- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Võ Phiến: tâm và cảnh

 

Người người bị bắt buộc đối diện nhau thường trực, bao vây nhau, ám ảnh nhau.  Người bị ngộp vì người.
Võ Phiến

LTG: Bài này được viết sau khi đi thăm nhà văn lần đầu tiên khi ông còn ở Los Angeles vào năm 1997, được in trong tập biên khảo “Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện” (Văn Mới, 2005). Xin đăng lại với một ít sửa chữa như một nén hương thắp lên tưởng niệm một trong những nhà văn lớn của Việt Nam (2/10/2015).

 

clip_image002

 

Thế giới trong tác phẩm của Võ Phiến là thế giới bề bộn chi tiết: việc có, sự việc có, vật có, sự vật có, rồi những ý nghĩ thoáng qua, những nhớ, những tiếc, những trạng thái tâm lý tủn mủn tỉ mỉ, chợt buồn chợt vui, chợt băn khoăn, chợt xao xuyến.  Đọc văn ông, chúng ta sốt ruột đợi một chuyện gì đó đáng đồng tiền bát gạo xảy ra: một cuộc tình, một tấn thảm kịch hay ít nhất cũng là một biến cố có ý nghĩa nào đó. Nhưng không. Ông nhẩn nha, nhẩn nha kể chuyện “trong nhà ngoài phố” y như thế giới này cứ thế, chẳng có gì quan trọng và ghê gớm lắm. Võ Phiến bắt ta nhìn vào vật này, rồi nghe thứ âm thanh gì  ở một xó xỉnh nọ. Ông bắt ta sờ cái này, thoắt cái, nhớ đến chuyện khác. Chuyện con kiến, tiếng thở, cái hắt hơi, tờ báo nằm trên đỉnh mùng, bàn tay đè trên sống mũi, mấy cái hũ mắm, vân vân…và vân vân.

Ông kể chuyện một anh chàng dẫn mẹ đi khám bịnh, gặp cô y tá. Ta những tưởng sẽ có một mối tình lớn chi đây. Ấy thế mà, chẳng có gì cả.  Chỉ thấy anh chàng nhìn, rồi nghe, rồi ngẫm nghĩ, rồi nhơ nhớ, rồi…Chẳng đâu ra đâu hết.  Không hề có một mối tình da diết nào. Ông nhắc đến cái chéo áo bà mẹ vướng nơi cửa xe, mấy sợi lông măng trên tay cô gái…Hầu hết các “chuyện” của ông đều như thế, là thế.  Trong Võ Phiến, dường như mọi chi tiết đều được tận dụng tối đa.  Các giác quan đều rộng mở để tiếp nhận mọi ngóc nghách của cuộc sống chung quanh. Thêm vào đó là những hồi tưởng, liên tưởng và suy gẫm.  Chúng ta đọc thử vài trích đoạn, nhặt ra một cách tình cờ từ các bài viết của ông:

"Chán rồi anh nghiêng đầu tò mò nhìn qua lỗ hở của sàn gác, trông thấy người chủ nhà của tầng dưới, một người đàn ông xấp xỉ năm mươi, mập mạp, tóc hớt “cua”, mặc cái quần đùi rộng thồng thềnh và dài tới đầu gối, nằm ôm đứa con nhỏ ngủ trên đi-văng, tay không rời chiếc quạt giấy thỉnh thoảng được phất một cái để đuổi muỗi. (Đèn ở nhà tầng dưới vẫn sáng vì ông chủ nhà có người con trai thường học khuya, chuẩn bị thi trung học năm nay). Có lúc, Mạnh nằm yên nghe tiếng xe chạy rêm rêm trên khắp các nẻo đường đô thành, nghe như thế rất lâu.
(…) Trở lại tiếng rao nhật báo. Nó gọn lỏn không ngân nga, nó lớn hơn những tiếng rao khác, nổi bật trên những tiếng rao khác. Người bán báo vừa chạy vừa rao, vừa đạp xe đi vừa rao, vừa ngồi trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ nổ vang tai vừa rao.  Nói cho đúng thì là họ la lên một cách bất thình lình. Trong tiếng rao nhật báo đã có sẵn cái ý khẩn cấp, hối hả, gợi lên một cái gì thảng thốt."

