- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Võ Phiến và “Sự Chờ Đợi”

(đọc trong Lễ Tưởng Niệm nhà văn Võ Phiến ngày thứ Bảy, 3 tháng 10)

 

 

Tôi được gặp nhà văn Võ Phiến vào năm lên 9 tuổi.

Lúc đó nhà bà ngoại tôi có một căn gác đầy sách, có đủ loại báo chồng chất, có toàn tập Văn, Bách Khoa, Sáng Tạo… Vào những buổi trưa vắng, tôi lên đó một mình, lục lọi, tìm đọc những thứ mà người lớn không cho trẻ con đọc. Căn gác gỗ mùa hè ở Sài Gòn rất nóng, không ai muốn lên gác vào giờ ấy, và vì vậy không ai phát giác ra việc tôi đã ở đó hàng giờ để đọc những thứ sách báo của người lớn. Và không ai biết rằng tôi đã gặp nhà văn Võ Phiến ở đó. Cùng với ông, tôi còn gặp nhiều người khác do ông dẫn đến. Một buổi trưa này, tôi gặp Anh Tư trong “Một Ngày Để Tùy Nghi”. Một buổi trưa khác, tôi gặp anh Bốn Thôi, ông Ba Thê, chị Bốn Chìa Vôi. Rồi lần lượt những Chàng/Nàng thay phiên nhau xuất hiện qua nhiều chương sách… Họ đến, họ nói, họ đi lại, họ suy nghĩ, rồi họ sống chung chật trong căn gác, ngay trước mắt tôi. Tất cả họ mở ra cho tôi một không gian khác, mới mẻ, và cũng khó hiểu, và cái khó hiểu này thật quyến rũ. Nó khác với thế giới tôi vừa đi qua của những bộ Thiếu Nhi, của Tự Lực Văn Đoàn. Cái thế giới này nói với tôi bằng một cách khác, khác về cách biểu đạt ý tưởng, khác về cách chọn điều để nói, và điều không nói. Nó lại đưa ra một kiểu sắp đặt khác về trật tự không gian và thời gian, và cách con người được soi chiếu trong không gian ấy. Nó rất mới, với tôi lúc ấy.

Và hôm qua, khi tôi thức khuya để đọc lại cuốn Võ Phiến Tuyển Tập, nó lại mới thêm một lần nữa trong tôi. Đây là một dạng văn chương sẵn sàng chấp mọi trào lưu, trường phái, mọi khuynh hướng, chủ nghĩa, đã và đang ào ạt đến rồi đi. Văn Võ Phiến không thể cũ, văn chương ấy luôn luôn hiện đại.

Nhiều tác giả có một đời sống sáng tác vô cùng sung mãn, nhưng người ta chỉ nhắc đến những tác phẩm đầu tiên của họ. Những gì viết sau đó chỉ là bóng của một sự nghiệp đã thiết lập quá sớm. Có những trường hợp như nhà văn J.D. Salinger qua đời năm 2010, lúc 91 tuổi, cuốn sách người ta nhắc đến như tiêu biểu cho sự nghiệp của ông là cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh xuất bản năm 1951. Tức là 59 năm trước đó. John Updike cũng than phiền rằng cho dù ông có cố gắng hết mức, để tự thay đổi cho những tác phẩm về sau, thì những cuốn đầu tiên vẫn cứ bị dùng làm nhãn hiệu gán cho ông, và những cuốn sau vẫn bị đem ra so sánh một cách vô cùng bất lợi, với những cuốn đầu tiên đó.

Nhưng đó không phải là trường hợp của nhà văn Võ Phiến.

Ở nhà văn Võ Phiến và tác phẩm của ông, đây là một hành trình hơn sáu mươi năm của một sự nghiệp bền bỉ, năng động, không ngừng, đa dạng, sáng tạo, từ Văn Học Miền Nam đến Văn Học Hải Ngoại, một vị thế phải nói là duy nhất.

Năm 2009, khi xuất bản cuốn Võ Phiến Cuối Cùng, Nhà văn Võ Phiến, trong một nhìn lại quá trình viết, đã tự vấn qua tùy bút “Thẫn Thờ”:
“Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?
Hai tiếng được gì hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được”. Thế nào là chưa “được”. Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.” (105)

Nhiều lúc nhà văn Võ Phiến gọi những tác phẩm của ông là đồ chơi, ông ví von sự vô dụng của những điều ông viết như sự vô dụng của cái gọi là tâm hồn:
“Không ai dùng tâm hồn làm cái gì cả. Hồn bất khả dụng, hồn vô sở dụng; nhưng là cái sở cứ. Có thể căn cứ vào nó để hiểu người xưa. Nghệ phẩm là những tài liệu, những chứng tích, chứng liệu. Nghệ phẩm không hữu dụng, nó hữu ích.
A, nghệ thuật!” (113)

“Không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thỏa thích mê tơi thôi.” (111)

