạm vi suy tư – thought hay diễn tả, bày tỏ – expression thì hoàn toàn tự do.

    Một thí dụ khác rõ hơn, những người biểu tình phản đối phái đoàn VC chẳng hạn thì không thể nói vô căn cứ là họ “thù hận” được, vì tội thù ghét “hate crime” chi có khi nạn nhân bị tổn thương bị tổn thất về tài sản, nhân thân hay tình cảm rõ ràng. Anh đứng trước nhà thờ, chùa, gây hấn với tín đồ thì có thể bị còng tay, nhưng anh viết cuốn sách chỉ trích thì không thể gọi là thù ghét. Nó rất dễ hiểu, vì cuốn sách nằm trên kệ không gây thiệt hại gì cho ai cả. Người ta không thích thì người ta không … mua là xong.

    Nguồn: http://civilrights.findlaw.com/civil-rights-overview/what-is-discrimination.html

  • đặng thơ thơ says:

    Cám ơn ông Black raccoon đã có lời giải thích.

    Tuy nhiên, chữ “bất toàn” mà ông dùng, và biện minh về cách dùng, sẽ được hiểu là không “hoàn hảo” hay thiếu sót, hay dị tật.
    Và nếu “bất toàn”, thì cái bất toàn đó dựa trên tiêu chuẩn “hoàn toàn”nào? – Có phải tiêu chuẩn căn cứ vào người dị tính luyến ái, hay “thẳng” (straight)? Theo cách suy luận đó, người dị tính thì hoàn hảo, toàn vẹn, nguyên lành; còn người đồng tính thì là một dạng “bất toàn”, tức là tật nguyền tâm sinh lý vì khuynh hướng tình cảm/tình dục của họ.

    Như thế, dùng chữ “bất toàn” ở đây là hàm ý kỳ thị. Vi một trong những định nghĩa kỳ thị là coi đối tượng bị kỳ thị, do khác biệt với mình, là họ không bằng mình, thua mình, hay thấp kém hơn mình.

    Cách nghĩ này rất phổ biến, nhất là trong các cộng đồng châu Á, và cụ thể người Việt. Đó là một hình thức kỳ thị mà chính người kỳ thị cũng không ý thức được rằng mình đang kỳ thị.

    Trong trường hợp này, tôi cho rằng ông không có ý kỳ thị; tuy nhiên cách sử dụng ngôn ngữ không chính xác, cho dù không định ý, cũng sẽ gây thương tổn. Và tai hại hơn, là tiếp tục tạo ra, hay duy trì những cách nhìn sai lầm và tiêu cực về người đtla.

    Theo tôi thì ông Black Raccoon chỉ cần viết như thế này: “đtla xét cho cùng là thực trạng của mọi xã hội”. Và viết như thế là đầy đủ và chính xác, vì người đtla hiện diện trong mọi đơn vị cộng đồng: chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, giai cấp, giới tính…

    Nói cách khác, đtla là điều tự nhiên, vì đtla đã xuất hiện cùng với sự có mặt của con người.

  • Mong Black Raccoon nói rõ thêm thế nào là “bất toàn”. (ĐTT)

    Thưa nhà văn Đặng Thơ Thơ,
    Bất toàn là không hoàn toàn, imperfect. Dĩ nhiên, nó cũng có tính cách tương đối. Dù tương đối nhưng theo lẽ thường, tôi nghĩ người ta cũng có thể quy chiếu đươc. Thí dụ, người mẹ sinh ra một đứa bé, xét từ trọng lượng, tai mắt mũi miệng, tứ chi đều nguyên vẹn bình thường, tiếng khóc, tình cảm cũng thấy bình thường thì mọi người có thể kết luận ngay đó là một em bé sơ sinh hoàn hảo.

    Nếu tôi không lầm, góp ý của tôi ở trên chưa bao giờ định nghĩa “bất toàn” là điều xấu. Tôi viết: “Đtla xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đở.” Tôi cho đtla là một thực trạng xã hội, thế thôi. Chữ Bất toàn không mang nghĩa xấu. Đó là một thực trạng ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh và từng cá nhân một. Mỗi người không bất toàn cái nầy thì cũng bất toàn cái khác. Miễn đó không phải là tội ác thì thôi.

    Xin được nói thêm về bất toàn trong trường hợp homosexual.

    Thật ra, tôi cũng có tham khảo qua nhiều tài liệu và các nghiên cứu về chuyện này, đtla . Dưới đây tôi xin dẫn chứng vài luận cứ của giới y khoa và xã hội học hiện dại. Cô ĐTT nếu muốn cũng có thể tự tìm hiểu qua nhiều tài liệu hiện đại và khả tín khác, dễ dàng.