Không phải sự vật nằm đó  để ta quan sát, suy gẫm, mà chúng cũng tự bày tỏ về chúng:

“Chàng bắt đầu lật. Trang 164. Có ngừng ở đây được. Vâng, được lắm. Trang này thật là hấp dẫn. Ở góc bên trái phía dưói trang sách, một chữ O nhoẻn cười, vui ra phết. Nó chú ý đến chàng hay chàng chú ý đến nó trước tiên? Dù sao cũng thích: hôm nào cũng gặp lại nó. Cái chữ O này láu lỉnh lắm nhá.
Giữa trang, một chữ N ngúc nga ngúc ngắt. Nó làm như vẫy gọi chàng thật gấp. Phải đến ngay với nó chớ. Nó lại làm như dãy đành đạch. Im nào! Nó vẫn còn như là run. Chàng biết: vờ thế chứ run gì."
“Cà phê rụng xuống không vội vã, ồ không! Một giọt cà phê biết tự trọng không bao giờ vội vã. Dù cho giữa khung cảnh sinh hoạt hấp tấp tơi bời của đô thị văn minh ngày nay, giọt cà phê chân chính vẫn bình tĩnh thong thả tụ hình, đắn đo, đủng đỉnh lắc lư, suy tư, chán chê rồi bấy giờ mới chịu buông mình xuống tách."

Thực ra, cái thế giới tủn mủn tẳn mẳn ấy, thế giới của những cái “không đâu vào đâu” ấy, của những lời nói, cử chỉ vu vơ ấy tương quan mật thiết với một thế giới khác: tâm giới. Một chi tiết đời sống tự nó chỉ là chi tiết. Nhưng khi chi tiết này nối kết với các chi tiết khác để tạo thành “cảnh” thì đồng thời chúng cũng tạo ra “tâm cảnh”. Tâm cảnh, hiểu như thế, là cách con người tiếp nhận hiện thực. Cảnh – tức là tổng hợp các chi tiết – mà Võ Phiến chọn đưa vào trong văn ông không thuần là cảnh, mà hầu hết là tâm cảnh. Trong đoạn văn sau đây, Võ Phiến tả một anh chàng háu ăn, đang tìm cách tóm hết những món ngon trên mâm cơm vào bụng mình. Với lối diễn tả cụ thể, chi li từng cử chỉ, thái độ, ông muốn nêu bật lên mối tương quan cũng như sự mâu thuẫn khá điển hình giữa hành vi, cử chỉ bên ngoài và các trạng thái tâm lý bên trong.  Mâu thuẫn đó khiến cho có lúc, nhiều hành vi, cử chỉ dường như không ăn khớp nhau ở nơi cùng một người.

“Tôi đã thấy những cái liếc trộm lanh lẹ của hắn có ý nghĩa canh giữ phòng thủ trên mâm cơm, những thủ đoạn giả vờ vô tâm, đãng trí của hắn, sự chọn lựa cân nhắc tỉ mỉ của hắn v.v…Nhưng đáng ghét nhất vẫn là đôi đũa và cái miệng của hắn.  Cắp mắt thì biểu lộ  cái gì hắn muốn biểu lộ, còn bàn tay và cái miệng thường vô tình phản ảnh cả cái phần vô ý thức mà hắn quên kiểm soát giấu giếm.  Người ta thấy đôi đũa của hắn dụm lại trong lòng chén như hai chân trước của một con ngựa chấp chới sắp sửa nhảy qua rào, và mép trên của hắn run nhấp nháy lúc nào cũng đang sửa soạn. Cái bình tĩnh bề ngoài của hắn mâu thuẫn với những nét run run khe khẽ nóng nảy ở bàn tay, những giậm giật nhấp nháy của đôi đũa và mép, những ham muốn ti tiện dồn ép bên trong”.

Nguyên nhân của những mâu thuẫn xuất phát từ sự tác động thường xuyên của  phần vô thức vào  các hành động của con người trong cuộc sống thường nhật.  Đó cũng là  mâu thuẫn giữa ý thức và vô thức trong tâm thức mỗi người.  Hay nói cách khác, có nhiều trạng thái tâm lý cũng như hành động thoát ra ngoài sự kiểm soát của ý thức. Rải rác trong nhiều bài phỏng vấn, Võ Phiến cho biết, bằng văn chương và qua văn chương,  ông muốn khám phá chiều sâu tâm thức qua những hành vi, cử chỉ tưởng như rất vô nghĩa của con người.

