Nguyễn Thành Việt là phó giáo sư (associate professor) hai môn Anh ngữ và Các Nghiên Cứu Mỹ & Dân Tộc tại Đại Học Nam California (USC). Ông là tác giả cuốn Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America (Chủng tộc và phản kháng: Văn chương và chính trị trong nước Mỹ của người gốc Á) (Oxford University Press, 2002). Ông từng được nhận nhiều học bổng và những khóa tu nghiệp của Fine Arts Work Center, Djerassi Resident Artists Program, và Bread Load Writers’ Conference. Truyện ngắn của ông từng được đăng trong các tập san và tuyển tập Manoa, Orchid: A Literary Review, Best New American Voices 2007, A Stranger Among Us: Stories of Cross-Cultural Collision and Connection, Narrative, và Gulf Coast, nơi truyện của ông thắng giải Truyện 2007. [tiểu sử theo DVANonline.org]
Tôi hãnh diện được làm người Việt Nam, nhưng có nhiều khi cũng vì thế mà tôi phải buồn phiền. Lúc này đây là một trong những trường hợp đó, giữa khung cảnh tàn cuộc của cuộc triển lãm “FOB – Nghệ thuật lên tiếng” bị ép uổng phải đóng cửa sớm, buổi triển lãm quy tụ hơn năm mươi tác phẩm của nghệ sĩ Mỹ gốc Việt, do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) ở quận Cam tổ chức. Một tác phẩm nhiếp ảnh, của Brian Đoàn, mang hình chụp một cô gái mặc áo đỏ có ngôi sao vàng – quốc kỳ của nước Việt Nam dưới chế độ Cộng sản – với một pho tượng nhỏ của Hồ Chí Minh đặt bên cạnh cô. Một bộ phận của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lên tiếng, buộc cho tấm hình này – tấm hình mà theo tôi nhìn, biểu đạt một tính cách đa nghĩa – là nó tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản và toàn thể cuộc triển lãm phải bị dập tắt. Trong buổi họp báo mà VAALA đã mượn cơ hội để đưa ra quan điểm xử dụng nghệ thuật như một đối thoại mở và đại diện cho nhiều tiếng nói, vài thành viên của cộng đồng đã tự ý phá hoại đi vài tác phẩm.
Đây chỉ là biến cố mới nhất trong một lịch sử chống Cộng dài sôi động của người Mỹ gốc Việt. Người ta đã bàn cãi rất nhiều chung quanh triển lãm này về những khái niệm như tự do ngôn luận, cách biểu đạt nghệ thuật, chủ nghĩa Cộng sản, những đau thương của người tị nạn, và có nên lẫn lộn nghệ thuật với chính trị không. Những vấn đề đó quá nhiều và dài dòng để tôi có thể thảo luận ở đây. Tôi chỉ muốn nói đến hai chữ “cộng đồng”, từ ngữ quan trọng nhất trong cuộc tranh cãi về buổi triển lãm. Cộng đồng là cái gì đó quan yếu với tất cả mọi người, nhưng người Việt hải ngoại cảm nhận ý nghĩa đó đặc biệt mạnh mẽ. Mọi nhóm thiểu số đều chịu một áp lực phải gắn bó chặt với nhau để đối diện với một xã hội Mỹ lớn lao hơn, và xã hội Mỹ cũng vậy, khi phải đối đầu với đe doạ từ bên ngoài, như vụ 9/11. Khi bị tấn công, người ta thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi quay trở lại cách suy nghĩ “chúng ta chống lại chúng nó”, “đúng hay sai, vẫn là nước của tôi”, và “hoặc trắng, hoặc đen”. Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, cách suy nghĩ “một là bên này, hai là bên kia” đó xoay quanh chủ nghĩa Cộng sản: anh không chống Cộng nghĩa là anh theo Cộng sản, hay anh trưng ra một tấm hình Hồ Chí Minh nghĩa là anh theo Cộng sản. Cứ mặc kệ cái sắc độ xám làm cho mọi sự ra phức tạp, cũng như cứ mặc kệ ý nghĩa của nghệ thuật chính ra là buộc chúng ta phải đối diện với những câu hỏi không thoải mái từ chỗ đứng ở giữa đúng với sai, trắng với đen, chúng ta hay chúng nó, mà mỗi chúng ta đến một lúc nào đó đều buộc phải trả lời.