    Trích:

    Physiology Reasons
    “Additionally, some studies have found that the brains from homosexuals differ from the brains of heterosexuals. The connections in the amygdala and the corpus callosum have both been shown to be different depending on the sexual orientation of the individual.”

    Psycho-Social Reasons
    “Psychological reasons also appear to be part of why a person is gay. According to Avert.org, what makes people gay may include:

    . A female dominated upbringing in a gay man’s past, with an absence of a male role model
    . Adherence or deviance from conformity to gender roles
    . Family environment
    Individual experiences
    . An individual’s sense of self”

    Tôi nhớ, người VN ở miền quê ngày xưa, nhà sinh nhiều con trai, cha và mẹ đều mong một đứa con gái nhưng lại sinh con trai, người ta bèn cho nó xỏ 1 lổ tai đeo bông giả gái. Anh này khi lớn lên có nhiều phần % là … ưỡn ẹo. Tôi nhắc chuyện này để thấy rằng sự nghiên cứu trên về “Family environment” không hẳn là vô lý.

    Tóm lại, có 2 luận điểm, một Physiology – Sinh Lý Học và một thuộc khoa Psycho-Social – Tâm Lý Xã Hội. Và, chưa ai có thể kết luận dứt khoát. Đây là những tài liệu khá công phu và nghiêm chỉnh để mọi người có thể tham khảo các mặt tâm lý xã hội, và quy chiếu (khi cần thiết).

    Thưa nhà văn ĐTT, chữ bất toàn không hàm nghĩa gì xấu thì cái ý kiến “gây xúc phạm” của nhà văn e không được đúng.

    Kính bút.
    br.

    Source: http://www.healthyplace.com/gender/gay/why-are-people-gay-gay-by-choice-or-is-being-gay-genetic/

  • đặng thơ thơ says:

    Black Raccoon viết:

    “Đtla xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đở. Người méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao ở Mỹ được chăm sóc giúp đở và được hưởng trợ cấp nhưng ở VN chẳng hạn thì đi bán … vé số và thiên hạ có thể nhìn và cười … dzui dzẻ”

    Mong Black Raccoon nói rõ thêm thế nào là “bất toàn”.

    Khi làm một so sánh khập khiễng giữa đtla với méo miệng, lé mắt, chân thấp chân cao… Black Raccoon có thấy nhận xét của ông gây xúc phạm đến cả hai nhóm người khuyết tật lẫn người đtla không?

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Black raccoon: “Có cộng đồng con người là thế nào cũng có vài con … nhạn đt. Nhưng tại sao ít nghe họ nói đến ? có lẽ vì họ quan niệm khác, chủ trương khác, niềm tin khác. Đtla xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đở. Người méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao ở Mỹ được chăm sóc giúp đở và được hưởng trợ cấp nhưng ở VN chẳng hạn thì đi bán … vé số và thiên hạ có thể nhìn và cười … dzui dzẻ”

    Anh black raccoon,

    Sau khi đọc xong đoạn bình luận trên của anh, tôi nghĩ tôi hiểu tại sao anh không thấy có vấn đề gì trước việc Giáo Hội lên án và kỳ thị những người đồng tính luyến ái 🙂

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Cường: “Giaó hội không chấp nhận họ tiến tới khế ước qua Bí Tích hôn nhân mà thôi. điều này giải thích tại sao Đức Giaó hoàng vẫn có thể gặp mặt bà Kim Davis lẫn cặp đôi đồng tính Grassi mà không phải là người bất nhất trong lời nói và hành động.”

    Trước hết, tôi không hề nói rằng vì Giáo Hoàng Francis đã gặp bà Kim Davis lẫn cặp đồng tính Grassi nên ông ta là người bất nhất giữa lời nói và hành động. Tôi nói rằng có một sự đồng nhất giữa lời nói và hành động của ông ấy vì một mặt ông tuyên bố “không kỳ thị đồng tính luyến ái” và “không lên án hạn chế sinh đẻ”, nhưng mặt khác vẫn 1/ tiếp tục truyền dạy rằng đồng tính luyến ái là tội lỗi, và 2/ liên tục hai lần không chấp thuận đề nghị về đại sứ (đồng tính) của Pháp, và 3/ bãi nhiệm một tu sĩ cao cấp làm việc trong Tòa Thánh không lâu sau khi ông ấy công khai tuyên bố ông là người đồng tính.