“Người viết truyện ngày nay cũng nhìn vào tâm lý nhân vật bằng thứ kính hiển vi riêng, họ đòi trông thấu suốt cái thế giới đen tối, rộng lớn và vô cùng phong phú của tiềm thức.  Mỗi một cử chỉ, một lời nói phát lộ ra bên ngoài là kết quả của bao nhiêu hoạt động phiền toái bên trong.  Một mùi vị miếng bánh ngậm vào mồm đánh thức một dĩ vãng mênh mông xa xôi.”
Quan niệm này được ông nói rõ hơn trong một cuộc phỏng vấn:

“…bên dưới cuộc sống ý thức của mỗi người vẫn duy trì liên lỉ cuộc sống tiềm thức đầy mộng mị”(…) “Tôi tò mò, bị thu hút về những hoạt động của tiềm thức, và về cái thi vị, cái bí ẩn bao trùm chung quanh cuộc sống con người, cuộc đời mỗi người.”


Mặc dầu không nói hẳn ra, nhưng rõ ràng là Võ Phiến chịu ảnh hưởng của  phân tâm học.  Hầu hết các tác phẩm của ông, không ít thì nhiều, đều nhuốm màu sắc  tâm lý vô thức.  Ông chi li với vật, với việc, với cảnh, chỉ vì chúng là những biểu lộ  rất đa dạng  bên ngoài của những trạng thái tâm lý vô thức phức tạp bên trong. Tự hỏi: Võ Phiến đã chịu ảnh hưởng phân tâm học  đến mức nào? Theo tôi, mức ảnh hưởng tương đối nhẹ nhàng. Ông đã không dùng văn chương như  phương tiện để chứng minh  một quan niệm có hệ thống nào của phân tâm học, đặc biệt là của Freud.  Như chúng ta biết, phân tâm học trường phái Freud có xu hướng giải thích mọi hoạt động vô thức lệ thuộc vào các dồn ép tính dục.  Trong các tác phẩm của Võ Phiến, vai trò của tính dục lại khá mờ nhạt.  Ngay cả trong truyện về một anh chàng bị bệnh bất lực là Bốn Thôi, Võ Phiến cũng mô tả anh như một người bình thường, hết sức bình thường.  Những nhân vật của Võ Phiến, dù bị ám ảnh bởi các kỷ niệm quá khứ nào đó, một giấc mơ nào đó, hoặc bởi một quan điểm đạo đức nào đó, cũng đều có cuộc sống bình thường như thế. Theo tôi, qua tâm lý học vô thức, ông muốn khám phá cái bí ẩn thi vị đàng sau những hoạt động thường nhật của con người bình thường hơn là đi tìm các ám ảnh đầy chất bệnh lý của những người bất thường.

Nhận định này giúp ta hiểu rõ hơn phương pháp sáng tác của ông cũng như hiểu rõ hơn cái thế giới sự vật và sự việc bề bộn trong văn ông. Những hiện thực ngoại giới tồn tại trong một tương quan bất khả cách ly với các trạng thái tâm lý con người. Với nhiều nhà văn khác, việc tả cảnh thường chỉ có mục đích làm nền, tạo không khí, tạo chỗ đứng cho một số sự kiện chính làm nòng cốt của câu chuyện. Ngay cả việc mô tả các trạng thái tâm lý nhân vật cũng để phục vụ cho những sự kiện chính, những “cao trào”, những “cao điểm” và “gút thắt” của câu chuyện. Võ Phiến, ngược lại, tập trung cái nhìn sắc bén của ông trong tương quan “tâm – vật” từng lúc. Mỗi cái nhìn, tiếng thở, mỗi cái huơ tay, nhịp bước chân chẳng hạn đều không hề “vô nghĩa”. Nó phải phản ảnh một cái gì đó bên trong con người. Và vì thế, đối tượng vật chất của chúng (vật, con vật, việc, sự việc) từng cái một – vốn không hề tương quan gì với nhau – lại nối kết  trong một cụm thống nhất để biểu lộ các  trạng thái tâm lý nào đó.