Điều này cũng là phát biểu chung của mọi ngành nghệ thuật. Những giây phút con người một mình chơi với chính họ, lúc một mình một căn gác riêng, lúc con người lặng lẽ nhìn vào, phát hiện, và phơi mở ra ánh sáng những điều ẩn náu bên trong họ,.. là những khoảnh khắc của nghệ thuật. Vì vậy, trong tùy bút “Hạ Hồi” của cùng tuyển tập, Võ Phiến đã nói đến cái nghệ thuật mà ông sử dụng trong những lúc chơi với chính mình. Đó là “Viết cho sâu vào, sâu tuốt vào tiềm thức”. (127)

Trong tiềm thức của nhà văn, ý tưởng về thời gian, cái chết, cuộc đời, và những gì còn lại của một cuộc đời, luôn là quan tâm và ám ảnh. Và những ám ảnh này luôn tìm cách tự thể hiện trên những trang viết của ông trong Võ Phiến Cuối Cùng. Chẳng hạn nói về nhân vật Cô Sáu trong “Hình Bóng Cũ”:
“Một cốt cách ở đời nó loáng thoáng khó bắt. Cái còn lại của một cốt cách: ít oi quá, mong manh quá.” (32)

Ông than thở như vậy cho người khác. Nhưng chẳng ai có thể than thở điều đó cho ông.

Cái cốt cách của một nhà văn, của nhà văn Võ Phiến, nó dày đặc, nó chồng chất, nó là cả ngàn trang sách, đủ mọi thể loại: truyện dài, truyện ngắn, truyện cực ngắn, ký, thơ, tùy bút, tạp luận, phiếm luận, nhận định, phê bình, biên khảo, dịch thuật. Cả một hệ suy tưởng nằm trong một nhân cách nhất quán và chính danh.

Không còn điều nào để lại cho đời quý giá hơn, giàu có hơn thế nữa.

Những ám ảnh về điều còn lại của một đời người đã xuất hiện trong tùy bút của Võ Phiến từ trước 1975, những tùy bút rất gần với truyện ngắn như “Một Chỗ Thật Tịch Mịch”, “Giọt Cà Phê”, “Cái Còn Lại”… Và ám ảnh này thể hiện rõ nét hơn trong thơ Võ Phiến từ thập niên 1990. Ít người nhắc đến thơ Võ Phiến, có lẽ vì mảng thơ của ông bị những khối lượng tiểu luận, nghiên cứu, và sáng tác đồ sộ đè bẹp. Có một bài thơ tôi rất yêu thích: “Sự Chờ Đợi”, viết năm 1995 trong tập Thơ (Thẩn). Bài thơ ngắn lắm, tôi xin phép đọc:

“Nó không hình không sắc
Tuyệt không có tiếng có lời
Nó không có gì. Chỉ là một đợi chờ lặng lẽ
Thế thôi.

Nó là sự chờ đợi từ vô thủy đến vô chung
Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó.
Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tủy của chính mình.
Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.
Nó chờ một con kiến. Nó chờ một con voi.
Nó chờ một hạt bụi. Nó chờ một đoàn quân.

Trên dòng thời gian đang trôi, những kẻ xanh mặt bảo nhau: “Nó chờ.”
Những kẻ mặt xám như tro bảo nhau: “Nó chờ đấy.”
Những kẻ run rẩy, tắc cổ, nghẹn họng thì thào: “Sắp rồi. Nó thôi.”
Trông cái nắng ngoài song cửa, tôi nghĩ: Nó đang chờ.
Nhìn chiếc răng em trắng muốt, tôi thầm nghĩ: Nó đang chờ.
Mắt nhìn con chữ đang thành hình trên giấy, 
                                                    tôi kêu thầm trong trí nhớ: Nó đang chờ.

Sự chờ đợi không lời mỗi lúc mỗi thiết tha
Và mỗi khẩn trương.”
(12-1995)

Đây là Sự Chờ Đợi chung của tất cả chúng ta. Sự Chờ Đợi nằm sẵn trong đời sống. Sự Chờ Đợi rất lớn ấy, tôi đồ rằng nhà văn Võ Phiến đã đến, đã nhìn tận mặt, một cách vinh dự và đường hoàng tự tại, một cách thảnh thơi và an nhiên, một phong cách đặc trưng Võ Phiến.

Hành trình của một người viết, dù dài hơi đến mấy, cũng sẽ có lúc phải chấm dứt. Nhưng hành trình của tác phẩm, thì sẽ vẫn thênh thang, sẽ ở lại với những người cùng thời, sẽ đi đến với những thế hệ sau. Những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến, chắc chắn sẽ ở lại với tôi, với những người viết bây giờ, và những thế hệ tiếp nối, với tất cả niềm trân trọng.

Thứ Năm vừa rồi, nhà thơ Trần Mộng Tú cho biết một thánh lễ công giáo đã được cử hành ở nhà thờ St.Louise, thành phố Bellevue, tiểu bang Washington để cầu nguyện cho linh hồn nhà văn Võ Phiến.