    Tôi cũng cho rằng Tòa Thánh bất nhất vì khi Francis gặp các Nữ Tu cho Người Nghèo thì đó là “biểu lộ sự ủng hộ của Ngài” còn khi ông ấy gặp bà Kim Davis thì “không nên xem đó là dấu hiệu ủng hộ của Ngài”.

    Kế đó về việc “Giaó hội không chấp nhận họ (những người đồng tính) tiến tới khế ước qua Bí Tích hôn nhân”. Tôi có vấn đề về việc nầy. Đó là vì Giáo Hội đang áp đặt tín ngưỡng tôn giáo của họ lên người khác. Nếu Giáo Hội chỉ truyền giảng tín điều nầy của họ trong phạm vi giáo đường của họ mà thôi, và áp dụng tín điều nầy cho những tín đồ có cùng quan điểm với họ mà thôi, thì tôi không quan tâm đến họ. Nhưng đàng nầy Giáo Hội đang cố áp đặt luật lệ tôn giáo của riêng họ lên xã hội, kể cả những người không đồng ý với họ. Khi đứng trước những người không cùng quan điểm với Giáo Hội về luật lệ nầy, thì Giáo Hội làm gì? Giáo Hội trừng trị những người đó bằng cách kỳ thị họ (cho là tội lỗi), không nhìn nhận (không muốn giao dịch với) họ, xua đuổi (bãi nhiệm) họ. Việc làm nầy không những vô đạo đức, nguy hiểm, mà còn là bất hợp pháp.

    Trong bài nầy tôi không nhấn mạnh về sự vô đạo đức, nguy hiểm và bất hợp pháp về hành vi của Giáo Hội. Tôi chỉ muốn trình bày một khía cạnh nhỏ hơn về sự tiền hậu bất nhất (mà có người cũng cho là đạo đức giả) của Giáo Hội.

  • Homosexual, or gay = đồng tính luyến ái
    Same-sex marriage = hôn nhân đồng tính

    Trước khi được toàn án công nhận là hôn nhân hợp pháp thì người đtla đã sống với nhau hằng trăm năm xưa rồi. Nhưng hôn nhân hợp pháp thì có ý nghĩa gì ? Ở Hoa Kỳ, ý nghĩa cốt yếu nhất là tài chánh, a financial issue.

    It’s more than a civil rights victory for LGBT couples across the country, it’s a financial win.

    Người kết hôn chính thức và hợp pháp thì về mặt xã hội họ được các quyền lợi hầu hết về tài chánh như sau: Social Security, Health benefits, Income tax, Inheritance rights, An Sinh Xã Hội, Bảo Hiểm Sức Khoẻ, Khai Thuế Thu Nhập và Lợi Tức, Quyền Thừa Kế v.v…

    Người đtla thì cũng là công dân có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi về mặt hành chánh. Về mặt tôn giáo (TCG) họ vẫn được xem bình đẳng trong tình thương yêu như mọi tín đồ khác chứ không phải phân biệt. Nhưng quan điểm của Công Giáo (TCG La Mã) xem same-sex marriage là một “sin” thì không có nghĩa là không công nhận đtla là tín đồ. Ông linh mục rửa tội “sin” cho giáo dân hàng tuần là chuyện thường, ông linh mục vẫn xem đó là con chiên của mình chứ ông linh mục không bao giờ kết tội con chiên là qủi “Satan” và đuổi ra khỏi đạo bao giờ.

    Hôn nhân đtla được xem hợp pháp thì có ý nghĩa gì ?
    http://money.cnn.com/2015/06/26/pf/supreme-court-same-sex-marriage-ruling/

  • Mission and view – point
    Sứ mạng phụng vụ và lập trường quan điểm

    Đức Giáo Hoàng có hai quyền hạn, một thuộc giáo quyền và một thuộc thế quyền. Bởi vì Vatican còn được xem là một quốc gia độc lập trên phương diện ngoại giao quốc tế. Dĩ nhiên, Đức Giáo Hoàng về mặt Giáo Quyền là người đại diện cho Thiên Chúa. Đức GH do đó có đầy đủ các phép bí tích để phụng vụ. Mission là sứ mạng phụng vụ, còn view – point chỉ là quan điểm lập trường. Các vấn đề như phá thai hay đồng tính luyến ái thuộc về quan điểm, chủ trương chứ không phải thuộc về sứ mạng bắt buộc. Quan điểm của Vatican về đtla là dựa vào chủ trương, doctrine, hôn nhân đã được an bài nhằm duy trì nòi giống, giữa một người nam và một người nữ. Chủ trương đó đến nay vẫn không thay đổi. Nhưng cách nhìn, view point, có thể đang thay đổi.