"Rồi ông nằm ngẩn ngơ trong ngôi nhà sáng choang.  Rồi ông ngồi dậy đốt một điếu thuốc, khói xanh tỏa chầm chậm qua những tia ánh sáng. Rồi ông mở cửa bước ra hiên. Ông trở vào pha cà phê uống. Ông mở cửa ra vườn sau, nghếch mặt nhìn nghiêng nhìn ngửa, đến bên cây này cây nọ, lại nghếch mặt nhìn đàn sáo đậu trên dây điện, nhìn con quạ trên cây thông sau lưng căn nhà trên ngọn đồi bên kia đường, có khi nhìn lên trời xanh trống không. Rồi ông bước đến đứng một lúc dưới bóng cây long não. Rồi ông cảm thấy mình lơ ngơ, không có việc gì giữa ngôi vườn vắng vẻ, ông lại vào nhà, ông đốt một điếu thuộc nữa v.v…Ông nằm xuống, cầm lấy cuốn sách.  Một lát, ông lại nhổm dậy, úp sách xuống mặt thảm…"


Nhân vật gì mà kỳ lạ! Đi vào, đi ra, nghếch mặt nhìn chỗ này, chỗ nọ. Ta có cảm giác như nhân vật này đang bị bệnh tâm thần. Không phải. Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua nhiều lần, rất nhiều lần tình huống trông rất dớ dẩn đó: không biết phải làm gì, muốn gì, thậm chí không biết mình là ai. Có những lúc, hoặc do những xung động tâm lý hoặc do ngoại giới kích thích, con người bỗng nhiên bị lạc hay bị chìm vào một miền vô thức mênh mông.  Từ đó,  những hoài vọng triền miên, những ước ao không thỏa, những vướng mắc siêu hình, hay một cõi quá khứ trùng trùng xa khuất bỗng bừng bừng sống dậy.  Nhân vật trong đoạn văn trên là một người đàn ông bình thường, đang bâng khuâng trước khung cảnh đất trời vào khoảng thời gian đẹp nhất, hạnh phúc  trong một ngày  mùa xuân là mười giờ sáng. Khung cảnh đó đẩy ông vào một vùng ký ức xôn xao kỷ niệm thời thơ ấu, của một cuộc tình, rồi một cuộc chia xa. Chính vì thế, ông có những cử chỉ vu vơ, vô cớ. Những cử chỉ mà các nhà phân tâm học gọi là những “hành vi lỡ” (actes manqués), nghĩa là những hành vi nhỏ nhặt hàng ngày không kiểm soát được.

“Mười giờ, ông bỗng dưng như thể một kẻ lễnh lãng: ở trong nhà thì nghe như có tiếng réo gọi đâu đó xa xa, tung cửa ra ngoài không thấy ai, không thấy gì cả. Trông bên nọ ngóng bên kia dáo dác một lúc, cảm thấy tưng hửng bèn quay vào.  Quay vào, thì nghe réo gọi bên ngoài. Văng vẳng, mơ hồ, mà khẩn trương, hối hả. Thoạt tiên mình còn ngờ vực lấy mình, về sau càng lúc càng nhốn nháo cả ruột gan. Tiếng gọi thiết tha quá, cấp bách quá, không sao không đáp ứng được. Lại tung cửa chạy ra. Và nhìn xuôi trông ngược vẫn chẳng có gì. Chỉ có ngọn gió vừa lướt qua. Chỉ có cây gồi già đội một mảng mây trắng to tướng đứng trân trên ngọn đồi…”

Vậy thì cách mà con người truy nhận hiện thực lệ thuộc vào những trạng thái tâm lý (ý thức và vô thức) của con người.  Và ngược lại, chính hiện thực đó tác động vào tâm thức con người và thay đổi các trạng thái tâm lý.