Trong thế giới những người viết, và của riêng tôi, một nghi lễ khác đang diễn ra trong tâm tưởng. Vì văn chương, vốn là trò chơi bất tận, mà cũng là tôn giáo của tôi.

Xin được cám ơn nhà văn Võ Phiến.

 

California, ngày 3 tháng 10, 2015

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

3 Comments (Open | Close)

3 Comments To "Võ Phiến và “Sự Chờ Đợi”"

#1 Comment By black raccoon On 05/10/2015 @ 3:13 pm

Sự chờ đợi

Nói trắng ra là cái chết. Tôi ngạc nhiên, có vài lần tôi xem trên TV chính những người biết mình sắp chết nói chuyện. Người nổi danh như Steve Jobs (đã chết), Jimmy Cater (còn sống). Và nhiều người khác không nổi danh. Họ nói rất bình tỉnh. Họ chấp nhận, họ nhắn nhủ. Thậm chí, họ hài hước về đời sống. Tôi không nghĩ là họ giả dối. Họ đang nói thật nhất lòng mình.

Người Âu Mỹ sống thiên về lý, trong thực tế. Nhưng đồng thời số đông lại có một niềm tin thuộc tâm linh. Hai chuyện gần như trái ngược nhau. Nhưng không, thực tế cho thấy người Mỹ chẳng hạn họ sống không có gì mâu thuẫn nhiều giữa lý thuyết và thực hành. Họ có thể đi đến nhà quàn và nói chuyện về hợp đồng hậu sự cho chính cái chết của họ rất bình thản và vui vẻ.

Tôi nghĩ, có lẽ khi người ta sống tận cùng với lý chứng và tình yêu, không chừng người ta lại vỡ ra cái lẽ vô thường. Người Đông Phương cũng gữi gấm vào câu thành ngữ: tận Nhân Lực nhi tri Thiên Mạng. Những người già ở VN ngày xưa có tiền cũng hay sắm sẳn một cỗ quan tài để đó ngày ngày ra coi … chơi. Tôi không nghĩ là người ta chờ đợi khi trên hành trình cuộc đời người ta đã có và biết rõ mục tiêu mà mình sẽ đến.

#2 Comment By Mot doc gia On 12/10/2015 @ 3:06 am

“một thánh lễ công giáo đã được cử hành ở nhà thờ St.Louise, thành phố Bellevue, tiểu bang Washington để cầu nguyện cho linh hồn nhà văn Võ Phiến.”
Cái này hơi lạ đây! Là một tín đồ Công giáo, trước giờ tôi chưa hề nghe, thấy hay được tham dự một thánh lễ nào gọi là để cầu nguyện cho người quá cố có một “Pháp danh” nào đó (mà không phải là “Tên thánh”).
Nếu tác giả (một tín đồ của “tôn giáo” văn chương, như cô cho biết) không lầm thì kẻ lầm là tôi, khi một thánh lễ công giáo được cử hành để hiệp dâng lời cầu nguyện cho linh hồn nhà văn VP, “Pháp danh” Nhật Trí.

#3 Comment By Trần Mộng Tú On 12/10/2015 @ 10:44 am

Xin trả lời Một Độc Giả

Tôi luôn luôn xin Lễ cầu nguyện cho bạn bè, những người thân qua đời với tôn giáo tôi tin theo.

Tín ngưỡng không có vĩ tuyến,rào cản cho người qua đời. chỉ có người sống mới phân biệt tôn giáo.
Chúng ta không nhiều thì ít, tin là linh hồn người chết cần được hỗ trợ bằng lễ, bằng lời cầu nguyện, bằng tụng niệm.

Tôi hổ trợ linh hồn Võ Phiến bằng tín ngưỡng của tôi, như tôi đã hỗ trợ những người thân, quen khác tôn giáo qua đời. Nhà thờ luôn luôn cử hành thánh lễ. Một cái tên đơn giản đọc lên, không nhất thiết phải có tên thánh hay pháp danh. Đó chỉ là một linh hồn mà thôi.

Tôi đi qua một tai nạn xe hơi trên đường, nhìn thấy cái xác phủ kín bằng tấm vải trắng chưa kịp đem đi, tôi cũng tạt ngay vào một góc khuất nào gần đó,thì thầm lời nguyện ngắn theo tín ngưỡng của tôi cho nạn nhân đó, không cần biết họ theo tôn giáo nào.

Khi tôi tới nhà thờ Công Giáo nơi tôi cư ngụ xin Lễ cầu hồn cho “Nhà Văn Võ Phiến”, người thư ký nhắc tôi: Bà chỉ đề tên của người qua đời, không đề chức vị, danh hiệu, bút hiệu gì cả.Đó chỉ là một linh hồn.

Nếu ông/bà chưa hề xin lễ cho bạn bè qua đời khác tôn giáo bao giờ, thì thử một lần tới “Chùa”, hay “Giáo Đường” xin một buổi “Tụng Niệm” hay xin một “Lễ”cho linh hồn khác tôn giáo, không có Pháp Danh hay Tên Thánh đó xem có bị từ chối hay không?

Tôi tin là không?

tmt