    “The relatio reaffirms at several points that marriage is between a man and a woman. Substance on that point is not changing. The Vatican has been repeatedly clear that this Synod will bring no changes to doctrine, or even a final document with new rites. To “welcome gays” does not mean the Church is no longer equating “gay” with “sin.”

    Instead, tone—as it has always been with the Francis papacy—is what is on the table. The style that Pope Francis lives is one that starts with a spirit of embrace, of mercy, and not with sin.
    (Trích văn bản được công bố, 10/2014, qua cuộc họp hội đồng tối cao thu nhỏ của Vatican)

    Cũng cần nói thêm, “sin” là tội lỗi thuộc về niềm tin tôn giáo chứ không phải tội ác hình sự criminal. Và quan điểm có thể thay đổi. Còn sứ mạng là điều bất di bất dịch của một tu sĩ. Nó cũng giống như người tín đồ tôn giáo khi ra trận thì cũng phải bắn nhau gây chết người, nhưng điều đó không thay dổi niềm tin vào từ bi nhân ái của họ. TT Mỹ là người theo TCG nhưng vẫn thăm viếng và bắt tay rất vui vẻ với nguyên thủ nước khác có khi là người duy vật vô thần như VN hay TQ. Đó thuộc về quan điểm, ngoại giao chứ không phải thuộc về niềm tin tôn giáo.

    Ngoài ra, người ta chỉ nói tới răng khi răng đau. Phải nhìn nhận TCG đặt vấn đề phá thai, hôn nhân một vợ một chồng và hôn nhân đtla rõ ràng minh bạch nhất. Do đó mới có vấn đề xã hội cần đặt ra thêm. Những tôn giáo khác có đtla hay không ? Dĩ nhiên là có. Có cộng đồng con người là thế nào cũng có vài con … nhạn đt. Nhưng tại sao ít nghe họ nói đến ? có lẽ vì họ quan niệm khác, chủ trương khác, niềm tin khác. Đtla xét cho cùng là thực trạng bất toàn của mọi xã hội. Cần được xã hội thông cảm và giúp đở. Người méo miệng, lé mắt, đi chân thấp chân cao ở Mỹ được chăm sóc giúp đở và được hưởng trợ cấp nhưng ở VN chẳng hạn thì đi bán … vé số và thiên hạ có thể nhìn và cười … dzui dzẻ.

    Văn kiện công bố chính thức về quan điểm đtla của Toà Thánh Vatican
    http://time.com/3502522/pope-francis-vatican-catholic-church-homosexuality/
    Sứ Mạng Tông Đồ của Đức Giáo Hoàng
    http://www.churchauthority.org/blueprint/pope.asp

  • cường says:

    theo ý kiến cá nhân của tôi, Giaó Hội Công giáo không phân biệt đối sử với người đồng tính. ở đây, ta cần phải phân biệt giữa khuynh hướng đồng tính với hành vi đồng tính. đối với những người có khuynh hướng đồng tính, Giaó Hội vẫn coi họ là con cái của mình. họ vẫn được hiệp thông với Giaó hội trong mọi cử hành Phụng vụ và Bí tích. đối với hành vi đồng tính, xét theo lãnh vực luân lý, đó là hành vi dâm dục thuộc về điều răn thứ sáu và hành vi này được nhìn như là tương đương với hành vi dâm dục của những người có khuynh hướng dị tính phạm tội với người khác giới. thế cho nên, hành vi dâm dục là gây nên tội cho người đó chứ con người tự bản chất của họ vốn như thế và không có tội.
    quan điểm của Giaó hội chống lại đồng tính thuộc về Bí tích Hôn nhân. Hôn nhân Công giáo chính là đơn hôn giữa một người nam và một người nữ. giáo hội vẫn chấp nhận: Nam+Nam hoặc Nữ+Nữ sống chung với nhau như những đôi bạn trong sáng và thánh thiện. Giaó hội không chấp nhận họ tiến tới khế ước qua Bí Tích hôn nhân mà thôi. điều này giải thích tại sao Đức Giaó hoàng vẫn có thể gặp mặt bà Kim Davis lẫn cặp đôi đồng tính Grassi mà không phải là người bất nhất trong lời nói và hành động. đó là hiểu biết của riêng cá nhân tôi.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)