“Vài ba món đồ lót, một chiếc khăn lau mặt phơi trên sợi dây giăng ngang chỗ chàng nằm. Chậu xương rồng bụi bặm khô khấc. Và con chó nằm bên.
“Dưới đường, những chiếc xe hơi, xe ba gác, xích lô đạp và xích lô máy xếp dọc bên lề. Những thùng rác, trụ điện.  Hai con chó trửng giỡn đuổi nhau, vờn nhau. Con chó nằm bên chàng nhìn xuống thèm thuồng. Thỉnh thoảng nó không cầm lòng được, cuống quýt, cào chân trên ván gác và hực lên một tiếng. Ngoại trừ sự rạo rực của con chó, tất cả không gian rỗng tuếch, không một tình cảm. Trăng vằng vặc mà vô tình. Các vũng bóng tối lạnh lẽo, mà khắp vùng ánh sánh cũng lạnh lùng, sáng không nhiệt liệt. Cuộc sống ngưng lại, nghỉ ngơi. Đường dầu trông như nguội đi không phải vì nhiệt độ ban đêm hạ  thấp mà vì vắng ngớt bước chân rộn ràng, bánh xe xuôi ngược. Cảnh vật trút hết mọi bận rộn. Hư tâm.”

Cái thế giới sự vật, đồ vật ấy không phải là hiện thực ngoại giới thuần túy, vô tâm mà dính kết không rời vào tâm giới của con người.  Chúng can dự vào cuộc đời, can dự mạnh mẽ, đêm ngày, trưa sớm.  Chúng  là biểu lộ bên ngoài của  những bất an, trăn trở, thao thức trong tâm thức.  Chúng  có mặt y như thể chúng thoát thai từ cái ám ảnh bất an đó.

“Giữa chừng giấc ngủ, chợt tỉnh dậy. Có tiếng xe gầm gừ trước nhà. Chiếc xe đang cố gắng nhích tới nhích lui, trở đầu một cách khó khăn. Đêm đêm vẫn có mấy người tới đánh bạc ở nhà bên cạnh, bây giờ họ ra về. Ánh đèn xe của họ chiếu sáng tận trong phòng anh Tư. Trước ánh đèn xe, mưa lại rơi lai rai từ lúc nào. Bây giờ có lẽ đã quá giờ giới nghiêm một chút, chiếc xe mấy người đánh bạc đi xa rồi, cả xóm vắng lặng.  Anh Tư chẳng còn được bao nhiêu thì giờ nữa, anh vội vũ ngủ lại.
“Lần khác, anh thức giấc, bốn trái hỏa châu cùng sáng rực một lúc, treo lơ lửng giữa trời về phía Tân cảng. Ánh sáng rọi tận trong mùng. Anh bỡ ngỡ nhìn rõ những đường may ráp hai lá mùng, nhìn thấy tờ báo trải nằm trên trần mùng. Bốn trái hỏa châu trừng trừng sáng rực một lát rồi tắt. Bên ngoài còn lại thứ anh trăng xanh mát.  Mưa lại đã ngưng tạnh. Anh không còn thì giờ nữa.
“Lần khác nữa, thức giấc, nghe có tiếng xích lô máy nổ lẻ loi ở xa. Hết giới nghiêm. Gần lắm rồi, không còn thì giờ.  Anh cần nghỉ thêm một chút.”

Đoạn văn trên trích từ “Một ngày để tùy nghi”. Truyện ngắn này, theo tôi, là  một trong những truyện ngắn đặc sắc của Võ Phiến. Tôi độ chừng rằng truyện này ông triển khai từ  ý tưởng  về sự trói buộc của thời gian đối với cuộc sống  con người trong một xã hội kỹ nghệ. Ý niệm triết lý thú vị này được ông mặc vào chiếc áo của đời sống, biến thành một chuỗi hình ảnh văn chương sinh động. Càng đọc, càng nghiền ngẫm, tôi lại càng cám cảnh cho thân phận của mình hôm nay trong xã hội Hoa Kỳ. Cuộc sống của anh chàng Tư, một công nhân trong một xã hội đang trên đà công nghiệp hóa thời VNCH, nào có khác gì cuộc sống vồ vập hôm nay trên đất Hoa Kỳ của một người mới đến định cư.  “Ngày nào cũng là ngày của công việc, việc nọ tiếp tục việc kia, giờ khắc đun đẩy nhau liền liền suốt tới chiều.”  Cũng như nhân vật Tư, tôi “cúi đầu chịu trận sáng hôm nay, sáng hôm qua, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác,” chẳng có ngày nào là ngày của tôi, thuộc về tôi.  Cũng như Tư, “nhìn về phía tương lai xa tít tắp,” tôi không thấy đến bao giờ tôi có thể gặp những ngày mà tôi có thể làm chủ, thời gian của tôi.  Thời gian vô tình, tàn nhẫn. Tìm cho ra một “khe hở” của nó “để tuỳ nghi”, đúng như Võ Phiến nói, trở thành một điều huyền hoặc, giả tưởng trong cuộc sống của một người đã lỡ hội nhập và bị cuốn trôi vào xã hội năng động này.