Nhiều người Việt hải ngoại quay về ý niệm “cộng đồng” để tránh phải giải quyết những câu hỏi phiền phức đó. Đối với họ, cái gì tổn hại đến cộng đồng đều xấu và phải bị trấn áp. Dĩ nhiên, nói như thể vẫn không có gì trả lời câu hỏi: cộng đồng là ai vậy? Tôi từ chối không muốn tin rằng cộng đồng hải ngoại chỉ bao gồm những người to tiếng hò hét nhất, đòi hỏi mọi người phải nhìn nhận sự tổn thương của họ là chuyện quan trọng nhất trên đời này. Họ là một phần của cộng đồng Việt hải ngoại, nhưng cũng còn biết bao nhiêu người khác nữa, với biết bao nhiêu ý tưởng, cảm giác, và cách nhìn cuộc sống khác. Những cách nhìn ấy như thế nào? Tôi không biết, vì có ai nghe thấy những tiếng nói ấy đâu. Người Việt ai cũng sợ nói ra rồi sẽ bị sự hò hét phản đối của nhóm đang tự nhận danh nghĩa là cộng đồng. Cho nên, chúng ta hãy thử quên đi chữ “cộng đồng” và thay vào bằng “các cộng đồng”. Không chỉ có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt, mà có rất nhiều cộng đồng Mỹ gốc Việt, cũng như không phải chỉ có một nước Mỹ, mà có đến 50 bang trong một Hợp chủng quốc, và tầng tầng lớp lớp những cộng đồng nằm trong mỗi cộng đồng, cái nào cũng có một câu chuyện cần phải kể ra. Đó chính là ý nghĩa tối hậu của cuộc triển lãm VAALA.
Sau cùng, nhiều người Việt trẻ tuổi hải ngoại cho rằng chúng ta không nên chống lại cộng đồng, vì điều đó nghĩa là xung đột với các bậc cha anh, người đã hy sinh nhiều cho chúng ta. Tôi yêu quý và tôn vinh cha mẹ tôi, nhưng không có nghĩa là tôi nghĩ lúc nào họ cũng đúng. Cha mẹ tôi chống phá thai, tôi thì ủng hộ quyền chọn lựa của người phụ nữ. Cha mẹ tôi bầu cho John McCain, tôi bầu cho Barack Obama. Lúc gia đình ngồi vào bàn ăn Giáng sinh với nhau, những cái khác biệt ấy thế nào rồi cũng nảy ra trong câu chuyện. Nhưng chúng tôi có lớn tiếng, chửi bới và gọi nhau bằng đủ thứ tên không? Không. Chúng tôi cùng trò chuyện.
Ông Việt thân mến,
Xin ông đừng nhìn vào cái thiểu số du côn chính trị, ngôn ngữ chợ cá của đám các-ông-các-bà-chống-cộng, chống Vaala mấy tuần qua mà bảo đó là cộng đồng Việt tại Quận Cam. Non vài trăm người sao lại gọi là đại diện cho cộng đồng 145,000 người được. Bạn bè tôi, bà con tôi, hàng xóm người Việt của tôi không có hạng người mà không cần biết nếp tẻ, cứ nhảy chồm chồm lên mà chửi rủa, mà mời ông bà ông vãi người ta ra ăn của dơ, mặc quần lót dơ đàn bà mà lấy làm khí thế, không, cộng đồng Việt của tôi không có hạng người đó. Đó chỉ là thiểu số thuộc loại băng đãng chính trị, mù quáng vì lòng thù hận, nuối tiếc dĩ vãng, thích những danh xưng, tước hiệu cũ, mặc áo thụng vái nhau, mơ chuyện hoang tưỡng, và sẵn sàng trét phân vào mặt nhau để dành miếng xôi giữa làng..
Cộng đồng nào? Cộng đồng của nhóm ông Đỗ Vinh hay cộng đồng của nhóm ông Nguyễn Tấn Lạc. Chỉ có mỗi một cộng đồng mà đã có hai lãnh chúa rồi, mà hai vị lãnh tụ này cũng thuộc loại trên bảo dưới không nghe với cả trăm chủ tịch hội ái hữu, phe nhóm. Nghĩa là thêm vài trăm phe hổ lốn, mà các vị chủ tịch đó cũng chẳng có quyền hành gì với đám lâu la, bằng hữu của mình, nghĩa là mỗi nhóm, lại đẻ ra thêm vài chục nhóm lẽ nũa.
Ông Việt à, có rất nhiều nhóm, nhiều tổ chức vô vụ lợi Việt đang hoạt động để giúp đỡ người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, bạn hãy lên web và search Vietnam NGO, đó là cộng đồng Việt của tôi đấy, của những người dấn thân vì lòng vị tha, vì tình người, tình dân tộc. “Chúng ta yêu nhau, trong tình nước Việt”.