Nhân vật của Võ Phiến không hành động một cách tiểu thuyết, nghĩa là không mang nhiều kịch tính. Kịch tính là gì ?  Kịch tính là sự bố trí những tình huống và sự kiện làm sao để có thể dẫn đến các biến cố bất ngờ, có khả năng gây xúc cảm.  Điều đó bó buộc phải giản lược, thu gọn  những tình tiết làm sao để biến cố chính nổi bật một cách đặc biệt.  Võ  Phiến không khoái tạo nên những biến cố trong truyện. Thay vì tập trung mô tả biến cố để gây sửng sốt, ngạc nhiên, xúc động, Võ Phiến rỉ rả mô tả  chi tiết đời sống càng lâu lắt càng tốt, càng nhiều càng tốt. Vì thế mà, nhân vật của ông trông chẳng khác gì  một bộ máy quan sát và trầm tư. Rất nhiều khi, nhân vật của ông đi đứng nói năng  như bị ma ám.  Anh ta nghe ngóng, ngắm nghía, tra vấn, thắc thỏm, nghi ngờ, băn khoăn.  Mọi thứ dường như đều có thể bị nhân vật “chộp bắt” vào mạch văn: “cái lưng đầy mỡ suông đuột từ trên xuống dưới, không eo”, “cái gối mềm kê dưới đầu lạnh”, tiếng rao nhật báo, vũng nước tiểu, “lỗ chân lông to ”, “nhổ lông mũi”, “ngón tay trỏ của bàn tay trái”, “tro giấy đậu trên mặt bàn, trên tóc”, “cà phê rụng xuống không vội vã”, “cát văng vào cuốn sách kê dưới đầu gối kêu rắc rắc’. Rồi những là “tận hồi mùa đông năm Dậu”, “nán lại cho đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày để chờ cái Tết năm Hợi”, “Bà Tám, nhà số tám mươi chín”, “cô Thu nhà số bảy mươi tư”, cảnh ông Quách chăm chú theo dõi nhà láng giềng tìm cách cứu mấy cây đu đủ khỏi bị chết vì nước lụt”…

Ấy, văn Võ Phiến nhiều chi tiết thừa, nếu không muốn nói là quá thừa.  Thực ra, chúng thừa một cách rất võ phiến, nghĩa là thừa một cách “văn chương”.  Chúng thừa để tạo nên cái nét đặc sắc riêng của văn phong Võ Phiến.  Sở dĩ chúng thừa là vì người ta trông chờ một cái gì khác của câu chuyện, được bố trí một cách tiểu thuyết, nghĩa là đầy kịch tính.  Chúng không hề thừa trong cuộc sống, nếu không muốn nói là còn quá thiếu so với muôn vàn đường nét tế vi của cuộc sống sinh động chung quanh ta.  Khi trả lời câu hỏi: “người ta thường nhắc đến Võ Phiến như một nhà văn ưa chẻ sợi tóc làm tư,” Võ Phiến quả quyết “tôi buồn vì không chẻ được làm tám.”  Ông cho biết trong Chiến Tranh và Hòa Bình, Tolstoy theo dõi tới từng cử chỉ thật nhỏ nhặt của Napoleon trong một lễ gắn huy chương, tới từng cái chết khó khăn của mỗi nhân vật, có cái chết kéo dài hàng chục trang.”  Nhân đó, ông than phiền trong văn chương Việt Nam người ta “chết nhanh chóng, ăn uống nhanh chóng mà những cuộc ái ân giao hoan của chúng ta cũng quá ngắn ngủi.

Cuộc sống, trong văn chương Võ Phiến, là mối tương quan bất tuyệt giữa muôn vàn chi tiết chung quanh với tâm giới của mỗi người, mọi người trong từng lúc, mọi lúc. Chúng tạo nên và cũng là niềm vui, nỗi buồn, băn khoăn, ray rứt, nỗi bình an, niềm khắc khoải… của con người.

“Mỗi lần một gia đình nào trong khu phố toan thay đổi nếp sống, cả phố đều giật mình theo dõi hiện tượng đó với một thái độ dè dặt e ngại, như là một triệu chứng bất thường, khó hiểu. Rồi chúng tôi bàn tán thì thầm để tìm ra lý do sự biến đổi ấy, như tất cả đều có nhiệm vụ giải thích cho nhau. Từng người một như cũng được canh giữ ràng buộc để khỏi bước chệch ra ngoài cách sống bình thường đã được công nhậân làm cách sống chính thức của mình. Đôi khi tôi có cảm tưởng như một chi tiết nhỏ nào khác thường cũng không thể lọt qua con mắt canh giữ của khu phố”.
“Từng chi tiết một, chúng đối với tôi thành thân thiết quá, thân thuộc quá, thực không còn có gì quen thuộc hơn được nữa, quen như màu ánh sáng mỗi sớm chiếu trên nữa bức tường trước nhà và mỗi chiều dọi lên nửa tấm cửa lá sách sau nhà của tôi.  Và chính sự quen thuộc ấy làm cho tôi bỗng sinh ra một cảm giác sợ hãi
."
"Tôi tự trấn tĩnh: “Ơ kìa! Có gì mà sợ hãi?Tất cả đó là sự sống nó đang vươn mình đó mà. Có gì đáng sợ hãi đâu?”  Tuy thế mà trong lòng tôi vẫn cứ còn một cảm tưởng hoang mang thất lạc.”


Ta có cảm giác như mỗi một cá nhân chúng ta bị bắt buộc phải sống, hay nói theo kiểu của Sartre, bị kết án phải sống (être condamné à vivre) và vì thế luôn luôn khắc khoải, thứ khắc khoải hiện sinh (angoisse existentielle). Trả lời cho câu hỏi: “Cuộc đời không biết đi ‘về đâu’? với những ‘đàn ông’ đàn bà trong một tương quan khắc khoải, lửng lơ, không đi tới đâu? Với cảm tưởng lo hãi trước tuổi già, ‘một mình’, bơ vơ”, Võ Phiến khẳng định: “Phải. Tôi nghĩ đó mới là những ám ảnh tự thủy chí chung trong tâm hồn mình. Thắc mắc chính trị chỉ là cái bất thường do một biến cố đưa đến”.

Một trong những ám ảnh sâu sắc, bàng bạc trong văn chương Võ Phiến là ám ảnh về thời gian:

“Tiếng ngân nga của một cái chuông đồng hồ treo tường trong gian nhà vắng làm cho tôi chợt ngỡ ngàng trước sự đều đặn phi thường kinh lạ của đời sống chúng tôi”.
“Anh đã giật mình rời bỏ Quy Nhơn như rời bỏ những ngày hôm nay giống nhau để chạy đi tìm một ngày mai. Nhưng chẳng may người ta không thể đi tới cái ngày mai của mình được. Ngó tuy gần nhưng vốn thực xa xôi. Sờ tay với, tưởng có thể đụng nhằm, mà quờ quạng mãi không  sao bắt được.”

Từ Quy Nhơn, nơi ông ở, với người với vật, với kỷ niệm, cọng với một thôi thúc ra đi, Võ Phiến đã đi đến một nhận định cực kỳ sâu sắc, cực kỳ hình tượng về cõi tương lai, về một cuộc đuổi bắt thời gian vô vọng, và xa hơn về mối mâu thuẫn triền miên giữa khả năng và ước vọng của con người.  Khát vọng thì vô cùng mà khả năng thì quá bé, quá khiêm tốn.

Thật thấm thía cái cô đơn khắc khoải của đời sống trong văn chương Võ Phiến. Những trang văn của ông đầy dẫy những chi tiết sinh động của cuộc sống và những suy gẫm triền miên về chúng. Đọc ông, ta vừa như nghe một bà già lắm chuyện kể chuyện, hết chuyện này tới chuyện nọ, vừa sống trong tâm thức của một nhà nghệ sĩ trước những buồn vui cuộc đời, lại vừa thưởng thức những suy nghĩ tỉnh táo, tinh tế mà hồn nhiên của một triết gia.  Trong Võ Phiến, dường như ta rất ít thấy bi kịch. Hoặc giả, chúng có, nhưng được đề cập đến như những chuyện bình thường. Chúng bình thường, thậm chí rất tầm thường.  Chúng nằm chen chúc với mọi thứ khác trong cuộc sống thường nhật.  Nói cách khác, bi kịch không phải chỉ là những biến cố độc đáo, đơn lẻ gây nên bởi chết chóc, chia lìa, phản bội, tan tác, mà là nỗi khắc khoải vô biên của con người trong cuộc nhân sinh.  Con người khắc khoải của Võ Phiến  không phải chỉ vì những biến cố, mà vì mọi hiện hữu chung quanh mình.  Con người bất an ngay cả với những gì bình an nhất.

“Anh cứ bình an mãi, hôm nay cũng bình an y như những ngày hôm qua.”

Một bình an khắc khoải!  Tại sao?

“Có gì đâu.  Chỉ nhìn thôi, kẻ khác đã khiến ta bất an.  Xã hội mỗi ngày mỗi đông đảo, sự gặp gỡ, tiếp xúc, đụng chạm với đồng loại mỗi ngày mỗi nhiều, mỗi chặt chẽ.  Ai nấy luôn luôn bất an.”

Đoạn văn  trên nằm trong  tuỳ bút ngắn “Lúc dừng nghỉ”. Tôi xem đó là tùy bút mà cũng là tâm bút của Võ Phiến.  Nó cô đọng được hầu như hết thảy những suy gẫm triền miên về cuộc đời, được tìm thấy rải rác, tản mạn trong nhiều tùy bút , truyện ngắn, và kể cả trong tạp luận của ông.  Mạch văn dào dạt, xôn xao, lôi cuốn.  Ông hướng về cuộc nhân sinh để nói, để hình dung, luận bàn.

“Cuộc nhân sinh! Một cuộc quay cuồng từ đầu năm tới cuối năm, từ năm này qua năm khác. Mỗi người bị bao vây, bị tràn ngập. Không quay về phía nào, không ngoảnh đi đâu mà không gặp đồng loại, không gặp những vấn đề do cuộc sống chung với đồng loại đặt ra. Người là một ám ảnh thường trực của nhau”.

Phải chăng vì thế mà theo Võ Phiến:

“Trong nhiều trường hợp người ta chỉ muốn nhìn một chút từ phía lưng.  Phía sau của con người, của cuộc sống, của cuộc nhân sinh bề bộn. Con người, lắm khi ta đâm sợ hãi, e ngại.”
Nhưng dễ gì người ta có thể trốn tránh thực tại.  Rốt cuộc, Võ Phiến nhận ra một điều thê thảm:
“Người người bị bắt buộc đối diện nhau thường trực, bao vây nhau, ám ảnh nhau.  Người bị ngộp vì người”.

Vậy chẳng lẽ cuộc sống cứ thế sao?!

“Trong tình cảnh ấy, chàng lại tìm thấy cảm tưởng yên ổn trong cái hững hờ lạnh nhạt của thiên nhiên vô tình: của vầng trăng đối diện với mặt đất, của trời rộng đối diện với sông dài…không một chút gay cấn sôi nỗi, không cả một chút gì tương quan với nhau. Cùng nhau tồn tại, thản nhiên, trang nghiêm, vô sự.”

Đoạn văn phảng phất chút phong vị thiền, điều xuất hiện không nhiều trong văn chương Võ Phiến. Phải chăng đó là tâm thức về hạnh phúc của con người mà ông ghi nhận được giữa cuộc đời đa đoan, phiền trược.

Hạnh phúc hiếm hoi quá, phải không, thưa ông Võ Phiến!

Trần Hữu Thục

bài đã đăng của Trần Hữu Thục